Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015


KHỔNG MINH, MỘT NGHỆ THUẬT
TẠO DỰNG NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT

Phan Huy Đường

Nhân vật và phi-nhân vật

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung có hàng trăm nhân vật. Đại đa số rất khuôn mẫu (archétype) hay/và nghèo nàn, không lý thú đối với độc giả thời hiện đại như tôi khi đã tiếp cận tí ti văn chương thế giới. Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi đều là nhân vật khuôn mẫu tồn tại trong trí nhớ của hầu hết độc giả. Họ để lại ấn tượng gì trong lòng độc giả ? Trương Phi : nóng nảy và cương trực. Quan Công : tiết tháo, trọng nghĩa, trọng lễ. Lưu Bị : nhân nghĩa, khéo khóc giành thiên hạ. Thế thôi. Những chi tiết khác mà ta nhớ không khác nhớ truyện hay phim chưởng bao nhiêu, không thuộc lĩnh vực văn chương. Riêng Lưu Bị có được một nét người bất ngờ độc đáo khiến Khổng Minh phải giật mình kinh hãi : đại gian hùng không thua gì Tào Tháo.

Tôi đọc đi đọc lại Tam Quốc Diễn Nghĩa cả chục lần. Đủ thấy tài kể chuyện và văn phong của tác giả trác tuyệt1. Cốt truyện, nhớ khá nhiều. Nhân vật, quên gần hết : quá mẫu mực nên thiếu nhân tính ; khi có, rất nghèo nàn, không đủ cỡ để biến thành nhân vật văn chương để đời, cho cả nhân loại. Có thể thích hợp với đa số độc giả và nhà phê bình của những thế kỷ cũ, thậm chí hôm nay, ở các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc. Không thích hợp với tôi. Dường như cũng không thích hợp với đông đảo độc giả trên thế giới ngày nay. Có ít nhất một bản dịch Tam Quốc Diễn Nghĩa qua tiếng Pháp. Người Pháp dường như ít ai biết đến, ngoài học giả, nhà nghiên cứu, người mê văn hoá Trung Quốc. Tôi đọc lại Tam Quốc Diễn Nghĩa vì không sao quên được hai nhân vật : Tào Tháo và Khổng Minh. Có thể nói : mỗi lần đọc lại là một lần nữa "tìm hiểu" hai nhân vật đó.

Tào Tháo, khỏi nói : chàng là nhân vật đậm nhân tính phong phú nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Tác giả nhắc đi nhắc lại : nó là kẻ gian hùng. Đông đảo độc giả cũng nghĩ vậy trong vài thế kỷ liền. Bất kể đánh giá thế nào, chàng là một nhân vậtkhông thể quên được. Vì quá nhân ? Lưu Bị và Tôn Quyền, ta nhớ như nhớ cốt truyện, thế thôi. Ở Tào Tháo, ta nhớ một con người. Tạo ra được một nhân vật gian hùng cỡ ấy, trong văn chương Trung Quốc chỉ có một người, một lần. Vì thế nhân vật Tào Tháo đã trở thành biểu tượng của kẻ gian hùng trong văn chương và trong đầu người tại những nước chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa.

Khổng Minh là biểu tượng ngược lại : quân sư của muôn đời. Nhân vật Khổng Minh trái ngược với Tào Tháo. Khổng Minh là biểu tượng cho quân tử nhà Nho. Nếu ta ghi trên một trang giấy tất cả tài năng, đức hạnh, thậm chí phong cách sống, ăn nói, hành động, của Khổng Minh, ta phải kết luận : là một ông Thánh, không là một con người, không thể nào biến thành nhân vật của nghệ thuật tiểu thuyết. Cái gì cũng biết, cũng đoán trước được, kể cả suy nghĩ, tấm lòng của tha nhân ; khi cần còn gọi gió vẫy mưa, cầu sao Bắc Đẩu đổi nhân mệnh, e tutti quanti. Nhân vật toàn hảo cực kỳ khuôn mẫu, không thể nào biến thành nhân vật trong lòng ta khi ta đọc văn.
Thế mà ta không quên được. Đích thực, Khổng Minh ở ta là một nhân-vật. Suy nghĩ mãi, ta đến kết luận này : nhân tính của Khổng Minh không ở tài năng, đức hạnh, phong cách. Nó hình thành xuyên qua nghệ thuật tác tạo nhân vật của tác giả, xuyên qua quá trình đọc văn của ta. Nó là một mảnh người của tác giả khi hành văn. Nó là một khả năng làm người ở ta.

Một nét đặc thù của nghệ thuật hành văn ấy là :
A/ Nhân vật Khổng Minh xuất thân huyền thoại, vào đời, nên người, rồi trở thành con người huyền thoại.
B/ Lúc đầu, nó chỉ là huyền thoại trong đầu tha nhân. Vào đời, nhập cuộc, mỗi lần nó xuất hiện, xuyên qua hành-động, nó lộ thêm một nét người, một tài năng.
Dùng hành động để xây dựng nhân vật là một kỹ thuật hành văn cơ bản trong sáng tác tiểu thuyết.
C/ Cuối cùng, một đời hành động trong thời cuộc đã tái tạo nét người cho huyền thoại ; chết đi, con người đó biến thành một huyền thoại về con người, một nhân vật văn chương.
Nhân vật Khổng Minh xuất hiện ở những chương 30 của Tam Quốc Diễn Nghĩa và chết ở cuối truyện, chương 104. Chàng còn sống, tương lai chàng còn mở, mỗi lần chàng xuất hiện, ta gặp một con người mới. Chỉ lúc chàng chết, ta mới thấy được tầm vóc, tâm hồn của một nhân vật hoàn chỉnh, ta mới biết được chàng là con người như thế nào, chàng là ai. Chính lúc đó, chàng chẳng còn là gì cả ! Tuyệt.
Ôi, tác tạo nhân vật kiểu này, từng nét một, xuyên qua hơn 70 chương tiểu thuyết cực hấp dẫn, giữa hàng trăm nhân vật "độc đáo" khác nhau ở một thời đại rối loạn tù mù, từ cổ tới kim, ai là người làm được ? La Quán Trung.
Nào, thử xem La Quán Trung xây dựng nhân vật Khổng Minh như thế nào qua một số lần Khổng Minh xuất hiện, ra tay. Dĩ nhiên không thể đầy đủ trong bài ngắn này.


1/ Khổng Minh, con người của huyền thoại.
Khổng Minh xuất hiện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa qua… lời đồn ! Lại là lời đồn của bậc hiền triết như Tư Mã Huy : tài năng chỉ có thể ví với Lã Vọng, Trương Lương, hai nhân vật huyền thoại trong sử và văn chương Trung Quốc. Ông không là nhân tài bình thường, là bậc thánh, là con người của huyền thoại.
Chính Từ Thức, quân sư của Lưu Bị, đã giúp Lưu Bị lần đầu tiên đánh thắng quân Tào Tháo, khẳng định điều ấy : "Tài người đó chẳng khác Lữ Vọng, Trương Lương."2
Lưu Bị cần có một con người như thế mới có thể thực hiện tham vọng kinh bang tế thế của mình : trong quá trình tìm gặp Khổng Minh, Lưu Bị tự ví mình với Tề Hoàn Công và Văn Vương ! Ở đây, nhân vật Khổng Minh mà ta tiếp cận là Khổng Minh trong tham vọng của Lưu Bị, con người huyền thoại của một cá nhân. Hay.
Tài năng đã thế, dáng dấp lại tiên phong đạo cốt, nay đây mai đó với gió trăng, phong cảnh, bạn bè, và… thơ. Một tiên ông Lão-Trang mẫu mực. Rất nhạt, nếu không có khao khát chiếm thiên hạ của Lưu Bị.


2/ Khổng Minh, kẻ bất cần đời, bất cần ai.
Người khác phải cầu cạnh Khổng Minh, Khổng Minh không bao giờ cầu cạnh ai. Lời nói đầu tiên của Khổng Minh khi xuất hiện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa là : không.
Từ Thứ đích thân tìm Khổng Minh xin chàng ra tay giúp Lưu Bị, liền bị khước từ :
"Khổng Minh không vui mà đáp :
- Ông muốn đem tôi làm vật hy sinh hay sao ? Nói rồi quay vào."
Qua lời mời của Từ Thứ, Khổng Minh thừa biết Lưu Bị sẽ đến cầu hiền. Chàng buộc Lưu Bị phải đích thân đến cầu mình ba lần, lần cuối còn phải đội mưa tuyết mà đến. Chàng tiếp Lưu Bị như thế này :
"Mộng lớn ai người sớm tỉnh ra?
Bình sinh ta vẫn biết mình ta.
Lều tranh no giấc, bừng con mắt!
Bóng ác ngoài song đã xế tà...
Ngâm dứt, quay mình lại hỏi tiểu đồng:
- Có tục khách đến nhà chăng?"
Chưa chạm mặt nhau, đã dằn mặt nhau : trong mắt Khổng Minh, Lưu Bị chỉ là một tục khách.
Đối thoại với Khổng Minh, Lưu Bị không bao giờ dám có lời lẽ hay thái độ của vị quân vương đối với thần tử, dù trong quan hệ cầu hiền, luôn luôn năn nỉ Khổng Minh vì sinh linh của thiên hạ mà ra tay cứu đời :
- Nếu tiên sinh không ra giúp thì thiên hạ biết chừng nào mới êm ấm được và sinh linh còn trông mong ai cứu vớt nữa?
Như vậy là rõ. Trước khi hợp tác hành đông, hai bên đã khẳng định nhân cách và thế đứng của nhau, với nhau. Quan hệ giữa Khổng Minh và Lưu Bị chỉ có thể là quan hệ thày-trò, không thể là quan hệ vua-tôi. Thày có thể bỏ qua cho trò vài tiểu tiết, trò không thể ra lệnh và ép thày phục tùng mình. Hành động đầu tiên của Khổng Minh sau khi trở thành quân sư của Lưu Bị xác nhận điều ấy : Lưu Bị bảo Khổng Minh giúp kế thoát thân cho Lưu Kỳ. Viện cớ không can thiệp vào việc nhà của người khác, Khổng Minh… từ chối.
Khổng Minh rời lều tranh, lại thêm nột nét người :
"Em hãy ở nhà chăm lo cày ruộng, chớ để ruộng rẫy hoang rậm nhé. Một ngày kia thành công rồi, anh sẽ trở về đây nương tựa.
Thân chưa bay nhảy, tính lui rồi,
Ngày khác thành công, hẳn nhớ lời.
Bởi Chúa nghiêng lòng đem phó thác,
Trận tiền gió lạnh, ánh sao rơi... "

Bỏ câu cuối, đúng là thơ con cóc.
Khi viết 4 câu thơ này, tác giả thừa biết mình sẽ kết liễu đời nhân vật như thế nào ở cuối truyện. Nhưng độc giả lần đầu đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa làm sao biết được ? Chất thơ ở tính thê lương kỳ bí của câu chót. Nó giúp độc giả đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa lần thứ hai thưởng thức nghệ thuật tác tạo nhân vật tiểu thuyết của tác giả : từng nét, từng nét một, xuyên qua hàng chục chương hồi.


3/ Khổng Minh, nhà chiến lược chính trị - quân sự
Nét người này cũng xuất hiện ngay trong cuộc gặp gỡ đầu giữa Khổng Minh và Lưu Bị, làm rõ nghĩa câu ví Khổng Minh với Khương Tử Nha và Trương Lương.
Chia ba thiên hạ, nhường Thiên-thời cho Tào Tháo, Địa-lợi cho Tôn Quyền, giành lấy Nhân-hoà để chiếm Kinh Châu, Ích Châu, liên kết với Tôn Quyền, đánh Tào Tháo.
Chỉ thế, may ra (bi kịch ở chỗ này), mới phục hưng được nhà Hán.


4/ Khổng Minh, nhà chiến thuật - quân sự, điêu luyện cả hoả công lẫn thuỷ công
Chương 39, hai trận thắng Tào ở Tân Dã, Khổng Minh lộ thêm hai nét người.
Thử thách quân sự đầu tiên đối với Khổng Minh không là đối địch, là đối đầu với người phe mình.
Trước khi dụng binh, phải biết khiển tướng. Quan Công và Trương Phi ganh ghen Khổng Minh. Hầu hết chư tướng và ngay cả Lưu Bị nghi ngờ tài quân sự của Khổng Minh. Khổng Minh biết thế, phảidựa vào quyền năng của Lưu Bị để khiển tướng, tức là bước đầu lệ thuộc Lưu Bị, bắt đầu làm tôi. Làm thánh trong trời đất, một mình, làm được. Làm bất cứ gì đáng kể trong nhân giới, phải làm với tha nhân. Hè hè.
Cho ta dịp thưởng thức những đối thoại lý thú sau, không cần giải thích :
"Chẳng bao lâu, có tin báo:
- Hạ Hầu Ðôn kéo quân đến đánh, đang thẳng tiến về hướng Tân Giã.
Trương Phi nghe tin, bảo Vân Trường:
- Chuyến này cứ để Khổng Minh đánh trước, xem hắn nghênh địch như thế nào?
Hai tướng đang trò chuyện thì có tin Huyền Ðức gọi vào.
Huyền Ðức nói với Quan, Trương:
- Hạ Hầu Ðôn kéo binh mười vạn đến đánh Tân Giã, hai em có mưu kế gì chăng?
Trương Phi hỏi lại:
- Sao đại ca không sai "nước" ra nghênh địch?
Huyền Ðức cau mày:
- Trí lược thì nhờ Khổng Minh, dũng lược thì cậy có hai em! Ðừng phân bì như vậy.
Quan, Trương không dám nói nữa, lẳng lặng lui ra.
Huyền Ðức lại mời Khổng Minh vào thương nghị. Khổng Minh nói:
- Chỉ sợ hai tướng Quan, Trương không chịu nghe lệnh của tôi thôi. Nếu Chúa công muốn để tôi hành binh thì phải ban cho tôi ấn kiếm mới được.
Huyền Ðức lấy ấn kiếm trao cho Khổng Minh.
Khổng Minh liền tụ tập chư tướng lại truyền lệnh.
Trương Phi nói với Vân Trường:
- Anh em ta cứ đến đó nghe lệnh, xem hắn điều khiển ra sao?
Nghe xong, Vân Trường hỏi:
- Chúng tôi đều phải đi nghinh địch. Vậy chẳng hay Quân sư làm việc gì?
Khổng Minh điềm nhiên đáp:
- Ta chỉ ngồi giữ huyện thành này.
Trương Phi cười ha hả nói:
- Chúng tôi đều phải lăn lưng vào chỗ chém giết, còn Quân sư thì ngồi nhà, thung dung dữ a?
Khổng Minh giơ gươm lên, lớn tiếng nói:
- Ấn kiếm ở đây, nếu ai sai lệnh, ta sẽ chém đầu.

[Vứt bỏ hai từ "nếu" và "sẽ" thì văn chương hơn, hợp với phong cách của Khổng Minh hơn. Cứ xem sau này Khổng Minh trị tướng, Quan Công, Nguỵ Diên, e tutti quanti, thì biết. phđ]
Trong trận đánh ở đồi Bác Vọng, Khổng Minh tỏ rõ là người am hiểu địa lýgiỏi dùng hoả công, lấy ít thắng nhiều, lấy nhược thắng cường, dùng mưu thắng địch. Trí thắng dũng.
Ngay chương sau, trong trận Bạch Hà, lại thêm nét người : ung dung ngồi uống rượu điều binh kiển tướng nơi trận tiền dựa vào mưu kế phóng hoả công, dựa vào địa thế dụng thuỷ công, thắng Tào Tháo.
Từ đó, Khổng Minh tự tạo cho mình hình ảnh của kẻ kỳ mưu khiến Tào Tháo khiếp đảm : gặp chuyện bất ngờ, liền cho là "mắc mẹo" của Khổng Minh ! Lại thêm một nét người qua nhãn quan của người khác. Tuyệt.
Tác tạo nhân vật xuyên qua hành-động là như thế.


5/ Khổng Minh, nhà ngoại giao lỗi lạc, kẻ thuyết khách tuyệt vời, nhà văn hoá bất hủ, nhà tâm lý xuất sắc

Chương 43, Khổng Minh khẩu chiến với anh tài Đông Ngô, lại thêm mấy nét người : nhà ngoại giao, kẻ thuyết khách, nhà văn hoá, nhà tâm lý.
Nhà ngoại giao lỗi lạc : ở thế thua kém, tuyệt vọng, dựa vào lợi ích và khát vọng của tha nhân, giành thế chủ động, chi phối con người và thời cuộc.
Kẻ thuyết khách tuyệt vời, nhà văn hoá bất hủ : cuộc tranh luận giữa Khổng Minh và anh hào văn võ Đông Ngô quả là áng văn bất hủ, đọc đi đọc lại không chán. Nó cho ta một dịp tìm hiểu những quan điểm khác nhau, trái ngược nhau, về tài và đạo đức trong thế giới nho giáo :
"- Trong Nho giáo cũng có chia ra hai hạng: quân tử nho và tiểu nhân nho."
Nhà tâm lý xuất sắc : cuộc xét xử tâm lý của Khổng Minh đối với Tôn Quyền và Châu Du vô cùng lý thú.


6/ Khổng Minh, chuyện lớn, có tầm nhìn chiến lược ; chuyện nhỏ, có mưu mẹo quỷ khốc thần sầu
Chương 46, Khổng Minh lại lộ thêm một nét người bằng hành động : nhờ am hiểu thiên văn, địa lý, phong thổ, đoán được trận sương mù trên sông Trường Giang, ung dung ngồi thuyền uống rượu ngắm cảnh sương mù bát ngát đổ xuống Trường Giang, vay Tào Tháo 10 000 mũi tên trao cho Châu Du, bảo vệ tính mạng mình. Tác giả kể chuyện tài tình, hấp dẫn. Tác dụng nghệ thuật cơ bản của nó là từng nét xây dựng những nhân vật Lỗ Túc, Châu Du, Khổng Minh, trong tâm thần độc giả. Đối với Lỗ Túc, Châu Du, không mang lại gì mới. Đối với Khổng Minh, quả đã thêm một nét người : ngay trong chuyện "nhỏ nhặt" bất kham nên chí tử, cũng có sáng kiến khác thường :
"- Làm tướng mà không biết xem thiên văn, không thông địa lý, không có thuật lạ, không biết âm dương, không thạo binh thư, không biết trận đồ, không rõ binh thế... đó là tướng dở. Trước ba ngày, Lượng này coi khí tượng và đã đoán biết đêm nay có sương mù dày đặc, nên mới dám chịu một thời hạn gấp như vậy. Chứ Công Cẩn cho ta mười ngày để làm tên, mà thợ thuyền bê trễ, vật liệu không cấp đủ, thì mấy tháng cũng không xong! Rõ ràng Công Cẩn muốn giáng cho ta cái tội "phong lưu" vạ miệng, cố ý giết ta, nhưng làm sao hại ta được? Số mệnh ta tại trời!
- Cái quỷ kế nhỏ mọn ấy, có gì là lạ?"


7/ Khổng Minh, người không nhục mệnh nhưng biết giữ mình
Chương 49, vừa giúp Châu Du thắng Tào vừa giữ mình, Khổng Minh lại lộ thêm một nét người : biết trân trọng sinh mạng của chính mình, rất khác những anh hùng khác trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Chuyện Khổng Minh cầu gió Đông Nam ba ngày liền cho phép Châu Du dụng binh phá Tào cứ như huyền thoại. Ngày nay, qua météo, người PhuLăngXa có thể biết trước thời tiết sẽ biến đổi thế nào trong vòng một tuần, 12 ngày. Đại khái đúng. Ngoài ra, người ta đã phát hiện rằng có loài sinh vật có khả năng "tiên đoán" những thay đổi to lớn bất ngờ trong thời tiết ở từng nơi. Ở đây, Khổng Minh có kiến thức hay có phép lạ không quan trọng lắm. Quan trọng là chàng là người biết giữ thân. Vào tử địa, chàng không sợ. Nhưng chàng không bao giờ nổi hứng anh hùng suông, coi nhẹ tính mạng đeo danh hão, chàng biết quý mạng mình, giữ mình để làm chuyện mình muốn làm. Xây đàn cầu gió Đông Nam, chàng rút lui khỏi trận tiền, nhường toàn bộ công trạng phá Tào cho Châu Du, tránh lưỡi đao sát thủ của Châu Du, giữ thân thực hiện chiến lược của mình : chiếm Kinh Châu rồi Ích Châu dùng làm bàn đạp phục hưng nhà Hán, bình thiên hạ. Khác hẳn những anh hùng khác trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, kiểu Quan Công, Trương Phi, Triệu Tử Long, nhiều tướng Tào hay tướng Ngô.


8/ Khổng Minh, con người biết trị quân
Cũng trong chương 49, điều quân chiếm trọn Kinh Châu, một nét người mới xuất hiện ở Khổng Minh : tài năng trị quân. Trong thời loạn, muốn trị quốc phải biết trị quân. Muốn trị quân, phải biết trị tướng. Chuyến này, Khổng Minh lại trị Quan Công, không dựa vào uy quyền của Lưu Bị như khi ở Tân Dã, dựa vào tài năng của chính mình trực diện với Quan Công qua một cuộc thách thức chí mạng : đánh cuộc với Quan Công về đường tháo lui của Tào Tháo. Ai thua, phải nộp thủ cấp. Chưa tự mình trị được Quan Công, Khổng Minh không thể tự mình điều khiển Quan Công, điều khiển toàn quân của Lưu Bị.
Nhân dịp này, Khổng Minh không chỉ trị Quan Công thôi, trị luôn cả Lưu Bị và Trương Phi :
"Thấy khổng Minh sai chém Quan Vân Trường, Huyền Ðức lật đật nói :
- Xin quân sư thể tình ba anh em chúng tôi đã kết nghĩa cùng nhau mà ghi tội Vân Trường vào sổ để y đoái công chuộc tội. Khổng Minh chấp thuận."


9/ Khổng Minh, con người biết dùng dư luận để chi phối thời cuộc
Những chương tiếp thuật chuyện Lưu Bị qua ở rể nơi Tôn Quyền lại khiến Khổng Minh lộ thêm nét người mới : khơi dư luận để chi phối thời cuộc, dùng nhân tình và luân lý thông thường để lũng đoạn địch nhân. Lý thú.


10/ Khổng Minh phóng bút giết người
Chương 57, khích chết Châu Du rồi khóc Châu Du, Khổng Minh lại lộ thêm hai nét người độc đáo : phóng bút giết người, hành văn khóc kẻ thù tri kỷ :
"Từ nay tri kỷ, biết ngỏ cùng ai ?"


11/ Khổng Minh, kẻ trị dân, trị nước
Hồi 65, Khổng Minh lại lộ một nét người mới : tài thừa tướng kiểu Tiêu Hà trị dân trị nước.
"Huyền Đức mừng lắm, nghe theo lời ấy, sai Gia Cát Lượng định ra luật lệ trị nước, hình pháp hơi nặng. Pháp Chính can rằng:
- Ngày xưa vua Cao tổ đặt ra pháp luật, chỉ có ba điều nhân dân đều cảm phục. Xin quân sư phải rộng hình nhẹ luật để yên lòng dân.
Khổng Minh nói:
- Ngươi chỉ biết một, chưa biết đến hai. Nhà Tần dùng phép dữ dội quá, muôn dân cùng oán, cho nên vua Cao tổ dùng phép rộng rãi để được lòng dân. Nay Lưu Chương nhu nhược, chính lệnh không được nghiêm, thể thống dần dần suy tàn, chiều chuộng cho người ta ngôi chức cho vinh, ngôi cao quá thì sinh hỗn, yêu người ta ân tình chí thiết, ân đằm thắm quá thì sinh nhờn, bởi thế nên nát bét. Ta nay trên dưới có phép tắc, có phép tắc rồi mới biết ơn, tước lộc có hạn có ngữ, có hạn ngữ rồi mới biết vinh. Ân uy gồm đủ, trên dưới có bậc, đạo trị dân như thế là rõ ràng."


12/ Thánh nhân đã nhập cuộc, vĩnh viễn là nhân
Khổng Minh dấn thân không vì quyền lực, danh vọng, phú quý. Vì sinh linh ở đời. Chàng định thành công rồi về ở ẩn nơi thảo lư, nối lại cuộc sống tiên phong đạo cốt.
Nhưng đã dấn thân vào đời, nhập cuộc, khó có thể dứt áo ra đi. Thoát khỏi những ràng buộc với đời do chính mình gây ra và do tha nhân quàng vào mình hoá ra là chuyện bất khả thi. Chính lúc Khổng Minh thành công, thực hiện được điều mình muốn và có khả năng làm, chia ba thiên hạ, tạo cơ ngơi cho nhà Hán phục hưng, chính lúc chàng có thể ung dung quay về cuộc sống cũ, ngôi sao của Khổng Minh bắt đầu lu mờ. Kẻ khiến nó lu mờ không là ai khác… Lưu Bị. Lưu Bị trọng tình anh em hơn trách nhiệm với tổ tiên, đất nước, sinh linh trong thiên hạ, không nghe lời Khổng Minh, dồn hết sinh lực quân sự vào việc đánh Đông Ngô, trả thù cho Quan Công và Trương Phi, hành động ngược lại chiến lược nhất quán của Khổng Minh để bình thiên hạ : Hoà Ngô, đánh Tào. Và nướng trọn vẹn sinh lực quân sự của Ích Châu, đáng lẽ phải dùng vào việc diệt Tào. Sau này, sáu lần đem quân chiếm Kỳ Sơn hòng phá Tào, Khổng Minh thiếu quân lương phải lúng túng nhiều lần.
Khổng Minh nâng Lưu Bị lên làm hoàng đế, Lưu Bị phá nát cơ đồ do Khổng Minh xây dựng, tiêu diệt khả năng thực hiện giấc mơ bình thiên hạ của Khổng Minh.
Không chỉ thế thôi. Trước khi chết, bằng lời lẽ mỹ miều, cao thượng, Lưu Bị buộc Khổng Minh phải phục vụ ý đồ tầm thường của một tiểu nhân : phục vụ đứa con tồi của mình giữ ngôi đế. Dưới sự bảo lãnh của cả triều đình và… Triệu Tử Long ! (chương 75). Khổng Minh đã chấp nhận sự ràng buộc ấy, chẳng thể nào thực hiện được hoài bão bình thiên hạ của mình. Những chương sau cho thấy rõ. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, nếu Lưu Bị đáng là mộtnhân vật thì nhờ nét người này : đại gian hùng.
Từ đó, Khổng Minh hết là thánh nhân, phải sống như người trong thời đại của mình, trong những ràng buộc qua lại của mình với người khác xuyên qua toàn bộ quan hệ xã hội của mình. Đây là nét người đậm nhân tính nhất trong nhân vật Khổng Minh : con người hình thành, tồn tại và phát triển xuyên qua quan hệ tương tác giữa mình với tha nhân. Nó khiến ta cảm được nhân cách của chàng trong hành động và cách ứng xử ở những chương sau.


13/  Khổng Minh, nhà văn trác tuyệt
Khổng Minh nhập cuộc Tam Quốc Diễn Nghĩa bằng một… bài thơ thanh thoát phóng khoáng, rất tiên phong đạo cốt.
Khổng Minh khóc Châu Du bằng một bài điếu tang bi hùng thắm thiết.
Khổng Minh mắng chết Vương Lãng bằng một áng văn nghe như bài hịch nơi trận tiền. Rồi lại viết thư mắng chết Tào Chơn. Một ngòi "chiến" bút kinh hoàng.
Mỗi lần Khổng Minh ngỏ lời, bất kể dưới hình thái nào, lời ấy khắc vào đời một nhân cách.


14/ Khổng Minh, nhạc sư kỳ dị
Chương 94, thêm một nét người thi vị : Khổng Minh mở cửa thành gẩy đàn lui đại quân của Tư Mã Ý.
Đây là lần đầu tiên Khổng Minh "thua" trận, phải rút quân. Trong nghệ thuật quân sự, rút lui là hành động khó nhất : quân bại như núi đổ, làm sao rút lui được ? Cứ xem tàn cuộc trận Xích Bích và trận đánh giữa Lưu Bị và Lục Tốn thì biết.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, rất ít tướng biết rút toàn quân về mà không hao binh tổn tướng. Trong đó có Khổng Minh và Lục Tốn.
Tấn công, phòng thủ, rút lui, đấu trận pháp với Tư Mã Ý sau này, Khổng Minh đều hơn đời.

15/ Khổng Minh, con người dám cưỡng định mệnh
Trước khi lục xuất Kỳ Sơn, Khổng Minh đã biết chuyến ra quân này không lành.
Nhưng vẫn không thể không đi. Bất kể thiên mệnh chính mình phải định đoạt đời mình.
Trụ quân tại Ngũ Thượng Nguyên, đêm xem thiên văn, biết mệnh mình sắp hết, Khổng Minh vẫn không nỡ chết khi việc chưa thành, lập đàn, vung kiếm, cầu sao Bắc Đẩu, xin được sống thêm một kỷ để hoàn thành lý tưởng của mình. Cầu không được, Khổng Minh đành chịu mệnh trời. Trong tờ di biểu tâu với Thiên tử, có khúc văn bất hủ sau :
"Nhà tôi có tám trăm gốc dâu, năm trăm mẫu ruộng, cơm áo con cháu tôi, tự khắc đủ dùng. Đến như tôi, nhiệm ở ngoài, cần dùng thức gì, đã có của công chu cấp, không phải tìm kiếm sinh kế khác. Tôi chết đi không để trong nhà có tấm lụa thừa, ngoài dinh có chút của riêng, để phụ lòng bệ hạ đâu!".3
Đến đây, độc giả mới thấy được nhân cách hoàn chỉnh của nhân vật, hiểu được câu thơ mở bước nhập đời của Khổng Minh : "Trận tiền gió lạnh, ánh sao rơi...".
Con người "thực" trút áo ra đi, y hệt con người thần thoại lúc bước vào đời. Tuyệt.


15/ Một nhân cách
Khổng Minh không có hình hài đặc biệt. Đại khái, mình cao tám thước, tiên phong đạo cốt, ăn mặc kiểu nho gia, đi đứng ung dung, ăn nói điềm đạm, hoạt bát, e tutti quanti. Điều đặc biệt duy nhất : khoác áo lông hạc, ngồi xe con, phe phẩy quạt điều quân. Chẳng có gì đặc biệt ấn tượng ngoài một hình ảnh tự nó chẳng có ý nghĩa gì đáng ám ảnh ta.
Cơ bản, La Quán Trung không tả một nhân vật, ông khiến một nhân cách từ từ hình thành qua hàng chục chương của tiểu thuyết. Nhân cách ấy đặc thù :
- Làm thày thiên hạ, làm gì cũng thành công ; làm người trong thời cuộc, bắt đầu thất bại
- Không làm được tất cả gì mình muốn làm.
- Không chết được như mình muốn chết.
- Nhưng sống được như mình muốn sống : làm những gì thời đại và thời cuộc cho phép mình làm.
- Và, tuy bất mãn, ung dung chết như mình phải chết.
Chính nhân cách ấy, chứ không phải những tài năng lỗi thời đối với người đời nay, đã khiến Khổng Minh tồn tại trong lòng độc giả, dù đời nay độc giả chẳng còn thờ phụng những kiến thức hay giá trị văn hoá Trung Hoa thời phong kiến.
Nghệ thuật văn chương của La Quán Trung ở đó : tác tạo được một phong cách làm người.
Quá trình xây dựng nhân vật thống nhất với quá trình xây dựng cốt truyện, người là truyện, truyện là người. Quá trình ấy chính là quá trình đọc của ta. Chính ta, dưới sự hướng dẫn tài tình của tác giả, đã tác tạo nhân cách trên, ta làm sao quên được ?
Trong lịch sử Việt Nam có một người rất giống Khổng Minh : Nguyễn Trãi. Chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, thơ văn trong mọi hình thái và trong hai ngôn ngữ, đạo đức, mưu lược, phong cách sống và ứng xử, e tutti quanti, không thua, thậm chí hơn Khổng Minh.
Nguyễn Trãi khác Khổng Minh của Tam Quốc Diễn Nghĩa ở một điểm. Khổng Minh, con người của huyền thoại, của văn chương, chỉ khuất phục thiên mệnh thôi. Nguyễn Trãi, con người của lịch sử, phải gánh vác định mệnh do con người bổ xuống đầu người : tru di tam tộc. Văn chương và đời người chia lìa ở đây.

Ngày nay, văn chương thống nhất với đời người là một thế giới nghệ thuật khác. Miễn bàn ở đây.
Dùng ngôn ngữ để tác tạo một nhân cách đáng đi vào huyền thoại văn chương, tồn tại mãi ở người đời, nghĩa là : hành-văn, khi thành công, cũng là mộtnghệ thuật làm người.
Ta khao khát : sẽ có nhà văn Ziao Chỉ làm được chuyện ấy cho những con người Việt ở thế kỷ 20. Lịch sử cận đại của chúng ta thừa nguyên liệu.

P.H.Đ
2015-10-12



1. Tôi thường đọc bản dịch của Tử Vi Lang in trên giấy.
2. Những đoạn trích Tam Quốc Diễn Nghĩa trong bài này, lấy từ :
Không biết dịch giả là ai. Khi không tìm lại được những khúc văn tôi nhớ, tôi mới dùng bản dịch khác.
[khúc văn trên trích từ bản dịch của Phan Kế Bính vì bản dịch trong vnthuquan.net thiếu hụt]
[Từ đâu này đáng giá nghìn vàng ! Không biết nó là của tác giả hay dịch giả ? Chẳng quan trọng gì.]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét