Lời giới thiệu của Người Dịch:
Nhân một cuốn phim được đề
cử tham dự Giải Điện ảnh Oscar 2016, đọc bài phân tích lịch
sử cận đại
nầy của quốc
gia láng giềng Phi Luật Tân thì không thể không nghĩ đến trong lịch
sử cận đại nước ta, người Pháp cũng
đã vào Việt Nam với “nhiệm vụ khai hóa” ("mission civilisatrice").
Nhưng hình như người Phi không có ưu tư về căn cước văn hoá nhiều so
với người Việt để có thể tạo ra một Điện Biên Phủ hay một ngày 30 tháng 4 hầu chấm
dứt sự hiện diện của các thế lực ngoại bang trên đất nước mình.
Nhìn lại quá trình 20 năm bình thường hóa bang giao Mỹ-Việt
(1995-2015), và trong niềm hưng phấn của một số người Việt Nam khi thấy quan hệ
Mỹ-Việt đang có vẽ có những nỗ lực nâng tầm để tiến đến “quan hệ chiến lược toàn diện”, biết thêm về một
giai đọan đen tối của “người Mỹ xấu xa” trong lịch sử bang giao quốc tế, thông
qua bài học Phi Luật Tân, cũng là một điều thú vị đáng làm.
Ngoài ra, kết luận của bài nầy về thảm hoạ chia rẽ ở mức độ quốc
gia cũng phải làm cho độc giả ngậm ngùi không biết khi nào thì người Việt không
còn tính “chỉ nghĩ đến mình”.
CUỘC CÁCH MẠNG BỊ
BỎ QUÊN:
CUỘC TRANH ĐẤU CỦA TƯỚNG LUNA
CHO ĐỘC LẬP CỦA PHI LUẬT TÂN
Richard Javad
Heydarian
Một lá cờ tơi tả của Đệ Nhất Cọng Hòa Phi Luật Tân,
đã được nhân dân Phi dùng trong cuộc chiến chống Mỹ dành
độc lập.
[Hình của Arnaldo Dumindin
(trích từ Philippine-American War, 1899-1902)]
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Foreign Affairs năm 1968, người anh hùng quốc gia Phi Luật
Tân Benigno “Ninoy” Aquino đã than thở: “Sau
gần một nửa thế kỷ cai trị, người Mỹ đã gây ra một chấn thương khi biến người
Phi thành một loại người Mỹ khổ sở trong ba địa hạt: nhân sinh quan, giá trị của đời sống và thị hiếu
…” Vì vậy mà trong tất cả các thăm dò ý kiến, người Phi luôn luôn có cái nhìn
tốt nhất về nước Mỹ, ông chủ thực dân cũ của họ.
Cuộc thăm dò Thái độ Toàn cầu năm 2013 (2013 Global Attitudes Survey) của Trung
tâm Nghiên cứu Pew cho thấy có 85% người Phi đã có ý kiến tốt về nước Mỹ. Kết
quả nầy cao hơn một cách đáng ngạc nhiên tỉ lệ 81% ý kiến tốt của chính người
Mỹ về nước Mỹ của họ. Qua năm nay, 2015, tỉ lệ nầy của người Phi đã tăng lên
92% ý kiến tốt về siêu cường nầy
của thế giới. Qua các trận chiến tranh từ chống Đế quốc Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến
cho đến các cuộc chiến ủy nhiệm chống Cộng sản ở Triều Tiên, ở Việt Nam của thời Chiến tranh Lạnh,
người Phi luôn luôn đứng kề vai sát cánh với người Mỹ. Nếu có một “giải thưởng
về lòng trung thành” với nước Mỹ trong các nước đồng minh, chắc chắn Phi Luật
Tân sẽ đoạt giải ngon lành.
Trên
toàn thế giới, nước Mỹ được ca ngợi và thèm muốn nhờ ở chất lượng văn hoá (phim
ảnh của Hollywood), ở các trung tâm năng động về sáng tạo (Thung lũng Điện tử
Silicon Valley ở San Jose), và sức mạnh quân sự. Đa số dân Phi Luật Tân coi
nước Mỹ như một vị cứu tinh, một hiệp sĩ trong bộ giáp sáng chói đã bảo vệ đảo
quốc nầy thoát khỏi ma quỷ và sự đe dọa của những ý thức hệ phản dân chủ. Dù
vậy người ta cũng có thể lý giải là nước Phi Luật Tân si mê nước Mỹ như vậy là
do bệnh không thuộc lịch sử. Từ bao lâu nay, khi luận thuyết về chính tình quốc
gia, người Phi thường quên bẵng cuộc chiến tranh Mỹ-Phi (1899-1902), một cuộc
tranh đấu oai hùng cho nền độc lập Phi Luật Tân mà người Mỹ, với lòng tự tôn,
đã dè bỉu là “một cuộc nổi loạn”.
Để giải toả cho giai đoạn lịch sử bị
quên lãng nầy, phim “Heneral Luna” đã
được Phi Luật Tân giới thiệu để tham dự giải Oscar năm nay. Khi chọn chủ đề
cuốn phim là Tướng Antonio Luna, đạo diễn muốn trình bày một kết cuộc sâu đậm
và bi đát của Phi Luật Tân để dành được độc lập và những gian khổ trong tiến trình xây dựng quốc gia.
Cuốn phim nầy không nói về một chủ nghĩa
dân tộc buồn khổ và hung
hăng, mà Albert Einstein đã chê rất đúng là “bệnh con nít” và là “bệnh sởi của loài người”. Phim nầy nói
về cái logic đạo đức của lòng yêu nước và về hiểm họa của tinh thần bộ lạc đầy
tính chia rẽ. Phim Heneral Luna không tự nó đặt ra vấn đề
đạo đức mà chỉ vẽ lên một cách chân thực hai khía cạnh đạo đức của tiến trinh
xây dựng quốc gia.
Áp-phích quảng cáo phim “Heneral Luna” (Hình của poster.jpg)
Trình chiếu ra mắt hôm 24-7-2015 trên nhiều thành phố lớn tại Phi
Luật Tân
Một
Lịch Sử Bị Bỏ Quên
Thật ra thì nước Mỹ đã để lại một dấu ấn
to lớn trên nước Phi hiện đại trong vài chục năm (công khai) đô hộ (1899-1946)
so với hơn ba trăm năm (1565-1898) mà Tây Ban Nha đã tàn bạo xâm chiếm nước
nầy. Như sử gia Arnold Toynbee đã mô tả cách thế mà Tây Ban Nha đã khống
chế nước Phi “bằng một nhúm quân lính,
quan chức và thầy dòng Thiên chúa giáo như mô thức họ đã áp dụng ở Đông Ấn”.
Nước Phi Luật Tân trong vùng Đông Nam Á đã
được nước Mỹ dùng để khoe là một thuộc địa loại tốt. Chính quyền Mỹ đã cố gắng
chứng tỏ họ không phải là một đế quốc Tây phương như Anh, Pháp, … Theo diễn
giải của nhà báo nổi tiếng Neil Sheehan “lương
tâm chính trị của người Mỹ không chấp nhận một chế độ thuộc địa công khai”
vì chính họ đã từng dũng cảm nổi dậy chống sự thống trị của đế quốc Anh, “họ tin tưởng là chính sách đế quốc của họ
không tàn hại những
dân tộc khác.” Dưới sự cai trị của người Mỹ, Phi Luật Tân đã có được một
nền giáo dục phổ thông, một cơ sở hạ tầng tuy đơn sơ nhưng hiện đại, và những định
chế dân chủ và tự do. Và chính gia sản nầy đã đưa nước Phi vào hàng quốc gia
thứ hai ít nghèo nhất của Á châu.
Và ngay cả sau khi được trả độc lập năm
1946, Phi Luật Tân đã giao khoán cho nước Mỹ trách nhiệm giữ gìn an ninh quốc
gia. Theo ký giả/giáo sư James Fallows, người Mỹ đã chỉ cho người Phi “tin rằng họ (người Phi) không thực sự nắm trách nhiệm về số phận
của đất nước họ”. Qua những Hiệp ước Hỗ trợ Quân sự năm 1947, Hiệp định về
Căn cứ Quân sự năm 1947, và Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng năm 1951, Hoa Thịnh
Đốn đã trở thành người bảo kê chống
xâm lăng cho nước (gọi là độc lập) Phi Luật Tân. Mặc dù các căn cứ quân sự Mỹ
đã đóng cửa sau Chiến tranh Lạnh, nước Mỹ vẫn được coi như niềm hy vọng lớn
nhất để Phi Luật Tân chống lại một nước Trung Quốc thù hằn đang ngấu nghiến đất đai đang
tranh chấp của các nước nhỏ
như Phi Luật Tân trong biển Nam Hải.
Chuỗi lịch sử lệ thuộc đó đã che khuất
một quá khứ mà người Phi đã đứng lên như một biểu tượng tạo cảm hứng cho những
người ái quốc trên toàn thế giới.
Trong cuốn From the Ruins of Empire
(Từ những Tàn Tích của Đế Quốc) xuất bản năm 2012, tác giả Pankaj Mishra đã
chứng tỏ cuộc tranh đấu dành độc lập của người Phi chống lại Tây Ban Nha và Hoa
Kỳ, đã gây hứng khởi khắp Á châu.
From The Ruins Of Empire, Pankaj Mishra, Penguin Books India, 2012
Theo học giả Benedict Anderson, phong
trào ái quốc ở Phi, khởi từ những hoạt động của José Rizal, đã là lực lượng
tiên phong cho châu Á, thể hiện cuộc tranh đấu đầu tiên trên lục địa nầy sau
thời kỳ thuộc địa. Cuốn phim tiểu sử Heneral
Luna diễn đạt được tinh thần cao quý của thời kỳ nầy trong lịch sử của nước
Phi khi mà những người Phi đã được hưởng một nền giáo dục Tây phương, đứng lên
đòi hỏi bình đẳng với văn
minh Tây phương và sẵn sàng hy sinh mạng sống để xây dựng một quốc gia độc lập.
Nhưng cuộc tranh đấu cho độc lập đó đã
tan vỡ không phải vì quân Tây Ban Nha kém cỏi mà vì người Mỹ (tưởng là) hiền
lành. Người Mỹ mà quân cách mạng Phi, từ đầu, tưởng lầm một cách ngây thơ rằng họ là những đồng
minh đáng tin cậy để cùng chống lại thực dân Tây Ban Nha. Không thể tự mình xử
dụng quyền tự quyết, người Phi đã tạo ra một dân tộc bị rối rắm về căn cước cuả
mình và vị thế của đất nước mình trên thế giới, vì cuộc tranh đấu cho độc lập
cũng là cuộc tranh đấu cho bản sắc của dân tộc. Rõ ràng như Ninoy Aquino đã viết:
“Dân tộc Phi bị hoang mang về bản sắc của
họ. Họ là dân Á châu nhưng không là Á châu trong mắt những dân Á châu khác và
họ cũng không là Âu châu trong mắt những người Âu châu.”
Ảnh hưởng sâu đậm của người Mỹ trên tâm
thức của người Phi, đặc biệt là thành phần người Phi ưu tú, được thấy rõ qua
lời tuyên bố của Salvador P. Lopez, cựu Đại sứ Phi Luật Tân tại Hoa Thịnh Đốn,
trong cố gắng bênh vực chế độ thuộc địa Mỹ đã cho rằng ngoài những phúc lợi
khác, nước Mỹ còn giúp “xã hội Phi Luật
Tân phát triển theo đường hướng dân chủ.”
Một
quốc gia phân rẽ.
Trong những phim lịch sử Phi Luật Tân,
người ta thường nhận rõ tinh thần chống Tây Ban Nha và Nhật Bản. Điều đặc thù
của phim Heneral Luna là đã đưa ra
một cách toàn vẹn, không những các gian dối của người Mỹ - điều đình riêng với
Tây Ban Nha để mua lại Phi Luật Tân [với giá 20 triệu Mỹ kim thông qua Hiệp
định Paris 1898]
mà không cho đồng minh Phi
biết – mà còn cả sự tàn bạo đối với thường dân Phi.
Cuộc chiến tranh Mỹ-Phi đã làm cho hàng
trăm ngàn người Phi bị thiệt mạng. Phần đông là người dân bình thường đã không
chịu nổi đói khát và cực khổ của cuộc chiến dai dẳng. Cũng có những hành động
bạo tàn bừa bãi của quân lính Mỹ trong khi một số khác thì khoái trá với những
chiến bại của quân cách mạng Phi với sự mừng rỡ độc ác. Một quân nhân Mỹ dã coi
chuyện bắn giết những quân thù đang chạy trốn “còn vui hơn cả bắn các con gà tây.” Theo chủ nghĩa Manifest Destiny (Tuyên ngôn Sứ mệnh),
Tổng thống Mỹ William McKinley đã phê chuẩn một dự án trong chế độ thuộc địa để
“giáo dục, nâng đỡ, văn minh hoá và Thiên
Chúa giáo hoá dân Phi Luật Tân.” Sự áp bức dân tộc Phi đã được dấu sau bề
ngoài đế quốc mộ đạo và miệt thị họ như một loài dân man rợ.
Tuy vậy, phim Heneral Luna chắc chắn không phải là một phim chống Mỹ rẻ tiền mà là một phim nghệ thuật
với luận đề chiếu rọi lên tình trạng chia rẻ nội bộ trong lực lượng cách mạng
Phi, một sự chia rẻ còn kéo dài cho đến ngày hôm nay. Tướng Antonio Luna (1866-1899)
thuộc giống dân Ilocano lớn lên ở thủ đô Manila và được giáo dục theoTây
phương, là một người vừa ái quốc vừa [có tinh thần] quốc tế. Theo các tướng lãnh Mỹ như
James F. Bell và Robert Hughes, thì Luna thật sự là vị Tướng duy nhất của Phi
Luật Tân. Và ông ta cố gắng tối đa để tạo lập một quân đội Phi hiện đại và
chuyên nghiệp không bị phân rẽ bởi tinh thần bộ lạc và phân biệt chủng
tộc.
Từ khởi đầu của cuộc chiến Mỹ-Phi, thiên
tài quân sự của Tướng Luna đã tạo khủng hoảng cho quân Mỹ xâm lược vốn vẫn yên chí rằng dân
địa phương không thể tổ chức được một cuộc kháng chiến tinh vi như vậy. Xuất thân
từ một nền giáo dục mới, Tướng Luna sử dụng những chiến thuật quân sự tân kỳ để
chống lại quân đội Tây phương bằng chính kỹ thuật của họ. Nhưng dầu sao thì
Tướng Antonio Luna chưa phải là Tướng George Washington. Tính khí nóng nảy, mệnh lệnh không được thi
hành, thương vong của chiến tranh đã đánh gục người hùng. Cuốn phim đã trình
bày một cách đau đớn Tướng Luna tranh đấu
với nội tâm và kết quả là ông đã trút cơn giận một cách sai lầm lên trên những
người dân vô tội, những người dân Phi mà đúng ra là ông phải bảo vệ triệt để.
Tướng Luna không phải là một nhà lãnh
đạo lý tưởng vì ông không nhận ra sự cần thiết của khả năng kêu gọi, khuyến dụ,
và xây dựng đồng thuận của một nhà lãnh đạo. Như nhà sử học Phi Luật Tân
Vincente Rafael giải thích: Luna và các đồng chí cách mạng “chưa bao giờ có một chương trình để giải
quyết vấn đề bất cân bằng trong xã hội … chưa bao giờ có kế hoạch phân phối lại đất đai
hoặc dân chủ hoá các liên hệ trong xã hội.”
Nhưng người ta vẫn không thể phủ nhận
được quyết tâm của Tướng Luna để đạt được độc lập cho Phi Luật Tân dù ông có
nhiều điểm yếu. Tướng Luna
ăn nói lỗ mãng (là để giữ gìn kỷ luật quân đội), thường hay nạt nộ (là để ngăn
ngừa tình trạng bất tuân thượng lệnh và để động viên tinh thần quân sĩ), và
tính khí cộc cằn (là để ngăn chận tinh thần bộ lạc và chia rẽ trong hàng ngũ
lãnh đạo Phi Luật Tân) phải
được đánh giá trong phạm vi đau thương của tiến trình xây dựng quốc gia, đặc
biệt khi một quốc gia non trẽ đang vừa phải đối mặt với hết cường quốc thực dân nầy đến cường quốc thực dân khác, vừa phải đấu
tranh với những chia rẽ nội bộ xấu xa .
Từ tác phẩm Peasants into Frenchmen (Nông dân trở nên người Tây) của Eugen
Weber xuất bản năm 1976 – nói về mất của và mất gốc là phần chính trong tiến
trình xây dựng quốc gia của người Pháp và sự vươn lên của nước nầy thành một
siêu cường – cho đến tác phẩm Civilization
(Văn Minh) của Niall Ferguson xuất bản năm 2012 - nói về tiến trình hiện
đại hoá hỗn loạn và áp chế của Nhật Bản dưới thời Minh Trị Khôi phục đã đưa
nước Nhật đạt được độc lập và phẩm giá - người ta phải trực diện với một sự
thật đau lòng là muốn xây dựng quốc gia, đặc biệt là trong thế kỷ 18 và 19, một
tiến trình tự nó đã đầy sắt máu, con người phải hoán đổi lòng trung thành với
gia đình và gia tộc qua, theo chữ của Benedict Anderson, “một cộng đồng tưởng tượng” gọi là quốc gia.
Peasants Into Frenchmen, Eugen Weber, Stanford University Press, 1976
Civilization, Niall Ferguson, Penguin Books, 2012
Vụ ám sát Tướng Luna một cách tàn bạo do
âm mưu của các đồng chí của ông ta, những người không thấy giá trị trong tính
ngạo mạn của Luna, và đặt thù hằn cá nhân lên trên nền độc lập của quốc gia,
nên được coi như một bài học cảnh báo, nhắc nhở rằng kẻ thù lớn nhất của Phi
Luật Tân không phải là người ngoài mà chính là chia rẽ nội bộ và lòng trung
thành hẹp hòi đã chặn bước đi của tiến trình xây dựng quốc gia ngay cả cho đến
bây giờ.
Richard
Javad Heydarian
Lý
Nguyên Diệu phỏng dịch (9/2015)
■ Nguyên bản Anh ngữ: Philippines' Forgotten Revolution: General Luna and
the Quest for Independence ( http://www.huffingtonpost.com/richard-javad-heydarian/philippines-forgotten-rev_b_8199354.html?ncid=txtlnkusaolp00000592
) Posted: 09/26/2015 12:31 am EDT
Updated: 09/26/2015 12:59 pm EDT
■ Tác giả: Richard Javad Heydarian.
Academic, policy adviser, and author of "Asia's New Battlefield: US, China, and the Struggle for Western Pacific"
(“Chiến
Trường Mới Ở Á Châu: Mỹ, Trung Quốc và Cuộc Tranh Chấp Biển Tây Thái Bình Dương.”)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét