Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015


VÀI KINH NGHIỆM TRONG NHẬN THỨC VÀ 
TU TẬP CỦA MỘT PHẬT TỬ̉

Nguyễn Tường Bách


Kính thưa Quí vị và các bạn,

Trước hết tôi xin cảm ơn Thiền Viện Trúc Lâm đã có sáng kiến tổ chức buổi Hội thảo này và cho phép tôi có cơ hội phát biểu. Nơi đây tôi bùi ngùi nhớ lại thầy Thiện Châu cùng năm tháng đi về Trúc Lâm hai mươi năm về trước. Nếu Thầy chứng kiến được buổi gặp ngày hôm nay chắc hẳn Thầy hài lòng.

Đề tài của ngày hôm nay hầu như trùng khớp với đề tài của 20 năm trước, đồng thời cũng là đề tài muôn thuở của đạo Phật: “Đạo Phật trong xã hội hiện đại“. Vì lẽ đó mà những điều cần nói, như Phật giáo và xã hội, Phật giáo và chiến tranh hòa bình, Phật giáo và Khoa học, Quí vị cũng như mọi diễn đàn trong và ngoài nước đã nói và sẽ nói hết. Sau đây tôi chỉ có vài lời tâm sự của một người theo đạo Phật và 20 năm qua đã có cơ hội tiếp xúc nhiều với bà con Phật tử và cũng đã nhiều lần suy tư về nhận thức và hành động trong giáo lý của Phật. Những lời tâm sự sau đây có thể có chút bi quan nhưng là lòng chân thật, phát xuất những gì tôi nghĩ.

1.     Trước hết sau đây là một suy tư lạc quan. Đó là càng với thời gian qua, tôi càng vui mừng thấy mình đã gặp được đạo Phật trong đời mình. Đó là một tôn giáo – nếu ta gọi là tôn giáo – hiền hòa, tôn trọng sự sống, yêu sự thật, yêu hòa bình, yêu dân chủ, tôn trọng sự khác biệt, kể cả sự khác biệt tôn giáo. Những năm gần đây đạo Phật còn dạy cho tôi phép thiền định. Đó là một cách quán sát tâm, giúp tôi an lạc trong tâm, làm tôi nhận thức sự vật và thế giới một cách tỉnh táo, sáng tỏ.

2.      Thứ đến tôi có một nhận định có thể bi quan, có thể gây tổn thương cho một số người nghe. Đó là khi đạo Phật được tổ chức thành định chế (Institution), như tăng đoàn, giáo hội, đoàn thể, tập hợp...thì tuy các giá trị của Phật giáo như vô ngã, đối trị tham sân si, an lạc nội tâm...vẫn được nhắc nhở đến, nhưng các nổi khổ, phiền não sinh ra do một tập thể được tổ chức dường như nghiêm trọng hơn. Phải chăng các định chế đó phát sinh phiền não hơn an lạc. Sẽ sinh ra giáo hội của tôi, tông môn của tôi, đạo sư của tôi. Vì lẽ đó tôi nghĩ rằng đạo Phật có lẽ chỉ hiệu quả trong sự tu học cá thể hay trong những nhóm rất nhỏ, không có tính chất tổ chức. Phải chăng Phật giáo sẽ không bao giờ trở thành một phong trào quần chúng và cũng không bao giờ nên hướng về điều đó. Ở đây tôi chỉ nêu câu hỏi chứ không dám khẳng định.

3.      Lại một nhận định bi quan nữa. Thời đại hiện nay là thời đại của bạo lực. Bạo lực nuôi dưỡng bạo lực, được trả lời bằng bạo lực. Bạo lực trên cả 3 phương diện Thân Khẩu Ý. Bạo lực từ phạm vi nhỏ trong xã hội đến trong mức độ giữa các quốc gia trên thế giới. Phật nói, chỉ có tình thương mới hóa giải hận thù, nhưng xin hỏi ai làm được điều này? Trước tình hình thế giới hiện nay, theo tôi, Phật giáo hoàn toàn bất lực. Cũng trên khía cạnh này, ta thấy Phật giáo chỉ giúp được con người cá thể được hạnh phúc và an lạc. Phật giáo hầu như không đóng vai trò nào trong qui mô rộng lớn của xã hội và thế giới.

4.      Theo tôi đạo Phật phải nằm xa chính trị, xa nhà cầm quyền, không tham gia quyền lực. Khi gần với quyền lực, đạo Phật không bao giờ “cải tạo“ được con người của quyền lực, ngược lại tăng sĩ bị tha hóa, bị lung lạc. Sự kiện các nhà vua thời Lý Trần của Việt Nam vừa là nhà vua vừa là thiền sư là một trường hợp hi hữu của lịch sử. Đạo Phật không bao giờ nên là "quốc giáo" cho bất kỳ quốc gia nào, ngược lại mọi tăng sĩ chỉ nên là các "sơn tăng“ sống xa đời sống thế tục. Quá trình suy sụp của Phật giáo tại Tây Tạng, trong đó suốt mấy trăm năm giới tăng lữ vừa là nhà tu vừa lãnh đạo quốc gia, để lại cho chúng ta một bài học đáng suy nghĩ. Các lần pháp nạn trong lịch sử Phật giáo Trung quốc cũng cho thấy một khi tăng sĩ có nhiều quyền lực chính trị thì lúc đó Phật giáo sẽ suy tàn.

5.      Tôi nghĩ rằng, một mặt Phật giáo với tính cách là một tôn giáo có quần chúng, sẽ mất dần ảnh hưởng trên toàn thế giới. Trong các quốc gia như Ấn Độ, Trung quốc, Tây Tạng, Việt nam... Phật giáo chỉ còn là cái vỏ, nhiều hình thức hơn nội dung. Giáo lý của Phật ít người biết đến. Tuy nhiên giáo lý của Phật lại còn tồn tại trong những người thực hành giáo pháp của Ngài, thí dụ trong các nhóm tu học theo ba hướng Thiền, Tịnh Độ và Kim cương thừa. Và chỉ những người thực hành giáo pháp của Phật mới giữ được tinh thần của giáo pháp.

6.      Cuối cùng theo tôi người theo đạo Phật phải nên tu tập thông qua thực hành. Chỉ qua thực hành, giáo pháp của Phật mới sáng tỏ thực sự. Những nguyên lý như Vô thường, Vô Ngã, Khổ...sẽ sáng tỏ hơn khi ta thực tập, thí dụ thực tập Thiền Định. Nếu không tu tập, giáo lý của Phật chỉ như một số lý thuyết về đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội. Qua sự thực hành tu tập, người Phật tử mới có cơ may thoát khỏi phiền não. Nếu không thực hành, Phật tử biết có phiền não nhưng không thoát khỏi phiền não.

7.      Đạo Phật có khái niệm “hoằng pháp“, tức là giữ gìn và làm lan tỏa giáo lý của Phật. Thế nhưng điều đó không có nghĩa Phật tử nên tìm cách "cải đạo" người khác. Theo tôi, Phật tử luôn luôn sẵn sàng trình bày và giải thích giáo lý của Phật với ý nguyện giúp đỡ người khác, nhưng với điều kiện là người nghe cũng sẵn sàng nghe chuyện. “Vô vấn vô thuyết“ (Không hỏi không nói), đó cũng là điều mà Phật đã thực hành lúc Ngài còn tại thế.

8.      Cá nhân tôi chọn Thiền làm phương pháp thực hành tu tập. Các phương pháp khác thuộc Tịnh Độ hay Kim cương thừa có thể thích hợp cho một số hành giả khác. Tôi tôn trọng các tông môn khác và không phê bình chỉ trích. Họ có phương pháp, bí quyết và thành tựu của họ mà người ngoài không hiểu hết. Họ không muốn tìm đến thuyết phục chúng ta cũng như chúng ta không có nhu cầu thuyết phục họ. Ngay cả Thiền cũng có nhiều phương pháp, bí quyết, tông môn khác nhau, hành giả không cần giải thích hay thuyết phục lẫn nhau.

9.      Tu tập theo phương pháp Thiền Phật giáo cần thời gian vì hành giả cần đi ngược mọi thói quen trong tâm. Hành giả Thiền Phật giáo rất dễ bỏ cuộc vì phép tu cần kiên trì miên mật. Chỉ khi nào hành giả cảm nhận có niềm vui trong tâm khi thực hành Thiền định thì lúc đó ta có thể xem bước đầu đã đạt được. Nếu còn dụng công, cố gắng...thì còn xa cửa Thiền.

Kính thưa Quí Vị và các bạn,
Trên đây là những nhận thức riêng tư và thành thật của tôi. Trong bài, tôi nêu câu hỏi nhiều hơn là khẳng định. Đó chính là vì tôi chỉ là một Phật tử sơ cơ trên con đường tầm cầu. Mong được sự chỉ giáo và chia sẻ của Quí Vị và các bạn.

Kính chúc Quí vị và các Bạn an lành.
Nguyễn Tường Bách


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét