Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016


NHÀ VĂN CUNG TÍCH BIỀN NÓI SƠ VỀ
CHÍNH SÁCH “TỐ CỘNG” DƯỚI THỜI ÔNG DIỆM

Cung Tích Biền

Tiểu sử nhà văn Cung Tích Biền, căn cứ theo tạp chí Hợp Lưu: Tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 (khai sinh 1938) tại Quảng Nam, Cung Tích Biền thuộc thế hệ nhà văn hứng chịu và tham dự trực tiếp nội chiến. Theo học Văn khoa Huế, Luật khoa Sài Gòn trước khi bị động viên rồi trải qua nhiều đơn vị pháo binh, thiết giáp của quân lực Việt Nam Cộng hoà cho đến ngày giải ngũ năm 1973.
Nhà văn khởi đăng truyện ngắn “Ngoại ô Dĩ An” đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật vào năm 1966. Sau đó nhanh chóng xuất hiện Ai tỉnh ai điên, Bên dòng nước biếc, Luống cải vàng, Bến mưa ngâu, Nỗi buồn thắp sáng, Cõi ngoài, Hoà bình nàng tình rỗng, “Cái chết của một con đĩ ngựa”, “Bạch hoá”… trên các tập san Nghệ Thuật, Văn Học, Bách Khoa, Vấn Đề, Đối Thoại, Lý Tưởng, Khởi Hành và trên các báo Công Chúng, Da Vàng, Bút Thần, Sống, Công Luận, Hoà Bình, Sóng Thần, Độc Lập, Dân ý
Sau 30-04-75 Cung Tích Biền ngưng viết rồi cầm bút trở lại đầu thập niên 90, với tập Thằng bắt quỷ xuất bản ngoài nước.
Hiện sống tại Sài Gòn, Việt Nam. 

Cung Tích Biền. Chụp tại Vườn Cây Cau, Gò Vấp, Noel 2006 (Ảnh: Lý Đợi)
Trích dẫn dưới đây là một phần của cuộc phỏng vấn nhà văn Cung Tích Biền do Lý Đợi thực hiện vào tháng 2 năm 2007, được đặng trên talawas.org dưới tiêu đề “Đành lòng sống trong phòng Đợi của lịch sử”  [ http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9137&rb=0402 , trang 2]
Tựa do NamGiao đặt cho phần trích dẫn nầy. Những đoạn nhấn mạnh cũng của NamGiao. 2/2016


Lý Đợi: Ông nói từng sống chín năm trong vùng kháng chiến? Anh ruột là một đảng viên Cộng sản? Và sự nghiệp Quốc gia của ông?
Cung Tích Biền: Tôi từ bé đã chín năm sống trong vùng kháng chiến. Vừa khổ cực, vừa mơ màng như trong một cơn mộng. Tôi là một thiếu niên. Tôi được tập đàn tập hát, vũ múa. Năm 12 tuổi đã theo các anh các chị đi diễn kịch, đàn ca tận Cẩm Khê, Tam Kỳ, Sông Vệ… Những đêm trắng của chợ đêm, của đào hầm bí mật. Những khói lửa chiều khi máy bay Pháp ném bom Kế Xuyên, Hà Lam, Tam Kỳ… Đêm đốt đuốc đưa ma là những bà con chết bom chết đói. Năm 1952 một trận đói kinh hoàng, củ chuối không còn mà ăn. 

Gia đình tôi thành phần phú nông. Anh ruột tôi (Trần Ngọc Biên) theo lệnh tổng động viên vào bộ đội, rồi đảng viên, rồi chết vùng Nghĩa Đàn Nghệ An năm 1969, cho tới ngày hôm nay chưa tìm ra được mồ mả, dù nhiều chục năm tận lực tìm kiếm, nhờ vả cả các nhà ngoại cảm. 

Năm 1954 tôi ở lại miền Nam. 
Anh em bà con ruột thịt, bạn bè, đã lên đường tập kết ra Bắc.
 
Thật ra, miền Nam Cộng hoà là một mô hình chính trị khá lý tưởng như tôi đã nói ở trên. Nhưng chế độ Ngô Đình Diệm đã bắt đầu những sai lầm, như một tội ác.

Sau hiệp định Genève 1954, Tổng thống Ngô Đình Diệm, không đặt ra chủ trương chiêu hồi, mở lòng hoà hợp, mà nâng ngay chủ trương Tố Cộng lên hàng đầu, trở thành quốc sách Diệt Cộng. 

Chín năm kháng chiến máu lửa (1945-1954), không chỉ mục tiêu chống Pháp giành độc lập; mà nội dung chính, hàng đầu và tử sinh, là cuộc chiến một mất một còn về ý thức hệ giữa Quốc gia và Cộng sản. 

Quốc gia và Cộng sản không đội trời chung. Truy sát và tiêu diệt tàn khốc lẫn nhau. Bao nhiêu là nợ máu ngay giữa anh em họ hàng. Vì thế những vùng kháng chiến chín năm khi lực lượng Quốc gia tiếp thu đã đầy những hố thẳm. Dưới chiến dịch diệt Cộng sản, được thực hiện đại trà đồng bộ, chính quyền miền Nam không thể kiểm soát nổi sự thanh trừng, trả thù. Nên địa ngục từ đây. Nhiều công chức, cán bộ quốc gia, ở hạ tầng xã quận, trình độ học vấn kém, hiểu biết lờ mờ về chủ nghĩa cộng sản nhưng trong cao trào Diệt Cộng, cùng chung với trả thù riêng, lại trở nên tàn ác hung thần.

 
Ban ngày ban mặt những người dính líu đến kháng chiến, những đảng viên Cộng sản bị hành hình, tối đến lại bỏ rọ thủ tiêu. Không có toà án, không pháp luật, chỉ là Quốc gia trả thù Cộng sản, chỉ là giết quách.

Tôi đã chứng kiến những cuộc tra khảo kinh hoàng bằng đủ hình thức man rợ ngay bờ giếng, kho lúa cạnh vườn nhà tôi. Anh em tôi không thiếu người bị cụt cả các ngón tay ngón chân vì bị tra điện như anh Trần Ngọc Bính, bị thủ tiêu như cậu Vũ Bình, đến nay chưa biết xác vùi chôn nơi nào trong bãi cát Vân Ly.


Tôi, 18 tuổi cũng là một nạn nhân, bị bắt ra nhà lao Hà Lam tra khảo (thời này Phan Vĩ làm Quận trưởng quận Thăng Bình). Tôi bị ăn đòn bằng những khúc tre tươi. Chúng vừa uống rượu vừa đánh thẳng tay vào bất cứ nơi nào trên người. Đánh vỡ đầu, suýt bị phèo óc, có phải vậy mà tôi mở mắt ra, sau trở thành nhà văn? Đánh, khi khúc tre nát ra tua tủa như tăm xỉa răng, lại thay khúc khác. Trong phòng tra tấn đầy những roi mây, roi sắt kèm búa, cưa, máy quay điện, dây thừng treo cổ, bàn là ủi phỏng vào bắp vế, chỗ kín phụ nữ, và máu, thịt người vung vãi, tiếng la thét, tiếng rên rỉ, những xác người bất động chờ chôn vùi không cần áo quan. Rất may, tôi mới tép riu, chỉ là ở trong vùng kháng chiến, chưa phải thành phần cộng sản nguy hiểm cần treo ngược lên xà nhà, tra điện, hay bó rọ thả sông. 


Tổng thống Ngô Đình Diệm và những người cai trị quên rằng 1954, đất nước chia đôi, hoà bình được lập lại, không phải ai sống trong vùng cộng sản kháng chiến cũng là Cộng sản, hay thân cộng. Mà chính họ cũng là nạn nhân, mới là những con người từ lâu thèm khát tự do, khao khát hoà bình và mong một cuộc sống có cơm ăn áo mặc, được chia sẻ công bằng. Lẽ ra phải an ủi và giúp đỡ họ tái dựng đời sống mới. 


Điều này giống như 1975, sau ngày giải phóng miền Nam, không phải cứ người miền Bắc thảy đều là Cộng sản. Mà đây mới chính là những con người lương thiện bấy lâu trong vòng lửa kiềm chế, nay mới thấy Sài Gòn, hiểu ra “miền Nam nó đẹp, người Sài Gòn nó tình cảm thế này ư?” Họ có dịp nhìn lại, nhận rõ trắng đen. Từ đây họ biết rùng mình, không phải vì lạnh. 


Cung Tích Biền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét