ÔNG DIỆM VÀ CÁC
THÀNH PHẦN ĐỐI LẬP
(TRONG GỌNG KỀM
LỊCH SỬ - Chương 13)
Bùi Diễm &
David Chanoff
(In The Jaws Of History - Phan Lê Dũng dịch)
LGT
– Có một số người thiếu hiểu biết về lịch sử cứ cho rằng biến cố năm 1963 chỉ là
cuộc khủng hoảng của chính quyền Ngô Đình Diệm lên đến cao điểm trong chính sách
kỳ thị Phật giáo của ông ta mà thôi. Và từ đó, giản lược hóa sự sụp đổ của chế
độ Đệ Nhất Cọng hòa chỉ bằng một nguyên nhân: vì cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn
giáo của Phật giáo!
Cách
nhìn như thế không những phi lịch sử mà còn rõ ràng có ác ý với Phật giáo Việt Nam. Vì lịch sử không
trôi một cách đơn tuyến (linear) như vậy, và các lực vận động của lịch sử thì
phức tạp, đa dạng và đan kết phải rất chặt chẻ mới tạo ra được một biến cố bi hùng
như những gì đã xãy ra trong suốt 6 tháng cuối cùng của năm 1963 tại miền Nam
Việt Nam.
Ngoài
chính quyền nhà Ngô, chính quyền Kennedy, Hà Nội, Tòa thánh Vatican, và phong trào
Phật giáo, ta còn có thể kể đến sự hiện diện của một số lực lượng to lớn và năng
động khác như lực lượng thanh niên sinh viên đô thị, thành phần sĩ quan cấp
trung trong Quân Đội (xem thêm FRUS 1961-1963, Volume IV), giới trí thức đại học
và các văn nghệ sĩ, … và lẽ dĩ nhiên, thành phần các đảng phái quốc gia vốn là lực lượng chính trị có tổ chức nhất
nhưng cũng đã nhiều lần bị chính quyền Diệm đàn áp dữ dội nhất (vụ Ba Lòng 1955, vụ chống đối ở các tỉnh
Nam-Ngãi, vụ binh biến 11-11-1960 và cái
chết của văn hào Nhất Linh, vụ Tuyên ngôn Caravelle,
vụ dội
bom Dinh Độc Lập 27-2-1962 do con của một lãnh tụ Quốc Dân Đảng phát động,
…)
Đã
có nhiều bài viết, ký sự, tác phẩm của các đảng phái Việt Nam viết về giai đoạn
bị đàn áp khốc liệt dưới thời ông Diệm. Bài trích đăng dưới đây (Chương 13 của
tác phẩm In The Jaws Of History, Indiana University Press, 1999) là một
chứng liệu khác được tác giả, một đảng viên cao cấp của Đảng Đại Việt, phác thảo
và tổng kết lại như một nhân chứng có thẩm quyền, về
thời kỳ 9 năm cai trị của nhà Ngô tại miền Nam. - HNG
* * * * *
Khi
chánh quyền ông Diệm thực sự củng cố chánh quyền thì những phần tử quốc gia như
chúng tôi ở bên ngoài thường vẫn thảo luận với nhau. Tất cả đều cố tìm cách mở
rộng các hoạt động chính trị, hoặc tìm cách thúc đẩy Hoa Kỳ lay chuyển ông Diệm
đi vào một khuynh hướng nào đó tốt đẹp hơn. Chúng tôi đã tiếp xúc với các nhân
viên Hoa Kỳ và ngay cả sau khi những cố gắng Lansdale–Collins đã thất bại, những
cuộc tiếp xúc giữa những phần tử quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn liên tục nối
tiếp. Chúng tôi hy vọng có được một quốc hội tự do, một cuộc tổng tuyển cử tự
do, hoặc là những phương pháp khác cho phép chúng tôi thỏa mãn những mong mỏi
xây dựng và bảo vệ đất nước.
Lúc
này, tất cả các thành phần quốc gia đứng ngoài chánh phủ đều bị dồn vào một tư thế thụ động bất đắc dĩ.
Kể từ sau đệ nhị thế chiến, họ là những người lúc nào cũng ấp ủ hoài bão xây dựng
độc lập cho Việt Nam. Nhưng giờ đây, khi đất nước vừa mới dành được phần nào độc
lập thì chính chánh phủ lại ngăn chận, không cho họ đóng góp. Tuy tất cả các phần
tử quốc gia đều cố gắng thực hiện những điều ấp ủ, chúng tôi vẫn chẳng tìm được
kẽ hở nào cả. Ông Diệm đã lấp tất cả mọi
cơ hội trong khi ông Nhu thiết lập một guồng máy chính trị cá nhân nhằm chánh
thức gạt bỏ tất cả những người có tinh thần tự chủ.
Lúc
này, tôi đã thật sự là một kẻ bàng quan hơn là một người trong cuộc. Tôi đã
chánh thức bị loại khỏi chánh trường từ thời gian này cho đến tận năm 1963. Bởi
thế, tôi đã có dịp quan sát giai đoạn phôi thai của chính quyền ông Diệm qua
đôi mắt của một kẻ thất vọng đứng ngoài. Đầu tiên thì vấn đề chống đối chánh phủ
Ngô Đình Diệm khởi thủy từ nhóm Bình Xuyên và các giáo phái vũ trang của Cao
Đài, Hòa Hảo. Những nhóm này bị lực lượng của ông Diệm tấn công đè bẹp. Sau đó
những đòi hỏi tự trị của họ bị tiêu diệt tận gốc. Tôi vốn không ưa những tổ chức
với lực lượng quân sự. Đối với tôi thì việc các lực lượng quân sự riêng rẽ chỉ
trung thành với cấp chỉ huy của họ không phải là một việc mà chính quyền có thể
chịu đựng được. Tuy vậy, phương pháp đàn
áp của ông Diệm đã khiến vấn đề biến thành phức tạp. theo ý tôi, thì đàm
phán và thuyết phục vẫn là một giải pháp tốt hơn. Nếu biết áp dụng đàm phán
đúng mức, chính quyền sẽ đạt được những thỏa thuận tốt đẹp và thu hút được những
nhóm đối lập vào guồng máy của chánh phủ. Khi có người nói với tôi rằng phương
pháp đàn áp bằng quân sự của ông Diệm rất hữu hiệu thì tôi trả lời rằng: Có thể
ông Diệm đã thành công trong nhất thời nhưng rồi đây những phẫn khích của các
đoàn thể bị đàn áp sẽ khiến công cuộc tranh đấu chống cộng, một cuộc tranh đấu
lâu dài và đáng kể nhất, phải chịu nhiều bất lợi lớn lao.
Vào
mùa hè năm 1955, ông Diệm quyết định lật đổ ông Bảo Đại. Ông Diệm dùng cuộc
trưng cầu dân ý để thực thi ý định. Mục đích chính của cuộc trưng cầu dân ý là
để chuyển hướng chính trị Việt Nam từ một thể chế quân chủ sang một thể chế dân
chủ, nhưng một mục đích khác là để lật đổ ông Bảo Đại. Lúc đó, nhiều nhân vật
quốc gia đã cho là chính ông Nhu hoàn toàn chủ động. Chúng tôi đã nhìn rõ người
em ông Diệm là một con người thật sự tâm cơ. Có thể chính ông Nhu đã thấy rõ sự
đe dọa của ông Bảo Đại hơn là ông Diệm. Vì rằng dù có nghĩ thế nào về Bảo Đại
đi nữa thì chính bản thân ông Diệm cũng đã từng có tiếng là người tôn trọng đạo
đức cổ truyền. Nhưng chính người liên lạc giữa ông Diệm và Hoa Kỳ là cố vấn
Lansdale cũng đã góp phần quan trọng vào việc vận động cho cuộc trưng cầu dân
ý. Lúc này, Hoa Kỳ cho rằng cuộc trưng cầu dân ý là một việc tất yếu (như
Lansdale đã tiết lộ với tôi về sau) để củng cố những bước đầu tiên của chính
quyền dân chủ Miền Nam. Vào ngày 23 tháng 10, sau cuộc trưng cầu dân ý, 98.2% bầu
cho ông Diệm và nền dân chủ mới. Chỉ riêng con số 98.2% cũng khiến người ta thấy
rõ dân chúng Miền Nam đã thực sự bỏ phiếu ra sao.
Trong
năm đầu tiên của chánh quyền ông Diệm còn một biến cố lớn lao khác là một chiến
dịch được gọi là “Chiến dịch tố Cộng.”
Đây là một chiến dịch toàn quốc nhằm tiêu diệt những thành phần Việt Minh còn
sót lại tại Miền Nam sau hiệp định Geneva. Tuy rằng khi Việt Minh quay về Miền
Bắc củng cố lực lượng, họ quả có để lại những căn cứ tại Miền Nam, nhưng trong
khi tiêu diệt các căn cứ này, ông Diệm
đã đàn áp một cách không cần thiết và gây ra những chống đối lớn lao. Chẳng
những chiến dịch đàn áp đã ráo riết mà ngay cả các thể thức hành động của các
chiến dịch tố cộng cũng làm nhiều người chán ngán. Áp lực tố cộng đã đưa đến
nhiều trường hợp hàng xóm và người quen bị buộc phải tố cáo lẫn nhau. Khung cảnh
chẳng khác nào những cảnh tuyên truyền và khủng bố mà cộng sản đã phát động trước
đây.
Tuy
chính sách của ông Diệm là thế mà ông vẫn thành công rực rỡ trong những năm đầu
ở nhiều bước quan trọng. Ông đã đập tan các lực lượng quân sự của các đoàn thể
đối lập, đã lật đổ được ông Bảo Đại và gạt bỏ được tất cả những người không đồng
quan điểm ra ngoài chánh phủ. Trong khi đó ông Nhu thiết lập đảng Cần Lao, một đảng phái chính trị độc quyền trong các
hoạt động chính trị và chỉ trung thành với chính cá nhân anh em nhà họ Ngô mà
thôi. Mục kích mọi sự qua đôi mắt của một người ngoài cuộc quả là một kinh
nghiệm đặc biệt. theo tôi thấy thì những chính sách của ông Diệm lúc này đang
chuyển đất nước về một hướng có thể đưa
tới nhiều chia rẽ trong hàng ngũ quốc gia. Thay vì đoàn kết, mỗi bước ông
đi là một bước đưa đến chia rẽ. Thay vì hỗ trợ lẫn nhau bằng những liên hệ
tương quan, mỗi chính sách ông đề ra là một chánh sách nhằm chia cắt mọi đoàn
thể.
Vào
lúc này, việc tự tạo ra những kẻ thù bên trong là việc tự tạo cho mình nhược điểm,
nhất là vào khi những kẻ thù bên ngoài lại hoàn toàn hung hiểm và tàn độc. Những
chính sách liên tục tiếp liền của ông Diệm ngày càng đem lại sự thất vọng cho
những người bị buộc phải bàng quan thúc thủ như chúng tôi, những người vốn dĩ
đang ở cương vị hành động bỗng bị chuyển thành những attentistes — những kẻ chùm chăn đợi chờ — Mặc dù đợi chờ được tới
mức nào thì cũng không ai được rõ.
Vào
năm 1951, tôi đã không còn đủ khả năng để đợi chờ. Lúc này, tôi cùng nhà tôi đã
tiêu hết không còn lấy một xu để dành. Dù là bằng cách này hay cách khác, tôi
cũng phải tìm kế mưu sinh. Trong khi tôi lần mò tìm việc thì một người bạn tôi
đề nghị rằng tôi nên làm một cuốn phim. Theo ý người bạn này thì một cuốn phim
về chiến tranh mang nội dung thông điệp chính trị sẽ có nhiều hy vọng thành
công, nhất là khi cuộn phim có phẩm chất cao và là kết tinh của một nỗ lực đáng
kể. Phim ảnh Việt Nam lúc đó chưa đạt đến mức độ hội đủ tiêu chuẩn của các sản
phẩm quốc tế. Nếu có thể hòa hợp được kỹ thuật tinh vi cùng những nhiều diễn biến
và một câu chuyện tình tiết biết đâu chúng tôi có thể tạo ra một tác phẩm hấp dẫn
đáp ứng đúng với thị trường. Tất cả mọi ý kiến đều đi đôi với sáng kiến của người
bạn, rồi thì những suy tưởng về công việc làm phim đã khiến tôi thích thú.
Trước
tiên, hẳn nhiên là tôi phải tìm cách xoay tiền. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy
mình có thể mượn tiền rất dễ dàng từ bạn bè và những người đầu tư riêng để tiến
hành công việc làm phim. Khi nhìn vào danh sách những người hậu thuẫn ủng hộ,
tôi thấy mình dường như đã mượn được tiền của cả nửa thành phố Sài Gòn. Nợ tiền
của dân Việt Nam không cũng chưa đủ, vì vững tin vào những kinh nghiệm kỹ thuật
điện ảnh hiện đại của người Phi, tôi còn mướn thêm một đạo diễn và một toán
chuyên viên Phi Luật Tân để lo liệu về vấn đề kỹ thuật. Hơn nữa, khi mướn các
chuyên viên Phi, chúng tôi có thể làm một ấn bản đồng thời bằng tiếng Phi và cuộn
phim do đó sẽ có một thị trường rộng rãi hơn.
Việc
làm phim mất hết một năm rưỡi. Chúng tôi được quân đội Miền Nam hợp tác trong
việc dàn cảnh những cuộc đụng độ. Tuy rằng phải đối đầu với những khốn khó
trong việc làm một cuốn phim thương mại, cuối cùng chúng tôi vẫn cho rằng mình
đã tạo nên một sản phẩm có giá trị: Một cuốn phim đầu tiên của Việt Nam qua kỹ
thuật điện ảnh hiện đại, tân kỳ nhất vào lúc bấy giờ. Cuốn phim mang nhan đề
là: “Chúng tôi muốn sống”. Mặc dù cứ
theo những hoàn cảnh thô sơ của điện ảnh thời bấy giờ thì phẩm chất của cuốn
phim rất cao, nhưng việc mang cuốn phim vào thị trường thương mãi đã thất bại nặng
nề. Do rất nhiều lý do (có vài lý do mà cho đến nay tôi vẫn hoàn toàn chưa hiểu
rõ) ấn bản tiếng Phi không hề đem lại bất kỳ lợi tức nào cả.
Trong
thị trường Việt Nam thì mặc dầu cuốn phim được hoan nghênh như là một thành
công, nhưng số tiền thâu được ở thị trường Việt Nam kém xa số tiền chi dùng vào
việc sản xuất. Khi mọi sự đã đâu vào đấy, tôi thấy mình lại tự quàng vào người
một món nợ cao đến hàng triệu. Đây không còn là lúc để thử thách những cơ hội mới.
Vì phải đương đầu với mọi nợ nần khó khăn, cả nhà tôi lẫn tôi đều phải đi làm.
Nhà tôi xoay sở được chân đứng bán thuốc cho một cửa hiệu thuốc tây và tôi tìm
được chỗ dạy toán ở một trường tư thục Sài Gòn. Những khổ sở tinh thần thật
muôn vàn khó nhọc, nhưng ít ra chúng tôi cũng có một nguồn tài chánh đều đặn. Lần
hồi chúng tôi lại tìm đường thoát ra khỏi đáy vực hố sâu mà tôi đã tự đào cho
gia đình.
Vào
cuối thập niên 1950, vì những chánh sách
độc tài và đố kỵ của ông Diệm, gần như tất cả hoạt động của mọi đoàn thể trong
nước đều có dính dáng đến chính trị. Ngay cả ngôi trường trung học tôi dạy
cũng không tránh khỏi ngoại lệ này. Mọi người trong ban giảng huấn, kể từ hiệu
trưởng trở đi đều chống đối chế độ nếu không ở phương diện này thì cũng ở
phương diện khác. Hoàn toàn do sự tình cờ, tôi lại tới dạy tại một nơi với toàn
những người chống đối chính phủ. Một trong những giáo sư mà tôi quen biết khá
thân là người chống đối ông Diệm dữ dội. Chính anh đã tổ chức một mạng lưới bạo
động rất hiệu lực và đã tuyển mộ được
nhiều người trong khắp cả Miền Nam gia nhập. Tên anh là Phan Châu và anh phụ
trách dạy môn Văn Chương. Tuy vậy, nghề giáo chỉ là một lớp mặt nạ phía ngoài.
Anh
Phan Châu trở thành một nhà cách mạng mà nhiều người trong các đoàn thể chống đối
biết rõ. Anh đứng đầu một tổ chức hoạt động ở Nha Trang. Anh rất căm hờn ông Diệm
và cố tạo mọi cơ hội để có thể tấn công chánh quyền ông Diệm về mọi mặt. Đầu óc
anh Châu lúc nào cũng đầy ắp những chuyện cách mạng. Sau khi chúng tôi biết
nhau, anh vẫn thỉnh thoảng ghé vào chỗ tôi vào ban đêm, đôi khi anh mang đến một
bao đầy mìn plastique. Mỗi lần anh đến là mỗi lần nhà tôi kinh hãi — Câu chuyện
của anh Châu kết thúc cũng bất ngờ như những câu chuyện tương tự vào lúc đó. Một
hôm, chúng tôi không thấy anh đến dạy mà cũng không thấy anh nhắn lại. Đây là một
việc chưa hề xảy ra bao giờ. Cả ban giảng huấn đều sợ đã xảy ra chuyện gì rồi.
Từ đó, chúng tôi chẳng còn nghe tin tức gì về anh nữa. Ít lâu sau, người ta
phát hiện chiếc xe của anh bỏ rơi tại một vùng ruộng dưới miền Lục Tỉnh. Dần dà
cảnh sát chìm ngấm ngầm thừa nhận rằng
chính họ đã thủ tiêu anh Châu, một lời đe dọa không chút dấu diếm với những người
đối lập khác.
Đối
với những người không quen thuộc với tình cảnh Việt Nam lúc này thì chuyện Phan
Châu có vẻ là một hiện tượng lạ, nhưng thật sự thì anh ta là một trường hợp điển
hình cho một lớp người trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Vừa là trí thức, cách
mạng, vừa hoạt động bất hợp pháp, lại vừa yêu nước, anh Châu chính là một người
đã hiến dâng tâm hồn cho lý tưởng và đất nước. Trong một giai đoạn hòa bình nào
khác có lẽ anh đã sống một cuộc sống thật bình thường, nhưng trong giai đoạn hiện
tại tình thế đã ngăn cản, không cho phép anh được sống bình thường như vậy. Sự bất công làm anh phẫn khích tột độ —
và vì vậy — anh đã tận dụng tất cả khả năng vào những toan tính lật đổ chế độ
ông Diệm. Mặc dù một phần đời sống của anh — đời sống của một nhà giáo luôn
luôn vắng mặt — đã gắn bó anh với đời sống của xã hội, cơn phẫn khích đã chuyển
anh thành một người yêu nước mạo hiểm có thể làm bất cứ chuyện gì. Phan Châu là
người có lý tưởng hoàn toàn trong sạch, có thể so sánh với những nhân vật của
Dostoevski. Tuy trường hợp của anh được nhiều người biết nhất, anh Phan Châu
không phải là một người duy nhất sống cuộc đời bạo động. Trong những ngày nhiễu
nhương lúc đó, những người sống trong những tình trạng tương tự đầy dẫy khắp
nơi, trộn lẫn ngay trong đời sống hàng ngày của mọi người.
* * * * *
Vào
năm 1960, các chính sách của ông Diệm đã đưa
đất nước vào những khó khăn mà các phần tử quốc gia đã tiên đoán trước.
Trong khi tuyển mộ các nhân viên chính phủ thì một trong những điều kiện tiên
quyết là người được tuyển phải trung
thành với gia đình ông Diệm. Vì thế chánh quyền chuyển hướng trở thành một
chánh thể gia đình trị. Cả hai guồng máy điều hành dân sự và quân sự đều bị lũng đoạn vì các nạn hối lộ, đố kỵ và
thiếu khả năng. Đời sống kinh tế của đất nước ngày càng tụ tập vào tay chân, bạn bè và những người ủng
hộ ông Diệm.
Tình
trạng này đã khơi thêm hố sâu ngăn cách giữa hai tầng lớp kinh tế nghèo giàu rõ
rệt. Tuy rằng ở các miền quê chánh phủ vẫn có cải cách nhưng những cải cách lúc
đó đã chẳng hiệu lực mà còn bị dân chúng ghét cay ghét đắng. Phong trào cải
cách thường buộc các nông dân phải tập họp lại thành những toán tự vệ để thiết
lập “Khu trù mật.” Đây là tên gọi của
những khu vực nông thôn an toàn mà nông dân bị cưỡng bách phải cư ngụ. Trong
khi đó, cảnh sát, công an xuất hiện ở khắp
mọi nơi khiến cho bầu không khi trở nên căng thẳng. Nhà tù luôn đầy ắp người và
những người đối lập lúc nào cũng bị đàn áp triệt để.
Đã
vậy, tình trạng lại còn nghiêm trọng hơn. Chiến tranh du kích do Việt Minh phát
động ngày càng lan rộng và Cộng Sản đang mượn dịp thuyết phục tất cả các nhóm
chống đối. Vì không còn cách nào khác khả dĩ có thể ảnh hưởng đến chính sách của
chính quyền vào tháng 4 năm 1960, một nhóm những chính khách quốc gia có tiếng
quyết định cùng tụ họp để kêu gọi ông Diệm. Bác Sĩ Quát, cụ Trần Văn Đỗ (đã từ
chức Ngoại Trưởng một thời gian ngắn sau khi được đề cử), ông Trần Văn Tuyên,
thày giáo cũ của tôi, và khoảng 20 người khác cùng viết một lá thư cho tổng thống.
Bức thư được viết thật hòa nhã, và đã liệt kê tất cả những nhận xét của chúng
tôi về tình hình quốc gia lúc này, những sai lầm trong đường hướng của chính phủ
và sau cùng đề nghị với chánh quyền một số biện pháp để cải thiện tình hình.
Tôi đã góp phần soạn thảo lá thơ.
Một
trong những lời đề nghị bắt đầu như sau: Tổng thống nên mở rộng chánh phủ, thực
thi tinh thần dân chủ, bảo đảm một số
quyền công dân căn bản, nhìn nhận những thành phần đối lập, giúp nhân dân mạnh
dạn trình bày ý kiến để có thể giải tỏa những phàn nàn, phẫn khích… Một khi người
dân được hưởng những quyền lợi đó, họ sẽ tự so sánh đời sống của họ với đời sống
của những người sống dưới chế độ Cộng Sản Bắc Việt. Họ sẽ nỗ lực để bảo vệ
chánh phủ Miền Nam vì họ thấy rõ rằng họ đang tranh đấu để bảo vệ cho một chánh
phủ dân chủ và cho những quyền lợi tự do thật sự của họ.
Lá
thư đã được 18 nhân vật có tiếng trong nhóm chúng tôi ký và được gửi riêng cho
ông Diệm. Ý kiến của tất cả là cố tạo ra một bầu không khí có thể cho họ gặp
riêng tổng thống, để tạo cơ hội đối thoại giữa chính quyền và đối lập. Tuy thế,
lá thư được gửi đi không hề có đến một lời đáp ứng. Mọi việc diễn ra chẳng khác
nào chúng tôi chưa từng gửi lá thư đi bao giờ. Khi đã rõ rằng ông Diệm nhất định
từ chối, lá thư được chuyển đến giới báo chí. Câu chuyện lập tức biến thành sôi
động. Một ký giả phụ trách tin tức chính trị gọi những người ký kết là nhóm
Caravelle, tên của một khách sạn tại Sài Gòn, nơi những người ký kết đã tụ họp.
Lá thư được gọi là Bản Tuyên Ngôn
Caravelle.
Vì
những chính khách ký tên vào bản tuyên ngôn đều có uy tín, và vì những đề nghị
xây dựng của họ lại được trình bày rất ôn hòa nên đa số nhân dân đều ủng hộ họ.
Ông Diệm phản ứng kịch liệt. Công an ruồng
bố, cầm tù tất cả, bất chấp uy tín của những người đã ký vào bản kêu gọi.
Ngay cả cụ Trần Văn Đỗ, chú của bà Nhu cũng bị cầm tù. Bác sĩ Quát đã phải trốn
tránh tại nơi tôi cư ngụ hơn một tuần lễ trước khi tình hình lắng dịu để ông có
thể về nhà riêng. Vì không ký tên vào bản kêu gọi nên tôi tránh khỏi những ruồng
bố nhất thời.
Khi
những chính khách Miền Nam còn đang bị cầm tù thì một trong những nhân vật quốc
gia lớn tuổi là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tường Tam đã tự vẫn, để lại một lá thư
nói rằng ông không thể sống trong một chế
độ như chế độ độc tài của Miền Nam. Hành động của ông làm chấn động toàn quốc.
Khi đám táng ông cử hành đã có hàng ngàn người theo sau tiễn đưa, tỏ ý thương
tiếc.
Lá
thư Caravelle chỉ là một trong những dấu hiệu phản ảnh một quan niệm chung rằng
chế độ ông Diệm đang đến ngày suy sụp.
Trước đây, khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa mới bắt đầu dưới quyền ông Diệm thì phần
đông dân chúng đều ủng hộ ông, nhưng những
chánh sách gia đình trị của ông Diệm đã khiến những người ủng hộ ông ngày càng ít
đi. Cho tới khi các chính khách quốc gia dưa ra bản kêu gọi thì gần như chẳng còn ai ủng hộ chánh quyền ông
Diệm nữa. Lúc này phương tiện đáng kể của ông Diệm chỉ còn là võ lực đàn áp mà
thôi. Thay vì mang lại sự thống nhất và tinh thần tranh đấu giữ vững đất nước,
ông Diệm và gia đình đã tạo ra những nhóm chánh trị chỉ hoạt động ở hai thái độ
cực đoan: Nếu không phải thúc thủ thất vọng thì cũng là đương đầu chống đối.
Ngoài hai môi trường vừa kể dường như không hề có bất cứ môi trường nào khác có
thể giải tỏa được những hoài bão của những người sống vào lúc này.
Vào
ngày 11 tháng 11, năm 1960 nhiều đơn vị Dù ở Sài Gòn đã tự đứng ra giải quyết vấn
đề. Họ bao vây anh em ông Diệm ở Phủ Tổng thống và bắt đầu nói chuyện với ông
Diệm qua điện thoại. Cũng như nhóm Caravelle, họ thúc đẩy ông Diệm phải cải
cách mở rộng chánh phủ và thay đổi các chánh sách. Ông Diệm nói chuyện với những
người đang làm đảo chánh hàng giờ qua điện thoại. Ông đồng ý chịu nhìn nhận những
sự đòi hỏi của họ và còn bàn luận cả những chi tiết về cách cải tổ chánh phủ. Nhưng những lời lẽ đàm phán dài dòng chỉ là
một chiếc bẫy khéo léo của ông Diệm nhằm duy trì hòa hoãn với các tướng lãnh và
kéo dài thời gian để cho những lực lượng ở xa có đủ thời giờ kéo về đàn áp
các lực lượng phản loạn. Khi mọi sự đã qua, ông Diệm phớt lờ tất cả những lời đã hứa.
Mặc
dầu đảo chánh thất bại, những hậu quả tối quan trọng của cuộc đảo chánh quân sự
vẫn có ảnh hưởng quan trọng đến sự tồn tại của chánh quyền ông Diệm và ông Nhu.
Cho dù những người đảo chánh có tổ chức thiếu khéo léo đến độ nào đi nữa thì họ
cũng đã bao vây được dinh tổng thống suốt 36 tiếng đồng hồ. Tự nhiên những người
mưu toan đảo chánh đều thấy được rằng họ có thể thay đổi chánh phủ dễ dàng bằng
những đơn vị nhỏ đóng ở thành phố. Vì biết
ông Diệm không bao giờ chịu cải tổ chánh phủ, những người chống đối nằm trong
các đoàn thể dân sự cũng như quân sự đã bắt đầu bàn bạc không ngớt về những cuộc
đảo chánh trong tương lai.
Vào
tháng 10, 1960 thì gần như khắp nơi đều bàn luận vấn đề đảo chánh. Cũng vừa vặn
vào thời gian này, những người trong nhóm đối lập đã bắt đầu nghe dư luận đồn
đãi về một tổ chức chống chánh phủ gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. MTGP do
ông Nguyễn Hữu Thọ là một luật sư Sài Gòn cầm đầu. Tổ chức này qui tụ những người
chống đối tại Miền Nam muốn lật đổ ông Diệm. Đối với những người đã từng trốn
chạy từ Miền Bắc Việt Nam thì MTGP rõ ràng là một tác phẩm của Cộng Sản Bắc Việt,
một guồng máy chính trị nhằm kêu gọi những người Miền Nam chất phác đang chống
đối ông Diệm tham gia vào một tổ chức do đảng Cộng Sản điều động và ngấm ngầm
lãnh đạo.
Mặt
Trận Giải Phóng có tất cả những nét chấm phá huyền thoại do sự tổ chức lão luyện
của ông Hồ và đảng Cộng Sản Việt Nam. Bất kỳ ai đã từng chứng kiến những kỹ thuật
này chắc chắn đều khó thể quên nổi. Tất cả những người di cư từ Miền Bắc đều đã
trải qua những kinh nghiệm đau thương. Vì chính bản thân đã qua nhiều màn điêu
đứng khi còn ngoài Bắc, chúng tôi đã nhận ra ngay bản chất và mục đích thực sự
của MTGPMN. Ngay chỉ cái tên Mặt Trận Giải Phóng cũng đã gợi lại quá rõ ký ức về
những mặt trận khác mà ông Hồ đã tổ chức trong thập niên 1940 để thu hút các phần
tử quốc gia. Tuy vậy, chúng tôi không làm cách nào thuyết phục được những bạn
bè Miền Nam tin theo. Theo tôi thấy thì những người Miền Nam chưa hề biết rõ về
cả lai lịch ông Hồ lẫn những chủ trương sách động hô hào cổ điển của Cộng Sản với
chiến thuật “sách động tất cả những người có thể bị sách động.” Họ chỉ biết
đóng góp những tình cảm cuồng nhiệt của mình vào một phong trào mới mẻ, một phong trào cổ động sức mạnh của tập thể
chống lại chính quyền áp bức của ông Diệm.
Rủi
thay, những cuộc tranh luận về MTGP lại xảy ra trong một khung cảnh nghi kỵ giữa
hai miền Nam, Bắc. Một mặt thì người Nam cho rằng thái độ chống đối MTGP của
người Bắc khởi xuất từ những bản tính luôn luôn bi quan và đa nghi bẩm sinh. Mặt
khác đối với người Bắc thì những người Nam lại một lần nữa đặt tất cả hành động
trên một lý tưởng hoàn toàn ngây thơ. Thật ra, lý do đã khiến chúng tôi không
thể thuyết phục được những người Miền Nam còn vượt xa hơn những khác biệt đơn
thuần của vị trí địa lý. Nhưng bất kể nguyên nhân khó khăn thực sự là gì thì
cũng phải mất một thời gian khá lâu những người Miền Nam mới thấy rõ được mối
liên hệ giữa MTGP và đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong khi đó chúng tôi đã cố gắng
thuyết phục ông Diệm qua trung gian rằng những
chính sách do ông đề ra đã khiến những phần tử quốc gia không đồng ý với ông phải
chọn những thái độ cực đoan và nhiều người đang chọn cả những phương pháp chống
đối bất hợp pháp. Thiết tưởng cũng không cần nói thêm rằng, cũng như những
lần trước, lời cảnh cáo này vẫn chẳng hề
được ông Diệm hưởng ứng.
Mặt
Trận Giải Phóng chánh thức phát động vào tháng 12 năm 1960. Khoảng một năm về
trước, quân đội Việt Minh đã xâm nhập Miền Nam, vượt qua những vùng Phi quân sự
và xuôi xuống theo những đường mòn mà sau này được gọi là đường mòn Hồ Chí
Minh. Vì là người đứng ngoài, tôi không hề biết rõ những chi tiết về các biến
chuyển cũng như những tầm mức quan trọng thực sự của các cuộc chuyển quân. Tôi
chỉ biết rằng khoảng cuối năm 1960, đầu
năm 1961, quân đội du kích đã mở những
cuộc tấn công trầm trọng vào đời sống thôn quê. Trước đây, việc đi lại giữa
những vùng thôn quê thật là dễ dàng. Vấn đề chuyển vận từ chỗ này đến chỗ khác
không hề bị những cuộc tấn công đe dọa. Nhưng khoảng năm 1961, những cuộc đánh
úp và giật mìn là chuyện xảy ra hàng
ngày. Những chuyện chuyển vận lúc này nếu tránh được thì tốt, hoặc nếu cần
kíp bắt buộc phải đi thì cũng phải xem xét rất là cẩn trọng. Biểu tình diễn ra thường xuyên. Ở khắp
mọi nơi bầu không khí đều căng thẳng.
Tuy
rằng bầu không khí Miền Nam ngày càng căng thẳng và chính phủ ông Diệm đã gần đến
ngày sụp đổ mà chẳng hiểu vì lý do gì Hoa Kỳ vẫn chẳng hề thay đổi chính sách
ngoại giao của họ. Tuy chứng cớ đã rõ rành rành rằng chánh quyền ông Diệm không
được dân chúng ủng hộ mà tòa đại sứ Hoa Kỳ trải qua hết đại sứ Frederick
Reinhardt, Elbridge Durbrow và rồi Fredrick Nolting vẫn chịu đứng làm hậu thuẫn
cho ông Diệm. (Tuy rằng đại sứ Durbrow thỉnh thoảng cũng có vẻ khó chịu và
không đồng ý với những chánh sách thiếu thực tế của Hoa Kỳ lúc đó) Nếu trước
đây, cố vấn Lansdale và những nhân viên cao cấp Hoa Kỳ đã công khai giữ liên lạc
với bác sĩ Quát và các phần tử quốc gia khác thì giờ đây Hoa Kỳ lại tránh né tất
cả các phần tử quốc gia. Lúc này tòa đại sứ Hoa Kỳ chỉ muốn giao thiệp với
chánh phủ “hợp pháp” của Việt Nam. Họ cho rằng giao thiệp với những người đối lập
ở Việt Nam lúc này “không tiện”. (Nguyên văn: “not appropriate”, một danh từ phổ thông của giới Ngoại Giao Hoa Kỳ
tại Việt Nam lúc đó.)
Hiển
nhiên là mật vụ của ông Diệm luôn luôn trông chừng kỹ lưỡng những liên lạc giữa
bất kỳ người nào trong nhóm chúng tôi với người Hoa Kỳ. Họ canh gác, thăm dò
ráo riết quanh khu cư ngụ của bác sĩ Quát, khu cư ngụ của ông Trần Văn Tuyên và
nhiều chính khách khác. Chúng tôi có thể hiểu được hành động của ông Diệm nhưng
chúng tôi rất bực bội về việc Hoa Kỳ đã buông thõng, đi đôi cùng với chánh quyền
Miền Nam. Tất cả chúng tôi đều hiểu rõ Hoa Kỳ ủng hộ một chế độ dân chủ, ủng hộ
những cải cách về mặt xã hội, kinh tế, quân sự. Chúng tôi có thể thông cảm với
Hoa Kỳ vào những lúc đầu tiên khi họ giúp đỡ ông Diệm là vì họ chưa hề biết rõ
chánh sách của ông ta. Qua hành động của hai ông Lansdale và Collins, chúng tôi
cũng đã biết sơ về những chủ trương của Hoa Kỳ. Họ đã cố gắng thúc đẩy ông Diệm
về việc mở rộng chánh phủ. Nhưng giờ việc ông Diệm khăng khăng nhất định theo đuổi những chánh sách gia đình trị, cũng như
việc những phương pháp đàn áp của ông đã dẫn đến những khủng hoảng nội bộ trong
nước và những kết quả yếu kém về quân sự là việc đã rõ rành rành.
Ở
vào tình trạng hiện tại, chúng tôi không thể hiểu được tại sao Hoa Kỳ lại ủng hộ
anh em ông Diệm mà không hề đả động gì đến những người cùng chung lý tưởng dân
chủ đang ở ngay sát bên họ. Lúc đó, và cho đến hiện giờ, tôi vẫn nghĩ là Hoa Kỳ,
tại thời điểm này nên nói thẳng cho ông Diệm rõ những sự mong đợi của họ. Và nếu
những điều này không được đáp ứng, họ nên rút ra ngay, cho dù sự rút lui có
mang lại ít nhiều cơ hội thắng lợi cho Cộng Sản. Việc ông Diệm thất bại khi điều hành chánh quyền bằng những phương pháp
độc tài là việc đã quá rõ ràng.
Chúng
tôi không tài nào hiểu được sự vô lý khi Hoa Kỳ vẫn vui lòng đặt ảnh hưởng và
uy tín của mình để ủng hộ một nhân vật như ông Diệm. Khi bàn bạc với nhau chúng
tôi đã cho rằng người Mỹ lúc này quả thật mù quáng chẳng khác nào con đà điểu
chui đầu trong cát. Mặc dầu có sức mạnh vô biên, họ vẫn bị dụ vào những thế thụ
động bất lợi cho chính sách của họ. Nguyên do phẫn uất của chúng tôi là do tình
cảnh bất lực. Tất cả chúng tôi đều nhìn thấy những việc phải làm mà không có
cách gì để xoay sở cả. Biến cố Caravelle đã khiến mọi tầng lớp chống đối phải
chịu đựng những áp lực đàn áp nặng nề. Lúc
này rất nhiều người bị cầm tù và tất cả những chống đối về mặt chính trị hoặc
ngôn luận đều bị kềm kẹp. Dân chúng thận trọng hơn trong lời ăn tiếng nói.
Mọi người đều biết họ đang bị canh chừng và hơn nữa họ còn biết mật vụ của ông
Diệm có thể tùy ý suy diễn những hành động của họ.
Bầu
không khí căng thẳng đã khiến chúng tôi bắt đầu lý luận rằng nếu muốn làm thay đổi tình thế thì chúng
tôi chẳng còn cách nào khác hơn là phải dùng những biện pháp quân sự. Những
ý nghĩ về một cuộc đảo chánh khác lại bắt đầu xâm nhập bầu không khí chính trị của
Việt Nam. Những người đang phục vụ trong quân đội cũng đã cảm thấy rõ điều này
và tự họ cũng bàn bạc để có thể hành động kịp thời khi có đảo chánh. Đây chính
là điểm khởi đầu đã đưa đến những mầm
mống chống đối của Phật Giáo, và thúc đẩy tất cả các hoạt động chống đối chuyển
thành bạo động và chống lại chính quyền ông Diệm.
[Hết Chương 13]
Theo
Wikipedia (https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B9i_Di%E1%BB%85m), tác giả Bùi
Diễm (sinh năm 1923) là đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Hoa Kỳ từ 1967 đến 1972. Ông
từng là học sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời tướng Giáp còn là giáo viên
lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội.
Ông quê ở Hà Nam,
Việt Nam; cha ông là nhà nho Ưu Thiên Bùi Kỷ,
dòng dõi phó bảng Bùi Văn Quế và Bùi Ân Niên. Ông có
người cô ruột lấy Trần Trọng Kim, tức thủ tướng của Đế quốc
Việt Nam (1945).
Ông
hoạt động chính trị từ thời học trường Bưởi ở Hà Nội,
vận động cho chính phủ Trần Trọng Kim và vào Đảng Đại Việt năm 1944 do lời giới thiệu của một
người bạn là ông Đặng Văn Sung. Năm 1945 ông tham gia Trường Lục quân tại Yên
bái, được nửa chừng thì bỏ dở khi trường chuyển về Sa Pa.
Trong
thời gian đó ông làm chủ nhiệm tờ báo Vietnam
Post xuất bản ở Sài Gòn bằng Anh
ngữ (1954-1963). Đây là tờ
báo tiếng
Anh đầu tiên ở Việt Nam. Ông
cũng thành lập hãng phim Tân Việt, sản xuất cuốn phim Chúng tôi muốn sống.
Khi
thủ tướng Phan
Huy Quát ra chấp chính, ông
giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Ông cũng là đảng viên Đảng Đại Việt.
Thời Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam ông được bổ làm đại sứ Việt Nam Cộng
hòa ở Washington,
D.C., thay thế đại sứ Vũ Văn Thái. Chức vụ này ông đảm nhiệm từ năm 1967
đến năm 1972 thì chuyển làm đại sứ lưu động cho đến năm 1975.
Ông
là tác giả cuốn hồi ký chính trị Gọng
kìm lịch sử. Cuốn này ấn bản đầu tiên viết bằng tiếng Anh với tựa The Jaws of History rồi sau đó được dịch ra tiếng Việt. Cuốn sách thứ hai là cuốn Vietnamese Economy and Its
Transformation to an Open Market System xuất
bản năm 2004.
Ông
là học giả tại Trung tâm quốc
tế Woodrow Wilson và Viện
Doanh nghiệp Mỹ, cũng như giảng viên tại trường Đại học George Mason.
Ông
là một thành viên trong Ban Cố vấn của National
Congress of Vietnamese Americans (NCVA,
Nghị hội Toàn quốc người Việt tại Hoa Kỳ). Ông vẫn hoạt động trong Đảng Đại Việt và nắm chức Chủ tịch Ban chấp hành
Trung ương của Ðại Việt Cách Mạng Ðảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét