HUYỀN THOẠI CHÚA PHỤC SINH
Đinh Công Cường
Càng đọc kinh thánh và
tài liệu nghiên cứu về đạo Thiên Chúa càng cảm thấy không thể hiểu nổi với một người
thường.
Vào tháng 4.1996, trường Đại Học Los Angeles long trọng tổ chức kỷ
niệm Lễ Phục Sinh năm nay bằng một Hội Nghị Khoa Học với chủ đề "Chúa
Jesus Tròn 2000 Tuổi". Theo sách World
Facts and Dates thì Chúa Jesus sinh vào năm thứ tư trước Công Nguyên, vì vậy năm 1996 Chúa vừa tròn hai
ngàn tuổi. Nhân loại không cần phải đợi tới năm 2000 mới làm lễ kỷ niệm ngày
sinh nhật số một này.
Ngoài ra, Tòa Thánh cũng tổ chức một Hội Nghị Thượng Đỉnh bàn về
Phục Sinh (The Surrection Summit) tại một chủng viện ở New York, qui tụ các
giáo sư thần học, các học giả về ngành triết học , sử học, và khảo cổ để tất cả
hãy cùng nhau "Suy nghĩ lại về sự
phục sinh của Chúa Kitô".
Cuộc họp này kéo dài 4 ngày, từ 8 đến 11.4.1996, dưới sự chủ tọa
của LM Gerald O ' Coollins, giáo sư thần học tại Đại Học Jesuits ' Gregorian ở
Rome. Tất cả các tham dự viên đều là những giới chức trí thức cao cấp trong
Giáo Hội Công Giáo, chỉ có một người duy nhất là Alan Ségal, theo đạo Do Thái,
giáo sư đại học Bernard ở New York. Hội nghị xác định: Niềm tin vào sự Phục
Sinh của Chúa Jesus-Kitô là căn bản của giáo lý Kitô. Đúng như sự khẳng định
của Thánh Phaolô trong thư Ngài viết cho giáo dân ở Corinth: "Nếu Chúa Jesus không sống lại từ cõi chết
thì đức tin của chúng ta đều trở thành vô ích". Quả vậy, niềm tin Kitô
là niềm tin được sống lại sau khi chết. Nếu Chúa đã không sống lại thì Chúa
không còn là đấng linh thiêng vượt trên tất cả mọi người. Nói cách khác, Chúa
không còn là Chúa nữa. Thánh Phao lô còn nhấn mạnh thêm là sự Phục Sinh của
Chúa là trung tâm tín lý vì nếu không có
chuyện Phục Sinh thì đã không có Giáo Hội Ki Tô !
Câu chuyện kể việc Chúa chết 3 ngày sống lại đã là một chuyện đàm
tiếu số một trong nhiều giới xã hội ngay từ buổi sơ khai của đạo Kitô. Người Do
Thái ở Jerusalem cho đó là chuyện bịa đặt để tôn vinh một tên tội phạm chính trị lên thành một "Ông Con
Trời" (Son of God). Giới trí thức Hy Lạp thời đó cũng tin xác loài
người sau này sẽ sống lại, nhưng đó là sự sống lại tập thể của toàn nhân loại
chứ không solo độc diễn như trường hợp của Chúa. Họ gọi sự sống lại của Chúa là
chuyện nhảm nhí của bọn cố chấp.
Trải qua 2000 năm lịch sử, mọi người đều phải công nhận là câu
chuyện Phục Sinh của Chúa Jesus quả có sức thu hút thật mãnh liệt. Triết gia
Đức Ernt Block nhận định: "Chính cái
Huyền Thoại Phục Sinh của Chúa, chứ không phải Bài Giảng Trên Núi (Sermons on
the Mount) của Ngài, đã chinh phục đế quốc La Mã".
Ngày nay, cứ đến dịp lễ Phục Sinh, hơn một tỷ tín đồ Kitô Giáo
khắp thế giới qui tụ thật đông đảo tại các thánh đường để tưởng niệm cái chết
đau thương của Ngài vào Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday). Hôm sau, thứ
bảy là cả một ngày các thánh đường đượm mùi tử khí của nhà mồ với lễ Hôn Chân
Chúa (Holy Saturday). Sáng hôm sau, chủ nhật, bỗng nhiên cả đất trời bừng sáng
hẳn lên với Tin Mừng Chúa đã chiến thắng sự chết để Sống Lại Hiển Vinh (Easter
Sunday) !
Tất cả chỉ là những màn hoạt cảnh được diễn đi diễn lại tại các
nước có đạo Kitô trong 2000 năm qua. Nhưng lạ một điều, sau khi Cộng Sản Nga và
Đông Âu sụp đổ vào các năm 1989 - 91, đạo Kitô đã bị lâm vào một tình trạng bất
ổn. Dường như đạo Kitô đã trở nên không
còn cần thiết cho mục tiêu chiến lược Chống Cộng của quyền lực quốc tế nữa.
Một phong trào xét lại toàn bộ giá trị của đạo Kitô đã được "bật đèn
xanh" và đột nhiên bùng lên dữ dội trong các giới trí thức học giả trên
toàn thế giới.
Chỉ trong 5 năm, từ 1990 đến 1995, có tới dăm chục cuốn sách và
mấy trăm bài báo mổ xẻ đủ khía cạnh chung quanh đề tài Phục Sinh của Chúa. Các
học giả khơi lại không khí bài bác Kitô của Phong Trào Khai Sáng (Enlightenment)
thế kỷ 18 ở Âu Châu. Họ đào bới đủ thứ chứng cớ lấy ra từ những kho sách cổ,
khoa học thực nghiệm hay khoa khảo cổ học để tấn công Chúa Jesus của sự thờ
phượng (the Cultic Jesus).
Thực ra, cách đây 150 năm, triết gia Đức David Strauss đã nêu lên
vấn đề này trong tác phẩm "The life
of Jesus critically examined" với lập luận cho rằng: Các tín đồ đầu
tiên của đạo Ki Tô đã cố tìm mọi cách để gán
cho Jesus đủ thứ huyền thoại về một Đấng Cứu Thế mà mọi người mong đợi.
Ngày nay chúng ta phải tìm cho ra một "Jesus thật" ẩn núp đàng sau
"Jesus của những huyền thoại" đó.
Tới thế kỷ 20, người ta mới ra sức đi tìm "Jesus thật"
(the Real Jesus) mà cựu linh mục tiến sĩ John Dominic Crossan gọi là
"Jesus của lịch sử" (The Historical Jesus). Jesus thật hoặc Jesus của
lịch sử hoàn toàn khác với Jesus của huyền thoại hiện đang được các tín đồ tôn
thờ.
Đặc biệt trong mùa Phục Sinh năm 1996, cả ba tờ tuần báo lớn nhất
nước Mỹ là Time, Newsweek và U.S News and
World Report đều đồng loạt ra ngày 8.4.96 với hình bìa in ảnh Chúa sống lại
và những bài báo nẩy lửa tố cáo chuyện
Phục Sinh của Chúa như một chuyện bịp lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Hầu hết các sách và các hội nghị khoa học về Chúa Kitô đều phủ nhận sự phục sinh của Ngài. Ngay
những nhà truyền giáo của đạo Tin Lành cũng phải nhìn nhận sự phục sinh của Chúa đã trở thành một gánh
nặng (a burden) cho tín lý đạo Kitô, vì nó đã là một trở ngại lớn nhất cho việc
truyền giáo trong giới trí thức hiện nay.
Nhiều nhà truyền giáo cấp tiến đề nghị hủy bỏ tín điều Phục Sinh
để dễ dàng nhận rõ cái vai trò đích thực của Chúa là một nhà cải cách xã hội (a
social reformer) hơn là nhìn về Ngài qua lăng kính sai lầm của huyền thoại.
Theo kết quả điều tra của Viện Harris thì trong thời đại hiện nay,
cái huyền thoại phục sinh của Chúa đã làm cho số tín đồ Kitô Giáo giảm sút mau
lẹ. Chỉ riêng trong năm 1994, số tín đồ Kitô Giáo Hoa Kỳ đã giảm mất 13%. Theo cuộc
điều tra của một tổ chức Công Giáo tại Glendale (California) vào tháng 3.1996,
có tới 30% tín đồ Kitô Giáo Hoa Kỳ không còn tin chuyện sống lại của Chúa nữa.
Học giả Đức Gerd Luderman, chuyên gia khảo cứu Kinh Thánh, tuyên
bố: "Phục Sinh là công thức rỗng
tuếch cần phải được gạt bỏ bởi bất cứ ai có cái nhìn của thời đại khoa học ngày
nay."
Trong cuốn What really
happened to Jesus? (Westminter John Knox Press), Luderman viết: "Thân xác Jesus đã thối rữa trong mồ".
Người đặc biệt nhất là giáo sư John Dominic Crossan, cựu linh mục Công Giáo,
giáo sư lâu năm tại Đại Học De Paul Chicago, đã từng đoạt nhiều giải thưởng của
Hàn Lâm Viện Mỹ về các công trình nghiên cứu lịch sử của đạo Kitô của ông.
Trong tác phẩm Who killed Jesus
(Harper Collins), giáo sư Crossan nhận định: "Ngôi mộ trống rỗng không phải là bằng chứng của sự Phục Sinh mà chỉ có
nghĩa là xác Chúa không còn ở trong đó nữa, càng không có nghĩa là Chúa đã
"bay lên trời", vì lúc đó xác Chúa đã bị chó hoang vào ăn mất tiêu
rồi !". Theo luật La Mã, xác của các tử tội bị đóng đinh đều bị lính
La Mã đem vứt cho thú hoang hoặc kên kên ăn thịt, không một thân nhân tử tội nào được phép đặc cách lãnh xác về chôn cả
!.
Năm 1947, các nhà khảo cổ đã phát giác một kho sách cổ gồm trên
một trăm cuốn viết trên da lừa, trên các thanh gỗ hoặc thanh đồng, được viết
vào thế kỷ IV trước Công Nguyên đến thế kỷ I đầu Công Nguyên. Kho sách quí này
được tìm thấy tại Qumran thuộc vùng sa mạc gần Biển Chết nên được mệnh danh là
"The Dead Sea Scrolls". Sự
khám phá này của ngành khảo cổ đã đem lại cho các học giả nghiên cứu tôn giáo
cơ hội tìm hiểu nhiều bí mật của đạo Do Thái và đạo Kitô.
Nữ học giả Úc Barbara Thiering đã căn cứ vào các tài liệu trên để
hoàn thành tác phẩm rất nổi tiếng "Jesus
and the riddle of the Dead Sea Scrolls" (Harper Collins). Báo Newsweek ra ngày 8.4.96 cho biết cuốn
sách này là cuốn sách bán chạy nhất thế giới trong năm. Theo sự nghiên cứu của
tác giả thì Chúa Jesus không chết trên
thập giá, Ngài chỉ "có vẻ như chết" mà thôi. Lúc đang bị treo
trên thập giá, Jesus kêu khát nước. Một sĩ quan La Mã đã dùng cây giáo đưa
miếng bọt bể (sponge) có thấm một thứ thuốc độc phản ứng chậm (a slow-acting
poison) cho Jesus nhắp. Liều thuốc độc có phản ứng chậm này do một tín đồ của
Jesus tên Simon Magus đã chế ra. Kinh Thánh gọi đó là "chén đắng"
hoặc "dấm". Sau khi uống chất "dấm" hóa học này, Jesus có
vẻ như chết nhưng thực sự chưa chết mà chỉ ở trong tình trạng hôn mê (coma).
Viên sĩ quan trưởng toán hành hình là Longinus lấy chiếc giáo quệt nhẹ (không
đâm) vào cạnh sườn Jesus tạo thành một vết trầy cốt để thử xem Jesus phản ứng
ra sao. Sau khi thấy Jesus không giật mình cựa quậy gì cả, mọi người tưởng
Jesus đã chết rồi. Longinus có lý do chính đáng để tha không đập gẫy hai xương
ống chân của Jesus. Trong khi đó, hai người cùng bị đóng đinh một lượt với
Jesus lúc đó còn sống đều bị lính La Mã đập gẫy ống xương chân. (Xin chú ý một
điều đây là một biệt lệ chưa từng có và là một đặc ân khác thường mà trưởng
toán hành hình Longinus cố ý dành riêng cho Jesus vì viên sĩ quan này là đệ tử
bí mật của Ngài). Hai tử tội kia, sau khi bị đập gãy ống xương chân, sức nặng
thân xác làm toàn thân họ bị chùng xuống vì không còn chân đỡ và sự quá đau đớn
làm họ ngất xỉu, đầu họ rũ xuống ngực khiến cho cổ bị nghẹt không thở được, nạn
nhân chết ngộp trong khoảnh khắc. Nếu lính La Mã đập gẫy hai ống xương chân của
Jesus thì lịch sử nhân loại đã thay đổi và có thể thế giới đã trở nên tốt đẹp
hạnh phúc hơn ngày nay bội phần vì ít nhất đã không bị Công Giáo La Mã (lừa dối)
làm cho nền văn minh nhân loại bị lùi lại 15 thế kỷ!.
Chỉ vài giờ sau khi uống thuốc đắng độc chất hóa học, Jesus đã
được đồ đệ tháo xác và đem đi cấp cứu. Vài ngày sau Ngài phục hồi sức khỏe và
gặp người vợ yêu quí của Ngài là bà Magdelene. Bà Magdelene nguyên là một cô
gái điếm nhưng rất mực yêu thương Jesus. Bà không được Kinh Thánh nhắc nhở
nhiều vì sợ làm mất đi sự tôn nghiêm của "Thiên Chúa Hóa Thân" và vì
thế bà không được Vatican phong thánh! Bà đã có 3 đứa con với Jesus nhưng sau
đó Jesus đã bỏ bà để lấy cô gái Lydia trẻ đẹp. Nhiều học giả nghiên cứu Thánh
Kinh không tin những chuyện nói trên nhưng họ cho rằng những chuyện trong Thánh Kinh kể về sự phục sinh
của Chúa cũng chẳng có giá trị gì hơn.
Tuần báo U.S News and World
Report số ra ngày 8.4.96 đã viết:
"Áp
dụng phương sách phân tích văn bản và các qui luật xác định chứng liệu, 50 giáo
sư chuyên khoa tôn giáo của hội nghị * đã kết luận cho rằng chưa tới 20% những lời nói và hành động của
Jesus trong Thánh Kinh là đúng sự thật. Nhất là những lời cầu nguyện hoặc
lời nói của Jesus trên thập giá và những điều ám chỉ Jesus là Thiên Chúa, là
được sinh ra bởi bà mẹ đồng trinh, là đấng làm phép lạ, là đấng đã sống lại từ
cái chết". (Applying some conventional methods of textual analysis and
other disputed rules of evidence, the seminar made up of about 50 religion
professors conclude that no more than 20 percent of the sayings and even fewer
of the deeds attributed to Jesus are authentic. Among the castoffs: the Lord's
prayers, the sayings on the cross and any claims of Jesus to divinity, the
virgin birth, most of his miracles and his body resurrection)
Kinh Thánh không đưa ra
được một nhân chứng nào về sự phục sinh của Chúa Kitô. Đến nỗi vị thánh nổi
tiếng về thần học là Thánh Ignatius cũng còn phải than: "Chúa Jesus đã sống lại trong sự im lặng hững
hờ của Thượng Đế !". Các cuốn Tân Ước viết về phục sinh, mỗi cuốn nói một kiểu và mâu thuẫn nhau.
Matthew nói người Chúa gặp đầu tiên sau khi sống lại (hay tỉnh dậy?) là bà
Magdelene tại vườn cây của Joseph Arimathea. Luke thì lại kể rằng người Chúa
gặp đầu tiên là thủ lãnh các tông đồ, tức Phêrô, tại Jerusalem! Còn Mark thì
xác định sau khi sống lại, Chúa chẳng gặp ai cả. Cả ba cuốn sách của chân lý
tuyệt đối nói về ba chân lý khác nhau
khiến cho chúng ta ngày nay phải bối rối và nghĩ rằng phải có một chân lý thứ
tư: Các cuốn Thánh Kinh Tân Ước là những
cuốn sách gồm những chuyện bịa đặt về Jesus nhằm Ki-tô-hóa nhân vật phàm tục
này. Những chuyện bịa về phục sinh đã làm cho ngay chính môn đệ ruột của
Jesus là Thomas cũng phải nghi ngờ.
Phúc âm của John (20: 24-27) kể rằng: Thomas là một trong 12 môn
đệ của Chúa. Sau khi sống lại, Chúa đến thăm các môn đệ của Ngài thì Thomas bữa
đó lại đi vắng. Lúc trở về nhà, Thomas nghe các tông đồ khác thuật chuyện Chúa
đã sống lại rồi, Thomas không tin. Thomas nói: "Chỉ khi nào tôi thấy tận mắt các lỗ đinh trên tay chân ngài và được
thọc tay vào lỗ giáo đâm trên cạnh sườn Ngài thì tôi mới tin". Tám
ngày sau, Jesus trở lại căn nhà của các tông đồ, lúc đó mọi người đều đã qui tụ
đông đủ để chờ đón Ngài. Cửa ra vào và các cửa sổ đều được đóng chặt, nhưng
Chúa đã xuất hiện ở trong nhà như một hồn ma và đứng giữa đám họ. Chúa nói với
Thomas: "Con hãy đặt tay lên lỗ đinh
trên tay chân ta và hãy cho tay vào lỗ giáo đâm trên cạnh sườn ta. Con đừng
nghi ngờ gì nữa. Phúc cho kẻ nào không
thấy mà tin."
Vì quá tin vào Lời Chúa trong Phúc âm của John, hầu hết tín đồ Ki Tô Giáo thường ít thắc mắc về
những điều vô lý trong tín điều Phục-sinh cũng như trong các tín điều khác,
bởi vì không thấy mà vẫn cứ tin bừa thì mới có phúc thật. Câu nói: "Phúc
cho kẻ nào không thấy mà tin" đã trở thành nền tảng trong hai ngàn năm qua cho một thứ Đức Tin Mù (The Blind
Faith) - một thứ đức tin của loài người bán khai vì nó hoàn toàn không cần xử
dụng tới cái dụng cụ quý giá nhất ở con người thông minh là lý trí.
Số báo đặc biệt nhân dịp lễ Phục Sinh năm 1996, với chủ đề in trên
trang bìa "Rethinking the
Resurrection – A New Debate About the Risen Christ" (Xét lại Hiện tượng Phục
sinh - Một Tranh luận mới về Giêsu Phục sinh), tờ tuần báo nhiều độc giả nhất thế giới là Newsweek (ngày 8 tháng 4) đã kêu gọi các tín đồ Kitô Giáo hãy suy xét lại niềm tin tôn giáo của mình xem
có phải là đức tin mù hay không.
Đinh Công Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét