Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016


“TUI THƯƠNG ÔNG DIỆM LẮM”

Hoàng Long Hải


Cách đây mấy năm tôi đi Trenton để thăm ông thầy cũ. Ông cũng là hiệu trưởng trường tôi dạy học 10 năm, trước khi tôi nhập ngũ.
Ông tốt nghiệp tiến sĩ toán ở Tây, chức vụ cuối cùng là phó viện trưởng một trường đại học ở nước ta. Những điều nầy không làm tôi suy nghĩ nhiều bằng việc ông từng là người tín cẩn của ông Ngô Đình Cẩn trong ngành giáo dục ở miền Trung, qua đó, ông giúp đỡ không ít cho việc mở các trường Trung học Bồ Đề trong khu vực trách nhiệm của ông, thời điểm phải cạnh tranh với hệ thống trường Thánh Tâm được mở ra rất rộng và rất mạnh. Ông cũng là một Phật tử nhiệt thành, không ít lần giúp ông Trí Quang trình bày với chính quyền VNCH thời ấy, xin giải quyết những khó khăn của Phật giáo do chính quyền địa phương, cấu kết với các ông linh mục địa phương gây ra. Vài sự việc điển hình, tôi đã trình bày trong bài viết về ông Ngô Đình Cẩn.
Nói nôm na, như cách của người Huế, thì ông là “người của cậu Cẩn”, là một trong nhiều người được “cậu Cẩn” tín nhiệm trong các ngành chuyên môn của họ, người thuộc ngành y tế, người thuộc công chánh, người thuộc ngư nghiệp, v.v... Tại sao ông Ngô Đình Cẩn chọn những người “chuyên ngành” như thế để phụ trách các ngành đó, thì tôi đã giải thích trong bài viết về ông Ngô Đình Cẩn rồi. Riêng những cái ghế tỉnh trưởng, quận trưởng, tưởng ty Công An Cảnh Sát thì “cậu” nắm quyền quyết định
"Lãnh chúa miền Trung" Ngô Đình Cẩn (1911-1964)
Nói sơ như thế thì độc giả thấy ông thầy cũ của tôi là người gần gũi ông Cẩn, nhưng tôi chẳng bao giờ thấy ông chứng tỏ có cảm tình với “cậu”. Ngoài ra, chính ông cũng là người, ­ nói một cách bóng bẩy là “chạy trốn khỏi Huế” ­ để tránh câu đe dọa của ông Ngô Đình Thục: “Kỳ nầy tôi về trôi trị cái thằng H.,” “Thằng H.” là tên ông thầy cũ của tôi. Chuyện nầy tôi cũng có kể trong bài viết về ông Ngô Đình Thục, “siêu tổng thống” của nước Việt Nam Cộng Hòa, thời Đệ nhứt. (1)

Nói chung, có thể ông thầy cũ của tôi chẳng có cảm tình gì với anh em nhà Ngô cả, riêng về ông Ngô Đình Diệm, thì ông ấy nói một cách thực tình, tôi nghĩ là thực tình, ­ thầy trò mà có gì phải dối trá nhau ­ rằng “Tui thương ông Diệm lắm!
Cái tình cảm ấy, nói cho đúng, không phải riêng một người. Có thể không ít người Huế cũng “thương ông Diệm” như ông thầy cũ của tôi vậy, và oán hận nhà Ngô cũng ngất trời xanh vậy. Tại sao?
Chiến tranh Việt ­ Pháp bùng nổ ở Huế, nói cho đúng với thực tế, ­ là từ giữa năm 1946, sau khi Tây trở lại Huế, đóng quân ở Morin và dinh Khâm Sứ cũ. Thế rồi “toàn dân kháng chiến”, theo lệnh Việt Minh, dân Huế tản cư hết, số đông về miền quê, ai giàu có nhanh chân thì chạy ra Thanh Hóa, theo lệnh Việt Minh. Từ Huế, Tây đánh ra các phủ huyện, các tỉnh chung quanh. Sau đó, người Huế hồi cư, lục tục kéo về thành phố trở lại, dưới sự kiểm soát của Tây. Phía Việt Nam thì có “Hội đồng Chấp chánh Lâm thời”.
Người Huế chạy tản cư về lại Huế có nhiều tâm trạng khác nhau, đặc biệt là vẫn chống Pháp nhưng không theo Việt Minh được, lý do quan trọng nhất là họ phải có nơi cư trú, sinh nhai. Chạy giặc quanh quẩn ở miền quê, không nhà cửa, không đất ruộng, không buôn bán gì được, làm sao mà sống, nên dành phải hồi cư. Bên cạnh đó, họ cũng sợ chiến tranh, ghét chiến tranh. Tây đi “lùng” làm bao nhiêu điều khiếp đảm: bắn giết bừa bãi, đốt nhà, lấy của, hiếp dâm đàn bà con gái. Trở về vùng Pháp chiếm đóng, tuy trong lòng không muốn, nhưng dù sao thì cũng được an toàn hơn, còn kế sinh nhai qua ngày.
Trong hoàn cảnh đó, người ta hy vọng cái gì ? Hy vọng ở ai ?
Nhìn chung, người ta vẫn có khuynh hướng ủng hộ kháng chiến, nhưng Việt Minh bắt đầu ló ra cái mặt Cộng Sản qua những sự tàn ác, độc tài, thù hận giai cấp, đặc biệt là ghét “người thành phố là theo Tây”... Người ta bắt đầu “sợ việt Minh”, v.v...
Không thể hy vọng Việt Minh. Người ta nghĩ đến nhà Nguyễn. Công lao của 9 chúa 13 vua vẫn còn đó, chưa phai mờ trong tâm trí người Việt miền Nam, huống chi Huế là nơi vua chúa nhà Nguyễn đóng đô đã lâu đời. Tâm lý hoài Nguyễn vẫn còn, văn hóa “quân sư phụ” vẫn còn, tư tưởng Nho giáo vẫn còn... Trong viễn tượng đó, có tin “Quốc trưởng hồi loan”, có nghĩa là ông Bảo Đại, sau khi thoái vị năm 1945, sau một thời gian lưu vong ngắn ngủi, nay lại trở về cầm quyền, cứu dân cứu nước. “Quốc trưởng hồi loan” là một biến cố lớn với người Huế. Tháng Tư năm 1949, Quốc trưởng Bảo Đại trở lại Huế. Sau những cuộc biểu tình cướp chính quyền hồi tháng 8 năm 1945, chưa bao giờ người Huế tập trung đông đảo như thế để đón Cựu hoàng. Từ đầu cầu Trường Tiền, phía tả ngạn lên tới Phú Văn Lâu, người ta đi “chen chân không lọt”, nói theo cách nói thông tục. Bây giờ không gọi là vua, mà gọi là Quốc trưởng, cho có vẻ một chút nào đó “dân chủ” hơn.
Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, vua Bảo Đại (1913-1997), vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn 
Thế rồi người Huế lại thất vọng. Quốc trưởng Bảo Đại tuy có đạt được một số thành quả nào đó, như việc “thống nhất Nam ­ Bắc ­ Trung”. Đất Nam bộ trở về lại với nước Việt Nam. Nhưng trong thực tế, Nam bộ đã trở về với Việt Nam rồi, trong tuyên bố của vua Bảo Đại sau khi Nhựt đảo chính Pháp, trao trả chính quyền cho nước Việt Nam. Nam bộ kháng chiến với sự ủng hộ tài sản của người miền Trung, miền Bắc, với những thanh niên lên đường tham gia kháng chiến Nam bộ.v.v...
Trong thực tế, thành quả của nhà vua vẫn không thấy ở đâu cả. Quốc trưởng nỗ lực chấm dứt chiến tranh, nguyện vọng tha thiết nhứt của dân chúng, vẫn còn mù mịt tăm hơi. Tại thành phố, vẫn còn những cuộc khủng bố, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở thôn quê, vẫn giết người, bỏ tù, đốt nhà, cướp của, hiếp dâm xảy ra trong các cuộc hành quân của Tây. Chính quyền quốc gia đã có nhưng không nắm thực quyền. Quân đội Quốc gia hình thành, nhưng Tây vẫn nắm quyền chỉ huy, dưới cái ngụy danh cố vấn, v.v...
Tuyệt vọng càng cao khi trận Điện Biên Phủ xảy ra, Pháp càng ngày càng bại. Viễn tượng một chính quyền Việt Minh sẽ hiện diện ở Huế làm cho người Huế lo lắng, nhất là sau khi có những cuộc “biên chế” loại bỏ các thành phần quốc gia, trí thức, tư sản, tiểu tư sản ra khỏi hàng ngũ Việt Minh. Tin tức về những hành động tàn ác trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc làm cho người Huế sợ Cộng Sản.
Bấy giờ có tin chí sĩ Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng làm cho người Huế vui mừng, hy vọng.
Cái hào quang “chống Pháp từ quan” của ông Ngô Đình Diệm, câu đồng dao “Đày vua không Khả” giúp ông ta được lòng ngưỡng mộ và yêu mến của người Huế không ít. Người ta cũng hy vọng ông Diệm sẽ là “vị cứu tinh” dân tộc, đuổi quân Pháp ra khỏi bờ cõi và giúp dân xây dựng một đời sống ấm no, hạnh phúc.
Cũng như “quốc trưởng hồi loan” dân Huế lại xuống đường đón mừng “Ngô Chí Sĩ”, “Ngô Thủ tướng”, như biểu ngữ căng ngoài đường phố. Lại từ cầu Trường Tiền lên tới Phú Văn Lâu, người đi “chen chân không lọt” để nghe “Ngô Chí Sĩ” nói chuyện cùng đồng bào.
Ngoài cái “hào quang” như đã nói, ở Huế, người ta yêu mến ông Diệm vì cá tính của ông. Hồi trước 1945, ông sống đơn giản, trong cách ăn mặc, ăn uống cũng như đi lại. Đến khi làm tổng thống rồi, trong tủ sách của ông ở tại nhà, ông vẫn còn giữ những cuốn vở khi ông mới đi học. Ông thích ăn bánh nậm, một món ăn bình dân của người Huế. Vì vậy, sau khi làm tổng thống, ông Cẩn tìm được một bà cụ già làm bánh nậm ngon nổi tiếng ở Huế, đưa vô Dinh Độc lập để “làm bữa ăn sáng cho cụ”. Tiếp chuyện với mọi người ông nói năng nhỏ nhẹ, nhưng vài khi cũng nổi nóng bất tử. Người ta kể lại câu chuyện một hôm ông Diệm tiếp một ông linh mục người Việt Nam. Hai người nói chuyện một hồi, bỗng ông Diệm nổi nóng đuổi ông linh mục ra khỏi cửa. Ông Diệm nói vối ông cha nhà thờ: “Bộ cha tưởng theo Tây là không có tội với Chúa hay sao?” Hiểu chuyện, té ra ông cha nhà thờ có giọng điệu theo Chúa là phải theo Tây, khiến ông Diệm bất bình. Nhưng câu chuyện như thế làm cho người ta hy vọng, ông Diệm biết tách rời quyền lợi của giáo hội La Mã ra khỏi quyền lợi của dân tộc Việt Nam. Dân tộc không thể quì gối trước giáo hội La Mã như mấy ông cha nhà thờ mong muốn.
Vậy mà hơn nửa thế kỷ sau, ngay tại xứ Mỹ văn minh tân tiến nầy, không ít người vẫn còn muốn dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam phải là Dân Chúa, Nước Chúa, và làm như ông Diệm đã làm năm 1959: quì gối trước thánh giá mà “Dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ.”
Người ta vẫn cho ông Diệm là người có khả năng, không phải là khả năng của một người làm cách mạng. Ông Diệm không phải là người như thế. Ông Diệm cũng không có khả năng một người làm chính trị, vì vậy nên khi làm tổng thống, ông Diệm phải dựa vào ông em là Ngô Đình Nhu, khổ nỗi ông Nhu là người giỏi Bá đạo hơn Vương đạo, nên anh em nhà Ngô sớm dẫn nhau vào chỗ chết.
 "Ngô Triều" và "Gia Đình Trị" là hai danh hiệu mà khi nhắc đến thì ai cũng biết là để mô tả chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Chóp bu quyền lực gồm Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Luyện, Ngô Đình Cẫn và Trần Lệ Xuân.
Tài ba của ông Diệm là một nhà hành chánh giỏi, rất giỏi là đằng khác, lại có đạo đức, thanh liêm. Có người nói ông làm tham mưu trưởng thì hay lắm, không làm tư lệnh được. Giả tỉ như có ai làm tổng thống, làm vua, làm quốc trưởng, chọn ông Diệm làm thủ tướng thì tình hình đất nước sẽ rất tuyệt vời. Trên thế giới không ai bằng ông. So với miền Bắc, thủ tướng 20 năm Phạm Văn Đồng là đồ bỏ. Với chức vụ đó, người dân có hoan hô “Ngô Thủ tướng muôn năm” cũng là chuyện thường. Ngoại trừ lần về thăm đầu tiên, ông Ngô Đình Diệm đến giữa đồng bào Huế, nói chuyện trực tiếp cùng đồng bào, những lần sau, có nói chuyện với đồng bào Huế, ông chỉ nói qua đài phát thanh.
Việc đón thủ tướng Ngô Đình Diệm, cũng như sau nầy đón “Ngô Tổng thống” của người Huế, càng ngày càng khác đi. Lần đón ông lần đầu tiên là dân chúng tự ý. Những người theo “phò ông Diệm” thời đó, nhìn đi ngó lại, nhiều lắm cũng chỉ vài chục “ngoe”. Vã lại, họ thuộc tầng lớp trên xã hội, không phải là người trong giới bình dân, nông dân, để có thể vận động đông đảo (tôi nói là đông đảo) dân chúng tham gia việc vui mừng và hy vọng chào đón “Ngô Chí sĩ” về nước cầm quyền.
Nhưng sau lần thứ nhứt “Chí sĩ Ngô Đình Diệm” gặp dân chúng Huế, tại Phú Văn Lâu, thì việc đó không bao giờ diễn ra lần thứ hai. Về Huế, ông đi thẳng một mạch từ phi trường Phú Bài tới nhà ông ở Phú Cam. Người dân Huế và tỉnh Thừa Thiên đón ông vẫn đông, lại có những biểu ngữ hoan nghênh rất lớn, giăng ngang đường. Cái lớn nhứt là biểu ngữ giăng ngay bùng binh đầu cầu Trường Tiền, chỗ khúc quanh từ đường Duy Tân qua đường Lê Lợi với hàng chữ “Nhân dân Quận Phú Vang chào mừng (hay tri ân gì đó?) Ngô Tổng Thống”. Câu biểu ngữ phải nói rõ là “quận Phú Vang”, nhưng dân chúng Phú Vang được thì không được gì cả. Người được có lẽ là ông quận trưởng Phú Vang, được “vua biết mặt, chúa biết tên”. Dĩ nhiên cái lợi đó của ông quận trưởng thì không nhỏ.
Còn dân chúng, sau mấy lần đón “Ngô Chí sĩ”, đón “Ngô Thủ tướng” hay “Ngô Tổng thống”, chẳng thấy làng nước được thêm cái gì, thay đổi cái gì nên cũng chán đi đón “vị lãnh tụ anh minh”, bèn muốn ở nhà. Chỉ muốn ở nhà thôi, nhưng cái muốn ấy không thể thực hiện được. Chính quyền xã, chính quyền quận, và xe thông tin tỉnh đã phát lời kêu gọi đồng bào đi đón “Ngô Tổng thống” với câu thòng: “ai không đi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Trách nhiệm ấy phải trả lời trước công an. Thành ra, sợ ông xã, sợ ông quận, và nhứt là sợ công an... mà người ta phải đi. Sự tình đã quay 180 độ. Trước kia thì tự ý người dân đi đón, bây giờ thì “bị lùa đi”, là câu dân chúng thường nói. Lùa dân đi cho đông để lập công.
Nói như vậy thì ông Diệm không làm gì cho dân chúng Huế cả hay sao ? Có đấy chứ : Về giáo dục.
Học sinh Huế, phần đông là học sinh trường Khải Định, sau khi đậu tú tài, ít ai học cao hơn, nhất là học các ngành có chương trình học lâu dài như kỹ sư, bác sĩ. Rất nhiều người xin bổ dụng làm giáo sư trung học đệ nhứt cấp, một số vào cao đẳng sư phạm ở Hà Nội, trước 1954 hay Saigon, sau 1954.
Ông Diệm thành lập nền Cộng hòa năm 1955, hai năm sau, ông cho khai giảng viện Đại học Huế. Nhờ đó, học sinh Huế, cũng như học sinh các trường trung học miền Trung tiếp tục học đại học ở viện đại học Huế. Cũng không ít nhân tài từ viện đại học nầy mà ra. Cho nên, người Huế biết ơn ông Ngô Đình Diệm khi ông cho mở trường đại học nầy.
Về cấp trung học, Huế cũng mở thêm mấy trường, các tỉnh đều có cấp trung học, trường tư, trường bán công cũng được chính quyền giúp đỡ, v.v...
Bên cạnh đó, nhà máy vôi Long Thọ, nhà máy Nông Sơn, nhà máy đường Quảng Ngãi, cũng được trang bị lại, tăng số lượng sản xuất. Xa vào trong Nam, kế cận Sàigon là khu chế xuất được xây dựng, với nhiều nhà máy do công lao của ông Ngô Đình Diệm mà có, như nhà máy dệt Sicovina, nhà máy giấy Cogido, v.v... Ông Ngô Đình Diệm là người có trí óc xây dựng và mở mang đất nước: Ngoài các ngành tài chánh, công nghiệp với những công ty xí nghiệp chuyên môn, ông còn xây dựng củng cố về quân sự, hành chánh. Do đó, trường Liên quân Đà Lạt trở thành trường Võ bị Quốc gia để đào tạo cán bộ quân sự, và trường Quốc gia Hành chánh đào tạo cán bộ hành chánh. Không rõ hai ngôi trường Đồng Văn và Chấn Võ dành cho du học sinh Việt Nam trong thời kỳ Đông Du của cụ Phan có ảnh hưởng gì tới ông Diệm trong việc đào tào cán bộ quân sự và hành chánh của ông ta ?
Về chính trị, ông Ngô Đình Diệm đã dựng nên một nền Cộng hòa có tam quyền phân lập, có hiến pháp, giống như một chế độ tự do dân chủ Âu Mỹ. Chỉ tiếc là những định chế dân chủ đó, chỉ là hình thức, như người bù nhìn mà không có thực quyền. Thành ra, một chế độ dân chủ mà không có chi là dân chủ cả. Đằng sau cái vỏ dân chủ là một chế độ độc tài và đảng trị, tôn giáo trị.
Tuy nhiên, dù có cái vỏ dân chủ, nhân dân miền Nam vẫn có một vai trò và một lý tưởng thật sự, phát xuất từ sau Hiệp định Genève 1954, thời Đệ nhứt Cộng hòa, kéo dài cho tới bây giờ, khi miền Nam đã không còn. Vai trò và lý tưởng đó là bảo vệ Tự do cho chính Nhân dân miền Nam, và cho Thế giới Tự Do. Từ ý nghĩa đó, Quân đội Việt Nam Cộng hòa trở thành một quân đội có lý tưởng và có một vai trò lịch sử thật sự, không còn mơ hồ như Quân đội Quốc gia dưới thời kỳ Quốc trưởng Bảo Đại. Đó là cái công lớn nhứt của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Những người miền Nam, yêu miền Nam, yêu Tự do và chống Cộng sản Bắc Việt xâm lược miền Nam, có hoặc không tham gia Quân đội Cộng hòa, có hoặc không tham gia chính quyền miền Nam, ắt nhận thấy cái lý tưởng đó của người miền Nam, và phải thừa nhận cái công lao đó của ông Ngô Đình Diệm, không phải là người tạo ra, nhưng chính là người làm sáng lên cái lý tưởng đó của hai nền Cộng hòa của miền Nam Việt Nam.
Vậy thì người Huế bắt đầu “chán” ông Ngô Đình Diệm từ khi nào để đến nỗi “ân biến thành oán” ­ Tấm lòng của người Huế đối với ông Diệm là cái ân cho ông ấy. Tại sao ông lại trả bằng cái oán để cho đến nay oán vẫn chưa dứt. Chưa dứt là phía những người theo ông Diệm, chớ không phải phía người Huế.
Biết bao nhiêu chuyện “trái trăng” xảy ra từ khi ông Diệm cầm quyền. Trước hết là việc truất phế Quốc trưởng Bảo Đại. Người ta không tha thiết chi về cái ghế của ông Bảo Đại. Ông có làm vua như thời cũ, hay ông có làm Quốc trưởng như thời bấy giờ, ông Bảo Đại có làm được điều gì hay, có lợi cho dân cho nước, hay cho đồng bào Huế để mà người ta có thể tiếc rẻ hay không về cái ghế ông ngồi còn hay mất. Lật đổ một ông vua, phạm một lời thề, lời hứa với ông Bảo Đại, việc làm của ông Diệm cũng chẳng có gì đáng chê trách. Những điều ông Bảo Đại không làm được, thì ông Diệm sẽ làm, người ta hy vọng như thế. Nhưng cái cung cách lật đổ ông Bảo Đại do ông Diệm hay đám đệ tử của ông bày ra, chẳng “cao thượng” chút nào. Lời lẽ thì nặng nề. Nào là “hôn quân”, nào là “bợ đít đàn bà” (hình ông Bảo Đại đưa tay bợ đít bà Mộng Điệp, đẩy bà leo lên một tảng đá), hình vẽ thì thô bỉ (vẽ ông Bảo Đại mặt to xôi thịt, bụng bự), lại cho xe thông tin chạy vòng quanh diễn tuồng bêu xấu “Quốc trưởng” chỉ làm vui bọn trẻ con như tôi nhưng không làm vui lòng người lớn tuổi chút nào. Người ta không thích những cái gì quá đáng, quá lộ liễu, cực đoan.
Tâm lý “bảo hoàng” vẫn còn lại ít nhiều trong lòng dân Huế, cho nên những việc tuyên truyền như thế có phản ứng ngược. Những trò bôi lọ như thế là do một đám cán bộ từng sống lâu trong thời kỳ Việt Minh, không tập kết, ở lại miền Nam, cũng đem cái mà người ta gọi là “trò Cộng sản” diễn ra ở Huế mà tuyên truyền cho “Ngô Chí sĩ”, hậu quả làm giảm bớt cái tình cảm người ta dành cho ông Diệm. Trước ngày “Trưng cầu dân ý”, đám cán bộ thời kỳ mới của ông Cẩn lại bày ra câu bùa “Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì” làm cho người ta càng thêm bất mãn.
Người ta vẫn tiếc, tại sao không thể ông Diệm vẫn cứ cầm quyền mà không phải “lật đổ ông Bảo Đại”. Người ta nghĩ tới một chế độ quân chủ lập hiến hay cái gì khác? Không mấy ai bàn tới một chế độ như thế nào, nhưng điều người ta muốn là có sự trọn tình, trọn nghĩa với nhau, không cạn tào ráo máng. Chuyện cạn tào ráo máng của ông Diệm đâu có phải chỉ với ông Bảo Đại. Bao nhiêu người ủng hộ ông Diệm, hoan hô ông Diệm khi “Ngô Chí sĩ” về nước chấp chánh bị ông đối xử như thế nào?
Việc ông Diệm về nước cầm quyền, ở miền Trung, cá nhân hay đảng phái, tu sĩ, tôi không nói tôn giáo ­ không có ai chống. Có lẽ việc dân chúng đón mừng ông lớn quá, khiến ai muốn chống cũng e ngại. Nhưng chống hay không, về sau không ít người vô tù.
Chẳng hạn như chuyện ông Trần Điền. Mới làm thủ tướng ít lâu, ông Diệm về thăm Huế rồi ra thăm Quảng Trị, cách Huế 60 km, nơi có phủ Hải Lăng, ông Diệm từng làm tri phủ ở đây. Người dân Quảng Trị đón ông Diệm nồng nhiệt không kém gì dân Huế. Ông tỉnh trưởng Quảng Trị Trần Điền tổ chức lễ đón “Ngô Thủ tướng”. Ông Diệm hớn hở, khen ông tỉnh trưởng, hứa hẹn cất nhắc lên làm Thủ hiến Trung phần (danh xưng hồi ấy). Ngay khi đó, đảng Đại Việt, có nhiều đảng viên là cấp chỉ huy trong lực lượng Nghĩa Dũng Đoàn, lực lượng quân sự của thủ hiến Trung phần thời ấy, cũng chưa có biểu hiện gì chống ông Diệm. Ông Trần Điền cũng không phải là người của đảng Đại Việt. Cuối cùng, lực lượng Nghĩa Dũng Đoàn kéo lên Ba Lòng, chống ông Diệm. Đây là một lực lượng quân sự chống Cộng hữu hiệu nhứt, giống như lực lượng Cao Đài của tướng Trình Minh Thế, dần dần mất đi cái khả năng của mình.
Chuyện ông Diệm phản bội những người từng ủng hộ ông lúc ban đầu, sau dần dần bị ông giết chết ở trong Nam, như chuyện ông Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Phan Châu... người Huế ít biết tới, không thì người ta cũng trách xứ ông Diệm lắm. Sau khi làm tổng thống, ông Diệm lo xây dựng các khu trù mật, dinh điền; công việc ở miền Trung, hình như ông giao khoán cho cậu Cẩn. Thành ra, ông có về Huế là về thăm gia đình, không phải thăm đồng bào Huế, ông sợ dẫm đạp lên công việc của ông em hay sao ?
Một thời, người ta bàn tán không ít về việc xây lại đập Thuận An. Thời Pháp thuộc, Tây cho xây đập Thuận An, để ngăn nước mặn vào ruộng. Khi quân Pháp chiếm đóng Huế, họ cần tiếp tế từ Đà Nẵng chở ra, bèn phá đập Thuận An để tàu sắt quân đội đi lại dễ dàng, khỏi phải đi vòng ra cửa Tư Hiền, xa cửa Thuận An những 40 Km. Bấy giờ hòa bình, cần tăng gia sản xuất, càng phải đắp lại đập Thuận An để ngăn nước vào ruộng như thời trước chiến tranh. Việc bàn đi bàn lại mấy năm không xong. Lợi dụng cơ hội đó, bọn Việt Cộng nằm vùng bèn tung tin, giao cho “cụ Hồ” chỉ vài tháng vận động quần chúng tham gia là xong ngay. Cuối cùng, ruộng đồng dân chúng vẫn bị nhiễm mặn, dân vẫn kêu ca. Cái lợi không đứng về phía chính quyền miền Nam, mà có lợi cho Cộng Sản ở bên kia vĩ tuyến, cũng có kẻ “vọng Hồ”.
Thực tế, miền Nam không có chi gọi là dân chủ, tự do cả. Mọi việc chỉ gom vào có hai chữ Thâu Tóm: Thâu tóm Quyền Lực và thâu tóm Quyền Lợi. Mọi quyền lực ở miền Trung đều Thâu Tóm vào tay “cậu”, mọi quyền lợi cũng Thâu Tóm vào tay “cậu”. Như nói ở trên, ai làm tỉnh trưởng tỉnh nào, ai làm quận trưởng quận nào, ai làm phó tỉnh trưởng nội an (tức tiểu khu trưởng, khi tỉnh trưởng là dân sự), ai làm trưởng ty Công An cảnh sát ở đâu, đều từ tay “cậu” mà ra cả. Ấy là thâu tóm quyền lực. Thâu tóm quyền lợi thì gồm có độc quyền mua bán như gạo, xăng dầu, hàng hóa xuất nhập cảng, quế Quảng Nam, thầu cung cấp, thầu xây dựng đều ở trong tay “cậu” hết. Về gạo thì có ông H.Gi. H., độc quyền miền Trung là “người của cậu”, xây dựng thì vào tay “Bà cả Lễ” nên mới xảy ra những vụ giết người, bắt người khảo của như vụ nhà thầu Nguyễn Đắc Phương, ông Hồ Vinh, Võ Văn Quế, Ngô Đa Hiếu,... tôi đã viết trong “Chuyện Ba Bà”.
Không phải vô tình mà người ta gọi “cậu” là “lãnh chúa miền Trung.” Người đáng thương là ông Diệm. Giao cho em một số quyền hạn, có lẽ ông Diệm muốn em ông giúp ông cai trị miền Trung. Cai trị theo cung cách “thâu tóm” như thế, nên có người nghi ngờ ông Diệm, cho rằng ông đã lên ngôi cửu ngũ, nên cùng anh em chung hưởng ngai vàng, phú quí, chia nhau quyền lợi để sống một đời sung sướng. Khi chia quyền cho “cậu Cẩn” cai trị miền Trung, có lẽ trong thâm tâm ông Diệm không có cái ý ấy !
Dù sao, dưới thời “lãnh chúa” cũng còn dễ thở một chút hơn dưới thời ông Tổng Giám mục Ngô Đình Thục khi ông nầy vác thánh giá lên đồi Jira.
Trên con đường từ Ngã Ba Thánh Giá qua dốc Bến Ngự, bên sườn đồi, phía Đông, có một cái nhà lầu hai tầng lớn lắm của ông Pháp Lang Sa nào đó, xây từ trước 1945. Ông Tây nầy chắc đã về Tây, ngôi nhà lầu nầy, trên danh nghĩa là bán lại cho Đức Cha, thực chất, chính là việc nhờ đức cha “giúp đỡ”, để mấy ông Tây tư bản được chuyển tiền về Tây, vượt qua thủ tục hối đoái rắc rối của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Ấy là người ta đồn như thế. Ngôi nhà lầu vừa to vừa đẹp, được trang bị lại toàn đồ ngoại quốc, sản xuất bên Tây, bên Ý, v.v... Sau khi nhà Ngô sụp đổ, dân chúng đổ xô “đi xem lầu Jira”, ngôi nhà của đức cha. Ai ai cũng trầm trồ, “tu hành chi mà sướng quá. Không đi tu cũng uổng.”
 Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục (1897-1984), người anh cả quyền uy nhiều tham vọng chính trị của gia đình họ Ngô, đã từng dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ. 
Anh em nhà Ngô có hiếu đễ. Tuy ông Thục không phải là anh cả, nhưng ông Ngô Đình Khôi chết rồi, cái ngôi vị đó thuộc về ông Thục, thứ hai (kể theo ngoài Trung), thành ra ông Thục trở thành anh cả, “quyền huynh thế phụ”. Ông ta muốn gì, nói gì, ông Diệm cũng nghe theo, làm theo. Bên cạnh đó, những năm ông Diệm từ quan, lại nhằm lúc ông Ngô Đình Thục làm hiệu trưởng trường Providence (tên sau nầy là Thiên Hựu), có dành cho ông Ngô Đình Diệm dạy ít giờ ở trường nầy, không biết dạy môn gì, cũng kiếm được chút ít tiền dằn lưng.
Năm 1960, ông Ngô Đình Thục về Huế làm Tổng Giám mục địa phận Huế, biết cái uy thế của ông Thục đối với ông Diệm, nên “thiên hạ” bỗng kéo nhau xin vô ra tòa Tổng Giám mục, ở bên cạnh cầu Phú Cam, mà không tới nhà “cậu”, cũng ở cùng đường, nhưng xa hơn phía trên một chút, gần đường xe lửa xuyên Việt. Chuyện không phải đường đi xa hơn hay gần hơn, điểm chính là được lợi ít hơn hay nhiều hơn. Chung qui, cũng chỉ một chữ lợi mà nhà “cậu” vắng khách, còn bên phía Tòa Tổng Giám Mục, có cầm chổi chà mà đuổi, “thiên hạ” vẫn cứ tranh nhau mà vô. “Thớt có tanh tao ruồi mới đậu, Gan không mật mỡ kiến bò chi?!” Ấy là đám cụ Phan Chu Trinh gọi là ong kiến vậy.
Khi ông Diệm chưa về cầm quyền, “cậu Cẩn” còn hàn vi, nhà “cậu” vắng hoe. Thậm chí mấy ông công chức, cảnh sát, công an, sĩ quan quân đội... quê ở Phú Cam, cùng xóm làng với “cậu” cũng chẩng mấy ai lui tới. Họ sợ đấy! “Cụ Ngô” có tên trong sổ đen hay chăng? Cụ Ngô là người “chống Tây” ­ chống Tây nên mới từ quan, cách nghĩ thông thường là vậy. Cụ Ngô lại có quan hệ với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, “linh hồn phong trào Đông Du”, cũng lại là người chống Tây. Lãnh đạo phong trào Đông Du là cụ Phan (Bội Châu), đang bị giam lỏng ở Bến Ngự. “Đi ba bước” là từ nhà cụ Ngô là tới nhà cụ Phan. Một đám trí thức Huế, con cháu các nhà cách mạng, như cụ Võ Như Nguyện, ­ con cụ Võ Bá Hạp, đồng chí với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế ­, lại là người ủng hộ “Ngô Chí sĩ”. Qua cụ Võ Như Nguyện, người ta thấy có một sự quan hệ nhiều phía, mà phía nào cũng có tính chất “cách mạng”: Cụ Phan Bội Châu, Kỳ Ngoại hầu, Ngô Đình Diệm mà phía sau lưng Kỳ Ngọai hầu là Nhựt Bản. Nhựt từng cứu cụ Ngô khỏi bị Tây bắt... Tây đang cai trị, (trước 1945), Tây đang chiếm đóng, (sau 1945) vậy thì quan hệ với cụ Ngô hay vô ra nhà cụ Ngô đều “nguy hiểm”. Vã lại, “vô ra nhà cụ Ngô liệu cha có bằng lòng không?” Quyền lợi của giáo hội La Mã có bao giờ không liên hệ “chặt chẽ” với quyền lợi của Tây. Đức cha Phạm Ngọc Chi đã nói: “bao giờ người da trắng còn hiện diện ở đây thì họ còn cần đến ta!”
Nhưng khi “đức cha” chưa về Huế, đám người nầy đã lân la đến nhà “cậu”. Thớt đã “tanh tao” rồi đấy. Nhưng với “cậu” dù thêm một chữ “Đ” (2) cũng chưa đủ mạnh. Đến khi “đức cha” về “cầm quyền” ở miền Trung rồi thì đám khuyển mã nói trên vây chung quanh “đức cha”. Cũng từ đó mà việc kỳ thị tôn giáo càng mạnh hơn, như việc mấy ông thầy chùa ở Phú Yên chẳng hạn. (3)
Ở Mỹ, có lần ông Đặng Sĩ nói vơi ông Cao Xuân Vĩ (? hay ông nào đó) rằng “đức cha” không dính líu gì tới vụ đàn áp Phật tử ở đài phát thanh Huế đêm 8 tháng 5 năm 1963. Trong khi đó thì ngược lại, “đức cha” từ hồi đó, đã nhận có chủ mưu trong vụ nầy. Chuyện là như thế nầy.
Sau vụ “đài phát thanh” mấy hôm, “đức cha” tổ chức một cuộc nói chuyện về vụ “đài phát thanh ở rạp ciné Morin Huế”. Trong buổi nói chuyện đó, “đức cha” bảo rằng Việt Cộng nhân việc tập trung của Phật tử để quăng lựu đạn.
Nói vậy cũng hơi kỳ. “Đức cha” không phải là chính quyền, cũng không thuộc cơ quan tình báo, an ninh, công an... thì làm sao “đức cha” biết quả lựu đạn ném vào Phật tử hôm đó là do Việt Cộng? “Đức cha” là người tu hành, mắc chi “đức cha” lại dính líu vô việc quăng lựu đạn nầy là việc của chính quyền? Một số giáo chức, trong số có tôi và bạn bè, đi nghe “đức cha” nói chuyện xong, về lại trường, kháo với nhau: “Đức cha tự thú đó”, “Đức cha “lạy ông tui ở bụi nầy”. Chưa kể là hôm đó có người bị công an bắt vì dám nêu thắc mắc với “đức cha”. Ông ra lệnh đàn áp, hay ít ra ông cũng đồng ý đàn áp theo đề nghị của đám tay chưn bộ hạ, và ông tập trung đồng bào nói chuyện như thế ông tưởng rằng ông “cứu đệ tử”.
Nói chung, ông Ngô Đình Diệm làm “đồng tổng thống” chớ không phải làm tổng thống, bởi vì lúc đó, chính quyền Đệ nhứt Cộng hòa có nhiều tổng thống, chớ không phải chỉ có một mình “tổng thống Ngô Đình Diệm mà thôi đâu.
Thật vậy, độc giả đọc đoạn thư sau đây, thư của cụ Võ Như Nguyện, gởi cho đồng nghiệp cũ là cụ Hoàng Đồng Tiếu, thì biết ngay. Chuyện nầy ở Huế có lẽ nhiều người cũng nghĩ như vậy, bởi vì khi họ gọi ông Ngô Đình Cẩn là “lãnh chúa” tức là coi ông như một tổng thống rồi. Lại khi ông Thục về Huế, giành lấy cái quyền của ông Cẩn, thì ông Thục không là một tổng thống nữa hay sao ?
Tóm tắt Cụ nói: “chú Cẩn và thím Nhu có nhiều lỗi lầm, các vị Linh mục và cả Đức cha nữa cũng lầm lỡ, nhưng Nguyện là nho học, Nguyện có biết câu “Gia nan thiện hạ dị” không? “Chuyện nhà là vậy, khó giải quyết mau, để lần lần sửa chữa, nếu gấp, mau sẽ lâm vào cảnh “Bì oa trữ nhục” của Nguyễn Nhạc, Huệ, Lữ, tôi biết cả và cũng vì bọn làm việc chung quanh cái gì cũng chạy đến thưa trình với chú Cẩn, chú thím Nhu, Đức Cha. Tôi đã từng la rầy họ chỉ có một Tổng thống thôi như Nguyện đã biết.”
Đối với anh em, ông Diệm là người cả nể hay nhu nhược ?
Nói sao cũng được, nhưng quả tình ông ta bị anh em ông xâu xé nhiều quá, khiến ông ta trở thành cái xác chết thảm trong xe M­113.
Đừng quên, bản chất ông Diệm là một ông quan của triều đình, một “phụ mẫu chi dân”. Ông có đánh dân, theo cách nghĩ của ông, cũng như cha mẹ đánh con, chỉ là giáo dân, và cũng thương dân và dân cũng thương ông như con cái phải thương cha mẹ vậy. (4). Dù ông có đi Tây, đi Mỹ, tâm lý ông cũng không thoát ra khỏi Đạo Nho mà ông rất ngưỡng mộ. Đối với ông, tứ thư, ngũ kinh hay ho cao siêu hơn cả Lư Thoa hay Mạnh Đức Tưu Cưu. Cũng vì những tư tưởng đó, vì “huynh đệ như thủ túc” mà ông chết thảm vì anh em ông vậy.
Bởi vì bản chất là một ông quan, một phụ mẫu chi dân, nên ông nghĩ ông có quyền tuyệt đối với dân, khi ông quan trở thành ông vua.
Cách đây hai năm, tôi đi Canada để thăm một ông anh bà con. Ông mới đến định cư ở Montréal sau khi ở “tù cải tạo” hai mươi năm với cái “án tù chung thân được giảm khinh”, trong vụ án chung với ông Tuệ Sĩ, ông Trí Siêu. Hỏi anh sao không di tản hồi 30 tháng Tư có sướng hơn không? Anh bảo: “Đi cũng được, nhưng không lý không còn chống Cộng nữa sao?” Tôi cười nói: “Qua đây, người ta cũng chống Cộng đấy, chống Cộng bằng mồm, cho thật to để mai mốt có về lại trong nước, tham gia chính quyền cũng được một chỗ ngon.” Nghe tôi mai mỉa như thế, anh ấy chỉ cười. Trong cái âm mưu tranh quyền sau nầy, người ta cần bôi đen cái nầy, đánh bóng cái kia. Ấy là đánh bóng ông Ngô Đình Diệm, dựng lại cái hồn ma ấy, gắn cho nó một tinh thần, gọi là “Tinh Thần Ngô Đình Diệm”.
Về tinh thần ấy, trong hồi ký “Sống Còn Với Đất Nước”, ông Hà Thúc Ký, lãnh tụ đảng “Đại Việt Cách Mạng” viết như sau, về thời gian ông mới ở tù về, sau biến cố 1­11­1963:
“Người đồng chí đến thăm tôi đầu tiên là anh Nguyễn Văn Mân. Anh Mân ôm lấy tôi chảy nước mắt, làm tôi cảm động và nhớ mãi đến bây giờ. Ngoài những cuộc thăm viếng của bà con, bạn bè, anh em đồng chí, tôi còn có một cuộc tiếp xúc đặc biệt, với một nhân vật quan trọng dưới chế độ Diệm là người đã trực tiếp giam giữ tôi, đó là Bác Sĩ Trần Kim Tuyến. Nhớ lại quãng đời tù tội ở trại Lê Lợi, sống như con vật trong sở thú, lẽ ra tôi phải qui trách nhiệm giam giữ chính trị phạm một cách khắt khe vô nhân đạo như thế cho Bác Sĩ Tuyến, nhưng lạ lùng là tôi thấy lòng mình dửng dưng, bình thản, không vướng bận một chút trách oán nào cả. Về sau chúng tôi trở thành bạn. Mấy năm trước đây, có dịp gặp ông Vĩnh Phúc, tác giả tập sách “Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm”, không biết câu chuyện mà ông Tuyến kể lại về sau nầy có phải là huyền thoại hay không, nhưng tôi nghe nói hôm tôi vừa bị bắt, ông Tuyến vào trình ngay với Tổng Thống Diệm thì ông ra lệnh: “Giết đi”. Ông Tuyến được lệnh nhưng chưa thi hành ngay vì nghĩ rằng với một thành phần quốc gia chống cộng như tôi mà xử sự như vậy thì quá đáng. Hôm sau, ông Tuyến vào dinh trình lại thì ông Diệm đổi ý: “Đem giam”. Tôi thường nghe những người thân cận ông Diệm nói lại là tính ông Diệm hay thay đổi bất thường, lại ưa tin dùng con cháu các quan lại đồng triều với ông ngày trước. Có thể nhận xét nầy đúng với sự thật. Các anh Hồ Đắc Khương, Tôn Thất Thiện, Võ Văn Hải, Hà Thúc Luyện, Cao Xuân Vĩnh, Cao Xuân Linh, v.v...đều là con cái các vị đại thần triều trước. Như vậy, việc thay đổi quyết định đem giết đi và đem giam lại chỉ qua một đêm của tổng thống Diệm phải chăng liên hệ đến tình cảm đồng liêu của ông Diệm với thân phụ tôi ngày trước, lúc cùng làm việc cho Nam Triều. Lúc ông Diệm làm Quản Đạo Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận thì thân phụ tôi làm Quản Đạo Kontum. Đến khi ông Diệm đổi đi làm Tuần Vũ tỉnh Bình Thuận, thị xã Phan Thiết thì thân phụ tôi về làm Quản Đạo Phan Rang thay thế ông. Thời gian ông Diệm về làm Thượng Thư Bộ Lại, thân phụ tôi đổi về làm Tham Tri Bộ Hình, rồi chuyển qua làm Tham Tri Bộ Lại thì ông Diệm từ chức. Kể lại chuyện cũ đổi cái án “đem giết đi” bằng cái án “đem giam lại” của ông Diệm cũng là một cái ơn đối với tôi, nhưng tôi không thể không nêu lên nhận xét là ông Diệm đã phế bỏ chế độ phong kiến để xây đắp nền móng cho thể chế Cộng Hòa, thì sao lại tự chuyên dành quyền xét xử và định tội của tòa án? Sau nầy, ông Ngô Đình Luyện và một số những người cũ của chế độ Diệm định xướng lên phong trào “Bảo tồn tinh thần Ngô Đình Diệm”, vậy tinh thần Ngô Đình Diệm có gì khác biệt với tinh thần vua chúa thời xưa. Vua muốn là Trời muốn, tha ai giết ai tùy tiện, không đếm xỉa gì đến nguyên tắc phân lập giữa hành pháp, tư pháp, và lập pháp.”
(Sống Còn Với Đất Nước ­ Hà Thúc Ký trang 248, 249, 250)
Hoàng Long Hải
GHI CHÚ:
(1) Khoảng đầu hay giữa năm 1962, “tổng thống” dự định cải tổ nội các. Có hai ông Huế được đưa tên thăm dò. Ông dân biểu l/s L.T.Q. sẽ nắm ghế “bộ trưởng phụ tá Quốc phòng”. Ông NVH., giáo sư cử nhân, giám đốc nha đại diện Giáo dục Trung nguyên Trung phần sẽ nắm ghế bộ trưởng Quốc gia Giáo dục.
Dư luận Saigon về ông thứ nhứt : Nhắm bộ hết người hay sao mà đưa một anh lính ba gai làm bộ trưởng quốc phòng. (Bởi vì ông nầy bị động viên khóa 2/ Thủ Đức. Trong thời gian thụ huấn, đánh lại tên cán bộ người Pháp, nên khi tốt nghiệp, thay vì loon thiếu úy, ông ta chỉ có loon trung sĩ, về làm ở văn phòng tướng Pháp tư lệnh Miền Trung. Bộ tư lệnh nầy ở trên đường Duy Tân Huế, thường gọi là lầu ông Sáu).
Dư luận Saigon về ông thứ hai : Việt Nam không có ai tài giỏi hay sao mà đưa một anh cử nhân làm bộ trưởng Giáo dục. Cả hai ông đều bị xù.
Sau đó, một hôm, Ngô Đình Thục gọi ông NVH. tới tòa Tổng Giám Mục, bảo: “Tôi sẽ cho anh làm bộ trưởng Giáo dục, nhưng anh phải “trở lại đạo.” Ông nầy hoãn binh : ­ “Thưa đức cha, con là giám đốc ngoài nầy thì được. Làm bộ trưởng, vô trong đó, con sợ có nhiều khó khắn. Đức cha để cho con coi lại.” Một tháng sau, ông Ngô Đình Thục đi Saigon về. Hai người đứng đón ông Ngô Đình Thục tại chân cầu thang máy bay ở phi trường Phú Bài, một bên là linh mục Nguyễn Văn Thích, một bên là linh mục Nguyễn Văn Thuận, (sau nầy là hồng y, gọi ông Ngô Đình Thục bằng cậu). Tới chân cầu thang, ông Ngô Đình Thục nói với hai ông linh mục: ­ “Kỳ nầy về tôi trị thằng H., Tôi cho nó làm bộ trưởng mà nó giám chống tôi.” Ông linh mục Nguyễn Văn Thuận về nhà nói ngay với mẹ, bà Ấm, tên là Ngô Thị Hiệp, để bà Ấm kịp báo cho “cậu” hay. “Cậu” gọi ông NVH., lên cho biết và dặn: ­“Đức cha mà làm, không ai cản được. Anh đang xin du học bên Tây, thôi vô Saigon làm hồ sơ cho mau mà đi.”
(2) “Một Đ mới đứng ngoài sân / Hai Đ mới được bước chân vô nhà / Ba Đ con cháu ruột rà /  Bốn Đ là chủ, là cha trên đời” .
Giải thích :  a)­ Một Đ là đoàn viên thuộc “Phong Trào Công Chức Cách Mạng Quốc Gia”, “Thanh Niên, Thanh Nữ Cộng Hòa”, “Phong Trào Giáo Chức Cách Mạng Quốc Gia”, v.v… b)­ Hai Đ là đoàn viên các phong trào nói trên, cộng thêm Đảng viên đảng Cần Lao. c)­ Đ thứ ba là Đạo, người đã có đạo Thiên Chúa hay phải xin “rửa tội” theo đạo. d)­ Bốn Đ: Đồng hương, cùng là dân Quảng Bình với cậu Cẩn. Những người không có chữ Đ nào, hoặc chỉ một Đ mà thôi thì dù có chức, dần dà sẽ bị mất chức, chỉ còn lại nhân viên, sĩ quan thường, “ngồi chơi xơi nước”. Ở ngành công an thì nguy hơn, muốn yên thân cũng không được, bị thuyên chuyển, “phát vãng” lên cao nguyên: Kontum, Pleiku, Bamêthuột, v.v... Ông Lê Xuân Nhuận là một trường hợp tiêu biểu. Ai là công chức, sĩ quan mà thường đi chùa, hoạt động cho Phật giáo thì căng hơn, bỗng nhiên có giấy... thuyên chuyển khỏi miền Trung, còn như chuyện lên loon, thăng quan, tiến chức thì khó lắm. Những nhân vật chung quanh “cậu” phần đông là ngưòi Huế, người miền Trung, ngoài những “tiêu chuẩn” chữ Đ như vừa nói ở trên. Không có ai là người Bắc.
Ngay cả những người Bắc giữ chức vụ giám đốc ở Huế, như ông Nguyễn Hân, Trịnh Lâm, giám đốc nha Thông tin, thì cái ghế cũng ngồi không bền. Còn như ông Võ Thu Tịnh, làm giám đốc nha Thông Tin những năm 1956, 57 thì cũng phải vào Saigon sớm vì ông nầy gốc là Việt Nam Quốc Dân Đảng, ngồi lâu sao được!
(3) Vụ Phú Yên. Sau khi ông Ngô Đình Thục thay vai trò “lãnh chúa miền Trung” của ông Ngô Đình Cẩn ít lâu thì xảy ra vụ đàn áp các ông thầy chùa ở Phú Yên. Trong suốt 9 năm chống Pháp (1945­54), Tây không chiếm đóng Phú Yên được. Vùng này được gọi là vùng Việt Minh. Việt Minh thì gọi là “vùng tự do (?)”. Từ trước 1945, Bình Phú (Bình Định – Phú Yên) được xem là “đất cách mạng”. Người dân tự hào với những nhà cách mạng nổi tiếng như Trương Tử Anh, Tạ Chương Phùng. Sợ ảnh hưởng của các nhà cách mạng nầy đối với dân chúng nên chính quyền Diệm phải “cảnh giác cao” (nói theo cách Việt Cộng). Sau khi nắm được quyền bính, để củng cố “ngai vàng”, anh em nhà Ngô bắt đầu loại trừ đối lập và cả những người từng ủng hộ ông Ngô Đình Diệm khi ông mới về nước, nay không đồng ý với việc ông ta làm. Việc đàn áp chính trị tiến hành song song với chính sách kỳ thị Phật giáo. Ông Ngô Đình Thục, cùng các linh mục địa phương có những biện pháp đàn áp mạnh bạo, cùng với sự tiếp tay của các viên chức chính quyền địa phương, từ tỉnh trưởng đến xã trưởng mà phương tiện bạo lực là Công an. Ở Phú Yên một số nhà sư bị Công An bắt. Đại diện Phật giáo ở tỉnh Phú Yên chạy ra chùa Từ Đàm cầu cứu. Ông Trí Quang nhờ ông NVH., “người thân cậu của cậu” báo cáo với “cậu” để xin cứu xét. Ông NVH., sau khi trình với cậu, “cậu” nói: ­ “Việc nầy là của “đức cha”. Từ ngày “đức cha” về đây (Huế­ tg), “đức cha” coi tôi có ra chi mô! Thôi, anh vô (Saigon – tg) trình với cụ. Cụ nói với “đức cha” được.” Ông NVH. Vô Saigon, trình với “tổng thống”. Tổng thống nói: “Tại răng không bắt mấy ông cha ni bỏ tù, mà lại bỏ tù mấy ông thầy chùa?” Tổng thống hứa xem lại, nhưng việc không được giải quyết gì cả. Ở địa phương, tiếng nói “đức cha” được người ta ngoan ngoản tuân theo. (Do chính ông NVH kể lại cho tg)
(4) Trước hết, xin nói chuyện “ăn mừng sinh nhật Ngô Tổng Thống”, dĩ nhiên là chuyện vui, kỷ niệm học trò. Không ít bọn học trò Huế cỡ tuổi tôi biết ngày 3 tháng giêng là ngày “sinh nhật Ngô Tổng Thống.” Hồi ấy, khoảng các năm 1956, 57...Ai học giỏi, xuất sắc thì “đại diện cho trường” đi Saigon, vô dinh Độc lập, “ăn mừng sinh nhật Ngô Tổng Thống”. Các học sinh đó thuộc các trường Quốc Học Ngô Đình Diệm (tên hồi ấy), trường Đồng Khánh Huế, trường Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), trường Võ Tánh (Nha Trang), trường Chu Văn An, Võ Trường Toản (Saigon), trường Phan Thanh Giản (Cần Thơ), v.v...Phải là học trò trường công mới được chọn. Tổng thống tiếp khoảng trên một trăm học sinh ở phòng tiếp tân dinh Độc Lập. Bàn kê dài, học sinh ngồi hai bên. Tổng thống ngồi ở đầu bàn.
Một người bạn thân của tôi, đại diện trường Quốc Học Ngô Đình Diệm, tham dự lễ “sinh nhựt Ngô Tổng Thống” kể lại:
 “Ông đi quanh bàn, hỏi thăm từng học sinh: “Học trường mô? Con ai?” Khi hỏi tới hai cô gái họ Lữ, cũng học sinh Quốc Học, ông hỏi có phải con ông Lữ Mông Liên? Ông nầy làm thừa phái ở phủ Hải Lăng, khi ông Diệm làm tri phủ ở đây.” “Ông tổng thống kể: “Khi tôi làm tri phủ Hải Lăng, tôi lo đào kinh Vĩnh Định để cho dân có nước làm ruộng, thêm ruộng cho dân. Từ phủ Hải Lăng theo đường Mỹ Thủy đi về hướng Đông,… tới bụi tre thì rẻ phải,… tới cái miếu...rẻ trái là tới chỗ đào kinh.” Người bạn tôi nói tiếp, vẻ kính trọng: “Đường đi trong phủ Hải Lăng mà ông thuộc lòng.” Tôi nghĩ, người làm quan như vậy mà nói là “không lo cho dân” sao được! Vì lo cho dân nên ông đi nhiều, biết nhiều. Làm quan phải biết lo cho dân. Ai làm quan cũng phải biết điều ấy, nếu muốn là ông quan giỏi.
Người bạn kể: “Ông ngồi ở đầu bàn, nói chuyện cho học sinh nghe: “Tụi địa điểm trưởng Dinh Điền, dân không chịu làm ruộng mà không biết làm răng. Tôi thì tôi lấy hèo phết vô sau đít.” Người bạn tôi nói thêm: “Đúng là giọng quan tri phủ, không phải cách nói của ông tổng thống nước dân chủ.
Nói như thế là phê phán “Cụ Ngô”, bản chất là ông quan của triều đình. Làm tổng thống, tức là đứng đầu một nước dân chủ, không thể đánh dân được. Nhưng quan huyện đánh dân vì phải “giáo dân”, tức là phải dạy dỗ cho dân, như “phụ mẫu chi dân” hay cha mẹ đánh con là dạy con vậy.
Việc ấy không sai, nhưng tình hình ấy đã qua hàng chục năm rồi, sau khi ông Bảo Đại thoái vị. Bây giờ mà “Lấy hèo phết vô sau đít” thì quả là lạc hậu, nhưng trong cách nói như thế, ông Diệm vẫn còn có cái ý tưởng dạy dân chứ không phải ghét dân. Dù ông không làm vua mà làm tổng thống, tổng thống một nước tự do dân chủ có hiến pháp đàng hoàng. Ông từng đi Tây, ở Mỹ, nhưng hình như tình cảm, tư tưởng của ông Diệm chưa thoát ra khỏi bốn lũy tre làng.


Nguồn: VietnamDaily.com số 6678 (27-10-2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét