Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Minh xác: “Làm Sáng Tỏhay “Xuyên tạc, Bịa đặt?”
VỀ MỘT TRƯỜNG HỢP TRỘM CẮP CÔNG TRÌNH
TIM ÓC CỦA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU

Chính Ðạo Vũ Ngự Chiêu


Cách đây ít hôm, Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang, tác giả Thực chất của Giáo hội La-Mã, (2 tập, xuất bản năm 1999), gửi điện thư cho tôi, yêu cầu lên tiếng về một bài viết của Tú Gàn trên tờ SàiGòn Nhỏ mới xuất bản. Ông bà Quang còn cẩn thận đính kèm bài viết trên, được gửi đi các mạng lưới online. Tôi chẳng bận tâm vì Tú Gàn, tức Lữ Giang, tức Nguyễn Cần là người từng được Giáo sư Quang mệnh danh là ‘chuyên viên phịa sử’ (sách đã dẫn, 1999, II:689), không những chỉ ‘dốt sử,’ ‘thiếu căn bản sử học,’ mà lại ‘đầy gian ý’ (sđd, 1999, II:653-738). Tệ hại hơn, Tú Gàn, tức Lữ Giang còn trộm cắp công trình nghiên cứu của người khác, đặc biệt là những nghiên cứu của tôi trong tập Việt Nam Niên Biểu, chép vào ‘sách’ của đương sự, mà không hề trưng dẫn nguồn xuất xứ, mập mờ đánh lận con đen rằng từng tham khảo các tài liệu ‘văn khố’ ngoại quốc. Trâng tráo hơn nữa, Tú Gàn thỉnh thoảng lại cao giọng chê tôi là ‘phịa’ hay ‘xuyên tạc’ khi các tư liệu của tôi bác bỏ một cách rõ ràng, khẳng định, những điều bịa đặt xưa nay trong nỗ lực ‘cung văn’ giòng dõi họ Ngô Ðình Khả, Nguyễn Hữu Bài cùng thành phần trung gian bản xứ dưới thời Pháp đô hộ của Tú Gàn và những tàn dư của Cần Lao.

Thuộc loại người tương đối có học (hình như tốt nghiệp trường Luật ở Việt Nam), nhưng Tú Gàn không những chỉ thiếu sự lương thiện trí thức mà còn đầy những ý tội [mens rea] và việc tội [actus reus] - tìm đủ cách nhục mạ, bôi nhọ những người tham gia sinh hoạt cộng đồng và những người tên tuổi trên những tờ báo chợ-thật không xứng đáng để ghé mắt. Bởi thế, tôi đã im lặng bấy lâu, dành cho dư luận phán đoán bản chất con người Tú Gàn. Nhiệm vụ chính yếu một người học sử, theo tôi, là truy tìm những tài liệu mới, hầu tái dựng các biến cố gần đúng với sự thực nhất, dưới sự hướng dẫn của lương tâm nghề nghiệp; chẳng nên phí phạm thời gian một cách vô ích vào những việc cuồng quay trong chu trình lên men thối của những người chưa chết đã có mùi tử thi. Nếu đáng chú ý chăng chỉ có các vấn đề liên quan đến khả năng hội nhập của tuổi trẻ Việt vào quê hương mới của họ, trong chu trình hình thành các cộng đồng gốc Việt.

Nhưng mới đây, mạng lưới ‘Lịch sử Việt Nam’ cho đăng lại bài viết mới nhất của Tú Gàn, gọi là ‘làm sáng tỏ’ thêm về Hiệp định Geneva. Bởi vậy, tôi nghĩ khó thể tiếp tục im lặng.
Bài minh xác này được viết không thuần nhắm phản ứng lại ác tâm vu khống và mạ lỵ của Tú Gàn tức Lữ Giang. Biện pháp hữu hiệu duy nhất thực ra là phải nhờ đến pháp luật, như Kỹ sư Bùi Bỉnh Bân, nguyên Chủ tịch cộng đồng Santa Ana, đã từng lôi bọn côn đồ chữ nghĩa ở hải ngoại, kể cả Tú Gàn, ra trước pháp đình. Nhưng những ai biết rõ về luật pháp Mỹ cũng hiểu sự nhức đầu của các phiên tòa dân sự: Nếu bị can thuộc loại sống vô gia cư, chết không địa táng, ví thử có thắng kiện, chỉ tốn kém tiền bạc và thời gian, cuối cùng chỉ nắm trong tay một bản án của tòa, mà chẳng sai áp được bao nhiêu tiền bạc hay tài sản. Bởi thế, đa số đều im lặng, theo đúng lời dạy của Cổ nhân: ‘Thứ nhất sợ kẻ anh hùng; thứ nhì sợ kẻ bần cùng khố giây.’

Bài minh xác này cũng không được viết để trả lời hay đối thoại với Tú Gàn. Tú Gàn không hề biết đối thoại hay thảo luận mà chỉ làm một công việc mệnh danh là ‘tinh tinh tân thời.’ Thời xưa, đối xử với loài tinh tinh, người ta cho chúng uống rượu say, rồi chăng lưới bắt.
Vào đầu thế kỷ XXI, ai phí thì giờ bắt những con tinh tinh say rượu ở hải ngoại làm gì?

Tuy nhiên, từ vị thế một người nghiên cứu sử học và luật học chuyên nghiệp, tôi cảm thấy cần khẳng định thêm một lần về Hiệp định Geneva 1954, một Hiệp định mà đại đa số người Việt của cả hai phe chẳng những chưa được thông báo đầy đủ, mà còn bị nhiễm độc vì những xảo thuật tuyên truyền của nhiều phe phái bấy lâu. Hậu quả của sự thiếu thông tin và tuyên truyền này khiến đại đa số người Việt không hiểu rõ được bản chất của cuộc chiến 1945-1975 nói chung, và nhất là giai đoạn 1954-1975 nói riêng. Trong bài ‘Từ Ðiện Biên Phủ tới Geneva’ (Chính Ðạo, Cuộc thánh chiến chống Cộng [Houston, TX: Văn Hóa, 2004]) tôi đã trình bày tỉnh lược nhưng khá đầy đủ về biến cố đã khiến Việt Nam bị chia cắt thành hai chế độ đối nghịch nhau như nước với lửa, tức giai đoạn hai, cũng giai đoạn kinh hoàng nhất của cuộc ‘thánh chiến’ giữa hai phe Cộng Sản và Ki-tô giáo. Kết luận chính của tôi là (1) Cả hai phe Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] và Quốc Gia Việt Nam [QGVN] chỉ là những tác nhân phụ thuộc trong việc phân chia đất nước theo vĩ tuyến 17 (phe QGVN không được tham dự việc thảo luận và ký Hiệp ước; phe VNDCCH bị áp lực của cả ngũ cường để chấp nhận đình chiến và tập trung quân ở phía Bắc vĩ tuyến 17, với lời hứa hẹn là sẽ bàn thảo việc tổng tuyển cử hai năm sau, dự trù vào tháng 7/1956); và, (2) Ngô Ðình Diệm mới là người chịu trách nhiệm chính về việc chia đôi đất nước và dân tộc, khi thành lập chế độ tiền đồn chống Cộng Việt Nam Cộng Hòa [VNCH] dựa trên các cộng đồng Ki-tô Roma, và từ chối thảo luận vấn đề tổng tuyển cử dự định vào tháng 7/1956 (dù thực ra, ông Diệm cũng chỉ là một lá bài chống Cộng bản xứ của Liên bang Mỹ). Thiếu hiểu biết về, hay tảng lờ yếu tố quốc tế này-trong một thế giới luật kẻ mạnh-chẳng bao giờ có thể nhận hiểu được rõ ràng, minh bạch những chuyển biến chính trị và quân sự trong nội địa Việt Nam. Bởi thế mới nảy sinh ra những lập luận ngụy biện, kỳ quái của cơ quan tuyên truyền của chế độ Ngô Ðình Diệm, và tàn dư Cần Lao ở hải ngoại, như Hồ Chí Minh và Ðảng CS Việt Nam đã chia cắt đất nước và lòng người qua Hiệp định Geneva vào năm 1954 (sic).

Bài báo của Tú Gàn, với tham vọng ‘làm sáng tỏ’ Hiệp định Geneva, thực chất chẳng có một giá trị nào, nếu không phải là một thứ tội ác tinh thần, làm ung hoại tuổi trẻ, và một hành động mọi rợ văn hóa. Thay vì làm sáng tỏ thêm vấn đề, nó chỉ tạo nên sự hiểu lầm và hỗn loạn trong giới độc giả không thành thạo về lịch sử cận đại Việt, làm sâu dày thêm cảm nhận sai lầm về Hiệp định Geneva giữa Pháp và VNDCCH, một hiệp ước thành hình do sự dàn xếp và dưới sự chứng kiến của ngũ cường. Nếu chỉ vì dốt nát sử liệu, hẳn có thể khoan dung độ lượng cho những điều Tú Gàn đã viết. Nhưng ở đây, Tú Gàn không chỉ bộc lộ sự dốt nát, mà còn cố tình bịa đặt ra, hoặc lập lại như vẹt, những chi tiết về những điều khoản chính trị của Hiệp định (đã đạt được thỏa thuận từ ngày 19-20/7/1954). Những biên khảo nghiêm túc về hiệp định Geneva, như tác phẩm của Francois Joyaux và nhiều học giả khác trên thế giới, đã trình bày khá đầy đủ chi tiết về hiệp định này. Nếu muốn đóng góp thêm cho sự hiểu biết của chúng ta, cần nghiên cứu thêm tại các văn khố ở Việt Nam, văn khố Pháp, Trung Cộng, Nga, Bri-tên hay Mỹ, để tìm được những tư liệu mới hầu tu sửa những sai lầm cũ (nếu có). Nhưng Tú Gàn không có khả năng tri thức và nhất là không thể có phương tiện để nghiên cứu, tìm tòi thêm tài liệu mới. Khả năng duy nhất của Tú Gàn là cóp nhặt công bố của người khác, cộng với thứ kiến thức hời hợt, sai lầm do cơ quan tuyên truyền của VNCH ngụy tạo. Tham vọng làm sáng tỏ thêm Hiệp định Geneva của Tú Gàn bởi thế trở thành cuồng vọng, và một trò cười, khi đương sự chỉ dẫn ra được đôi ba chi tiết của Ruscio, một học giả Pháp, hay một tướng Pháp, xuất bản đã lâu, cùng bài báo trên tờ La Libération của Ðảng Cộng Sản Pháp (chắc chắn không thể chính xác như các nghiên cứu nghiêm túc của các sử gia và luật gia), hay đôi ba tài liệu tuyên truyền của Ðảng CSVN. (Cũng không thể không đặt câu hỏi thực chăng Tú Gàn đã đọc được những tác phẩm  trên, hay chỉ cóp của những người khác mà không chịu trưng dẫn xuất xứ. Cái thói quen gian xảo, trộm cắp công trình tim óc của người khác này đã thành tật trong tâm tưởng Tú Gàn. Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang đã phân tích khá tỉ mỉ thói quen cầm nhầm [theft hay larceny] của Tú Gàn trong cuốn Thực chất của Giáo hội La Mã, tập II).

Thành ngữ Việt Nam cùng những nước Á đông (kể cả Indonesia) có câu: ‘Không ai bới đống phân lên để mình là người đầu tiên chịu ngửi mùi thối.’ Ðó là lý do chính khiến tôi đã im lặng bấy lâu trước thái độ khiêu khích, tinh tinh của Tú Gàn và phe nhóm. Nhưng qua bài viết mới nhất về Hiệp định Geneva, Tú Gàn lại sử dụng luận điệu vu khống và mạ lỵ quen thuộc, khiến tôi nghĩ đã đến lúc minh xác cùng thân hữu và độc giả năm châu một số điểm như sau:

■ Thứ nhất, tôi muốn khẳng định, Tú Gàn chẳng biết gì về sử học, cũng chẳng có bao lăm kiến thức sử. Sự hiểu biết về lịch sử của Tú Gàn chỉ cỡ các học sinh trung học đệ nhất cấp. Những điều Tú Gàn gọi là ‘làm sáng tỏ’ Hiệp định Geneva thực ra chẳng có chút giá trị gì về sự liệu. Nó không hề đưa ra một tư liệu nguyên bản hay chính gốc nào, mà chỉ là sự cóp nhặt một cách sai lầm từ các tài liệu tầng hai hay tầng ba của các tác giả; hoặc do chưa hề tham khảo nguyên bản chính các tác phẩm trên, hoặc đọc không kỹ, hoặc đọc mà không hiểu, hay xuyên tạc những điều các nhà nghiên cứu đã viết.
Ðộc giả muốn rõ về hiệp định Geneva, xin tìm đọc bài ‘Từ Ðiện Biên Phủ tới Geneva’ của Chính Ðạo trong nghiên cứu Cuộc thánh chiến chống Cộng (sđd, 2004). Bài này cũng đã được phổ biến trên các tờ Người Việt ở Santa Clara và nguyệt san Ði Tới ở Canada.

■ Thứ hai, trong bài ‘Phiến Cộng trong Dinh Gia Long,’ trong tập Cuộc thánh chiến chống Cộng nói trên, tôi không hề nhắc đến tên Trần Ðộ và cũng không hề gọi anh ông Diệm-Nhu là ‘phiến Cộng’ chỉ vì ông Nhu đã tiếp Tướng ‘Trần Ðộ’ ngay tại Dinh Gia Long. Ðây là một sự bịa đặt (phịa sử) trắng trợn của Tú Gàn, tức Lữ Giang, tức Nguyễn Cần. Sự bịa đặt (phịa sử) này giúp tang chứng để khẳng định thêm nghề ‘chuyên viên phịa sử’ của Tú Gàn. Ðiều này cũng chứng tỏ Tú Gàn hoặc không đọc sách tôi, hoặc đọc mà chưa đủ sức hiểu, hoặc đọc mà cứ tảng lờ, viết nhăng viết cuội cho thỏa cái ác tâm ‘tinh tinh’ chữ nghĩa ở hải ngoại.

■ Thứ ba, Tú Gàn cho rằng tôi không phải là ‘sử gia.’ Ðiều này thì rõ ràng Tú Gàn đã vượt quá khả năng và giới hạn của đương sự. Sử gia [historian], theo định nghĩa của các nước văn minh, đã phát triển như nước Mỹ, là người từng được huấn luyện ngành sử học, tối thiểu phải tốt nghiệp bằng Tiến sĩ bộ môn Sử học, và tiếp tục dạy hay nghiên cứu chuyên nghiệp ngành này. Nó không phải là một học vị mà bất cứ ai cũng có thể vỗ ngực tự xưng, hay tâng bốc ca tụng một
người nào đó. Cái tôi đáng ghét, và với sự khiêm nhượng tối đa, tôi khẳng định Chính Ðạo Vũ Ngự Chiêu là một sử gia, với đầy đủ sự huấn luyện chuyên nghiệp, bằng cấp, tác phẩm bằng Anh và Việt ngữ, cùng những phần thưởng danh dự khác suốt hơn 20 năm qua (như Fulbright scholar 1982-1983, 1985-1986, 2004-2005, v.. v...) Nhận xét của Tú Gàn bởi thế là sự vu khống [libel] có ác tâm [malice]. Chỉ một điểm này thôi, theo dân luật Mỹ, đã mang tội phỉ báng [defamation] rồi, và Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ không áp dụng được. Tú Gàn dốt luật Mỹ, nhưng những luật gia ở Mỹ đều hiểu rõ.

■ Thứ tư, Tú Gàn đi xa hơn nữa là khuyên Nguyễn Hữu Thống đừng nên tham chiếu các nghiên cứu của Chính Ðạo Vũ Ngự Chiêu. Cũng chẳng sao. Bản thân Tú Gàn có lẽ đã theo đúng nguyên tắc này, nhất định không ‘tham chiếu’ nghiên cứu của Chính Ðạo. Nhưng Tú Gàn chỉ trộm cắp tài liệu của Chính Ðạo, in vào ‘sách’ đương sự, mà không trưng dẫn xuất xứ thôi. Xin đan cử vài thí dụ: Tú Gàn Lữ Giang lấy đâu ra chi tiết về việc Ngô Ðình Diệm từ chức vào tháng 7/1933? Lấy đâu ra chi tiết ‘văn thư’ [sic] của Grandjean ngày 26/3/1943 (Những bí ẩn lịch sử, tr. 413)? Lấy đâu ra chi tiết ngày 22/7/1946, Hồ Chí Minh viết thư cho Bộ trưởng hải ngoại Marius Moutet xin tiếp tục thương thuyết (sđd, 1999:301). Nhiều nữa, tôi không tiện nhắc ra đây. Và, chắc chắn các độc giả đã thấy rõ bản chất bịp bợm, dốt nát của Tú Gàn từ lâu. [Xin đính kèm một Phụ Bản về công trình trộm cắp và phịa sử của Tú Gàn-Lữ Giang đã được tóm lược trong tập Thực chất Giáo hội La Mã của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang để những người chưa biết rõ về Tú Gàn-Lữ Giang thẩm định].

■ Thứ năm, Tú Gàn đưa ra trường hợp Tri huyện Ngô Ðình Diệm bị tố cáo là dùng nến đốt hậu môn các nghi can Cộng Sản như một bằng chứng tiêu biểu là tôi xuyên tạc lịch sử. Một lời chỉ trích chẳng có vẻ gì chứng tỏ Tú Gàn từng thực sự học Luật. Tôi ghi trong tập III của bộ Việt Nam Niên Biểu, tức Nhân Vật Chí, như sau: ‘Có người cho rằng Diệm, khi làm tri phủ Hòa Ða, đã dùng đèn cầy [nến] thiêu đốt hậu môn tù nhân CS để lấy khẩu cung,’ và ghi thêm hai nguồn xuất xứ là Hoàng Trọng Miên và Bùi Nhung (dẫn chứng từ của Cựu nghị viên trưởng miền Trung là Nguyễn Trác). Vậy có gì là xuyên tạc lịch sử? Hai ‘người cho rằng Diệm, khi làm tri phủ Hòa Ða, đã dùng đèn cầy [nến] thiêu đốt hậu môn tù nhân CS để lấy khẩu cung’ là Hoàng Trọng Miên và Bùi Nhung. Vậy xuyên tạc hay phịa sử ở chỗ nào? Theo tôi, giá trị những điều hai tác giả trên viết đáng giá hơn, rất xa, chuyên viên phịa sử và trộm cắp tài liệu của người khác là Tú Gàn-Lữ Giang-Nguyễn Cần.
Trong bài ‘Jean Baptiste Ngô Ðình Diệm, 1897-1963’ trong Cuộc thánh chiến chống Cộng tôi còn ghi thêm nguồn xuất xứ khác là chứng từ trong cuốn Miền Nam giữ vững thành đồng (1964) của Trần Văn Giàu. Trong một phụ chú khác về chi tiết này, trong Các vua cuối nhà Nguyễn, tập III, để giải đáp thắc mắc của ông Huỳnh Văn Lang, tôi thêm rằng một người đã cho lệnh tấn công chùa chiền, bắt giữ tăng ni thì bất cứ việc ác nào cũng có thể làm. (Xem thêm ‘Mùa Phật đản đẫm máu’ trong Cuộc thánh chiến chống Cộng, với rất nhiều tư liệu văn khố mới giải mật). Dù tư liệu văn khố về Ngô Ðình Diệm chưa hoàn toàn giải mật, tôi tin rằng sẽ có dấu vết của những việc làm mà thượng cấp người Pháp ghi là ‘nghiêm khắc’ của ông Diệm, khiến Cộng Sản phải thuê cả một sát thủ người Hoa ra tận Phan Rang thanh toán, nhưng ông Diệm may mắn thoát chết. [Xem thư ngày 21/8/1944, Ngô Ðình Thục gửi Jean Decoux, do tôi phát hiện năm 1983, công bố trên nguyệt san Lên Ðường năm 1988; in lại trong Việt Nam Niên Biểu, I-A: 1939-1946. Tài liệu này đã bị Lê Trọng Văn và một cá nhân cùng một trường phái ‘ziết sử’ với Tú Gàn trộm cắp, tẩy xóa bút phê của Decoux và nhân viên văn khố, in vào ‘sách’ họ. Có người gửi thư rơi đi khắp nơi, vu cáo rằng lá thư trên do Cộng Sản bịa đặt ra. Thật là lố bịch. Tài liệu tôi công bố là thủ bút có chữ ký của Giám mục Thục, viết trên tín chỉ [letterheads] của giáo phận Vĩnh Long, có bút phê của Toàn quyền Decoux sau khi đọc xong, và dấu thị thực sao y bản chính của nhân viên văn khố Pháp tại Aix-en Provence. Chẳng lẽ hai ông Thục và Decoux đều là Cộng Sản, giả mạo ra lá thư trên? Trong khi đó một số người vừa dốt sử vừa đầy cảm tính chỉ nhắm mắt lại phán rằng thư này là tài liệu giả mạo, chẳng cần hoặc không biết đến việc sử dụng lý trí để phán đoán! Giám mục Ngô Ðình Thục và những tàn dư Cần Lao khi đưa ra lập luận trên, quên một điều: Muốn người ta không biết thì đừng làm những việc khuất tất. Lại có người cho rằng tôi có tư tâm hay ‘ghét’ họ Ngô nên mới công bố lá thư của Giám mục Thục. Thật là một thứ suy luận hồ đồ. Người nghiên cứu sử nào cũng có bổn phận phải công bố những tư liệu mới mình khám phá ra; đặc biệt là lá thư ngày 21/ 8/ 1944 của Ngô Ðình Thục là những lời chứng vô cùng quí báu về sự nghiệp phục vụ bảo hộ Pháp của họ Ngô đất Ðại Phong Lộc, Quảng Bình. Hơn nữa, đây không phải là tài liệu văn khố duy nhất tôi đã tìm ra và công bố trên thế giới. Thân hữu của tôi hẳn chưa quên tài liệu xin nhập học trường Thuộc Ðịa năm 1911 của Nguyễn Tất Thành cùng nhiều tư liệu khác về Ðảng CSÐD, hay những tư liệu về Petrus Key, các đảng phái và tác nhân Việt Nam trong thời cận và hiện đại.]
Tóm lại, Tú Gàn, vốn tính gian xảo, ưa trộm cắp công trình tim óc người khác, không nói thành c, lại thích ‘bí ẩn’ rông càn (kiểu cha cụ Phan Bội Châu phải đổi tên cụ vì sợ phạm húy vua Duy Tân, người lên ngôi năm 1907, tức nhiều năm sau ngày thân phụ cụ Châu từ trần, và hàng chục năm sau ngày cụ Châu đỗ giải nguyên), nên mới thích chụp mũ cho người khác là ‘phịa sử’ như tay nghề của chính đương sự, theo đúng nguyên tắc ‘vừa đánh trống vừa ăn cướp.’

■ Thứ sáu, Tú Gàn còn dọa là sẽ ‘viết sách’ để đối chất với tôi về gia đình Ngô Ðình Diệm - Một lời đại ngôn của những kẻ không thấy được sự khác biệt giữa bóng mình và bàn chân đế. Là chuyên viên trộm cắp công trình tim óc của các nhà khảo cứu chuyên nghiệp (nhất là các tư liệu văn khố do tôi tìm ra), pha thêm tay nghề phịa sử, bẻ cong sự thực lịch sừ để trám đầy những khoảng trống của các tờ báo phát không tại chợ búa, việc duy nhất mà Tú Gàn có thể làm là chửi bới bừa bãi, một thứ nghề tay trái của một cá nhân đã mất hết sự lương thiện trí thức và lương tâm. Những trang giấy in đầy chữ nghĩa tinh tinh nằm giữa hai bìa sách ký tên Tú Gàn hay Lữ Giang, hay Nguyễn Cần, hoặc bất cứ một bút hiệu nào khác, chẳng bao giờ xứng đáng gọi là ‘sách’ hay ‘văn chương’ theo ý nghĩa cao đẹp của nó. Hơn nữa, Tú Gàn và những tên đạo văn ở hải ngoại quên một điều: Những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp chúng tôi tuy lương thiện, nhưng có những kỹ thuật để bảo vệ tính chất nguyên bản của các tư liệu mà chúng tôi đã công bố. Bởi vậy, những tay trộm cắp tài liệu như Tú Gàn hay Lê Trọng Văn mới bị độc giả và các nhà nghiên cứu khác vạch mặt, chỉ tên những chỗ trộm cắp, rồi nhắm mắt lại mà phịa sử và lăng mạ, vu khống người khác. Tôi sẵn sàng chờ đợi một công trình trộm cắp mới của Tú Gàn (chắc là để bào chữa cho những đoạn cung văn đầy sai lầm về gia đình họ Ngô trong cuốn Những bí ẩn).

■ Thứ bảy, Tú Gàn tức Lữ Giang Nguyễn Cần giảo hoạt chụp mũ cho tôi là ‘chống lại’ hay ‘nói xấu’ Ki-tô giáo. Loại chụp mũ này rất nguy hiểm, nguy hiểm còn hơn cả cái mũ ‘Cộng Sản’ hay ‘Phiến Cộng’ dưới triều đại giáo phiệt họ Ngô. Họ Ngô chỉ chống Cộng được khoảng 9 năm, rồi bắt tay với Cộng Sản khi người Mỹ muốn thay ngựa [shift the horses], trong một màn bi hài kịch mà Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ McGeorge Bundy từng chua chát gọi là ‘cơn điên rồ tập thể của một gia đình cai trị chưa từng thấy từ thời các Nga hoàng.’ Nhưng Ki-tô giáo là một tôn giáo đã có khoảng 2,000 năm hiện hữu, và gần 1,700 năm tổ chức thành vương quốc thần linh [organized church]. Trong thời gian còn thống trị Âu châu, giáo hội Ki-tô Roma và Avignon đã thi hành những biện pháp cực kỳ sắt máu để trừng phạt và tiêu diệt đối thủ, và gán ép cho nạn nhân của giáo hội những tội danh như rối đạo, hay chống lại giáo hội. Người bị đốt cháy, người bị bỏ tù; cho đến lúc chết còn bị đóng thập tự giá vào trái tim vì bị kết tội là ‘ma-cà rồng.’ Trong khi các cường quốc thực dân Âu châu đi chinh phục thế giới, Giáo hoàng Ki-tô từng ra những ‘thánh dụ’ cho phép những kẻ xâm lược chiếm đóng, cướp làm vật sở hữu mọi tài sản và cá nhân hay bộ lạc không chịu theo đạo Ki-tô. (Xem Nguyên Vũ, Ngàn Năm Soi Mặt, tâm bút 2002). Những tội ác chiến tranh và diệt chủng này trúc rừng không đủ ghi chép. Bởi thế, mới nẩy sinh ra những phong trào chống đối, từ Tin lành giáo, tới thuyết Duy vật, chủ thuyết Cộng Hòa, và rồi Cộng Sản. Gán ghép cho tôi cái mũ chống hay nói xấu Ki-tô giáo, Tú Gàn muốn gì đây? Phải chăng đây là một mưu đồ hiểm độc: Một mặt để kiếm điểm những giáo sĩ và giáo dân nhẹ dạ; mặt khác tạo nên những hiềm khích, nghi kỵ giữa các tín đồ các tôn giáo khác nhau? Hay, chỉ là những phản ứng hẳn có, vẫy vùng, rẫy rụa, chửi bới lung tung khi bị kéo ra khỏi những vách hầm tối tăm, lạnh lẽo của sự ngu dốt sâu dày bấy lâu; và bản chất gian ngoan, lừa bịp?
Thực ra, với tôi, mọi thứ trên đời này chỉ là giả trá, tạm bợ. Nhiều hơn một lần, tôi đã khẳng định, ‘danh chỉ là khách của thực.’ Là một người học sử và học Luật, với tôi sự thực lịch sử chỉ là sự thực lịch sử; và, người học sử có bổn phận phải ghi chép hết những sự thực ấy cho hậu thế suy gẫm, học hỏi. Là một người nghiên cứu sử chuyên nghiệp, tôi không có quyền bẻ cong ngòi bút, dấu diếm những việc làm khuất tất của các tác nhân lịch sử. Tôi chủ trương không thể đồng hóa những tác nhân lịch sử trên với bất cứ một tôn giáo nào; vì tôn giáo không chỉ đơn thuần gồm một thiểu số giáo sĩ hay giáo dân tham vọng, quá khích. Chỉ có những người mới đẻ ngày hôm qua mới đồng hóa những cá nhân tham vọng bán buôn tôn giáo cho quyền lợi gia đình và cá nhân với tôn giáo này hay tôn giáo khác. Sau hơn ba thập niên nghiên cứu, tôi đi đến kết luận rằng đại đa số giáo dân Ki-tô Việt chỉ là nạn nhân của những tham vọng quyền lực của các nhà truyền giáo cùng các thành phần trung gian bản xứ như Petrus Key, Nguyễn Hữu Bài, Trần Lục cùng cha con họ Ngô, v.. v... Tóm lại, viết sự thực về vai trò của một số giáo sĩ Ki-tô trong cuộc Pháp xâm lăng và chiếm đóng Ðại Nam không có nghĩa ‘nói xấu’ hay ‘xuyên tạc’ Ki-tô giáo; mà chỉ muốn giúp các bậc trí giả theo đạo trên suy nghiệm lại cái gọi là ‘mang đến hồng ân.’ Nói hết sự thực về thành phần trung gian bản xứ như Petrus Key, Nguyễn Hữu Bài, Ngô Ðình Khả hay anh em họ Ngô không thể là nói xấu hay xuyên tạc Ki-tô giáo; mà chỉ muốn đại đa số giáo dân Ki-tô suy gẫm lại những việc làm và hậu quả của các tác nhân lịch sử trên.

Loại lý luận qui nạp rằng công bố sự thực sử học về họ Ngô là chống Ki-tô giáo, theo tôi, không những chỉ ngây ngô, nông cạn mà còn đầy bệnh hoạn kiểu Trung cổ. Ðáng buồn và đáng ái ngại là Tú Gàn, một cá nhân tôi chưa từng biết mặt, lại chỉ biết và sống với loại lý luận kiểu ‘rẻ rách sinh con chuột’ trên. Và, dĩ nhiên, bài viết của Tú Gàn chẳng làm sáng tỏ được gì hơn chính sự dốt nát, thói xấu trộm cắp tài liệu công trình tim óc của các học giả, và tội ác bịa đặt lịch sử hay ‘phịa sử.’ Nhưng cũng có thể Tú Gàn không ngây ngô và nông cạn, mà hành động đầy ác tâm. Ðó là chủ mưu gây nên tình trạng chụp mũ, vu cáo, khích động nhằm khoét sâu vào sự khác biệt giữa các cá nhân và tổ chức, phe phái, tôn giáo người Việt hải ngoại, gây hoài nghi về mọi người mọi việc. Kỹ sư Bùi Bỉnh Bân, cựu Chủ tịch cộng đồng Santa Ana, đã từng là nạn nhân của âm mưu khích động, nhằm khoét sâu sự nghi kỵ trong nội bộ cộng đồng này. Cá nhân tôi chỉ là một trong những nạn nhân khác. Tôi hy vọng các thân hữu, các bạn trẻ và độc giả của tôi hãy bước ra khỏi thế thụ động, bình chân như vại, có những hành động thích nghi với loại người như Tú Gàn.

Trân trọng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét