Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013


GIA ĐÌNH NGUYỄN TƯỜNG, VINH QUANG VÀ BI KỊCH


Mặc Lâm – RFA

(2013-08-24)

 

Xuân Diệu - Thế Lữ - Nhất Linh – Khái Hưng
(Wikipedia Photo)

Duy Lam tên thật Nguyễn Kim Tuấn ông sinh năm 1932 tại Hà Nội, là con ông Nguyễn Kim Hòa (mất năm 1963, Sàigòn) và bà Nguyễn thị Thế. Mẹ ông là em gái của Nhất Linh, Hoàng Ðạo và là chị Thạch Lam; mất năm 1997 tại Hoa Kỳ. Duy Lam là thành viên trẻ tuổi nhất, gia nhập Tự Lực Văn Ðoàn năm 1958. Lúc đó ông mới 19 tuổi.

Tác phẩm của ông gồm truyện ngắn Chồng Con Tôi, Ngày Nào Còn Ðàn Bà, Nỗi Chết Không Rời, Em Phải Sống. Hồi ký Gia Ðình Tôi. Truyện dài Cái Lưới, Lột Xác.

Ngoài viết văn Duy Lam còn là một họa sĩ tài năng, ông vẽ rất sớm và mới đây có cuộc triển lãm tranh tại tiểu bang Virginia, Hoa kỳ.

Chúng tôi may mắn gặp nhà văn, họa sĩ Duy Lam trong lần triển lãm này và ông cho phép được hỏi đôi điều có liên quan đến Nhất Linh, cha đẻ của Tự Lực Văn Đoàn cũng là người cậu ruột thân thiết của ông.

 
Binh bộ Thượng Thơ

Nói về cuốn hổi ký mà mẹ ông, bà Nguyễn Thị Thế, viết về gia đình Nguyễn Tường ông cho biết:

Ông Nhất Linh là bác tôi vì mẹ tôi là em ruột của ông có viết cuốn Hồi ký của gia đình Nguyễn Tường-Nhất Linh-Hoàng Đạo -Thạch Lam. Tôi đã tái bản đến ba lần. Mẹ tôi viết sau khi ông mấtvà đó là điều đáng tiếc. Chắc ông rất thú vị vì em gái của mình mà ông rất quý cũng đã viết hồi ký. Cuốn hồi ký được nhắc nhiều nhất trong văn học. Nhắc đi nhắc lại, trích trong văn chương Việt Nam.

Khi quyển hồi ký ra đời vào năm 1968 ở Sài Gòn thì nó đã làm cho tất cả các sách giáo khoa phải thay đổi vì cái gọi là gốc gác của họ Nguyễn Tường là ở Cẩm Phô, Quảng Nam. Trước đó không ai hề hay biết. Trong sách học thì ghi là Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam sinh ở Hải Dương, không nói gì đến gốc gác của họ Nguyễn Tường, là một giòng dõi quan từ đời ông Nguyễn Tường Vân là Binh bộ Thượng thư của vua Gia Long. Chữ Tường là bởi vua Gia Long đi đến chân núi Phước Tường, Hội An thì hỏi mọi người núi này là núi gì, ông trả lời “Thưa Chúa đây là núi Phước Tường”. Vua Gia Long nói với ông Nguyễn Tường Vân đi bên cạnh là hầu cận rất thân “Phước là họ ta nhưng Tường thì ta ban cho nhà ngươi”. Từ đó trở đi thì mới là họ Nguyễn Tường, trước thì chỉ Nguyễn không thôi.

Cụ Nguyễn Tường Vân có làm Đại sứ cho vua Gia Long sang nước Trung hoa thời nhà Thanh. Ở nhà tôi có một bức hình chụp cụ Nguyễn Tường Vân do nhà Thanh vẽ tôi có triển lãm trong các ngày lễ văn hóa ở các trường trung học ở Đà Nẵng năm 1971. Bức hình đã lâu đời hết sức nhưng màu vẫn còn đẹp nguyên."

Nhà văn - Họa sĩ Duy Lam
(Connectionnewspaper.com photo)

- Thưa nhà văn Duy Lam, chúng tôi rất muốn biết điều gì đã xảy ra sau khi nhà văn Nguyễn Tường Tam vào Sài Gòn và thu nhận thêm một vài thành viên nữa cho Tự Lực Văn Đoàn, mặc dù lúc ấy sức thu hút của Văn đòan này không còn mạnh mẽ như trước nữa?

- Về chuyện ông bác tôi thì tôi có giải thích một lần trong báo Người Việt tại sao ông Nhất Linh lại làm cái gọi là Tự Lực Văn Đoàn mà thêm giễu đùa là “nối dài”. Vào năm 1953 ông có làm “chúc thư văn nghệ” và đưa tôi và Nguyễn Thị Vinh và anh Tường Hùng ở Tự Lực Văn Đoàn lớp sau. Những người trong lớp văn học cũng có thể trả lời tại sao ông lại làm Tự Lực Văn Đoàn lớp hai. Lớp hai chứ không phải là thế hệ hai vì Vinh là người cùng thời với ông ấy và là đồng chí của ông nữa. Phía ở Hà Nội vào lúc hoạt động chính trị, ông Trương Bảo Sơn chồng bà là một đồng chí của ông Nhất Linh.

 

Điên? - Mưu kế chính trị!


- Còn câu hỏi về sự tự vẫn của Nhất Linh tuy đã được bàn rất nhiều trên báo chí nhưng đâu đó vẫn còn những câu hỏi cho rằng Nhất Linh có vấn đề tâm thần dẫn tới cái chết của ông ấy…

- Đến bây giờ mọi người vẫn không chịu tìm hiểu gốc gác các câu chuyện tại sao, động cơ nào đã khiến ông Nhất Linh tự vẫn. Tôi làm việc với ông Nhất Linh nhiều nhất, khi tôi bắt đầu viết truyện theo sự huấn luyện và kèm của ông thì tập “Chồng con tôi” ra đời và do ông chọn. Ông sửa một truyện của tôi đến 4,5 lần nhưng tôi chịu được sự kỷ luật đó. Vì thế tôi mới được coi là người có lối văn Dostoyesky đầu tiên ở trong văn chương Việt Nam, như ông Nguyễn Văn Trung có nói đến chuyện đó.

Lúc viết truyện ngắn tôi còn đương đi học ở Chu Văn An, lớp đệ tứ mới 19 tuổi. Ông Nhất Linh vô Sài Gòn trước năm 1952. Ông ấy gởi cho tôi, bà Vinh và anh Hùng mỗi người một tờ giấy viết tay cho chúng tôi vào Tự Lực Văn Đoàn làm tôi hết sức ngạc nhiên vì tôi chỉ mới là cậu bé 19 tuổi.

Tiện đây tôi cho anh biết rằng lý do tại sao ông ấy lại làm ra vẻ điên như vậy vì ông ấy nói với tôi vào thời tôi đến chơi ở Đà Lạt với ông: “ Đời bác lắm khi phải giả vờ để tránh sự chú ý của Pháp. Có một lần bác phải giả điên điên, dại dại một thời gian. Rồi sau này thì nói khỏi rồi”.

Trong cuốn sách của ông Tú Mỡ có nói đến đoạn đó. Đó chẳng qua là một mưu kế chính trị mà một người như ông phải làm thôi. Đó là lần thứ nhất. Lần thứ hai, lần này thì mẹ tôi có ghi trong cuốn hồi ký là năm 60, ông ở nhà bà ngoại tôi là mẹ ông ở 58 Lý Thái Tổ (mà sau này tôi vô ở cùng) thì cảnh sát đứng rình chung quanh nhà. Như mẹ tôi nói” anh Tam lấy giấy tờ vất ra cửa sổ”, rồi nói năng lảm nhảm để giả vờ mình bị điên. Thế nhưng cái đó không phải là lần đầu tiên. Ngày trước bác đã giả vờ điên rồi. Cái đó có ghi trong sách nhưng không ai đọc sách cả. Trong cuốn hồi ký của mẹ tôi đã in đến lần thứ ba. Mẹ tôi còn khôi hài “giá bác vất tiền ra thì mẹ đến mẹ nhặt”. Hai lần giả vờ điên thế nhưng người ta cứ bảo ông Nhất Linh tự tử chống Ngô Đình Diệm là vì ông điên. Tôi sợ họ không đọc sách cho kỹ nên họ mới là người điên.

Văn hào Nhất Linh
(Ảnh tặng Ông Lê Văn Kiểm)

 

Đứt đôi - Gây dựng lại


- Quay trở lại Tự Lực Văn Đoàn, ông có thề cho biết thêm tâm sự của Nhất Linh về đứa con tinh thần này như thế nào…ông ấy có tha thiết với nó hay chỉ là một phuơng tiện để hoạt động cách mạng? Nhất là sau khi những cây bút chính rớt lại miền Bắc?

- Cuộc chiến tranh ý thức hệ đã làm đứt đôi Tự Lực Văn Đoàn. Ông Nhất Linh than thở với tôi: “Bây giờ bác vào đây có mỗi mình bác. Xuân Diệu, Tú Mỡ, Thế Lữ... ở ngoài đó đi theo cộng sản”. Mới đây anh Nguyễn Hưng Quốc mới đây diễn thuyết ở Người Việt cũng còn nhắc những người đều đi theo cộng sản hết. Ông Tú Mỡ được giải thưởng của Hồ Chí Minh về thơ trào phúng chống Pháp. Ông Thế Lữ là chủ tịch hội kịch nói. Ông Xuân Diệu là công thần của chế độ. Ba người đó là cộng sản bị đảng áp lực đã nhiều lần tố ông Nhất Linh là phản động và phủ nhận Tự Lực Văn Đoàn. Họ phải làm vậy thôi nếu không thì họ không thể nào sống nỗi với công sản.

Như thế theo nguyên tắc họ không còn trong Tự Lực Văn Đoàn vì họ tự ý đả kích ông giám đốc của đoàn và tự ý rút ra. Những người Quốc gia ở Việt nam thời đó và những người Việt nam ở hải ngoại bây giờ tự hỏi mình có thể chấp nhận Tự Lực Văn Đoàn có 3 người cộng sản không? Chỉ còn có mỗi ông Nhất Linh, ông Hoàng Đạo mất ở hải ngoại, ông Thạch Lam mất sớm. Ông Khái Hưng thì bị cộng sản giết ở Cửa Gà cùng với anh của ông Nhất Linh là ông Nguyễn Tường Cẩm, chuyện đó là lịch sử rồi. Thế thì mình có chấp nhận Tự Lực Văn Đoàn có ba người cộng sản không?

Ông Nhất Linh nhiều lần nói chuyện với tôi ở nhà Hàng Bè. Vào Sài Gòn thì ông gởi cho chúng tôi “chúc thư văn nghệ” năm 1952. Ông hay than thở với tôi là “Cái công lớn nhất của đời bác là làm Tự Lực Văn Đoàn nhưng bây giờ vì chính trị, anh em tan nát ra cả. Không biết họ có vào được miền Nam không”.

Dĩ nhiên ông ấy có nhiều lần khóc, khó lòng mà không khóc được. Những ngày tết nhất nhớ lại Tự Lực Văn Đoàn ngày xưa của ông, nhớ lại những người đã chết, ông Tường Cẩm bị cộng sản bắt đi trước mặt tôi và bị giết chết. Vì những nỗi buồn đó mà ông ấy có nói với tôi “vì thế mà bác mới làm Tự Lực Văn Đoàn để đưa những tay bút mới” như một bài thơ có nói “Tự Lực Văn Đoàn rồi phải trồi lên”. Phải phục hưng tinh thần của Tự Lực Văn Đoàn nếu không chúng ta sẽ bị những người cộng sản chiếm đa số.

 
Vinh quang và bi kịch

- Số phận của gia đình Nguyễn Tường hầu như gắn liền với một giai đoạn lịch sử …Là thành viên trong gia đình này nhà văn có cảm tưởng ra sao khi có nguời so sánh với gia đình Kennedy của Mỹ, cũng vinh quang nhưng đầy bi kịch…

Nhà văn-Nhà thơ Thế Lữ
(vanlangseatle.com photo)

- Gia đình tôi cũng giống như gia đình Kennedy ở bên Mỹ này, những thành viên trong gia đình đều làm chuyện công ích và chính trị. Họ Nguyễn Tường ở trong nước Việt Nam nhỏ bé cũng liên hệ đến chính trị cùng với các đồng chí. Ông Tường Cẩm thì bị cộng sản giết, ông Nhất Linh sau chết cũng vì chính trị. Ông Hoàng Đạo bị lưu vong mà phải chết sớm, cũng là vì chính trị. Cho nên có thể nói cái ảnh hưởng sâu rộng đến gia đình Nguyễn Tường và ảnh hưởng luôn đến Tự Lực Văn Đoàn. Làm đứt đôi Tự Lục Văn Đoàn luôn. Ông Nhất Linh ở vị trí của ông-người sáng lập ra đoàn, phải cố gắng phục hồi tinh thần của Tự Lực Văn Đoàn bằng đủ mọi cách. Đó là tinh thần của ông Nhất Linh, lúc nào cũng tiến tới, lúc nào cũng làm một cái gì mới. Đời không khuất phục được. Chính trị độc tài không khuất phục được. Cộng sản không khuất phục đươc. Thế mới là ông Nhất Linh chứ mà lùi và xóa bỏ đi Tự Lực Văn Đoàn thì chuyện đó là chuyện tư nhiên, không ai nói gì được. Tinh thần ông ấy là như vậy, tôi biết bác tôi. Ông ấy bảo tôi “ cháu phải cố gắng”.

- Xin cám ơn nhà văn, họa sĩ Duy Lam.

Mặc Lâm – RFA
(2013-08-24)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét