Lê Nguyên Long
LTS: Tác giả
bài này là một nhân sĩ miền Trung, lãnh tụ Việt Quốc vùng Nam Ngãi.
Trưởng thành qua những thời đại Phong kiến, Độc tài, Cộng Sản. Ông đã là chứng
nhân của lịch sử cận và hiện đại. Bài viết của ông sau đây, dù thuộc về một đề
tài vốn đã được nói nhiều nhưng vì tính cách chứng nhân đó của tác giả mà nó
vẫn có cái giá trị riêng biệt của nó - cần thiết cho một cái nhìn đúng đắn về
lịch sử. – KP, 1981
Cố Tổng thống Ngô Đình
Diệm bị hạ sát cách đây đã gần hai thập niên, sự việc đã chìm vào quên lãng,
đáng lẽ những ân oán xa xưa chẳng nên đề cập, nhưng hơn vài năm nay nơi hải
ngoại, một vài tổ chức đã phát động phong trào suy tôn ông Diệm. Một vài tờ báo
đã đề cao ông Diệm như: “Lịch sử đã ghi tên Ngô Đình Diệm là một vĩ nhân cận
đại, lịch sử đã ghi nhận Ngô Đình Diệm là một nhà đại ái quốc, một người Việt
Nam kiêu hùng, một cứu tinh của dân tộc v.v...” và đã có nhiều kẻ từng thừa
hưởng đỉnh chung của nhà Ngô đã lập luận: “Nếu ông Diệm không chết thì chúng
ta đã không mất nước!”.
Kẻ viết bài này thật sự
luôn luôn thiết tha với tình tự đoàn kết quốc gia dân tộc, không muốn khơi lại
đống tro tàn ô uế dĩ vãng... Đã bỏ nước đau khổ lưu vong thôi thì tất cả ai
cũng chống Cộng là đồng chí, là anh em... nhưng thiết nghĩ Sự Thật chẳng thể bẻ
cong, nhất là sự thật lịch sử phải trả cho lịch sử.
Lịch sử Việt Nam không
thể gọi vua Long Đỉnh Ngọa Triều là anh quân, Mạc Đăng Dung là ông vua anh
hùng, Lê Chiêu Thống là ông vua cứu nước. Vậy thì sự thật như thế
nào về thời Ngô Đình Diệm phải được minh định để trả sự thật về cho lịch sử.
Từ ngày được Hồng Y
Spellman đỡ đầu, được Chính phủ Eisenhower ủng hộ, được Quốc trưởng Bảo Đại
chấp nhận, ông Ngô Đình Diệm từ Hoa Kỳ về chấp chánh ở Việt Nam năm 1954, trong
khi Hiệp định Genève sắp kết thúc, (tháng 7-1954). Lúc đó, lòng dân thật
tình hướng về ông Ngô Đình Diệm. Người ta đã nghĩ ông Diệm sau khi từ quan, chu
du ngoại quốc, chắc hẳn là một nhà lãnh đạo quốc gia xứng đáng. Hầu hết các phe phái và
các nhân vật quốc gia đã nồng nhiệt tin tưởng và kỳ vọng ở ông Diệm.
Nhưng chỉ sau một thời
gian ngắn cầm quyền, chủ trương độc tôn, độc tài, phản bội, lật lọng, phong
kiến, thối nát, bất lực, kỳ thị của nhà Ngô đã lần lượt thể hiện... Khiến những
người vốn tích cực ủng hộ ông Diệm, đến những người vô tư khách quan với ông
Diệm lần lượt đứng lên chống đối và nhà Ngô đã dùng thủ đoạn sắt máu đàn áp để
củng cố địa vị suốt 9 năm cầm quyền.
Có thể nói trừ chế độ
Cộng Sản ra, chưa có một chế độ nào ở Việt Nam đã đàn áp, thủ tiêu, ám sát, bắt
cóc, tra tấn, cầm tù hàng vạn người quốc gia cũng như các tu sĩ các tôn giáo
như thời Diệm.
Trừ Cộng Sản ra, chưa
có một chế độ nào đã thẳng tay đàn áp đối lập để củng cố địa vị như chế độ ông
Diệm. Chưa có một chế độ nào phản dân chủ và khinh thị lợi dụng nhân dân làm
cái bung xung để hợp thức hóa các chức vụ theo ý muốn của mình bằng cách tổ
chức những cuộc bầu cử gian lận như chế độ ông Diệm.
Tất cả những ai chỉ ở
thủ đô hoặc các thành phố lớn khó lòng thấy rõ chánh sách gian ác, hành động
bất nhân, phản dân hại nước của chế độ Diệm, mà phải quan sát ở các tỉnh, quận,
nông thôn (90% lãnh thổ toàn quốc) mới thấy rõ tội ác của tay chân nhà Ngô một
thời... mà có người đã nói: Trúc Nam Sơn không thể chép hết tội, nước muôn sông
không thể nào rửa hết nhơ!
Rõ ràng ông Diệm đã có
một cái may mắn mà chưa có một nhân vật lãnh đạo quốc gia nào sau 1945 được cái
may mắn như ông kể từ Chính phủ Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn
Hữu, Nguyễn Văn Tâm đến Bửu Lộc là: Đất nước đã tạm chấm dứt chiến tranh, dân
tình phấn khởi bồng bột ủng hộ người lãnh đạo và được ngoại viện dồi dào như
ông Diệm. Ông Diệm cầm quyền sau
Hiệp định Genève, khoảng 6 năm trời từ 1954 đến 1959 miền Nam không có chiến
tranh và chưa có Cộng Sản hoạt động đáng kể. Từ thành thị đến thôn quê quốc gia
có thể kiểm soát chặt chẽ khắp hang cùng ngõ hẻm.
Đại đa số dân chúng
nông thôn ở các vùng Cộng Sản chiếm từ trước như Nam, Ngãi, Bình, Phú chẳng
hạn, đã chán ngấy thù ghét Cộng Sản và đều ngã về Quốc gia. Ông Diệm còn có một
kho cán bộ kinh nghiệm chống Cộng, vốn mắc kẹt trong vùng Cộng Sản hoặc một số
lớn thị thành, vì mặc cảm làm việc cho Pháp, đã “trùm chăn”, nay vươn mình đứng
lên tích cực ủng hộ cho Ngô Thủ tướng.
Lúc ấy ở miền Trung có
hàng nghìn cán bộ không cần làm việc có lương nhiều, chỉ sao đủ sống đạm bạc để
hoạt động chống Cộng là họ thỏa chí. Bao năm khổ đau sống
trong tăm tối của Cộng Sản, nay ánh sáng quốc gia rọi về, họ hứng khởi đứng
dậy, lửa chống Cộng bừng bừng, khí thế Cộng Sản lụi tàn. Nhưng ngay lúc đó, ông
Diệm và tay chân của ông lo diệt người Quốc gia hơn là Cộng Sản, một thời cơ
thuận lợi để nắm dân ông Diệm đã đánh mất!
Những cuộc bầu cử như
Trưng Cầu Dân ý truất phế Bảo Đại, bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, Lập Pháp, Tổng
thống đều hoàn toàn gian lận vi luật trắng trợn. Ông Diệm đã hạ lệnh cho
quân đội tấn công Hòa Hảo, Cao Đài vốn là những lực lượng chống Cộng, hữu hiệu
từ 1945 đến bây giờ và nếu ông Diệm không độc tôn đã có thể đoàn kết thu hút
họ. Ông đã lường gạt tướng
Lê Quang Vinh, người hùng Nam Bộ, từng lập chiến khu chống cả Pháp lẫn Cộng về
hợp tác, rồi bắt chặt đầu. Cái chết bí mật của
tướng Cao Đài Trình Minh Thế cũng trong nghi vấn là ông Diệm đã giết.
Và, ác nghiệt hơn cả,
nhà Ngô đã tuyển chọn quân đội người Nùng - một binh chủng thiện chiến say máu
- thời bấy giờ, và các chỉ huy trưởng có đảng tịch Cần Lao cầm quân vào các
chiến khu Quốc Dân Đảng ở miền Trung với ác lệnh: giết sạch. Sự tấn công vào
các chiến khu Quốc Dân Đảng còn tàn độc hơn hồi giặc Pháp đi “càn quét” nhiều.
Đốt thực phẩm đốt nhà, tra tấn giết người một cách tàn ác đã xảy ra ở Quế Sơn,
Tiên Phước, Duy Xuyên v.v... vào những năm 1955-1956. Với lối tấn công ấy,
nhà Ngô đã phá vỡ được chiến khu Ba Lòng của Đại Việt, nhưng không thể tiêu
diệt các chiến khu Quốc Dân Đảng. Thuở đó quân du kích
Quốc Dân Đảng Nam Ngãi đã giáng cho chính quyền địa phương Diệm nhiều đòn chí
tử. Biết rõ không thể tấn
công để thủ thắng, cuối cùng Ngô Đình Cẩn, bào đệ ông Diệm, lập kế mời về hợp
tác. Làm kế phỉnh gạt, hơn 2000 nghĩa binh Quốc Dân Đảng kéo về với đầy đủ vũ khí
và làm lễ hợp tác tại Hội An cuối năm 1956. Nhưng sau đó bọn họ đều bị thủ tiêu
và lần lượt bị bắt đi mất tích. (Khi ông Diệm đổ, một số trong bọn họ đã được
thả ra, nhưng đều thân tàn ma dại).
Thiết tưởng kẻ viết cần
trình bày rõ là Quốc Dân Đảng miền Trung lúc đầu ủng hộ ông Diệm tích cực. Họ
đã lên án Nguyễn Văn Hinh và ủng hộ ông Diệm để chống Cộng. Họ đã có cán bộ giữ
chức vị Tỉnh trưởng và Quận trưởng ở hai tỉnh lớn Nam Ngãi (Quảng Nam Tỉnh
trưởng Lê Trung Chi, Quảng Ngãi Phạm Đình Nghị). Phong trào tố Cộng ly khai
Cộng Sản, xé đảng kỳ Cộng Sản, bắt đầu tháng 10-1954 do họ tiên khởi phát động
ở Quảng Nam rồi sau mới lan ra toàn quốc, nhưng tay chân nhà Ngô nhận định: Nếu
để uy thế Quốc Dân Đảng miền Trung lan tràn thì Phong trào Cách mạng Quốc gia và
đảng Cần Lao Nhân Vị do nhà Ngô đẻ ra sẽ tuyệt địa. Nên ông Diệm bất thần giải
chức các Tỉnh trưởng và bắt giam hàng loạt các Quận trưởng Quốc Dân Đảng ở hai
tỉnh Nam Ngãi và mật lệnh triệt hạ toàn bộ Quốc Dân Đảng (lại vu cáo Quốc Dân
Đảng theo Pháp). Và, vì cớ ấy, khoảng
tháng 3-1955 Quốc Dân Đảng miền Trung lập chiến khu để tự vệ và để quật khởi
chống Diệm.
Trong suốt 9 năm ông
Diệm cầm quyền, thời gian đó ở nông thôn cơ quan nào cũng có thể bắt người.
Công an bắt người, Xã trưởng bắt người, Cách Mạng Quốc Gia (phong trào đẻ ra từ
nhà Ngô) cũng bắt người rồi giao cho Công an trừng trị. Nhưng ghê tởm nhất là
đoàn “Mật Vụ Miền Trung” do Ngô Đình Cẩn đỡ đầu. Đó là đoàn hung thần toàn
quyền sinh sát.
Đoàn có quyền đi khắp
nơi, đến đâu địa phương phải tiếp rước chu đáo. Đoàn cần bắt ai thì giao cho
Công an đi bắt bất kỳ đêm ngày. Nếu tra tấn chết thì Quận trưởng và Công an
phải lập biên bản hợp thức hóa sự chết và bị bắt không cần phải có chứng cớ chỉ
bị nghi chống Chính phủ là bị bắt. (Tại Long Beach, California có một đồng
hương từ ngày vào đất Mỹ đến nay, vẫn nằm bẹp ở nhà, vì bệnh cũ tái phát, hậu
quả của sự tra tấn tàn độc của mật vụ Diệm).
Hầu hết viên chức chính
quyền từ Quận trưởng, Ty trưởng, Tỉnh trưởng ở miền Trung được bổ dụng thời đó,
không phải vì khả năng chuyên môn hay tài đức, mà vì lòng trung thành hay mức
quỳ lụy cao thấp đối với gia đình nhà Ngô thôi.
Phần lớn viên chức chỉ
huy cấp Tỉnh, Quận được bổ dụng do một người ở hậu trường định đoạt. Đó là ông
Ngô Đình Cẩn, bào đệ ông Diệm, với chức vụ “Cố vấn Chỉ đạo” Phong trào Cách
mạng Quốc gia (chức vụ này trên danh nghĩa là một tổ chức nhân dân, nhưng trên
thực tế là quyền quyết định tối hậu) cũng như ở miền Nam thì do vợ chồng ông
Nhu định đoạt.
Cũng vì lối bổ dụng đặc
biệt này mới có tên Nguyễn Văn Tất nguyên là hương bộ thôn thời Pháp thuộc,
nghiễm nhiên thành Tỉnh trưởng Quảng Ngãi; Lê Gia Quyến, cán bộ phù động hạng
chót, bỗng nhiên là Quận trưởng Trà Bồng. (Hai tên này khi Diệm đổ thì bị bắt)
và còn hàng chục hàng trăm trường hợp bổ dụng tương tự kể sao cho xiết.
Cũng vì lối bổ dụng này
mới có tên Thái, Quận trưởng Điện Bàn, mỗi khi đi hành hạt có điều phật ý là
cầm “ba tông” đánh xả lên đầu viên chức xã. Cũng vì lối bổ dụng này mà các
Tỉnh, Quận trưởng mỗi khi về chầu hầu ông Cố vấn chỉ đạo, ông đều xem như tôi
tớ, xưng hô “mày tao” nhưng bọn vô liêm sỉ này vẫn gật đầu vâng dạ và xem sự
điếu đóm chầu hầu “cậu” là một diễm phúc có hy vọng thăng quan tiến chức hoặc
giữ vững địa vị.
Trước 1954 các Xã
trưởng đều được dân bầu, nhưng thời Diệm đã bãi bỏ bầu cử các viên chức Xã.
Lại cho quyền Quận trưởng đề nghị lên Tỉnh trưởng bổ dụng hoặc cách chức viên
chức xã, ấp. Vì thế các Xã trưởng, ấp trưởng là những tôi tớ của Quận, Tỉnh
hoàn toàn không phải của dân. (Điểm này phải khen ông Diệm thành thật. Tuy phản
bội nguyên tắc dân chủ trắng trợn, nhưng lại có minh văn. Nghị định bãi bỏ bầu
cử xã 1956).
Vì bộ máy chính quyền
gồm toàn tay sai, tổ chức theo lối gia nô hóa cho nhà Ngô như vậy, cho nên đã
gây ra bao nhiêu tham nhũng bất công, tang tóc, tù đày cho lương dân vô tội nơi
nông thôn. Mỗi một chính sách của nhà Ngô đưa ra là dân chúng kinh hoàng.
Quốc sách Dinh Điền
nghe thuyết trình thì thật hay nhưng thi hành thì lệch lạc sai quấy. Cán bộ Xã, Ấp cứ nhằm
những người mình thù ghét hoặc cần làm tiền thì ép buộc phải đi dinh điền. Thế
cho nên ở một vài tỉnh đã có người tự tử vì bị ép buộc. Còn những người chịu đi
Dinh Điền, khi đến nơi lại bị cán bộ dinh điền hành hạ, đối xử bất công, ăn
chận của cấp phát v.v... nhiều sự không tốt xảy ra khiến họ chán nản trốn về,
vì vậy tỉnh nào cũng có người ở tù vì chống phá quốc sách dinh điền.
Quốc sách Dinh Điền của
nhà Ngô trừ một vài vùng tương đối thành công, còn phần lớn, hàng chục vùng
Dinh Điền khác đều thất bại hoàn toàn. Dân chúng lũ lượt trốn về quê, rồi bị
bắt bớ đánh đập đã tổn phí tiêu hao không biết bao nhiêu công quỹ!
Nhà “lãnh đạo anh minh”
có lần đi kinh lý một vùng dinh điền nhìn thấy những cây ăn trái được trồng
trọt tốt tươi, ngay thẳng, ông ta ban khen, nhưng chính đó là những nhánh cây
vừa được chặt cắm xuống đất trong ban đêm, do sáng kiến của khu trưởng Dinh
Điền chào mừng Tổng thống.
Về Quốc sách Ấp Chiến
Lược là một quốc sách vô hiệu, nhưng đã làm phiền nhiễu hành hạ dân chúng không
thể kể xiết.
Ấp Chiến Lược trước hết
là phải rào làng-Xã, Ấp bằng nhằm vào những nhà có của khá giả trong làng đe
dọa sẽ bỏ ra ngoài vòng rào vì những lý do “tiện” hoặc “bất tiện” theo ý của
họ. Thế là màn trà nước van xin được diễn ra (vì bỏ ra ngoài rào là chết). Rồi
đến khi rào làng, thì dân chúng phải tự nai lưng ra tìm kiếm vật liệu như tre,
gai, cọc gỗ v.v... và bỏ công đi rào ngày này qua ngày nọ. Còn quỹ Ấp Chiến
Lược do Mỹ viện trợ phần nhiều do Tỉnh trưởng, Quận trưởng chia nhau bỏ túi
hoặc làm kinh tài cho “Cậu”. Sự rào các Xã cho đúng tiêu chuẩn là một điều kiện
khó khăn mà dân làng không đủ sức vì quá tốn kém. Vì vậy Ấp Chiến Lược chỉ được
rào kỹ một vài đoạn bề mặt để trình diện và để báo cáo. Còn lại, thì chỉ rào sơ
sài, ai ra vào cũng được. Nhưng mỗi tháng một lần, Xã, Ấp lại đốc xuất dân kiếm
vật liệu như tre, gai đi tu bổ. Người dân biết rõ ràng rào Xã, Ấp như kiểu họ
đang làm là một điều vô ích, chẳng ngăn ngừa gì được Cộng Sản, nhưng phải bỏ
công đi rào vì không thể không tuân lệnh.
Trên đây là một vài nét
điển hình về những quốc sách kỳ công của ông Diệm.
Thời Ngô, những sự xây
dựng cơ cấu dân chủ như bầu cử Quốc hội, Tổng thống là những Trò Hề. Khi chưa
bỏ phiếu người dân đã biết rõ ai trúng ai trật một cách chắc chắn.
Một Dân biểu thời Ngô,
người Thừa Thiên, được chỉ định ra ứng cử tại Quận Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam có
cái tên mà dân chúng địa phương không biết y là đàn ông hay đàn bà vẫn đắc cử
với số 99% với số phiếu. Đó là ông Lâm My Bạch Tuyết. (Dân biểu này có liên
quan trong một vụ buôn gạo của Ngô Đình Cẩn cho Cộng Sản Bắc Việt, bị bắt quả
tang, nhưng Tòa án không giám xử).
Dân chúng Ninh Thuận
vẫn còn nhớ trong năm 1956, ứng cử viên Dân biểu đơn vị Ninh Thuận là ông Trần
Trung Dung, cháu rể ông Diệm, từ chức Thứ trưởng Quốc phòng để ra ứng cử. Khi
ra Ninh Thuận “tranh cử”, ứng cử viên Trần Trung Dung đã được Tỉnh trưởng Ninh
Thuận Hồ Trần Chánh tổ chức một cuộc tiếp rước linh đình trọng thể. Dân chúng
và học sinh đứng hai bên đường từng đoàn từng đoàn từ ga Tháp Chàm về đến tỉnh
lỵ Phan Rang để hoan hô ứng cử viên. Khi ông Dung bước lên diễn đàn để tuyên
bố: “Ngày trước Ngô Tổng thống cai trị ở đây, ngài biết rõ dân tình ở đây
nên nhờ tôi ra ứng cử ở địa phương này để có thể đạo đạt nguyện vọng nhân dân
lên Tổng thống v.v...”
Rồi sau đó ứng cử viên
Dung được tiếp rước về nhà Công quán của Tòa Hành Chánh Ninh Thuận có lính hầu
hạ canh gác trước sau. Chưa bỏ phiếu, dân Ninh Thuận đã biết chắc ông Dung sẽ
đắc cử 99% số phiếu.
Ai cũng chưởi ông Thiệu
độc diễn. Nhưng sự độc diễn của ông Thiệu còn thật thà hơn ông Diệm, là khi ông
Diệm ứng cử nhiệm kỳ 2 (1961) có các ông Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Đình Quát
dàn cảnh.
Mỗi lần ông Quát, ông
Truyền đọc diễn văn tranh cử trên đài không có ai nghe được gì hết vì đài bị
phá. Cán bộ các ông ấy đi về các tỉnh vận động liền bị Công an tổ chức những
nhóm anh chị du côn hăm dọa họ xin tý huyết.
Khắp nơi, ngày bỏ phiếu
họ trốn về không dám ở lại các tỉnh. Vậy mà sau khi kiểm phiếu Quận trưởng, Xã
trưởng phải... chịu khó tráo sửa biên bản để Ngô Tổng thống được 95% số phiếu.
Về kinh tế, tất cả tài
nguyên từ trên núi xuống bể, mọi dịch vụ tài chánh từ Quảng Trị đến Cà Mâu,
thượng vàng hạ cám, đều do tay chân quyến thuộc nhà Ngô bao thầu, thao túng,
chiếm đoạt khai thác.
Người viết không muốn
bẩn bút nhắc đến những ai trong thân tộc hoặc tay chân Ngô triều vốn là Tay
trắng chỉ trong vài năm “làm kinh tài cho đoàn thể” đã trở nên triệu phú kếch
xù!
Ông Diệm nói chống Cộng
nhưng tất cả việc làm của Ngô triều đều bắt chước Cộng Sản. Cộng Sản bắt
dân suy tôn Hồ Chí Minh thì ông Diệm cũng bắt dân suy tôn mình. Cộng Sản có
Quốc Hội bù nhìn, thì ông Diệm cũng tổ chức một cái Quốc Hội nghị gật tay sai.
(Quốc Hội gì mà cả một khóa họp chỉ ê a thảo luận các luật gia đình để có lợi
cho bà “Đệ Nhất Phu Nhân”?)
Cộng Sản có cái đảng
Lao Động làm nòng cốt, Mặt Trận Cứu Quốc Liên Việt làm ngoại vi, thì ông Diệm
cũng có cái Đảng Cần Lao làm cốt và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, Tập Đoàn
Công Dân, Phụ Nữ Liên Đới làm ngoại vi. Nhưng có một điều khác là Cộng Sản, từ
Đảng đẻ ra chính quyền, còn ông Diệm thì có chính quyền rồi mới dùng nhân sự,
phương tiện của chính quyền đẻ ra Đảng. Nên tất cả tổ chức của ông Diệm chỉ là
bèo bọt, chính quyền đổ thì đảng đổ theo.
Cộng Sản độc quyền ái
quốc, ai khác mình là phản động Việt gian, thì ông Diệm cũng độc quyền chống
Cộng, ai khác mình là Cộng Sản phải giết!
(Đã biết bao người
chống Cộng, từng bị Cộng Sản giam cầm, đến khi ông Diệm cầm quyền thì hồ sơ của
họ trở thành là những người hoạt động cho Cộng Sản! Biết bao đảng viên Quốc Dân
Đảng, Đại Việt, Duy Dân một sớm một chiều hồ sơ của họ biến thành Cộng Sản di
hại cho họ mãi sau khi ông Diệm đổ).
Cộng Sản có chủ thuyết
Mác Xít, giai cấp đấu tranh thì ông Diệm cũng ráng nặn ra cái chủ nghĩa nhân vị
nhưng hoàn toàn vô vị... (vô vị vì ngoài tay chân ông Diệm ra toàn dân có ai để
ý hoặc tìm hiểu các thuyết nhân vị là gì đâu?)
Cộng Sản có hiến pháp
nhưng không bao giờ thực thi, thì ông Diệm cũng bắt chước mà dẫm nát lên Hiến
Pháp của mình.
Tự do đi lại, hội họp,
ngôn luận v.v... những quyền tối thiểu ấy có ghi trong Hiến Pháp, nhưng suốt 9
năm ông Diệm cầm quyền có bao giờ thực thi đâu?
Báo chí thời Diệm trừ
tờ Thời Luận của ông Nghiêm Xuân
Thiện bị đóng cửa đưa ra Tòa và tờ Tân Dân của Cụ Lộc phải đình bản, còn tất cả
đều nói theo luận điệu của đài Sài Gòn. Thế cho nên bao nhiêu hành vi gian ác
bất lương, tham nhũng của tay chân cán bộ nhà Ngô có bao giờ được công khai
phanh phui như trong các Chính phủ khác?
Từ xưa đến nay chưa có
một vị lãnh đạo quốc gia nào làm phiền nhiễu dân chúng như ông Diệm. Mỗi lần
ông Diệm đi kinh lý một tỉnh nào thì toàn dân tỉnh ấy phải chuẩn bị cơm nước từ
khuya, quần áo tươm tất, đi bộ lên tỉnh để cầm cờ tung hô ông Diệm. (Gia đình
nào không có lý do chính đáng mà vắng mặt sẽ bị Xã, Ấp ghi vào sổ đen rất nguy
hiểm). Còn các cơ quan Hành chánh, Quân sự Tỉnh, Quận được huy động tối đa trong
việc đón tiếp. Phải bố trí công an chìm nổi, phải tổ chức huấn luyện cho những
người đứng gần ông Diệm thưa bẩm những gì... phải dàn cảnh sao cho xôm tụ, cho
Tổng thống hài lòng. Thành thử dù nghìn lần đi kinh lý, ông Diệm chỉ thấy cái
giả dối, hào nhoáng bề ngoài, làm gì biết được ẩn tình dân chúng bên trong.
Thời gian ông Diệm cầm
quyền ở nhiệm kỳ I, trong nước chưa có chiến tranh nhưng mọi tự do đều bị
bóp nghẹt: không có giấy chứng nhận đi bầu cử thì không được ra khỏi làng
để đi chợ.
Có một điều kỳ lạ tại
sao ông Diệm lại bãi bỏ Lễ Tổ Hùng Vương? nhưng có người mách: điều kỳ
lạ này có thể hỏi Đức Cha Cố Vấn cho ông Diệm.
Về việc kỳ thị tôn
giáo, bản thân kẻ viết không muốn nhắc đến. Chỉ mong sao các tôn giáo hiện tại
tâm thành Đoàn Kết trước quốc thù Cộng Sản vì tất cả các tôn giáo đều đã bị đại
khủng bố ở quê nhà.
Nhưng vì có kẻ biện hộ
ông Diệm đã nói: Họ chưa thấy ông Diệm ký một sắc lệnh nào nâng đỡ ưu tiên cho
Công giáo hay bóp nghẹt Phật giáo mà gọi là kỳ thị?
Vụ tranh đấu Phật giáo
đâu phải bất thần nổ ra từ Phật Đản 1963 mà nó đã tiềm tàng âm ỉ từ nhiều năm
về trước. Thời ông Diệm tại miền Trung, mỗi tỉnh có một vị Linh mục hầu như cố
vấn và giám sát Tỉnh trưởng. Những Tỉnh trưởng nào dù lương hay giáo, nếu có
hành vi trái ý vị Linh mục thì rất khó tại vị. Vị linh mục sẽ đề nghị lên ông
Cố vấn chỉ đạo Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (ông Ngô Đình Cẩn) có biện pháp
(hoặc thuyên chuyển hoặc cách chức).
Vì cảm thông uy quyền
ngầm của các vị Linh mục, nên các Tỉnh, Quận trưởng thời nhà Ngô không có ai gan
làm trái ý những yêu cầu, đề nghị của các vị Linh mục. Nhiều vùng Linh mục đi
giảng đạo nơi nào, có thể yêu cầu Xã trưởng cho mượn Trụ Sở Xã, triệu tập dân
xã v.v... Trong khi đó các tôn giáo khác muốn hội họp phải xin phép khó khăn.
Nhiều Linh mục còn lộng
hành hơn nữa là nhận đơn kiện cáo hoặc thỉnh nguyện của các con chiên, rồi phê
vào đơn, đưa đến Quận trưởng bảo xử theo ý của Linh mục.
Người ta rỉ tai nhau
cho biết các Cha rất có thế lực. Cứ vào Công giáo sẽ như ưu dân, sẽ được đề bạt
v.v...
Có nhiều Linh mục tổ
chức Hội chợ, tổ chức sổ số Tombola không cần giấy phép Bộ Nội Vụ. Khi tiêu thụ
Tombola, các Linh mục đã nhờ các Quận trưởng gởi cho các xã bán. Nhiều xã đã
xuất công quỹ để mua Tombola ủng hộ các Cha.
Người viết biết rất rõ
có một nhà thờ ở một tỉnh miền Trung, do Tỉnh trưởng dùng uy quyền chiếm trên 2
mẫu đất công, ở một địa điểm tốt đẹp và lươn lẹo dùng phương tiện công quỹ của
tỉnh để xây cất tòa nhà thờ đồ sộ ấy. Công việc nửa chừng thì ông Diệm đổ, viên
Tỉnh trưởng bị bắt và nhà thờ xây cất nửa chừng phải bỏ dở.
Còn biết bao nhiêu
tranh chấp lặt vặt phi lý như những thắng cảnh từ lâu vốn là của Phật giáo như
Núi Bút Quảng Ngãi, Ngũ Hành Sơn Quảng Nam, chính quyền địa phương đã muốn giúp
các linh mục thiết lập nhà thờ ở những nơi ấy nhưng đã bị Phật tử phản ứng
quyết liệt.
Thời gian thuận lợi
1954-1958 bất kỳ ai cũng có thể cầm quyền làm bằng hoặc hơn ông Diệm.
Không cần ông Diệm chống Pháp, Pháp cũng rút, vì Hiệp định Genève đã quy định,
và vì Pháp đã ký kết với chính phủ Bảo Đại giao trả độc lập cho Việt Nam. Trước
khi ông Diệm về chấp chánh đã có gần 40 nước trong thế giới Tự Do công nhận và
bang giao với Việt Nam kể cả
Anh, Mỹ và Tòa Thánh Vatican .
Nếu nói những khó khăn
của ông Diệm thời đó, thì cũng phải nói đến những thuận lợi, tiện nghi của
ông Diệm trong việc tiếp thu một chính quyền có sẵn tất cả và Đất Nước
Đã Chấm Dứt Chiến Tranh.
Đến đây kẻ viết muốn
hỏi nhỏ quý vị đang suy tôn ông Diệm: Ông Diệm từ một đường quan Tri Huyện, lần
lượt lên Quản Đạo, Tuần Vũ rồi Thượng thư Bộ Lại, nếu thật sự chống Pháp, sao
đường công danh của lãnh tụ quý vị lại hanh thông như vậy? (trong thời Pháp
thuộc muốn xin một chân giáo viên mà có thành tích chống Pháp bị ty Liêm Phóng
(Service de Sureté phê “Avis défavorable” vào hồ sơ là đương sự xem như...
“lúa”, chỉ có về nhà... xua gà cho vợ). Vậy tại sao đường công danh của “chí
sĩ” Ngô Đình Diệm lại lên vùn vụt?
Việc từ quan của ông
Diệm chỉ vì chống nhau với ông Phạm Quỳnh đương triều, nhưng ở đây người viết
không đề cập đến vấn đề đó.
Ông Diệm tự phong mình
là người thành tín quân tử, nhưng việc truất phế Bảo Đại là Đại Phản Phúc. Nếu nói chống ông Bảo
Đại, thì ai cũng có quyền chống, nhưng trừ ông Diệm. Vì cha, anh ông Diệm và cả
ông Diệm vốn là tôi con nhà Nguyễn. Ông Bảo Đại trên nguyên tắc đã tín nhiệm
ông Diệm, đã phú thác việc nước cho ông Diệm và ông Diệm đã phục mệnh.
Trước và sau khi truất
phế ông Bảo Đại, ông Diệm, (qua Bộ Thông Tin) đã thuê bọn bồi bút (hầu hết báo
chí thời Diệm) mở một chiến dịch dài hạn đả kích, bêu xấu, vu cáo nhục mạ ông
Bảo Đại một cách tàn tệ.
Thiết nghĩ một người có
lương tâm tối thiểu, không ai nỡ hành xử như thế! Cũng phải khen việc
“Trưng cầu dân ý” tổ chức thật chu đáo. Đến Bà Từ Cung (là mẹ) mà cũng bỏ phiếu truất
phế (con là) ông Bảo Đại!
Tóm lại: Ông Diệm Đã
Làm Hỏng Đại Cuộc, đã sát hại nhiều phần tử quốc gia, đã tự tâm thiên vị
làm hư Công giáo, đã kỳ thị khủng bố Phật giáo đã Lường Gạt Phản Bội Và Vô
Cùng Tham Quyền Cố Vị. (Ông đã vận động Quốc Hội thông qua đạo luật cho ông
ứng cử lần thứ 3).
Do những hành động tham
nhũng, đàn áp, khủng bố đại thất nhân tâm như đã kể trên, của bộ máy chính
quyền gia nô, do ông lãnh đạo, đã xô đẩy hàng hàng lớp lớp thanh niên, phụ lão,
những người vốn không phải Cộng Sản đã ngã về Cộng Sản.
Ông Diệm hô hào chống
Cộng, độc quyền chống Cộng, cho đến đầu năm 1963 thì toàn quốc ở trong cái
thế cài răng lược với Cộng Sản và ông đã tuyên bố trước đó: “Tổ Quốc Lâm
Nguy!”
Sau khi ông chết, thì
tay chân tôi tớ ông vẫn cầm quyền. Hậu quả của Ngô Đình Diệm để lại sau 63 là
một ngôi nhà mục nát sửa sang gì cũng khó lòng đứng vững. Bàn cờ nhà Ngô đã đi
bậy bạ... Khi sang tay khác đánh cờ, nếu gặp phải tay cao thủ thì còn có thể gỡ
gạt..., nhưng không may, bàn cờ lại rơi vào các tay thấp như vịt, cho nên họ
chỉ loay hoay lên Tướng, xuống Sĩ và giục Tốt mà thôi!
Trách Mỹ lật đổ nhà Ngô
ư? Mỹ bồng nhà Ngô lên thì Mỹ lại hạ nhà Ngô xuống, có gì mà đáng trách.
Sau khi ông Diệm chết,
tay chân nhà Ngô còn trong quân đội, trong chính quyền đã âm mưu phá nát thêm
Quốc gia, bí mật mở cửa cho Cộng Sản thao túng vì muốn chứng tỏ: Không có “Cụ”
của chúng thì tai hại thế đó. (Đây là một hiện tượng
nguy hiểm cho quốc gia sau ngày Diệm đổ mà ít ai để ý).
Chỉ tiếc Dương Văn Minh
nhu nhược, đã lật Diệm mà chỉ lật nửa chừng, chỉ hạ cái chóp bu còn tay chân
vẫn để y nguyên như cũ, sau Diệm có thể gọi là “Diemist sans Diem”. Cuộc lật đổ nhà Ngô năm
1963 đáng lý là một cuộc cách mạng vì đã nối tiếp tinh thần quật khởi
chống bạo quyền của dân Việt, nối tiếp những hành động đại nghĩa hy sinh
liên tục của các chiến sĩ quốc gia dưới thời Diệm trị.
Ta có nên kể lại từ một
thanh niên Cao Đài hành động như một Kinh Kha tại Ban Mê Thuột năm 1955, từ các
sĩ quan Nhảy Dù bao vây dinh Độc Lập 1960, từ 2 phi công ưu tú Phạm Phú Quốc,
Nguyễn Văn Cử bắn phá dinh Độc Lập 1962 và biết bao nhiệm vụ mưu sát bạo chúa
bất thành, mà chỉ có mật vụ nhà Ngô mới biết rõ, cho đến khi Đại úy Nhung và
Thiếu tá Nghĩa căm phẫn trả thù cho các đồng chí của họ.
Lật Diệm năm 1963 đáng
lý là một cuộc cách mạng vì đã giải thoát hàng vạn người quốc gia trong các
ngục tù trên toàn quốc, giải thoát hàng triệu nhân dân đang nghẹt thở dưới một
chế độ thối nát học thói độc tài. Toàn dân đã bừng bừng phấn khởi... Nhưng hỡi
ơi hương lửa cách mạng chỉ bừng lên vài ba tuần đầu rồi dần dần tắt ngủm, chỉ
vì người cầm đầu Dương Văn Minh nhu nhược chỉ muốn cuộc cách mạng ấy là một
binh biến hay chỉnh lý thôi.
Nhiều người bào chữa
cho ông Diệm: Ông Diệm rất tốt chỉ vì tay chân ông làm sai. Lối bào chữa này e
giống Cộng Sản: Hồ Chủ tịch luôn luôn sáng suốt chỉ có cấp dưới làm bậy!
Dân tộc Việt Nam là một dân
tộc hỉ xả, uất hận bao nhiêu nhưng khi đối phương đã xuống ngựa thì sẵn sàng
làm lành với nhau quên đi hết mọi lỗi lầm thù xưa oán cũ. Nhưng cây muốn lặng
gió mà gió chẳng dừng, ta bất đắc dĩ khơi lại đống tro tàn để phơi bày sự thật.
Vì là chứng nhân nên
chẳng muốn ẩn danh.
Lê Nguyên Long
[Source: Khai Phóng số 7, 1981, USA ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét