VÀI BỆNH MÃN TÍNH CỦA
TRÍ THỨC VIỆT
Nguyễn Quang Dy
Ngày nay, các bác sỹ
thường khuyên chúng ta phải kiểm tra sức khỏe định kỳ nếu không muốn bị đột tử
(vì tim mạch) hay mắc các bệnh nan y (như ung
thư). Trong “thế giới phẳng”, Tom Friedman cũng khuyên các doanh nghiệp phải
kiểm tra sức khỏe thường xuyên, nếu muốn tồn tại và phát triển. Không biết giới
trí thức Việt có kiểm tra sức khỏe và khám bệnh thường xuyên không, và có thừa
nhận bệnh tật của mình không?
Có lẽ việc này cần hơn
là “định nghĩa lại trí thức”. Tại sao phải định nghĩa lại? Chẳng lẽ lâu nay
chúng ta không biết trí thức là gì, là ai, và làm gì. Đã qua rồi cái thời ông
Mao điên rồ và xảo quyệt nói bậy: “trí
thức không giá trị bằng cục phân”, hay cái thời mấy ông Việt Minh ngây ngô và
cuồng tín, bắt chước ông Mao: “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Họ không hiểu vùi dập trí thức là đồng nghĩa
với tự sát quốc gia.
Tuy đã qua rồi, nhưng hệ
quả của nó vẫn còn, bởi căn nguyên
là cực đoan và cuồng tín chưa chết, vẫn còn lẩn khuất trong chính chúng ta. Nếu chịu khó quan sát, ta có thể nhận diện một số căn bệnh mãn tính điển hình của giới
trí thức và
văn nghệ sĩ Việt. Họ là thành phần
ưu tú của quốc gia, làm đầu tàu thúc đẩy tiến bộ xã hội, nên cần quan tâm và
khám bệnh, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen (mấy ông này uống và hút dữ lắm!).
Những nhận xét dưới đây
có thể đúng, có thể sai, có thể bổ sung, có thể tranh luận, nhưng là cần thiết.
Đừng vội phủ định hay khẳng định ngay.
Hay định kiến và chia rẽ
Người ta hay
nói (nửa đùa nửa thật)
rằng một người Việt thì không thua kém một người nước khác, nhưng ba người Việt thì chắc thua kém một người nước khác. Bởi vì ba người Việt thường không hợp sức mà còn chia rẽ, tự phân hóa và vô hiệu hóa nhau. Không
hiểu vì sao tính cá thể của người Việt rất cao, nhưng tính cộng
đồng rất thấp. Đây là một
nghịch lý mang bản sắc Việt Nam (không giống người Trung Hoa). Cũng chưa thấy
tài liệu nghiên cứu nào phân tích xem đây là do tính bản địa, hay là do ảnh
hưởng của văn hóa Pháp (xin lỗi mấy ông Tây nhé!) Chỉ biết rằng người
Việt có tiếng là hay định kiến và chia rẽ, hay cãi nhau không ai chịu ai. Càng trí thức, càng hay cố chấp và chia rẽ
khỏe. Chưa thể lý giải ngay được, nhưng có thể do cực đoan và bảo thủ. Làm
việc nhóm rất khó, không phát huy được nội lực và không kết nối được năng lượng (synergy). Rất khó đồng thuận để có tiếng nói
chung. Có lẽ vì biết như vậy nên cụ Hồ mới nhấn mạnh đoàn kết “như con ngươi của mắt mình”, nghĩa là
không đoàn kết thì mù luôn. Hy vọng Việt Nam không phải là một “thung lũng mù”!
Gần
đây, đáng mừng là đã xuất hiện một số hội đoàn độc lập theo hướng dân chủ hóa và cởi mở hơn, như xã hội công dân. Nhưng đáng buồn là các hội đoàn mới này cũng khó phát triển nhanh và mạnh được. Không phải chỉ vì số lượng ít, nguồn lực thiếu thốn, bị chính quyền ngăn cản, mà bản thân nội bộ cố chấp và chia rẽ, rất khó đồng thuận để có tiếng nói chung. Nghe nói vừa mới hình thành đã cãi nhau rồi. Chưa cần bên ngoài phá, bên trong đã tự phân hóa rồi. Có
lẽ cũng vì vậy mà hòa hợp và hòa giải dân tọc mới khó thế. Khi
nói đến dân trí, người ta thường
hiểu theo nghĩa cộng đồng chứ không phải từng cá thể. Nếu cứ định kiến và chia rẽ như vậy thì làm
sao có thể nâng cao dân trí, làm sao có thể “thoát Trung”?
Không chịu lắng nghe
Theo nguyên lý truyền thông, lắng nghe quan trọng
hơn cả nói, để thu lượm và sàng lọc thông tin cần thiết. Phải bình tâm mới lắng nghe được người khác, để hiểu được cả những
điều người khác không nói ra. Điều này càng quan trọng trong thời đại bùng nổ truyền thông kỹ thuật
số. Muốn lắng nghe phải khiêm tốn, chân thành, nhạy cảm. Người ta nói xã hội càng “high-tech” thì con người càng phải
“high-touch”. Ta
thường làm ngược lại. Gần
đây, Việt Nam được xếp vào nhóm nước vô cảm nhất thế giới (trong khi chưa
“high-tech”). Đa số người Việt, nhất là giới trí thức, chỉ thích nói
cho người khác nghe, mà không chịu lắng nghe người khác nói. Một số người còn hay “xoa đầu” và dạy bảo người khác (nhất là đối với lớp trẻ). Họ thường vô cảm, không hiểu được người khác
muốn gì, nghĩ gì. Thế hệ già không hiểu thế hệ trẻ. Bắc - Nam, trong - ngoài, không
hiểu được nhau. Thói quen không chịu lắng nghe có thể do thái độ ngạo mạn, coi thường người khác, luôn cho mình là đúng,
ai không giống mình là sai.
Trong
bộ máy công quyền trước đây,
người ta quen độc quyền thông tin theo cấp bậc. Có một thời, chỉ có lãnh đạo mới được đọc
“bản tin tham khảo” (lấy từ các
hãng thông tấn nước ngoài). Thời ấy đã qua rồi, nhưng hệ quả của nó vẫn còn, vì hệ tư tưởng cũ
chưa thay đổi. Một
khi trong đầu đã chứa
định kiến gì,
thì người ta hay cố chấp, luôn phủ
định hoặc khẳng định, mà không cần lắng
nghe để tìm hiểu sự thật.
Không chịu lắng nghe và chia sẻ thông tin thường dẫn đến định kiến và chia rẽ. Điều
đáng nói là không phải chỉ có những người cộng sản (cuồng tín) mà cả những người
chống cộng (cực đoan) đều mắc
phải căn bệnh mãn tính này. Trí thức mà định kiến và cực đoan thì còn nguy hiểm
hơn cả người khác.
Học
giả nhiều hơn học thật
Chưa thấy ở đâu người ta
coi trọng bằng cấp và học hàm học vị một cách cực đoan như ở Việt Nam. Giới
thiệu ông trí thức nào mà thiếu cái tít “GSTS” là toi. Trong khi đó dân chúng
gọi GSTS là “gà sống thiến sót” (xin lỗi không phải tôi nói!). Vì vậy, nhu cầu
“học giả” và làm “bằng giả” trở thành một thị trường ngầm phát đạt, như một
khối u mãn tính, làm mấy đời bộ trưởng giáo dục đành chào thua. Điều đáng nói
là nó không chỉ phổ biến trong nhà trường mà còn trong giới công chức và trí thức. Một quốc gia có trên 90
triệu dân (một nguồn tài nguyên quý mà chắc nhiều nước thèm muốn) nhưng chất
lượng nguồn nhân lực đang khủng hoảng đến mức báo động. Chúng ta không lo giới
trí thức Việt nhỏ bé, nhưng
rất lo chất lượng dân trí còn thấp, bị phân hóa và vô hiệu hóa quá nhiều và quá
lâu. Vì vậy, trí
thức thật thì ít, trí
thức giả thì nhiều. Giới
trí thức Việt giống như một bức tranh “mosaic” nhiều màu sắc khó tả, rất đặc thù chẳng giống ai, mang đậm “bản sắc” Việt Nam.
Nguồn gốc trí thức Việt
đại khái có mấy thế hệ. Thế hệ những người “học tây” thời trước (cả Bắc lẫn Nam) là trí thức thật, nhưng vừa quá
ít vừa “quá date” (passé rồi), nếu chưa chết hoặc không nhanh chân ra nước ngoài thì
cũng đãbị vô hiệu hóa bởi thời thế hoặc thời gian. Thế hệ “thiếu sinh quân” (thời chống Pháp) được chọn đi
học Trung Quốc/Liên Xô, đa số đã trở thành quan chức, một
số khác có
tài đã trở thành
trí thức thật, nhưng nay đã về
hưu. Thế hệ “học Đông Âu”
(thời chiến tranh với Mỹ), tuy đông nhưng bị phân hóa, đa số thực
dụng buôn bán kinh doanh giàulên nhanh như “tướng soái”, một số trở thành tư
bản đỏ (đang lũng đoạn thị trường), nhưng vẫn giữ cái mũ phó tiến sĩ hoặc tiến sĩ dổm, một số khác có
tài theo đuổi khoa
học nghệ thuật, thường bị
vô hiệu hóa, hoặc phải
nhập quốc tịch nước khác. Thế hệ đi học các nước “phương tây” (sau chiến tranh) ngày càng đông và đa
dạng, đa
số kinh doanh, một
số làm công chức, một số khác làm
cho nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài. Trí thức người Việt sống ở nước ngoài là
một nguồn nhân lực quan trọng, có nhiều nhân tài, có lòng ái quốc, có thể đóng
góp nhiều hơn cho đất nước và làm cầu nối với thế giới, nhưng chưa được thực sự
trân trọng.
Im lặng trùm chăn
Trong
bối cảnh xã hội chuyển đổi, đầy
biến động và rủi ro, giới trí thức thường là đội ngũ tiên phong dẫn dắt xã hội đổi mới và phát triển. Nhưng đáng tiếc, giới trí thức văn nghệ sĩ Việt đã bị “thui chột” sau những kinh nghiệm
đau buồn như “cải cách ruộng đất” và “nhân văn
gia phẩm”, nên đa số thường “trùm chăn”, không dám lên tiếng, vì sợ. Đây là cái sợ tiềm tàng đã đi vào tiềm thức ít nhất hai thế hệ, nên muốn thoát khỏi
nó phải can đảm để phản tỉnh. Đến nay, hệ thống kiểm soát và kiểm duyệt (văn hóa tư
tưởng) về cơ
bản vẫn chưa
thay đổi, với hồ sơ nhân quyền đang là
vấn nạn trong
quan hệ với Mỹ và phương Tây (giống như vấn đề MIA trước đây). Trong bối cảnh đó, giới trí thức văn nghệ sĩ “trùm chăn” là dễ hiểu. Quá trình phản tỉnh để thoát khỏi nỗi sợ không đơn giản, tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi
người.
Có những người đến cuối
đời mới dám lên tiếng nói ra sự thật (như tác giả “Đèn Cù”).
Bên cạnh đa số im lặng
trùm chăn (silent majority), có một thiểu số lớn tiếng (vocal minority). Những
người đã định cư ở nước ngoài thường “dũng cảm” hơn và “lớn tiếng” hơn những
người trong nước. Một số quá khích và nôn nóng muốn thay đổi ngay. Một số khác
trong lòng còn nặng hận thù và cố chấp, chỉ thích chửi nhưng không đề ra được
giải pháp. Ai cũng muốn thay đổi, nhưng nếu không có giải pháp khả thi, thì
thành viển vông. Vì vậy, cần tránh cả khuynh hướng “trùm chăn” lẫn “quá khích”.
Nếu bình tâm nhìn kỹ thì quá trình dân chủ hóa trên thế giới tuy đa dạng và
phức tạp, nhưng có quy luật, cần thời gian. Qua kinh nghiệm nhiều nước đã
chuyển đổi (trong 40 năm qua) người ta thấy cách tốt nhất là đấu tranh ôn hòa,
thông qua “Bất tuân Dân sự”. Phong trào dân chủ gần đây tại Hong Kong là một ví
dụ, khác nhiều so với thời Thiên An Môn. Trong thời đại toàn cầu hóa và truyền
thông kỹ thuật số, muốn đấu tranh hiệu quả phải có dân trí cao, ứng dụng
công nghệ cao, dùng “sức mạnh mềm” đối phó với “sức mạnh cứng”, biết kết nối
quốc tế để vận dụng sức mạnh toàn cầu (global synergy).
Hội nhập quốc tế chậm
Trong
thời đại toàn cầu hóa, giới trí thức đáng lẽ phải hội nhập quốc tế nhanh hơn những nhóm
người khác, để dẫn dắt họ trong quá trình đổi mới và phát triển. Đáng tiếc, giới trí thức Viêt hội nhập quốc tế hơi chậm so với các
nước khác đang chuyển đổi. Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chính sách kiểm soát
và kiểm duyệt chặt chẽ với các quy định lạc hậu, không khuyến khích và tạo điều
kiện cho giao lưu, hội nhập quốc tế. Thứ hai, bị đóng cửa quá lâu nên giới trí
thức bị “nội địa hóa” quá nhiều, một số mang tâm lý bài ngoại, không quen hội
nhập. Thứ ba, hàng rào ngôn ngữ và văn hóa cũng làm cho việc giao lưu, hội nhập
của trí thức với thế giới bên ngoài khó khăn. Tuy nhiên, thế hệ trí thức trẻ
học tại các nước Phương Tây sau này ngày càng đông, riêng học tại Mỹ đến
nay là 16.500 người (sau 20 năm). Họ không bị hàng rào ngôn ngữ và văn hóa cản
trở, giao lưu và hội nhập dễ dàng. Đây là một nguồn nhân lực và một lớp trí
thức mới quan trọng, nhưng chưa được coi trọng đúng mức.
Trong thời đại toàn cầu
hóa và truyền thông kỹ thuật số, liên kết và giao lưu quốc tế vô cùng quan
trọng, giúp cho những người trí thức mở rộng tầm nhìn, không kỳ thị dân tộc,
ngăn ngừa xu hướng dân tộc cực đoan và bạo lực giữa các quốc gia. Theo kinh
nghiệm phát triển của nhiều nước, chỉ khi nào giới trí thức trưởng thành như
một thế lực mạnh trong xã hội, và nhân tài được trọng dụng như tài sản quốc
gia, thì đất nước đó mới thực sự phát triển. Nhưng trước hết, giới trí thức
Việt cần chữa trị các bệnh mãn tính nói trên.
NQD. 7/7/2015
Tác giả gửi cho
viet-studies ngày 10-7-15
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét