Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

       

AI ĐỒNG HÀNH VỚI DÂN TỘC ?
(CUỘC ĐẠI LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC
VÀ GẮN HUY CHƯƠNG TẠI PHÁT DIỆM)

Toan Ánh
Trích từ tác phẩm Hội Hè Đình Đám
   
Trong tháng Ba năm 2014, trên các diễn đàn điện tử của người Việt hải ngoại có dậy lên một cuộc thảo luận về lịch sử truyền đạo của Phật giáo và Công giáo tại Việt Nam. Cụ thể là câu hỏi “tôn giáo nào đồng hành cùng dân tộc?” và tôn giáo nào đã làm đạo quân thứ năm, rước giặc vào quê hương và sau đó cung cúc làm tay sai tận tụy cho giặc để phản bội dân tộc.
Bài viết dưới đây do chính các Linh mục Việt Nam kể lại đã mô tả một sinh hoạt lễ hội của Công giáo Việt Nam và các quan chức bảo hộ Pháp mà nhà nghiên cứu Toan Ánh sưu tầm được, đã điểm mặt rõ ràng bọn phản quốc đó. – Blog NamGiao

Linh mục Việt (nhà thờ ở Vĩnh Yên, 1951) nhờ quan Thực dân Tây 
trang bị súng và huấn luyện cho giáo dân chống lại nghĩa quân kháng chiến. 

Nói đến hội hè đình đám của nhân dân ta, tôi muốn nói ít dòng về hội hè của các đồng bào theo đạo Gia Tô. Đối với các đồng bào này, lẽ tất nhiên đình đám không có, nhưng không phải vì thế mà không có hội hè. Những hội hè này, tôi đã hân hạnh trình bày cùng bạn đọc trong “Tín Ngưỡng Việt Nam” quyển hạ, khi nói về Thiên Chúa giáo từ trang 5 đến trang 74, nhất là trong các mục lễ tiết và đám rước. Đấy là những dịp hội hè hàng năm về tôn giáo của các đồng bào Thiên Chúa giáo.
Ngoài các hội hè hàng năm trên, các đồng bào Thiên Chúa giáo cũng còn có những dịp khác để chung vui hội hè cùng nhau, thí dụ như khi một Cha được vinh thăng Giám mục, hoặc khi Đức Giám mục được một ân hưởng gì của Tòa Thánh, hoặc của Chính phủ.

Bắt đầu viết chương này, soạn giả vẫn có ý định tìm những tài liệu về các hội hè của đồng bào Thiên Chúa giáo, trong những dịp bất thường. May mắn, Tổng Thư Viện Việt Nam đã có những tài liệu này trong tập Autour des Fêtes du 3 Décembre 1940 à Phát Diệm (Chung quanh đại lễ ngày 3-12-1940 ở Phát Diệm).

Tập sách này có hai phần chữ Pháp và chữ Việt mang số M 1040 của Tổng Thư viện Quốc gia nói về Đại Lễ Tấn Phong Đức Giám mục Phan Đình Phùng và lễ gắn Bắc Đẩu Bội Tinh cho Đức Giám mục Nguyễn Bá Tòng. Sách do nhà in Ngô Tử Hạ ấn hành và do Chánh, Phó Giám mục, Linh mục và các giáo hữu địa phận Phát Diệm chủ trương.
Chúng tôi in tập nhỏ này làm kỷ niệm cuộc lễ đã tổ chức tại Phát Diệm ngày 3 Décembre 1940, và để thành thực cảm ơn các bậc vị trong đạo ngoài đời đã quá yêu mà đến - có đấng bởi chốn xa xôi đến dự lễ này - để cám ơn những đấng bậc vì nhẽ quan trọng bó buộc, không thể đến được; để cám ơn một số rất đông các thân hào quý khách không đăng tên trong báo chương; và để cám ơn các bậc ân nhân cùng hết thảy những người đã thịnh tình hộ giúp bất kỳ cách nào cho cuộc lễ này được một cách rực rỡ xán lạn như nguyện” (trang 67).
Mấy dòng chữ nói trên đủ nói lên tính cách quan trọng của buổi lễ và sự hân hoan của đồng bào Gia Tô giáo với sự thành công tưng bừng của buổi lễ.

Để tránh mọi sự sai lầm khi viết lại, cũng như để bạn đọc lĩnh hội hết mọi sự quan trọng của cuộc hội hè, đại lễ này, soạn giả xin trích đăng nguyên văn như sau đây bài tường thuật đã in trong cuốn Autour des Fêtes du 3 Décembre 1940 à Phát Diệm trên từ trang 33 đến trang 41:

CUỘC ĐẠI LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC
VÀ GẮN HUY CHƯƠNG TẠI PHÁT DIỆM

Ngay từ chiều ngày 2 Décembre, khu nhà thờ Phát Diệm đã hiện ra trong cảnh tưng bừng sáng sủa. Giữa những hàng cột cờ giáo sắc nhởn nhơ theo chiều gió bay, giữa chừng chòm cây xanh biếc pha màu vàng nhạt, giữa các khải hoàn môn mới dựng lên để nhắc lại cuộc thắng trận vẻ vang của tấm lòng bác ái và đức hiếu hòa đạo Công giáo... Ngôi thánh đường đồ sộ, nguy nga đứng sững trước mặt khán quan, hình như lôi hút hết tinh thần của nhân vật xung quanh. Tòa thánh điện lịch sử đó hôm nay ra mắt với công chúng trong bộ áo chạm trổ những cảnh rồng vờn, phượng múa, những thánh tích về tôn giáo... đầy vẻ linh động, đầy tinh thần ái quốc, đầy mỹ thuật Việt-Nam, trông thực “uy phong hùng tráng như đội quân xếp hàng ra trận”. Ngôi thánh đường đó tuy đã nhiều tuổi, mà vẫn trẻ trung, sắc đẹp lộng lẫy càng thêm trẻ, trẻ như một vị công chúa xiêm áo rực rỡ đợi ngày lễ tân hôn... Đứng ở lầu chuông mà ngắm nghía, chúng tôi không khỏi chạnh lòng hoài cảm... nhớ ơn một linh mục, một bức gương anh hùng dũng cảm, trung quân ái quốc trong lịch sử Rồng Tiên và thế kỷ vừa qua: Cụ Trần Lục mà trong óc chúng tôi còn phảng phất như thấy dáng người, tuy đã khuất núi... mà nay còn cao nhời kêu gọi xứ Bắc Kỳ: “Hãy cất tiếng reo hò mừng rỡ, hỡi người xon sẻ không sinh, hãy hớn hở mừng vui khoái trá” vì từ nay đây Bắc kỳ không còn thẹn mặt với Trung Nam. Ngày mai, lễ tấn phong Đức cha Phan Đình Phùng, Bắc kỳ sẽ góp với Hội Thánh hoàn cầu một giám mục đủ bề tài đức.

Mồng 3 Décembre - Từ lúc tinh mơ, chúng tôi nhận thấy quân quan nhà binh: lính khố xanh, khố đỏ, lính kèn, lính thủy, lính thị vệ quan Thủ Hiến Đông Dương... đã lục tục rẽ màn sương tới khu nhà thờ Phát Diệm một cách vui vẻ. Hình như họ đã đến đưa tin cho Phát Diệm rằng: “Lúc này sự tối tăm còn bao phủ mặt đất... Nhưng người hãy dậy đi, hãy thả hào quang ra... Thiên Chúa đã giải sáng trên mình người... Kìa muôn dân theo ánh sáng đang tuôn lại với ngươi... Ngươi hãy ngó chung quanh, vua chúa đang đến cùng ngươi...”. Thế rồi một lúc sau, khi nhà binh đã dàn xếp xong để giữ trật tự, các ô tô theo đàng quan lộ Ninh Bình, Phát Diệm nối đuôi nhau, rít còi chạy, đưa tới Phát Diệm một lớp người thượng lưu, quan chức pha vào làn sóng bình dân, trên bến dưới thuyền, đường rộng ngõ hẻm, đang cuồn cuộn đổ tới nhà thờ Phát Diệm.


Đúng bảy giờ rưỡi, một hồi chuông lanh lảnh gieo tiếng bạc trên không trung, báo hiệu đã tới giờ hành lễ. Các vị Giám mục, hàng giáo sĩ, các sinh viên thần học, lễ phục chỉnh tề, rước đức tân Giám mục ra nhà thờ. Vào thánh điện vừa xong, thời đoàn xe quan Thủ Hiến Đông Dương, cùng với quý phu nhân Decoux tới nơi. Đi theo ngài, có quan Thống sứ Grand Jean, quan Đổng Lý Văn Phòng Gautier, quan Thanh Tra Chính Trị Erard, quan Chánh Văn Phòng phủ Thống Sứ Queinec, quan Thủy Quân Trung úy De Trégomain, quan Chánh Văn Phòng phủ Toàn Quyền: ông Sylvestre de Sacy, các quan sở Liêm Phóng theo hộ giá và nhiều vị thượng quan. Đức Cha Nguyễn Bá Tòng dung nhan hớn hở, nụ cười vui tươi lúc nào cũng như một, ra ứng tiếp quan Thủ Hiến. Các quan chức nhà binh giàn hàng thi lễ, bồng súng chào. Hội Tây nhạc nhà binh cử bài quốc ca. Quan Thủ Hiến vừa bước chân xuống xe, ngài tiến thẳng lại mồ cụ Trần Lục. Hai tay kính cẩn đặt vòng hoa trên nấm mồ vị Nam tước. Một phút yên lặng: quan Toàn Quyền cảm động kính điếu một vị anh hùng, một bậc quốc công danh vang bốn bể... mà nay, lần thứ nhất, ngài mới được nhìn những công cuộc vĩ đại như tiếng ca khen đức tài. Thực là một buổi nhất sơ, mà buổi nhất sơ này lại được đứng trước mồ vị Nam tước Phát Diệm càng thêm cảm xúc ai tình... Vị Thủ Hiến Đông Dương đưa cặp mắt đầy cảm động không thể giấu được, ngó chung quanh lũ con dân chồng chịt như nêm cối, bao nhiêu con mắt đổ dồn vào Ngài. Ngài cảm động hơn nữa, vì nghĩ tới Cụ Trần Lục, người cha đã giáo hóa con dân biết trọng lễ nghi trật tự, kỷ cương, và là vị phúc tinh đã đem sự hòa bình thân thiện cho dân tộc Pháp-Nam mà ngài vừa mắt thấy tai nghe những chứng chỉ thành thực do những cuộc đón chào các hương lý phủ, huyện, đứng chực hai bên đường Ninh Bình-Phát Diệm biểu diễn... Vẫn giữ nét mặt cảm động và suy nghĩ, quan Toàn Quyền cùng với các quan khác theo Đức Cha Nguyễn Bá Tòng hướng đạo tiến vào thánh đường.

Tám giờ rưỡi đúng, cử hành lễ tấn phong do Đức Cha Drappier Khâm Sứ chủ sự. Hai vị Giám mục thụ phong là Đức Cha De Cooman, Giám mục Thanh Hóa và Đức Cha Nguyễn Bá Tòng. Trên gian cung thánh trang hoàng rực rỡ, theo nền mỹ thuật Việt-Nam, những ngọn nến trên bàn thờ thi nhau cháy, hình như cố công để thắng át những tia sáng pha mầu sơn đỏ do bàn thờ và các khung ảnh chiếu ra... Chúng tôi nhận thấy một ghế riêng gần ngai Giám mục, để kính biếu vị Thủ Hiến Đông Dương. Bên Thánh Thư, chầu lễ có các vị Giám mục, các Đức Cha: De Cooman Thanh Hóa, Eloy Vinh, Chaize Hà Nội, Artaraz Bắc Ninh, Gomez Hải Phòng, Hồ Ngọc Cẩn Bùi Chu, Lemasle Huế, Vandael Hưng Hóa, Ngô Đình Thục Vĩnh Long. Liền đó, chúng tôi nhận thấy các vị truyền giáo người Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào, các vị linh mục bản quốc Việt Nam rất đông. Các dòng tu: dòng thánh Đa Minh, dòng Trappe, dòng Phanxicô, dòng Cứu Thế, các cha Sulpiciens... đông đúc chầu lễ gần các Đức Cha. Các thầy dòng anh em trường Công giáo cũng có ghế kinh riêng.

Nhà thờ Phát Diệm chật ních. Trong mấy hàng ghế đầu dưới bàn thánh, chúng tôi nhận thấy quý phu nhân Decoux, cụ Võ Hiển Hoàng Trọng Phu, quan Thông Sứ Grandjean, Đại úy Caux, Thanh tra Chính trị Erard, Thanh tra Chính trị Trung kỳ; cụ Jardin đại diện quan Khâm sứ Trung kỳ Gratfeuil, quan Công sứ Ninh Bình, Công sứ Thanh Hóa, Chánh Sở Liêm Phóng Bắc kỳ: ông Pujol, cụ Vi Văn Định, các quan theo hộ giá quan Toàn Quyền, cụ Tổng Đốc Vũ Ngọc Hoành, quan Thanh Tra Học Chính Bắc Kỳ Courtoux, cụ Hộ Pháp Huế, các quan Tuần Phủ, Tri Phủ, Tri Huyện... và các công chức nhà nước đông vô kể. Ngay sau ghế Decoux phu nhân có các bà nữ tu dòng Oiseaux, dòng Notre Dame des Missions và dòng Thánh Giá. Liền đấy là anh em thân thích Đức Cha mới.

Lễ tấn phong khởi hành sau khi các quan an tọa. Các sinh viên Thần Học và Hội Ca Nhạc Phát Diệm cử kính xin ơn Chúa, Thánh Thần, Đức Giám Mục chủ phong, lễ phục uy nghiêm ngồi trên tòa quay xuống. Ngồi trên ghế phủ thảm đối diện với ngài, là vị Giám mục sắp thụ phong. Sau khi đã cầu nguyện theo nghi lễ, Đức Giám Mục chủ phong ngồi ghế trên phản bàn thờ quay ra. Vị Giám Mục thụ phong thưa: có sắc phong. Ngài truyền cho một vị Linh mục cao tiếng đọc cho công chúng nghe. Cha Lucas Lý, bề trên chủng viện Phúc Nhạc, vừa dứt tiếng đọc xong đạo sắc, Giám Mục chủ phong đưa Deo Gratitas tạ ơn Chúa. Liền đó tiếp theo nghi lễ “khảo hạch”. Hai Giám Mục thụ phong và Tân Giám Mục đọc kinh cầu lễ, hành lễ một trật với vị tấn phong.

Lễ làm gần tới bài Phúc Âm, thì khởi hành cuộc tấn phong, lễ nghi dài, trang nghiêm, cảm động, khiến người dự lễ có lúc vui mừng hớn hở, lúc lại trầm ngâm suy nghĩ... Tiếng hát Veni Carator... và kinh cầu các Thánh vọng lên không, tiếng bổng tiếng trầm, hòa với điệu nhạc nhà binh, với tiếng phi cơ reo cười trên làn sóng khí, déo dắt du dương... khiến người dự lễ có lúc cao hứng hình như không còn nhớ mình ở vào cảnh nào! Đang khi đó, trên cung thánh lễ tấn phong cứ lần lượt cử hành: xức dầu tay, xức trên đầu, làm phép nhẫn, làm phép mũ gậy. Đức Giám Mục chủ phong trao mũ gậy cho tân Giám Mục, chỉ quyền ngài coi sóc con chiên giáo hữu. Ngài trao nhẫn ngụ ý rằng đức tân Giám Mục phải giữ lòng trung thành với Đức Tin, với Giáo Hội Roma, cũng như người bạn trăm năm một dạ cầm sắt với phu quân mình. Ngài lại trao sách Phúc Âm, chỉ quyền trao giảng giáo lý là phận sự của vị Giám Mục. Thế rồi Giám Mục chủ phong và thụ phong cũng nhau tiến hành cho hết lễ Misa. Lễ xong, đức Giám Mục chủ phong đội mũ vàng, trao gậy ngọc, xỏ nhẫn cho vị tân phong; đặt ngài trên tòa mình và quay xuống cách oai nghiêm như mừng và giới thiệu Giám Mục cho con chiên giáo hữu. Bấy giờ các sinh viên trường Thần Học và hội ca vịnh cử bài Ta Deum ngợi khen tán tụng Chúa. Đồng thời, tân Giám Mục mũ gậy uy phong tráng lệ đi làm phép cho dân. Hát xong bài ca tán tụng Chúa, Đức Cha mới ban phép lành đầu tiên cho giáo hữu... Đức tân Giám Mục bái gối ba lần cám ơn Đức Cha chủ phong chức, nhời vạn tuế “Thọ Tràng”. Kết thúc nghi lễ tấn phong, ba vị Giám Mục chủ phong, thụ phong cùng với Tân Giám Mục theo lễ nhạc trao đổi cho nhau những cái hôn thánh sạch, kèm nhời chúc tục.

Theo sau cuộc lễ tấn phong là lễ gắn huy chương cho Đức Cha Nguyễn Bá Tòng do quan Toàn Quyền chủ sự. Vị Thủ Hiến Đông Dương và các Giám Mục cùng quan khách từ nhà thờ tiến ra phương đình. Hội nhạc nhà binh cử bài hào vui vẻ. Quan Toàn Quyền và phu nhân Decoux ngồi giữa hai Đức Cha Drapier và Nguyễn Bá Tòng. Một viên thanh niên trong hội Nam Thanh Công Giáo bước ra đọc một bài chúc từ cám ơn quan Toàn quyền đến thăm Phát Diệm, chỗ mấy chục năm trước cha Trần Lục đã đón tiếp hai vị Toàn Quyền là De Lanessan và Rousseau. Mừng quan Toàn Quyền đã nhờ tại ngoại giao lỗi lạc mà tránh cho xứ Đông Dương một cơn khủng bố. Quan Toàn Quyền đứng lên nói ít nhời tỏ lòng quyến luyến Phát Diệm và Đức Cha Nguyễn Bá Tòng. Ngay hôm mới gặp Đức Cha lần đầu ở Tam Đảo, ngài đã cảm phục và hứa sẽ đến Phát Diệm thăm Đức Cha. Nay được như ý sở nguyện, Ngài rất lấy làm thỏa dạ. Thỏa dạ vì trong buổi đến thăm Đức Cha này Ngài lại được cái vui sướng tự tay gắn Bắc Đẩu Bội Tinh cho Đức Cha. Ngài chúc cha vừa mới thụ phong được một cuộc tông đồ sung mãn. Sau một hồi vỗ tay, quan Toàn Quyền mời Đức Cha Tòng xuống trước sân rộng giữa đội lính thủy bồng súng chào. Sau một tiếng hô rất mạnh mẽ, Ngài tuốt gươm bạc cầm trong tay và cứng cát tuyên bố thay mặt cho Thống Tướng Pétain, quốc trưởng Pháp kính tặng Đức Cha Tòng Ngũ Hạng Bắc Đẩu Bội Tinh. Thế rồi Ngài tiến đến Đức Cha hai tay kính cẩn gắn huy chương mà chính Ngài tặng Đức Cha. Lùi ra mấy bước, Ngài cầm chiếc gươm bạc sẽ đặt lên hai vai của Đức Cha. Hội nhạc cử bài quốc ca. Quan Toàn Quyền kết thúc lễ gắn huy chương bằng một cái áp má thịnh tình và lòng trọng kính, Quan Toàn Quyền lên an tọa. Đức Cha Tòng đọc bài diễn văn tỏ lòng cám ơn chính phủ, tỏ lòng trung thành con dân Việt-Nam đối với Mẫu Quốc.

Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux (1884-1963), thay mặt Thống chế Pétain,
gắn Huy chương Ngũ hạng Bắc Đẩu Bội Tinh của chính phủ Pháp
cho Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)

Sau tràng pháo tay đáp lại bài chúc từ của Đức Cha, các sinh viên trường Thần Học cùng với đội nhạc Thủy Quân cử bài ca tụng Thiên Chúa và Chúa muôn dân. Điệu hát êm đềm pha mạnh mẽ cùng với ý nghĩa trong bài hát khiêu gợi lòng cảm động vui mừng từ người cho tới cảnh vật xung quanh. Các học sinh trường thầy dòng, 180 cậu bé tý hon, ăn vận, gián sắc ra diễn thể thao khiến cho Đức Khâm Sứ, quan Toàn Quyền, các Đức Cha và quan khách nâng cốc Champagne ngó ra tưởng đâu như mình đang đứng trước vườn hoa xem đàn bướm chập chờn bay múa. Phải, đó thực là vườn hoa của cụ cố Trần Lục, trong vườn vừa mới nở một bông hoa, vị Giám Mục tiên khởi Bắc Kỳ, mà nay những con bướm linh thiêng kia rủ nhau bay nhởn nhơ để chào hoa! Cạn cốc “Nam Sơn” chúc câu “Tràng Thọ” cho hai Giám Mục Phát Diệm, rồi quan Toàn Quyền và các quan tùy hành đi thăm nhà chung Phát Diệm một lúc đoạn lên xe đi Nam Định theo chương trình đã chỉ định.

Mười hai giờ trưa, trong một rạp nhớn dựng ở một khu vườn nhà chung, Đức Cha Tòng có thiết đãi các Giám Mục, Linh Mục và các quan khách khắp ba kỳ. Gian nhà lợp tranh, bài trí có vẻ mỹ thuật, và đúng tinh thần nhà tu. Trên vách mỗi gian có treo những tấm huy chương khẩu hiệu của Đức Giáo Hoàng và các vị Giám Mục dự tiệc hôm ấy chen lấn vào với cờ Tòa Thánh, cờ nước Pháp và cờ vàng đỏ của triều Nam. Đàng trước có bầy vườn cảnh, đủ thứ hoa, cùng với những bệ đá trưng bầy các pho tượng mỹ thuật làm cho hơn ba trăm khách dự tiệc tưởng như mình đang ở giữa một vườn bách thảo. Chủ tiệc là Đức Cha Khâm Sứ, dự tiệc có các Đức Cha và quan chức chúng tôi đã kể ở trên. Quan Toàn Quyền vì không thể ở lại dự tiệc được, có phái đoàn Thanh Tra Chính Trị Erard đại diện, Đức Cha Tòng và các cha nhà chung Phát Diệm, niềm nở tiếp các vị thượng khách. Tiếp các món ăn có hội viên của Hội Thanh Niên Công Giáo Phát Diệm dưới tay hướng dẫn khôn khéo của ông Nguyễn Bá Tụng, y sĩ Ninh Bình. Chủ khách an tọa thì hội hát trường Thần Học cử bài “Les Martyrs Aux Arènes” cái cung hát thực hay và cảm động, giọng hát mô tả được tài thuật của nhà nhạc L. de Rilé mà ai cũng đã nghe danh. Khách dự tiệc ngừng tay nghe hát, lòng cảm xuất không khỏi đem lòng thán phục những bậc anh hùng Công Giáo ở nước ngoài cũng như ở nước ta, đã đổ máu để mua cho mình sự hòa bình thân ái, mua cho mình bữa tiệc có tình gia thất hôm nay. “Tứ Hải Giai Huynh Đệ” bữa tiệc pha chủng tộc, pha tôn giáo, pha giai cấp! Thực là một bữa “Tiệc Lòng”. Vì bấy nhiêu trái tim cùng đổ một dịp theo với những nhịp kèn nhà binh của đội thứ bốn lính khố đỏ Nam Định thổi mừng khi ăn tiệc. Tiếng cười, tiếng nói, chén tạc chén thù một lòng thân thiện hợp quần. Vui vẻ hơn nữa, lúc đó khách quan nghĩ tới hằng bốn năm nghìn anh em bần khổ được nhà chung có nhã ý phát chẩn cho trong một khu chợ rộng gần sông Tri Chính. Thế là khắp mọi giai cấp trong xã hội cùng chung vui trong dịp lễ này.

Mãn tiệc, Đức Cha Drappier đứng ra chúc mừng hai Đức Giám Mục Phát Diệm. Ngài ca tụng các thánh tử đạo và chúc cho Tân Giám Mục một bước tương lai hưng thịnh theo nề nếp các thánh tử đạo. Tiếp nhời, Đức Cha Cooman cùng một giọng điệu rất tự nhiên vui vẻ thay mặt cả địa phận Thanh Hóa mà chúc mừng hai Đức Cha Phát Diệm và cả địa phận Phát Diệm. Ngài nhắc lại tình nghĩa xưa kia lúc hai địa phận còn là một. Ngài nhắc lại câu xưa kia người đã chúc cho Ngài cũng trong cái khu nhà chung Phát Diệm này mà chúc cho Đức Cha mới được “Ad multos annos”. Đức Cha Nguyễn Bá Tòng trước hết mừng Đức Cha phó mới của Ngài. Ngài rất cảm động mà tỏ lòng vui sướng vì từ nay Ngài đã yên ủi có một người bạn, và hơn thế nữa có một người em thân tình cùng Ngài chia gánh nặng mà ngày nay đã già yếu càng thấy nặng nhọc. Ngài hết lòng thành thực cám ơn hết mọi đấng bậc đã tỏ mối thịnh tình đến dự lễ ngày hôm nay; cám ơn các cha, các quan chức và các thân hào mọi nơi đã nhiệt thành cộng tác vào làm cho cuộc lễ này được thập phần mỹ mãn. Sau bài chúc từ của cha Gellégo đọc thay tất cả các cha về dòng Thánh Đa Minh, Đức Cha Phan Đình Phùng, cái vui của bữa tiệc hôm nay, đứng lên cám ơn Đức Cha Khâm Sứ, các Đức Cha, các quan khách, các cha trong các địa phận và thân hào các sứ đã tới dự cuộc lễ mừng Ngài. Ngài không quên nhắc đến cụ Trần Lục và Đức Nguyên Giám Mục Marcou mà tỏ dạ hăng hái đi sau Đức Cha Nguyễn Bá Tòng để nối dõi nề nếp chư vị anh hùng đó. Sau một hồi pháo tay, ông Lê Văn Đức, hình như quá cảm động, tiến ra giữa nhà tiệc hô hào và ca tụng tấm lòng hợp nhất của hai dân tộc Pháp-Nam mà bữa tiệc hôm nay là một chứng chỉ. Liền đó hội hát các thầy Thần Học hát bài giã tiệc. Điệu hát véo von, cảm động vẫn một vẻ vui, thế là hoàn toàn.

Hồi 4 giờ chiều, Đức Cha mới ra công đường tiếp khách đại biểu các địa phận. Sau khi các cha địa phận Phát Diệm và các địa phận khác mừng Ngài xong, Ngài ra rạp dọn trước lầu chuông nhà thờ để các giáo hữu tới bái yết. Năm giờ hơn, tại nhà thờ chính có chầu thánh thể long trọng hát kinh tạ ơn Chúa.
Bước chân lên xe, bỏ Phát Diệm ra đi, chúng tôi bùi ngùi cảm động, lòng nguyện chúc cho Đức tiên khởi Giám Mục mà thiên hạ đã tặng là “Nam Hải Phúc Tinh” và Giám Mục thứ nhất Bắc Kỳ được niên tràng thọ cửu, để đem ánh sáng tin lành trải ra khắp giải đất Lạc Hồng, khiến mọi người nhìn biết và yêu mến cha chung ở trên Trời. Lòng chúng tôi cũng rất thán phục cách tổ chức khôn khéo của Đức Cha Nguyễn Bá Tòng và các cha cùng thân hào Phát Diệm, làm cho cuộc lễ tấn phong này được phần mỹ mãn: Chúng tôi đã đi xa mà lòng còn bùi ngùi nhớ cảnh Phát Diệm...
Giang sơn cẩm tú nước nhà
“Địa Linh nhân kiệt” (*) quả là không sai
Thực Phát Diệm cảnh Bồng Lai
Hóa công dành để sinh người tài hoa.
(*) Bốn chữ trong bức cuốn thư rất đẹp của thân hào Trung Nam Bắc kính mừng hai Đức Cha Phát Diệm nhân dịp lễ 3 Décembre 1940.

NHẬN ĐỊNH CỦA TẠP CHÍ ÁNH SÁNG DÂN TỘC

Bài tường thuật buổi đại lễ tại Phát Diệm trên đây cho ta thấy giữa Thực dân Pháp và người Thiên Chúa giáo Việt Nam đã có quá trình liên hệ mật thiết như tình cha con ruột thịt. Không chỉ Tâm và Cảnh buổi lễ đã nhịp nhàng hòa cùng một điệu mà văn chương tường thuật buổi lễ mô tả cái nghĩa nặng tình dài đã ràng buộc mối thâm tình giữa người Pháp và người Thiên Chúa giáo Việt Nam khó có một sức mạnh nào lay chuyển nổi. Hãy đọc vài đoạn văn trích lại dưới đây để thấy mối ân tình đó sâu đậm khắn khít đến mức độ nào:

... Quan Thủ Hiến vừa bước chân xuống xe, tiến thẳng lại mộ cụ Trần Lục hai tay kính cẩn đặt vòng hoa trên nấm mộ vị Nam Tước. Một phút yên lặng: quan Toàn Quyền kính điếu một vị anh hùng, một vị quốc công danh vang bốn bể

... Quan Toàn Quyền Decoux cảm xúc ai tình. Ngài cảm động hơn nữa khi nghĩ tới cụ Trần Lục là vị Phúc Tinh đã đem sự hòa bình thân thiện cho dân tộc Pháp-Nam...

... Quan Toàn Quyền đưa cặp mắt đầy cảm động ngó chung quanh lũ con dân chằng chịt như nêm cối, bao nhiêu con mắt đổ dồn về Ngài...

... Đức Cha Nguyễn Bá Tòng đọc diễn văn bày tỏ lòng cảm ơn chính phủ, tỏ lòng trung thành con dân Việt Nam đối với Mẫu Quốc. Mừng quan Toàn Quyền nhờ tài ngoại giao lỗi lạc mà tránh cho Đông Dương một cơn khủng bố.

... Những tấm huy chương khẩu hiệu của Đức Giáo Hoàng và các vị Giám Mục, dự tiệc hôm ấy chen lấn vào với cờ Tòa Thánh, cờ nước Pháp và cờ vàng đỏ của Triều Nam...

Hình như văn chương lâm ly của những bài diễn văn, những lời tuyên bố chưa đủ bộc lộ hết sợi dây liên ái, người ta còn đặt tên cho buổi tiệc tiếp theo buổi Đại Lễ là “Bữa tiệc hợp nhất pha chủng tộc, pha tôn giáo, bữa tiệc gia thất, bữa tiệc lòng” để “mọi con tim cùng đổ một dịp theo với những điệu kèn nhà binh của người đội lính khố đỏ” thứ lính bảo vệ cho quyền lực người Pháp tại Đông Dương.
Thử hỏi người tín đồ Thiên Chúa giáo nào khi đọc bài tường thuật buổi đại lễ tại Phát Diệm, nơi được coi là thủ đo tinh thần của Thiên Chúa Giáo Việt Nam, lại không xúc cảm ngậm ngùi, lại không tự hào kiêu hãnh? Xúc cảm ngậm ngùi vì được là hậu duệ của người cha chung là linh mục Trần Lục, tự hào kiêu hãnh vì được làm con dân hiếu thảo của Decoux, của Pétain, của Mẫu Quốc Pháp.

Nhà nghiên cứu Toan Ánh bảo rằng người Thiên Chúa giáo vô cùng hân hoan với buổi đại lễ quan trọng đó cho nên khi đăng bài tường thuật buổi lễ vào quyển Hội Hè Đình Đám ông đã cẩn thận nói rõ ông trích nguyên văn từ quyển “Autour des Fêtes du 3 Décembre 1940 à Phát Diệm” để khỏi mang tiếng sai lầm, xuyên tạc.

Buổi lễ vĩ đại và long trọng thật nhưng thái độ hân hoan cao độ của người Thiên Chúa giáo lại tạo ra nhiều thắc mắc cho đại khối dân tộc Việt Nam, những thắc mắc cần phải được giải tỏa để sự thật của lịch sử khỏi bị bóp méo, đó là mục đích của bài nhận định này.

Trước hết là trường hợp của Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, vị Giám Mục Việt Nam cao cấp nhất thời bấy giờ được toàn quyền Decoux thay mặt Quốc trưởng Pétain gắn Bắc Đẩu Bội Tinh.
Bắc Đẩu Bội Tinh là thứ huân chương cao quý nhất của nước Pháp và chỉ được trao tặng cho những ai có sự nghiệp lớn lao đối với nước Pháp, vậy Đức Cha Tòng là nhà tu hành Việt-Nam đã có công nghiệp vĩ đại nào mà lại được Chính phủ Pháp đền ơn bằng cái vinh dự to lớn đó? Phải chăng công nghiệp của ngài là đã theo chân cố Linh mục Trần Lục xây dựng cho chế độ thuộc địa của Pháp tại Đông Dương một hậu thuẫn gồm khối người Thiên Chúa giáo Việt Nam chỉ biết trung thành với Mẫu Quốc Pháp, một khối người trở thành con dân của nước Pháp như chính Ngài đã long trọng tuyên bố trước sự hiện diện của đông đảo Giám Mục, Linh Mục, bà sơ và hàng vạn giáo dân và cũng để thực hiện chính sách Đồng Hóa của các cố đạo ngoại quốc như Alexandre de Rhodes, Pigneau du Béhaine, Puginier v.v... đã chủ trương.

Thứ hai là trường hợp Linh Mục Trần Lục. Ông là ai và đã làm gì mà được người Pháp và giáo dân Thiên Chúa giáo Việt Nam hết lòng trọng vọng, được tôn vinh là Nam Tước, là Quốc Công, là Phúc Tinh, là anh hùng danh vang bốn bể...?
Theo tác phẩm “Dieu et Cesar” (“Thập Giá và Lưởi Gươm”) phần nói về “Les Catholiques dans L’histoire du Vietnam" của Linh Mục Trần Tam Tĩnh (Librairie Sud Est Asie, Paris 75005), thì cụ Trần Lục nguyên là linh mục tại Phát Diệm, sau khi giúp Pháp dẹp tan các phong trào kháng Pháp tại hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, ông còn lập được một chiến công vĩ đại là triệt hạ được chiến khu Ba Đình của lãnh tụ Cần Vương Đinh Công Tráng, một chiến khu kiên cố từng làm cho quân Pháp nhiều phen bị thiệt hại nặng nề.

Nghĩa quân của anh hùng Đinh Công Tráng bị quân Pháp dưới quyền của 
Đại tá Brissand bắt, sau khi giặc Pháp được giáo dân của Linh mục Trần Lục 
giúp đánh chiếm chiến khu Ba Đình (Ninh Bình, 1887)

Theo quyển “Những Trận Đánh Pháp” của Lãng Nhân (Zeiklers Hoa Kỳ xuất bản) thì trong trận đánh phá chiến khu Ba Đình, các giáo đoàn Phát Diệm, Kẻ Sở, Điền Hộ, Bồ Xương đã cung cấp cho đạo quân Thực dân Pháp 5.000 giáo dân để lo việc đào hầm và vận lương. Tất nhiên Ba Đình thất thủ.
Cũng theo sách này thì Trần Lục khi làm Linh Mục ở Phát Diệm hay ỷ thế hà hiếp dân chúng, nên nhân một vụ lộng hành bị cụ Phan Đình Phùng, lúc còn làm Tri Phủ Yên Khánh (Ninh Bình) nọc ra đánh, vì thế cụ đã bị thuyên chuyển về Kinh. Sau đó cụ trở thành một lãnh tụ Cần Vương, 10 năm gian lao kháng Pháp. Sự nghiệp và tên tuổi của anh hùng Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng v.v... được ghi vào sử xanh dân tộc hàng ngàn năm chói lọi và được đặt tên cho các đại lộ, công viên, trường học từ Bắc chí Nam để nhân dân muôn đời ghi nhớ. Hai tiếng “Ba Đình” lừng lẫy cũng được đặt cho công trường lớn nhất, đẹp nhất tại Thủ đô Hà Nội khi toàn dân vùng lên đáp lời thề sông núi, bảo vệ quê hương mùa Thu năm 1945.

Cũng cần nói thêm rằng trong bức thư Giám Mục Ngô Đình Thục gởi cho Toàn Quyền Decoux tháng 8 năm 1944, ông kể lể việc thân phụ của ông là Ngô Đình Khả đã theo Nguyễn Than cầm quân đánh phá chiến khu của cụ Phan Đình Phùng và sau khi tiêu diệt được chiến khu này ông đã đào mả cụ Phan Đình Phùng lấy xác trộn với thuốc súng bắn đi cho mất tích (Tạp Chí Lên Đường số ra mắt, ngày 1/10/88, Houston). Vấn đề được đặt ra là nếu cụ Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng là anh hùng dân tộc thì tại sao linh mục Trần Lục, một tay sai đắc lực của quân xâm lăng Pháp đã tiêu diệt các phong trào Cần Vương kháng Pháp lại được người Thiên Chúa giáo tôn vinh là Phúc Tinh, là anh hùng danh vang bốn bể...?


Thư viết tay bằng tiếng Pháp củaTổng Giám mục Ngô Đình Thục gửi Toàn quyền Jean Decoux
[Nguồn: Tài liệu Pháp ngữ nầy do Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu phát hiện trong lúc ông nghiên cứu tại Trung tâm các Văn khố Hải ngoại (CAOM, Aix-en-Provence, Pháp) và được phổ biến lần đầu tiên trên tạp chí Lên Đường (Houston, Texas) năm 1989]

Nếu cụ Phan Đình phùng, Đinh Công Tráng và hàng vạn lãnh tụ, đảng viên của phong trào Cần Vương vốn thân là những người yêu nước kháng Pháp, thì tại sao quyển giáo sử của Linh mục Phan Phát Hườn và báo chí của người Thiên Chúa giáo, nhất là trong vụ phong Thánh Tử Đạo năm 1988, lại chửi rủa phong trào Văn Thân, Cần Vương?
Nếu Trần Lục làm tay sai đắc lực cho Pháp, được tôn vinh là Phúc Tinh, là Anh Hùng thì ta có thể đặt câu hỏi là 117 Tử Đạo được phong thánh có thật là tử vì đạo hay có thể đã tử vì cầm súng theo giặc Tây sát hại đồng bào?

Nếu Trần Lục, Ngô Đình Khả, Trần Bá Lộc, Huyện Sĩ, Tạ Văn Phụng và vô số linh mục, con chiên theo lệnh các giáo sĩ ngoại quốc và quân xâm lăng Pháp, giúp Pháp xâm chiếm Việt Nam như hàng trăm sách sử ngoại quốc và Việt Nam đã mô tả đầy đủ và rõ ràng, thì tại sao ông Trần An Bài lại bảo rằng người Thiên Chúa giáo bị xuyên tạc (thư gửi Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, phản kháng bang giao Mỹ-Việt Cộng ngày 19-5-1989)? Tại sao ông Cao Thế Dung bảo rằng “Cha ông người Công giáo hiện nay không mang tội phản quốc?” (bài thuyết trình trước Phong trào Công giáo Quốc dân).

Thứ ba là tại sao Giám mục Nguyễn Bá Tòng trong buổi Đại Lễ tại Phát Diệm lại cất cao lời ca tụng toàn quyền Decoux “đã nhờ tài ngoại giao lỗi lạc mà tránh cho Đông Dương một cơn khủng bố”.
Có phải tài ngoại giao đó là việc Decoux đã nhượng bộ quân đội Nhật Bản (tháng 6 năm 1941) một sự nhượng bộ để Nhật trả giá bằng sự bán đứng lực lượng Phục Quốc của cụ Trần Trung Lập tại biên giới Hoa-Việt, một sự nhượng bộ để quân đội Nhật được vào chiếm đóng Đông Dương gây cho nhân dân Việt Nam phải chịu cảnh một cổ đôi ba tròng và một trận đói làm chết hàng triệu người (1945), một sự nhượng bộ để Pháp tiếp tục làm chủ nhân của đất nước ta chờ ngày quân đồng minh đổ bộ đánh đuổi quân Nhật.

Vấn đề còn phải đặt ra là trước cao trào giải thực khắp thế giới và trong lúc toàn thể các đảng phái cách mạng, các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo lợi dụng cuộc thế chiến thứ hai (1939-1945) làm lung lay các đế quốc, lợi dụng Đông Dương mất liên lạc với chính quốc, lợi dụng sự tranh dành quyền lực giữa Pháp và Nhật tại Đông Dương để đồng loạt, bí mật hay công khai hoạt động chống Pháp để dành lại độc lập cho nước nhà, thì tại sao Thiên Chúa giáo Việt Nam lại vẫn khư khư ôm chân giặc Pháp, chỉ muốn Pháp làm chủ đất nước Việt Nam, lại còn tự nguyện làm con dân Mẫu Quốc Pháp như bài tường thuật buổi Đại lễ tại Phát Diệm đã xác định, như lời tuyên bố của Giám Mục Nguyễn Bá Tòng trước mặt vợ chồng Toàn Quyền Decoux?

Nêu ra những thắc mắc trên đây chúng tôi chỉ muốn làm sáng tỏ một số sự kiện lịch sử. Và nếu sự thật lịch sử được hóa giải thì chúng ta có quyền hi vọng một sự hòa đồng tôn giáo, một sự hòa hợp dân tộc, khơi dậy tình tự quê hương... để “người trong một nước phải thương nhau cùng”...

Trước năm 1975, một trí thức Thiên Chúa giáo, ông Lý Chánh Trung khi viết quyển “Tìm về Dân tộc” và quyển “Tôn giáo và Dân tộc”, kêu gọi người Thiên Chúa giáo Việt Nam nên từ bỏ nếp sống của người khách lạ sống chính ngay trên quê hương mình, ông đã thẳng thắn bộc lộ tâm tư, tâm tư của một tín đồ Thiên Chúa giáo sùng Đạo, nhưng biết đặt quyền lợi của Tổ Quốc lên trên tôn giáo và trên Vatican của một con chim lạc đàn chỉ muốn tìm về tổ ấm:
... Không tránh né một khía cạnh nào dẫu là một khía cạnh có thể gây ra bực dọc cho một số đồng đạo của tôi và cho riêng tôi nhiều nỗi khổ tâm... Muốn hóa giải thật sự không nên che dấu mà trái lại phải bộc lộ rõ rệt những mâu thuẫn ở mức độ sâu xa nhất của chúng...

Tiếc thay những lời kêu gọi trầm thống đó chẳng những đã không làm suy giảm mức độ mâu thuẫn và hận thù chỉ sâu sắc thêm. Lỗi tại ai? Mười năm dưới chế độ Thiên Chúa giáo trị của Ngô Đình Diệm, mười năm dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu, một chế độ Diệm không Diệm, 15 năm tại hải ngoại với cái gọi là Phong trào Phục hồi Tinh thần Ngô Đình Diệm mà bản chất chỉ là gây hận thù và chia rẽ, 15 năm với chiến dịch xuyên tạc nhục mạ những lực lượng dân tộc nhất là chưởi rủa phong trào Cần Vương, Văn Thân kháng Pháp nhân lễ Phong Thánh cho 117 tử đạo và cuối cùng là với âm mưu thỏa hiệp với Cộng Sản Hà Nội của Vatican (xem bài thuyết giảng của Linh mục Việt Châu “Ngày về Rất Gần”, một bài thuyết giảng mà báo Tia Sáng đã có lý khi nhận định rằng Linh mục Việt Châu đã tạo ra một bức tường ngăn cách và khinh thường những thành phần khác của dân tộc Việt Nam, và do đó nhắc nhở người ta nghĩ tới Giáo Hội Thiên Chúa giáo Việt Nam với truyền thống trước đây... luôn luôn cộng tác với đế quốc thực dân hay các bạo quyền bản địa), thì mâu thuẫn, hận thù, chia rẽ chỉ chất ngất thêm mà thôi!

Thật thế! Có lẽ vì cảm nhận được sự hận thù mâu thuẫn giữa đồng bào Lương và Giáo sẽ trầm trọng nguy kịch thêm chỉ có lợi cho Cộng Sản kéo dài nền bạo trị nên ông Cao Thế Dung, một trí thức Thiên Chúa giáo đã dõng dạc lên tiếng trước đại hội “Phong trào Công giáo Quốc dân” nhóm họp tại Nữu Ước tháng 5 năm 1989 với những lời lẽ vô cùng đanh thép:
Phải chống đối đến cùng việc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam Cộng Sản và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam lúc này là một hành động cực kỳ nguy hiểm. Viện trợ riêng cho Công giáo Việt Nam lại càng nguy hiểm hơn. Chúng ta không thể chấp nhận để Công giáo Việt Nam trở thành một thứ giai cấp ưu đãi dưới chế độ tàn ngược lang sói. Đó là điều quan hệ nhất, quan hệ sinh tử đến danh dự và vận mệnh của Công giáo Việt Nam khiến chúng ta phải tích cực chống lại...

Không ngại búa rìu dư luận của nhóm đồng đạo cuồng tín, ông Cao Thế Dung còn phân tích rành mạch bài học đau thương quá khứ:
... Chúng ta không bao giờ quên bài học đau thương của Bá Đa Lộc và Chúa Nguyễn Ánh. Xin anh em dâng lời cầu nguyện để Đức Tổng Giám Mục Mahoney không thể nào trở thành Bá Đa Lộc của thời hiện đại. Tuy hoàn cảnh thật khác xưa, tuy túi bạc đô la khác với tàu đồng súng sắt của thực dân Pháp nhưng hậu quả cũng rõ như nhau-sẽ cô lập người Công giáo Việt Nam với đại khối dân tộc và sẽ tạo nên thù nghịch bất hạnh nhất, sai trái nhất giữa người Công giáo và đồng bào các giới nhất là các tôn giáo bạn là nạn nhân cùng khốn khổ của Cộng Sản Việt Nam...” (chúng tôi sẽ chất chính bài thuyết trình của ông Cao Thế Dung trong Ánh sáng Dân tộc số 3).

Cho nên khi viết lời nhận định cho bài “Hội Hè Đình Đám” của nhà nghiên cứu Toan Ánh, chúng tôi không giám làm công việc khơi lại đống tro tàn của dân tộc trong quá khứ mà hậu quả là cuộc đô hộ của Cộng Sản ngày nay để một lần nữa kêu gọi các đồng bào Công giáo nào thật tâm muốn Tìm Về Dân Tộc nên xét lại thái độ trước chính sách thỏa hiệp của Vatican, chính sách có hại cho Dân Tộc Việt để tất cả người Việt chúng ta: Lương cũng như Giáo đồng tâm nhất trí chung lo đại sự quang phục quê hương, một quê hương đã tan nát do Phong Kiến, Thực Dân và Cộng Sản gây ra triền miên từ nhiều thế kỷ. Mong lắm thay !

Tạp chí ASDT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét