Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015



THỰC DÂN PHÁP VỚI VẤN ĐỀ
CHẤN HƯNG  PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TRONG NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
Ths. Dương Thanh Mừng

Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc. Đó chính là quá trình xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp cùng công cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Do đó, trong mỗi bước tiến của phong trào luôn chịu sự tác động sâu sắc từ những biến chuyển của đời sống xã hội cũng như thái độ và lập trường của chính quyền thực dân đương thời. Để làm sáng tỏ hơn vấn đề này, tác giả bài viết xin được đi sâu phân tích và trình bày một số nét về động thái của chính quyền thực dân Pháp đối với vấn đề chấn hưng Phật giáo diễn ra ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỉ XX.

1. Một số nét khái quát về chính sách tôn giáo của thực dân Pháp và tình hình Phật giáo Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX
Chính sách tôn giáo của Pháp những năm đầu thế kỉ XX tập trung chủ yếu về các hoạt động của đạo Thiên Chúa như: vấn đề bảo đảm quyền lợi cho các giáo sĩ thừa sai tại các nước thuộc địa và phụ thuộc, vấn đề hình thành các dòng tu mới, mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội... Tuy nhiên, diễn tiến của nó lại có những tác động không nhỏ đến sự hình thành và phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo.

Sau khi về cơ bản đã đàn áp xong các phong trào đấu tranh vũ trang yêu nước của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp từng bước thiết lập nền bảo hộ và tiến hành các chương trình khai thác thuộc địa quy mô lớn trên toàn cõi Đông Dương. Nội dung của chương trình khai thác thuộc địa tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho quá trình khai phá mang lại hiểu quả cao, thực dân Pháp đã cho tiến hành song song nhiều chính sách khác nhau.

Về chính trị, thực hiện chính sách chia để trị với 3 thể chế chính trị khác nhau ở ba miền: Bắc Kì là xứ bảo hộ, Trung Kì là xứ nửa bảo hộ, Nam Kì là xứ thuộc địa.

Về văn hóa, thực dân Pháp cho du nhập nhiều giá trị văn hóa lai căng từ bên ngoài vào cùng với đó là tiến hành tuyên truyền và áp đặt nền văn hóa nước Pháp. Về giáo dục, thực hiện chính sách ngu dân.

Về tôn giáo, thực dân Pháp tiến hành kìm hãm sự hình thành, phát triển của các tôn giáo đương thời và tạo điều kiện cho sự phát triển của đạo Thiên Chúa... Mục đích của các chính sách nói trên là nhằm ru ngủ tinh thần quần chúng, biến quần chúng thành những đám đông tự ti, khiếp nhược trước sức mạnh của văn minh đại Pháp, mất tin tưởng vào khả năng và tiền đồ của dân tộc, cắt đứt với mọi truyền thống tốt đẹp và từ đó phục vụ trung thành cho quyền lợi của đế quốc Pháp.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng sự chú trọng đến đạo Thiên Chúa của Pháp trong giai đoạn này còn nhằm mục đích là để “trả ơn” cho những giáo sĩ thừa sai đã giúp đỡ chính quyền thực dân trong quá trình xâm chiếm Đông Dương. Trước đây, các giáo sĩ thừa sai muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến các nước phương Đông nhưng không đủ điều kiện về tài chính và sự ngăn cấm của một số chính quyền sở tại nên họ đã vịn vào chính phủ và các nhà thương gia.


Đổi lại, các giáo sĩ thừa sai sẽ có nhiệm vụ thông báo cho Nhà nước tư sản những tin tức cần thiết. Mối quan hệ giữa giáo sĩ thừa sai với các thế lực xâm lược như là một hệ lụy tất yếu từ quy luật phát triển kinh tế - xã hội lúc bấy giờ. GS. Nguyễn Văn Kiệm cũng đã nhận định rằng: “Sự dính líu của Giáo hội La Mã và của Hội Thừa sai Paris với cuộc thực dân của các thế lực tư sản phương Tây hẳn là đã không hoàn toàn phát xuất từ bản chất thiêng liêng và nhân ái của sự truyền giáo.

Song lịch sử của Tây Âu từ cuối thế kỷ XV đã đặt ra cho Giáo hội La Mã cũng như Giáo hội Pháp một khả năng duy nhất là phải thỏa hiệp với các thế lực tư sản để có thể thực hiện được sứ mạng truyền giáo. Sự dính líu đó mang tính cách lịch sử và thời đại, thời đại mà chủ nghĩa tư bản đang lớn mạnh và đang tiến tới chi phối mọi hoạt động của thời đại kể cả hoạt động tôn giáo” . Thêm vào đó, hoàn cảnh du nhập và định hình của đạo Thiên Chúa ở Việt Nam lại mang sắc thái đặc biệt, đó là việc các nhà tư sản phương Tây đã mượn bàn tay giáo sĩ thừa sai để phục vụ cho mục đích chính trị của mình.

Chính điều này đã gây nên những hiểu lầm đáng tiếc xung quanh vấn đề vai trò, vị trí của đạo Thiên Chúa đối với diễn trình lịch sử dân tộc trong một thời gian dài. Cần phải khẳng định rằng, bất cứ một tôn giáo nào cũng đều muốn hướng con người đến những giá trị chân thiện mĩ của cuộc sống. Dù là các tôn giáo ngoại nhập nhưng khi vào nước ta, nó sẽ được khúc xạ bởi những đặc trưng về văn hóa và những truyền thống tôt của đẹp dân tộc Việt Nam.


Do đó, không nên đồng nhất giữa những con người muốn mượn tôn giáo để phục vụ cho các mục đích chính trị với những con người theo đạo thuần túy đang hướng đến một cuộc sống bình an và hạnh phúc. Và một điều mà mọi người đã nhìn thấy và hết sức quan tâm là trong những trang đầu lịch sử Giáo hội Việt Nam đã xuất hiện những người Công giáo kính Chúa yêu nước thiết tha, mở đầu cho truyền thống tốt đẹp của đồng bào Công giáo. Họ không đối lập một cách cực đoan tôn giáo và dân tộc, không đối lập bổn phận người tín hữu trước Thiên chúa và Giáo hội, với nghĩa vụ công dân trước Tổ quốc và Dân tộc” .

Chính sách tôn giáo của thực dân Pháp giai đoạn này còn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo lên nắm quyền tại Chính quốc. Cụ thể như, năm 1901 Quốc hội Pháp cho ban hành Đạo luật liên hệ đến khế ước thành lập các hiệp hội. Nội dung chính là ấn định những điều kiện để những dòng tu Công giáo nào chưa chính thức được phép hoạt động có thể nộp đơn xin phép và tiếp tục hoạt động ở Pháp. Tuy nhiên, sau khi Emile Combes được bầu làm Thủ tướng Pháp (1902 - 1904), thì Đạo luật 1901 được sử dụng như một thứ vũ khí lợi hại nhằm triệt hạ tất cả các dòng tu Công giáo mới. Năm 1905, Chính quyền Combes tiếp tục tấn công vào quyền lợi của giáo sĩ bằng việc ban hành Đạo luật 1905, tách Giáo hội ra khỏi Nhà nước. Biện pháp này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những thừa sai đang làm nhiệm vụ linh mục xứ ăn lương theo quy chế thoả hiệp tại các thuộc địa và tạo nên những mâu thuẫn lớn trong nội tình nước Pháp. Vấn đề nên hay không nên áp dụng các đạo luật 1901 và1905 cho các xứ thuộc địa đã được Ủy ban thuộc Bộ Thuộc địa của Pháp đưa ra thảo luận trong nhiều phiên họp nhưng không tìm được tiếng nói đồng thuận. Tại Đông Dương, chính quyền Pháp đã lên tiếng phản đối việc áp dụng các đạo luật 1901 và 1905 vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai, quyền lợi của giáo hội cũng như quá trình bình ổn và khai thác thuộc địa.

Tình hình nói trên đã có những tác động không nhỏ đến các chính sách tôn giáo của thực dân Pháp ở Việt Nam trong giai đoạn này. Nếu chính phủ cầm quyền ưu ái thì các tôn giáo được nâng đỡ và trợ giúp. Ngược lại, nếu chính phủ cầm quyền chống tôn giáo, nhất là từ thập niên đầu thế kỉ XX, thì tôn giáo ở chính quốc cũng như ở các xứ thuộc địa của Pháp đều bị bài bác và hạn chế hoạt động ở những mức độ khác nhau. Chẳng hạn như việc thực hiện chiến dịch bài giáo sĩ Công giáo, chính quyền thực dân Pháp đã có một vài chính sách khá dễ chịu đối với tôn giáo khác, tiêu biểu là Phật giáo, nhất là trong những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX . Đây cũng chính là thời điểm đánh dấu sự ra đời của nhiều tôn giáo bản địa ở Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là những khoảnh khắc ưu ái ngắn ngủi còn phần lớn thời gian chính quyền Pháp tại Đông Dương vẫn chú trọng đến các hoạt động giành cho đạo Thiên Chúa vì nó gắn liền với các chính sách đô hộ và bóc lột. Các tôn giáo khác như Phật giáo, Cao Đài, Nho giáo hay Lão giáo,... thực dân Pháp tìm cách ngăn cấm hoặc không khuyến khích phát triển vì cho rằng nó không có có lợi cho sự cai trị. Một học giả phương Tây cũng đã nhận định rằng: “Dưới chế độ thực dân Pháp, từ năm 1860 cho đến lúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, Thiên Chúa giáo được khuyến khích còn Phật giáo thì không cho phát triển” .

Còn về phía Phật giáo Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX lại bộc lộ yêu cầu canh tân đổi mới. Nguyên nhân là do tình trạng suy yếu kéo dài từ các thập kỉ trước đó đã đe dọa đến vấn đề tồn vong của tôn giáo này trước bối cảnh mới của lịch sử dân tộc. Thêm vào đó, quá trình xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp đã có những tác động không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của nhiều tăng ni, Phật tử Việt Nam. Đó là thực trạng nhiều tăng ni, Phật tử sa vào con đường cờ bạc, rượu chè, đàm trước thanh sắc; là phần đông tăng già chỉ nghĩ đền danh vọng, chức tước, xin bằng Tăng cang, trụ trì, sắc tứ… Mọi phương diện khác thì chỉ biết cúng cấp, cầu đạo, phù chú, làm tay sai cho các nhà vua chúa, quan quyền. Hay là “Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại thủ dị cầu kì, học thêm bùa ngãi, luyện roi thần, làm bạn với Thiên Linh cái, khi ông lên, lúc bà xuống, ngáp ngắn ngáp dài, thu phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thực ra là lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, mở rộng túi tham quơ quét cho sạch sành sanh. Hiện trạng như thế sao bảo chẳng suy đồi…” . Do vậy, những người có tâm huyết với sự thịnh suy của Đạo pháp đã đứng ra vận động, kêu gọi chấn hưng nhằm tìm ra một hướng đi mới cho Phật giáo Việt Nam lúc này. Là một bộ phận của dân tộc Việt Nam nên diễn tiến của phong trào không thể không chịu ảnh hưởng từ những tác động của bối cảnh lịch sử đương thời và hẳn nhiên trong đó có cả chính sách của thực dân Pháp đối với các vấn đề về tôn giáo.

2. Thực dân Pháp với vấn đề chấn hưng Phật giáo Việt Nam

* Giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến 1930, thực dân Pháp ngăn cấm nhu yếu thống nhất của Phật giáo Việt Nam cũng như quá trình hình thành phong trào chấn hưng.

Nhằm khắc phục những yếu kém của Phật giáo Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX, các nhà trí thức yêu nước, yêu đạo cùng với các tăng ni, Phật tử đã cùng ngồi lại với nhau để chỉ ra đâu là nguyên nhân đã làm suy yếu Phật giáo và đồng thời tiến hành vận động chấn hưng trên khắp cả nước. Sự kiện mở đầu cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam diễn ra tại miền Nam vào năm 1926, Cư sĩ Huỳnh Thái Cửu mời chư tôn đức đến nhà của mình tại Trà Vinh dự lễ Trai Tăng, báo hiếu sau mùa an cư. Qua bài tác bạch, ông đã khái quát hiện tượng chư tăng suy đồi đạo đức và đề nghị thành lập Hội Phật giáo để khởi xướng phong trào nghiên cứu giáo lí, chấn chỉnh tăng già. Cùng với hoài bão chấn chỉnh lại Phật giáo, Hòa thượng Khánh hoà đã tích cực đi khắp các tỉnh miền Nam kêu gọi giới Phật tử đứng lên chấn hưng và ông đề xuất một chương trình bao gồm 4 điểm: “Lập hội Phật giáo, thỉnh ba tạng kinh điển dịch ra chữ quốc ngữ, lập trường Phật học để đào tạo Tăng tài và xuất bản tạp chí phổ biến giáo lí, kêu gọi Tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng quy cũ thiền môn”.

Tiếp đến là trên lĩnh vực truyền thông, các tờ báo liên tục đăng tải về tình hình suy yếu của Phật giáo và kêu goi tăng ni, Phật tử, cùng giới trí thức yêu nước cần có thái độ quan điểm, lập trường chấn hưng Phật giáo. Tiêu biểu như: Hoà thượng Thiện Chiếu với bài viết “Chấn hưng Phật giáo ở nước nhà” đăng trên Đông Pháp thời báo, số 532 ra ngày 14/1/1927, đã đề xuất chương trình chấn hưng Phật giáo bao gồm 3 điểm căn bản: “Lập Phật học báo quán để truyền bá Phật lí, khi Phật lí được vãn hồi sẽ xóa bỏ những điều mê tín. Lập Phật gia công học để đào tạo ra những bậc hoằng pháp mô phạm để truyền giáo về sau. Dịch kinh Phật ra tiếng ta để cho Phật giáo nước ta sau này khỏi sợ đến việc thất truyền”. Tại miền Bắc, Tỉ kheo Tâm Lai trụ trì chùa Tiên Lữ (Thái Nguyên), đã viết bài kêu gọi chấn hưng Phật giáo trên tờ Khai hóa nhật báo số 1640, ra ngày 16/1/1927 với nội dung “Sớm thành lập Việt Nam Phật giáo Hội cho cả ba miền” và cũng đề xuất một chương trình chấn hưng gồm 3 điểm... Tuy nhiên, những nổ lực nói trên vẫn không mang lại kết quả.

Có thể nói rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhu yếu thống nhất của Phật giáo Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX chưa thành công là bắt nguồn từ sự thiếu đồng nhất về chính kiến, quan điểm trong hàng ngũ các bậc tôn túc Phật tử. Đó là việc các tăng ni, Phật tử đưa ra nhiều biện pháp chấn hưng nhưng lại thiếu một đường lối cụ thể và đồng nhất cho toàn thể Tăng đồ. Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề lại nằm ở quá trình xâm lược và các chính sách cai trị của thực dân Pháp đã có những tác động không nhỏ đến mọi phương diện của đời sống xã hội Việt Nam. Nếu như giai đoạn này, xã hội Việt Nam diễn ra nhiều phong trào yêu nước dướI các ý thức hệ khác nhau thì cũng là thời điểm thực dân Pháp tiến hành đàn áp, mua chuộc, ngăn cấm việc thành lập các hội đoàn và mọi hoạt động chính trị có tổ chức của nhân dân. Nhiều tổ chức khác nhau được hình thành từ các phong trào yêu nước như: Phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục,... đều bị thực dân Pháp theo dõi sát sao, đàn áp hoặc tìm cách lôi kéo để trở thành công cụ phục vụ cho Pháp. Do đó, các hoạt động của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn này cũng không thể tránh khỏi sự kiểm soát của chính quyền thực dân. Hay nói khác hơn, thực dân Pháp không muốn Phật giáo Việt Nam thống nhất và trở thành một lực lượng đứng về phía cách mạng, tham gia đấu tranh chống lại Pháp. Thêm vào đó, tâm lí e ngại đụng chạm tới chính quyền cai trị đã khiến cho nhiều tăng ni, Phật tử không giám tham gia hoặc thậm chí lên tiếng phản đối quá trình vận động chấn hưng. Đây cũng chính là những nguyên nhân khiến cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam chưa thể hình thành được ở trong giai đoạn này.

* Giai đoạn 1930 - 1945, thực dân Pháp cho phép thành lập các hội đoàn Phật giáo dẫn đến sự hình thành phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Từ năm 1931, thực dân Pháp chính thức phê chuẩn cho phép các tổ chức Phật giáo được thành lập trên khắp cả nước. Ở miền Nam, tổ chức Phật giáo đầu tiên được hình thành trong phong trào chấn hưng là Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học  vào năm 1930 và đến ngày 26/8/1931 bản điều lệ và quy tắc của Hội mới được Thống đốc Nam Kì là Khrautheimer phê duyệt theo nghị định số 2062.  Ngày 31/4/1931, tạp chí Từ Bi Âm - cơ quan ngôn luận của hội được Thống đốc Nam Kì cấp giấy phép hoạt động, số ra đầu tiên vào ngày 1/1/1932. Tiếp đến, ngày 13/8/1934, Hội Lưỡng Xuyên Phật học được Thống đốc Nam Kì là Pagès  phê chuẩn thành lập theo Nghị định số 2286, tại chùa Long Phước, Trà Vinh. Đến ngày 5/7/1935, Toàn quyền Đông Dương Pháp là René Robin kí Nghị định số N604-S cho phép hội Lưỡng Xuyên Phật học xuất bản tạp chí Duy tâm Phật học mỗi tháng ra 4 kì . Nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với chính quyền thực dân Pháp, ngay trong số đầu tiên của tạp chí Duy Tâm, Ban Trị của Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã viết: “Bổn hội xin tỏ đôi lời trân trọng cảm tạ Quan toàn quyền Đông Pháp và Thống đốc Nam Kì đã có lòng chiếu cố đến Phật giáo trong xứ Việt Nam. Sau Bổn hội xin cảm ơn cái tinh thần quan Chánh Tham biện là ngài Marty và quan Chánh Chủ tịch M.Dofour hiện thời là hai ngài có công lao lớn nhất của Hội, lại có lòng giúp đỡ cho tờ Duy Tâm nữa” . Muộn nhất là Hội Phật học Kiêm Tế được Thống đốc Nam Kì là Pagès phê chuẩn thành lập theo Nghị định số 1068, ngày 23/3/1937 tại chùa Tam Bảo - Rạch Giá. Đầu năm 1938, Tạp chí Tiến hóa - cơ quan ngôn luận của Hội cũng được cấp giấy phép hoạt động và cho ra mắt số đầu tiên. Tại miền Trung, Hội An Nam Phật học được Khâm sứ Trung Kì là Yves Charles Chàtel kí nghị định số 2691 ngày 17/09/1932 cho phép thành lập kèm theo bản điều lệ gồm 80 điều và 17 điều quy tắc. Đến ngày 30/06/1933, Nguyệt san Viên Âm - cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học được nghị định Toàn quyền Đông Dương cho phép xuất bản. Số đầu tiên ra mắt là vào ngày 1/12/1933. Hội Phật học Đà Thành (Đà Nẵng) được phép thành lập theo Nghị định số 1057 ngày 14/5/1935 của Khâm sứ Trung Kì là Maurice Fernand Graffeuil và đến ngày 15/1/1937, hội được phép ấn hành tạp chí Tam Bảo. Tại miền Bắc, ngày 6/11/1934, Thống sứ Auguste Tholance đã kí Nghị định số 4283 cho phép thành lập Hội Phật giáo Bắc Kì, hội quán đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội . Ngày 10/12/1934, tuần báo Đuốc Tuệ cũng được chính quyền Pháp cho phép xuất bản. Ngày 31/1/1935, Hội Bắc Kì Phật giáo Cổ sơn môn được Thống sứ Bắc Kì thông qua Nghị định số 649 ngày 31/1/1935, cho phép xuất bản tạp chí Tiếng Chuông Sớm, số đầu tiên được ấn hành vào ngày 15/6/1935...

Cùng với việc cho phép thành lập các hội quán Phật giáo trên khắp cả nước, đại diện chính quyền Pháp tại Đông Dương cũng đã tham gia vào các tổ chức Phật giáo nói trên. Điển hình như: Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học với sự tham gia của Khrautheimer (Thống đốc Nam Kì) với tư cách là hội Trưởng danh dự, Rivoal (Đốc lí Sài Gòn) làm Phó hội Trưởng danh dự, các ông/bà người Pháp như Robert, Mossy, Fontaine, Karpelès là hội viên danh dự. Ở miền Trung là sự tham gia của Khâm sứ Maurice Fernand Graffeuil vào chức Danh dự Hội trưởng Hội An Nam Phật học. Tại miền Bắc, Thống sứ Auguste Tholance và Toàn quyền Đông Dương là René Robin đã giữ chức Danh dự Hội trưởng của Hội Phật giáo Bắc Kì. Các danh dự hội viên người Pháp như: Henri Virgefti - Đốc lí thành phố Hà Nội, Louis Lotzer - Đốc lí thành phố Hải Phòng, V.Rocca - Đốc lí thành phố Nam Định, E.Vinay - Công sứ Thái Bình, R.Colin - Công sứ kiên an, J.Massmi - Công sứ Hải Dương ...

Sự điều chỉnh chính sách tôn giáo của thực dân Pháp nói trên xuất phát từ những biến chuyển của tình hình Việt Nam trong giai đoạn này. Đó chính là sự ra đời của Đảng cộng Sản Việt Nam cùng quá trình Đảng lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc; quá trình đấu tranh kháng Pháp đòi độc lập tự do của quần chúng diễn ra liên tiếp trong giai đoạn 1930 - 1935. Do đó, để hạn chế các phong trào đấu tranh và lôi kéo các giai tầng trong xã hội đứng về phía mình, thực dân Pháp đã cho tiến hành nhiều hoạt động như khủng bố, bắt bớ, đàn áp đến mua chuộc và dụ dỗ. Nằm chung trong mục đích đó, thực dân Pháp đã cho phép thành lập các tổ chức Phật giáo trên khắp cả nước. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức Phật giáo trong giai đoạn này lại chịu sự kiểm soát gắt gao của chính quyền thực dân. Từ việc cấp giấy phép thành lập hội, ấn tống báo chí làm cơ quan ngôn luận đến các hoạt động chung trong phong trào chấn hưng, tất cả đều phải thông qua chính quyền Pháp.

Bước sang giai đoạn 1936 - 1939, sau khi Mặt trận Bình dân lên nắm quyền tại Pháp đã cho thi hành nhiều chính sách mang tính chất tiến bộ đối với nhân dân chính quốc cũng như các nước thuộc địa. Từ đó đã tạo nên những điều kiện thuận lợi để phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Ngày 1/1/1937, Chính phủ Bình dân Pháp đã cử phái đoàn do Brevié và Justin Godart sang thị sát và thu thập dân vọng tại Đông Dương. Trong chuyến đi này, J. Godart đã ghé thăm các cơ sở Phật giáo Việt Nam. Ông đã thốt lên rằng: “Tôi không thể làm thinh được sau khi nghe những lời vừa giảng xong tóm tắt về đạo Phật. Đạo Phật chú trọng về lòng nhân từ, nhân đạo. Cái đó tôi rất cảm động, cảm động rồi phải sửa đổi lòng mình nếu như mình tàn ác, hung bạo” . Theo J. Godart, hai chữ từ thiện của đức Phật không chỉ đặt ở trong lòng mà “cần phải làm cho nó thực hiện ra bằng hành động, cử chỉ, bằng công việc làm, bằng sự chân thành, sửa đổi đối với quần chúng lao khổ hiện nay...”  J. Godart cũng tán thành với các yêu cầu dân sinh, dân chủ của quần chúng nhân dân nói chung và tăng ni, Phật tử Việt Nam nói riêng là phải làm cho con người ra dáng con người, đủ ăn, đủ mặc, đủ học, đủ hành, đầy tự do, đầy hạnh phúc. Để làm được điều này, “Chính phủ Bình dân cần phải thực hiện ngay chính sách: khoan hồng, rộng lượng, cần phải chan chứa lòng nhân từ, đạo đức trong công việc tiến hành”; và đối với Godart, ông sẽ “cần trung thành đưa hết những bản nguyện vọng thiết thực ấy về cho chánh phủ, cho quan Tổng trưởng thuộc địa Marius Moutet và tôi nhiệt liệt khẩn cầu cho kì được, khẩn cầu sửa đổi gấp gấp nửa kia”. Tạp chí Duy Tâm Phật học số 17, ra ngày 1/1/1937, đã đăng bài nhận xét về sự sự quan tâm của phái đoàn Chính phủ Pháp như sau: “Quan thủ hiến Brevié Toàn quyền Đông Dương và quan Tổng trưởng đại biểu chánh phủ Bình Dân Justin Godart mới đến Đông Pháp lần thứ nhứt mà chúng ta được thấy hai ngài có lẻ hai ngài là Bửu tinh giáng lâm hai ngài đến xứ nầy cũng vì lòng chan chứa đức từ bi tâm công bình để thay mặt cho nước Pháp. Sau khi quan sát trực tiếp, có lẽ dân trong năm xứ được hưởng cái hạnh phúc giải phóng: chánh trị, xã hội kinh tế, học thuật giáo dục vệ sanh, ngôn luận....” . Nguyệt San Viên Âm cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học tại miền Trung cũng có đoạn viết: “Phương pháp hành động của Chính phủ Bình dân phần nhiều cốt để nâng cao trình độ dân chúng về mặt thực tế... Chính sách của chính phủ Bình dân và mục đích của An Nam Phật học Hội tuy khác, song sẽ vui vẻ gặp nhau ở một phương diện rất quý hoá, rất tốt đẹp và rất thanh cao là cái phương diện công bằng bác ái” .

* Giai đoạn 1945 - 1954, thực hiện chính sách chia rẻ lương giáo, kìm hạm sự phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Từ sau năm 1945, thực dân Pháp nhận thấy Phật giáo đã trở thành một lực lượng đứng về phía cách mạng đấu tranh bảo vệ nền độc lập chính đáng của dân tộc nên đã cho thi hành nhiều chính sách chia rẽ đời sống tôn giáo của quần chúng nhân dân. Chính sách của thực dân Pháp đối với Phật giáo trong giai đoạn này tập trung vào 4 nội dung chủ yếu:

■ Một là tiến hành chia rẻ lương giáo, phá hoại công cuộc kháng chiến do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Để thực hiện được âm mưu này, thực dân Pháp đã sử dụng hệ thống tay sai núp dưới bóng là tín đồ nhà Phật để lập nên “những tổ chức ngụy quyền, Việt gian, mật thám, gián điệp, lập những đảng phái phản động”  nhằm chống lại cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Họ đa số là những địa chủ, cường hào phản động và đã “cam tâm làm tay sai cho giặc, phản bội tổ quốc, giết hại đồng bào và lợi dụng Phật giáo để lừa gạt nhân dân”. Từ sau năm 1950, thực dân Pháp còn tích cực tìm kiếm và biến một số hội đoàn Phật giáo như: Hội Đoàn thiện, các Đại đạo - tu tiên,... thành các tổ chức gián điệp, phá hoại cuộc kháng chiến, phá hoại đường lối của Chính phủ và gieo rắc tinh thần cầu an nô lệ trong nhân dân.

■ Hai là tuyên truyền mê tín - dị đoan, dụ dỗ và mua chuộc tín đồ Phật tử đi ngược lại con đường đấu tranh giành độc lập tự do của Tổ quốc. Thực dân Pháp đã cho tay sai tung nhiều tin đồn nhằm tạo ra sự hoang mang trong quần chúng như: “Biết kinh mạt kiếp mà ai không chép thì chết cả nhà, ai không đọc kinh ấy thì cũng cấm khẩu chết. Giờ ngọ phải ở trong nhà nếu không thì Quan Âm bắt. Trong làng đào nhiều hầm thì cả làng chết”. Hay là: “Việc lễ bái trong vùng tạm chiếm thì nhộn nhịp, ngoài vùng Việt Minh thì lạnh lẽo, buồn tẻ vì Việt Minh phá đình chùa” ... Đồng thời thực dân Pháp đã dựng lên khẩu hiệu: “Phật giáo không đánh Tây thì Tây không đánh Phật giáo”; tổ chức các lễ hội cầu cúng, quyên góp từ thiện, sửa chùa,... nhằm lôi kéo Phật tử xa rời cách mạng và đứng về phía Pháp hay ít ra là trở thành một lực lượng trung lập.

■ Ba là kìm hãm sự phát triển của phong trào chấn hưng Phật giáo và tạo điều kiện cho sự phát triển của đạo Thiên Chúa. Như đã trình bày, từ đầu những năm 30 phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đã diễn ra với quy mô lớn trến khắp cả nước. Những bước đi thích hợp của phong trào không những đã góp phần khắc phục tình trạng suy yếu của Phật giáo các giai đoạn trước đó mà nó ngày càng có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, thực dân Pháp đã thi hành nhiều chính sách nhằm phá hoại phong trào. Cao điểm của tình hình này là việc chính quyền thực dân Pháp ban hành Dụ số 10, ngày 6/8/1950. Theo đó, chính quyền thực dân Pháp sẽ dành cho các tín đồ của đạo Thiên Chúa và đạo Gia Tô “chế độ đặc biệt (Điều 44/Dụ số 10)”. Còn về phía Phật giáo và các tôn giáo khác, Dụ số 10 đã xem các tổ chức này như các hội thường trong xã hội, không cần đề cập đến tính chất tôn giáo và tín ngưỡng của nó. Quan trọng hơn, thực dân Pháp có quyền bát khước đi không cho phép lập hội mà không cần nói rõ lí do. Theo PGS.TS Lê Cung: “Dụ số 10 không phải là một sự thiên vị đơn thuần, mà là một chính sách kì thị tôn giáo có trọng tâm, trọng điểm của thực dân Pháp, trong đó Thiên Chúa giáo được đề cao, được ưu tiên, còn các tôn giáo khác ở Việt Nam, trước hết là Phật giáo - một tôn giáo truyền thống của đa số người Việt Nam bị đối xử ngược lại”.

Cần phải chú ý thêm rằng, đây chính là thời điểm mà quân và dân ta giành được những thắng lợi có tính chất quyết định về quân sự và ngoại giao và Pháp đang từng bước sa lầy tại chiến trường Đông Dương và buộc phải cầu cứu Mĩ. Do đó, việc đẩy mạnh các chương trình khủng bố, đàn áp cũng như thực hiện các âm mưu chia rẽ nhằm làm suy yếu tinh thần đoàn kết và ý chí đấu tranh của nhân dân Việt Nam hẳn nhiên là sự lựa chọn duy nhất đúng của Pháp lúc này. Bản thân Mĩ - nhân vật được Pháp đặt nhiều hi vọng nhưng lại là người đã đi ngược lại sự mong đợi của Pháp bằng những toan tính chiếm đóng lâu dài Việt Nam. Tuy thực dân Pháp ban hành Dụ số 10 nhưng nó lại nằm trong tính toán của những nhà lãnh đạo Mĩ về khu vực Đông Dương. Một mặt Mĩ tích cực chuẩn bị con bài chính trị mà người đứng đầu là Ngô Đình Diệm - là người theo đạo Thiên Chúa và là người đã được sinh ra trong một gia đình có truyền thống chống Cộng; mặt khác, Mĩ gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, trong đó đáng kể là cuộc di cư, đưa người dân là tín đồ Công giáo miền Bắc vào miền Nam làm hậu thuẫn cho chính quyền Diệm do Mĩ dựng lên sau này. Bởi Mĩ nhận ra chính sách lợi dụng tôn giáo mà thực dân Pháp sử dụng trong quá trình xâm lược Việt Nam đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, đây chính là những sai lầm lớn nhất của Pháp cũng như là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của chính quyền Ngô Đình Diệm sau này. Bởi những tín đồ của đạo Thiên Chúa, Phật giáo, Hòa Hảo hay Gia tô,... họ đều là những người con của đất Việt. Họ luôn mang trong mình truyền thống quý báu của dân tộc đó là lòng yêu nước, thương dân và tinh thần đấu tranh bảo vệ dân tộc trước các thế lực ngoại xâm. Dẫu trong diễn tiến đi lên của lịch sử Việt Nam vẫn có không ít những người nghiêng ngã trước những cám dỗ từ các thế lực xâm lấn bên ngoài, nhưng đại đa số quần chúng nhân dân Việt Nam vẫn một lòng yêu nước và bằng nhiều hình thức khác nhau họ đã tích cực đấu tranh cho nền độc lập, tự do của nước nhà. Đó vừa là truyền thống quý báu vừa là đặc điểm xuyên suốt của dân tộc Việt Nam qua bao thời kì.

■ Bốn là dùng sức mạnh quân sự nhằm trấn áp và thủ tiêu tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh chống giặc ngoại xâm của tăng ni, Phật tử Việt Nam.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, nhiều tăng ni, Phật tử đã tạm thời gác lại cuộc sống tu hành đi theo tiếng gọi của cách mạng. Nhiều chùa chiền không chỉ trở thành căn cứ cách mạng mà còn đóng góp nhân lực trực tiếp cho cuộc kháng chiến. Tiêu biểu như Tại Nam Định, ngày 27/2/1947, Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Nam Định đã long trọng làm lễ nhập ngũ cho 24 hoà thượng tại chùa Cổ Lễ . Trong khi đó, thực dân Pháp với dã tâm muốn cướp nước ta thêm một lần nữa đã dùng mọi thủ đoạn để biến Việt Nam thành thuộc địa của chúng. Trong đó, sử dụng sức mạnh quân sự nhằm đàn áp các phong trào đấu tranh do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo và tiến hành là một trong những nội dung trọng yếu. Với tấm lòng yêu nước thiết tha, nhiều tăng ni, Phật tử đã không ngần ngại tham gia vào cuộc kháng chiến và sẵn sàng hi sinh đời mình để bảo vệ nền độc lập - tự do, bảo vệ quê hương - xóm làng, bảo vệ mảnh đất là nơi chôn rau, cắt rốn. Theo thống kê của Nguyễn Lang trong công trình Việt Nam Phật giáo sử luận, từ năm 1947 đến năm 1954 đã có trên 400 tăng ni và Phật tử hi sinh. Trong đó, có nhiều thành viên là trụ cột trong phong trào chấn hưng Phật giáo như: Thích Minh Tâm - Chính trị viên Trung đoàn Trần Cao Vân đã hi sinh tại Phong Điền (Huế). Thích Tánh Huyền- Chủ tịch Uỷ ban Hành chính khu phố 7 đã hi sinh tại chùa Từ Vân (Huế). Thích Châu Quang đã hi sinh trong mặt trận bảo vệ Huế. Thích Trí Nghiêm hi sinh tại chiến khu Quảng Trị. Thích Viên Minh hi sinh tại mặt trận Phan Thiết, Thích Minh Trí bị thực dân Pháp tra tấn và chôn sống cùng 5 Phật tử khác tại chùa Thiên Ấn (Bình Dương)… . Còn theo báo cáo của Hội nghị Tăng già Toàn quốc vào ngày 1 đến ngày 10/8/1953 thì: “Từ ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, giặc đi đến đâu là tàn sát dân, phá hoại tôn giáo. Ở Hưng Yên có 500 chùa bị chúng san phẳng 211 chùa, bắn phá 151 chùa, giết 28 vị sư... Ở Thái Bình, chúng san phẳng 61 chùa, đốt phá hơn 100 chùa và giết gần 20 vị sư...”. Những hi sinh và mất mát đó không những đã nói lên tinh thần cách mạng và khát vọng độc lập tự do của tăng ni, Phật tử Việt Nam mà nó còn khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn đồng cam cộng khổ, luôn gắn liền với những bước thăng trầm của dân tộc.

Từ những phân tích trên cho thấy, vấn đề chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỉ XX chịu sự tác động sâu sắc từ những biến chuyển của bối cảnh lịch sử xã hội đương thời mà nhất là từ quá trình xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp. Từ việc ngăn cấm sự hình thành, ban hành các nghị định cho phép hoạt động đến việc kịch liệt phản đối và phá hoại phong trào đã cho thấy sự mâu thuẫn trong các chính sách cai trị của chính quyền Pháp tại Đông Dương. Nhưng qua đây cũng cho thấy vai trò và vị trí của phong trào chấn hưng đối với phong trào giải phóng dân tộc, đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Cao hơn hết đó chính là từ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng các chính sách tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết đã tạo điều kiện cho các tôn giáo thể hiện hết khả năng và trách nhiệm của mình để bảo vệ nền độc lập, tự do cho đất nước. Một quan chức của người Pháp lúc đó cũng thừa nhận rằng: “Chưa bao giờ tôi có thể nhận thấy nơi các chương trình của cụ Hồ Chí Minh một dấu vết rất nhỏ của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu đối với bất kì một tôn giáo nào” . Đây cũng chính là nhân tố trọng yếu làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.

Ths. Dương Thanh Mừng - Đại học Duy Tân, NCS Đại học Huế
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1 năm 2015


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. An Nam Phật học hội, Điều lệ và Quy tắc, in tại nhà in Đắc Lập, Huế, 1932.
2. Lê Cung (2003), Phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb Thuận Hóa. Huế.
3. Phạm Như Cương (1988), Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Nxb Viện Khoa Học Xã Hội và Ban Tôn Giáo Tp. Hồ Chí Minh.
4. Lê Tâm Đắc, Khái quát về chính sách tôn giáo của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam (1858-1954), Nguồn: btgcp.gov.vn.
5. Thích Phước Đạt, “Tổng quan về phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam”, http://www.chuagiaclam.com.
6. Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh (2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí từ 1927 - 1938), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.19.
7. Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 2, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Hội Lưỡng Xuyên Phật học, “Đôi lời thanh minh”, Duy Tâm Phật học, số 1, 1935, trang phụ bìa.
9. Hội Lưỡng Xuyên Phật học, “Đôi lời biểu lộ”, Duy Tâm Phật học, số 1, 1935, tr.12-16.
10. Hội Lưỡng Xuyên Phật học, “Một điều hi vọng”, Duy Tâm Phật học, số 17, năm 1937, trang phụ bìa.
11. Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học, “Điều Lệ và Quy tắc”, Từ Bi Âm, số 1, 1932, tr.36-56.
12. Hội Phật học Kiêm Tế, Điều lệ, Chùa Tam Bảo, Rạch Giá, 1937, tr.10.
13. Hội Phật giáo Bắc Kì, Tập kỉ yếu Hội Phật giáo, Nxb Trung Bắc Tân Văn, 1935, trang phụ bìa.
14. Hội Phật giáo Bắc Kì, “Tâm lí của Đại sứ lao công Pháp Justin Godart đối với đạo Phật” in trong Hoàn cầu Phật học, Trung ương Hội quán Phật giáo Bắc Kì xuất bản, 1938, tr.28-32.
15. Nguyễn Văn Kiệm (1988), “Nói thêm về những nguyên nhân dẫn tới sự cấm đạo của nhà Nguyễn”, in trong Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Nxb Viện Khoa Học Xã Hội và Ban Tôn Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, tr.159.
16. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội.
17. “Lễ tiếp cụ Đại sứ Godart trong dịp cụ đến thăm Phật học đường của An Nam Phật học Hội”, Nguyệt san Viên Âm, số 24, 1937, tr.59 - 61.
18. Thích Mật Thể (1960), Việt Nam Phật giáo sử lược, Minh Đức tái bản và ấn hành, Huế.
19. Trần Tam Tỉnh (1998), Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
20. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, “Chính sách của Chính phủ đối với tôn giáo”, Hồ sơ số 1325, Hà Nội.
21. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, “Báo cáo về tình hình Phật giáo nước ta (Hội nghị triệu tập Tăng già toàn quốc từ ngày 1 đến ngày 10/8/1953)”, Hồ sơ số 1324, Hà Nội.
22. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, “Nghị quyết về công tác vận động Phật giáo của khu Tả Ngạn (18/8/1953)”, Hồ sơ số 294, Hà Nội.
Source: http://phatgiao.org.vn/nghien-cuu/201501/Thuc-dan-Phap-voi-van-de-chan-hung-PGVN-trong-nua-dau-the-ky-XX-17106/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét