NHÃ
CA – CÁI VIẾT RA MỚI THỰC SỰ QUAN TRỌNG
Nguyễn
Xuân Hoàng
Tôi không biết mình đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần những trang
sách trong Hồi Ký Một Người Mất Ngày
Tháng của Nhã Ca. Những dòng chữ khô, lạnh, bén, sắc và ngắn như nhát dao
đâm xoáy vào trái tim. Như một cái buá nện xuống một bàn tay đang bám vào
vách đá chờ được kéo lên. Những dòng chữ “phẫn nộ” có thể làm những đôi mắt
khô khốc phải ứa lệ.
“Suốt
buổi chiều, tôi ngồi với giỏ thăm. Xếp vào. Xếp ra. Nhìn. Rờ rịt. Anh còn mê
man. Anh chưa nhìn thấy món ăn con thơ này. Dọn lên. Mắt mũi các con. Dọn
lên. Tim gan các con. Dọn lên. Nước mắt các con, nước mắt Mẹ…. Tôi nằm xuống
lúc nào không hay. Lúc tỉnh được dậy sau cơn mê mệt, giỏ thăm nuôi đổ, mấy
gói cá muối bị xé rách, tung toé. Nơi lỗ cầu tiêu, lại nó, con chuột. Cặp mắt
nhỏ như hai hạt đậu, tinh quái, thập thò. Ngày mấy? Tháng mấy? Còn hỏi làm gì
nữa.” [1]
Nhân vật “anh” là thi sĩ Trần Dạ Từ và các con thơ của anh chị.
Và khung cảnh là một phòng kiên giam dành riêng cho một người. Điều gì đã
khiến một Trần Thy Nhã Ca với “buồn như lá cây, hồn thơ dại, xanh xao tháng
ngày, …” [2] phải viết ra những dòng chữ trần trụi lạnh
lùng đến như thế? Câu trả lời đã rõ. Nhưng viết được như thế không phải là
tưởng tượng của một nhà văn, và không chỉ là kinh nghiệm của một người đã
trải nghiệm những nỗi đau đó. Viết được như thế có nghĩa là đã phải sống như
thế. Và hơn là như thế! Bởi vì, có bao nhiêu người đã từng sống như thế để có
được một Nhã Ca như thế? Đó cũng là một câu hỏi đã có câu trả lời.
Chị đã đi trên một con đường đầy gai nhọn, không tên gọi, không
ngày tháng. Con đường máu và nước mắt. Con đường của một nỗi đau bị nén lại,
một hạnh phúc bị chia cắt, bầm dập. Con đường mà ai đã đọc hồi ký của chị sẽ
chảy nước mắt, nhưng chính những dòng chữ của chị chỉ là sự lặng câm.
Phải là một người có ý chí mạnh mẽ mới có thể đứng vững được
trước những sóng gió của cơn hồng thuỷ 30 tháng Tư, 1975 đổ ập xuống Sài Gòn.
Mặc dù, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều người đã trụ được. Nhiều ngưòi
đã đứng dậy được. Nhưng từ một thiếu nữ lớn lên ở Huế, thành phố trang nghiêm
và khắt khe, …. Trần Thị Thu Vân đã làm những bước nhảy vọt lớn: từ Huế cổ
kính nhảy vào Sài Gòn phóng khoáng, rồi nổi tiếng với những bài thơ, nổi
tiếng hơn với Đêm Nghe Tiếng Đại Bác,
với Giải Khăn Sô Cho Huế và thình
lình bị đẩy rơi từ một thể chế này xuống một thể chế khác như lao từ đỉnh cao
xuống vực thẳm của một nỗi đau ngất, rát nhức như muối xát trên những vết
thương còn tươi rói. Chị là người đi trên một sợi giây xiếc giữa sống và
chết, một bên là cái sống mong manh và một bên là cái chết lúc nào cũng giang
tay chờ đợi. Tất cả những gì chị có đều bị tước đoạt, trần trụi, trơ trọi,
bức rời. Sau nhà tù nhỏ sẽ là nhà tù lớn: Một người đàn bà với đàn con thơ
dại và hai bàn tay trắng đứng giữa chợ đời.
Làm sao có thể viết được giữa một hoàn cảnh như thế? Phải đợi 16
năm sau, khi cả gia đình chị ra khỏi Việt Nam, Hồi Ký Không Ngày Tháng của Nhã Ca mới ra đời. Đây không phải chỉ
là một ghi chép lẫn lộn thời gian và kỷ niệm. Hồi Ký đó là một tiếng nói mạnh
mẽ của con người trước một thế giới bị tan rã, một tiếng chuông cảnh tỉnh của
một vũ trụ bị mê đắm trong u minh.
Bao lâu còn chiến tranh – bất cứ một cuộc chiến nhân danh chủ
nghĩa nào – tiếng nói ấy cần phải được cất lên, tiếng chuông ấy cần phải được
gióng lên, thông điệp ấy cần phải được lắng nghe.
Người đọc biết Trần Thy Nhã Ca với “Bài Nhã Ca Thứ Nhất”, mở đầu cho một dòng thơ mới trong văn
chương Việt Nam từ năm 1960. Nhưng thật ra trước đó, từ năm 1955, chị đã từng
làm thơ học trò ký tên Thu Vân, đăng trên các tuần báo Văn Nghệ Học Sinh, Văn
Nghệ Tiền Phong tại Saigon, chưa kể thơ thời bích báo tiểu học, trung học. Và
trước đó nữa, từ năm 1954, khi mới 15 tuổi cô bé Thu Vân đã viết truyện dài
đầu tiên có tựa là “Đường Một Chiều”.
Đó là thời cuối trận chiến tranh Việt-Pháp. Chị nói: ‘Truyện được viết theo “đơn
đặt hàng” của ông anh trong nhà, để đăng từng kỳ trong báo “Hồn Xuân”, tờ báo
chép tay của một nhóm văn nghệ choai choai tại Nam Giao, Huế. Còn nhớ, người
chủ trương nhóm báo Hồn Xuân là anh Tôn Thất Chi, người vẽ bìa số báo đầu
tiên là ông anh Trần Văn Lễ. Sau đó có hiệp định Geneve ngưng chiến, chia đôi
đất nước, rồi di cư, tập kết. Báo Hồn Xuân chỉ mới “xuất bản” được ba số thì
đành tự “đình bản”. Truyện dài đầu tay “Đường
Một Chiều” vĩnh viễn dang dở.”
Giờ đây đọc lại thơ và truyện Nhã Ca của những năm Sáu Mươi, Sáu
Mươi Tám, Nhã Ca của 1975 và môt Nhã Ca của 2005, người ta khám phá ra một
khuôn mặt văn chương đã đi qua hạnh phúc và khổ đau, đi qua một tình yêu lớn,
đi qua những thao thức và chờ đợi, đi qua những phút giây làm mẹ và trải
nghiệm qua biết bao nỗi đau làm người.
Nhã Ca kể lại báo chữ in đầu tiên của chị sau khi đã làm báo
tường báo chép tay là tờ “Văn Nghệ Học Sinh”, do nhà báo Giang Tân làm Tổng
Thư Ký. Chủ nhiệm, chủ bút là ông Lê Bá Thảng, chánh văn phòng của Bộ Trưởng
Thông Tin Trần Chánh Thành.
Thơ, tuỳ bút, truyện ngắn ký tên Thu Vân được liên tiếp chọn
đăng. Những “tác giả” có bài đăng trong tờ báo “văn nghệ họcsinh” này về sau
thành bạn nhau. Khởi đầu có Lê Đình Điểu (làm thơ tình với bút hiệu Y Dịch,
viết khôi hài với bút hiệu Lê Ngông Nghênh), Nguyễn Thụy Long (viết truyện
mộng mơ với bút hiệu Mặc Lan Giao). Tiếp theo, có Lê Tất Điều (viết truyện
con nít thật dễ thương với bút hiệu Ái Nhân); Dương Nghiễm Mậu (triết lý như
một ông già với bút hiệu Hương Việt Hương); Đỗ Quí Toàn (làm thơ với bút hiệu
Đỗ Quí), Viên Linh (thơ sáu chữ, thơ lục bát số một), Nguyễn Khắc Nhân (viết
tuỳ bút giọng miền Trung với bút hiệu Thùy Nhân), Tô Tam Kiệt (thơ chiến đấu
hùng dũng)... Thình lình, vào khoảng 1956, bỗng thấy Điểu và Long giới thiệu
cho chàng thi sĩ Hoài Nam, người sau này sẽ là Trần Dạ Từ ...
Trần Dạ Từ, tình yêu đầu tiên và sau cùng của chị. Chị nói: “Ừ,
thì đó, chuyện giản dị vậy thôi. Hai đứa quen nhau qua tờ Văn Nghệ Học Sinh,
do Lê Đình Điểu và Nguyễn Thụy Long giới thiệu. Tiếp theo, nhận cả ngàn bài
thơ. Khác với các bạn viết văn làm thơ tài tử, Từ là “nhân vật toà soạn”,
người trả lời hộp thư của toà báo. (Sau này mới biết, thật ra, thi sĩ chỉ là
một anh nhóc bụi đời, các “văn hữu” nhóc tì họp đại hội với ông chủ nhiệm yêu
cầu cho chàng việc làm, nhờ đó chàng là “thầy cò” sửa bài, kiêm biên tập viên
duy nhất của tờ báo bên cạnh tổng thư ký Giang Tân). Bị cả ngàn bài thơ tấn
công, cô bé 16 tuổi chịu không thấu. Sau hai năm viết thư, hai người trẻ tuổi
gặp nhau lần đầu năm 1958.
Trong Hồi Ký, Nhã Ca kể chuyện, mùng một Tết chàng từ Sàigòn ra
Huế. Chị ngồi nghe tiếng còì tàu. Đã biết trước nhưng vẫn giật mình. Tàu hoả
đang hú còi vào ga. Ghê quá, chị nghĩ, anh ta tới rồi đấy. Tàu từ Đà Nẵng ra
đúng sáng mùng Một Tết. Chắc còn phải tìm đường, tìm nhà. Trước sau một giờ
trưa, sẽ đi qua cổng. Bẩy giờ tối sẽ tới, sẽ gặp. Thư cuối năm, anh báo trước
như vậy.
"Buổi
trưa. Bao nhiêu người qua đường, biết ai là anh. Run quá. Coi tề, cái người
nhìn mình một cái rồi quay đi, bước nhanh hơn. Anh? Anh vậy há? Mỏng như tờ
giấy. Còn mặt mũi? Kịp thấy chi mô. Mới nghĩ chắc anh đó, mắt con bé đã hoa
lên rồi. Nhát.”
Buổi tối, Trần Dạ Từ bước vào nhà. Chưa mời, anh đã ngồi, Nhã Ca
viết trong Hồi Ký. Người cha vặn cái radio bóng đèn cổ lỗ đầy tiếng kêu rồ
rồ. Ông anh lớn trong nhà nhăn mặt, bỏ sang phòng bên. Chị ú ớ. “Những lá thư
xuôi ngược cả năm Sàigòn-Huế-Sàigòn. Những bài thơ tình đầu. Anh ngồi đó ốm
nhom.” Sáng mùng hai tết, khi gặp lại anh trong... khách sạn, trên bàn có bài
thơ “Thủa Làm Thơ Yêu Em”, ký tên
Trần Dạ Từ.
Thêm hai năm sau khi gặp nhau, chàng thi sĩ nhát như thỏ đế, vẫn
không dám cầm tay người yêu. Vậy mà tình yêu của họ đã làm ồn thành phố Huế.
Ồn đến nỗi, “nàng” phải đành bỏ chạy theo chàng. Vô tới Sài Gòn, một người
bạn của Từ, Nguyễn Khắc Nhân, đứng tên ông anh, gửi chị vô nội trú trường Đức
Trí ở đường Võ Tánh. Xong thời nội trú, Nhã Ca trở về Huế ở một năm để làm
lành với gia đình. Sau đó chị vào Sài Gòn, in thiệp cưới và năm 1962, sinh
con đầu lòng là Sớm Mai. Tiếp theo, thêm một loạt 5 đứa nữa. Cậu út là Hưng
Chấn, cuối 1974. Hưng Chấn là tên do bố mẹ đỡ đầu của cháu là anh chị Cung
Tiến đặt cho để lấy hên. Chị nói, nhưng hên đâu chả biết, chỉ thấy mấy tháng
sau là miền Nam sập tiệm, hai vợ chồng đi tù.
Từ khi biết “chàng”, Nhã Ca bắt đầu viết nhiều hơn. Chàng không
chỉ làm Văn Nghệ Học Sinh mà còn viết bài kiếm ăn ở các báo khác. Bài gửi cho
chàng ở Văn Nghệ Học Sinh, bỗng thình lình thấy xuất hiện trên mục “Mỗi Ngày
Một Truyện” của nhật báo Ngôn Luận, rồi nhật báo Lẽ Sống, tuần báo Văn Nghệ
Tiền Phong... vừa nhận báo vừa nhận cả nhuận bút. Biết mùi nhuận bút rồi, khó
bỏ. Vậy là viết đêm viết ngày. Từ 1960, khi bỏ Huế vào Saigon với Trần Dạ Từ,
bạn bè họp thành một bọn, mỗi tên tự chọn một bút hiệu chính thức và bắt đầu
sống với nghề cầm bút. Từ 1960, 1961 gì đó, cùng lúc với việc Trần Dạ Từ làm
nhật báo Dân Việt, các bạn của Từ -Nhã chủ trương tuần báo Ngàn Khơi, in ở
nhà in Nguyễn Đình Vượng, số 39 đường Phạm Ngũ Lão. Năm 1963, ông Vượng ra
báo “Văn”, yêu cầu chị góp bài. Năm 1964, bài viết cho Văn được in thành
sách. Báo Văn và nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành truyện dài “Bóng Tối Thời Con Gái”. Nhà An Tiêm
của Thanh Tuệ ấn hành tập truyện “Đêm
Dậy Thì”. Sau đó là “Đêm Nghe Tiếng
Đại Bác” và cứ thế đi tới...
Thế còn tập thơ “Nhã Ca
Mới” và giải thưởng thi ca toàn quốc thì sao? Chị nói thơ “Nhã Ca Mới” do
“Ngôn Ngữ” xuất bản, cũng đầu năm 1964. Ngân khoản in thơ lẫn tên nhà xuất
bản đều do anh Nguyên Sa. Cuối năm ấy, Nhã Ca được giải thi ca toàn quốc
1965. Tiền lãnh giải dĩ nhiên không còn dấu vết. Huy hiệu giải thưởng là huy
hiệu của nguyên thủ quốc gia nghe nói là bằng vàng – tương tự huy hiệu của
Tổng Thống VNCH dành cho các giải thưởng về sau- chẳng nhớ đi đâu mất, có lẽ
còn đâu đó trong... Sở Công An Thành Phố hoặc không chừng đã ra vỉa hè, bị
nấu chẩy thành dăm ba “chỉ”, hay một hai “cây”...
Trong các bài viết về thơ Nhã Ca, từ Bùi Giáng, Võ Phiến, Thi Vũ
tới Huyền Không tức Hoà Thượng Mãn Giác... thường nhắc tới bài thơ “Tiếng Chuông Thiên Mụ”. Võ Phiến viết
là trong lịch sử văn học Việt Nam chưa hề có tiếng chuông nào vang dội khác
thường tới mức ấy. Hỏi chị tại sao? Chị bật mí:
“Bài thơ
in lần đầu trên tuần báo Ngàn Khơi, đầu năm 1963. Đó là thời điểm vừa xẩy ra vụ
biểu tình đẫm máu tại Đài Phát Thanh Huế và Phật Giáo bị chính quyền đàn áp.
Tuần báo Ngàn Khơi do bọn này chủ trương bàn nhau phải cùng nhau viết cái gì
đó. Dự tính có Nguyên Sa, Nguyễn Mạnh Côn, Chu Tử, Đỗ Quí Toàn, Nguyễn Thụy
Long, Tú Kếu, Nguyễn Hữu Đông, Trần Dạ Từ... mỗi người sẽ cùng viết nhiều ít
gì đó. Bìa offset do Đằng Giao trình bầy in trước 4 số đã ghi sẵn tựa đề
chung là “Tiếng Chuông Thiên Mụ”. Tới ngày ra báo, Nhất Linh tự tử, rồi sư
sãi bị bắt, Saigon giới nghiêm... Chỉ riêng bài thơ mang tên “Tiếng Chuông
Thiên Mụ” được xuất hiện trên báo. Còn nhớ trong bài thơ có câu “Thức dậy
cùng tan vỡ, thức dậy cùng lịch sử” đã được các bạn trong “Sở Kiểm Duyệt” nhẹ
tay cho qua... Mọi bài viết khác không qua khỏi lưỡi kéo kiểm duyệt, đành phổ
biến cách khác.
Trần Dạ Từ và các bạn
của anh làm báo “Lửa” đánh máy quay roneo bằng cái máy chữ của anh Nguyên Sa
cho, cả bọn xúm nhau vào phát hành chui... Trong việc phổ biến số báo “Lửa” ở
các đại học thời đó có cả các nhà văn Nguyễn Thị Vinh, Nhật Tiến. Sau đó,
Trần Dạ Từ bị mật vụ nửa đêm bịt mắt dẫn đi mất tiêu, cả bọn trốn chui trốn
nhủi... Đó cũng là lúc có bài “Thơ Sớm Mai”, sinh nhật năm đầu tiên của cháu.”
Trả lời câu hỏi hiện nay chị đang viết gì? Nhã Ca nói: “Truyện
ngắn, đang lo viết cho báo tết. Truyện dài, đang sắp xếp, sửa chữa bộ “Đường
Tự Do Saigon”. Truyện đã viết liên tục hơn 10 năm trên Việt Báo, mỗi ngày mỗi
viết. Độc giả có lòng hỏi. Có nhà xuất bản muốn trả tiền để in. Nhìn lại, đếm
chữ thấy đã có tới hơn 10,000 trang sách. Truyện viết từng ngày, muốn thành
sách, phải sửa chữa, sắp xếp lại. Cả năm nay, chỉ mới xong 640 trang cho cuốn
1, hiện đã đưa thử lên internet... Việc xuất bản trọn bộ, chắc còn phải mất
thêm ngày tháng.
Về câu hỏi tác phẩm nào của chị được chị thích nhất, Nhã Ca trả
lời có lẽ nhiều phần dành cho cuốn “Hồi
Ký Một người Mất Ngày Tháng”. Đó là nói văn. Còn trong lòng, chị vẫn yêu
và trân quí Thơ. Nhã Ca, tên tuổi ấy đã mang âm hưởng một bài thơ.
Nói về kỷ niệm mà chị nhớ hoài là thời kỳ trong nhà tù nhỏ và
nhà tù lớn ở Việt Nam, Nhã Ca kể có lần được theo xe tù đi thăm nhà trưng bày
tội ác Mỹ Ngụy ở trường Dược cũ tại Saigon, thấy sách của mình và bạn hữu
được bầy dưới danh nghĩa “tội ác Mỹ Ngụy”. Đặc biệt, cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế” được treo trang
trọng. Đã đứng nghiêm cạnh Lê Xuyên, Hoàng Anh Tuấn, Trần Việt Sơn... chào
kính tác phẩm của mình và bạn hữu.
Hỏi chị đang đọc gì? Nhã Ca cho biết hiện chị đang đọc Milarepa,
thơ và truyện kể về thi sĩ và thầy tăng lớn của Tây Tạng. Còn tác giả ưa
thích? Với chị đó là Thơ Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Mai Thảo,
Trần Dạ Từ, Đỗ Quí Toàn, Viên Linh, Tú Kếu...
Còn truyện? Chị nhắc đến Thảo Trường, Lê Tất Điều, Dương Nghiễm
Mậu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thụy Long...
Với câu hỏi liệu có thể nói đến một nền văn học hải ngoại không,
Nhã Ca cho rằng “Một nền văn học hải ngoại?” chắc chỉ là câu hỏi nhất thời
hoặc tạm thời. Dăm ba chục năm, vài ba trăm năm, rồi sẽ qua đi. Những cái
đáng còn sẽ còn lại. Yếu tố nơi sinh sống trong nước hay ngoài nước của tác
giả bất quá chỉ là những ghi chú, không phải là yếu tố để tác phẩm văn chương
tồn tại. Văn học hay văn chương Việt Nam là đủ. Người viết ở đâu cũng được,
dù trong hay ngoài nước. Viết trong hay viết ngoài nhà tù chẵng phải là yếu
tố quyết định giá trị. Cái viết ra mới thực sự quan trọng..
NGUYỄN XUÂN HOÀNG
[1] Nhã Ca, Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng, tr. 61. Nxb Thương
Yêu, 1991.
[2] Bài Nhã Ca Thứ Nhất.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét