Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014


ĐỐI THOẠI, MỘT MẪU THỨC KHOAN DUNG TƯ TƯỞNG

Thích Thanh Thắng



Đối thoại là một trong những nguyên tắc khôn ngoan để duy trì hòa hợp và hòa bình. Trong đó, phản biện đóng vai trò quan trọng nhằm điều chỉnh và bổ túc nhận thức cho mỗi bên trong quá trình tham dự đối thoại. Truyền thống “vấn đáp” trong đạo Phật là biểu hiện sinh động của phương thức đối thoại trực tiếp. Đối thoại như vậy nhằm nâng cao nhận thức trước các vấn đề mà cuộc sống con người đặt ra. Ở đó, sự phản biện nhằm công bố những nhận thức đa chiều, tác động vào nhận thức đối tượng, tìm tiếng nói chung trong hoàn cảnh những bất đồng đang được nuỗi dưỡng để trở thành sự phản đối, phê phán, bài xích, thậm chí là bạo động.

Dân tộc Việt Nam từng tồn tại mô hình “Tam giáo đồng nguyên”. Đó là một di sản tinh thần có giá trị tư tưởng văn hóa đáng được trở thành giáo khoa trong mọi quá trình phát triển văn hóa giáo dục. Sự “cùng tồn tại” của Tam giáo nêu bật giá trị của tương quan và liên đới trách nhiệm. Không có một sự “đồng nguyên” nào cho thấy nó phải hoàn toàn vắng mặt sự phản biện hay phê phán. Vì chính phản biện là kênh giao tiếp duy nhất có thể tác động vào tư tưởng người khác, nhằm cân bằng nhận thức trước sự phong phú đa dạng của các luồng tư tưởng khác biệt trong xã hội. Thẳng thắn tỏ bày chính kiến luôn luôn có sự tác động hai chiều, do đó những luận điểm đưa ra cần phải có tính thuyết phục đối với những đòi hỏi của một mô hình xã hội đang thu hút nhiều nguồn lực, cũng như tập hợp những phản biện đa chiều.

Các tông phái của đạo Phật ở từng thời điểm, hoàn cảnh lịch sử cụ thể cũng đậm nhạt chỉ ra những cách thức đối thoại, thậm chí phê phán ở một mặt bằng nhận thức có độ chênh nhất định khi tiếp thu các giá trị nền tảng khác nhau để trải nghiệm giáo lý cũng như đề cao các giá trị văn hoá dân tộc. Và do đó, tuy cùng có một không gian chung là danh xưng đạo Phật, nhưng cách thức tiếp cận và thực nghiệm tâm linh lại có những khác biệt trong “sự” và “lý”. Nhưng đó là những khác biệt trong tương quan, liên đới. Loại trừ sự khác biệt không nằm trong nguyên tắc ứng xử của đối thoại. Và vì thế, nếu động cơ ban đầu là mục đích “loại trừ” thì không nên đặt ra các giá trị khác như công lý, hòa bình, lắng nghe… trên bàn đối thoại. 

Những cách nghĩ cho rằng đạo Phật là thế này hay thế khác theo một cách tiếp cận chủ quan nào đó đã khiến cho đạo Phật trở nên là một hình thức cố định. Chẳng hạn khi nhà nho nhìn nhận ở một góc độ nào đó nói rằng đạo Phật là dị đoan, thì chính cách nhìn ấy đã phản chiếu vào mọi nội dung Phật giáo, dẫn đến một lối mòn trong suy nghĩ khi cho rằng tất cả mọi thứ thuộc về đạo Phật đều là di đoan.

Điều này chúng ta có thể thấy rõ trong cách nhìn phiến diện và đầy thành kiến của sử nho Ngô Sĩ Liên, mặc dù ông khen ngợi rất nhiều các vị vua Phật tử là anh minh, nhân hiếu, trí dũng…, song cứ nhắc đến sự ủng hộ đạo Phật của họ là ông phán ngay rằng “chẳng đáng quý gì”, “lụy cho đức tốt”... Như vậy những giá trị tương quan đã bị tâm lý bài tha ngăn chặn, từ đó nảy sinh những định kiến rất khó bỏ. Đạo Phật trong nhận thức của mỗi người một khác, và đạo Phật trong nhận thức cá nhân ở những thời điểm khác nhau cũng có những biến chuyển. Đạo Phật có nhiều pháp môn, tông phái nhưng đạo Phật không phải là tổ chức chính trị, chính vì thế dù sống trong bất cứ môi trường nào đạo Phật cũng giữ được những giá trị tương quan của mình với thời thế.

Sự khó khăn trong hầu hết những đối thoại đều đến từ lực cản của nhận thức chủ quan, cảm tính và định kiến. Do đó đối thoại chỉ trở thành những ứng xử văn hóa có tầm khi nhận thức của những người tham gia đối thoại đều phải ở một mức độ bao quát và quan sát rộng. Đối thoại vừa phá vỡ và mừa mở ra nhận thức về một vấn đề. Nên có những lúc, sau đối thoại, người ta phải trải qua giai đoạn đấu tranh mâu thuẫn để điều chỉnh nhận thức. Lúc đó, trước những cú “sốc” nhất thời đòi hỏi người ta phải có sự dũng cảm để chuyển hóa những định kiến, do những tri giác chưa đầy đủ đã lập nên trong các giai đoạn nhận thức trước đó.

Những khác biệt trong nhận thức là thực tế khách quan của xã hội, song hầu hết mọi nhận thức đều được những chuẩn lợi ích hướng dẫn: lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, lợi ích tổ chức và lợi ích dân tộc. Những lợi ích nào ở tầm rộng lớn thì sẽ được ý thức của con người bảo lưu trong đời sống ứng xử xã hội và trở nên phổ biến. Lịch sử tư tuởng con người bị tổn thương bởi chính những tri giác sai lầm khi đóng khung định kiến trong ý thức loại trừ nhau hay độc tôn tư tưởng bằng nhiều hình thức. 

Tam giáo đồng nguyên” là một mô hình xã hội được cổ vũ và diễn đạt dưới nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Mô hình này tồn tại có những cơ sở lịch sử xã hội của bản thân nó. Từ trong lý thuyết, thực tiễn trải nghiệm, hầu hết các tư tưởng đều gặp nhau ở sự chia sẻ chung trong quá trình đem lại các giá trị và ích lợi trực tiếp cho con người. Có nghĩa rằng, con người (thiên hạ, lòng dân) thường được đặt làm trung tâm cho mọi lý giải, nhằm bù đắp những khoảng trống về đạo đức, văn hóa, lối sống. 

Không thể đổ hết lỗi lầm trong đối kháng tư tưởng cho những nhà cầm quyền dù lúc này hay lúc kia họ gia tăng khoảng cách qua thái độ lựa chọn và ủng hộ cho một đường lối tư tưởng, tôn giáo nào đó. Nhưng sẽ là sai lầm, nếu lựa chọn tôn giáo nào đó chỉ nhằm cái mục đích loại trừ tôn giáo kia. Bởi chính kiến của họ có thể hiện như thế nào thì trước nhất cũng phải tạo nên những giá trị và ích lợi thực sự trong quá trình tiến tới sự hòa hợp và quy tụ mọi sức mạnh lớn nhất về với sức mạnh cầm quyền trong ngoại giao, chính trị, quân sự, tôn giáo, văn hóa, kinh tế...

Sự thống nhất trong hài hòa ích lợi của các tư tưởng phải căn bản dựa trên lợi ích chung của cả dân tộc, ở đó những giá trị lịch sử về nòi giống, huyết thống luôn có những sự cố kết chặt chẽ, nhiều khi chi phối mạnh mẽ vào trong nhận thức, tư tưởng, dần hình thành chủ nghĩa yêu nước, thương dân. Mọi tư tưởng đều chỉ là ngoại diên của khái niệm đồng bào, lòng dân... Đây chính là lý do, mô hình “Tam giáo đồng nguyên” không bao giờ chỉ do một tư tưởng khởi xướng, độc thoại... Muốn có mô hình “Tam giáo đồng nguyên” thì phải có những con người “Tam giáo”. Vậy những yếu tố “đồng dị” nào để người ta có thể thống nhất được với nhau mà phân chia trách nhiệm vai trò trong xã hội?

Muốn có những con người tam giáo thì trước hết, nền giáo dục nước nhà phải là nền giáo dục “Tam giáo”. Cuộc thi Tam giáo lần đầu tiên được vua Lý Cao Tông tổ chức vào năm 1195, nhằm tuyển dụng những con người có ích cho đất nước. Năm 1247, Trần Thái Tông, vị vua mở đầu triều Trần cũng cho mở cuộc thi Tam giáo. Vua Trần Thái Tông phát biểu rất rõ: “Nào biết bồ đề, giác tính ai nấy viên thành; hay đâu trí tuệ, thiện căn người người đều đủ. Chẳng cứ đại ẩn, tiển ẩn; đâu nề tại gia, xuất gia. Chẳng nề tăng tục, chỉ cốt tỏ lòng; nào kể gái trai, cớ sao nệ tướng? Người chưa hiểu, chia bừa thành tam giáo, giác ngộ rồi cùng thấu một chữ tâm…” (Rộng khuyên mọi người mở lòng bồ đề). 
Vua Trần Thái Tông còn viết: “Lục tổ có nói: “Bậc thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau”. Như thế đủ biết Đại giáo của Đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời. Thế thì nay lẽ nào trẫm không coi trách nhiệm của tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của Đức Phật là giáo lý của mình ư!” (Tựa Thiền tông chỉ nam).

Các giá trị tư tưởng được giáo dục và ứng dụng phổ biến trong thời đại đó, không chỉ chứng tỏ ý thức trọng hiền tài trong thời Lý - Trần mà còn mở ra tự do đối thoại từ những tầng lớp sĩ phu ưu tú nhất của dân tộc. Thời Lý - Trần, Phật giáo làm quốc giáo, nhưng chúng ta may mắn khi có những vị vua Phật tử sáng suốt, biết đặt lợi ích của dân tộc và tính thiện của người dân lên trên hết. Chưa tìm thấy bất cứ một văn bản nào thời đại đó nói lên sự kỳ thị, bài xích các tư tưởng khác nơi các trí thức Phật giáo, vì vốn dĩ họ hiểu và dung hòa được mọi phương tiện trên con đường minh triết. 

Vào thời Trần, có hai nhà nho tiêu biểu là Trương Hán Siêu và Lê Bá Quát nói về Phật giáo ở những góc nhìn khác nhau.
Lê Bá Quát viết: “Thuyết họa phúc của nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững như thế? Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, thì dẫu đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoán ước để lấy quả báo ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin. Chỗ nào có người ở tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với dân cư, đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng. Ta thuở trẻ đọc sách, để tâm khảo xét xưa nay, cũng hiểu sơ sơ đạo của thánh nhân để giáo hoá dân chúng mà rốt cuộc vẫn chưa được một hương tin theo. Ta thường dạo xem sông núi, vết chân trên khắp nửa thiên hạ, đi tìm những “Học cung”, “Văn miếu” mà chưa hề thấy một ngôi nào! Đó là điều khiến ta vô cùng hổ thẹn với bọn tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta” (Văn bia chùa Thiệu Phúc)

Trương Hán Siêu viết: “Tượng giáo đặt ra là để đạo Phật dùng làm phương tiện tế độ chúng sinh; chính vì muốn khiến cho những kẻ ngu mà không giác ngộ, mê mà không tỉnh lấy đó làm nơi trở về với thiện nghiệp. Thế nhưng những kẻ giảo hoạt trong bọn sư sãi lại bỏ mất cái bản ý “khổ không” của đạo Phật mà chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự giát vàng nạm ngọc cho chỗ ở của chúng rực rỡ, tô điểm cho môn đồ của chúng lộng lẫy như voi rồng. Đương thời bọn có quyền thế, bọn ngoại đạo a dua lại đua đòi hùa theo…” (Văn bia chùa Khai Nghiêm)


Tượng thờ Trương Hán Siêu ở phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình
Khi Phật giáo đứng ở vai trò được nhà nước đề cao, thì điều căn bản nhất trong đối thoại của trí thức Phật giáo là lắng nghe những tiếng nói từ một góc tiếp cận khác. Và họ đã làm được điều đó để viết lên tinh thần đối thoại có một không hai trong lịch sử dân tộc. Chỉ có những con người đứng ở tầm cao của đối thoại mới có thể hóa giải những xung đột tư tưởng đang chứa nhóm và có thể bùng cháy bất cứ lúc nào khi có điều kiện. Đó chính là bản lĩnh văn hóa mang tầm vóc thời đại được thể hiện qua thực tiễn ứng xử chuẩn mực, đem lại lợi ích cho một nhà nước đang rất cần sự khẳng định về độc lập và tự chủ. Thực tế, trí thức Phật giáo lúc đó là những người có đủ thẩm quyền về học vấn, nhận thức chính trị xã hội để đối diện và phản ứng lại với mọi công kích nhằm làm giảm uy thế của họ.

Nhưng họ nhận thấy ở Trương Hán Siêu có một khí khái của người quân tử, khi ông không chống tư tưởng giáo lý của đạo Phật mà ông chống những người đang thực hành sai những giáo lý ấy. Điều này phù hợp với nhận thức của những trí thức Phật giáo có tâm huyết với tiền đồ của đạo pháp và dân tộc. Và trong lời lẽ phê phán của Trương Hán Siêu họ đã nhìn ra những vấn nạn của người tu hành khi dựa dẫm vào quyền lợi thế tục. Chính vì lẽ đó, họ đã trân trọng khắc những phát biểu của Trương Hán Siêu vào văn bia, dựng ngay trước cửa chùa như một bài cảnh tỉnh giới tu hành đã đi sai con đường của Phật tổ. 

Điều này cũng cho thấy, giáo lý của đạo Phật thực sự đã thấm nhuần trong xã hội, vì vậy họ không bao giờ đánh đồng hình thức vào nội dung để tìm đến những kết luận vội vã. Nhân cách của Trương Hán Siêu sẽ không được đề cao nếu ông đi theo vết xe đổ của Thái úy Đàm Dĩ Mông thời Lý khi công kích vào giáo lý Phật giáo. Nhưng ông đã trở thành người có bản lĩnh văn hóa khi đề cập đến những vấn đề nhức nhối trong đời sống sinh hoạt Phật giáo thời thịnh Trần. Chính vì chọn cách tiếp cận thực tiễn đó mà văn bia chùa Khai Nghiêm đã trở thành biểu tượng của đối thoại văn hóa được diễn ra một cách công khai, cởi mở trước một lực lượng trí thức Phật giáo hùng hậu trong xã hội. 

Lịch sử cũng hơn một lần chỉ ra những mánh khóe núp dưới hình thức “đối thoại”, “điều trần”, nhằm triệt tiêu tư tưởng, kết nên bè đảng, gây rối loạn cho xã hội. Đàm Dĩ Mông thời Lý viết “Phán tăng đồ” với mục đích loại trừ Phật giáo ra khỏi đời sống, nhưng dù có tận dụng mọi cách để trở thành “người hùng” thì Đàm Dĩ Mông cũng không làm giảm đi hình ảnh của một con người mọt nước hại dân, bất trung, bất nghĩa qua những ứng xử phơi bày nhiều toan tính bất ổn.

Nhưng Phật giáo đã không cần phải tìm mọi cách để ngăn cản những điều mà người khác nói ngược ý mình, nói bất lợi cho mình, làm giảm uy tín của tôn giáo mình như những phản ứng tự vệ thường tình. Đó là sức mạnh của sự khoan dung tư tưởng trong đối thoại, đồng thời thể hiện sự dũng cảm của người phê phán và người tiếp nhận sự phê phán. Chính vì bản lĩnh văn hóa mà Trương Hán Siêu và một số trí thức Phật giáo đương thời đã là những người mở đầu cho giai đoạn phản biện xã hội, đối thoại xã hội, và vận dụng đối thoại để sàng lọc các định kiến tư tưởng. Tinh thần trên là một trong những điều hấp dẫn không ít nho sĩ đến với những triết lý cao siêu của nhà Phật khi họ từ bỏ chốn quan trường lui về ở ẩn, dần hình thành trong xã hội cả một xu hướng “cư Nho mộ Thích”. Bản thân Trương Hán Siêu lúc về cuối đời cũng gần gũi với Phật giáo để tìm sự bình an trong tâm hồn. Ông viết: “Phù thế như kim biệt, Nhàn danh ngộ tạc phi” (Từ khi cách xa cõi đời trôi nổi, Được tiếng nhàn mới biết trước đây mình đã sai - Dục Thúy sơn).

Phát biểu quan trọng của Trần Thái Tông về đạo Phật và đạo Thánh hiền trên phương diện quốc gia: coi trách nhiệm của bậc tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của Đức Phật là giáo lý của mình, đã chủ trương tinh thần “Nho, Phật phân công”. Bởi ở những bối cảnh thực tiễn của lịch sử, các tư tưởng phải tự điều chỉnh để thích nghi và vận dụng có hiệu quả nhất những giá trị tư tưởng, văn hóa, tinh thần, tâm linh vào xã hội. Và thực tiễn lịch sử đã chỉ ra những mặt mạnh yếu khác nhau của từng tư tưởng. Điều này có tác dụng làm giảm đi nhiệt tình độc tôn tư tưởng và các tham vọng chính trị cực đoan khác.

Trong thời đại mà sự khẳng định độc lập chủ quyền và sự phục hưng dân tộc trở nên mạnh mẽ, những phát biểu thẳng thắn luôn được chấp nhận, đề cao, bởi ít nhiều bộ máy chính quyền đã ý thực rất rõ việc coi trọng trí thức, hiền tài. Bên cạnh đó, nhân cách “trung dung”, giáo lý “trung đạo”, đạo của người quân tử xuất xử, hành tàng… đã cân bằng các nguyện vọng, niềm tin, tri thức phát triển. Và chính mối ưu tư về xã tắc, cộng đồng, nhiệt huyết lập thân, lập danh đã thôi thúc những con người ở các khuynh hướng tư tưởng đối lập khác nhau dấn thân nhập thế, cũng như khẳng định mẫu hình nhân cách cao khiết.

Bản lĩnh văn hóa trong đối thoại được thẳng thắn bộc lộ thể hiện những dự cảm, trực cảm về nhiều những bất ổn và khiếm khuyết đang hiện diện trong đời sống xã hội. Đó là “mối tiên ưu” về một tương lai không xa của dân tộc. Giữ trong nhận thức “mối tiên ưu” ấy sẽ khiến họ nhanh chóng thoát ra khỏi những ích kỷ bản thân, nhìn ra những điều mà cả xã hội (trong cơn men say của vinh dự, tự hào nào đó) đã ngủ quên trước những thực tiễn nhức nhối đang cần chấn chỉnh.

Có thể, sự phát biểu nào đó làm cho thông tin ở những cấp quan trọng nhất bị chao đảo trong nhận thức. Nhưng giá trị phải được thực tiễn sàng lọc, nếu không bỏ đi một nhận thức lỗi thời thì không thể thêm vào một nhận thức phù hợp. “Bất phá bất lập, bất lập bất phá” là phép biện chứng tự nhiên được khéo léo vận dụng vào trong ứng xử Tam giáo. Tinh thần Phật giáo không cho phép xa rời sự dũng cảm trong nhận thức và ứng xử: Cái gì chưa tốt thì nên mạnh dạn chỉnh cho tốt; Cái gì đã xấu thì đừng tiếp tục cho xấu nữa… 

Cảnh báo xã hội chính là những nội dung mà Trương Hán Siêu đã đưa ra trong một phương tiện thông tin để đời là bia đá. Cảnh báo ấy không chỉ chuyển tải những nội hàm đối thoại mà cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị thời đại và thời sự, rằng thanh lọc định kiến và thanh trừng tư tưởng là hai vấn đề mà người trí thức phải vượt qua trước những động cơ được thôi thúc từ bên trong. Khi tư duy “giấy trắng mực đen” còn được xem như là xác suất của “chân lý”, thì những ứng xử văn hóa, đối thoại cũng gắn chặt với điều này và thường dẫn đến tình trạng ứng phó “xấu che, tốt khoe”. Vậy mà nghìn năm sau, dù thời thế có thịnh suy đắp đổi thì cũng không một người Phật tử Việt Nam nào, để bênh vực, biện hộ cho tôn giáo mình mà phá bỏ những điều Trương Hán Siêu đã viết. 

Họ cùng nhau nâng cấp cho trình độ đối thoại thời đại trong khát vọng hoàn thiện và đi tới. Những sai lầm của lịch sử có lẽ nào lại không xuất phát từ sự hà khắc, bất dung trong tư tưởng?
Muốn nâng tầm văn hóa nên đi sâu vào trong thực tại đa chiều của bối cảnh văn hóa. Và trí thức thời đại phải là những người có khả năng ra vào trong Tam giáo, đôi lúc họ cần can đảm từ bỏ những nhận thức cũ của mình để trở về với nguyên lý trung đạo hay đạo trung dung. Lịch sử không cần bào chữa cho thái độ nhiệt tình “ở ẩn” của những người từng gắn bó với xu hướng tư tưởng nào, vì từ nhiều phía nhận thức, họ đã có một kết luận riêng cho chính cuộc đời của họ: công thành thân thoái. Nguyễn Trãi nói “Ẩn chẳng rừng sâu là đại ẩn. Chùa nhà tu Phật mới chân tu”. Đó chính là bản lĩnh văn hóa khi dám nhìn thẳng vào những sai lầm của bản thân mình. 

Tâm linh, tư tưởng, chính trị, tri kiến độc lập, tự do, tự chủ đều ít nhiều gắn liền với những biểu hiện trữ tình của quê hương, sông núi. Quê hương là nguồn mạch để tìm về sự dung hòa văn hóa. Vì lẽ đó, mọi hận thù, mọi hờn trách, mọi thăng trầm trên con đường hoan lộ của thế giới vô thường, hư ảo, phù trầm… đến một lúc nào đó sẽ thôi thúc sự tiếp cận với nguồn tri thức ẩn dật để đẩy lên thành một lý thuyết tồn tại cao khiết. Ở đó, quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn trở thành nguồn cội của những ứng xử coi trọng về nhân nghĩa, tình cảm, tâm linh. Bước chân vào không gian ấy, ai có thể cao ngạo xướng lên những hư danh giả tạm của bản thân? Thực tiễn thăng trầm của lịch sử đó đã hóa giải tất cả mọi vẫy vùng tư tưởng, mọi nhiệt tình tranh nhân, tranh ngã đế một thời điểm nào đó, người trí thức dân tộc tiến tới nhận thức dung hợp giữa nội tâm và ngoại giới. 

Đó cũng là lúc người trí thức đối thoại nhiều nhất với bản thân mình. Không ít người đã từng xây những pháo đài to lớn về tư tưởng để thực hiện những cuộc “long trời lở đất” để rồi những sinh linh của dân tộc lại thất thểu dọc ngang trong trường dạ tối tăm. Nguyễn Trãi chỉ đến cuối đời mới có thể dũng cảm mà thốt lên: “Ta dư cửu bị nho quan ngộ” (Bấy lâu ta đã bị cái mũ nhà nho nó chụp làm cho sai lầm). Cái lý thuyết “nhân nghĩa” được ra rả đề cao từ bên kia biên giới như một gáo nước lạnh dội vào tận cùng tim óc của ông khi nghịch cảnh “nướng dân đen vùi con đỏ” không thể bào chữa vẫn còn in đậm trong ý thức lịch sử. 

Lịch sử là một diễn biến có ý thức, nhưng vì sốt sắng muốn vĩnh cửu những cái vốn dĩ là tương đối, con người đã từng hơn một lần không ngần ngại xóa sổ sự tương quan, liên đới chỉ vì thành kiến tư tưởng và độc quyền chân lý. Khoan dung tôn giáo, tư tưởng được tổ tiên ta gây dựng không đi ra ngoài ý nghĩa của ước vọng thái bình và xây dựng nền độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc.

■ Tài liệu tham khảo:
1. Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần tập II quyển thượng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989, tr. 748.
2. Đại Việt sử ký toàn thư tập 2 Bản in Nội các quan bản, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 237.

Thích Thanh Thắng 
(Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét