Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014


CHIẾN DỊCH HOÀNG DIỆU
VÀ SỰ THẬT VỀ KHO TÀNG BẢY VIỄN
(Hay Âm mưu Đánh tráo Lịch sử
của hai Luật gia Lâm Lễ TrinhNguyễn Văn Chức)

Trịnh Bá Lộc


Sau khi bị đẩy lui khỏi Đô Thành, Bảy Viễn rút quân về Rừng Sát, hy vọng có thể cố thủ cứ địa hiểm trở cũ của Bình Xuyên trước khi về đầu thú Pháp. Chỉ hai ngày sau khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm công bố Hiến Ước Tạm thời và trở thành Tổng Thống VNCH, Đại Tá Dương Văn Minh hoàn tất vẻ vang chiến dịch Hoàng Diệu.

Từ sau ngày đoàn quân chiến thắng trở về Thủ Đô, không hiểu vì sao, thỉnh thoảng trên báo chí và trên các sách phổ biến sau khi Đại Tướng Dương Văn Minh qua đời, có nhiều nghi vấn được tung ra về việc kho vàng và tiền mặt tịch thâu được của Bảy Viễn. Ngày 29/6/2008 vừa qua, phóng viên của Đài Phát Thanh Hải Ngoại tại Washington DC. có đặt câu hỏi này và được Ông Trịnh Bá Lộc, nguyên Sĩ Quan Tùy Viên của Đại Tướng Dương Văn Minh giải thích và làm sáng tỏ vấn đề như sau:

Câu hỏi:
Có dư luận cho rằng trong thời kỳ dẹp loạn Bình Xuyên, ÐT Minh đã tịch thu được rất nhiều vàng bạc và tiền mặt của Bình Xuyên, nhưng ÐT đã không giao số chiến lợi phẩm này lại cho chính phủ Ngô Ðình Diệm, mà lại tẩu tán làm của riêng. Thưa Ông, ông có biết gì về chuyện này không ?

Trả lời:
Dư luận này bộc phát lần đầu tiên là vào năm 1971, khi Sài Gòn bắt đầu chuẩn bị cuộc tranh cử Tổng Thống. Khi Đại Tướng Dương Văn Minh vừa mới có đủ chữ ký giới thiệu của số Dân biểu và Thượng Nghị sĩ, theo luật đòi hỏi thời đó, thì trong mục chuyện phiếm, rất châm biếm, nhưng vô trách nhiệm, của báo Hoà Bình do Cha Trần Du (?) chủ trương, tác giả VIP KK viết về tin đồn này.
Dân Biểu Dương Văn Ba tường thuật lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh và Bộ Tham Mưu chánh trị của ông biết. Giáo Sư Võ Văn Hải liền đề nghị cho tôi liên lạc thử với Thiếu Tá Đặng Văn Hoa, nguyên Chánh Văn Phòng của Trung Tướng Trần Văn Đôn trong thờì gian 1950-1960, để mượn tất cả các "cùi" (souches) chi phiếu trong chương mục Nha Tổng Giám Đốc Ngân khố, của văn phòng đặc biệt Phủ Tổng Thống, thời ông Diệm, do Giáo sư Hải phụ trách. Tôi liền nhớ ra các cùi chi phiếu này Thiếu Tá Đặng Văn Hoa đã giao lại tôi hồi tháng 11 năm 1963, nên tôi đã tìm và thấy trong một souche có ghi trị giá của nó, và bên cạnh có ghi rõ ràng như sau:" số tiền bán vàng tịch thâu của Bình Xuyên, Tổng Thống cho Cô Nhi Viện Quốc Gia Thủ Đức". Lập tức, luật sư Võ Văn Quan, đại diện Đại Tướng Dương Văn Minh, yêu cầu Báo Hòa Bình đăng bài đính chánh, và bài này có kèm theo phóng ảnh cùi chi phiếu nói trên.

Tôi cũng tự ý trao một bản cho ký giả Lê Hiền, báo Công Luận của Thượng Nghị Sĩ Tôn Thất Đính. Ngày hôm sau, nhật báo Công Luận đăng liền phía trên góc phải, và báo Hoà Bình cũng phải cải chánh, và đăng thư của Luật sư Quan bên cạnh mục thường xuyên của VIP KK.

Vào năm 2003 hoăc 2004 gì đó, sau khi Đại Tướng Dương Văn Minh qua đời, tập san "Con Ong" ở Houston, trong mục của VIP KK, lại đăng tải một bài tương tợ như thế. Lần này, chính Luật sư Nguyễn Văn Chức tự nhận mình là VIP KK.
Rồi Tiến Sĩ Lâm Lễ Trinh cũng bắt chước theo, bằng lời lẽ như sau: 

"...Với tư cách Bộ Trưởng Nội Vụ, tác giả bài này được chỉ thị đích thân điều tra mật về trường hợp tẩu tán kho vàng Bảy Viễn chứa trong một thùng kẽm lớn, theo phúc trình của Đại Tá Nguyễn Văn Y, Tỉnh Trưởng Chợ Lớn, Phụ Tá Hành Quân cho Ông Minh trong cuộc tảo thanh Rừng Sát. Người viết có mời Tướng Minh đến để giải thích. Vì lý do chính trị, hồ sơ tạm xếp. Bộ Tư Lệnh Hành Quân bị giải tán, tướng Minh được cử làm Cố Vấn Quân Sự Phủ Tồng Thống, một chức vụ tượng trưng"...(Về Nguồn, Trang 85).

Làm sao tôi phản bác lại bây giờ? Báo Hoà Bình và Công Luận năm 1971 cũng như làm sao tôi tìm lại được các cùi chi phiếu cũ? Rời khỏi Saì Gòn không kịp chuẩn bị, gia đình tôi bốn người, chỉ có bốn giỏ nhỏ, vì đi bằng trực thăng của Air America, đâu có ngày giờ nghỉ đến các cùi chi phiếu không còn giá trị thực tiển nữa?
      


May thay, một tình cờ hiếm có, tôi đọc được Quyển “1945-1964 Việc Từng Ngày - Hai Mươi Năm Qua”, của Ông Đoàn Thêm. Tác giả ghi lại rất trung thực, một cách phi chánh trị. Nhờ chức vụ cao cấp mà Ông đảm nhiệm tại Phủ Thủ Tướng và Phủ Tổng Thống thời Đệ  Nhất Cộng Hòa, nên gần như tất cả những gì xảy ra trong thời gian này, dù nhỏ hay lớn đều được ông ghi lại một cách chính xác, và có kèm theo ngày tháng rõ ràng. Thí dụ như nơi trang 198, Ông ghi:
25-6-1956: - không biết ai đề nghị làm lễ Thánh Bổn mạng T.T. Ngô Đình Diệm.
Sách này xuất bản lần đầu tiên tại Sài Gòn vào giữa thập niên 60, do Lãng Nhân đề tưạ, có đoạn viết: . . ."Soạn giả thừa biết rằng không thể nào kể hết các việc đáng chú trọng, và còn tự hạn chế vì phải thận trọng, nên chỉ ghi lại nếu thấy hội đủ những điều kiện sau:
- khi có ngày tháng đích xác;
- khi việc đã được nhiều người biết, đã xảy ra thật, hoặc ít nhất là được cơ quan ngôn luận loan truyền: nếu chỉ là tin đồn, soạn giả cũng ghi rõ"...

Và đây, điều quý giá mà tôi tình cờ đọc được nơi (2 dòng) cuối trang 191 và (3 dòng) đầu trang 192:

“3.3.1956 - Tổng số quân Pháp ở VN còn có trên 20.000, và sẽ triệt thoái dần.
- Thiếu-Tướng Dương-văn-Minh họp báo nói về các chiến-dịch miền Tây và sự hợp tác của Tướng Trần Văn Soái. Tướng Minh cho biết trong chiến-dịch Hoàng-Diệu, đã tịch thâu 20 kí vàng và 16 triệu 1/2 bạc, số tiền này sẽ dùng để xây cất một Cô-Nhi-Viện Quốc-Gia.”



Tôi đọc tới đọc lui nhiều lần hai trang này. Tôi sợ rằng mình nằm mơ. Tôi làm phóng ảnh gởi vài người bạn hỏi ý kiến, sợ mình hiểu lầm chăng? 

Như vừa trình với quí vị, Thiếu Tướng Dương Văn Minh đã công khai hóa chiến lợi phẩm này lối năm tháng sau khi hoàn tất chiến dịch Hoàng Diệu. Trước đó, vì tính cách giá trị to lớn, Ông phải tường trình lên các cấp chỉ huy theo hệ thống quân giai, với nhiều đề nghị khác nhau lên đến Tổng Thống VNCH đễ nhận quyết định tối hâu. Và chiến lợi phẩm bằng quí kim và tiền mặt đã phải được ghi rõ ràng trong báo cáo, nên không sợ bị thất thoát hoặc hư hại. Vào thời điểm nói trên, muốn tổ chức cuộc họp báo, các cấp chỉ huy trong quân đội, dù là Tư Lệnh Chiến dịch, đều phải được sự chấp thuận trước của Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc phòng, và với giá trị to lớn của vụ vàng và tiền mặt tịch thu trong chiến dịch Hoàng Diệu, dùng để xây Cô Nhi Viện Quốc Gia, phải do quyết định của Tổng Thống VNCH.

Hồi tháng 9 năm vừa qua, tôi được đọc tác phẩm "Can Trường Trong Chiến Bại” của Đô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cũng có một đoạn nói đến "Vụ Vàng Tiền Bình Xuyên" nơi trang 28, 29, 30, 31 nhưng dè dặt hơn.
Tôi viết thư và gởi cho tác giả xem những điều tôi nghiên cứu để phát biểu về vấn đề vàng Bình Xuyên. Tôi nghĩ rằng giữa hai quân nhân, giữa tình chiến hữu và nhứt là Ông đã từng là Sĩ Quan Tùy Viên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tôi Tùy Viên của Đại Tướng Dương Văn Minh, hai lần giữ chức vụ cao nhứt của đất nước, vị Đô Đốc này và tôi dễ thông cảm hơn là đối với các chính trị gia chuyên nghiệp, có nhiều định kiến.

Và đúng như tôi đã nghĩ, dù Đô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và tôi chưa hề quen biết, khi nhận điện thư của tôi là lúc Ông đang có mặt tại California vì việc hệ trọng, Ông vẫn tìm cách trả lời tôi ngày 10/6/2008:

“Anh Lộc thân,
Thành thật cám ơn anh Lộc đã làm việc hết sức chu đáo và vô cùng cảm động về sự chú ý đến Danh Dự của Quân đội, để cho tôi xem trước câu trả lời. Lý luận rất vững chắc. Sẽ có dịp hàn huyên thêm với anh”.
Thoại.

Vấn đề nơi đây là cách xử dụng chiến lợi phẩm vàng và tiền mặt, đã được phồ biến rộng rãi từ lâu, đáng lẽ VIP KK, tức Luật Sư Nguyễn Văn Chức, một chánh trị gia, và nhứt là Tiến Sĩ Lâm Lễ Trinh, Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút Tạp Chí Song Ngữ Anh-Pháp Human Rights-Droits de l'Homme từ 1996, Cố Vấn Mạng Lưới Nhân Quyền, phải biết từ lâu. Đáng lẽ họ phải làm việc có khoa học hơn, đàng này, lại làm một việc thiếu thận trọng, không công bằng và cẩu thả, thật không đúng tư cách của một Luật Sư, một Tiến sĩ Luật Khoa, Tiến Sĩ Giáo Dục.

Hơn nữa, nếu ông VIP KK Nguyễn Văn Chức bây giờ cũng chính là VIP KK của báo Hòa Bình ngày xưa, thì chắc chắn ông phải nhớ rằng chính tờ báo của ông đã phải đăng bài đính chánh, kèm theo vật chứng là phóng ảnh của các cùi chi phiếu. Thế mà ông vẫn diễn lại cái tuồng đặt điều vu khống, mà một lần, chính mình đã bị đímh chánh, thì không biết là vì lý do gì?

Tôi cũng xin được nói đôi điều về Ông Lâm Lễ Trinh:
- Ngày 13/4/1956, Ba Cụt bị bắt và trong phiên tòa xử án Ba Cụt, thì Thẩm phán Lâm Lễ Trinh được chỉ định diện Công Tố viên,
- Ngày 13/7/1956, Tướng Lê Quang Vinh bị hành quyết,
- Ngày 5/11/1956, L.S. Nguyễn Hữu Châu từ chức Bộ Trưởng Nội Vụ, Ông Lâm Lễ Trinh thay thế.
Như vậy, trong thời gian đó, ông Trinh đã là một nhân vật tên tuổi, đại diện pháp luật, chả lẽ ông không biết ít nhiều gì về cuộc họp báo ngày 3/3/1956?

Thôi, cứ cho rằng ông không còn nhớ chuyện xưa nữa đi, nhưng sao ông lại viết rằng khi được chỉ định đích thân điều tra vụ "tẩu tán kho vàng Bình Xuyên, Ông đã mời Tướng Minh đến để giải thích...". Đặt chuyện như vậy thì rõ ràng Ông quá coi thường sự hiểu biết của độc giả giới quân nhân. Một vụ hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Quân Đội, có liên quan đến chiến lợi phẩm và một sĩ quan cấp tướng, không lẽ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và nhất là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, lại không biết? Và, nếu cần điều tra một việc như thế, thì Ông Diệm chỉ cần chỉ thị cho người thật sự được Tổng Thống tín nhiệm, là Ông Bộ Trưởng tại Phủ Tổng Thống kiêm Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Trần Trung Dung hoặc Ông Nguyễn Đình Thuần, mới hợp luật và hợp quân pháp. Bộ Quốc Phòng VNCH có hai Nha trực thuộc, là Nha Quân Pháp và Nha An Ninh Quân Đội, hai Nha này có đầy đủ thẩm quyền và phương tiện về nhân sự để điều tra một việc hệ trọng như vậy.

Tới đây tôi xin được có một lời nói thẳng với Ông Trinh rằng: dù Ông là Bộ Trưởng Nội Vụ mà ông muốn mời Tướng Minh đến để giải thích việc gì, ít nhất Ông Trinh phi xin phép Bộ Quốc Phòng, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đâu cần phải làm lòng vòng như thế.
Rồi Ông Lâm Lễ Trinh còn viết thêm: “Vì lý do chánh trị, hồ sơ tạm xếp. Bộ Tư  Lệnh Hành Quân giải tán, tướng Minh được cử làm Cố Vấn Quân sự tại Phủ Tổng Thống, một chức vụ tượng trưng…”
Ông Lâm Lễ Trinh quên rằng Ông bị mất chức Bộ Trưởng Nội Vụ ngày 18/10/1960, trong khi Bộ Tư Lệnh Hành Quân bị giải tán ngày 8/12/1962 để lấy quân số thành lập Bộ Tư Lệnh Lục Quân và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV.
Sau khi bị cách chức, ngày 8/4/64 Đại Sứ Lâm Lễ Trinh trở về Sài Gòn và tác phẩm của Ông Đoàn Thêm xuất bản lần đầu, năm 1965, tức là sau khi ông Trinh về nước, ông đã vô tình không hay biết. Tác phẩm này lại được tái bản tại Hoa kỳ nhiều năm trước khi Tiến Sĩ Trinh xuất bản Quyển Về Nguồn. Một Tiến Sĩ Luật khoa, đang viết lại một phần lịch sử của đất nước như ông Trinh, một lần nữa cũng không biết sự hiện hữu của một tài liệu có giá trị lịch sử như vầy?
Tôi đã mạng phép gởi phóng ảnh hai trang sách này đến Ông Hồng Phúc. Sách của Đoàn Thêm hiện lưu trữ tại thư viện thành phố Fort Smith, Arkansas (mả số 20075233).

Để kết thúc câu trả lời, tôi xin được nhắc nhở những người đang và đã vu khống kẻ khác, rằng: ngụy tạo sử sách cũng là làm chứng dối, và là một giáo dân, xin ông Francis Lâm Lễ Trinh nhớ lại lời Chúa đã dạy:  “18. Đừng giết người, đừng ngoại tình, đừng trộm cấp, đừng làm chứng dối”. Mathieu  19 (?).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét