HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG:
ĐÙA THÔI NHÉ, THIÊN ĐƯỜNG MỘNG ẢO
ĐÙA THÔI NHÉ, THIÊN ĐƯỜNG MỘNG ẢO
Nguyễn Đức Tùng
Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm
Giữa tường trắng lặng câm
Trịnh Công Sơn
Kẻ nào không thể ra đi tất chẳng
quyền chi ở lại
He who cannot leave cannot stay
He who cannot leave cannot stay
Bertolt Brecht, translated by Frank Jones
Lời mở đầu:
Tháng Sáu năm 2008, được sự giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Trọng
Tạo và nhà văn - võ sư Nguyễn Văn Dũng, chúng tôi đến thăm Hoàng Phủ Ngọc
Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tại nhà riêng. Sau lần thứ nhất, riêng tôi còn
trở lại một lần nữa theo lời mời của anh để hoàn tất cuộc trò chuyện. Chúng
tôi cũng có dịp hỏi chuyện chị Lâm Thị Mỹ Dạ và một số bè bạn có mặt. Nhà văn
Hoàng Phủ Ngọc Tường bị ischemic stroke năm 1998, liệt nửa thân đối bên và
rối loạn ngôn ngữ, hình như aphasia của tổn thương bán cầu não trái, qua một
thời gian dài. Nhờ sự chăm sóc của thầy thuốc, gia đình, đặc biệt người bạn
đời, chị Lâm Thị Mỹ Dạ, và những thân hữu như Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Trọng
Tạo, Tô Nhuận Vỹ, Ngô Minh, Hồ Đăng Thanh Ngọc…anh dần dần hồi phục. Trong
hai lần gặp, anh tỏ ra minh mẫn, và khi kể về các kỷ niệm của quê anh ở Quảng
Trị, cũng như về Huế, anh nhớ nhiều chi tiết theo tôi là chính xác. Tuy vậy,
anh phát âm khó khăn, người lạ khó theo kịp. Nhờ kinh nghiệm làm việc riêng,
lại ngồi gần, và nhờ sự giúp đỡ của chị Mỹ Dạ, tôi có thể nghe được khoảng
bảy mươi hoặc tám mươi phần trăm lời nói của anh ngay trong lần đầu. Sau này
tôi phải nghe lại băng thu âm nhiều lần. Anh và chị đã bổ sung và đọc kỹ văn
bản cuối cùng. Trong nhiều giờ làm việc, anh ít khi tỏ ra mệt mỏi; những lúc
nghỉ, anh nhờ đẩy xe lăn ra phòng khách, ngồi nghe chúng tôi. Chị Lâm Thị Mỹ
Dạ, tính dịu dàng, kiên nhẫn, hiền hậu, chuẩn bị chu đáo các phương tiện,
thường xuyên ra vào để săn sóc anh.
Sau đó chúng tôi còn liên lạc trên điện thoại nhiều lần khác để làm rõ một số câu, chữ.
Hoàng Phủ Ngọc Tường có lúc đề nghị tạm thời hoãn lại việc phổ biến để cân
nhắc thêm, vì lý do riêng của anh. Tháng Sáu năm 2011, trong lần gặp chúng
tôi ở Huế, sau khi bổ khuyết một vài điểm, trước sự chứng kiến của nhiều bạn
bè như Tô Nhuận Vỹ, Trần Thùy Mai, Nguyễn Văn Dũng, Hồ Đăng Thanh Ngọc… anh
cho biết bài phỏng vấn như thế là đã hoàn tất và đề nghị công bố. Chị Mỹ Dạ,
tươi cười nhưng cương quyết, rõ ràng, hỏi lại hai ý ấy của anh một lần nữa,
anh gật đầu xác nhận. Gần đây sức khỏe của anh đã rất yếu. Sau khi cân nhắc
kỹ, chúng tôi cho rằng việc phổ biến, sau bảy năm, là trách nhiệm của người
thực hiện đối với nhà văn và độc giả. Đây cũng là một trong những bài phỏng
vấn cuối cùng của loạt bài Thơ Đến Từ Đâu.
Tháng Sáu, năm 2015
Nguyễn Đức Tùng
|
Nguyễn Đức Tùng:
Cách đây nhiều năm trong lần về nước đầu tiên, tôi được một người
bạn, anh ấy cũng có mặt ở đây hôm nay, tặng tập thơ của anh, Người Hái Phù
Dung. Đó là lần đầu tôi biết đến văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trước đó tôi
chỉ biết đến anh qua những dư luận về vụ Mậu Thân, mà chưa hề đọc một bài viết
nào. Sau này tôi nghe nói rằng, một thời gian dài độc giả trong nước rất chăm
chú theo dõi những bài bút ký đăng rải rác của anh trên các báo. Trở lại với
tập thơ, tôi thích một số bài trong đó. Như thế là biết đến anh bằng thơ, chứ
không phải là qua bút ký hay quan hệ ngoài đời.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Cảm ơn anh vì tình cảm đã dành cho thơ của tôi. Có lẽ thơ đến với
người ta mau chóng và dễ dàng hơn những phương tiện khác.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh hái hoa cành phù
dung trắng
Cho em niềm vui cầm tay
Màu hoa như màu ánh nắng
Buổi chiều chợt tím không hay
Thơ hay, mà cũng buồn quá. Nhưng trong ấy có tình yêu trẻ trung
đối với cuộc đời làm ta cảm động. Tôi ngạc nhiên một người mơ mộng như anh mà
lại tự nguyện tham gia vào một cuộc chiến tranh sát phạt hận thù và đi xuyên
qua biết bao nhiêu là hệ lụy của nó.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Trong tập thơ ấy, tôi có viết rằng “Mỗi người chỉ thực là chính
mình trong căn nhà của nó. Thơ cũng vậy, thơ cần phải trở về căn nhà của nó là
nỗi buồn. Quyền của thi sĩ là quyền được buồn”
Nguyễn Đức Tùng:
Hình như Hoàng Phủ Ngọc Tường là người đầu tiên dùng chữ “quyền
được buồn”. Đây là một ý niệm thú vị. Anh buồn vì thời cuộc hay buồn vì cuộc
sống cá nhân mình?
Em gọi tên tôi khắp mọi
nơi
Gọi tôi vang động cả vòm trời
Tôi ngồi im vắng như lau sậy
Mờ mịt như màu sương khói thôi
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Ai cũng được quyền buồn, nhưng thi sĩ buồn nhiều hơn, sâu hơn, vì
họ sống bằng tất cả tâm hồn. Tôi là người sống bằng nội tâm nhưng cũng là người
hoạt động, nên những vấn đề thời cuộc đất nước ám ảnh tôi nhiều hơn.
Nguyễn Đức Tùng:
Vào thời đó, đòi quyền được buồn có phải là một thái độ phản kháng
văn học?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi nói đến điều đó từ năm 1990. Mặc dù là người viết văn, tôi lại
mê thơ. Đó là cái quyền tự do của tâm hồn, quyền được nói lên, hát lên, không
ai có thể ngăn cản.
Nguyễn Đức Tùng:
Ngày ấy tôi thường hay
đến đây
Đăm đăm soi mặt nước hồ đầy
Khói sương nhả tự trên trời xuống
Chỉ một mình tôi với bóng cây
Mặc dù bút ký và tùy bút Hoàng Phủ Ngọc Tường là thành tựu lớn
nhất của anh, tôi nghĩ sau này nhiều thứ có thể qua đi, nhưng thơ anh, vài bài
hay nhất, sẽ còn đứng mãi với thời gian.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Nếu được thế thì đó là hạnh phúc của người viết.
Một người bạn thân của tôi, anh Nguyễn Văn Dũng, có in lại và đưa
cho tôi đọc các bài thơ của anh Nguyễn Đức Tùng trên “Talawas chủ nhật” vừa
rồi, trong đó có bài thơ đề tặng tôi, vì nhà tôi không có computer. Đọc xong,
tôi có suy nghĩ nhiều lắm.
Tôi nói với mọi người: Đây là thơ thật.
Thơ thật, chứ không phải là thơ giả.
Nguyễn Đức Tùng:
Năm 1966, ba mươi tuổi, đang là một giáo sư ở Quốc học Huế, anh bỏ
vào rừng kháng chiến, đi theo con đường lý tưởng riêng của anh. Trước năm 1975,
các thầy giáo dạy trung học gọi là giáo sư, và được xã hội tôn trọng xứng đáng
với danh hiệu đó. Rũ áo ra đi như thế, có lẽ anh tin là mình đã chọn được hành
trình lý tưởng cho cá nhân và dân tộc. Trên con đường dài, mà đối với nhiều người
là đại lộ mênh mông, đầy ánh sáng của lý tưởng giải phóng dân tộc, anh có gặp
một ngã rẽ hay ngõ cụt riêng tư nào không? Những ngã rẽ của bóng tối và nỗi
buồn?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
À, đây chính là tâm trạng của bạn bè tôi cùng trang lứa đi theo
Đảng. Hồi đó mình cứ nghĩ những chuyện buồn đều là tạm thời nhỏ nhặt, những sai
lầm rồi sẽ qua đi, nên cố lấy niềm vui chung mà át nỗi buồn riêng. Nếu không có
ai bắt mình thì mình cũng tự bắt mình như thế.
Nguyễn Đức Tùng:
Ngày nay nhìn lại, anh nghĩ như thế nào về cuộc chiến tranh
1954-1975 vừa qua? Anh gọi nó bằng tên gì? Hậu quả của nó ra sao?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Mình không có giết ai trong chiến tranh. Mình có một thằng bạn,
Hoàng Xuân Thiệu (?), em ruột của Trung tướng Việt Nam Cộng hòa Hoàng Xuân Lãm,
bây giờ đã đi Mỹ. Tôi thương hắn lắm, có lần tôi nói với hắn: nếu tau gặp mi
thì tau sẽ không bắn, ngay cả khi tụi mình đang ở hai bên chiến tuyến. Nếu gặp
nhau ngoài chiến trường thì tôi sẽ nói: mi phải vất súng để đi theo cách mạng.
Nguyễn Đức Tùng:
Nếu anh ấy không vất súng để đi theo cách mạng thì sao?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi sẽ nói tiếp: Thà mi giết tau chứ tau không thể giết mi.
Nguyễn Đức Tùng:
Có thể anh đã từng chủ trương như thế thật,
nhưng chiến tranh có những quy luật tàn bạo của nó. Thực tế đã không xảy ra như
anh muốn, và những kẻ đứng bên cạnh anh hay đứng đối diện với anh cũng đều đã
nổ súng.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đúng thế. Chúng ta đã nổ súng vào nhau và vết thương vẫn còn. Đó
là nỗi đau buồn của dân tộc chúng ta. Nhưng hồi đó tôi quan niệm rằng cứ sống
ngay thật, trong sáng với bản thân mình, mặc kệ người khác làm gì thì làm.
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa anh, trong những người dân Huế mà tôi có dịp tiếp xúc nơi này
nơi khác, ngay cả những người không ai có thể gọi họ là cực đoan, vì vẫn có
thái độ hòa nhã trong nhiều vấn đề của đất nước, đến nay khi nhắc đến vụ thảm
sát Mậu Thân vẫn còn tỏ ra xúc động. Hầu hết những người đó đều cho rằng Hoàng
Phủ Ngọc Tường không nhiều thì ít có một phần trách nhiệm.
Đọc những bài viết và những tài liệu gần đây, tuy vậy, tôi cũng
tin rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường không có mặt ở Huế trong vụ Mậu Thân.
Tại sao năm đó anh không được cử về đồng bằng?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Lúc đó tôi cùng làm việc với Thượng Tọa Thích Đôn Hậu, bà Nguyễn
Đình Chi, giáo sư Lê Văn Hảo. Tôi là Tổng thư ký của Liên minh Dân tộc Dân chủ
và Hòa bình. Họ dự định sau khi vụ Mậu Thân thành công thì sẽ đưa chúng tôi về
ra mắt công chúng. Nhưng cuộc tiến công bị chặn lại vì phía Mỹ và Việt Nam Cộng
hòa phản kích dữ dội quá, bắt đầu từ lực lượng đồn Mang Cá. Mới đầu trận đánh
dự định là do Trung ương phụ trách, nhưng trong thực tế thì chỉ có địa phương
lo gần hết, nên thiếu thốn nhiều mặt, nhất là thiếu đạn để đánh giặc.
Vì việc không thành nên tôi không được đưa về Huế để ra mắt quần
chúng.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi còn nhớ một ca khúc của Trịnh Công Sơn viết ngay sau vụ Mậu
Thân, về những mồ chôn tập thể ở Huế, với giọng hát Khánh Ly náo động bàng hoàng,
lúc tôi còn rất nhỏ tuổi:
Chiều đi lên Bãi Dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy tôi đã thấy
Trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn
Và một ca khúc khác của Nguyễn Minh Khôi, với Thái Thanh như con
chim trúng đạn cất tiếng kêu thương:
Chiều nay không có em
mưa non cao về dưới ngàn
Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Buồn quá. Đúng là những vết thương sâu, rất khó lành của dân tộc
chúng ta.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh tham gia kháng chiến chống Mỹ là hoàn toàn tự nguyện, nhưng
trường hợp những người khác thì như thế nào? Thượng tọa Thích Đôn Hậu, một
người đồng hương Quảng trị của anh, chẳng hạn? Có một bài viết cho rằng ông bị
bắt ép chứ không phải tự nguyện?
Hoàng Phủ Ngọc Tưòng:
Không thể bắt ép ai cả.
Nguyễn Đức Tùng:
Tức là tự nguyện?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Cũng không phải, họ thỉnh ông đi.
Nguyễn Đức Tùng:
Thỉnh đi như thế nào?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Lừa.
Nguyễn Đức Tùng:
Xin anh nói rõ hơn.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Họ lừa ôn bằng cách nói là mời ôn đi
họp. Họ đưa ông qua một cánh đồng rộng, gánh ông đi trong một cái thúng có hai
người khiêng hai đầu. Rồi họ đưa ông dần từng bước một vào những việc nhỏ nhỏ,
từ từ, nhưng ngày càng sâu đến lúc biết ra thì đã muộn.
Nguyễn Đức Tùng:
Cách đây nhiều năm, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, anh có
nói một ý rằng vụ thảm sát Mậu Thân là do nhiều nguyên nhân, do bom đạn của Mỹ,
do tai nạn chiến tranh bắn qua bắn lại vô tình, và cũng do phía cách mạng xử
tội những thành phần phản động, chống lại nhân dân?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đó là cuộc phỏng vấn của Úc. Trong những cái chết do chiến tranh,
phía quốc gia thì đổ lỗi hoàn toàn cho phía cách mạng, phía cách mạng thì đổ
lỗi hoàn toàn cho phía quốc gia, nhưng tôi cho rằng thật ra không bên nào có
thể đổ lỗi hoàn toàn cho bên nào cả, vì thế nào cũng có bên này bên kia chịu
trách nhiệm. Đó là nói chung. Còn riêng trong vụ Mậu Thân thì giết lầm rất
nhiều. Ví dụ như tôi nhớ rằng trong mặt trận Huế có phân công cho một người là
ông... tỉnh đội trưởng nắm giữ mặt trận phía trái, phụ trách vùng Phú Cam. Họ
giết người nhiều ở mặt trận này.
Nguyễn Đức Tùng:
Người bạn tặng cho tôi tập thơ Người Hái Phù Dung thì nói riêng
với tôi rằng, theo anh ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người innocent.
Anh cũng vừa kể rằng anh không muốn bắn một người bạn cũ của anh, như anh Hoàng
Xuân Thiệu, thà mình bị anh ta bắn. Như vậy, anh nghĩ sao về những vụ giết
người trong Mậu Thân có tính tội ác?
Tôi nghĩ rằng chúng ta cần hết sức thận trọng, nghiêm cẩn, khi nói
đến những vấn đề gây xúc động này, hết sức tránh thái độ cực đoan: từ một phía
là đổ lên người khác những lỗi mà họ không có, nói thêm, nói oan cho những
người vô tội, hoặc từ một phía khác là coi nhẹ, lấp liếm, di chuyển trọng tâm
của vấn đề, đánh lạc hướng lịch sử.
Tôi nghĩ rằng đối với bất cứ người nghệ sĩ nào, cái chết và sự khổ
đau của con người không thể là chuyện nhẹ nhàng. Dù do ai gây ra, dù đó là Mậu
Thân hay Mỹ Lai, hay biết bao câu chuyện tương tự khác đã xảy ra trên đất nước
chúng ta, chưa bao giờ được kể lại. Không thể là chuyện nhẹ nhàng. Đó có thể là
quan điểm của các nhà quân sự, các nhà chính trị, nhưng không thể là quan điểm
của các nhà thơ.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Tuy nhiên trong cuộc trả lời phỏng
vấn vừa kể trên tôi có nói lầm đi, nói sai đi, một ý.
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa anh, sai hay lầm?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Lầm. Tôi có nói lầm là đánh rắn thì phải đập đầu. Họ nghĩ rằng
những người làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là cái đầu rắn.
Nguyễn Đức Tùng:
Chắc anh đã từng đọc cuốn sách của Nhã Ca vốn được nhiều người
nhắc đến?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi có đọc. Có ba người viết về Mậu Thân. Một là nhà văn nữ Nhã
Ca, từ Sài Gòn về Huế ăn Tết vào dịp đó và chứng kiến cuộc tấn công Mậu Thân.
Bà đã ghi lại chuyện này trong cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh nhận xét ra sao về cuốn sách đó? Có đúng với sự thực không,
theo anh?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Trong đó Nhã Ca viết “chắc là Phủ không về.”
Nguyễn Đức Tùng:
Phủ là ai?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Phủ là tôi đó. Bà ấy viết “chắc là Phủ không về”;“mà nếu
có về chắc cũng không giết người”.
Người thứ hai là giáo sư Lê Văn Hảo, người lên rừng cùng với tôi.
Ông có viết rằng tôi và ông ấy đều không về Huế, mà chỉ có hai người về là
Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân.
Nguyễn Đức Tùng:
Còn người thứ ba?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
(nghe không rõ)
Nguyễn Đức Tùng:
Cuộc chiến tranh vừa qua, mặc dù đã chấm dứt từ lâu, vẫn còn tiếp
tục chia rẽ mọi người. Và sẽ còn lâu dài, xuyên suốt các thế hệ. Điều này
thường bị cố tình coi nhẹ (underestimated). Đọc lịch sử, tôi tin là người Việt
Nam rất yêu nước và đã từng chiến thắng nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược.
Thế mà năm 1975, theo lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lần đầu tiên có chuyện
lạ lùng là nửa nước thì vui, nửa nước thì buồn. Hiện nay, cuộc chiến tranh Nam
Bắc đối với một số người từ cả hai phía vẫn còn là hận thù, đối với một số
người khác là phẫn nộ trước lịch sử, và đối với nhiều người khác là vết thương
tâm hồn, là sự hoài niệm về một nền Cộng hòa đã bị xóa bỏ, một nền tự do mà
theo tôi nửa là hoàn toàn có thật, nửa là chưa bao giờ kịp có thật.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi không bao giờ muốn chia rẽ dân tộc. Khi lên rừng đi kháng
chiến chống Mỹ tôi chỉ nghĩ đến một chính phủ hòa hợp. Sau 1975 tôi tin rằng
chúng ta đã có cơ hội để làm được điều này, nhưng rồi chúng ta để lỡ dịp may
đó.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi tin vào suy nghĩ ở thời điểm này của anh, nhưng tôi cũng không
nhất thiết cho rằng đó là những suy nghĩ bất di bất dịch. Điều đó là dễ hiểu.
Đối với nhiều người đi theo Mặt trận Giải phóng miền Nam vào những năm sáu
mươi, có khi đó chỉ là một khẩu hiệu dân vận, và vấn đề họ quan tâm hơn, nói
thẳng ra là, chiến thắng tuyệt đối về quân sự và chính trị.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi tâm sự với anh thế này: sau vụ Mậu Thân xong tôi suy nghĩ mãi,
tôi buồn quá, tôi muốn một mình ra một hoang đảo ở một mình và sẽ không chọn
một phe phái nào cả.
Nguyễn Đức Tùng:
Nếu trong Tết Mậu Thân anh được cử về thành thì anh sẽ làm gì, có
thái độ như thế nào trước những vụ giết người?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi sẽ không làm gì được, nhưng tôi biết chắc là tôi sẽ không giết
người. Có lần, trên một dốc núi, một người bạn của tôi là anh Lê Hữu Bôi, Chủ
tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, đã bị giết. Anh ấy cũng người cùng quê Quảng
Trị mình, tuy học ở Sài Gòn nhưng về Huế đi tu ở chùa Tường Vân, rồi bị bắt đi
từ chùa Tường Vân trong Tết Mậu Thân. Trường hợp ấy nếu gặp tôi, tôi sẽ tha.
Còn những vụ giết người hàng loạt, tôi chỉ nghe nói chứ không chứng kiến, nhưng
tôi biết là mình không thể hành động như thế.
Tính tôi có lẽ hợp với đi tu, thấy chuyện máu me dư rứa tôi rất
gớm (lắc đầu). Tôi không làm được. Hồi nhỏ, tôi không thể giúp mẹ tôi làm được
việc cắt cổ gà.
Nguyễn Đức Tùng:
Lúc đó anh có nhận ra là có một sự khác nhau nào đó giữa anh và
những người cũng lên rừng đi kháng chiến như anh? Ví dụ như tỉnh đội trưởng mà
anh nhắc đến chẳng hạn?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Không thể có khác biệt sâu xa được. Khi đã ở với nhau lâu rồi thì
người ta sẽ dần dần trở nên giống nhau, cũng như nhiều anh em khác, tôi phải
nén cái riêng tư của mình lại. Mà những người đi kháng chiến đa số là từ nông
thôn nên họ suy nghĩ giản dị lắm. Một số người có thù sâu nên có dịp là họ trả
thù.
Nguyễn Đức Tùng:
Như vậy trong chiến tranh chuyện trả thù trả oán cá nhân là có
thật?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Dĩ nhiên là có thật.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh lên rừng từ năm 1966, nhưng đến năm 1987 anh mới được chính
thức kết nạp vào đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy là vì anh xin vào mà không
được hay vì anh chưa muốn vào?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi xin vào mà không được. Lúc mới gia nhập cách mạng, tôi thuộc
về Quảng Trị, ở đó tôi cũng bị theo dõi. Rồi khi vào Huế, tôi phụ trách tờ báo
Cờ Giải Phóng, có một ông bí thư luôn luôn đố kỵ tôi. Tôi làm đơn vào Đảng lúc
nào cũng bị bác vì nói là chưa đủ điều kiện.
Trong thực tế lúc ở trên rừng, tôi chẳng nói điều gì khác biệt với
mọi người cả, mà chính tôi cũng phải nói hùa theo những người khác, và cho vụ
Mậu Thân là một chiến thắng, không có thất bại. Tiến sĩ Lê Văn Hảo, hiện nay
làm ở viện bảo tàng Louvre ở Pháp, có biết rõ giai đoạn này của tôi.
Nguyễn Đức Tùng:
Như vậy việc anh không được vào đảng Cộng sản là do những đố kỵ cá
nhân chứ không phải là vì những khác biệt lớn hơn, ví dụ về quan điểm chính
trị.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Rất khó phân biệt giữa Đảng và cá nhân, vì đảng cũng là đảng viên.
Nguyễn Đức Tùng:
Có phải chính anh là người đã viết và đọc lời hiệu triệu nhân dân
nổi dậy trong vụ Mậu Thân? Ngày nay nếu lặp lại anh có thay đổi lời hiệu triệu
đó không, hay vẫn giữ nguyên?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Vẫn giữ nguyên. Tôi viết và đọc lời hiệu triệu đó thay mặt Liên
minh Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình, họ thu băng rồi phát lại ở Huế. Nếu viết lại
tôi sẽ không thay đổi gì cả, vì trong đó tôi nhớ là chỉ kêu gọi đánh đuổi Mỹ và
xây dựng một đất nước hòa bình, dân chủ.
Nguyễn Đức Tùng:
Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi để ý vài điều. Anh làm thơ ít, nhưng
bài nào cũng thể hiện một tâm trạng rõ rệt. Những bài thành công thường dùng
ngôn ngữ cổ điển, bút pháp cổ điển, mà vẫn lay động lòng người. Đó là nhờ cái
tình. Nhưng nói đến tài năng của anh, thì phải nói đến những trang văn xuôi
trác tuyệt trong thể loại bút ký và tùy bút. Đó thực sự là một trong những
thành tựu của văn học Việt Nam. Người ta thấy rằng các chất liệu văn học của
anh đều lấy từ thời kỳ gian khổ trong rừng, nhiều hơn là những ngày thanh bình
ở thành phố. Nhìn lại đó là thời kỳ vui nhiều hay buồn nhiều?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Vui buồn lẫn lộn. Trên rừng, có những sự việc tôi được chứng kiến
tận mắt, nhưng hầu hết là nghe kể lại. Nhiều người nghĩ lầm rằng trong thể ký
hay phóng sự, người viết đều chứng kiến cả. Thật ra mình đâu có thể thấy được
tất cả. Đó cũng là những ngày mình còn trẻ, xông xáo, đi nhiều, có nhiều ấn
tượng sâu đậm. Sau này khi hòa bình, mình viết các tùy bút ngắn, đặt tên là
nhàn đàm.Trong bút ký, các sự kiện có thật xuất hiện nhiều hơn.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi nhớ một chi tiết văn học được anh kể lại. Trong bài “Bản di
chúc của cỏ lau”, anh tả một buổi sinh hoạt của du kích cách mạng với những
người dân đi rừng. Cuối buổi sinh hoạt là mục đọc những bức thư đầu tiên của
anh em binh sĩ trong quân đội Cộng hòa gởi cho cách mạng, nói về nguyện vọng
của bản thân họ mong được tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử để tránh khỏi một
cuộc chiến tranh mà họ sẽ phải đổ máu. Sau đoạn văn đó anh lại viết rõ ra, thực
ra thì toàn là thư bịa ra, do nhân vật Hoàng cặm cụi ngồi viết ở trại Cây Thị.
Những phương pháp hay thủ đoạn tuyên truyền như thế là điều có thể
hiểu được trong chiến tranh, từ cả hai phía. Tuy nhiên tôi tự hỏi, một nền văn
học có sứ mệnh tuyên truyền sẽ phải trả giá như thế nào để chuộc lại sự thật mà
nó đã trao đi trong thời buổi ban đầu, để đổi lấy chiến thắng sau cùng bằng mọi
giá?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Văn học phải đi sát với cuộc sống. Nhà văn trung thực là kẻ nói
lên những điều anh ta cảm nhận về cuộc đời trong hiện tại, trong ngày hôm nay.
Không điều gì có thể chuộc lại sự thật đã mất, không một thời gian nào có thể
thay thế được ngày hôm nay. Có thể không phải bao giờ nhà văn cũng đúng, nhưng
khi anh ta sai thì sai một cách chân thành.
Nguyễn Đức Tùng:
Trong những bài viết thời kỳ chiến tranh ý thức hệ, anh có những
nhận định rất quyết liệt và rõ ràng, như vấn đề ta - địch. Về nghệ thuật, những
trang mô tả của anh về miền Nam thời đó rất hay, mặc dù người ta có thể tranh
cãi tính xác thực của chúng.
Những nhận định và mô tả ấy cũng không hẳn là phù hợp với những
suy nghĩ về hòa giải dân tộc sau này của anh đâu. Hình như có một so le nào đó.
Phải chăng có một sự phát triển hay biến đổi trong tư tưởng đối với các vấn đề
chiến tranh và dân tộc?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đúng là tôi có thay đổi. Nhưng ai mà không thay đổi? Chúng ta học
mỗi ngày, học mãi. Sau những ngày nhiệt huyết, mình dần dần nhận ra thực tế có
những cái cần điều chỉnh. Nếu có một điều gì không thay đổi ở tôi, thì đó là
cái tính không thích sự giết người, ghét tội ác.
Trong cuộc đời đi làm cách mạng của tôi, tôi chỉ bắn một phát súng
duy nhất. Tôi bắn rụng một chiếc lá trong một cuộc bắn thi. Đó là phát súng duy
nhất và là phát súng cuối cùng của tôi.
Nguyễn Đức Tùng:
Tại sao anh gọi đó là phát súng cuối cùng?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Vì tôi chủ trương không bắn ai. Và thực tế là như thế.
Nguyễn Đức Tùng:
Chủ trương của anh là không muốn giết người, cá tính của anh cũng
như thế, nhưng con đường mà anh đi là con đường cách mạng bạo lực. Những người
cộng sản bao giờ cũng khẳng định nguyên lý đấu tranh giai cấp và bạo lực cách
mạng. Như vậy có mâu thuẫn không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
(Trầm ngâm) Tôi
hiểu rằng trong chiến tranh thì các bên tham gia không thể không nổ súng, nhưng
cá nhân tôi thì vẫn không thay đổi cá tính của mình được. Tôi đã và sẽ không
bắn ai cả.
Nguyễn Đức Tùng:
Năm 1966, điều gì dẫn anh đến với Mặt trận Giải phóng miền Nam? Đó
là tình yêu nước, muốn đánh đuổi ngoại xâm, tương tự như ngày xưa những người
đi kháng chiến chống Pháp năm 1945, hay là niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản trên
toàn thế giới? Niềm tin vào chủ nghĩa Marx?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Chủ nghĩa Marx. Niềm tin vào chủ nghĩa Marx.
Là một thanh niên mới lớn, đứng trước những bất công xã hội thời
đó, tôi không hài lòng với những biện pháp tạm thời mà tin vào cách giải quyết
triệt để hơn. Điều đó tôi tìm thấy ở học thuyết cộng sản.
Nguyễn Đức Tùng:
Ngày nay nhìn lại anh nhận xét như thế nào về niềm tin thời trẻ?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đến nay thì đã rõ chẳng ai làm được gì trên toàn thế giới. Cải
thiện đời sống vật chất là do những tiến bộ về khoa học kỹ thuật mà thôi; còn
làm cho tốt đẹp hơn về tinh thần, về tâm hồn, thì chưa ai làm được nhiều. Chỉ
có Mỹ. Theo tôi, Mỹ nó đã làm được một phần.
Nguyễn Đức Tùng:
Ở Canada, tôi nhận thấy một điều đặc biệt, có vẻ khó hiểu, là
những người thầy giỏi nhất của tôi ở trường đại học Y khoa, không phải là tất
cả, nhưng một phần lớn, đều thiên tả và khá ngây thơ về các vấn đề ngoài y
khoa. Họ quá nặng về lý thuyết và đến nay, sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông
Âu, vẫn còn đi trên mây. Nhiều người vẫn còn tin rằng sống ở Cuba thì cũng
tương tự như sống ở Canada. Trong khi cổ vũ cho các khái niệm có tính nhân
loại, như bình đẳng, tự do, thì họ lại tin rằng người dân Trung Hoa đang có đủ
thứ quyền như họ. Vì vậy tôi hiểu được phần nào tình cảm và suy nghĩ của thế hệ
anh những năm sáu mươi ở miền Nam tự do, một thế hệ trí thức đẹp, nhưng có
nhiều người không tưởng, viễn mơ.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi có một bài thơ, trong đó có câu
Vẽ tôi một nửa mặt người
Nửa kia mê muội của thời hoang sơ
Vẽ tôi một nét môi cười
Một dòng nước mắt một đời phù du
Nguyễn Đức Tùng:
Anh sinh ra trước 1954, nhưng lớn lên, đi học và đi dạy ở miền
Nam. Ở Huế thời ấy anh có một vị trí tốt đẹp, được kính mến. Như thế người dân
và chính quyền Huế có lẽ đối với anh đã có một thái độ ít nhất là không đến nỗi
tệ lắm. Nhưng về phía anh thì anh nghĩ sao vế chế độ Việt Nam Cộng hòa? Anh có
căm ghét nó không? Anh có những kinh nghiệm tốt hay xấu nào đối với miền Nam tự
do?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Về mặt lý trí, tôi nhìn chế độ Việt Nam Cộng hòa qua hình ảnh
người bạn thân của tôi là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Lê Hữu Bôi bị giết trong
vụ Mậu Thân.
Vì hắn là chủ tịch sinh viên nên tôi phải tìm cách để đánh đổ hắn.
Nhưng về mặt tình cảm, thì cá nhân tôi không có chi ghét hắn. Hắn là người đi
tu.
Trong chế độ Đệ nhị Cộng hòa thì tôi không bị ai bắt cả mặc dù tôi
hoạt động trong phong trào sinh viên.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh chưa từng bị bắt?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Có một lần. Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình
Diệm, tôi bị bắt trong kế hoạch Nước Lũ, của ông Ngô Đình Nhu, tháng 8 năm
1963. Một người bạn của tôi dạy ở đại học Y khoa Huế, trước đó có dạy ở đại học
Minh Đức, phải bán một phần tài sản đi để chuộc cho tôi ra.
Những người cực đoan, đòi chống cộng tới cùng, thường đồng hóa tôi
với cộng sản. Nhưng tôi không phải như thế.
Không nên buộc tội tôi như vậy.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh được mọi người biết đến vì nhiều lý do, nhưng trước hết vì anh
là một nhà thơ và một nhà văn viết bút ký tài ba. Anh cũng là nhà báo, đã từng
chủ trương tờ Cửa Việt, đóng góp rất nhiều cho tờ Sông Hương. Anh nghĩ sao về
nền văn học Việt Nam hiện nay?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Trước khi chúng ta trở lại nói chuyện về văn học nghệ thuật, tôi
nhờ anh tóm tắt lại cho tôi ba điều với những độc giả sau này đọc bài nói
chuyện của chúng ta hôm nay.
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa anh, đó là ba điều gì?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Thứ nhất là tôi không liên quan gì đến vụ Mậu Thân. Thứ hai, tôi
rất mong muốn có một chính phủ hòa giải dân tộc. Trước đây tôi đã nghĩ như thế
mà bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế. Chính phủ hiện nay không phải là chính phủ hòa
giải dân tộc, mà là chính phủ của thể chế cộng sản. Thứ ba, tôi không liên quan
gì đến đảng Cộng sản hiện nay cả. Họ không làm được những điều mà tôi mong ước
ở họ. Họ không làm được những gì cho dân tộc như thời trẻ lúc đi kháng chiến
chống Mỹ tôi đã từng kỳ vọng ở họ.
Nguyễn Đức Tùng:
Đó là những kỳ vọng nào?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Có hai vấn nạn, một là vấn đề dân chủ, hai là vấn đề tham nhũng.
Họ chưa làm được việc nào trong hai việc đó.
Nguyễn Đức Tùng:
Chủ nghĩa Marx không thừa nhận khái niệm dân chủ như nhiều người
hiện nay đang nghĩ, và tôi tuyệt nhiên không nhìn ra được cách nào để một nhà
nước xã hội chủ nghĩa có thể chia sẻ quyền lực cho những thành phần đối lập, và
cho những giai cấp khác, mà không vi phạm nguyên tắc căn bản của chính họ, đó
là chuyên chính vô sản.
Dĩ nhiên là chúng ta đang nói về lý thuyết.
Nhưng còn tham nhũng thì sao? Chính phủ hiện nay hình như đang rất
có quyết tâm chống tham nhũng? Anh có tin rằng với thời gian mọi việc sẽ khá
lên không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đảng không thể diệt được tham nhũng. Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này
sâu xa, và kết luận rằng đảng không thể diệt được tham nhũng trong khi nó đang
cầm quyền.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh thường nhắc đến khái niệm hòa hợp, hòa giải dân tộc. Ngày nay
khái niệm này có còn giá trị nữa không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Từ khi rời thành phố đi theo cách mạng, tham gia kháng chiến chống
Mỹ cứu nước cho đến nay, lúc nào tôi cũng chủ trương như vậy. Khái niệm đó
không những vẫn còn giá trị mà mỗi ngày mỗi trở nên cần thiết hơn. Ngày trước
nhờ có chính sách này mà đảng Cộng sản đã đoàn kết được dân tộc.
Nguyễn Đức Tùng:
Theo anh muốn hòa giải hòa hợp thực sự thì phải làm thế nào? Nhiều
người nay không còn tin vào chuyện ấy nữa đâu.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đánh giá lại lịch sử, quên đi quá khứ đắng cay thù hận, cần thực
sự tôn trọng và thương yêu nhau.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi nghĩ rằng đối với vấn đề hòa hợp dân tộc, tinh thần căn bản là
tha thứ. Ở Huế, khắp ngã đường có chùa, mỗi cánh cổng một lời kinh, đó là chìa
khóa vàng của khái niệm hòa hợp. Nhưng tha thứ không có nghĩa là quên lãng.
Trái lại, đó là hiểu biết, tức là nhận ra sự thật từ hai phía, là không bôi xóa
lịch sử.
Mỗi người cần suy nghiệm về sự thật, lầm lỗi, về quá khứ riêng
chung, đánh giá đi đánh giá lại mỗi ngày, đặt mình vào vị trí của người khác
trong “hai mươi năm nội chiến từng ngày”, cần nắm được sự thật trong tay trước
khi có đủ tư cách để tha thứ cho người khác hay tự tha thứ cho mình.
Một dân tộc phải có trình độ văn hoá rất cao mới đủ khả năng làm
điều này.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi lúc nào cũng thực tâm nghĩ đến việc những người ở các phe phái
khác nhau cùng ngồi lại. Trong thời kì chiến tranh, có những xung đột, hận thù
thì cũng nên bỏ qua, không nên tiếp tục buộc tội lẫn nhau.
Nguyễn Đức Tùng:
Đã từng là người chủ trương tờ báo Cửa Việt, sau đó bị đóng cửa,
anh nghĩ sao về tình hình báo chí ở Việt Nam hiện nay?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tờ Cửa Việt bị đóng cửa vì có người cho rằng nó quá cởi mở và đi
chệch hướng, tờ Sông Hương cũng bị chấn chỉnh. Thời đó, cùng với tờ Văn Nghệ ở
trung ương, đó là hai tờ báo địa phương đã góp phần tạo nên văn chương đổi mới.
Việc đóng cửa tờ Cửa Việt là biểu hiện không tốt về nền tự do báo chí chưa
trưởng thành. Tôi nghĩ là chúng ta cần thông cảm hơn với các nhà văn và nhà báo
hiện nay. Họ viết rất khổ sở. Kẻ nào cho rằng họ không chịu một sức ép nào cả
là không đúng đâu.
Nguyễn Đức Tùng:
Trong văn xuôi, tôi chú ý nhiều hơn đến những bài nhàn đàm có tính
chất tiểu luận của anh, viết sau này. Khác với nhiều người, tôi tin là khi hoàn
cảnh lịch sử của chúng ta thay đổi, chúng sẽ ở lại lâu dài trong lòng người đọc
hơn những bài bút ký về chiến tranh của anh. Anh có một hoặc hai bài rất hay
viết về quẻ Dịch, tôi đọc đã lâu nên không nhớ rõ lắm. Đó là bài nói về hai quẻ
cuối cùng của Kinh Dịch, Thủy Hỏa Ký Tế và Hỏa Thủy Vị Tế. Tế là vượt qua sông.
Ký Tế là đã vượt qua, việc đã thành tựu. Vị Tế là chưa qua sông, chưa thành. Có
phải năm 1975, cách mạng và chiến tranh Việt Nam mà anh là một thành phần tích
cực trong đó, đã vượt qua sông, đã ký tế?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Qua sông rồi mà vẫn chưa xong. Đó là bài học lớn của Kinh Dịch nói
về lẽ trời đất sinh sinh hóa hóa. Vận mệnh thịnh suy, đường thế gập ghềnh,
người đi tới cuối cuộc lữ hành, rồi thở phào nhẹ nhõm ở quẻ Ký Tế. Tưởng rằng
việc đã xong, nợ đời đã trả, chỉ còn một bước nữa thôi là hoàn tất. Ngờ đâu sau
cái bước ấy lại là quẻ Vị Tế, lại phải khởi đầu. Một dòng sông khác lại hiện ra
trước mặt.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi nghĩ rằng “một dòng sông khác lại hiện ra trước mặt” thật ra
đã có sẵn từ lúc khởi đầu của cuộc hành trình. Trong bài viết ấy, anh có ý nói
về cá nhân hay nói về việc chung?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi muốn nói về cả hai.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh chính thức gia nhập đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1987. Hiện
nay anh có phải là đảng viên không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi đã thôi sinh hoạt đảng ba năm sau đó.
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Nhưng anh ấy cũng không có giấy tờ gì chính thức.
Nguyễn Đức Tùng:
Chị Lâm Thị Mỹ Dạ vừa mới kể với tôi rằng lúc đó có người bạn của
anh than phiền trong lúc người ta tìm cách xin ra khỏi đảng thì anh lại tìm
cách xin vào.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi muốn chứng minh rằng tôi trung thành với niềm tin thời tuổi
trẻ, và với lý tưởng cộng sản của tôi.
Nguyễn Đức Tùng:
Trong bài thơ tặng Irina Zisman, anh viết:
Đùa thôi nhé, thiên
đường mộng ảo
Thế giới vỡ tan ngoài chân mây
Anh muốn nói số phận của chính mình?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi vừa nói về lý tưởng của tôi thời trẻ tuổi, lý tưởng mà chủ
nghĩa Marx đã mang lại, nhưng tôi cũng muốn nói về giấc mơ chung của con người.
Ai mà không có ước mơ của mình, khi về già như tôi đây thì thấy bao nhiêu điều
không phải như mình nghĩ, mà lúc còn trẻ thì cứ khẳng định một trăm phần trăm
là đúng, mới nghiệm ra rằng cuộc đời nửa hư nửa thực.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi vừa được đọc trọn vẹn tuyển tập bốn cuốn của anh do nhà xuất
bản Trẻ (2002) in rất đẹp, đóng bìa cứng. Tập 1 là tùy bút và tiểu luận mà anh
gọi là nhàn đàm, tập 2 và tập 3 là bút ký, tập 4 là thơ. Nhiều trang viết đẹp
như mơ nhưng cũng có nhiều chi tiết trong bút ký mà tôi cảm thấy nghi ngờ và
rất mong được gặp tác giả tận mặt để trao đổi lại sau này.
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Tuyển tập ấy nhờ có anh Trần Thức là người rất hăng hái tuyển
chọn, tập hợp bài vở, vận động mới được.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi cũng rất mong có dịp trao đổi với độc giả và với các nhà phê
bình như anh Nguyễn Đức Tùng. Văn học chúng ta ít có cơ hội để tác giả được dịp
thảo luận trực tiếp với nhà phê bình như thế này, về những vấn đề xã hội và văn
chương mà tôi đoán rằng mọi người đều quan tâm.
Nguyễn Đức Tùng:
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong vài người viết bút ký và tùy bút
hay nhất nước, có thể đặt tên anh bên cạnh Nguyễn Tuân, Võ Phiến, Vũ Bằng, Phan
Nhật Nam không chút do dự. Nhưng viết bút ký là một trò chơi có phần nguy hiểm:
Nó chính là sự thật hay chỉ là hư cấu của tác giả? Bao nhiêu phần trăm là sự
thật, bao nhiêu là tưởng tượng? Trách nhiệm làm chứng của nhà văn là ở đâu?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Nhiều người cũng cho rằng ký chỉ là hình thức phóng sự, ghi chép,
nhưng tôi cho rằng ký có thể trở thành một loại hình văn học có tính sáng tạo,
cũng như truyện ngắn, tiểu thuyết. Vì vậy tôi đã dành nhiều thời gian cho ký và
may mắn được nhiều anh em lấy làm thích và khuyến khích. Nếu ký là văn học thì
phải nhìn nó như một tác phẩm sáng tạo văn học.
Nguyễn Đức Tùng:
Nghĩa là các sự kiện trong đó không thể tin cậy như các tài liệu
lịch sử?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Rất khó trả lời câu hỏi của anh. Nhưng tôi cho rằng đọc văn
chương, không thể hoàn toàn như đọc các tài liệu khoa học được, vì ký cũng là
một thể loại văn học.
Nguyễn Đức Tùng:
Về thời gian, anh chỉ viết nhiều trong khoảng từ 1975 đến 1990.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Anh nói đúng. Đó là thời kỳ tôi dành nhiều thời gian hơn cả cho
việc viết. Trước đó thì bận nhiều công việc, cũng chưa đủ thời gian tích lũy.
Nguyễn Đức Tùng:
Xa Huế, xa nhà, anh có nhớ bạn bè, học sinh, nhớ Tuyệt tình cốc,
nhớ ngôi trường Quốc học hay mối tình nào đó của anh không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
(Cười) Nhớ chứ. Nhưng tôi
là người hoạt động nên cũng phải nén lòng mình xuống.
Nguyễn Đức Tùng:
Trong cuốn sách Trịnh Công Sơn Và Cây Đàn Lya Của Hoàng Tử Bé anh
mới viết gần đây (2004), anh có kể rằng anh và Trịnh Công Sơn cùng học một lớp
ở trường tiểu học, sau đó hai người vẫn còn gặp nhau nhiều lần nữa như hai
người bạn. Thời kỳ anh ở thành phố, chưa vào bưng, thời kỳ Trịnh Công Sơn đệm
đàn cho Khánh Ly hát trên sân trường đại học miền Nam, có sợi tóc nào
bay trong trí nhớ nhỏ nhoi, và cả thời kỳ sau 1975.
Tình bạn của anh và tác giả Ru Ta Ngậm Ngùi, có cay
đắng, có thăng trầm lắm không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi lúc nào cũng coi Trịnh Công Sơn là người bạn thân. Mỗi người
quyết định đi một con đường riêng, có lúc tưởng không bao giờ gặp nhau được
nữa, nhưng rồi cũng lại gặp nhau. Quá khứ là tài sản quý báu của một đời người,
cái còn lại sau cùng không bao giờ thay đổi.
Nguyễn Đức Tùng:
Cũng trong cuốn sách ấy, anh có viết rằng một nền nghệ thuật đánh
rơi mất nỗi cô đơn của phận người chưa phải là một nền nghệ thuật hoàn hảo.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đó là tôi viết về âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng suy nghĩ ấy cũng
có tính cách tổng quát đối với cả nền văn học nước ta, nhất là dòng văn học
cách mạng.
Nguyễn Đức Tùng:
Thời gian đi vào rừng, anh cho là đẹp. Còn thời gian trước đó, lúc
anh đi học và đi dạy ở miền Nam thuộc Việt Nam Cộng Hòa, có phải cũng là một
trong những thời kỳ đẹp nhất của anh không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đối với tôi, đó là thời kỳ rất đẹp, đáng nhớ, đáng quý.
Nguyễn Đức Tùng:
Khi trở về A Sao, anh viết:
Chợt giật mình những
tháng năm lơ đãng
Anh biết đâu em khóc em cười
Trở về chiến khu nơi anh sống những ngày hào hùng, lòng anh có vui
không, trong khi thơ anh lại có vẻ buồn?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đúng là nửa vui nửa buồn. Mất mát của chiến tranh. Mất mát một
phần đời mình cho nó. Cái được cũng bằng cái mất. Trong ký tôi cũng có viết về
mảnh đất A Sao.
Nguyễn Đức Tùng:
Trong thể ký và tùy bút, anh quan tâm đến nhiều vấn đề, thay đổi
rất nhiều văn phong, ví dụ viết về Huế thì nồng nàn sâu lắng, viết về bóng đá
thì triết lý, viết về công nương Diana bạc mệnh thì thanh khiết. Anh lấy đâu ra
những kiến thức như thế? Anh có lời khuyên nào đối với các nhà văn mới viết?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi là người mê đọc sách từ nhỏ. Chương trình đại học Sư phạm và
đại học Văn khoa của miền Nam trước đây dạy tôi nhiều điều, rồi sau này vừa đi
vừa đọc vừa tìm hiểu. Những nhà văn trẻ hiện nay có nhiều người cũng đọc, nhưng
đa số hình như ít đọc hơn thời trước. Đó là điều đáng tiếc.
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa chị Lâm Thị Mỹ Dạ, là một nhà thơ nổi tiếng, lại là người bạn
đời của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, chị có thể nói vài lời được chăng?
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Hôm nay xin dành cho anh Tường, chúng mình sẽ có dịp khác. Nếu nói
về anh Tường thì tôi xin nói rằng tôi đã sống nhiều năm với anh ấy và hiểu rất
rõ. Đó là một người tốt nhưng chỉ quan tâm tới công việc, mà không quan tâm gì
tới vợ con.
Như một người đàn bà, tôi sống với anh ấy rất là khổ.
Nguyễn Đức Tùng:
Xin chị nói thêm về bản thân mình.
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Tôi quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Cha tôi vào Nam trước năm 1954, mẹ
tôi lọt lại một mình ở lại nuôi con. Chúng tôi có hai đứa con gái, một cháu là
Hoàng Dạ Thi đã lấy chồng được qua định cư ở Mỹ, bây giờ chỉ còn hai vợ chồng ở
với nhau. Mọi việc gì đều nhờ đến tay bạn bè thân thiết của anh Tường.
Nguyễn Đức Tùng:
Chị đã từng viết:
Cuộc đời em đơn thân đến
nỗi
Chưa bao giờ em tựa vào anh
Và vì thế em âm thầm sống
Tựa vào chính mình trĩu nặng, đớn đau
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Mình biết làm sao được, vui ít, buồn nhiều. Cái an ủi lớn nhất của
mình là anh Tường rất thành thật, tính hồn nhiên nhiều khi như trẻ con. Có lần đi
uống rượu gặp một cô tiếp viên nhà hàng, cô ấy than thở với anh là không có
tiền nuôi mẹ phải bỏ quê lên tỉnh đi làm nghề không xứng đáng. Anh ấy liền cởi
cái đồng hồ quý được một người bạn tặng đem cho cô ta. Mấy người bạn phải năn
nỉ bà chủ quán để lấy lại, nhưng anh ấy nhất định không chịu, nói là đã cho rồi
thì không lấy lại nữa.
Nguyễn Đức Tùng:
Có một người đàn ông như thế thì ít ra có thể lấy làm an ủi rằng
sự hy sinh của chị cũng có phần xứng đáng, không đến nỗi phí hoài.
Nước mắt lặn vào trong cho
anh thấy nụ cười
Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng
Giữa tháng ngày trĩu nặng
Em đứng thẳng người
Cho anh tựa vào em.
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Chăm sóc anh Tường trong những ngày ngã bệnh là nhờ sự giúp đỡ và
thuốc men, công lao rất lớn của bè bạn khắp nơi, chứ một mình tôi cũng không
làm gì được. Bây giờ anh ấy đã từ từ hồi phục một phần, viết được trở lại. Tôi
xin bày tỏ lòng biết ơn của mình đến tất cả những người bạn chung của hai chúng
tôi.
Nguyễn Đức Tùng:
Một hôm về Sài Gòn, buổi chiều tối tìm đến quán cà phê gần Đại học
Vạn Hạnh trên đường Trương Minh Giảng vì nhớ Hoàng Thị Hạnh, người nữ sinh viên
tóc xõa ngang vai năm cũ, tôi tình cờ được nghe một ca khúc phổ nhạc thơ anh.
Bài hát bồi hồi xúc động.
Có buổi chiều nào như
chiều xưa
Anh về trên cát nóng
Đường dài vành môi khát bỏng
Em đến dịu dàng như một cơn mưa
Vết thương nào cố che khuất cũng sẽ bị nhiễm trùng, cần mở chúng
ra, rửa sạch, khâu vá lại, rồi cùng nhau vượt qua phiền não, đó là mới thật sự
là khởi đầu của hàn gắn. Tôi tin vào sự cứu chuộc của tình yêu và tha thứ.
Những câu thơ có thể anh đã viết riêng cho chị Mỹ Dạ. Mà người
viết khi đọc lại cũng còn hạnh phúc.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Cám ơn anh đã nhớ những câu thơ của tôi. Điều đó làm tôi thật cảm
động.
Nguyễn Đức Tùng:
Xin cảm ơn và chúc anh chị sức khỏe, bình an.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét