ĐẦU
HÀNG
Vân
Xưa
Vân Xưa là bút hiệu của Giáo
sư Hồ Sỹ Khuê, người gốc tỉnh Quảng
Trị, là một trong những “mưu sĩ” của hai ông Diệm Nhu không nằm trong Nhóm “Tinh
Thần” (Trần Văn Đỗ, Nguyễn Tăng Nguyên, Lê Quang Luật, …). và đã từng đóng
góp một phần vào chánh sách trị nước của ông Diệm trong giai đoạn thành hình
của Đệ Nhất Cọng hòa.
Năm 1954, Ông trình bày với
hai ông Diệm Nhu một quốc sách dựa vào sức mạnh của lòng dân “Nam kỳ” để xây
dựng chiến lược đối phó với phương Bắc. Hai ông Diệm Nhu không nghe, lại dùng “kiêu
dân Công giáo” di cư (cụm từ của Tạ Chí Đại Trường) làm chủ lực, gây phân
hóa cho miền Nam trên cả ba tuyến Địa phương, Tôn giáo, và Chính trị. Sau đó,
khi được mời tham chánh, ông từ chối và trở về dạy học tại trường Jean Jacques
Rousseau (Lê Quý Đôn sau nầy) và trở thành người “quan sát thời cuộc”.
Tỵ nạn tại Pháp, với tư cách
là chứng nhân và tác nhân thời cuộc, ông viết cuốn “Ngô Đình Diệm và Hồ Chí
Minh - Lịch trình Hình thành và Giải thể của Mặt trận Giải phóng Miền Nam”
(Văn Nghệ xuất bản, USA, 1992) để trình bày luận điểm chính trị-văn hóa của ông
và thất bại của chế độ Diệm trong giai đoạn lịch sử nầy.
Nhân kỷ niệm lần thứ 39, của ngày 30 tháng Tư năm xưa, chúng tôi
xin đăng lại bài phân tích về ý nghĩa của hai chữ “đầu hàng” trong hoàn cảnh miền
Nam lúc bấy giờ của Giáo sư Hồ Sỹ Khuê. – NamGiao,
2014
Rảnh rỗi mấy tháng ở
Úc, thừa thì giờ nên đọc tập hồi ký Bên Giòng Lịch Sử của linh
mục Cao văn Luận viết từ hai mươi mấy năm trước, để tán dương Ngô Đình Diệm,
sau khi ông Diệm bị lật đổ. Chưa hề xem, nên xem thử một lần.
Linh mục Cao Văn Luận (1908-1986)
Bên Giòng Lịch Sử, Hồi
Ký 1940-1965, Nxb Trí Dũng, Sài Gòn,
1972
Vân Xưa quen biết ông Luận nhiều, từ 1949 đến 1954, ở Huế. Ông
được giới thiệu là một tu sĩ Thiên Chúa giáo tiền tiến, du học từ trước 45, rồi
hành đạo nhiều năm ở Pháp, sau đó, năm 48/49 về nước, phục vụ tông đồ và xứ sở.
Vân Xưa kém linh mục quãng mười tuổi, nên trọng ông như thầy, và đãi nhau như
bạn, Cùng một ưu tư về tương lai đất nước, cùng chưa rơi trong vòng thế lợi,
thành ra dễ thông cảm với nhau.
Nhưng đến 54, vì chọn lựa khác nhau nên chế độ Ngô Đình Diệm đã
ngăn cách đôi bờ, không còn dịp gặp nhau đến một lần, trong suốt chín năm ông
Luận phục vụ ông Diệm, trong tư thế cố vấn, ở địa vị Viện trưởng viện Đại học
Huế. Tháng 12-1963, gặp lại nhau một lần duy nhất, trong bữa cơm một luật sư
bạn chung thết, để tiễn ông Luận lên đường sang Hoa Kỳ. Cố nhiên phải đề cập
tới chuyện ông Diệm bị lật đổ. Vân Xưa nửa đùa, nửa thực, khen: linh
mục thay đổi nhanh và kịp thời quá! Rồi thôi, cho đến khi ông mất
trong năm qua, chẳng còn gặp lại nhau nữa, và cũng chẳng buốn xem hồi ký ông cho
ấn hành nhiều lần, từ năm 1967 thì phải.
Ở Úc quay về Pháp, Quê Mẹ cho xem hồi ký Việt Nam Máu
Lửa Quê Hương Tôi (http://sachhiem.net/HOANHLINH/VNML0.php),
tướng cũ Đỗ Mậu mới xuất bản. Xem mất ba ngày.
Thiếu tướng Hoành Linh Đỗ Mậu (1918-2002)
Việt Nam Máu Lửa Quê Hương
Tôi, Nxb Văn Nghệ,
California, 1993
Vân Xưa có biết ông Mậu, cũng ở Huế, nhưng không quen nhau như
với ông Luận, không hề là bạn với nhau. Cả đời gặp nhau có hai bận. Bận trước,
năm 1954, ba mươi ba năm trước đây, trong một cuộc hội thảo, cả hai cùng tham
dự, giữa một số trí thức cố đô, theo yêu cầu của Ngô Đình Nhu, để đưa ra một
đường lối cầm quyền mới cho chính phủ ông Diệm sắp thành lập. Đóng góp của Vân
Xưa về vấn đề "Nam kỳ cũ" có vẻ được ông Mậu chú ý, nên sau ba ngày
xong công việc, trong cuộc rượu kết thúc cuộc hội thảo, ông Mậu mang ly đến
gần, nói vài lời ân cần ngỏ ý muốn làm quen với nhau. Rồi cũng hệt như Linh mục
Luận, chế độ Diệm đã ngăn cách, vì chọn lựa khác nhau. Có khác chăng là ông Mậu
không phải bạn, như ông Luận, nên không còn đi lại với nhau cũng là chuyện
thường.
Bận thứ hai, mà cũng là sau cùng, hai mươi lăm năm trước đây,
vài tuần lễ trước ngày 1-11-63. Ông Mậu đến tìm, để bàn với Vân Xưa việc quân
đội định đảo chánh ông Diệm. Với một người không phải là bạn, chỉ gặp nhau có
một bận, chín năm trước, ông Mậu, đang cầm đầu ngành An Ninh Quân Đội, không
ngần ngại gặp lại một lần thứ hai để nói chuyện âm mưu chết sống ấy của mình,
quả thật ông đã gan tày liếp!
Không rõ có phải ông Mậu nhớ đến phần đóng góp của Vân Xưa,
trong cuộc hội thảo ở Huế chín năm trước, để không ngại tiết lộ âm mưu của mình
với một người trong đời mình nay mới gặp lần thứ hai, và sau đó không còn gặp
một lần nào khác.
Trong phần đóng góp ấy, Vân Xưa nêu vấn đề “Nam Kỳ cũ”, ghi nhận
đất đai và dân tình ở đây là điều kiện tiên quyết cho tương lai của chế độ Sài
Gòn, trong hoàn cảnh đất nước qua phân: Miền Nam thắng hay bại, tùy
thuộc quần chúng Nam kỳ cũ, tùy thuộc ở dân quê miệt vườn, trí thức thành thị,
anh em kháng chiến quốc gia, và các giáo phái, chứ không phải tùy thuộc hoàn
toàn ở cá nhân người lãnh đạo chính quyền quốc gia.
Có lẽ ông Mậu, lúc bấy giờ, đã nhận ra được nguồn cơn thất bại
và sụp đổ của chế độ nhà Ngô, nên đã không ngại lậu chuyện mà cả gan tìm đến
người chín năm trước đã từng nêu rõ cái lẽ mất còn này của miền Nam chăng? Ông
Mậu còn đó, chắc có thể trả lời cho câu hỏi này, về tâm sự hai mươi lăm năm cũ
của ông chăng?
Cuộc đảo chánh thành tựu, có tiếp tục liên lạc với nhau trong
hai tháng liền, qua trung gian, rồi thôi. Cho đến nay, cùng ly hương, nhưng mỗi
bên một ngả, và nay được xem “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”.
1950-1954-1963-1975, Cao Văn Luận cũng như Đỗ Mậu đều là những người của thời cuộc.
Hơn nữa, những người đã làm thời cuộc. Viết hồi ký là chuyện họ phải làm. Vân
Xưa được xem những gì mỗi người hồi ký, thấy có bổn phận trình bày bạn đọc mục
mình đảm trách, cảm nghĩ về những gì đã xem.
Ở Úc, đọc hồi ký
của một người, dù sao cũng đã từng là bạn, Vân Xưa thấy ngao ngán cái tinh
thần Ngô Đình Diệm Linh mục Cao Văn Luận nêu cao trong Bên
Giòng Lịch Sử, như sau:
“Những ai từng có địa vị, vai vế trong nền Cộng Hòa Nhân Vị đều
mang ơn nặng được ông Diệm đưa từ bóng tối ra ánh sáng, cho nên kẻ đã lật đổ
ông Diệm đều thuộc hạng phản chủ, phản thầy”
Thì ra ông, ông Linh mục thấm nhuần nhân vị tính của
nền Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, đã hồi ký cho mọi người là chế độ nhân vị
này chỉ gồm toàn đầy tớ, học trò của ông Diệm, một bọn người chỉ biết gọi
dạ, bảo vâng! Không còn chịu dạ, chịu vâng, mà lại lật đổ thầy mình, chủ mình,
thì chỉ là một “hạng phản chủ, phản thầy”.
Cộng Hòa: chế độ chủ và thầy. Nhân vị: một bọn học trò, tôi
tớ!
Linh mục Luận biết mình
cũng chỉ là một đầy tớ và học trò của ông Diệm, như mọi người khác
đang phục vụ nhà Ngô, theo định nghĩa của chính ông, vì ông cũng là người đã
từng được ông Diệm đưa từ bóng tối ra ánh sáng. Nhưng trong thâm tâm, Linh mục
Luận hẳn muốn người xem hồi ký liệt linh mục nằm ngoài bọn người phản
chủ, phản thầy này. Tuy có một giai đoạn, dù chỉ vài năm, sau ngày 1-11-63
và trước khi viết hồi ký, ông phô trương việc ông đã góp phần lật đổ chế độ
Diệm, trong tư cách Viện trưởng Đại học Huế (xin xem phát biểu của ông Viện
trưởng về biến cố tháng 11-63, trữ ở Viện Đại học Huế). Việc chống đối này quả
có thực, ông linh mục có tự hào hành động chống đối ông Diệm cũng đúng. Niềm tự
hào ấy đã cho Vân Xưa được cơ hội khen đùa ông: Linh mục biết thay đổi nhanh
và kịp lúc. Nhưng bước qua năm 1967, trong không khí phục hồi Công giáo Cần
lao, danh dự lật đổ chế độ Diệm đã trở nên nặng nề, hai vai nhà tu có lẽ không
mang nổi nữa, ông Luận bèn viết hồi ký, để một lần nữa trở mình cho kịp
lúc.
Chắc hẳn ông linh mục
đã xếp tên của ông Đỗ Mậu vào danh sách bọn người phản bội, (trong đó ông linh mục không còn muốn
có tên mình nữa). Cũng đúng thôi: đối với ai lấy cái tinh thần Ngô Đình
Diệm, theo định nghĩa Cao văn Luận, làm một giá trị nhân vị cao cả, như những
người hiện nay đang hô hào phục hồi tinh thần Ngô Đình Diệm, thì Đỗ Mậu,
thoát sao khỏi là kẻ phản chủ, phản thầy.
Nhưng đối với nhân dân miền Nam, trong đó có Vân Xưa, thì lại
khác: Người miền Nam đã reo mừng suốt ba ngày liền khi nhà Ngô sụp đổ,
nghĩa là đã nhìn "bọn phản chủ, phản thầy" theo quan niệm nhân vị của
Linh mục Luận, và trong bọn đó có Đỗ Mậu, là những người con xứng
đáng của đất nước, đã biết thoát ly tập đoàn phản dân, hại nước, lúc bấy giờ
đang hoành hành.
Từ trong tập đoàn phản dân hại nước này, Linh mục Luận năm 1963
từng cho biết mình đã thoát ra (trong bữa ăn Vân Xưa nhắc đến ở phần trên) như
Đỗ Mậu và cùng Đỗ Mậu. Nhưng đến 1967, khi bọn Cần Lao Nhân Vị nép
sau lưng chính quyền Thiệu/Kỳ, lại tiếp tục hoành hành, Linh mục Luận hồi ký
quay vào không như Đỗ Mậu và không cùng Đỗ Mậu.
Người tu sĩ Thiên Chúa giáo bác học và tiên tiến này, đã từng
nhiều năm, trước 54, là bạn của Vân Xưa, đã từng là quân sư của ông Diệm, đã
từng là Viện trưởng Đại học, lại chưa vượt qua được tầm mức văn hoá
phong kiến! Đáng tiếc: học thức thật không hẳn là kiến thức! Trong một
lần trước ở mục này, Vân Xưa đã bàn đến cái bản chất hoàn toàn thiếu nhân vị của
một nền Cộng Hoà mệnh danh là Nhân Vị, mà Linh mục Luận đã nêu làm tinh thần
Ngô Đình Diệm, và thờ như là một giá trị tinh thần tuyệt đối.
Về Pháp, lại đọc hồi ký
này, của một người chưa từng là bạn, "ít
học và dốt nát" (chữ ông Đỗ Mậu dùng cho chính ông), Vân Xưa nhận ra
một điều: không đợi phải gặp nhau mới thực là bạn. Đúng như câu Tỳ bà hành Ỷ
Lan lúc sang Úc, đã trích ghi, khi tặng Vân Xưa tập Gọi thầm giữa Paris của
Võ Văn Ái: cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau.
Đỗ Mậu viết: “Nói cho cùng thì có phải chỉ mình Dương Văn
Minh đầu hàng đâu, những kẻ bỏ nước ra đi trước hay sau ngày 30 tháng 4 cũng là
những kẻ đầu hàng. Kẻ đã có lần sát cánh với Dương Văn Minh (tức Đỗ
Mậu) mang hoài bão thay đổi một cuộc cờ nay phải sống xa lìa cố quận
cũng là kẻ đầu hàng, cũng gởi tâm sự cho chim ngàn cá biển”.
Và, nhắc đến trách nhiệm trước lịch sử đối với hiện tình đất
nước, ông Mậu ghi thêm: “Ai là người không có tội”.
Xem đến đoạn vị tướng cũ “thất học”, khiêm tốn nhận mình cũng là
người có tội, và chia cả “Cái tội đầu hàng kẻ thù” với người bạn đồng
đội Dương Văn Minh của mình, tuy không ai buộc, Vân Xưa thấy ngượng
cho ông cố linh mục “bác học”.
Ông linh mục đã cố đem hết sức học quảng bác của mình để hồi
ký cái tội “phản chủ, phản thầy”, cái tội, nếu quả là tội, chính mình
cũng phạm, trút lên đầu người khác, những người trước đó mình đã một thời
minh bạch chia chác với họ công lao chống một chế độ phản nước hại dân! Trong
khi ấy ông Đỗ Mậu “thất học dốt nát”, không hiện diện ở Sài Gòn hôm “Dương Văn
Minh đầu hàng kẻ thù”, vì đã ly hương trước, lại tự buộc mà không ai gán cho
mình cái tội đầu hàng người ta đang tròng vào cổ Dương Văn Minh, để thẳng tay
nguyền rủa.
Nghĩ cũng tội cho học
vấn! Ở một nhà tu, học vấn chỉ đưa đến cho ông Luận một học thức quảng bác ít
ai có, và Đỗ Mậu thì nhất định không có rồi, nhưng lương tri ông
không tác dụng được trên cái vốn học thức ấy để hoàn bị kiến
thức mà kết hợp cho ông một ý thứcnhân bản hoàn chỉnh.
Thành ra, cũng một việc chính ông đã làm, và đã nói cho người khác
biết (nếu Vân Xưa không phải là người duy nhất được nghe ông) là mình đã làm,
việc làm ấy hôm trước ông xem là danh dự, nên muốn ai cũng biết ông đã làm, hôm
sau người có quyền lực ngầm bảo là tội ác, ông vội vàng kể tội ác ấy cho người
khác, để thiên hạ trong nước tưởng là ông không hề làm!
Có lẽ nhà tu này không bận tâm mấy về chuyện danh dự, hay,
chuyện tội ác. Mà bận tâm hơn về chuyện thế lợi. Hôm qua, lật đổ
ông Diệm là một danh dự, ông linh mục chia cái danh dự ấy để hưởng lợi. Hôm
sau, lật đổ ông Diệm là tội ác, ông linh mục bèn gán cái tội ấy lên đầu người
khác, để khỏi mất phần thế lợi dành cho những ai đã trung thành với chủ cũ. Thế
lợi đã làm ông linh mục quên sống đạo của ông chăng? Việc hôm trước mình cho là
phải, nên mình làm, nếu hôm nay mới thấy rõ là quấy, thì con Chúa đi xưng tội
để được giải tội, không đổ vấy cho ai khác để chạy tội!
Thảo nào thầy Mạnh
(Mạnh Tử) cứ nói đi nói lại mãi cái chuyện lương tri. Đạo Khổng đặt
lương tri lên trên hết các khả năng của mỗi người để thể hiện con người trong
bản thânthành thực với chính mình là căn bản của lương tri. Chúa
Jesus không dạy chỉ khác hơn, khi dặn: có muốn ném đá vào người, hãy xem mình
có cùng tội với người mình định ném đá hay không, trước đã. Khi lật đổ ông Diệm
là một công lao, ông linh mục chia công lao ấy với những người như ông Đỗ Mậu.
Khi lật đổ ông Diệm là một cái tội, ông linh mục gán cái tội ông đã phạm ấy để
'ném đá" vào những người như ông Đỗ Mậu, hòng chạy tội của mình, bằng ngôn
ngữ đạo hạnh của một quan toà buộc tội người khác! Kể cũng tiện …
Đã bận tâm về thế lợi thì Linh mục Luận, trước sau cũng vẫn
chỉ thuỷ chung với thế lợi, đâu có dốt nát đến nỗi tự buộc mình vào
cái tội "đầu hàng" để chia với Dương văn Minh những lời nguyền rủa.
Chỉ có người "quê mùa dốt nát" như ông Mậu mới hồi ký nhận tội mình
trước lịch sử, và chia với Dương văn Minh cái tội mà một số người đang phỉ nhổ!
Một sự phỉ nhổ không dấu nổi dụng ý, và bài này dùng nguyên tắc chính
danh để lột trần.
Cho nên hôm nay "Người Việt Tiếng Việt" bàn về từ ngữ Đầu
hàng. Gọi là để ghi nhận "tấm lòng Đỗ Mậu" đã thuỷ chung với
chính con người mình.
◎◎◎
Quay về phân tích ngôn
từ là tâm cảnh trong mục này, bạn đọc quen rồi với giới hạn đã định, không phải
nhắc lại nữa.
Ngôn từ và các loại tâm cảnh được phân tích xong, bạn đọc mỗi
người mang nhận định riêng ứng dụng vào quan điểm xử thế của mình, thế này thế
khác, để có một thái độ của mình, một thái độ chính trị mình chọn lựa lấy. Đấy
là việc của người đọc, không phải của người viết. Người viết chỉ giữ công việc
chính danh, để vạch chỗ tâm cảnh và ngôn từ dùng để diễn đạt tâm cảnh, có hoàn
cảnh khớp hay không khớp vào nhau, hòng giúp bạn đọc tránh chuyện xử thế lầm
lẫn… Vua ra vua, cha ra cha… như lời thầy Khổng.
Ngôn từ phân tích hôm nay là Đầu hàng. Bạn đọc mục này
hãy cùng Vân Xưa, như thường lệ, tìm vào các loại tâm cảnh của đồng bào
trong nước lúc Dương văn Minh đầu hàng Cộng Sản ở sảnh đường dinh Độc Lập trưa
ngày 30-4-1974, để xem hai chữ đầu hàngkhớp hay không khớp với
tâm cảnh nào, rồi chính danh cho mỗi loại tâm cảnh.
1.
Thoá mạ để chạy tội: Dương văn Minh đã đầu hàng Cộng Sản
Gần mười hai năm nay, kể từ 30-4-75, tướng cũ Dương văn Minh
được xem là người đã đầu hàng Cộng Sản.
Ở nước ngoài, đồng bào di tản đến đâu, Dương văn Minh được chỉ
danh đến đấy là người đã phản bội đất nước, phản bội dân tộc, vì đã đầu hàng
Cộng sản.
Không phải những người liều mình vượt biên, vượt biển, lìa bỏ
quê hương, sau ngày Dương văn Minh đầu hàng, đã lên tiếng thoá mạ tướng cũ này
như thế. Những thành phần di tản lại là mục tiêu mà âm mưu thoá mạ Dương văn
Minh nhắm vào. Người ta áp dụng định luật Pavlov, chủ ý tạo cho đồng
bào tị nạn các điều kiện tâm lý hướng dẫn, để cho mỗi khi nghe đến tên Dương
Văn Minh liền phản xạ là ông Minh đã đầu hàng Cộng Sản.
Đây là âm mưu của cả một tập đoàn, hai mươi năm trước ngày Dương
Văn Minh đầu hàng, đã liên tục nắm giữ quyền chính để mưu lợi riêng, lũng đoạn
quốc gia, để rồi miền Nam không thoát được tay Cộng Sản.
Cho đến khi không còn hy vọng tiếp tục vơ vét thêm được nữa, tập
đoàn này đã phân tán chạy như một bầy chó đạp phải lửa, hối hả tháo thân cho
kịp trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Để lại an hưởng tài sản đã thụ đắc năm này qua
năm khác, lúc cầm quyền trong nước, trên xương, trên máu, của lính, của dân, mà
tiếp tục cuộc sống đế vương ở nước ngoài. Cố nhiên nay ra nước ngoài, bọn họ
thừa tài sản, thừa học thức, thừa bộ hạ tay chân, thừa phương tiện. Chỉ thiếu
có liêm sỉ, nên không ngần ngại sử dụng đủ mọi thứ mánh khóe, kể cả mánh khóe
văn hóa, báo có, sách có, để hài cái tội đầu hàng của Dương
Văn Minh.
Một cách để nói mà không phải nói là: bọn họ vô tội,
không phản bội đất nước, vì không đầu hàng, như Dương Văn Minh (bởi đã trốn kịp
ra nước ngoài). Chỉ Dương Văn Minh là kẻ đã bán đứng miền Nam cho Cộng Sản.
Ở trong nước, không cần phải nói, ai không biết tướng
Dương Văn Minh đã đầu hàng, đã trao quyền chính miền Nam cho phe Cộng Sản,
trưa ngày 30 tháng 4.
Biết rõ như thế, nên quần chúng miền Nam đã cám ơn ông: trong
con mắt nhân dân miền Nam, Dương Văn Minh là con người anh hùng ngay cả trong
giờ phút đất nước sụp đổ, con người đã kề vai gánh trọn sự sụp đổ của cả một
dân tộc lên người mình, hòng tránh cho nhân dân Sài Gòn khỏi phải thảm sát.
2.
Cội nguồn sụp đổ miền Nam: chán ghét chế độ chiến tranh, thờ ơ trước thế cuộc.
Lúc Quốc hội Mỹ không chấp nhận viện trợ thêm 700 triệu Mỹ kim
cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, mọi người đều biết giờ sụp đổ của chế độ Sài
Gòn đã điểm.
Sau biến cố Bình Long thất thủ, Pleiku, Kontum bỏ ngỏ tháng 1 và
2-75, sang tháng 3-75, lần lượt Huế mất, ngày 25, Đà Nẵng mất ngày 29. Sau khi
chiếm được Đà Nẵng, Hà Nội thấy phải đánh gấp vào thủ đô miền Nam, để Sài Gòn
không kịp chuẩn bị đương đầu, nên đã ra lệnh làm ngơ vùng duyên hải, giao Trần
Văn Trà và Phạm Hùng tập trung lực lượng ở Lộc Ninh, sát nách thành phố, gởi
Văn Tiến Dũng vào Nam cùng tổ chức tấn công Sài Gòn. Và Lê Đức Thọ vào tiếp để
lãnh đạo chiến dịch, về sau được gọi là chiến dịch Hồ Chí Minh, do bộ ba Văn
Tiến Dũng, Phạm Hùng, Trần Văn Trà chỉ huy.
Các tỉnh vùng duyên hải, sau Đà Nẵng, không còn là mục tiêu
chính của Cộng Sản. Cán cân lực lượng gồm người, vũ khí, phương tiện, nghiêng
hẳn về phía Cộng Hòa, nên Hà Nội phải dồn tất cả sức mạnh hạn chế của mình ở
miền Nam để đánh thẳng vào Sài Gòn.
Thế nhưng lần lượt, sang đầu tháng 4-75, thành phố Nha Trang,
rồi Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, Bình Tuy đã rụng như sung vào miệng Cộng
Sản.
Đây là hiện tượng mọi người ghi nhận: quân dân miền Nam
đã tự thất thủ.
Nhắc lại lịch trình sụp đổ, không phải để nói chuyện thời cuộc,
chuyện chính trị, chuyện quân sự, đã xảy ra trong hai tháng 3 và 4-75 ngắn
ngủi, nhưng rất tai hại cho đất nước. Mà là để phơi bày cặn kẽ nguồn cơn của
một sự sụp đổ vẻn vẹn chỉ trong vòng hai tháng. Nguồn cơn của hiện tượng tự
thất thủ nằm trong tâm cảnh quần chúng miền Nam, trong tâm cảnh quân đội cộng
hòa. Tâm cảnh phức tạp và đa dạng của quân nhân, đồng bào miền Nam, đã là động
cơ đưa đến sự sụp đổ mau chóng của một tổ chức nhà nước, gần hay mươi năm liên
tục, nằm trong tay bao thầu của một tập đoàn lãnh đạo chóp bu, không gốc, không
rễ trong lòng dân tộc.
Tâm cảnh chung của toàn thể đồng bào từ lâu rồi đã chán
chiến tranh vì thù ghét một chế độ cộng hòa giả hiệu, hết phong kiến đến quân
phiệt, mà người Mỹ đã không thương tiếc phương tiện dựng nên, để chống Cộng bất
chấp quần chúng trong nước. Cứ nhìn quang cảnh, đầu năm 73, lúc bắt đầu thi
hành thỏa hiệp đình chiến cũng rõ. Nói cho thật gọn, mà cũng thật đúng, quân
dân miền Nam không còn một chút tin tưởng nào ở chính quyền do các ông tướng
Thiệu/Kỳ bám chặt, binh sĩ miền Nam không còn gắn bó với quân đội do các ông
tướng Khiêm/Viên khống chế.
Những cảnh sống ở một góc phố thời trước năm 1975: chợ chiều,
đánh giày, con lai
3.
Tâm cảnh riêng của anh em quân nhân binh sĩ Cộng Hòa: chán chiến tranh.
Hai mươi năm quân dân miền Nam chịu đựng cảnh người Mỹ bao che
bất tài, bất công, tham nhũng, bè phái, của một“chí sĩ” lạc hậu và phong
kiến, và nằm trong tay quân phiệt tiếp theo sau. Tất cả đều nhân danh
đủ mọi thứ giá trị tinh thần tốt đẹp, trừ sự ngay thẳng, trừ ý thức
trách nhiệm trước lẽ sống còn của quê hương đất nước.
Nhằm mục đích chế ngự các thế hệ đang trưởng thành, không để cho
thanh niên sinh viên học sinh rảnh tay phát động phong trào chống đối, nhà Ngô
từ các biến cố tháng 11-60, tháng 2-62, cho đến tháng 11-63, rồi Thiệu/Kỳ từ 1967,
đã dùng biện pháp động viên để ngăn chận. Người ta lùa vào các quân trường lớp
sinh viên học sinh mà lựu đạn cay, giây thép gai, không ngăn được họ biểu tình
phản đối vụ ông Diệm đàn áp Phật giáo, phản đối Thiệu/Kỳ âm mưu hồi sinh Cần
Lao Công Giáo. Để khi họ tốt nghiệp, dùng quân kỷ mà giam lỏng lớp trẻ có học
vấn cao vào hàng ngũ các chỉ huy cấp thấp của quân đội.
Lớp chỉ huy cấp thấp ấy, lớp chuẩn úy, thiếu úy, đại úy ấy, đã
mang vào hàng ngũ anh em binh sĩ vốn liếng trí thức và những nhận xét thiết
thân về thời cuộc, rất sắc bén của họ. Hằng ngày họ cùng chia với anh em binh
sĩ một ý thức mới, một cái nhìn khác, về xã hội, về chế độ, về lịch sử, về lãnh
đạo, về chỉ huy, về tình trạng áp bức bất công mà toàn thể anh em binh sĩ đang
là nạn nhân. Chính lớp sĩ quan cấp thấp này, vừa trẻ, vừa có học thức, được anh
em binh sĩ mến chuộng, vì biết tận tụy lo lắng cho anh em, đã gây cho binh sĩ
trong đơn vị họ chỉ huy, một tinh thần chiến đấu chống bất công, bất kể từ đâu
đến. Tất cả dần dà kết hợp nên một thành phần quân đội biết nhận ra chân tướng
của bọn đang thao túng xã hội, thao túng binh sĩ, nhận ra giá trị thực sự của
quân nhân, từ đó họ liền đới với nhau trong một tình cảm huynh đệ.
Họ chống Cộng, nên chịu đựng. Chịu đựng trong hy vọng sẽ trưởng
thành trong quân đội, sẽ cùng một số thượng cấp trong sạch, có tư cách, có tinh
thần trách nhiệm, phối hợp thành một sức mạnh để từ các binh chủng và một lúc
nào đó thuận lợi, làm áp lực chính trị mà cải thiện quân đội, chế độ và xã hội.
Vì họ biết quân đội là cột trụ của chế độ, nên người Mỹ quyết tâm giữ cho lớp
tham nhũng cầm đầu, để dễ sai khiến.
Một Hà Thúc Nhơn vì chống tham nhũng, bị giới
tham nhũng giết ở Nha Trang, một Phạm Văn Lương, mở chốt lựu đạn
ngồi trước thềm Quốc hội chống cường quyền, đã là những điển hình tâm cảnh chán
chường của thành phần quân nhân thanh niên và học thức này trong quân đội.
Đến một lúc nào đó, họ nhận ra các đàn anh họ trong quân đội
đành cũng bó tay trước sự ngu muội của người Mỹ, cho rằng chống Cộng chỉ cần có
một bọn tay sai nắm trọn quyền binh, mà không cần đến quần chúng nhân dân trong
nước. Tướng “ngồi chơi xơi nước” Dương Văn Minh điển hình tình trạng bó tay
này. Cho nên dần dà tâm cảnh buông súng đã manh nha ở lớp sĩ quan trẻ.
Trong tâm cảnh buông súng, các sĩ quan cấp thấp, thuộc các lớp
thanh niên bị động viên, đã chỉ huy binh sĩ của họ để đánh một trận oai hùng ở
Xuân Lộc với tướng Hưng, tỏ ra dũng cảm của một thế hệ trẻ không vươn lên được
trong hàng ngũ quân đội Cộng Hòa.
Kỳ dư, họ bỏ mặc cho anh em binh sĩ dưới quyền tan hàng, từ chối
chiến đấu, sau khi Bình Long thất thủ: Do đó, từ Huế vào Bình Tuy,
không phải Cộng quân đã chiến thắng, mà binh sĩ Cộng Hòa đã buông súng, và nhân
dân miền Nam đã như nước vỡ bờ, phó mặc tương lai cho một định mệnh Ngô Đình
Diệm rồi Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, dựa trên những người Mỹ mù quáng, dựa
trên Công giáo Cần Lao, đã suốt hai mươi năm xếp đặt sẵn cho miền Nam.
Xuân Lộc: bằng chứng của một quân đội dũng cảm quyết tâm tự
thất thủ vì ghét tham nhũng, chán chiến tranh.
Đoàn xe rút lui khỏi Kontum
4.
Tâm cảnh của quần chúng: thờ ơ
Năm 1954, lòng ham chuộng hòa bình được thỏa mãn, tuy đất nước
xẻ đôi, quần chúng trong nước cũng đành lòng, để hành xử quyền được lựa chọn:
hoặc sống ở miền Nam quốc gia để xây dựng một xã hội tự do, hoặc ra miền Bắc
làm cách mạng với Cộng Sản. Quyền chọn lựa ấy được thực hiện cụ thể. Gần một
triệu đồng bào rời bỏ đất Bắc quê hương, vào nương náu ở miền Nam, mong tìm một
đời sống có nhân tình. Nhưng đồng bào Bến Nghé, Đồng Nai, chẳng có mấy ai chọn
lựa theo Cộng Sản ra Bắc. Trừ các cán bộ trung kiên, không kể gốc Nam, gốc Bắc.
Tất cả người sống ở miền Nam đều đã chọn lựa tự do, không ai
chối cãi được, kể cả bọn Cộng Sản mồm loa mép giải đã quen.
Trong tinh thần chọn lựa ấy, đồng bào di cư được đùm bọc đến
nơi, đến chốn. Cũng không ai chối cãi được sự kiện này, khi các khu trù mật Vị
Thanh, Cái Sắn, được thiết lập riêng cho người di cư mà không hề gây một xúc
động tranh ghét nào của đồng bào tại chỗ.
Trong tinh thần chọn lựa ấy, dân chúng đất cũ Nam Kỳ đinh ninh
đã đến lúc cùng tất cả các thành phần nhân dân miền Nam xây dựng và mở mang
phần đất đã cùng nhau chọn để mà sống với nhau trong tự do. Cũng không ai chối
cãi được sự kiện này: quần chúng Nam kỳ cũ không hề hùa theo các giáo
phái để chống chính quyền Ngô Đình Diệm, tuy chẳng ủng hộ con người họ chưa
biết hẳn là thế nào. Chỉ vì ai cũng muốn tránh xáo trộn để sống an lành, sau
chín năm chiến tranh giải phóng.
Từ bước đầu tốt đẹp nhường ấy, hai mươi năm tiếp theo sau đã
diễn ra một cảnh tượng, ngày nay nhắc đến, không ai khỏi bàng hoàng. Một
người được xưng tụng là chí sĩ mở đầu một chế độ gọi là Cộng
Hòa, sau đó gán thêm vào mỹ từ Nhân Vị để che đậy bản chất
độc tài, kỳ thị, gia đình trị, dần dà tách chính quyền xa hẳn nhân dân, đưa đến
tình trạng biến Nhà nước và nhân dân thành hai đối tượng thù nghịch lẫn nhau.
Nhà cầm quyền lo củng cố địa vị nên chỉ bận đương đầu với quần chúng trong
nước, hơn là lo việc kiến thiết đất nước, hơn là lo việc xây dựng một xã hội
đáng sống cho người trong nước. Khi thấy không có ai theo mình, lại dùng trò tố
Cộng để khủng bố, đàn áp, mà chống nhân dân.
Ai đã từng xem tranh ảnh nhà Ngô đăng trên tờ Paris Match, các
anh em xiêm thêu, gấm áo, rực rỡ, xuê xoang, vây quanh ông Diệm, đều ý thức
được đến nơi sự phân cách giữa Nhà nước họ Ngô và quần chúng miền Nam.
Nhất là bức ảnh chụp sau ngày được giải cứu khỏi cuộc binh biến 1960: ông Tổng
thống xun xoe đứng trên bực cao, tay cầm một xấp giấy bạc 500, thả lòa xòa
xuống thấp, một lũ quần thần tay chân, bộ trưởng có, tướng tá có, chen nhau
khom lưng nhặt từng tờ, như một món tiền thưởng công, để chia nỗi mừng thoát
nạn của chủ, của thầy mình. Ai ở Pháp có thể tìm xem bức ảnh này ở các thư
viện, ở tuần báo Match. Hoặc ông Ngô Đình Luyện còn giữ làm kỷ niệm chăng.
Dân chúng mừng rỡ tràn đến xem quanh hàng rào Dinh Gia Long ngày
2-11-1963
Cứ nhìn cảnh dân chúng miền Nam, suốt ba ngày liền, đã chạy rông
ngoài đường phố reo hò vang dội, để mừng việc sụp đổ của gia đình họ Ngô, đủ
thấy lòng dân chán ghét chế độ Cộng Hòa Nhân Vị đến thế nào. Dương Văn Minh,
người anh hùng Rừng Sát, một lần nữa lại xuất hiện trước mặt quần chúng miền
Nam là người anh hùng đất nước. Nhân dân miền Nam nghĩ là khi đã loại bỏ được
nhà Ngô rồi, chế độ mới sẽ đáp ứng được các đòi hỏi của dân tộc, dân quyền, để
xây dựng một xã hội văn hóa và phát triển, trong tinh thần nhân tình, tự do,
công lý.
Nhưng hết Cộng Hòa Nhân Vị phong kiến lại Cộng Hòa Quân Phiệt. Một số tướng lãnh thối nát nối vòng tay lớn
với Cần Lao Công Giáo, để tiếp tục đục khoét miền Nam, biến nước ta thành vùng
đất mầu mỡ cho tham nhũng, cho bất công.
Hiệp định đình chiến thi hành. Nhóm tướng lãnh cầm quyền phô
trương khí thế giả tạo, để che đậy các mánh khóe có vết gấp, hòng thu thập tài
sản chợ chiều còn sót, chờ cuốn gói kịp lúc. Đất nước, nhân dân, chưa bao giờ
họ đã bận tâm, trong giờ phút vơ vét hối hả sau cùng, lại càng chẳng phải bận
tâm đến. Để hốt cho thật trọn vẹn, chúng bám chặt quyền lực đến cùng. Đến lúc
ngày một ngày hai là sụp đổ, chúng mới chịu buông để tháo chạy.
Trong vòng đúng một tuần lễ, Thiệu/Khiêm “dọt” trước, hôm 24-4.
Rồi lần lượt những Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang “dọt” tiếp theo. Lả lướt hơn cả
là ông tướng tàu bay. Một ngày trước khi Cộng quân tiến vào dinh Độc Lập, chân
ông bước lên máy bay để “dọt”, miệng ông dõng dạc tuyên cáo quyết tâm không rời
bỏ quê hương, kêu gọi đồng bào hãy cùng với ông tử thủ chống Cộng.
Quần chúng trong nước biết trước sự tình rồi sẽ xảy ra như thế.
Biết rõ trước sau mình cũng sẽ là nạn nhân. Cảnh tượng tự thất thủ,
từ Bình Long đến Pleiku, Kontum, sau đó là miền duyên hải, đã hiện thực nỗi
chán chường của toàn thể nhân dân. Tâm cảnh chung là buông xuôi, là phó
mặc, biểu thị sự thờ ơ, tình thế ra sao thì ra, Cộng Sản có vào cũng thế thôi,
chẳng còn chi khác để chọn lựa.
Tâm cảnh phó mặc, tâm cảnh thờ ơ của quần chúng, cùng tâm cảnh
buông súng của thành phần quân đội trong sạch và lý tưởng, đã kết hợp dọn đường
cho xe tăng Cộng Sản tiến vào dinh Độc Lập mau chóng. Bộ Chính trị Hà Nội không
đủ quân lực mạnh ở miền Nam để thắng gấp. Nhóm Thiệu/Kỳ và tướng tá Sài Gòn lo
vơ vét, có nghĩ đến việc chiến đấu đâu để thắng, để bại. Chỉ có thời cuộc đất
nước chúng ta đã ngưng đọng trong tâm cảnh nhân dân, quân đội, trưa ngày
30-4-75: Quân và Dân miền Nam đã “tự thất thủ” để chấm dứt chiến cuộc.
5.
Tâm cảnh nhóm tướng lãnh cầm quyền: tháo thân kịp lúc
Khi nhân dân thờ ơ, khi binh sĩ buông súng, có chế độ nào tồn
tại được. Nhóm tướng lãnh cầm quyền hiểu rõ điều này trước mọi người, nhất tề
xếp đặt việc sụp đổ, từ cuối tháng 3-75. Chúng bày trò thiết quân lập, cấm dân
thường đi lại vào ban đêm, để tự do di chuyển nhân sự và tài sản riêng của
chúng hòng sửa soạn cho trôi chảy việc tháo thân.
Tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng này khác, tướng tá đầu não quân
đội Cộng Hòa, những người trước sau vẫn thao túng đời sống xã hội bằng quyền
lực không có kiểm soát, tha hồ tự tung, tự tác, nay cấp kỳ, có sẵn đủ mọi thứ
phương tiện để đào tẩu kịp thời. Nên vẫn giữ giọng hùng hổ, nhất hô thiên ứng,
mong đánh lừa quần chúng không cho nhìn thấy sụp đổ đến nơi. Để người trong
nước không chú ý là bọn chúng đang lo việc tháo thân. Nhưng chẳng bịp được ai.
"Tháo thân" vào Tòa đại sứ Mỹ, "tháo thân" bám vào càng máy bay
Những
tâm cảnh tháo thân này đa dạng:
Tháo thân nhưng
còn phải chuyển tài sản quốc gia, nhất là vàng, theo ra nước ngoài thành của
riêng mình, như Thiệu/Khiêm.
Tháo thân,
nhưng còn phải bày trò huê dạng người hùng Cầu Muối, như ông tướng “trừ gian”.
Tháo thân nhưng
buộc phải lừa lọc anh em binh sĩ, như tướng Viên, tướng Lộc, chia nhau sau
trước vụ Tổng tham mưu, để “tham mưu” việc xa chạy cao bay, trốn bỏ quân đội.
Nhưng phải nói đến thành phần nhân viên Nhà nước, những công
chức cao, không bè phái, không thế lực, không có tài sản lớn; phải nói đến các
lớp sĩ quan không biết chia chác, luồn cúi, đục khoét. Họ mang tâm cảnh
bế tắc. Vì thấy rõ mình là nạn nhân bị đàn anh bỏ rơi lại, để riêng gánh
chịu sự trừng phạt, sự nguyền rủa, đánh vào các cơ thể nhà nước trong giờ sụp
đổ. Và nhất là sau đó, trong khoảnh khắc, họ biến thành “ngụy quân/ngụy quyền”.
Cho đến nay, mười hai năm qua, phần lớn nếu còn sống sót dưới gót sắt của Cộng
Sản, đang quằn quại trong các trai học tập cải tạo bất nhân. Tâm cảnh sợ hãi
khiến họ mong được yên thân, rồi có ra sao cũng đành chịu.
Chưa kể đến hai thành phần khác, quan không hẳn ra quan, dân
không còn là dân. Thành phần trước: một số lớn những người có chân trong các
đoàn thể, đảng phái, tôn giáo, trước sau vẫn giữ được không vấy bùn. Họ
mang tâm cảnh thản nhiên, thế tục trước sau vẫn không làm họ bận lòng,
và họ chỉ mong mỏi hòa bình, ngưng việc chém giết, cho đồng bào được sống an
lành.
"Tháo thân" bằng đường hàng không, "tháo thân" bằng đường bộ
Và những người sinh hoạt trong các cơ sở kỹ nghệ, thương mại,
nhân viên chưa từng chia phần lợi kinh tài của chủ. Trong giờ phút quyết liệt
sắp đến, chẳng có quyền lực nào ngó ngàng đến họ, và họ mang tâm cảnh những con
tốt phải mang thí chỉ mong được yên thân, ai thắng ai bại không còn là vấn đề
họ phải thiết thân đến nữa.
Thành phần sau: đa số đồng bào di cư, người Bắc thiên di vào Nam
từ 1954, được cột chặt vào nhiệm vụ hậu cần chính trị cốt tủy và liên tục cho
hai nền Cộng Hòa miền Nam. Đa số họ kém ý thức, đã phục tùng vô điều kiện tập
đoàn lãnh đạo của họ gồm một số tu sĩ Thiên Chúa giáo hiếu động và quá khích,
và các tay kinh tài chuyên nghiệp trong việc đồng lõa với tập đoàn cầm quyền.
Hai hạng người này thường xuyên toa rập với nhà nước, đã mau chóng chia được
phần thế lực, nhờ thế mà mau chóng trở thành tỷ phú, triệu phú miền Nam. Suốt
hai mươi năm, đoàn thể đồng bào di cư đã hoàn toàn bị hai hạng người này điều
động, chỉ huy, mua chuộc, đẩy ra múa rối trên sân khấu chính trị miền Nam,
thành phần này thấy rõ trong giờ phút mất còn đang điểm, “lãnh tụ” của họ vội
vàng bỏ rơi họ, nên cũng mang tâm cảnh sợ hãi, mong mua chuộc những tội ác
không phải do mình.
Nhưng phải liệt ra ngoài thành phần di cư một số nhà tu, một số
kinh tài, đồng lõa thường xuyên với tập đoàn tham nhũng, đấu thầu việc bao biến
đồng bào di cư để làm hậu cần cho Diệm, cho Thiệu, cho Kỳ. Nên được cất lên
hàng lãnh tụ, thừa uy thế, thừa tài sản, đủ phương tiện, để không cần đến ai
vẫn thoát đi được. Có ăn, có chia mà không có chịu. Hạng người này cũng mang
tâm cảnh thoát thân, bất chấp đồng bào cùng họ đã từ Bắc di cư vào Nam, mà họ
đã đẩy vào ngõ cụt.
6.
Quyền lực Nhà nước vứt bỏ trên đường phố
Trước ngày Sài Gòn thất thủ, trong hoàn cảnh dân chúng thờ ơ,
binh sĩ buông súng, tập đoàn cầm đầu nhà nước hối hả lo việc thoát thân, các cơ
chế nhà nước bề ngoài tuy còn nguyên vẹn, nhưng quyền lực nhà nước đã bị vứt bỏ
trên đường phố, chẳng ai đoái hoài đến. Dân ngoài phố sợ bọn vô lại làm càn
trong những ngày không còn phép nước, nên càng mong thời cuộc kết liễu gấp. Mọi
người sẵn sàng chấp nhận một cuộc đổi mới, dù không tin rồi sẽ an lành, nhưng
không còn tránh được. Chế độ tham nhũng cuốn cờ, ít ra đây cũng là điều làm mọi
người thỏa dạ.
Ai cũng biết thủ đô đang bị vây hãm, bà con có thể bị pháo kích,
bị tấn công. Quân đội Cộng Hòa đã tan hàng, binh sĩ cởi giáp quăng súng khắp
các ngõ hẻm thành phố, trực thăng Mỹ di tản rầm rộ trên bầu trời. Ông Trần Văn
Hương mấy ngày trước nhận làm cầu thang cho Thiệu/Khiêm nhẹ mình lên máy bay
chạy trốn, lại lẩm cẩm lên giọng kháng cự, tử thủ, khi Chính phủ đã nhàu như
giấy bị nhai, khi quân lực không còn xương sống, khi nhà nước mềm như xác chết!
Ông làm gì được đây, và làm với ai đây?
Quân nhân VNCH vất bỏ quân trang ngày 30/4/1975
Cộng Sản tàn ác, điều ấy chẳng đợi tuyên truyền, dân chúng đã
biết. Nhưng làm thế nào thoát được họ đây? Cộng Sản có giết, có tha, nhân dân
miền Nam tránh sao khỏi. Hai mươi năm qua, Diệm, Thiệu, Kỳ và tay chân, trước
sau đã thay tay nhau đặt gọn miền Nam vào trong tay Cộng Sản rồi! Mọi người đều
mong rồi ra người trong nước, dù Bắc dù Nam, dù Cộng Sản dù Quốc gia, sẽ dung
hợp với nhau trong một đất nước hòa bình, tuy ngờ ngợ chỉ là ảo vọng.
Cộng Sản Hà Nội muốn thắng lợi ngàn năm một thuở của chúng được
hoàn toàn rực rỡ, nên buộc “chính quyền bù nhìn” Sài Gòn phải đầu hàng vô điều
kiện. Miệng lưỡi Võ Đông Giang, chỉ huy cuộc tấn công thủ đô: Đầu hàng nhân
dân, không phân biệt miền Nam, miền Bắc, Cộng Sản đã thắng Mỹ, miền Nam, miền
Bắc cùng thắng với nhau, giữa hai miền không có thắng bại.
Tất cả bài toán là đây: ông quyền Tổng thống Hương, mang
tâm cảnh chí sĩ, nói cứng, nhất định tử thủ chứ không đầu hàng. Nếu cụ làm
như cụ nói, cụ tử thủ với lực lượng nào? Dân chúng đã thờ ơ, quân đội đã tan
hàng, binh sĩ theo nhau cởi bỏ quân phục, vứt cả vũ khí trên đường phố giữa
thanh thiên bạch nhật. Cụ nghĩ chuyện tiết tháo, chuyện hảo hớn, nhưng không
nhìn ra được tiết tháo ở Phan Thanh Giản, hảo hớn ở Võ Tánh, lúc chính quyền cụ
giữ trong tay chỉ là một chính quyền ma, dân không, quân không. Trong tâm cảnh
trái chứng muộn màng ấy, cụ muốn quần chúng thủ đô chịu thảm sát để cho cụ
thành hảo hớn, thành chí sĩ! Sự kiện này không phải người viết võ đoán
mà nêu ra ở đây.
Cụ Hương muốn thủ đô đi vào biển lửa: người chiến sĩ đầu hàng
sao được! Cũng phải! Hai chữ đầu hàng này, ngày nay ở nước
ngoài, những người đã hai mươi năm dày xéo lên miền Nam đang mang ra thóa mạ
Dương Văn Minh. Tội nghiệp cho cụ! Cụ mắc lỡm Thiệu/Khiêm: chúng mớm cho cụ hai
chữ tiết tháo để chúng được nhẹ nhàng cất cánh, và cụ nhất đinh chờ chúng mang
quân về cứu, như chúng đã hẹn với cụ! Cho nên người ta phải khuyên cụ nhường
“việc ô nhục người chí sĩ không thể làm” ấy cho tướng Dương Văn Minh.
Hai ông Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu được ghép theo Dương Văn
Minh, như là đảm bảo của hai thế lực tinh thần còn lại, để ông đứng ra chấm dứt
một tình trạng không lật ngược được nữa, và nếu kéo dài, chỉ kéo dài thêm chết
chóc thê thảm. Sự kiện đảm bảo này cũng không phải người viết võ đoán
mà nêu ra ở đây.
Tình trạng không lật ngược được nữa ấy, ai đã gây nên? Ngô Đình
Diệm/ Nguyễn Văn Thiệu/ Nguyễn Cao Kỳ, hay Dương Văn Minh? Những người thay
nhau cầm chính quyền, những tướng lãnh từng thao túng quân đội, đã vội vã tháo
chạy, giờ đây thóa mạ Dương Văn Minh đã đầu hàng, không chịu tử thủ! Thế sao
chúng không ở lại để tử thủ mà bỏ trốn? Nếu có chuyện đầu hàng, thì Dương Văn
Minh đã đầu hàng thay cho chúng đó thôi.
Chính việc chúng tháo chạy là hành động đầu hàng Cộng Sản. Dương
Văn Minh đã chịu ô nhục thay cho chúng để thể hiện tâm cảnh muốn khai tử giai
đoạn tủi nhục, của những người sống trên đất nước miền Nam trong giờ phút quyết
liệt ấy.
Ông Diệm đã nói với Vân Xưa năm 1948 rằng Ý Dân là Ý Trời. Nhưng
ông chỉ theo Chúa của ông, chẳng bao giờ theo trời cả! Phải đợi đến ngày
30-4-75, ý dân mới thực sự là ý trời, trong một hoàn cảnh thật bi đát cho dân!
Đối với một võ tướng chân chính như Dương Văn Minh, không thuộc
loại chạy trốn như Thiệu / Kỳ / Khiêm, đầu hàng bao giờ cũng là một việc ô nhục.
Dương Văn Minh đầu hàng để tránh cuộc thảm sát thủ đô. Hiên
ngang, dũng cảm như khi ông cầm quân chiến thắng ở Rừng Sát. Trong việc đầu
hàng này, người sống ở miền Nam 30-4-75 đã nhận ra ông là anh hùng đất nước.
Trong việc đầu hàng này, tập đoàn tham nhũng thoát trước ra ngoài, muốn chạy
tội phản quốc, vẫn không ngớt chửi rủa ông là phản quốc.
Ông đã phải đứng ra khai tử hai chế độ Cộng Hòa và đầy những tội
ác ông không dự vào. Tiểu nhân cười là ông tham quyền vị. Dân trong nước thấy
rằng ông đã chịu cúi người xuống đất nhặt một quyền chính bỏ rơi ngoài đường.
Để trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau đó đứng ra nuốt nhục cứu độ
quần chúng thủ đô miền Nam.
◎◎◎
Bạn đọc đến đây, hãy
cùng người viết quay về các tâm cảnh được tỉ mỉ phân tích ở trên
-
Tâm cảnh chung của
nhân dân thờ ơ, mặc thế cuộc đến đâu hay đó. Chấp nhận đổi cái đời hai mươi năm
phải chịu đựng độc tài, phong kiến, quân phiệt, trong một xã hội thối nát, tham
nhũng, không lúc nào biết đến nhân dân. Tâm cảnh thù ghét chế độ, đòi hỏi thay
đổi:Cộng Sản cũng thế thôi.
-
Tâm cảnh của anh em
binh sĩ, sĩ quan, khinh bỉ thượng cấp vô tài, bất nghĩa, không còn muốn chiến
đấu, để đuổi bọn bán dân, buôn nước. Tâm cảnh đòi chấm dứt một giai đoạn phi
nhân: Cộng Sản cũng thế thôi.
-
Tâm cảnh của những
thành phần đồng bào ít nhiều có dính líu đến chính quyền thối nát là sợ hãi,
nên mong một hình thức giải quyết thế cuộc cho êm thuận, có thể tránh cho họ
nhiều ảnh hưởng nặng nề quá đáng. Tâm cảnh chịu đựng, cầu an: Cộng Sản
cũng thế thôi.
-
Tâm cảnh của tập đoàn
lãnh đạo nhà nước, quân đội, là chạy trốn. Khi chúng đã thoát thân kịp lúc,
Cộng Sản có chiếm miền Nam, đâu phải là chuyện chúng bận tâm. Tâm cảnh tháo
thân cho kịp: Cộng Sản vào thay chỗ để tàn hại đồng bào, đối với chúng
cũng thế thôi.
“Cũng thế thôi”, trong đầu óc những người quẳng quyền lực nhà
nước để tháo chạy, có nghĩa là “mặc kệ”. Trong tâm tư quần chúng và binh sĩ,
lại là một cách để nói “cũng đành”! Những kẻ hai mươi năm thay nhau cầm quyền
phi nhân phi nghĩa, đã dọn sẵn đường cho Hà Nội thắng, nhân dân và binh sĩ
không muốn đầu hàng cũng không xong. Đầu hàng: một mỹ từ, người miền Nam muốn
dùng để che một thảm bại.
Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, nạn nhân một thế
cuộc bế tắc họ không dự phần trách nhiệm, đã đương lấy cái nhục của Diệm, của
Thiệu, của Kỳ, để cứu nạn dân lành.
Khi nhân dân ruồng bỏ chế độ, binh sĩ, cảnh sát tan hàng, khi
người cầm quyền chạy trốn, thì chế độ sụp đổ. Quyền lực Nhà nước tự nó đã cáo
chung.
Cụ Hương muốn làm chí sĩ, nhưng không còn Nhà nước, nên ông chỉ
là một bù nhìn vô nghĩa: bình phong cho Thiệu/Khiêm và tướng lãnh tay chân êm
ái trốn chạy.
Dương Văn Minh cũng chỉ là một bù nhìn, nhưng có nghĩa: kết liễu
sự sụp đổ của miền Nam, để tránh thảm họa cho dân.
Cho nên quần chúng miền Nam đã thương hại cho cụ Hương mà biết
ơn tướng cũ Dương Văn Minh.
Hà Nội nhìn rõ tình trạng ấy. Trưa hôm 30-4-75, Cộng Sản đã
chẳng bảo, khi Dương Văn Minh lên tiếng đầu hàng để trao lại Quyền lực Nhà
nước, là: chế độ Sài Gòn đã chết, Dương Văn Minh có Quyền lực Nhà nước đâu mà
đòi trao đổi để nói chuyện đầu hàng?
◎◎◎
Tâm cảnh Đầu hàng Cộng Sản không phải đã xảy ra
hôm 30-4-75.
Ngay từ khởi thủy chế độ Quốc gia Sài Gòn. Ngô Đình Diệm lo ngại
không giữ quyền binh được lâu, nên đã làm ngơ, rồi tàn hại, thành phần kháng
chiến quốc gia, và kỳ thị đồng bào Nam kỳ cũ. Thay vào hai thực lực nội tại ấy
của miền Nam chính ông đã thấy rõ từ trước, lúc chưa cầm quyền, ông giả tạo hai
thế lực ngoại lai (đối với miền Nam), dựa vào đó mà củng cố địa vị, cá nhân và
gia đình: đồng bào di cư và tổ chức Cần Lao Công giáo.
Không ai có thể chống Cộng Sản miền Bắc mà không cần đến nhân
dân miền Nam. Nhưng Ngô Đình Diệm đã làm như thế! Tham vọng cá nhân đã là mục
đích, chống Cộng chỉ là một phương tiện để ông củng cố quyền lực ông.
Đối đầu miền Bắc là nhiệm vụ chính yếu, ông Diệm đổi ra thành
phương tiện cầm quyền: đầu hàng
Cộng Sản nằm sẵn trong tâm cảnh ông Diệm từ đầu!
Tướng tá tiếp sau ông dốt nát võ biền, làm sao nhìn ra bài học
thất bại của ông. Họ chỉ thêm được quyền lực, được địa vị, như ông đã hưởng. Đâu
có chuyện miền Nam đối đầu miền Bắc, họ theo ông mang sẵn tâm cảnh đầu hàng
Cộng Sản rồi.
Ông Diệm bị giết. Thiệu/Kỳ/Khiêm và tay chân, cùng mang tham
vọng của ông, chỉ có thể tiếp tục con đường ông đã vạch: cũng đồng bào di cư,
cũng Cần Lao Công Giáo. Họ nối theo ông đưa quốc gia miền Nam đến chỗ chết,
ngày 30-4-75. Nay trốn được kịp ra ngoài, dùng mọi phương tiện thừa thãi trong
tay để trâng tráo phỉ nhổ Dương Văn Minh về cái tội đầu hàng Cộng Sản miền Bắc.
Dương Văn Minh đã không thoát thân, gánh chuyện ô nhục vào thân,
để cứu đồng bào thủ đô Sài Gòn. Rồi giữ im lặng, trước những lời thóa mạ của
những kẻ ông đã gánh thay điều ô nhục ấy.
Trong số các bạn, ai còn nghĩ đến sự nghiệp giải phóng đất nước
còn chưa thành, nếu đọc xem đến bài đầu hàng này, xin xem thận
trọng hơn là những người chỉ đọc cho vui.
Hình như ông Dương văn Minh đang sống ở Pháp, Vân Xưa viết bài
hôm nay hướng về ông.Trân trọng ngỏ một lời khiêm tốn biết ơn ông, của
một người chưa từng cùng ông quen biết hay gặp gỡ, như Đỗ Mậu, như Cao văn
Luận.
VÂN XƯA
[Nguồn: Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt trận Giải
phóng Miền Nam của Hồ Sĩ Khuê - Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, Westminster,
California, 1995]