Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

NGUYÊN NHÂN GÂY RA
CUỘC CHIẾN 20 NĂM (1955-1975)
Ở NAM VIỆT NAM

Đào Văn Tùng


Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng CSVN) có thói quen, những ngày kỷ niệm lớn thường chọn vào những năm chẵn. Kỷ niệm 40 năm (1975-2015) kết thức chiến tranh năm nay, Đảng CSVN tổ chức lớn tại Sài Gòn, nơi kết thúc cuộc chiến. Nhân dịp nầy, đài BBC mời viết về 30/04 theo cảm nghĩ riêng. Gãi trúng “chỗ ngứa”, thiên hạ thi nhau viết bài, BBC tranh thủ đăng tải, Tùng tôi cố đọc để nâng cao kiến thức. 
Chính kiến là quyền của mọi người, dĩ nhiên tôi phải tôn trọng. Có điều, qua được đọc những bài trên BBC hay ở một số trang khác, tôi hình dung ra diễn cảnh “nhà sập bìm bìm leo”: Biết rằng, sau 1975, Đảng CSVNN dựng lên thể chế chính trị Độc tài Đảng trị, theo chủ thuyết Mác-Lê-Mao, phạm quá nhiều sai lầm đáng trách, nhưng không vì những sai lầm ấy rồi đổ tất cả những sai lầm do kẻ khác gây ra trước đó lên đầu họ, để rồi nói giúp, ngợi ca một cách vô căn cứ chế độ hay cá nhân cũng chỉ là những tội đồ đáng nguyền rủa. 
Cuộc chiến 20 năm 1955-1975, gây biết bao đau thương tang tóc cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Ôn lại lịch sử để tìm nguyên nhân gây ra cuộc chiến, quyết không phải để trả thù trả oán mà để rút ra bài học xương máu, tránh về sau.   
Tôi không phải là nhà sử học, chỉ là người ra đời cách nay hơn 70 năm, thường trú ở Nam Việt Nam, lăn lộn chiến trường, tham gia suốt cuộc chiến 20 năm – là người trong cuộc. Với bài viết nầy, tôi ghi lại những gì mình nghe thấy, không ngoài sự thật. Những gì tôi sắp nói còn có nhiều người khác trụ ở Nam VN cùng thời với tôi, không phân biệt phe phái nào, làm chứng, không thiên vị. 

1.  Mỹ, trực tiếp là Tổng thống Eisenhower chủ trương phá hiệp định Genève gây ra mầm mống cuộc chiến ở Nam VN
Hiệp định Genève 1954 ký kết giữa một bên là lực lượng Kháng chiến (Việt Minh) do Hồ Chí Mnh lãnh đạo với một bên là Pháp và Bảo Đại. Ủy ban Giám sát thi hành hiệp định gồm Ba Lan (Cộng sản), Canada (Tư Bản), Ấn Độ (Trung lập). Nội dung chính yếu của hiệp định nầy: Việt Nam (VN) tạm thời chia làm 2 miền Nam và Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh, 2 năm sau (1956), hai miền hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhứt nước VN. Pháp rút quân khỏi Đông Dương nói chung, VN nói riêng; Việt Minh tập kết lực lượng của mình ra Bắc VN, Bảo Đại tập kết lực lượng của mình vào Nam VN. Dân hai miền được tự do đi lại và tự chọn định cư một trong hai miền, chờ hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhứt nước Việt Nam.   
Theo tinh thần hiệp định Genève như vừa nói, Việt Nam không chia thành 2 nước mà chỉ tạm thời chia ra 2 miền, sau 2 năm sẽ hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhứt đất nước. Từ đó phải khẳng định rằng, nếu hiệp định Genève được thực hiện, thì chiến tranh không xảy ra.
Vì sợ làn sóng “đỏ” tràn xuống phương Nam, nhất là các nước Đông Nam Á, Mỹ hộc tốc thực hiện kế hoạch “thay thầy đổi tớ” – Mỹ thay Pháp, Ngô Diệm thay Bảo Đại, không thi hành hiệp định Genève , tạo ra mầm mống chiến tranh. 
Công luận quốc tế, có cả một số chính giới Mỹ cũng khẳng định sự thật nầy. Nhân kỷ niệm 40 năm đất nước Việt Nam thống nhứt, nhà báo Anh nổi tiếng Nick Davies  trình làng bài viết có tựa đề: “Việt nam 40 năm sau: chiến thắng của Cộng sản đã nhường chỗ cho chủ nghĩa Tư bản lũng đoạn”, do Trần văn Minh chuyển ngữ từ tiếng Anh sang Việt, đăng trên trang Basam hôm 26/04/2015 . Trích đoạn:   
"Khi người pháp bị đánh bại vào năm 1954, quân đội Mỹ khởi sự tham gia bảo vệ quốc gia của miền Nam VN khỏi mối đe dọa của Cộng sản từ Bắc VN xâm chiếm. Thực tế là người Pháp đã đánh mất cảm tình của người dân trên khắp VN, đẩy họ vào vòng tay Đảng CS của Hồ Chí Minh. Và, quan trọng hơn, [thời đó] không có hai quốc gia riêng biệt. Năm 1954, mặc dù với chiến thắng của quân đội VN, Pháp và các đồng minh phương Tây cố bám lấy quyền lực tại cứ điểm phía Nam. Tại hội nghi quốc tế Geneva, tất cả các bên sau đó đã đồng ý rằng đất nước nên được chia cắt tạm thời – thành miền Nam và miền Bắc Việt nam, cho đến tháng 7/1956, một cuộc bầu cử sẽ đưa tới một chính phủ mới trên toàn quốc. 
Dwight Eisenhover, Tổng thống Mỹ khi đó, sau nầy thừa nhận rằng nếu cuộc bầu cử đó được phép xảy ra, khoảng 80% người dân VN sẽ bầu cho Hồ Chí Minh và xã hội xã hội chủ nghĩa mới – và những người Việt mà chúng tôi tiếp xúc đều đồng ý. Tuy nhiên, Mỹ không cho phép chuyện ấy xảy ra. Thay vào đó, ho quay sang một nhân viên CIA khét tiếng Edward Lansdale, người đã tiến hành sử dụng một sự kết hợp khéo léo giữa sự hối lộ và bạo lực để dựng nên một chính phủ mới ở Sài Gòn, do chính trị gia Công giáo Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Ông là người chuyên quyền, gia đình trị, nhưng chống Cộng sản và ủng hộ Mỹ. Vào tháng 10/1955, Lansdale gian lận trong cuộc bầu cử ở miền Nam để cho ông Diệm làm Tổng thống. Cuộc bầu cử toàn quốc bị hủy bỏ. sự phân chia “tạm thời”bây giờ trở thành một giả dụ kéo dài rằng Việt nam thực sự là hai quốc gia khác nhau, miền Nam là nạn nhân thụ động của cuộc xâm lược từ miền Bắc. 
Lúc đầu, Mỹ vốn tài trợ cho cuộc chiến tranh của Pháp, bằng lòng đổ tiền vào quân đội của miền Nam VN, và chỉ gởi quân đội với chiêu bài “cố vấn” – 16.300 người. Đến tháng 3/1965, Mỹ đã gởi người vào chiến trường, ở cao điểm của cuộc chiến năm 1969, Mỹ sử dụng 550.000 nhân viên quân sự, cộng với 897.000 từ quân đội Việt nam Cộng hòa và hàng ngàn người khác đến từ Nam Hàn và các đồng minh khác. Vào thời điểm chiến tranh kết thúc, số người chết, đã không thể đếm nổi, có thể lên tới 3,8 triệu người – theo Đại học Y khoa Harvard và Đại học Washinngton. 
Phóng viên nước ngoài người Anh James Cameron mô tả hành động của Mỹ như là “Một sự xúc phạm đến danh dự cộng đồng quốc tế, vừa kinh tởm vừa vô lý”. Viết vào năm 1965, ông quay lại nhìn con đường dẫn đến chiến tranh: “Thật là vụng về, độc ác, thiếu suy nghĩ và không suy xét. Từng bước, phương Tây gây thêm lỗi lầm và loạng choạng đi vào một tình thế khó xử mà họ không bao giờ hiểu hoàn toàn và chưa bao giờ thực sự đi tìm ngay từ đầu, họ chỉ tranh luận trên lý thuyết" 

2. Ngô Đình Diệm tuyên bố không thi hành hiệp định Genève, dẫn đến cuộc nội chiến lần thứ nhứt
Năm 1955, ông Ngô Đình Diệm từ Mỹ về Nam VN, tổ chức cuộc gọi là “trưng cầu dân ý” không kém phần gian lận giữa ông ta và Bảo Đại. Khi thắng cuộc, truất phế được Bảo Đại, với danh xưng “Đảng Cần lao Nhân vị”, ông Diệm dựng lên thể chế chính trị “Việt Nam Cộng Hòa” (VNCH).  
Mặc dù danh xưng nước “Cộng hòa”, đảng “Cần lao Nhân vị” (đảng của người lao động và tôn trong nhân quyền), nhưng ông Diệm không hề quan tâm đến những danh xưng ấy mà thiết lập ngay thể chế “Độc tài gia đình trị”. Ông Ngô Đình Diệm thủ vai Tổng thống; Ngô Đình Nhu thủ vai Cố vấn; Ngô Đình Cẩn thủ vai như vua miền Trung; Ngô Đình Luyện giao du bên ngoài làm ngoại giao, Ngô Đình Thục thủ vai Giáo chủ Thiên Chúa giáo; vợ ông Nhu là Trần Lệ Xuân thủ vai “mẫu nghi thiên hạ”. 
Bìa nhật báo Tự Do của nhóm trí thức miền Bắc di cư số Xuân Canh Tý 
(phát hành đầu năm 1961) in hình biếm họa quả dưa hấu miền Nam 
bị 5 con chuột đục khoét (ám chỉ 4 anh em Thục, Diệm, Nhu, Cẩn bà Nhu 
phá nát chế độ Cọng hòa). Sau đó, báo bị đóng cữa, nhân viên bị truy bắt.

Được sự bảo trợ mọi mặt của Mỹ qua phái đoàn cố vấn MAAG, ông Diệm tuyên bố thẳng thừng trước dân chúng Nam VN đại ý: Bảo Đại ký hiệp định Genève, chúng tôi (anh em ông Diệm) không có trách nhiệm thi hành, hơn nữa nếu tổng tuyển cử Bắc VN sẽ thắng vì Bắc VN có đến 17 triệu dân, còn Nam VN chỉ có 14 triệu dân”. 
Chính phủ cả hai miền Nam và Bắc VN đều xem nước VN là một, nhứt thiết phải thống nhứt, nhưng thống nhứt bằng cách nào thì hai bên hoàn toàn khác nhau: Vì nắm chắc phần thắng,  Bắc VN muốn thống nhứt theo tinh thấn Hiệp định Genève, áp đặt Chủ nghĩa Cộng sản trên toàn quốc. Vì biết thống nhứt theo tinh thần Hiệp định Genève mình sẽ thua, phía Nam VN chọn việc thống nhứt bắng cách gây chiến cưỡng chiếm Bắc VN, áp đặt Chủ nghĩa Tư Bản trên toàn quốc. 
Khi ông Diệm tuyên bố không chịu hiệp thương thống nhứt đất nước theo tinh thần hiệp định Genève, ở Bắc VN liên tiếp nổ ra những cuộc biểu tình tuần hành đòi Nam VN thi hành hiệp định; ở NamVN cũng nổ ra những cuộc biểu tình tự phát của quần chúng đòi hiệp thương thống nhứt đất nước, do những người có người thân tập kết ra Bắc làm nồng cốt. Ông Diệm cho thuộc hạ đàn áp không nương tay.   
Vừa yên vị, ngoài đôn quân bắt lính, áp dụng chế độ “quân dịch”, ông Diệm mở cuộc chiến tranh “đơn phương” thẳng tay trừng phạt những lực lượng mà ông gọi là đối lập như: Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và những người Kháng Chiến cũ (ít nhiều có tham gia kháng chiến không tập kết ra Bắc).  
Từ lâu, không như Phật Giáo, Thiên Chúa giáo dùng giáo lý phát triển đạo giáo của mình, giới lãnh đạo 3 giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên luôn có tham vọng chính trị, muốn cầm quyền, họ tổ chức lực lương vũ trang riêng, chờ thời cơ – Cao Đài, Hòa Hảo là giáo, Bình Xuyên là phái.
Thay vì thật lòng thương nghị với 3 giáo phái nầy để hợp nhứt lực lượng vũ trang, tránh “loạn sứ quân”, đàng nầy anh em ông Diệm giả vờ hợp tác: Dụ tướng Trịnh Minh Thế dẫn quân ra Sài Gòn rồi giết ông ta, tước vũ khí cả tiểu đoàn quân, đuổi họ về quê; Dụ Lê Quang Vinh (Ba Cụt) ra Cần Thơ rồi khử ông ấy, lực lượng vũ trang Hòa Hảo như rắn mất đầu, lần lượt tan rã; Truy sát phái Bình Xuyên ở quận 8 Sài Gòn và giải tán “Đại Thế Giới”, cơ sở sinh sống chủ yếu của họ. Và, thay vì dùng lý lẽ êm dịu tranh thủ trái tim khối óc đối với những người ít nhiều có tham gia kháng chiến chống Pháp (không tập kết ở lại miền Nam bất kỳ với lý do gì), đàng nầy anh em ông Diệm đặt cho họ tên gọi “Người kháng chiến cũ” rồi khủng bố trắng, dùng luật 10/59 truy bắt không cần xét xử, đất liền không đủ chỗ giam, đài ra 2 đảo Côn Sơn và Phú Quốc nhốt cho mục xương. 
Để tự vệ, tàn quân Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên dạt vào Đồng Tháp Mười thành lập giáo phái với tên gọi “Cao Hòa Bình”; những người kháng chiến cũ chưa bị bắt cố tìm chỗ lắng, sau đó phân vùng hoạt động trở lại - VNCH gọi số người nầy là “Việt Cộng (VC) nằm vùng”. Giáo Phái và những người VC nằm vùng trở thành đồng minh, chỉa mũi nhọn vào chế độ Độc tài Gia đình trị Ngô Đình Diệm. Anh em ông Diệm còn phân biệt đối xử với Phật giáo Thống Nhứt, vua Cẩn ở Miền Trung quá nặng tay với Phật, khiến Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn, làm dấy lên phong trào Phật giáo chống anh em ông Diệm. Thế là VNCH non trẻ mà có quá nhiều đối thủ ở sát nách mình. 
Đâu chỉ thế, anh em ông Diệm còn triến khai quốc sách “Bình định”, cho thành lập những “Khu trù mật”, khu “Dinh điền”, “Ấp Chiến lược” rồi bắt buộc nhân dân vùng sâu rời bỏ ruộng vườn vào những nơi nầy với dụng ý “tát nước bắt cá”. Khu trù mật đầu tiên thí điểm ở xã Thành Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Sau đó, lấy tỉnh Gò Công làm thí điểm rồi mở rộng diện ra cả Nam VN. Quốc sách nầy gây phản ứng dữ đội trong dân chúng. Dân chúng nổi dậy phá và rời bỏ những khu dồn dân nầy từng bước trở thành phong trào, VNCH khó bề kiểm soát. 
Với cái đầu nóng của mình, hậu phương đang rối bét, thế mà Tổng thống đệ nhứt VNCH Ngô Đình Diệm ráo riết chuẩn bị kế hạch “Bắc tiến”, cho phát hành tem Bưu điện mang dòng chữ: “Toàn dân đoàn kết, chuẩn bị Bắc tiến” Với cái đầu nóng của mình, anh em ông Diệm để lộ tính hiếu chiến khiến nhân dân càng thêm oán ghét. 
 Thử đặt vấn đề: Nếu anh em ông Diệm không nghe Mỹ, chấp nhận hiệp thương thống nhứt đất nước theo tinh thần Hiệp định Genève, cho dầu thua cuộc trong bầu cử lần đầu, CS Bắc Việt chấp chánh thì phía VNCH cũng tham chánh chớ đâu thể thua trắng tay? Cái lợi là duy trì được yếu tố dân chủ để tranh đấu nghị trường với thể chế độc tài Cộng sản trị, tạo tiền đề giành thắng lợi cho những lần bầu cử tiếp sau, tránh được chiến tranh nồi da xáo thịt. Đàng này, không vì lợi ích quốc gia, dân tộc mà vì lợi ích cá nhân, gia đình của mình, ông Diệm phạm phải 2 sai lầm: một là từ chối hiệp thương thống nhứt đất nước theo Hiệp định Genève; hai là gây thù chuốc oán đối với nhân dân VN nói chung - trở thành phi chính nghĩa.  
Việc làm  “trời sầu đất thảm, nước khóc sông buồn” của anh em ông Diệm như vừa kể trên, được sự dẫn dắt của “VC nằm vùng:”, đêm 17/01/1960, nhân dân cả tỉnh Bến Tre  nổi dậy “Đồng Khởi” chống chế độc độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và can thiệp Mỹ. Cuộc Đồng Khởi từ một điểm nhanh chóng lan ra diện khắp Nam VN.  
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (Mặt Trận) ra đời, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Mặt Trận hội tụ đầy đủ các đại diện đạo đời: Hòa thượng Thích Thiện Hào, đại diện Phật giáo Thống Nhứt; Huỳnh Hữu Trí, đại diện Phật giáo Hòa Hảo; Hồ Huệ Bá, đại diện Thiên Chúa giáo; Huỳnh Thanh Mừng, đại diện Cao Đài giáo; và đại diện các đoàn thể quần chúng Công, Nông, Thanh, Phụ. Tất cả hoạt động dưới cờ hiệu nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng ở giữa. Mặt Trận liên kết với lực lượng vũ trang “Cao Hòa Bình”, thật sự trở thành như một thể chế chính trị đối trọng với VNCH, biến cuộc chiến từ “đơn phương” thành “song phương”- từ một phía như đã nói thành hai phía. Cách mạng Miền Nam nhanh chóng trở thành cao trào, hoạt động bằng hai chân (chính trị, vũ trang), giáp công bằng 3 mũi (chính trị, vũ trang, binh vận); theo phương châm “từ không đến có, từ có ít đến có nhiều; bằng mọi cách lấy vũ khí đối phương trang bị cho mình - “súng Mỹ lòng ta”. Đơn cử, chỉ riêng ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre), sau 4 tháng Đồng Khởi, kết hợp 3 mũi giáp công, lấy 3 đồn An Nhơn, Quới Điền, Giồng Chùa thu được gần trăm súng, cộng với những nguồn thu lẻ tẻ khác, thành lập đại đội địa phương huyện (“C.62”), đối chọi với 1 tiểu đoàn Bảo An VNCH trấn đóng ở huyện Thạnh Phú - một chọi ba. Huyện nào trong tỉnh Bến Tre cũng làm thế hoặc hơn thế. Bến Tre làm thế, lần lượt các tỉnh cũng làm thế, cả Nam VN làm thế. 
Phong trào Cách mạng Miền Nam, kết hợp chặt chẽ 3 mũi giáp công: Về chính trị, gần như liên tục nổ ra những cuộc biểu tình đình công, bãi thị, đi chợ đông, vừa gây rối và kềm chân lực lượng đối phương trong hang ổ cho bên ngoài rảnh tay tổ chức xây dựng lực lựợng các mặt. Về vũ trang, từng bước hình thành 3 thứ quân: du kích quân, địa phương quân, chủ lực quân, với tên gọi chung “Giải phóng quân”. Về binh vận, qua gia đình, người thân tranh thủ lôi kéo binh sĩ đối phương hành động theo khả năng thích hợp từ thấp đến cao: bỏ ngũ, lén lấy cắp vũ khí đạn dược tuồng ra, mang vũ khí về với Cách mạng, phối hợp với bên ngoài làm binh biến nội công ngoại kích..v.v….  
Cộng đồng dân tộc bất hòa mới sinh ra nội chiến. Bên nào cũng giành phần phải để lôi kéo quần chúng đứng về phía mình, theo mình chống lại đối phương. Không thể nói khác, về lực lượng vũ trang, Giải Phóng Quân là quân tự nguyện (tình nguyện), còn Quân đội VNCH  là quân bắt bưộc (quân dịch), vì vậy chất chiến đấu khác nhau - Quân VNCH dễ bị dao động khi có tác động . Chính sách Binh Vận của Mặt Trận kêu gọi “Binh sĩ VNCH về với nhân dân”luôn có hiệu quả hơn chính sách Chiêu Hồi của VNCH kêu gọi “Cán binh Việt Cộng về với chính nghĩa Quốc gia”. 
Với đường lối 2 chân 3 mũi giáp công, phong trào cách mạng tiến nhanh, tiến vững chắc, đẩy VNCH vào thế bị động đối phó. Hình thành thế trận: VNCH phải rải quân ra trấn giữ, Giải Phóng Quân cơ động (không phải giữ), khi cần thiết, tập trung quân nhằm vào một điểm nhất định tấn công là chắc thắng. 
Từ năm 1961, lẻ tẻ có những tốp cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc bí mật vượt Trường Sơn về Nam, họ chỉ mang theo súng ngắn hoặc lựu đạn để tự vệ. Vì sợ VNCH tố cáo, họ bí mật về tông tích và tuyệt đối không được nói giọng Bắc khi về tới Nam VN. 
Được “súng Mỹ” ngày càng nhiều, “lòng ta” càng hưng phấn, mùa khô 1963, Quân Giải Phóng tổ chức những trận đánh lớn gây thối động làm thay đổi cục diện, thay đổi tương quan lực lượng giữa hai phía. Các trận đánh lớn được ghi nhận: Ấp Bắc, Bình Giã, Ba Gia, Phước Thành, Dương Liễu, Đèo Nhông…, đẩy VNCH vào thế bị động đối phó, trên đà sụp đổ. Lúc bấy giờ, nguồn tin không chính thức lan truyền: VNCH không chấp nhận cho Mỹ đổ quân vào Nam VN và muốn thương thuyết với đối phương. Không biết có sức ép tù Bắc VN hay không, phía Mặt Trận không chấp nhận thương tuyết – “thừa thắng xông lên”. 
Ngoài bất lực, gây thù chuốc oán trong dân còn định thương thuyết với đối phương, Mỹ buộc phải vội vã loại bỏ gia đình ông Diệm, báo giới gọi “thay ngựa giữa dòng”. Năm 1963, các tướng lĩnh làm cuộc đảo chính hạ sát Diệm+Nhu đầy bí ẩn, lập nên đệ nhị VNCH, thực chất là thể chế “Quân quản”. Khi đại tướng Dương văn Minh lên làm Tổng thống, cũng với những cái đầu nóng, thủ tướng Nguyễn Khánh công khai tuyên bố tiếp tục chuẩn bị “Bắc tiến”; thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố: “Không quân VNCH đã sẵn sàng dội bom miền Bắc VN”. Rõ ràng, đệ nhứt cũng như đệ nhị VNCH đều cùng ý chí và hành động thôn tính Bắc VN, thống nhứt đất nước. 
Cuối năm 1963, Bắc VN bí mật chuyển vũ khí bộ binh chi viện cho Quân Giải phóng Nam VN ngày càng nhiều. Súng cá nhân tác chiến có K.50, AK.47, CKC; súng ngắn cho cán bộ tự vệ có B.38, K.54, K.59. Các loại vũ khí chi viện nầy không được công khai, súng dài phải mặc áo, súng ngắn phải đổi vỏ. Tôi chứng kiến, tiểu đoàn Đồng Tháp 263 của khu Trung Nam bộ hành quân mang súng mặc áo trước sự ngỡ ngàng của dân chúng.

3. Do Mặt Trận không chấp nhận thương thuyết dẫn đến cuộc chiến tranh cục bộ giữa 2 phe Tư bản và Cộng sản
Nếu thực sự anh em ông Diệm chịu xuống thang, chấp nhận thương thuyết mà Mặt Trận không chấp nhận thì đó là sự sai lầm của Mặt Trận. Bỡi vì, nếu Mặt Trận chấp nhận thương thuyết giữa 2 bên ở Nam VN, thành lập chính phủ với tên gọi gì đó, đại diện cho đồng bào Nam VN hiệp thương với Bắc VN, tổng tuyển cử thống nhứt đất nước theo tinh thần Hiệp định Genève thì sẽ kết thúc được cuộc nội chiến? Đàng nầy, Mặt Trận không chấp nhận, thừa thắng xông lên, sa vào bẩy chiến tranh Cục bộ mang nội dung ý thức hệ do Mỹ cài sẵn. Chiến tranh Cục bộ ở VN còn gọi là chiến tranh “ủy thác”. Việt Nam chia thành 2 lực lượng, một bên đại diện cho phe Cộng sản, một bên đại diên cho phe Tư bản, đánh nhau trên “sân nhà” của mình, đất nước, dân tộc mình hứng chịu mọi thảm họa.
Khi Dương Văn Minh (Minh lớn) thay Diệm làm Tổng thống – gọi là đệ nhị VNCH, một thể chế “Quân quản”. Chính quyền chỉ hư vị, tướng tá quân đội thay nhau nắm quyền cai quản từ Trung ương cho đến Tỉnh, Huyện. Họ tranh giành quyền lực đảo chánh liên miên, khiến cố vấn Mỹ phải cay đắng thốt ra: “Các ông chống Cộng sản như thế sao?!”. 
Năm 1965, Mỹ và đồng minh của họ đổ quân vào Nam VN. Trận ác chiến đầu tiên xảy ra ở Vạn Tường giữa Quân Giải phóng và Quân đội Mỹ. Vì mới chân ướt chân ráo, không thông thuôc địa hình địa vật, quân Mỹ coi như thua trong trận nầy. 
Tuy được thành lập từ  ngày 20-12-1960, nhưng“Mặt trận Dân tộc Giải phóng 
Miền Nam Việt Nam” chỉ chính thức họp Đại hội I vào ngày 16-2-1962 
tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, 
một nhân sĩ miền Nam, làm Chủ tịch Măt Trận.



Ngày 8-3-1965, Lữ đoàn 9 Thủy quân Lục chiến Viễn chinh Mỹ (US 9th Marine 
Expiditionary Brigade) đổ bộ vào bờ biển Đà Nẳng,
chính thức mở đầu cho cuộc tham chiến quân sự của Mỹ tại Việt Nam. 

Khi Mỹ đổ quân vào Nam VN, Bắc VN công khai tuyên bố: “Miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn”. Thế là Bắc VN công khai can thiệp: những cây súng chi viện ngày nào phải mặc áo nay lột áo chơi luôn; quân Bắc VN chi viện trang phục màu vàng, nón cối; Quân Giải phóng Miền Nam trang phục màu xanh lá cây, nón tai bèo. Cả hai đểu mang dép râu, cùng dưới cờ Mặt Trận, họ xuất hiện công khai trước công chúng. 
Thế là cuộc Nội chiến ở Nam VN giữa VNCH và Mặt Trận nhanh chóng chuyển thành chiến tranh Cục bộ, mang sắc thái ý thức hệ Cộng sản và Tư bản, giữa một bên VNCH và sự can thiệp trực tiếp của Mỹ và các nước đồng minh của họ; một bên Mặt Trận và BVN với sự can thiệp (chi viện) gián tiếp của phe XHCN nói chung, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc. Thế là Nam VN trở thành bãi chiến trường, là cối xay thịt – chủ yếu là thịt người Việt Nam. Lúc bấy giờ, VNCH và Mỹ gọi Bắc VN là “Cộng sàn Bắc Việt”; gọi Mặt Trận là “Việt Cộng” (VC). Ngược lại Bắc VN và Mặt Trận gọi VNCH là “Ngụy quân, ngụy quyền tay sai Mỹ”; gọi Mỹ và đồng minh của họ là “Quân xâm lược Mỹ”. 
Dù chính danh, nhưng Mặt Trận chỉ mang tính bao quát, phong trào Cách mang Nam VN cần có những tổ chức chính danh xử lý công việc đối nội và đối ngoại: ngoài Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam (Đảng Nhân Dân Cách Mạng) ra đời 1964, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt nam (Chính Phủ Cách Mạng) do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đứng đầu và Mặt trận Liên minh các Dân tộc vì Hòa bình (Mặt Trận Liên Minh) do luật sư Trịnh Đình Thảo đứng đầu lần lượt ra đời. Đảng Nhân Dân Cách Mạng là nơi tuyển chọn những cá nhân ưu tú nhứt làm nồng cốt cho cuộc kháng chiến ở Nam VN; Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng, Chính Phủ Cách Mạng, Mặt Trận Liên Minh là nơi hội tụ những nhân sĩ, trí thức tên tuổi từ thành thị vào. Chính phủ Cách mạng tổ chức các Bộ và Ban cần thiết đáp ứng yêu cầu từng mặt cho cuộc kháng chiến, chẳng hạn: Bộ Quốc Phòng do thượng tướng Trần Nam Trung (Trần văn Trà) làm bộ trưởng và bà Nguyễn Thị Định làm thứ trưởng; Bộ Văn hóa Thông tin do nhạc sỉ trứ danh Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước) làm bộ trưởng; Bộ Ngoại giao do bà Nguyễn Thị Bình làm bộ trưởng; Bộ Y tế do bà Dương Huỳnh Hoa làm bộ trưởng; Bộ Giáo dục do ông Dương Văn Diêu (chú Tổng thống VNCH Dương văn Minh) làm bộ trưởng; Ban An ninh, Ban Binh Vận, Ban Kinh tế Tài chính..v.v…  
Những tổ chức Cách mạng nầy, xét về chất, nếu không hơn, ít nhất cũng ngang bằng với những tổ chức phía VNCH. Những tổ chức Cách mạng nầy có thực chất, thực lực, thực quyền chớ không phải là những “tố chức ma” như người ta lầm tưởng, hay như phía VNCH thường gọi theo kiểu khinh xuất, miệt thị là “bọn rừng rú”, “Cộng phỉ”, “Tay sai Bắc Việt”… Tuy cùng chung đối thủ, nhưng Bắc VN nặng về giai cấp, còn những tổ chức nầy nặng về dân tộc. Do không biết người biết ta nên VNCH phải trả giá đắt “trên đường đua” với họ. 
Căn cứ thực trạng, thực lực tại chiến trường Nam VN, ở hội nghị 4 bên ở Paris, chính thức dành 2 ghế cho 2 phía đối đầu là VNCH và Chính Phủ Cách Mạng Miền Nam; 2 ghế dành cho 2 phía can thiệp là Mỹ và Bắc VN. Nếu là loại “rừng rú” hay “Cộng phỉ” gì đó thì sao lại phải dành cho họ 1 ghế ngồi ngang hàng với 3 phía còn lại, được thế giới công nhận?
Cũng may cho nhân loại, nếu hai bên không kềm chế, không dùng Hiệp định Paris khống chế, từ chiến tranh Cục bộ ở Nam VN có thể leo thang sang chiến tranh Thế giới lần thứ 3 là điều có thể xảy ra. Thử tưởng tượng xem: Sau khi Mỹ đổ quân vào Nam VN (1965), các nước XHCN nói chung, đặc biệt là Trung Quốc hậm hực đòi đưa quân tham chiến, chỉ cần Hồ Chí Minh gật đầu thì Thế giới chiến ắt xảy ra. Khi ấy, chiến trường không bó hẹp ở Nam VN mà chắc chắn lan ra cả BắcVN và Trung quốc hay hơn thế nữa. Ngoài Nam VN, Mỹ và các nước Tư bản sẽ dùng Philippine, Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản làm bàn đạp tiến công. Đất nước Trung Hoa sẽ trở thành tâm điểm, là nơi đặt cối xay thịt người – Người viết chỉ tưởng tượng thế thôi, vì chuyện ấy đã không xảy ra, xem như tào lao cho vui vậy.

4. Việt Nam Cộng Hòa phá hiệp định Paris gây ra cuộc nội chiến lần thứ hai 
Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ công khai ý định “Việt Nam hóa chiến tranh”, báo giới gọi “thay  màu da trên xác chết”. Trước khi rút quân, Mỹ và VNCH phối hợp mở cuộc hành quân mang tên “Lam Sơn 719”. Bộ binh VNCH, được sự yểm trợ tối đa của không quân Mỹ, xuất phát từ Quảng Trị, do chiến xa dẫn mũi, theo đường số 9 tiến thẳng về hướng nam Lào, với mục đích thiết lập lá chắn (như hàng rào điện tử Mac Namara dọc theo giới tuyến Nam – Bắc VN trước đó) nhằm chặn đường tiếp vận dọc theo dải Trường Sơn từ Bắc VN vào Nam VN. Cuộc hành quân nầy xem như tự chui đầu vào kẹt đá, bị đối phương dùng chiến xa chặn đầu, cho bộ binh khóa đít, quân đội VNCH như sa vào “Mê hồn trận”, tấn không xong, thối không được, phải rút quân chủ yếu bằng trực thăng - vỡ mộng. 
 Hiệp định Paris với nội dung chính yếu: Quân đội nước ngoài rút khỏi Nam VN; BVN ngưng chi viện quân, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho lực lượng Cách mạng Nam VN; ngừng bắn tại chỗ - ai làm chủ ở đâu thì ở đó, theo dạng da beo; VNCH và Chính Phủ Cách Mạng hiệp thương, tuyển cử ra bộ máy chính quyền Nam VN để rồi sau đó tổng tuyển cử giữa 2 miền Nam-Bắc thống nhứt nước Việt Nam.
Sau 5 năm đàm phán, “Hiệp định Ba Lê về Chấm dứt Chiến tranh 
và Lập lại Hòa bình tại Việt Nam” đã được 4 bên ký kết vào ngày 27-2-1973 
tại Hội trường Kleber ở Paris, Pháp.

Như nhiều người đã biết, trước khi ký kết hiệp định Paris (năm 1972), Mỹ đi đêm với Trung Quốc. Năm 1973, quân Mỹ và chư hầu của họ rút khỏi Nam VN, cắt dần viện trợ mọi mặt đối với VNCH.
Nếu biết thân phận bị bỏ rơi, tốt hơn hết, VNCH nên cùng thi hành hiệp định Paris để kết thúc chiến tranh đáng nguyền rủa nầy.  Nhưng họ không chịu làm thế, với cái đầu nóng của mình, Tổng thống Thiệu chủ trương đồng loạt mở những cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng do lực lượng Chính Phủ Cách Mạng làm chủ - gọi là “xóa da beo”. Ngoài vô số vùng giải phóng bị VNCH lấn chiếm như Cửa Việt (Quảng Tri), Sa Quỳnh (Quảng Ngải), Đường số 2 (Bà Rịa)…mà tướng Trần Văn Trà kể trong cuốn sách “Kết thúc chiến tranh 30 năm”. Chỉ tính riêng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), quân đội VNCH lấn chiếm vùng giải phóng mà tôi được biết: Tại Trung Nam bộ, ở tỉnh Bến Tre lấn chiếm và đóng mới hơn 400 đồn bót; ở tỉnh Mỹ Tho lấn chiếm 17 xã vùng 20/7 thuộc phía nam 3 huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè; ở tỉnh Gò Công, ngoài lấn chiếm đóng thêm đồn bót còn lên nóc nhà dân dùng sơn vẽ cờ vàng 3 sọc đỏ. Tại Tây Nam bộ, ngoài lấn chiếm lẻ tẻ khắp nơi, quân đội VNCH tập trung quân mở 2 cuộc càn lớn vào hậu cứ Cách mạng với những tên gọi rất hách dịch “Lên non bắt cọp” đánh vào Bảy Núi[1] thuộc 2 tỉnh  Long Xuyên và Châu Đốc; “Làm cỏ U Minh” đánh vào rừng U Minh thượng và U Minh hạ thuộc 2 tỉnh Rạch Giá và Cà Mau. 
Một câu hỏi đặt ra: Lực lượng vũ trang Cách mạng là bao, ở đâu mà để quân VNCH tung hoành như thế? Thử hỏi có tức hay không, ngoải lực lượng quân đội miền Bắc chi viện, Quân Giải phóng miền Nam khá hùng hậu, theo tôi được biết: Không tính trợ chiến, Chủ lực Miền có sư đoàn 7 và 9 (Công trường 9) thiện chiến hoạt động ở Đông Nam bộ và yểm trợ cho lực lượng Biệt động Sài Gòn; ở các Quân khu mỗi nơi có từ 2 đến 3 trung đoàn độc lập; ở mỗi tỉnh có ít nhất 1 tiểu đoàn; ở mỗi huyện 1 đại đội; ở xã có hơn 1 tiểu đội du kích. Thế mà phải chấp hành chỉ thị 02 của Ban Binh Vận “… Phải nghiêm chỉnh thi hành  Hiệp định Paris”. Lực lương vũ trang đành phải “đầu đội Hiệp định, tay cầm chỉ thị 02” lùi khi đối phương tấn . Được biết, ở khu Trung Nam bộ, ông Nguyễn Minh Đường, bí thư Khu ủy bị mất chức vì hữu khuynh để mất quá nhiều vùng Giải phóng, đưa ông Huỳnh Châu Sổ, tư lịnh Quân Khu, lên thay.  
Tháng 9/1973, sau khi được uốn nắn, chống hữu khuynh, Chính Phủ Cách Mạng tuyên bố công khai trên đài phát thanh Giải Phóng: Kiên quyết đánh trả quân đội VNCH vi phạm Hiệp định Paris lấn chiếm vùng Giải phóng, nhằm một mặt cảnh cáo VNCH, mặt khác báo cho thế giới biết VNCH vi phạm Hiệp định Paris. Thế là cuộc nội chiến lần 2 bắt đầu. Phối hợp 3 thứ quân, Quân Giải phóng mở những chiến dịch phản kích, chẳng những chiếm lại được những “da beo” bị mất mà còn mở rộng thêm vùng giải phóng.   
Thượng tướng VC Trần văn Trà viết trong cuốn“Kết thúc chiến tranh 30 năm”: “Sau khi đánh chiếm 3 chi khu Bù Đốp, Bù Đăng, Đồng Xoài vào tháng 12/1974, để thăm dò phản ứng của đối phương, Quân Giải phóng đánh chiếm thị xã Phước Long vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 6/1/1975 – đối phương phản ứng chiếu lệ bằng không quân ném bom vu vơ và thả xuống toán biệt kích với tính chất thăm dò, bị Quân Giải phóng diệt gọn…”.  
Biết đối phương không có khả năng chi viện cho nhau, Bộ Tư lịnh B.2 (gồm khu 6,7,8,9 và Sài Gòn Gia Định) chỉ đạo cho toàn khu vực (B.2) đồng loạt tấn công và nổi dậy, ra những đòn quyết định, bắt đầu từ đêm 9 rạng 10/3/1975. 
Trong lúc đối phương bị căng kéo khắp nơi, làm mũi chủ công, chủ lực Miền đánh chiếm Buôn Mê Thuột vào 11/3/1975, tiếp sau đó đánh thẳng ra ven biển, bắt tướng VNCH Nguyễn Vĩnh Nghi  tại Phan Rang, chia 4 vùng chiến thuật VNCH ra làm hai – vùng chiến thuật 1 và 2 giao cho địa phương quân và quân miền Bắc chi viện xử lý, mũi chủ công nầy xây về hướng Sài Gòn cùng 4 mũi khác lần lượt bóc vỏ tiến về Sài gòn, với khẩu lịnh “thần tốc tấn công, thời gian là lực lượng”. Các mũi gặp nhau ở Sài gòn trưa 30/4/1975 như mọi người đã biết.
Nữ chiến sĩ Biệt động Nguyễn Trung Kiên dẫn đường cho chiến xa 
Mặt Trận tiến về Sài Gòn ngày 30-4-1975 khi quân lực VNCH hoảng loạn 
tan hàng tháo chạy. Chế độ Cộng hòa sụp đổ chỉ sau 55 ngày "tái phối trí".

5. Để “tháo ngói nổ” kết thúc cuộc nội chiến lần 2 êm đẹp, Mặt trận Dân tộc Giải Phóng công bố chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc. 
Sau khi Quân Giải Phóng lách[2] qua khỏi “cánh cửa thép” Xuân Lộc của  quân đội VNCH, Mặt Trận ra lời kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc. Lời kêu gọi nầy chẵng những sớm được phía VNCH chấp nhận, mà ngay tướng Mỹ Martin cũng nói: “Độc nhất là đàm phán”.
 Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Thiệu phải ra đi? Bởi 2 lý do:   
     (1) Do Mỹ thúc ép: bỡi vì Mỹ thừa biết phía Cách mạng không thể chấp nhận thương lượng với VNCH nếu Thiệu còn làm Tổng thống.   
     (2) Do bất hòa nội bộ: dư luận râm rang trong binh sĩ VNCH đòi “lấy tiết” ông Thiệu. Ngoài chê Thiệu hiếu chiến, bất tài, thất đức, còn gán cho ông 2 tội: một là gây sự phá hiệp định Paris với chủ trương “xóa da beo”; hai là chủ trương rút khỏi Tây Nguyên nên tình hình mới nông nổi.   
Tháng 4/1975, Mỹ cắt hoàn toàn viện trợ đối với VNCH. Tình hình căng thẳng, quân đội hoang mang, nếu không đủ tiền phát lương chắc binh sĩ lần lượt rã hết, ông Thiệu nài nỉ xin 750 triệu USD cho quân đội cầm hơi, nhưng chính phủ Mỹ vẫn không duyệt. Bực mình, Thiệu nói: “Đánh không đánh, đưa người ta đánh cũng không đưa”. Thế là chiều 21/4/1975, Thiệu từ chức, giao quyền cho ông Trần Văn Hương, lão già 71 tuổi, gần như bị mù lại thêm bị bịnh thấp khớp.  
Việc chuyển giao quyền lực của VNCH lúc bấy giờ khiến những người thích tò mò đặt ra 2 câu hỏi:
     (a) “Với tình hình nước sôi lửa bổng, trước khi ra đi, ông Thiệu không giao quyền cho nguyên Tổng thống Dương văn Minh hay người nào khác mà giao cho già Hương nhiều bịnh tật lo cho bản thân không xong?”. Dễ hiểu thôi: Lấy đâu ra người khác ngoài thiếu tướng “không quân”[3] Nguyễn Cao Kỳ. Nhưng Kỳ cầm đầu nhóm “tướng trẻ đầu bò”, luôn là đối thủ với Thiệu về chiếc ghế Tổng Thống. Ngoài chơi phé với nhiều tướng lĩnh, mới đó thôi, Kỳ rủ Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và 2 tướng Cao Văn Viên và Lê Minh Đảo… góp phần cầm đầu đảo chính lật Thiệu. CIA phát hiện âm mưu nầy báo về Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Mỹ cấm không cho đảo chính, Kỳ không dám làm liều, về tư gia ở sân bay Tân Sơn Nhứt nằm sầu não. Còn đại tướng Dương văn Minh và chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phó tư lịnh vùng 4 chiến thuật (ĐBSCL), đã bị Thiệu loại từ lâu rồi vì cái tội cầm đầu lực lượng thứ 3, họ luôn giựt chõ với Thiệu. Biết rằng giao quyền cho già Hương là hạ sách, nhưng ông Thiệu không còn cách lựa chọn.     
    (b) Tại sao Tổng Hương không giao quyền cho Nguyễn Cao Kỳ khi ông ấy đang hăng, nhiều lần khẩn thiết yêu cầu được tái ngũ để tử chiến? Cũng dễ hiểu thôi: Tình hình cứ tiếp tục núng thế không thể đảo ngược, thua chỉ còn tính ngày giờ, thầy Mỹ còn bó tay, giao cho tướng say máu Nguyễn Cao Kỳ hay cho hắn ta tái ngũ cầm binh chỉ “hư bột hư đường”, chỉ nướng thêm quân để rồi cũng thua trong hoang tàn đổ nát. Giao cho Dương văn Minh, lực lượng thứ 3, ít nhiều có thiện cảm với phía Cách mạng, may ra “còn có cháo để húp” trong ván bài thương lượng . Nếu đối phương nuốt lời không chấp nhận thương thuyết hòa giải thì cũng kết thúc cuộc nôi chiến êm đẹp, và về bản thân, giáo già Hương nầy nếu không được xem là đạo sĩ thì cũng không bị xem là tên đồ tể.  
Nếu ai chịu khó theo giỏi, từ đầu đến cuối, Mỹ đối với VNCH theo kiểu “chọn mặt gởi vàng” và “Con chó và người đi săn” – Chọn được mặt mới gởi vàng, không chọn được mặt thì cất vàng vào tủ sắt. Vỗ béo những con chó còn khả năng săn, thịt nó khi không còn tác dụng. Vì vậy, giới lãnh đạo VNCH, dầu có dũng mãnh, ngang tàng đến đâu, cũng phải cúi đầu trước Mỹ, vì sợ họ cắt viện trợ và không cho sống - theo nghĩa rộng. 
Cần nói thêm ở đây, từ năm 1965, cuộc nội chiến ở Nam VN chuyển thành chiến tranh Cục bộ, đàng sau mỗi bên đều có một hay nhiều cường quốc trực tiếp hoặc gián tiếp tham chiến, cường độ cuộc chiến từng bước gia tăng tàn khốc, nhà tan cửa nát, máu đổ thây phơi. Tinh thần bài ngoại, hòa giải hòa hợp dân tộc trổi dậy trong lực lượng cả 2 phía Mặt Trận DTGP và VNCH. Phía VNCH hình thành lực lượng thứ 3, ít nhiều họ có cảm tình với Mặt Trận DTGP, vì cùng theo lập trường dân tộc. Để tránh thảm họa, Tổng thống Thiệu loại đại tướng Dương văn Minh và chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, cho rằng 2 vị nầy cầm đầu lực lượng thứ 3. Cũng dễ lý giải, lúc bấy giờ có ít nhất 50% gia đình ở Nam VN có người thân tham gia cả 2 bên, ngoài những “cái đầu nóng” thúc giục, đa số họ không muốn anh em, dòng tộc chém giết nhau, chẳng hạn: tướng Dương Văn Minh có người em trai Dương văn Nhựt, sĩ quan Bắc VN và người chú Dương Văn Diêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục thuộc Chính Phủ Cách mạng Nam VN. Về phía đối nghịch, ông Tám Dần, phó tư lịnh Quân khu Khu Trung Nam bộ có người con trai cấp tá của quân đội VNCH v.v…  
Tổng thống Dương Văn Minh nhậm chức vỏn vẹn chỉ có 3 ngày từ 28 đến 30/04/1975. Theo tôi nhận xét, Ông Minh là người thông minh, giàu lòng yêu nước. Ông nhậm chức không phải để tiếp tục cuộc chiến phân biệt thắng thua, mà để góp phần kết thúc cuộc nội chiến đáng nguyền rủa nầy theo tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc như Mặt Trận đã đề ra trước đó. Mọi suy nghĩ và hành động của ông trong việc “tháo ngòi nổ” tĩnh táo, cẩn thận, tính toán rất chi ly, chẳng hạn:
 - Ra lịnh cho người Mỹ nói chung rút khỏi Nam VN trong 24 tiếng đồng hồ . Việc làm ấy có lẽ với dụng ý ngăn không cho quân đội Mỹ lấy cớ cứu người trở lại Nam VN?
 - Cử phái đoàn với tính chất tượng trưng đến trại David ở Tân Sơn Nhứt để gọi là “thương lượng” với đối phương để làm cớ không cho thuộc hạ nổ súng tử chiến,  chờ thương thuyết?
 - Minh gọi tay em thân tín nhất là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã hồi hưu tái ngũ. Minh thừa biết từ lâu Hạnh có cảm tình với Cách mạng. Khi Hạnh từ Cần Thơ tới, Minh liền cử Hạnh bổ sung vào Bộ Tổng tham mưu, làm trợ lý cho Tổng Tham mưu trưởng Vĩnh Lộc. Hạnh lèo lái, hù dọa làm cho tướng hoàng tộc Vĩnh Lộc sợ bỏ nhiệm sở, chiếm quyền điều binh khiển tướng. Khi Lộc chuồn, Hạnh thừa lịnh Lộc ra lịnh cho tướng lĩnh của mình chủ động liên lạc với tướng lĩnh đối phương giải hòa ngừng chiến. Thế là không có đụng độ lớn từ khi Hạnh vào Bộ Tổng tham mưu.
- Minh chấp nhận đề nghị của cán bộ nội thành, cử Triệu Quốc Mạnh chỉ huy cảnh sát Đô thành. Với quyền được giao, Mạnh gợi ý và cho phép sĩ quan Cảnh sát về sắp xếp chuyện gia đình, phần lớn đi không trở lại, cảnh sát viên như rắn mất đầu tự rã nhanh chóng. Mạnh còn táo bạo, đến Tổng Nha Cảnh sát phịa lịnh: “Tổng thống chỉ đạo Tổng Nha các anh thả ngay tù chính trị để mở đường cho việc thương thuyết”. Khi tù nhân ra trại, Mạnh còn cấp tiền xe cho họ về nhà.
 - Khi quân Cách mạng chưa vào đến “thủ phủ”, Tổng Minh cứ lấy cớ chờ kết quả thương nghị ở David, dứt khoát không tuyên bố bàn giao hay đầu hàng gì cả. Bởi vì, Biệt khu Thủ đô Sài Gòn có mấy trung đoàn, tiểu đoàn đặc nhiệm, tuyên bố thua sớm biết đâu chẳng những chúng kéo đến hạ thủ mình mà còn tử chiến với đối phương gây chết chóc, đổ nát. Khi chiến xa đối phương vào đến dinh Độc lập thì ai bảo gì Minh làm chuyện ấy miễn có lợi cho chung cuộc - không kỳ kèo.
Có lẽ hành động thức thời của Nội các VNCH, đứng đầu là Tổng thống Dương Văn Minh, trong buổi tiếp kiến bầu đoàn Tổng Minh, thượng tướng VC, tư lịnh B.2 Trần văn Trà “xả nhiệt” bằng câu thân tình để đời: “Mỹ thua Mỹ rút, chúng ta là những người chiến thắng”. Năm sau, muốn cho vết thương dân tộc mau lành, nhân kỷ niệm 30/4, ông Võ Văn Kiệt nói: “Kỷ niệm 30/4 hễ có 1 triệu người vui thì có 1 triệu người buồn” .Thật đáng kính đối với 2 vị bao giờ cũng nghĩ đến đất nước và cộng đồng dân tộc. 

6. Đảng CSVN lộng quyền, ác cảm,  gây tổn thương và bất hòa trong dân tộc
Khi khẳng định Việt Nam Cộng Hòa không thi hành hiệp định Genève 1954, năm 1959, Đảng Lao động Việt Nam vạch ra đường lối Cách mạng cho 2 miền Nam - Bắc: Miền Bắc “Xây dựng CNXH”; Miền Nam tiếp tục làm cuộc Cách mạng “Dân tộc, Dân chủ”. 
Vậy là 30/4/1975, cuộc cách mạng miền Nam chi mới thực hiện được vế thứ nhứt “Dân tộc” – nghĩa là mới đuổi được ngoại xâm, còn phải tiếp tực thực hiện vế thứ hai “Dân chủ” rồi mới tính đến bước hiệp thương, tuyển cử thống nhứt đất nước?
Theo tiến trình của cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ và lời kêu gọi Hòa giải Hòa hợp Dân tộc của Mặt Trận trước khi kết thúc cuộc chiến, lẽ ra sau 30/04/1975, Bắc VN phải tôn trọng Nam VN, làm theo tinh thần hiệp định Paris: khuyến khích Chính phủ Cách mạng Miền Nam và Lực lượng thứ 3 (tức là bầu đoàn của Tổng thống VNCH Dương văn Minh ) tổ chức hiệp thương cử ra Chính phủ mới ở Nam VN. Sau đó, Chính phủ 2 miền Nam-Bắc hiệp thương tổng tuyển cử thống nhứt đất nước. Nếu Làm được như thế, Bắc VN không làm trái với “Đường lối cách mạng miền Nam” do chính mình vạch ra; Mặt Trận không bội ước đối với VNCH về lời kêu gọi  Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc mà mình đưa ra trước khi kết thúc cuộc chiến; tạo tiền đề cho sự ra đời Chính quyền minh bạch, chính danh của cả nước. 
Rất tiếc, sau 30/04/1975, Đảng Lao động VN không vì đại cuộc, lộng quyền, nhận lớp bước “Dân chủ”, đổi tên Đảng, tên nước, áp đặt thể chế Độc tài Đảng trị theo chủ thuyết hoang tưởng Mác-Lê-Mao. Với thể chế Độc tài Đảng trị, Đảng CSVN lộng quyền, ác cảm, gây tổn thương và bất hòa trong dân tộc . Đáng nói, 4 vết thương  trải qua 40 năm vẫn còn rỉ máu: 
      1/ Nhân danh là người thắng cuộc, gom hàng triệu người gọi là “ngụy quân, ngụy quyền” vào các trại cải tạo và phân biệt đối xử với gia đình họ.   
      2/ Tiến hành cải tạo XHCN: Cải tạo Tư sản mại bản (tịch thu tài sản, đưa họ đi vùng kinh tế mới); cải tạo công + thương nghiệp (tập trung vào 2 hình thức Quốc doanh và Tập thể);  Cải tạo Nông nghiệp (tước quyền sở hữu đất của nông dân, buộc họ vào làm tính công điểm ở các hợp tác xã nông nghiệp). 
      3/ Tồ chức cho vượt biên theo ý muốn, với tên gọi “Phương án 2” – Ngoài bán bến, bán ghe, mỗi người đi phải nộp vàng theo qui định, mức qui định ở từng địa phương rất linh hoạt - chi có lên chớ không xuống. Được biết, theo qui định chung, người lớn (18 tuổi trở lên) 5 lượng / người, người nhỏ (dưới 18 tuổi) 2 người bằng 1 người lớn. Việc đưa họ đi rất đơn giản: đảm bảo rời bờ biển không ai làm khó, còn đi đâu không cần biết, “sống chết mặc bây, vàng thầy bỏ túi”- khủng quá ! 
       4/ Nếu năm 1973 VNCH bị Mỹ bỏ rơi thì, từ năm 1976, các tổ chức Cách mạng vang danh một thời ở Nam VN như Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng, Chính Phủ Cách Mạng Miền Nam, Mặt Trận Liên Minh…không được quyền tồn tại, “tự nguyện” giải tán, được xem như cái chết “tự chọn”. Các Đảng chiến hữu như Đảng Dân Chủ, Đảng Xã hội, Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam cũng không được quyền tồn tại về mặt tổ chức, các thành viên của chúng (đảng viên) nếu tự giác được chuyển sang làm thành viên Đảng CSVN. 
Vì độc tài chuyên chế, vì đeo bám chủ thuyết Cộng sản hoang tưởng; vì lợi ích cá nhân cục bộ, xem nhẹ lợi ích quốc gia dân tộc…, khi cầm quyền, Đảng CSVN phạm phải quá nhiều sai lầm gây thù chuốc oán với quá nhiều người. Do đó, Đảng CSVN đã không còn là trung tâm đoàn kết dân tộc, không đủ khả năng hay tư cách nói đến việc hòa giải hòa hợp dân tộc. Chỉ khi nào Đảng CSVN tự thú về những sai lầm của mình may ra được tha thứ. Nếu Đảng CSVN cứ tiếp tục “ăn mày dĩ vãng”, dương dương tự đắc, tự cao, tự mãn, tự sướng… như 40 năm qua thì khó tránh khỏi sự sụp đổ tất yếu, chỉ còn là thời gian. Đoàn kết dân tộc bao giờ cũng là trách nhiệm của giới lãnh đạo. Lãnh đạo mà không có đối tượng để lãnh đạo thì nó không còn là nó.
 “Lửa cháy nhà lòi ra mặt chuột”. Người viết bài nầy đưa ra 6 cái “nếu” dưới đây thay cho lời kết: 
 -  Nếu Mỹ không chủ trương phá Hiệp định Genève, để Pháp và Bảo Đại cùng Bắc VN thi hành Hiệp định Genève thì không xảy ra thêm bất cứ hình thức chiến tranh nào ở VN?
 -  Nếu Ngô Đình Diệm cùng thi hành Hiệp định Genève; không áp đặt thể chế “Độc tài Gia đinh trị” và không mở ra cuộc chiến “đơn phương”, dầu cho Mỹ muốn can thiệp, cũng không xảy ra cuộc  nội chiến lần thứ nhứt (1960-1964)?
 -  Nếu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Nam VN không bị sức ép của miền Bắc VN, chấp nhận đề nghị thương thuyết của VNCH (nếu có) thì chẳng những kết thúc được cuộc nội chiến lần thứ nhứt mà còn tránh được cuộc chiến tranh Cục bộ (1965-1973)?
 -  Nếu Thiệu không phá Hiệp định Paris thì không xảy ra cuộc nội chiến lần thứ hai (1973-1975)? 
 -  Nếu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam không sáng kiến kêu gọi “Hòa giải Hòa hợp Dân tộc” thì cuộc nội chiến kết thúc trong hoang tàn đổ nát, máu đổ thây phơi?
 - Nếu Đảng CSVN không lộng quyền, áp đặt thể chế “Độc tài Đảng trị”, theo chủ thuyết hoang tưởng Mác-Lê-Mao thì không có chuyện đã 40 năm mà lòng vẫn dân ly tán, trống đánh xuôi kèn thổi ngược như hiện nay?
24/05/2015
Đào Văn Tùng  - Viết từ TP Mỹ Tho.


[1] Ở vùng nầy có nhiều núi, nhưng có  7 cái núi có tên như: núi Dài, núi Sam, núi Sập…
[2]Mất quá nhiều thời gian và hao binh tổn tướng mà không vượt qua được cánh cửa thép Xuân Lộc, Quân Giải Phóng “lách”, bỏ Xuân Lộc phía sau, tiếp tục tiến về Sài Gòn
[3] Kỳ vốn là tướng tư lịnh không quân VNCH, giờ đây bị  Thiệu cho ngồi chơi xơi nước trở thành tướng “không quân”- tức là không có quân trong tay.
 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 1-6-15

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét