Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019


QUÊ HƯƠNG NGÀY TRỞ LẠI (Kỳ 4)

Thụy Khuê
Phú Yên 2
Alexandre de Rhodes

Alexandre de Rhodes sinh ngày 15/3/1591 tại Avignon, mất ngày 5/11/1660 tại Ispahan (Perse, tức Iran). 18 tuổi ông đến Roma, gia nhập dòng Tên ngày 14/4/1612, và tha thiết mong được đi Nhật Bản giảng đạo. Được Giáo Hoàng Paul V cho phép, rời Roma tháng 10/1618 để đi Lisbonne. Lúc đó Bồ Đào Nha là "con trưởng" của Giáo Hội, nên các giáo sĩ muốn đi giảng đạo ở đâu phải xin vua Bồ cho phép mới đi được. Ngày 4/4/1619, de Rhodes lên tàu đi Goa (Ấn Độ) là một trong những trung tâm công giáo lớn nhất ở Á châu. Ông đến Goa ngày 9/10/1619, nhưng Nhật đã bế quan tỏa cảng từ năm1612, đã ban hành luật cấm đạo rất nghiêm ngặt từ tháng 1/1614, không thể lọt vào. Bề trên quyết định cho ông đi Đàng Trong. Tháng 12/1624, de Rhodes đáp tàu từ Macao đến Cửa Hàn (Đà Nẵng), 19 ngày sau tới Dinh Chàm, thủ phủ Quang Nam. Đến đây ông gặp ngay linh mục de Pina người thông bác tiếng Việt một thứ tiếng hoàn toàn khác tiếng Tàu, mới nghe như chim hót líu lo. (Trích Du Hành và Truyền giáo). Và ông đã ráo riết học tiếng Việt, trong bốn tháng ông nghe được xưng tội và trong sáu tháng ông giảng đạo được bằng tiếng Việt. Có một thằng bé giúp tôi phân biệt được dấu để nói cho trúng. De Rhodes ở lại Đà Nẵng 18 tháng.

Tháng 7/1626, De Rhodes và Pedro Marques trở về Macao. Ngày 12/3/1627, de Rhodes và Marques khởi hành từ Macao để đi Đàng Ngoài. Ngày 19/3/1627 họ đến Thanh Hóa. De Rhodes giảng đạo ở Đàng Ngoài đến tháng 5/1630, thì bị trục xuất. Trở về Macao, ông ở lại 10 năm bên Tàu. Sau đó ông trở lại Đàng Trong bốn lần từ 1640 đến 1644: (1/1640- 9/1640) (12/1640-7/1641) (1/1642-9/1643) (1/1644-7/1645). Lần cuối cùng, ông bị bắt, bị kết án tử hình, chúa ân xá nhưng trục xuất vĩnh viễn.
Ông để lại những tác phẩm chính: Tự điển Việt Bồ La (Roma, 1651), Sử Đàng Ngoài (Lyon 1652), Du hành và truyền giáo (Paris, 1653), Cái chết vinh hiển của thầy giảng André (Paris, 1653). Cuốn sách về cái chết của André, viết bằng hai thứ tiếng Ý và Pháp, với mục đích "cho thế giới biết" (sự tàn bạo của chúa Nguyễn) bằng Pháp văn cổ thế kỷ XVII, nên rất khó đọc, lại có nhiều chỗ quá đáng, nên chúng tôi chỉ dựa vào cuốn Du hành và truyền giáo, in bằng tiếng Pháp thông thường, chừng mực hơn, dễ hiểu hơn.
Bài này sẽ chia là ba phần, phần đầu trả lời câu hỏi: Ai là cha đẻ chữ quốc ngữ? Phần hai, về hành trình Alexandre de Rhodes phỏng theo cuốn Du hành và truyền giáo. Và phần ba, về sự vận động của de Rhodes với Roma và kết quả sau khi ông mất.

Bià sách Du hành và Truyền giáo của A. de Rhodes

I
Sự tôn vinh Alexandre de Rhodes một cách quá đáng vì cho rằng ông là "cha đẻ chữ quốc ngữ" có lẽ bắt nguồn từ khi chính quyền thực dân [Pháp] cho đặt bia tưởng niệm de Rhodes cạnh hồ Hoàn Kiếm, gần đền Bà Kiệu, tháng 5/1941, với ba thứ chữ: Pháp, Hán và Quốc ngữ, để ghi lại công ơn ông, và báo Tri Tân (tờ báo của trí thức Hà Nội) ngày 13/6/1941 đã phụ họa, bằng những hàng: "Ông Alexandre de Rhodes đã sống lại trong lòng người Hà Nội qua buổi lễ khai mạc bia tưởng niệm này. Buổi lễ được cử hành trong bầu khí thật trọng thể và xúc động [....] Bây giờ chữ quốc ngữ được coi là nền móng của tiếng Việt, vì thế chúng ta không thể không cảm ơn chân thành người đã sáng tạo ra nó: ông Alexande de Rhodes" (trích theo Alain Guillemin). Vậy, câu hỏi đầu tiên cần được trả lời là:
- Ai là tác giả chữ quốc ngữ?

Từ năm 1972, linh mục Đỗ Quang Chính (ĐQC) đã phân tích và chứng minh cặn kẽ để trả lời câu hỏi này trong cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 (Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1972) hiện vẫn còn là tác phẩm tiêu biểu nhất về chuyên đề này. Linh mục đã báo động dư luận về việc tôn vinh thái quá Alexandre de Rhodes, ông đã đi khắp các thư viện công tư, thư viện công giáo Âu Á để tìm tư liệu, và ông đã tìm ra đầy đủ tư liệu viết tay để chứng minh rằng Alexandre De Rhodes không phải là người khai sinh ra chữ quốc ngữ.

Người đáng gọi là ông tổ của chữ quốc ngữ, phải là Francisco de Pina (Bồ). Ông đến Đàng Trong năm 1617 là người Tây phương đầu tiên thông thạo tiếng Việt. Theo ĐQC, de Pina đã theo cách của các giáo sĩ dòng Tên ở Nhật, để ghi lại tiếng Việt theo mẫu tự a, b, c. Và năm 1620, các tu sĩ dòng Tên tại Hội An đã soạn một cuốn sách giáo lý bằng "chữ Đàng Trong". Theo ĐQC, sách này chỉ có thể do de Pina viết tay bằng quốc ngữ, vì lúc đó ông là người Âu Châu giỏi tiếng Việt nhất, để các giáo sĩ chép lại mà dùng, còn người Việt sẽ viết lại bằng chữ Nôm. Sách này nay đã thất lạc, nhưng đây là cuốn sách quốc ngữ đầu tiên.

Ngoài ra, khi de Rhodes đến Đàng Trong cuối năm 1624, ông ở với de Pina gần một năm và chắc chắn de Pina đã dạy ông tiếng Việt, ông chỉ luyện dấu với một đứa trẻ. Sau 10 tháng học tập, de Rhodes giảng đạo được bằng tiếng Việt. Ngày 15/12/1625 cha de Pina chết đuối ở Vịnh Đà Nẵng. De Rhodes thừa hưởng những tài liệu về tiếng Việt của de Pina và nhóm giáo sĩ Hội An (Cristofori Borri, Pedro Marques và các thầy giảng người Việt). Theo ĐQC, lá thư của de Rhodes viết này 16/6/1635, gửi về Macao, chỉ có ba chữ: Ainão (địa danh ở Hải Nam), Tunquim và Tunquin (Đông Kinh), ngoài ra không có chữ quốc ngữ nào khác, mặc dù lúc ấy ông đã tạm nói được tiếng Việt. Trong thư dài gửi về La Mã ngày 16/1/1631, để tường trình ba năm hoạt động truyền giáo của ông và linh mục Marques ở Đàng Ngoài, cũng chỉ có một chữ quốc ngữ là Thinhuã (Thanh Hóa). Tóm lại, chữ quốc ngữ của De Rhodes năm 1631 còn kém chữ quốc ngữ của Buzomi năm 1626, mặc dù Buzomi không nói được tiếng Việt.

Hai nhân vật soạn tự điển đầu tiên là linh mục Gaspar d'Amaral (1592-1645) người Bồ, đã soạn cuốn tự điển Việt-Bồ-La. Cha Amaral tới Đàng Ngoài tháng 10/1629 ở đến 5/1630 thì bị trục xuất cùng với de Rhodes và Marques. Năm 1631 ông trở lại Đàng Ngoài và ở lại 7 năm mới về Macao. Ông mất vì đắm tàu gần Hải Nam ngày 23/12/1645. Ngay từ năm 1632, Amaral mới ở Đàng Ngoài 28 tháng rưỡi mà đã viết quốc ngữ hay hơn de Rhodes năm 1636 rất nhiều. Trong 7 năm ở Đàng Ngoài ông đã nghiên cứu tiếng Việt và chữ quốc ngữ của ông gần với dạng hoàn chỉnh của ngày nay, tiếc rằng cuốn tự điển của ông chưa kịp in ông đã qua đời.

Thứ đến linh mục Antonio Barbosa (1594-1647), người Bồ, cuối tháng 4/1636 đến Đàng Ngoài, ở lại 6 năm. Tháng 5/1642, ông phải quay về Macao vì lý do sức khoẻ. Nhưng ông không hồi sức và mất năm 1647. Ông đã soạn cuốn tự điển Bồ-Việt.
De Rhodes dựa vào tư liệu de Pina để lại và dùng hai bộ tự điển của Amaral và Barbosa để soạn cuốn từ điển Bồ-La-Hy. Đến năm 1659, thầy giảng Bento Thiện đã viết được cuốn sách Lịch sử nước Annam bằng chữ quốc ngữ.

Để truyền giáo, các giáo sĩ bắt buộc phải giảng đạo bằng tiếng Việt, và phải ghi lại bài giảng. Mới đầu họ học chữ Nôm, nhưng sau thấy khó quá, họ bèn nghĩ cách phiên âm tiếng Việt qua mẫu tự La tinh cho dễ đọc, theo lối của các giáo sĩ dòng Tên ở Nhật, với sự trợ giúp của các thầy giảng người Việt, nhưng vai trò quan trọng của những người Việt này không bao giờ được ghi lại.
Tuy các giáo sĩ Bồ ở Nhật đã tìm cách viết tiếng Nhật bằng ngữ tự a, b, c, và họ đã in thành sách, nhưng tại sao, người Nhật không tiếp tục viết tiếng Nhật theo mẫu tự La tinh như chữ quốc ngữ? Bởi vì Mạc Phủ đã thấy rõ nguy cơ Tây phương, nên đã bế quan toả cảng từ năm 1612, đã ban hành dụ cấm đạo nghiêm ngặt từ tháng 1/1614. Trong khi ở nước ta, cả hai miền Nam Bắc, chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều mở cửa cho các giáo sĩ vào truyền đạo, lại có các bà phi, công chúa, theo đạo, đã che chở cho giáo dân, nên chữ quốc ngữ tiếp tục được truyền bá qua các giáo sĩ. Ngoài ra, sự cấm đạo ở nước ta không bao giờ nghiêm ngặt như ở Nhật. Tuy gọi là cấm nhưng các chúa đều đón tiếp giáo sĩ và còn quý mến họ nữa. Ký sự của các giáo sĩ phản ảnh rõ điều đó, đầu tiên là giáo sĩ Cristoforo Borri và sau đó là Alexandre de Rhodes.

II
1- De Rhodes đến Đàng Trong và Đàng Ngoài
Theo Alexandre de Rhodes, trong cuốn Du Hành và Truyền giáo (Voyages et Missions) thì năm 1625, khi ông đến, đạo Gia Tô được giảng khắp nơi ở Đàng Trong: cha Buzomi vẫn giảng đạo ở Quinchin (Qui Nhơn), tôi [de Rhodes] ở với cha de Pina ở Cham (Quảng Nam), từ đó chúng tôi vào triều, hoặc đi chơi vài ngày ở Hoâ (Thuận Hóa), ở đó có một bà Lớn, có họ với nhà vua, trước vẫn mê tín thần thánh, sau nhận phép giảng của cha de Pina, nên được soi sáng, rửa tội với tên thánh Marie-Madeleine [thực ra là Marie, ông viết nhầm, còn bà Marie-Madeleine là vợ quan trấn thủ Phú Yên, xem kỳ trước] bà đã che chở cho đạo, và đưa thêm bao nhiêu người nữa vào đạo. Trong cung, bà có một nhà thờ riêng, và trong những lúc đạo bị đàn áp nhất, bà vẫn che chở cho giáo dân. [Bà Lớn này Cristoforo Borri gọi là bà Giovanna [Jeanne], de Rhodes gọi là bà Marie, Cadière xác định là bà Minh Đức Vương Thái Phi, thứ phi của Chuá Tiên Nguyễn Hoàng, Đỗ Quang Chính cho biết thêm: Bà còn có tên là Orancaya, bà được de Pina làm phép thánh tẩy năm 1625 [Điều này chắc sai, bà phải được rửa tội khoảng 1618, vì Borri đã viết về bà rồi], bà Minh Đức qua đời khoảng 1649, thọ 80 tuổi.
De Rhodes nói về cái chết của de Pina: Cha lấy thuyền nhỏ ra vịnh Đà Nẵng để thăm những người Bồ ở trên tàu. Khi cha xuống lại thuyền để trở về, bão nổi lên, thuyền bị lật, cha vướng áo dài, không bơi được nên bị chết đuối. Ông kể tiếp: vì người Bồ năm ấy [1625] không đem lại hàng hóa như chúa [Sãi] mong muốn, nên chúa nghe lời gièm pha của bọn chống đạo, cho rằng đạo không thờ cúng tổ tiên là tà đạo, nên chúa ra dụ cấm, và lệnh cho các tu sĩ phải tập trung ở Faifo. Chúng tôi bèn cầu cứu con trai trưởng của chúa [tức thế tử Nguyễn Phước Kỳ, lúc đó là Trấn Thủ Quảng Nam] xin ông cho chúng tôi ở lại đủ thời gian để làm lễ an táng cha de Pino. Sau đó chúa cũng dịu đi. Tôi [De Rhodes] đã ở lại Đàng Trong 18 tháng, và tôi rất mừng thấy số giáo dân ngày một tăng thêm.

Đến tháng 3/1626, giáo sĩ dòng Tên người Ý Giuliano Baldinotti được gửi sang Đàng Ngoài, ông gặp khó khăn vì không biết tiếng Việt, Macao bèn gọi De Rhodes và Pedro Marques ra Bắc giúp đỡ. Tháng 7/1626, De Rhodes và Pedro Marques trở về Macao, rồi mới ra Bắc, vì không dám đi thẳng từ Nam ra Bắc, sợ chúa Trịnh nghi là gián điệp của chúa Nguyễn.
Ngày 12/3/1627, De Rhodes và Pedro Marques đến Thanh Hóa, nhưng Baldinotti đã bị chúa Trịnh Tráng đuổi vì tội cấm giáo dân thờ cúng tổ tiên. Lúc đó chúa Trịnh Tráng đang đánh miền Nam lần đầu. Quân Trịnh tiến đóng ở Thanh Hóa, de Rhodes dâng chúa một chiếc đồng hồ và một đồng hồ cát (sablier) được chúa nhận. Sau ông được chúa dẫn về Tonkin (Đông Kinh) còn gọi là Checho (Kẻ Chợ), được chúa mời ăn cơm nhiều lần và chúa ra lệnh xây cho ông một ngôi nhà ở và một nhà thờ. Ông kể: ông làm lể rửa tội không ngừng nghỉ, cho cô em gái chúa 17 tuổi và một số người trong hoàng tộc, cho tướng sĩ, binh lính, cho 200 thầy tu, một người trong đám này dẫn đến 500 người giác ngộ, bỏ đạo thờ quỷ thần để theo đạo chúa. Những người theo đạo chúa này, với thánh giá và nước thánh, đã đuổi được quỷ thần, làm cho người bệnh khỏi bệnh, người mù thành sáng và làm cả người chết sống lại. (Du hành và truyền giáo, trang 116). Chưa đầy 8 ngày, họ chữa 272 người khỏi bệnh, tin đồn lan truyền khắp kinh thành. Một ông quan lớn đến cám ơn tôi, ông chảy nước mắt, những kẻ ngoại đạo thấy sự lầm lạc của mình mà hối cải. [Loại chuyện như thế này de Rhodes kể nhiều lắm không chép lại hết được. Thỉnh thoảng ông sợ người ta không tin ông thêm vào câu: tôi nói thực đấy, có sao tôi nói vậy.] Ông còn kể chuyện một bà cụ mộ đạo tên thánh là Benoite, bị bệnh đã chết, nhưng không nhận được phép tửa tội của ông vì ông đi vắng. Con trai bà tên Benoit và nhiều người nữa quỳ gối bên giường, vẩy nước phép và cầu nguyện, bà cụ tự nhiên sống lại, hoàn toàn khỏi bệnh. (Trang118) Ông kể rất nhiều trường hợp thà chịu chết chứ không bỏ đạo. Và nước thánh của ông nhiệm mầu đến nỗi mỗi chủ nhật tôi phải dùng đến hơn 500 bình để phục vụ lòng mộ đạo của con chiên (trang 122).

Ở Bắc được một năm rưỡi thì ông bị quỷ thần ghen tỵ ám hại. Những con mụ đàn bà (kiểu vợ lẽ, nàng hầu) bị những người theo đạo (cấm đa thê) bỏ rơi, bắt đầu nói xấu đạo. Họ rêu rao: nếu chúa theo đạo thì cũng phải bỏ chuyện thê thiếp, thải hơn trăm cung nữ đi, làm cho chúa tức giận, ra dụ cấm đạo. Việc này chưa ngã ngũ, thì lại thêm một tin đồn mới, người ta xúi chúa rằng: những người theo đạo, đập vỡ tượng thánh thần. Họ còn đồn tôi (de Rhodes) là phù thuỷ, rằng hơi thở của tôi có bùa ngải làm mê hoặc người nghe. Đến nỗi chúa không cho tôi vào triều để phân trần và khi tôi vào được thì chúa cũng tránh xa. Tôi chịu đựng một thời gian, đến lúc chúa ra mặt chống tôi thẳng cánh, đó là năm 1630: Chúa cấm tôi không được giảng đạo, cho lệnh trục xuất tôi phải về Macao hoặc vào Đàng Trong, chuá ra dụ, in dán ở cột trước cửa nhà tôi. Dĩ nhiên tôi không chịu thua, tôi vẫn tiếp tục giảng đạo, nay nhà này mai nhà khác, lúc nào cũng có con chiên giấu. Được hai tháng, sau đó chúa cho 36 tên lính và một viên sĩ quan dẫn độ tôi lên thuyền. Tôi dụ được bọn lính theo đạo, nên tôi còn luẩn quẩn ở dọc bờ biển Bochin (Bố Chính, thuộc Quảng Bình, biên giới Nam Bắc) thêm vài tháng nữa. Đến lúc chúa hạ lệnh cấp bách: không lên tàu Bồ về Macao thì sẽ bị bắt như kẻ phiến loạn.
Như vậy là tôi ở Bắc được ba năm hai tháng (từ 19/3/1627 đến tháng 5/1930).

Về Macao, de Rhodes đi giảng đạo ở những tỉnh phiá nam nước Tàu nhưng ông không mãn nguyện vì ông không biết đủ tiếng Tàu để giảng mà phải qua thông ngôn. Ông bảo người Tàu kiêu ngạo hơn người Việt. Tuy ở Tàu 10 năm, nhưng ông không viết gì về Tàu cả. Dư luận cho rằng trong 10 năm này ông bị cầm chân [rất có thể Bề trên không thích những chuyện dông dài ông kể khi ông ở Đàng Ngoài, như cải tử hoàn sinh bằng nước thánh, hay rửa tội gần cả triều đình, lính tráng và mấy trăm thày tu, chẳng hạn]. Ông không được đi truyền giáo ở VN nữa, mặc dù, bao nhiêu giáo sĩ dòng Tên khác, đã được Macao gửi đến VN để tiếp tục việc truyền giáo và đã gặt hái kết quả tốt.

2- De Rhodes lẻn vào Đàng Trong lần thứ nhất
Tại sao ông trở lại Đàng Trong năm 1940? Câu chuyện được ông kể lại như thế này: Năm 1939, là năm tai hại cho đạo vì có một ông quan Trấn Thủ Quảng Nam là kẻ thù của đạo mà ông gọi là Onghebo (Ông Nghè Bộ) được ông mô tả như một quỷ sứ.
Nhưng ta lại biết rằng khi ông trở lại Đàng Trong năm 1940, chúa Sãi đã mất, ông ở dưới triều chúa Thượng Nguyễn Phước Lan. Quan Trấn Thủ Quảng Nam lúc đó phải là thế tử Nguyễn Phước Tần, vì chúa Nguyễn có lệ đặt thế tử làm Trấn thủ Quảng Nam (hoặc nếu không phải Thế tử thì cũng là một quan đại thần uy quyền bậc nhất trong triều), vì chức này giống như chức Thủ tướng, tuy là trấn thủ QN nhưng có quyền trên toàn diện miền Nam. Về hành chánh, chúa Sãi đã đặt Tam ti: Tố tụng có Đô Tri cầm đầu, thuế khóa có Cai Bạ, tế tự có Nha Uý, ba người này ở dưới quyền quan Trấn Thủ trực tiếp cai trị dân. Chúa Thượng đặt thêm: nội tả, ngoại tả, nội hữu, ngoại hữu, là Tứ trụ triều đình, trực tiếp giúp chúa trị vì. Onghebo mà de Rhodes kể ở đây, phiên âm từ Ông Nghè Cai Bạ (tiến sĩ cai bạ), vậy Onghebo là quan Cai bạ, coi việc thuế khóa, không hiểu sao lại luôn luôn đi rình bắt ông de Rhodes?

Một hôm Onghebo ra lệnh tịch thu Thánh giá của các tu sĩ đưa cho chúa và biạ chuyện bậy bạ về cây Thánh giá làm cho chúa kinh tởm, chúa liền hạ lệnh đốt thánh giá và ra lệnh cho ai mang sẽ bị tử hình. Người Bồ, có uy tín ở đây, cứu được cây Thánh giá, nhưng họ không cản được việc chúa đuổi các tu sĩ về Macao. Cha Buzomi, lúc đó đang ở Macao để điều đình công việc cho chúa, nghe tin này ngã bệnh chết [Điều này cũng không chắc, vì chẳng thấy chỗ nào nói đến chuyện cha Buzomi chết vì chúa ra lệnh cấm đạo, bởi cả đời cha ở VN, đã trải qua bao nhiêu cuộc cấm đạo, cha còn lạ gì]. Sau khi tất cả các cha bị đuổi đi rồi, bề trên ở Macao bèn gửi ông sang Đàng Trong để hoàn thành sứ mệnh: lấy lại lòng tin của chúa Thượng và tái lập Vương cung của Chúa Jésus tại Đàng Trong.
Tháng 2/1640, de Rhodes đến Hội An với cha Pierre Albert. Ông kể ông mua quà đút lót viên đại diện Nhật (tay này ngoại đạo và diệt đạo), từ kẻ thù, y trở thành bạn của ông, y cho người Nhật giấu ông và y còn chở ông vào Thuận Hóa. Ông lại dùng tiền mang đi từ Macao trù liệu tiêu trong một năm, để mua quà biếu chúa, may thay số tiền này được một con chiên, André và vợ, tặng lại. Quà tặng làm chúa hài lòng, chúa đổi thái độ đối với ông [Chúa lên ngôi năm 1635, chưa gặp ông lần nào, làm sao thay đổi thái độ?]. Rồi đức bà Marie, người mà de Pina đã rửa tội, có nhà thờ riêng trong cung, che chở cho các tín đồ, luôn luôn gọi ông đến nhà. Ông lại tiếp tục giảng đạo. Ông ở Huế 35 ngày, rửa tội cho ba bà lớn trong hoàng tộc và một vị đại sư.
Sau đó ông trở lại Hội An, phải lẻn trốn, để Onghebo không bắt được. Nhưng rút cục ông vẫn bị đuổi. Ông và cha Albert phải mua một chiếc thuyền tự lái lấy về tới Macao ngày 20/9/1940.

3- Lẻn vào Đàng Trong lần thứ hai
Ba tháng sau ông lại trở lại Đàng Trong lần hai với cha Benoit de Matttos, người Bồ, trong dịp Noel và được giáo dân Đà Nẵng đón tiếp nồng hậu. Hai ông rửa tội thêm cho 1937 người nữa, rồi Onghebo ra lệnh khám nhà tín đồ André (có một vợ hai con, đã nói ở trên), phá tan thánh giá, tượng, ảnh. Khiến hai tu sĩ bắt buộc phải chia tay: Mattos đi giảng đạo ở Thuận Hóa, Quảng Bình, de Rhodes dành 6 tháng để đi giảng đạo ở Quảng Nghiã, Quy Nhơn và Phú Yên.
Ông lại rửa tội thêm được 1300 kẻ ngoại đạo. Ông kể rằng tại Phú Yên, có một ông thầy thuốc, tên thánh Emmanuel, sau khi tôi đến đây vài ngày, bị bệnh nặng khó qua khỏi, người thân quỳ xuống quanh giường cầu kinh, thấy ông đã trút hơi thở cuối cùng. Mấy tiếng đồng hồ sau, ông tỉnh lại, kể được Chúa cho lên thiên đường, đẹp tuyệt vời, lại được gặp những người theo đạo chúa đã khuất, thấy tất cả đều sung sướng. Thế là từ đó ông chỉ mơ được trở lại thiên đường, không ăn uống gì nữa, vài tuần sau ông chết thật, trong hạnh phúc. De Rhodes cho biết, Phú Yên không chỉ có một trường hợp Emmanuel, mà còn nhiều trường hợp khác như vậy. Phú Yên còn bà Marie-Madeleine, vợ quan trấn thủ Phú Yên, người đã xây một bênh viện cho giáo dân bi bệnh nan y. Phú Yên còn có một người đàn ông khoẻ mạnh kể lại rằng: khi ông ta nhận lễ rửa tội, ông ta nhìn thấy trên tay cha làm lễ, một đứa trẻ hài đồng, đầu toả vòng sáng ngũ sắc. Và cũng ở Phú Yên, ông đã trừ tà cho hai người đàn bà bị ma làm bằng nước thánh.
Nhưng Onghebo vẫn tìm ra ông và bắt ông lên tàu rời Quảng Nam.
Ông ra đi ngày 2/7/1641và đến Phi ngày 28/7/1641. Ở đây ông "biết" được vụ hai người Hoà Lan là nguồn cội sự tàn sát đẫm máu đạo thiên chúa ở Nhật: hai tên này cầm chiếc bản đồ chỉ cho Nhật Hoàng tất cả lãnh địa mà bọn Bồ và Y đã chiếm, tức là cả thế giới chung quanh nước Nhật, khiến Nhật Hoàng nổi giận ra lệnh tàn sát đạo trong suốt 40 năm trời, đạo thiên chúa từ thuả khai sinh, trong 12 thế kỷ, chưa bao giờ bị tàn sát như thế, cho nên ông quyết xin đi Nhật để được tử vì đạo; nhưng bề trên lại chỉ cho ông đi Đàng Trong.

4- Lẻn vào Đàng Trong lần thứ ba
De Rhodes một mình trở lại Đàng Trong lần thứ ba tháng 1/1642, ông lại tìm đến quan Trấn thủ Quảng Nam, mà ông vẫn gọi là Onghebo, là người tàn ác nhất. Lần này ông biếu xén rất hậu, nên Onghebo để yên cho ông trong gần hai năm.
De Rhodes lại tìm đến chúa, cho chúa xem vài cái đồng hồ ghi chữ Hán, chúa thích và giữ ông lại trong triều ít ngày. Ông kể: Trong thời gian này, ban ngày tôi ở bên chúa còn ban đêm tôi về với con chiên của tôi. Tôi giảng cho chúa những bí ẩn của toán học và giảng cho con chiên những bí mật của đạo.
Rồi ông đi khắp xứ Đàng Trong, thận trọng không ra mặt. Trong gần hai năm, ông đã tập hợp được một đội ngũ 10 đệ tử, từ 15 tuổi trở lên. Ông huấn luyện phép đạo cho họ thành thầy giảng. Ông gọi họ là các chiến sĩ. Đầu tiên hết là André, ở Phú Yên, rồi đến Ignace, lớn tuổi hơn cả, có trình độ cao, biết chữ Hán, có đạo đức vì đã làm quan toà (magistrat), Ignace là Đội trưởng (Capitaine), từ khi rửa tội, không bao giờ xa ông nữa, và Vincent gốc Quãng Ngãi là Đội phó và cả bẩy người kia, đều là chiến sĩ xả thân cho đạo Chúa. Nhờ Matthieu, và André, hai thầy thuốc ở Quảng Ngãi có tài cải tử hoàn sinh bằng nước thánh, chữa cho bao nhiên người chết sống lại, khiến cho mọi người bái phục phép lạ mà theo đạo.
Sau gần hai năm yên lành, ông trở lại Quảng Nam đón tàu Bồ, được người Bồ khuyên ông nên về Macao đã, rồi hãy trở lại sau, sẽ được thong thả hơn, không phải sống lén lút như thế này. Ông nghe theo, tổ chức một lễ lớn công khai giã từ Đàng Trong về Macao, đồng thời tấn phong cho 10 thanh thiếu niên chính thức làm thầy giảng, ông bổ nhiệm Ignace làm bề trên. Ignace là trưởng đoàn cùng André phụ trách truyền đạo từ Quảng Nam đến biên giới phiá Bắc, nửa còn lại phụ trách giảng đạo phiá nam, tới hết Phú Yên. Ông lên tàu về Macao tháng 9/1943.
Nhà thờ Mằng Lăng
Bên trong nhà thờ
Đồi chôn hầm thánh tích
Hầm thánh tích
Bên trong đền thánh tích
Hình chụp sọ á thánh Anrê
Sách Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes

5- Lẻn vào Đàng Trong lần thứ tư
Lần thứ tư và cuối cùng, tháng 1/1644, ông lại sang Cửa Hàn. Lần này ông đến trình diện chúa cùng với quà tặng. Được chúa tiếp đãi tử tế. Ông lại thăm bà Marie nhiều lần để rửa tội cho nhiều người trong hoàng tộc và nhiều người khác (theo ông kể thì nhiều lắm đến hàng trăm người trong triều đình). Rồi ông lại ra vùng Bố Chính (Quảng Bình) truyền đạo. Nghe tin ông ra đây, dân chúng ở bên kia luỹ Đồng Hới muốn ông vượt tuyến ra Bắc giảng đạo cho họ. Ông định đi nhưng lính của chúa Nguyễn bảo nếu ông sang bên địch thì họ sẽ báo cáo với chúa. Ông đành phải ở lại và gửi Ignace vượt tuyến ra giảng đạo. Bên kia bèn cử 10 người có đạo, đại diện họ vượt luỹ Đồng Hới sang gặp ông. Ông vô cùng cảm động, như người cha nhìn thấy con mình.
Ông kể tiếp: Khi trở lại triều đình, tôi tìm gặp ông quan đại thần rất có ảnh hưởng với chúa. Tôi tặng ông một số sách mà các tu sĩ đã viết về đạo, bằng chữ Hán, ông hứa sẽ đọc và sẽ bàn lại với chúa. Rồi ông quan này cho phép gia đình theo đạo. Một ông quan to nữa sau khi nghe ông bạn nói về tôi, bèn tổ chúc một buổi họp mời nhiều người đến nhà nghe tôi giảng đạo. Tôi thuyết phục được nhiều người nhưng cũng có nhiều người đặt câu hỏi. Cuộc nói chuyện gây tranh cãi, tôi gọi Ignace ra đối chất, không ngờ lại gây thêm phiền phức [khiến nhiều người ghét Ignace]. Đến khi tôi thấy chúa có vẻ tán thành tôi, tôi thận trọng xin chúa thêm những ân huệ mới cho giáo dân.

6- André bị hành hình
Nhưng rồi chuyện chẳng lành xảy ra, và đây là câu chuyện André, ông thuật lại nguyên văn như sau:
"Tháng 7/1644, quan Trần Thủ Quảng Nam từ triều trở về với lệnh không phải của Chúa, vì chúa vẫn tốt với tôi, mà của bà hoàng rất thù người công giáo, đặc biệt Ignace. Ông Trấn Thủ nhận lệnh của bà, ban đầu bắt giam ông già tên André [đã nói ở trên] rồi ông gửi một đoàn lính đến nhà chúng tôi, bắt Ignace, định để giết. [Chỗ này de Rhodes lại không nhắc đến Onghebo nữa, mà ông lại nói thẳng là quan Trấn Thủ Quảng Nam. Tôi không nghĩ quan Trấn Thủ Quảng Nam, nếu là Thế tử Nguyễn Phước Tần - tháng 5/1644 ông vừa đánh tan 10 chiếc tàu Hoà Lan tại cửa Thuận An khiến bọn Hoà Lan không dám bén mảng tới nữa- làm sao thế tử có thì giờ và phải tuân lệnh một bà hoàng (?) đi bắt một kẻ vô danh tiểu tốt là Ignace]. Nhưng tôi không ở nhà [chính] mà đang cùng với Ignace và các thầy giảng khác ở nhà kho với André để trong nom bốn người bạn của họ đang bị ốm. Rồi tôi đi chào ông Trấn Thủ, vì không biết ông đang âm mưu chống chúng tôi, chỉ khi đến cửa dinh, một vị quý tộc Bồ báo cho tôi việc vừa xẩy ra, ông khuyên tôi nên về ngay đưa những thầy giảng đi trốn.
Tôi giải tán tất cả đám thanh niên này, mặc dù họ chẳng muốn gì hơn là được tử vì đạo, và tôi tiến vào gặp ông Trấn Thủ, làm như chưa biết việc gì đã xẩy ra. Ông ta nói vói tôi giọng rất xẵng, tôi biết có xin cũng bằng thừa. Tôi vào nhà tù thăm ông già André, ông ta đang đeo một cái thang (lối cùm ở đây), nhưng thấy rất vui vẻ như đang ở trên cung [trăng]. Tôi muốn ở lại bên ông suốt đêm nhưng người canh tù không cho. Tôi bèn lui về chiếc thuyền nhỏ mà các thầy giảng đang chờ.
Lúc này bọn lính đang phá hại nhà chúng tôi. Chúng xông vào, tìm Ignace, nhưng André nói rằng cậu ta cũng có đủ các tội giống như Ignace, (nếu muốn bắt thì nên bắt cậu ta). Trở về tay không thì xấu hổ, nên họ bắt André, trói tay dẫn đi sau khi đã lục lọi khắp nơi và ăn cắp hết ảnh, tượng, trang hoàng nhà thờ. André hoan hỷ đi theo họ, miệng cầu cho những kẻ bắt cậu tránh được điạ ngục để lên thiên đàng. Điều này chọc tức bọn lính hơn là cải hóa chúng. Bọn lính đi ngang chỗ thuyền chúng tôi đậu, hỏi có biết Ignace ở đâu không? Nhờ trời tối nên chúng không nhìn thấy. André bị dẫn đến trước vị trấn thủ, bị buộc tội là người công giáo và tội giảng đạo, rồi tức khắc bị dẫn vào giam cùng với ông André già. Họ cùng nhau qua một đêm mà cả hai cho là đêm cuối cùng, an ủi nhau và hẹn ngày mai gặp nhau ở trên trời. Ngày hôm sau, viên trấn thủ làm bộ xử án, đưa hai kẻ vô tội ra trước toà, và tức khắc tuyên án không nghe biện bác gì cả. Rồi cho họ trở lại chỗ giam bảo rằng sẽ xử trong ngày. Tôi chạy vội lại nhưng bản án đã tuyên, tôi cùng những người Bồ đến xin trấn thủ nhiều lần, vừa phiền nhiễu vừa đe doạ, nhưng ông ta giữ vững quyết định; ông ta nói với tôi: ta tha cho tên già vì ta thương con nó, còn tên trẻ hợm hĩnh này, nó đã nhận nó theo đạo công giáo, có chết cũng không bỏ đạo, vậy nó sẽ chết như lời nó nói, để làm bài học cho những kẻ dám trái lệnh chúa.
Khi thấy không thể cứu được André, tôi quyết định bài trí cái chết của cậu thành cái chết của người công giáo thực thụ và người tuẫn đạo thực thụ. Tôi không kể ra đây những gì tôi đã làm với cậu trong nhà tù vì quá dài. Khi nhìn thấy tôi, sau khi nghe tuyên án tử hình, cậu trở sang trạng thái rạng rỡ hoan hỷ tuyệt vời, cậu nói với những người theo đạo có mặt, tất cả những điều mà thánh Laurent nói khi ông sắp bị thiêu. Cậu xưng tội, rồi cầu nguyện, nói lời vĩnh biệt tất cả, và cậu hoan hỷ đi theo đội bốn mươi người lính, đến một cành đồng cách thành phố nửa dặm.
Tôi vẫn theo sát cậu, mặc dù họ đi rất nhanh và cậu bị đóng gông (thang) trên cổ. Khi tới nơi vinh hiển, cậu quỳ gối ngay, để có can đảm chiến đấu. Bọn lính bao quanh cậu, đuổi tôi ra ngoài, nhưng người đội trưởng cho phép tôi trở lại đứng cạnh cậu. Cậu vẫn quỳ, đôi mắt nhìn lên trời, miệng mở, gọi tên chúa Jésus.
Một tên lính đến từ phiá sau, ném thương đâm thủng người cậu, luỡi lao lòi ra trước ngực ít nhất hai gang tay; André thân ái nhìn tôi như vĩnh biệt, tôi bảo cậu hãy nhìn lên trời, nơi cậu sẽ đến với Chúa Jésus đang đợi cậu. Cậu nhìn lên trời và không cúi xuống nữa. Vẫn tên lính đó rút thương đâm thêm hai lần nữa, như muốn trúng tim.
Nhưng André không rung động gì cả, thực đáng khâm phục. Sau cùng, một tên lính khác thấy ba nhát thương chưa làm cho cậu ngã ra đất, bèn lấy mã tấu chặt cổ, cũng không đứt, hắn đưa mã tấu lần thứ nhì, mạnh quá đến nỗi y cắt đứt họng, đầu rơi sang phải, chỉ dính chút da. Nhưng liền khi tôi nghe rõ tiếng đầu lìa khỏi cổ, thì tên chúa Jesus không còn phát ra từ miệng cậu, mà phát ra từ vết chém, cùng lúc đó linh hồn cậu bay lên trời, thân cậu rơi xuống đất.
Bọn lính rút đi, để lại cho chúng tôi thánh tích quý báu, chúng tôi mở rộng vòng tay đón nhận, rồi đặt vào trong chiếc hòm đẹp, lượm tất cả máu cậu, để làm tang lễ, không huy hoàng mà thành kính cho vị thánh tử đạo. Tôi đem hòm thánh tích về thuyền, nơi tất cả những bạn đồng hành của cậu đang chờ. Khi họ nhìn thấy tôi với thi hài người bạn đã về trời, họ nổi sùng, vừa đau thương vừa hạnh phúc. Tôi gửi thi thể về Macao, thi hài đã được tu viện tiếp đón vô cùng trọng thể; rồi sau, tôi làm một biên bản với 23 nhân chứng hiện diện trong buổi hành hình, nhưng tôi giữ cái đầu lại cho tôi, và Thượng đế đã giúp tôi mang được về Roma" (trang 236-241)

Ông kể tiếp: ba ngày sau khi André tử đạo, phép lạ xảy ra: tự nhiên lửa đốt cháy nhà tù nơi nhốt André, lửa đốt cháy những nơi thờ quỷ thần (ý nói đền, chùa), bốn người bệnh nặng cầu vị thánh vừa tử nạn, khỏi bệnh. Người ta báo cho tôi biết phải đi. Tôi làm bộ lên tàu Bồ cùng với thi thể André, nhưng đã dặn các thầy giảng ban đêm đem thuyền ra đón tôi quay trở lại. Cùng với 9 thầy giảng còn lại chúng tôi tiếp tục công việc truyền đạo.

Việc cấm đạo càng tăng thì những người theo đạo càng quyết tâm chống lại. Onghebo tăng cường đán áp, ra lệnh phá ba nhà thờ ở vùng Quy Nhơn. Giáo dân can trường chống lại, họ sẵn sàng tử vì đạo, can đảm đứng lên chống lại, khiến chính quyền phải nhượng bộ. Ông kể, ông bị bắt giam một thời gian ở Qui Nhơn, nhưng các quan không dám buộc tội ông, nên họ lại thả ra. Ông tiếp tục giảng đạo.
Ngày 15/2/1645, ông rời Qui Nhơn bằng thuyền ra Quảng Nam, bị bão, mãi sau mới đến được Hội An. Tại đây, ông biết việc bà Marie [Minh Đức] vì con trai bà [ông hoàng Nguyễn Phước Khê] nghe chúa than phiền chi đó về những người theo đạo đã sai phá nhà thờ của mẹ trong cung, khiến bà vô cùng rầu rĩ. Tôi muốn đến an ủi bà nhưng không dám lộ diện, phải trốn ở thành phố nhỏ bên cạnh, rủi thay hôm đó chúa cũng ra nơi này mua vui, tại căn nhà kế cạnh. Bỗng lửa phát cháy [ở một nhà bênh cạnh] mà tôi không dám chạy sợ chúa thấy, tôi bèn cầu nguyện cho gió đổi chiều, nhờ đó tôi thóat nạn.
Ba ngày trước lễ Pentecôte, tôi lấy thuyền cùng đội ngũ 9 thầy giảng, đi về hướng bắc (Quảng Bình), gặp ba chiến thuyền của chúa đang đi tuần ở biên giới, vì họ nghi chúa Trịnh lại định đánh miền Nam. Thấy chúng tôi, họ bắt ngay, họ tưởng chúng tôi được chúa Trịnh gửi vào. Họ báo tin về triều, chúa ra lệnh giải chúng tôi về triều.

Vài ngày sau, trước hội đồng chính phủ, chúa tuyên án tôi tử hình, xử ngay trong ngày. Nhưng một ông quan lớn, trước là thầy dạy chúa, đứng ra can: "Nếu chỉ vì tội truyền giáo mà giết họ thì không đúng, vì đạo này không làm gì xấu xa. Nếu không có tội gì khác, mà giết họ, thì đây không phải là luật pháp, mà là sự tàn bạo, giết người". Nghe những lời này, chúa nguôi giận, nói: "Vậy thôi, thầy đã nói thế, thì ta rút lại lời lúc nãy, ta cho tên tu sĩ Bồ này sống sót với điều kiện y phải ra khỏi đây vĩnh viễn, không bao giờ được trở lại."

Ngày 3/7/1645, de Rhodes rời Đàng Trong. Ông tới Macao ngày 23/7/1645.
Vẫn theo lời ông kể, ba ngày sau khi ông tới Macao, chúa gọi 9 thầy giảng đến và bảo họ phải bỏ đạo. Chính chúa hỏi cung: có phải các ngươi theo đạo không? Và nếu họ đã trót theo đạo, thì bây giờ chúa bảo phải bỏ đạo. Ignace nói thay mọi người: Tất cả mấy anh em đều theo đạo, và sẽ theo đạo đến chết. Chúa nổi giận: nếu đã bị tuyên truyền mà dám trái lời ta, thì thử xem có đủ nghị lực để chiụ đớn đau không. Ignace trả lời rằng chúng tôi yếu đuối, nhưng phép cả của chúa Jésus-Christ cao dầy hơn tất cả các vua trên thế giới. Rằng đây không phải là lần đầu tiên phép cả thắng thế trên tất cả các quyền lực mạnh nhất thế giới. Cuộc đấu khẩu kèo dài khá lâu. Ignace nói liên miên, Vincent cũng phụ hoạ, bảy người còn lại gật gù tán thành. Nhiều quan trong triều cất lời khuyên họ nên tuân theo lệnh chúa nếu không muốn bị khốn khổ. Ignace trả lời: Khốn khổ! Không bao giờ một người công giáo thực thụ bị khốn khổ. Kẻ đã nhìn thấy thiên đường, không lẩn tránh cái chết, và kẻ khinh thường cái chết, không có gì để sợ nữa. [Không biết đoạn đối thoại này đúng tới bao nhiêu phần trăm, nhưng dưới thời phong kiến, chỉ một câu phạm thượng trên đây, cũng đủ mất đầu rồi]. Cuối cùng, Ignace và Vincent vì đã nói hộ các bạn, bị xử tử. Bẩy người còn lại bị chặt một ngón tay. Và vẫn theo lời kể của de Rhodes: họ sung sướng ra pháp trường, những người chỉ bị chặt một ngón tay mong được chặt đầu để lên thiên đưòng cùng với các bạn, cái đầu Ignace sau khi rơi xuống đất còn hô to ba lần tên chúa Jésus.

Nội dung cuốn ký sự của ông đại để là như thế, cho nên rất ít nơi trích lại. Cadière âu yếm bảo ông có lối viết "ngây thơ", đầy "nhiệt tình", thu hút bao nhiêu người (Pháp thôi). Nhưng nói đến chân dung de Rhodes, Cadière lại nghi là không thật so với tuổi ông lúc ấy (ý nói chắc ông cho vẽ mình trẻ đẹp lên). Riêng đứng về phiá người Việt, tôi nhận thấy ông de Rhodes đã làm tất cả những việc cấm kỵ một cách "ngây thơ, hồn nhiên": bị cấm nhưng lẻn vào Đàng Trong bốn lần. Chưa hết, đã lẻn vào rồi, thử tưởng tượng thời 1954-75, một linh mục vào lậu, ra cầu Hiền Lương bảo với lính canh: tôi sang bên kia sông truyền đạo nhé. Lính bảo không được, ông bèn gửi một thầy giảng sang sông, rồi còn kéo 10 người bên kia sang bên này nghe ông giảng đạo!

Nhưng điều đáng ngại là sự lạnh lùng của de Rhodes trong cách xử sự, câu: "nhưng tôi giữ cái đầu lại cho tôi" (mais je gardai la tête pour moi) thật là rùng rợn, khó có thể có ở một người tu hành. Rồi ông còn đem cái đầu ấy, giả vờ lên tàu, rồi lại quay trở lại Đàng Trong mà không về Macao, thì thật ghê. Nếu ông không bị bắt lại và không bị trục xuất thì ông đem cái đầu đi đâu?
Ta nên hiểu rõ tình hình lúc bấy giờ: Việc cấm đạo thường liên quan đến tình hình chính trị. Sau khi chúa Sãi theo lời khuyên của Đào Duy Từ, từ chối không đóng thuế cho chúa Trịnh nữa. Chuá Trịnh Tráng mượn cớ đánh vào Nam lần thứ nhất, năm 1627. Và chúa Sãi cấm đạo lần thứ nhất năm 1628. Bởi vì các chúa rất ghét việc giáo sĩ đi lại giữa hai miền, sợ họ làm gián điệp cho bên kia. Chúa Trịnh còn bắt Baldinotti phải thề không bao giờ vào Nam. Mỗi khi đánh nhau hai bên thường cấm đạo ngặt nghèo hơn.

Ngoài ra còn có lý do tôn giáo: Các giáo sĩ luôn luôn khinh bỉ đạo Phật, đạo Lão và việc thờ cúng tổ tiên, họ gọi chung là đạo mê muội thờ quỷ thần, nên cả hai bên lương giáo đều ghét nhau. Nước ta có truyền thống thờ cúng tổ tiên và theo đạo Phật, các chúa đều chịu sức ép của đạo Phật và "đạo" thờ cúng tổ tiên. Theo lời de Rhodes kể, sau khi André bị hành hình, người ta đốt đình chùa. Ai đốt? Nếu không phải là người công giáo? Chưa kể là tình hình Đàng Trong rất căng thẳng vì chuyện nội bộ: sau khi chúa Sãi mất (1635), chúa Thượng lên ngôi, người em là Ánh liên kết với miền Bắc, nổi lên chống lại. Nguyễn Phước Khê, con bà Minh Đức, em út chúa Sãi, hết sức phò chúa Thượng, ông đứng lên dẹp loạn, giết Ánh. Trịnh Tráng lợi dụng tình thế sai tướng vào chiếm miền nam Bố Chính, đóng ở Nhật Lệ.

Năm 1643, Trịnh Tráng lại rước vua Lê, đem đại binh vào đánh bắc Bố Chính (đánh nhau lần thứ ba) nhưng trời nóng quá, quân sĩ chết nhiều, phải rút về. Tuy vậy, tình hình vẫn rất căng thẳng. Vì thế chúa Thượng cấm đạo gắt gao hơn và ông hoàng Khê đã bắt mẹ phá nhà thờ để làm gương cho mọi người. Tháng 5/1644, quân Hòa Lan đánh phá cửa Hội An, thế tử Nguyễn Phước Tần dẹp tan. Cho nên ta không hiểu de Rhodes làm gì mà mang đầu lâu André ra vùng Bố Chính, trong tình hình này? Nếu đi giảng đạo, tại sao lại chọn chỗ gay cấn nhất? Vậy khi ông bị bắt, ông có biện hộ gì đi chăng nữa thì chúa Thượng vẫn nghi ông muốn trốn ra Bắc, hoặc làm nội ứng cho chúa Trịnh, nên ông mới bị kết án tử hình, vì ba lần trước ông chỉ bị trục xuất.

Lại còn truyện thi hài André: Linh mục Cadière chú ý đến những chi tiết sau đây:
De Rhodes cho biết ông gửi thi hài André bị chặt đầu ngày 26/7/1944 về Macao. Và "ở Macao, thi hài đã được tu viện tiếp đón vô cùng trọng thể" ông đã thuê người vẽ lại cảnh hành hình với đầy đủ chi tiết: "Thi hài của André hạnh phúc đời đời, tử nạn ở Đàng Trong, đã được đặt trên ban thờ Thánh, làm giàu cho tu viện Macao, nơi lưu trữ nhiều thánh tích của người tử vì đạo ở Nhật Bản, giữa những bức tranh vẽ họ còn có thêm bức do Mathieu Van (Vân hay Văn) vừa vẽ người mới tử đạo". Ông nhắc đi nhắc lại câu: "tôi luôn luôn ở cạnh cậu", "chúng tôi đã tiếp nhận chứng tích quý báu (tức thi thể André) trong vòng tay của chúng tôi". Cadière muốn tìm hiểu thêm, ông viết thư cho P. Biottaux, Quản lý hội truyền giao hải ngoại ở Hồng Kông, thì được thư trả lời của Giám Mục Macao: "Ngày nay, ta không biết gì vế dấu tích của vị tử đạo [André [lần đầu tiên ta thấy tên  xuất hiện ở đây, nhưng không biết là tên hay là họ]. Nhà thờ Saint Paul còn giữ nhiều đồ vật của các cha dòng Tên cho tới năm 1835, thì bị cháy ngày 26/1/1835 (...) Nếu thánh tích của vị tử nạn [André ] được bảo toàn, thì chắc đã bị pha trộn với các thánh tích khác, còn lại trong Thánh Đường. Còn bức tranh vẽ lại cảnh André Lý tử nạn, nó còn được giữ tới năm 1835, và có lẽ đã bị cháy sau đó. Hoặc nó bị hư hỏng hoặc bị mất sau khi các giáo sĩ dòng Tên ra đi, khi giáo hội phải trao cho chính quyền thế tục, và tu viện trở thành trại lính". (Cadière, Iconographie du P. de Rhodes, BAVH, 1938).
Việc de Rhodes thuê người vẽ lại bức tranh hành hình chứng tỏ ông có chủ đích lưu truyền cho hậu thế sự kiện này.

III
Ngày 20/12/1645, de Rhodes rời Macao để về Châu Âu, ông đến Roma ngày 27/6/1649, trong một chuyến đi kéo dài ba năm rưỡi, đầy sóng gió, có khi bị tù. Vẫn không hiểu ông làm thế nào để giữ thủ cấp André trong thời gian dài như vậy?
Tới Roma, với sọ của André làm chứng, ông trình bầy "tội ác" của các Chúa Đàng Trong và Đàng Ngoài, vì dân chúng muốn theo đạo nhưng bị nhà cầm quyền tàn sát. Điều này sai sự thực bởi André bị bắt vì tuổi trẻ kiêu ngạo, cậu đã thách đố bọn lính rằng ta cũng có tội như Ignace, tại sao các ngươi không bắt, mà tìm Ignace làm chi? Rồi tình thế đưa đẩy khiến André phải chịu tử hình. Nguyên do từ một chuyện nhỏ, nhưng de Rhodes đã nâng cấp lên thành chuyện lớn, trong khi ông biết rõ là chúa Thượng đã để cho ông giảng đạo trong gần hai năm mà không bắt, và cho tới đó, chúa chưa ra lệnh giết ai vì theo đạo.

Sau khi báo cáo với Giáo Hoàng tình hình "sát đạo" ở Việt Nam, ông thỉnh cầu giáo hội:
- Hiện nay nước này mới chỉ có những thầy giảng bản xứ (chưa đủ trình độ để giảng đạo), cần phải đào tạo những linh mục bản xứ, trực tiếp giảng đạo để khỏi phụ thuộc vào giáo hội Bồ.
- Phải bổ nhiệm một vị Giám mục cho Đàng Trong và một vị nữa cho cho Đàng Ngoài, mục đích thoát khỏi sự chỉ đạo của giáo hội Bồ Đào Nha.
Ông rời Roma ngày 11/9/1652, để tìm tài trợ cho chương trình. Sang Paris năm 1653, ông được sự ủng hộ của hoàng gia Pháp, thành lập nền móng đầu tiên cho Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc (Missions étrangères). Giáo Hoàng Innocent X đã không tán thành dự tính của ông (đuổi Bồ ra khỏi nước Việt) nhưng ngài mất năm 1655. Giáo hoàng Alxexandre VII lên thay, thiên vị Pháp. Hè 1657, những đại diện của Bồ Đào Nha bị đuổi khỏi Roma, giáo hoàng tiếp phái đoàn Pháp đến trần tình (chương trình của de Rhodes) và được chấp nhận.
Ngày 27/8/1658, Giám Mục François Pallu và Giám Mục Pierre Lambert de la Motte được bổ nhiệm Khâm sứ Giáo Hoàng ở Đàng Ngoài và Đàng Trong. Giáo sĩ Pháp hoàn toàn thay thế giáo sĩ Bồ và Y ở VN.
Từ năm 1662 đến năm 1664 Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc của Pháp được thành lập ở Paris, Rue du Bac. Năm 1664 Bộ trưởng tài chính Colbert thành lập Công Ty Pháp-Ấn, tương tự như công ty Anh-Ấn, bề mặt buôn bán, nhưng thực chất là cơ quan chỉ đạo cho chính phủ Pháp ở hải ngoại trong việc đánh chiếm thuộc địa. Tháng 11/1654, de Rhodes bị thuyên chuyển sang Perse (Iran). Ông mất tại đây vào tháng 11/1660.

Nếu nói là công, thì Alexandre de Rhodes quả có công rất lớn với nước Pháp, ông đã "lật đổ" được phái bộ giáo sĩ Bồ Đào Nha, từng lãnh đạo việc giảng đạo ở Á Châu từ đầu thế kỷ XVII, đến ngày 27/8/1658, theo lệnh giáo hoàng, mới bị phái bộ giáo sĩ Pháp thay thế. Việc này dẫn đến việc bộ trưởng tài chính Pháp thành lập Công Ty Pháp-Ấn, mở đầu cho giai đoạn Pháp chinh phục thuộc điạ. Và nhờ có cơ sở của các giáo sĩ Pháp ở Việt Nam, họ đã đánh và chiếm được nước ta.
Đối với Việt Nam, Alexandre de Rhodes đã khuấy động hận thù khi ông quyết chí và can trường đem thủ cấp của André về Roma để báo cáo với giáo hoàng và thế giới "tội ác" của chúa Nguyễn. Nhưng ta nên biết rằng thời ấy cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, kẻ ăn cắp và người ngoại tình đều bị xử tử (theo lời Borri và Baldinotti). Các thầy giảng người Việt còn quá trẻ, có kẻ vị thành niên, bị Alexandre de Rhodes chinh phục, đã hết lòng phục vụ một người ngoại quốc, mà dưới mắt các chúa và sau này các vua triều Nguyễn, hành động này bị coi là "phản quốc". Từ thời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, các thầy giảng đều bị bắt buộc phải bước qua thánh giá, nếu không sẽ bị tử hình. Nhưng triều đình không có lệnh giết giáo dân. Vua Thiệu Trị, Tự Đức đều nói: bọn dân chúng ngu muội, ta phải tản mát chúng ra, để chúng không chịu ảnh hưởng tai hại của các cha cố nữa.

Trong khi, Nhật có chính sách cấm đạo đẫm máu hơn nhiều: Mạc Phủ xử tử các giáo sĩ ngoại quốc lẻn vào đất Nhật. Ở Việt Nam, các giáo sĩ ngoại quốc, chỉ bị trục xuất, sau này có một số bị tử hình vì họ bị bắt trong những tổ chức phản loạn chống lại triều đình (Cha Marchand 1835, loạn Lê Văn Khôi, cha Schaeffler, 1851, loạn Lê Văn Lương, v.v.).
Còn công của de Rhodes đã tạo ra chữ quốc ngữ, làm nền móng cho tiếng Việt ư?
Nền móng gì? Khi nói đến nền móng, các vị học giả của báo Tri Tân đã không phân biệt được vấn đề tiếng nói và chữ viết: Tiếng Việt mà chúng ta nói và Nguyễn Du làm thơ, là thứ tiếng của muôn đời, bất di bất dịch. Khi ghi lại thứ tiếng này, bằng tượng hình giống như chữ Hán (chữ Nôm) hay bằng ngữ tự La tinh (chữ Quốc ngữ) tiếng Việt vẫn là tiếng Việt. Không phải vì nó được ghi bằng mẫu tự La tinh, mà ta hiểu được tiếng Pháp, hiểu được văn hóa Pháp và văn minh Tây phương. Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn dùng chữ "nôm" của họ có sao đâu?

Chữ quốc ngữ chỉ giúp cho các nhà truyền giáo Tây phương có thể ghi lại bài giảng đạo tiếng Việt của họ một cách dễ dàng hơn là dùng chữ Nôm. Và đối với người Pháp khi đánh chiếm nước ta, thấy một thứ chữ viết mà họ có thể nhận diện dễ dàng vì dùng mẫu tự La tinh.
Riêng đối với người Việt, khi ta chỉ học chữ quốc ngữ không thôi, thì ta hoàn toàn bị chia cắt với quá khứ chữ Nôm, chữ Hán: Ta không đọc được gia phả, không đọc được bất cứ tác phẩm cổ văn nào của ta, và những sách lịch sử điạ lý, nếu không dịch ra quốc ngữ.
Vậy có nên biết ơn những người làm ra thứ chữ ấy và những kẻ bắt buộc ta dùng thứ chữ ấy hay không?
Nhưng không ai làm lại được lịch sử. Và ta đành phải chịu.

Thụy Khuê
(Còn tiếp)

Note: Nhấn mạnh của hoangnamgiao