Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016


LÝ CHÁNH TRUNG … TÌM VỀ DÂN TỘC

Sưu tầm của Kevin Trần



Ông Lý Chánh Trung là một trí thức Công giáo tiến bộ trước năm 1975. Ông vừa qua đời ngày 13/3/2016 tại nhà riêng ở Thủ Đức, hưởng thọ 89 tuổi.

Trong những năm bản lề của hai thập niên 1960 và 1970 của thế kỷ trước, khi chiến tranh Việt Nam lên đến cực điểm của mức độ tàn khốc, và khi bản chất “chống Cọng do nước ngoài ủy nhiệm” của chính quyền miền Nam đã bộc lộ rõ ràng, trong khi ngoài nưc có Linh Mc Trần Tam Tỉnh (vi tác phm Thp Giá Và Lưi Gươmthì trong nước Giáo sư Lý Chánh Trung đã là một trong những trí thức mô tả đúng bản chất và lên án tình trạng ngoại thuộc không thể chấp nhận nầy.
Giữa gọng kềm oan trái đang kềm kẹp miền Nam đó, giải pháp mà Giáo sư Lý Chánh Trung đề nghị để chấm dứt chiến tranh và thoát vòng ngoại thuộc là Tìm Về Dân Tộc. Và vì là một trí thức Công Giáo, ông đặc biệt đặt thẳng vấn đề nhức nhối đó với giới Công giáo Việt Nam, lực lượng khống chế tư tưởng và lãnh đạo chính trị của miền Nam đang tiến hành chiến tranh lúc bấy giờ.
Tuy ông bị chính quyền và một số lớn chức sắc Công giáo kết án là “phản chiến”, “ngụy hòa”, “thân Cọng”, “tả khuynh” … nhưng những tác phẩm và bài viết của ông lại được đông đảo trí thức và sinh viên đón nhận.  

[Trích từ BBC] Ông sinh năm 1928 trại Trà Vinh, là một cây bút nổi tiếng tại Sài Gòn với các tác phẩm triết học và những bài báo viết về thanh niên Việt Nam trước 1975.
Ông Lý Chánh Trung từng giảng dạy đại học tại Văn Khoa Sài Gòn, dạy triết học tại Viện Đại học Huế và Đà Lạt.

Những tác phẩm nổi tiếng của ông trước 1975 như Ba năm xáo trộn, Tìm về dân tộc, Cách mạng và đạo đức, Tìm hiểu về nước Mỹ, Bọt biển và sóng ngầm, Tôn giáo và dân tộc.
Ông Nguyễn Quốc Thái, biên tập tờ Tạp chí Đất Nước năm 1966 nói ông Trung là người “có tư tưởng rất cách tân”. Khi đó ông Lý Chánh Trung làm chủ nhiệm tờ này.
Trả lời BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn, ông Thái mô tả: “Cái nhìn của anh Trung được sự chú ý của giới trí thức trong nước, giới Công giáo và người ngoài Công giáo. Nhiều bài của anh gây ấn tượng với Hội đồng Giám mục lúc đó."
"Những bài viết của anh Lý Chánh Trung về dân tộc, sau này tập hợp trong quyển "Tìm về dân tộc" đã đánh rất mạnh vào tâm thức, tình tự dân tộc của sinh viên, học sinh và trí thức."  [Ngưng trích]

Báo Người Việt Online nhớ lại rằng “Ông là một thầy dạy Triết rất hay ở Đại học Văn Khoa và ngành Sư Phạm, ban Triết Học. Những tập giáo khoa của ông về Hiện Tượng Học, Đạo Đức Học, … được trình bày khúc chiết, dễ hiểu và sâu sắc, có thể nói là tài hoa, trong đó không ẩn một ý chính trị nào. Thỉnh thoảng trong chổ riêng tư chuyện trò với sinh viên, ông kể về thời mới lớn, khi tham gia phong trào Việt Minh ở quê ông, như là những kỷ niệm đẹp trong đời”

Báo Thanh Niên Online còn cho biết thêm: “GS Lý Chánh Trung là một trí thức yêu nước nổi tiếng, một người từng tu nghiệp ở Bỉ và làm Tiến sĩ ở Pháp trong những năm 50 của thế kỷ trước. Sau năm 1975, ông từng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, Đại biểu Quốc hội 3 khóa VI, VII, VIII.”

***
Chúng tôi xin trích đăng lại hai nhận định của ông từ hai tác phẩm có sức lan tỏa mạnh nhất trong giới thanh niên sinh viên miền Nam trong những năm 1960’s và 70’s. Một trích dẫn trong cuốn Tìm Về Dân Tộc khi ông hồi tưởng lại tâm trạng bơ vơ lạc lỏng của một người Công giáo trên chính quê hương mình trong một ngày vui của Dân tộc. Và một trích dẫn trong cuốn Tôn Giáo Và Dân Tộc khi ông đánh giá chiến lược truyền đạo bất khoan dung của Giáo hội Công giáo tại các nước Á châu.
Hy vọng rằng hai tác phẩm nầy sẽ được tái bản và phổ biến rộng rãi để những thế hệ sau, nhất là những trí thức trẻ Công giáo Việt Nam, biết được tâm tình và tư duy của một người đồng đạo của họ trên bước đường … tìm về Dân Tộc. – KT


Tìm Về Dân Tộc (Trình Bày, 1967) & Tôn Giáo Và Dân Tộc (Lữa Thiêng, 1972)

Tìm Về Dân Tộc (trang 23) – Tâm tình của một người “khách lạ trên chính quê hương mình” nhân ngày 9-3-1945, ngày quân đội Nhật đảo chánh Pháp, chấm dứt 80 năm ách đô hộ của thực dân Pháp, mà còn đảm bảo rằng Pháp sẽ không thể nào trở lại Việt Nam với tư cách một nước thống trị nữa. (Xem thêm Lê Mạnh Hùng)

Từ trường Taberd Sài Gòn ra Huế, tôi được học ở trường Providence, thọ giáo với các linh mục của hội Mission Etrangère.
Nói đến xứ Trung Kỳ, nghe xa lạ làm sao. Từ nhỏ chí lớn, tôi chỉ biết có cờ Tam sắc, bây giờ ra Huế mới hay rằng xứ An Nam còn có một lá cờ, lá cờ vàng sọc đỏ (thuở đó mới có một sọc thôi...)
Nhưng lá cờ đó không gây cho tôi một sự hãnh diện nào mà trái lại: Tất cả những vật đó có vẻ mốc meo, mục nát, lỗi thời, không còn một chút gì liên hệ với tôi.
Tôi còn nhớ buổi chào cờ trọng thể đầu niên học tại trường Providence, tòa Khâm sứ và Chính phủ Nam triều đều cử đại diện đến tham dự. Bên người Pháp là hai ông sĩ quan trẻ tuổi hùng dũng trong bộ quân phục trắng tinh. Bên người Việt có hai cụ sồn sồn bụng phệ, khăn đóng áo rộng thùng thình lẹp xẹp đôi dép hàm ếch, lại còn phe phẩy cái quạt đồi mồi ngay trong lễ thượng cờ. Chúa ơi! Trông mới chán đời làm sao!

Trường Providence tân tiến hơn trường Taberd, có một nền giáo dục hoàn bị, cởi mở hơn trường Taberd. Các Cha gần gũi học sinh hơn các sư huynh. Nơi đây tôi đã hấp thụ những kiến thức vững chắc để có thể hiểu biết nền văn hóa Tây phương là nền văn hóa quân bình, nhân bản và sâu sắc. Tôi cũng đã thấm nhuần nền đạo lý Kitô giáo để cảm thấy cái đòi hỏi (ít ra cũng được như thế) hướng cuộc đời mình về một cái gì tốt.
Nền giáo dục này hội điều kiện cho tôi “thành người”. Chỉ tiếc một điều là “con người đào tạo nơi đây không phải là con người Việt Nam”! Quê hương vắng bóng ngay giữa lòng quê hương!
Trong mấy năm trường, chúng tôi đã sống bên ngoài dân tộc, bên lề lịch sử. Cho nên đêm mồng 9/3/1945, khi tiếng súng của quân đội Nhật hoàng đì đùng báo hiệu sự cáo chung của nền đô hộ Pháp, chúng tôi chẳng hiểu mô tê gì.

Vài ngày sau, học sinh trường Khải Định, Đồng Khánh biểu tình mừng độc lập: Việt Nam Độc Lập! “Việt Nam” đã lạ tai rồi, “Độc Lập” nghe còn quái đản hơn.
Ngày biểu tình, chúng tôi tò mò đi xem, nhìn thiên hạ vác biểu ngữ reo hò “Việt Nam! Việt Nam!” mà chẳng thấy vui mừng chi, chỉ nghe ấm ức và bực bội và cảm thấy mình bơ vơ, lạc loài giữa đám đông. Tôi còn nhớ một đứa trong bọn tôi đã nói lớn “Độc lập là cái cóc gì?” Câu hỏi xấc xược, ngô nghê này diễn đạt cái tâm trạng chung của chúng tôi lúc ấy. Quả tình chúng tôi không hiểu...

Tôn Giáo Và Dân Tộc (từ trang 65) – Đánh giá quá trình truyền đạo Công giáo của Vatican tại Á châu.

... Lẽ dĩ nhiên, cứu cánh tối hậu này là mở mang nước Chúa, nhưng sự “mở mang nước Chúa” đôi khi đi ngược lại quyền lợi một số dân tộc. Chẳng hạn từ thời Phục hưng cho tới những năm gần đây, chính sách của Vatican trên căn bản vẫn là cấu kết với những cường quốc Tây phương theo gót những đoàn quân viễn chinh để giảng đạo, và trong các nước thuộc địa, biến các giáo hội bản xứ thành những rường cột của chế độ thực dân.

Thứ đến, Phật giáo đã được truyền bá như một tôn giáo thuần túy, không pha lẫn với một trào lưu chính trị nào, cũng không có một tổ chức quốc tế rõ rệt nên đã không gây nên những hiểu lầm đáng tiếc như Công giáo.
Trong giáo hội Công giáo thì trái lại, khuynh hướng đóng kín và tự mãn hiện diện ngay trên bình diện tập thể và giáo hội tự ý thức mình như một dân tộc được Thiên Chúa chọn lựa giao phó cho sứ mạng cứu rỗi nhân loại. Giáo hội là con đường độc nhất đưa tới Thiên Chúa: “Ngoài Giáo hội không thể có sự cứu rỗi” (Hors de l’Eglise, Point de Salut). Từ khi giáo hội thành Quốc giáo dưới triều đại Constantin và nắm được những thế lực lớn lao thì “cây gươm tinh thần” của thánh Phao Lồ đã luôn luôn bị cám dỗ, đã biến thành cây gươm thép thật sự. Giáo hội đã không ngần ngại dùng đến thế lực để tiêu diệt các tôn giáo khác, đập phá các đền thờ “tà thần”, đốt sách vở ngoại đạo và đốt luôn những người bị xem là “lạc đạo” nếu không chịu sửa sai. Trong xã hội loài người, giáo hội không bao giờ chịu công nhận cho các tôn giáo khác hoặc cho những người không Công giáo cái quyền ăn nói ngang hàng với mình bởi cái lý do giản dị là chỉ giáo hội mới có sự thật, mới có quyền ăn nói. Đức Giáo Hoàng Gregoire XVI đã gọi “tự do báo chí” là “tự do tai hại nhất, đáng ghét nhất, kinh tởm nhất” mà một số người dám đòi hỏi một cách ồn ào cuồng nhiệt và quảng bá khắp mọi nơi.

Tôi nghĩ rằng chính sự bất khoan dung đó (và nhiều lý do khác) đã khiến cho Giáo hội va chạm một cách nặng nề với các dân tộc Á Đông và đã không mỹ mãn trong việc rao giảng tin mừng trong vùng này. Sau bốn thế kỷ giảng đạo với những phương tiện hùng hậu, những hy sinh lớn lao, phải nhận rằng số người Á Đông theo đạo Công giáo thật là ít ỏi ngoại trừ tại xứ Phi Luật Tân. (Đó là chỉ mới nhìn đến số lượng. Nếu nhìn đến phẩm lượng “qualité” thì có lẽ kết quả còn khiêm tốn hơn nữa: chưa có một Giáo hội Á Đông nào sản xuất được một vị thánh, và trình độ đạo đức trung bình của người Thiên Chúa giáo Á Đông không có gì gọi là “cao” hơn những người không Thiên Chúa giáo). Lý do căn bản của kết quả khiêm tốn ấy phải chăng là vì người Á Đông khi theo Đạo đã phải ly cách cộng đồng Dân Tộc. Chính vì Giáo Hội đã xem các nền văn hóa Á Đông là vô giá trị, sai lầm, tội lỗi do đó gần như bắt buộc người Á Đông phải lựa chọn giữa dân tộc và giáo hội.

Sưu tầm của Kevin Trần

3/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét