Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015


PHẬT GIÁO CÓ THỂ HƯỚNG DẪN GÌ
CHO KHOA HỌC VÀ NHÂN LOẠI?

Truyền Bình

Tại sao Phật giáo có thể hướng dẫn?

Bởi vì người sáng lập Phật giáo là Thích Ca là một người giác ngộ. Phật tức là giác ngộ. Giác ngộ tức là thấu suốt mọi lẽ huyền vi của Tam giới. Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Giác ngộ không phải là một người hiểu hết tam giới mà là tự chứng thực bản tâm. Bản tâm cũng tức là tam giới. Tất cả chúng sinh đều chung một bản tâm đó và bản tâm đó là tam giới. Cái đó Phật giáo gọi là Bất nhị. Bất nhị không phải là hai mà cũng không phải là một, mà là vô sở trụ. 

Vô sở trụ chính là ý nghĩa triết học của định lý bất toàn (incompleteness theorem) mà Kurt Godel đã khám phá bằng toán học và công bố lần đầu tiên vào năm 1931. Ý nghĩa đó có thể tóm tắt như sau : Luôn luôn có sự mâu thuẫn trong bất cứ một hệ thống lô-gích nào. Từ đó suy ra ý nghĩa triết học của định lý bất toàn như sau : thế giới vật chất thì không có thực thể, nghĩa là nó chỉ là một thế giới ảo, không có thật. Nhưng thế giới ảo đó được con người cảm nhận rất chân thật, như thiên hà tinh tú, sông núi biển đảo, nhà cửa lâu đài, xe cộ tàu thuyền máy bay, vật dụng sinh hoạt, cơm ăn áo mặc thực phẩm v.v…Đó chính là ý nghĩa bất toàn của định lý.

Định lý bất toàn chỉ là cách diễn tả mới mà Bát Nhã Tâm Kinh Phật giáo đã từng diễn tả là : Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc.

Phật giáo hướng dẫn cụ thể như thế nào?

Phật giáo nói rằng Tánh Không là bản thể của tất cả các pháp.

Thuyết Big Bang về sự hình thành của vũ trụ cũng chỉ là một cách diễn tả khác, nhưng ý nghĩa thì giống với điều Phật giáo nói. Thuyết Big Bang nói thế nào ? Ở thời điểm t (thời gian) = 0, không có vũ trụ, không có không gian, không có thời gian hay vật chất gì cả. Ở thời điểm t= 10-43 (mười lũy thừa âm 43) giây, vũ trụ xuất hiện một hạt lượng tử có kích thước 10-33 (mười lũy thừa âm 33) centimét. Sau đó nó bùng nổ thành vũ trụ ta thấy ngày nay có đường kính là 93 tỉ năm ánh sáng và thời gian t hiện nay là gần 14 tỉ năm.

Phật giáo nói rằng cái vũ trụ vật chất mà con người thấy ngày chỉ là biểu kiến (nghĩa là ảo chứ không phải thật) con người thật ra chỉ là đang nằm mơ giữa ban ngày. Giác ngộ tức là đang ngủ mơ tỉnh dậy mà thôi.

Nhiều nhà khoa học, trong đó có Albert Einstein vĩ đại, không tin rằng vũ trụ là ảo, cho rằng đó là một cõi giới khách quan, có thật. Ông nói với Niels Bhor rằng “Chẳng lẽ nếu không có ai nhìn mặt trăng thì mặt trăng không tồn tại hay sao ?” Niels Bhor tuy bất đồng với Einstein nhưng cũng không thể chứng minh điều ngược lại, nên tạm thời cuộc tranh luận chưa ngã ngũ. Năm 1927, khi Wemer Heidenberg khám phá ra nguyên lý bất định (uncertainty principle), Einstein cũng không tin tưởng nguyên lý này. Năm 1935, Einstein và hai người khác đồng chí hướng là Boris Podolsky và Nathan Rosen đưa ra giả thuyết EPR nhằm phản bác nguyên lý bất định cũng như vạch ra sự thiếu sót của cơ học lượng tử. Sinh thời Einstein đã biết hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement) nhưng ông bối rối không hiểu rõ sự kỳ dị của hiện tượng này nên gọi nó là tác động ma quái từ xa (spooky action at a distance).

Năm 1964, John Bell thiết lập một bất đẳng thức mang tên ông nhằm kiểm chứng giả thuyết EPR, nhưng khả năng về khoa học kỹ thuật lúc đó chưa đủ để tiến hành thí nghiệm. Mãi đến năm 1982, tại Paris, Alain Aspect và các đồng sự lần đầu tiên áp dụng bất đẳng thức Bell để kiểm chứng EPR vì họ đã có thể dễ dàng tạo ra một cặp photon vướng víu (entangled) nghĩa là một photon xuất hiện đồng thời tại hai vị trí khác nhau. Kết quả cho thấy nhóm EPR sai, cơ học lượng tử mặc dù có những điểm rất phi lý, khó chấp nhận nổi, nhưng lại đúng với thực tế thí nghiệm.


John Bell tại CERN và Alain Aspect tại École Polytechnique, Paris

Hai điểm hết sức phi lý mà thí nghiệm này có thể rút ra là:
Một là vật (hạt photon) không hiện thực (non realism) những đặc trưng của nó như khối lượng, điện tích, số spin, đều không có sẵn, chỉ là do người khảo sát gán cho nó lúc tiến hành đo đạc. Thế nghĩa là hạt chỉ là ảo, không có thật. Điều này đã được Niels Bohr nêu ra trước đó (“Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập là những sự vật trừu tượng- tức không phải vật thật).
Hai là vật (hạt photon) không có vị trí nhất định tức bất định xứ (non locality) đúng như nguyên lý bất định mô tả.
Cơ học lượng tử- Nguyên lý bất định : Vị trí (của hạt electron) càng xác định chính xác bao nhiêu thì động lượng của nó càng ít chính xác bấy nhiêu trong khoảnh khắc đó, và ngược lại – (Nghĩa là không thể xác định đồng thời vị trí và động lượng của hạt electron)

Những kết luận này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vũ trụ chỉ là ảo, không gian, thời gian, số lượng vật chất chỉ là biểu kiến, đúng như PG mô tả, tất cả các pháp chỉ là tánh không, không có thực thể. Những kết luận này tương đồng với điều mà PG đã nói từ lâu rằng vật hay pháp không có tự tính, tất cả mọi tính chất của vật đều là do chúng sinh tự gán ghép. Điều này thấy rất rõ trong ngôn ngữ, ý nghĩa của từ ngữ hay mọi sắc thái của ngôn ngữ đều là do con người gán ghép chứ bản thân ngôn ngữ không tự có ý nghĩa.

Từ tánh không cũng có thể rút ra kết luận thứ ba mà khoa học hiện nay vẫn còn khá mơ hồ. Kết luận thứ ba là : Số lượng vật chất cũng chỉ là biểu kiến, không phải thật. Thực nghiệm chứng tỏ cho kết luận này đã được khoa học nhận thức năm 2012. Maria Chekhova đã thực hiện được việc cho một photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau, tất cả đều vướng víu. 100.000 photon ở trạng thái vướng víu (entangled) nghĩa là gì ? Nghĩa là một photon xuất hiện đồng thời ở 100.000 vị trí khác nhau trong không gian. Số lượng vị trí xuất hiện có giới hạn không ? Câu trả lời là không. Điều đó chứng tỏ số lượng cũng chỉ là biểu kiến (ảo) chứ không phải thật.


Maria Vladimirovna Chekhova, Tiến sĩ Khoa học Đại học Moscow
Trở lại với câu hỏi do Einstein nêu ra : “Chẳng lẽ nếu không có ai nhìn mặt trăng thì mặt trăng không tồn tại hay sao ?” Không một ai trên đời tin nổi điều đó là đúng. Nhưng sự thật thế nào ? Mặt trăng hay cả vũ trụ chỉ là một cấu trúc ảo, một dạng tiềm thể có khả năng hiện hữu nhưng chưa hiện hữu, nó không phải là một vật thật vì các nguyên tử cấu tạo ra nó không phải là vật mà chỉ là trừu tượng. Điều này đã được nêu ra bởi Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức, người phát minh ra nguyên lý bất định, nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật).

Vậy mặt trăng chỉ hiện hữu khi có các thiết bị hay giác quan (lục căn) nhận thức ra nó. Nếu không thì nó chỉ là một cấu trúc ảo, không có thật. Những nông dân chất phác ở một làng quê hẻo lánh không thấy rằng chung quanh họ có vô số thông tin. Chỉ khi nào họ có trong tay cái smartphone thu được sóng 3G thì mới thấy rằng tin tức báo chí, âm thanh, hình ảnh, video có rất nhiều chung quanh họ. Sự hiện hữu của vật chất chỉ là tiềm thể, điều này được xác định rõ ràng trong thí nghiệm về hai khe hở. Khi có ai quan sát nó hoặc có thiết bị đo đạc nó, thì hạt electron mới sụp đổ thành hạt vật chất và hiện hữu trước 6 giác quan của chúng ta như là sông núi, nhà cửa, xe cộ đồ vật. Nếu không thì hạt electron chỉ là sóng vô hình không phải là vật chất.

Double Split Experiment – Thí Nghiệm Hai Khe Hở – Phụ đề Việt ngữ

Những người có công năng đặc dị như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý, có thể chứng tỏ rõ ràng cho mọi người thấy rằng vật chất chỉ là ảo. Trương Bảo Thắng có thể làm cho quả trứng trên tay anh ta chui vào một hộc tủ có khóa cách xa chỗ anh ta đứng vài mét mà không cần mở khóa. Lúc còn bé, anh ta cũng nhiều lần lấy bánh kẹo mà bà mẹ đã cất kỹ trong hộc tủ có khóa và mang chìa khóa theo đi làm, mà không cần mở hộc tủ. Anh cũng đã từng làm một thí nghiệm lấy một quả táo ra khỏi cái thùng sắt đã bị hàn kín trước đông đảo lãnh đạo và các nhà khoa học ngay tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh, cả trái táo và vỏ thùng sắt không hề bị hư hao gì, nghĩa là quả táo dễ dàng đi xuyên qua vỏ thùng sắt. Thật ra thì quả táo không hề đi xuyên qua vỏ thùng sắt mà đơn giản là nó biến thành phi vật chất và xuất hiện trở lại bên ngoài thùng sắt dưới dạng vật chất. Hầu Hi Quý có thể lấy một gói thuốc lá cách xa chỗ anh ta đứng 1600 km một cách tức thời, không mất thời gian, giống như photon trong hiện tượng vướng víu lượng tử. Hầu Hi Quý cũng từng biểu diễn lấy súng của công an, một lần tự bắn vào đùi mình, lần khác bắn vào bàn tay của huyện trưởng huyện Hán Thọ tỉnh Hồ Nam tên là Khâu Đức Đỉnh, nhưng các viên đạn không hề gây thương tích bởi vì thực tế là chúng không đi xuyên qua đùi hay qua bàn tay mà chỉ là biến thành phi vật chất và sau đó xuất hiện trở lại thành vật chất.

Phật giáo nói rằng không gian, thời gian và số lượng vật chất chỉ là biểu kiến, là ảo chứ không phải thật.

Hệ quả là chúng ta có thể đồng thời xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trong không gian hoặc nhiều vũ trụ khác nhau. Bởi vì tính chất ảo của vật. Điều này hiện nay đã là hiện thực. Ví dụ, tôi cùng với ba người bạn khác ở bốn nơi khác nhau trên địa cầu, nhưng chúng tôi có thể cùng gặp nhau và nói chuyện với nhau một cách thoải mái qua mạng Skype. Như vậy hình ảnh của tôi đã xuất hiện đồng thời tại bốn vị trí khác nhau trên địa cầu. Khi nào khoa học thực hiện được viễn tải lượng tử thì rõ ràng tôi có thể đồng thời xuất hiện tại 4 nơi khác nhau hoặc nhiều hơn nữa trên Trái đất. Quán Thế Âm Bồ Tát được cho là có khả năng xuất hiện đồng thời ở nhiều vũ trụ khác nhau, chẳng hạn tại thế gian, cõi trời Đâu Suất, cõi trời Đao Lợi và cõi Tây phương cực lạc.

Vì thời gian chỉ là ảo nên quá khứ, hiện tại, vị lai có thể hiện hữu đồng thời. Như vậy thì chúng ta có thể gặp được những nhân vật lịch sử xa xưa như Đức Phật, Đức Chúa Giê Su, Tây Thi mỹ nhân nước Việt v.v…Chúng ta cũng có thể gặp con cháu vài đời hay vài chục đời sau của mình. Chẳng hạn Khổng Tử có thể gặp con cháu của ông đang sống hiện nay cách nhau hơn 80 đời.

Vì số lượng vật chất là ảo nên con người có thể hi vọng vào máy in 3D. Máy in 3D hiện nay khả năng còn khá hạn hẹp, chưa làm được nhiều lắm nhưng cũng đầy hứa hẹn. Sau này sẽ có loại máy in 3D kỳ diệu, nó chạy bằng ánh sáng mặt trời hoặc điện năng từ nguồn ánh sáng này, nguyên liệu để làm ra sản phẩm cũng là ánh sáng. Nó có thể in ra nhà cửa, tiện nghi sinh hoạt, lương thực thực phẩm và mọi thứ mà con người có thể nghĩ ra. Như vậy con người không còn cần thiết phải tranh giành chém giết nhau vì tài nguyên, lãnh thổ, núi sông biển đảo. Cần thứ gì thì chỉ việc in ra, dễ dàng như in tiền giấy hiện nay. Theo kinh điển mô tả thì cõi Tây phương cực lạc có những tính chất như thế, thậm chí không cần phải in, chúng sinh ở cõi đó muốn gì thì vật phẩm liền hiện ra, dùng xong thì chúng tự biến đi không cần phải dọn dẹp. 
Xin trích một đoạn trong mô tả của pháp sư Khoan Tịnh, người đã có cơ hội đến được cõi Tây phương. Khi đi viếng Thượng phẩm Liên hoa thì ông cảm thấy đói.

Bồ Tát Quán Âm hỏi tôi:
Ông thấy đói rồi hả?
Tôi thấy đúng là có cồn cào đói. Tôi nói:
A Di Đà Phật. Thưa Bồ Tát, ở đây có gì ăn không ạ.
Ngài bảo:
Về thức ăn thì cũng như ở Hạ Phẩm vậy, ở đây ông muốn ăn gì sẽ có dọn ra.
Tôi nói:
Vậy thì hay quá, tôi chỉ ước được ăn cơm trắng với canh rau cải trắng thế thôi.
Tôi vừa nói dứt cơm trắng và tô canh còn nóng hổi được bày ra ở bàn, đũa muỗng cũng đầy đủ. Tôi hỏi:
A Di Đà Phật. Thưa chư vị không ăn bây giờ sao?
Bồ Tát trả lời:
Ở đây không có ai ăn đâu, ông cứ tự nhiên ăn đi.
Tôi nghĩ mà mắc cỡ quá, nhưng cũng ngồi vào ăn. Tôi ăn no nê rồi để gọn bát đũa lại, tự nhiên bát đũa muỗng đều biến đi đâu mất.
Tôi thắc mắc hỏi Bồ Tát, Ngài nói rằng:
Tại ông vọng tưởng bụng đói, và khao khát muốn ăn cũng giống như ở thế gian chiêm bao vậy. Trong chiêm bao cái gì cũng có, khi thức tỉnh ra rồi chẳng có cái gì cả. Ông vọng tưởng ăn, thức ăn liền đến, ăn no rồi vọng tưởng về ăn không còn, những gì thuộc về vọng tưởng cũng vì vậy mà biến mất.
Tôi gật đầu hiểu ra. Ngài nói thêm:
Tự tánh thanh tịnh thì không thèm ăn, không thèm khát, không thèm muốn cái gì ở trong hư không, thật ra trong hư không vốn là không có cái gì. Vọng tưởng dấy lên cũng giống như sương mờ được un lên vậy, cái ý ấy ông từ từ nghiệm ra, nếu mà lãnh hội được thì sẽ hiểu ra tam muội (Samadhi = chánh định, chánh biến tri) của việc ấy.

Như vậy Phật giáo nói rằng thế giới đời thường mà chúng ta đang sống cũng chỉ là thế giới ảo, nó không khác về bản chất so với thế giới của tin học, của máy vi tính. Nó cũng không khác thế giới tưởng tượng của pháp sư Khoan Tịnh, chỉ khác là chúng sinh ở cõi giới đó có những tính năng khác lạ so với chúng sinh cõi trần, biến hóa dễ dàng hơn cõi trần. Cõi trần dùng công, nông, xây dựng, vận tải, để tạo ra sự biến đổi. Còn cõi Tây phương thì chỉ cần tâm niệm biến đổi thì cảnh giới biến đổi theo. Một số người có công năng đặc dị ở cõi trần thì cũng có khả năng dùng tâm niệm để biến đổi cảnh giới như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý đã làm.

Phật giáo nói rằng con người có thể thoát khỏi tất cả mọi khổ nạn chỉ bằng cách tu hành giác ngộ. Bởi vì cái ta là không có thật, thế giới của ta cũng chỉ là biểu kiến, là ảo chứ không phải thật. Vì vậy nên hiểu rằng tất cả mọi sướng khổ trên thế gian đều là tập khí, thói quen tưởng tượng chứ không phải thật. Do đó tu hành là từ từ sửa đổi những thói quen vô minh, đừng có cố chấp nữa, thì có thể giải thoát tất cả mọi khổ nạn dù đó là thiên tai, nhân họa, áp bức bất công. Từ xưa đến nay đã có không biết bao nhiêu người cố gắng tranh đấu để chống tham nhũng, áp bức bất công, thiên tai, nhân họa. Nhưng kết quả thế nào ? Xưa cũng thế mà nay cũng thế, những tệ nạn đó không bao giờ hết, bởi vì thiện tức là ác, ác tức là thiện. Thiện hay Ác chỉ là những hình tướng, cái này sẽ biến tướng thành cái kia, không bao giờ có thể trừ dứt hết được.

Sự giải thoát khỏi mọi khổ nạn có thể diễn ra dưới hai trạng thái :
Tương đối, tức là hiểu khổ nạn không có thật nên không còn phải khổ vì chúng nữa, dù có bị bệnh tật nan y, bị tai nạn giao thông, rớt máy bay, bị cướp bóc hay bị giết chóc, bị thiên tai động đất, dông bão hay sóng thần. Dù lâm vào bất cứ hoàn cảnh nào, tâm vẫn bình an, cũng không lấy làm khổ nữa.
Tuyệt đối, tức là cảnh sẽ dần dần biến đổi theo tâm niệm. Nghiệp dần dần được giải trừ, hành giả không còn gặp nhiều thiên tai nhân họa nữa, tất cả những tai họa kể trên đều không chạm tới mình. Trên đời không phải không có những người sống khỏe mạnh, không bệnh tật, không nghèo khổ, không gặp thiên tai nhân họa hoặc nếu có gặp cũng nhẹ, không gặp phải những hoàn cảnh áp bức bất công, tóm lại là không gặp ác nghiệp. Người đời thường cho rằng họ tốt phước và may mắn mà không hiểu rằng họ đã khéo tu từ nhiều kiếp trước.

Tóm lại giải thoát mang tính cách chủ quan, là tâm tự nhận thức, tự quy chiếu, ngã, pháp đều không, là tự giải thoát khỏi vô minh phiền não chứ người khác không thể giải thoát cho mình được, người khác chỉ có thể hướng dẫn con đường cho mình đi, còn mình phải tự đi thì mới tới bờ giác ngộ được.

Truyền Bình


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét