Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014


15 CĂN BỆNH CỦA GIÁO TRIỀU ROMA


Mùa Giáng Sinh năm 2014 này, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô có hai việc được thế giới nhắc đến.

Thứ nhất, về mặt đối ngoại, cả hai chính phủ Mỹ và Cuba đều xác nhận việc hai nước nối lại bang giao một phần là nhờ sự trung gian tiếp tay thu xếp của GH Phan-xi-cô.
Thứ Hai, về mặt đối nội, GH Phan-xi-cô công khai phê phán giáo triều đang phục vụ mình.

Hôm thứ Hai, trước mặt những người đứng đầu các cơ quan trong giáo triều đến chúc mừng Ngài nhân dịp Giáng Sinh, GH Phan-xi-cô đã kể ra 15 thứ bệnh mà giáo triều đang mắc phải, ngoài “7 mối tội đầu” của người Công Giáo.

Giống như nhà vua có triều đình, các giáo hoàng có những cá nhân và tổ chức, gọi chung là giáo triều (Cura)  giúp mình lãnh đạo 1.2 tỉ người trên trái đất, trong đó có phủ Quốc Vụ Khanh, các thánh bộ, các hội đồng, các ủy ban v.v…

GH Phan-xi-cô phê phán gay gắt các hồng y, giám mục, tu sĩ trong giáo triều đã thâu tóm quyền lực và của cải, có cuộc sống “giả hình” hai mặt, quên rằng họ có nhiệm vụ phải phục vụ lời Chúa, mang tin mừng của Chúa đến cho mọi người.

GH Phan-xi-cônhấn mạnh rằng kế hoạch cải tổ sâu rộng Giáo Hội phải đi kèm với việc cải tổ tận gốc rễ giáo triều.

Bá quan văn võ – trong đó có khoảng 60 hồng y và 50 giám mục – có mặt tại sảnh đường lót đá cẩm thạch Sala Clementina hôm thứ Hai hầu như đều xanh mặt khi nghe GH Phan-xi-cô kể ra từng bệnh trong 15 thứ bệnh của giáo triều.

Xin xem chi tiết 15 thứ bệnh tại đây.

Trước tiên là bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là không thể thiếu được.
GH Phan-xi-cô ví những tin đồn, những lời nói ra nói vào trong giáo triều là một hình thức “khủng bố” và e ngại loại khủng bố này có thể “lạnh lùng giết hại thanh danh các bạn đồng nghiệp và những người anh em của mình.”
GH Phan-xi-cô cảnh giác các bè phái trong giáo triều giống như “những u ung thư đe dọa đến sự hài hòa của cơ thể” và cuối cùng cơ thể này có thể chết dưới tay “hỏa lực của quân bạn.”

GH Phan-xi-cô nhắc nhở một số người trong giáo triều mắc bệnh “Alzheimer’s tinh thần,” quên béng lời của Chúađã kêu gọi mình lúc ban đầu, khi vâng lời gia nhập hàng ngũ tu sĩ.
“Giáo triều được kêu gọi luôn luôn tự hoàn thiện mình và phát triển trong sự hiệp thông, sự thánh thiện và có kiến thức để hoàn thành sứ mệnh của mình,” Ngài nói. “Nhưng, giống như cơ thể con người, giáo triều có thể gặp khó chịu trong người, rối loạn chức năng, bệnh tật.”

Sau đó, GH Phan-xi-cô khuyên họ nên dùng mùa Giáng Sinh năm nay đề sám hối, đền tội, và giúp Giáo Hội lành mạnh hơn, thánh thiện hơn trong năm 2015.

Các nhà theo dõi tình hình Vatican nói rằng họ chưa từng thấy một bài nói chuyện mạnh mẽ, gay gắt của một giáo hoàng nào giống vậy. Họ nghĩ rằng đây là kết quả của cuộc điều tra bí mật mà người tiền nhiệm – Bê-nê-đíc-tô – đã ra lệnh thực hiện, sau khi có vụ rò rỉ văn thư của giáo hoàng năm 2012.

Khi đó, ĐứcGH Bê-nê-đíc-tô16 đã chỉ định 3 vị hồng y tin cẩn để xem tại sao một người giúp việc cho giáo hoàng lại có trong phòng riêng của mình những thứ giấy tờ về tình hình tài chính của Giáo Hội mà chỉ có giáo hoàng mới được xem. Người giúp việc này, khi cung cấp các thông tin đó cho một nhà báo, đã hành động một mình hay có sự chỉ đạo của ai đó trong giáo triều, và nếu có thì nhằm mục đích gì, có phải mụcđích hạ uy tín của giáo hoàng hay không? Báo cáo của 3 vị hồng y đã được trình cho hai vị giáo hoàng còn sống.

Trong thông điệp Giáng Sinh năm ngoái, GH Phan-xi-cô đã nhắc sơ qua về những chuyện này, và năm nay đã không ngần ngại phàn nàn về những mưu đồ quyền lực quan liêu, thăng tiến sự nghiệp bất chấp lợi ích của người khác. GH Phan-xi-cô nhấn mạnh, trong vòng một năm qua, giáo triều đã có những thay đổi, nhưng các thay đổi bề mặt, hời hợt đó không phải là những gì mà Ngài mong đợi.

Ông Alberto Melloni, nhà sử học về giáo hội Công Giáo đang cộng tác cho nhật báo Corriere della Sera, nói rằng đây là bài nói chuyện trước giờ chưa từng nghe nơi một giáo hoàng. Ông cho biết, “Nếu Ngài phải dùng giọng như vậy bởi vì biết đó là cần thiết.”
Ông Melloni ghi nhận thêm, trước khi GH Phan-xi-cô lên ngôi, giáo triều Vatican có thể nói là một cơ chế đầy quan liêu, muốn làm gì thì làm, không chịu phục tùng một ai, “toàn bộ giáo triều hành động giống như họ là giáo hoàng vậy.”

Cố GH Gioan Phao-lô, người vừa được phong thánh, quá bận rộn với những chuyến du hành, đến độ không để ý nhiều đến những chi tiết về thủ tục hành chính, về sau Ngài lại đau yếu liên miên. Qua đến GH Bê-nê-đíc-tô, công việc quản lý giáo triều được giao cho một người phụ tá, người này về sau cũng được xác định là có vấn đề.

Một nhà sử học về giáo hội Công Giáo khác, Linh mục Robert Wister của trường đại học Seton Hall, nghĩ rằng bài nói chuyện của GH Phan-xi-côchủ yếu muốn yêu cầu giáo triều tự vấn lương tâm, suy gẫm những tội lỗi của mình trước mặt Chúa, trước khi đi xưng tội. “Có lẽ Ngài tin rằng chỉ có một lời khiển trách nghiêm khắc mới có thể xoay chuyển tình hình giáo triều,” Linh mục Wister phát biểu.

Trước khi chấm dứt bài nói chuyện, GH Phan-xi-côkêu gọi các vị lãnh đạo trong giáo hội hãy cầu nguyện để “các vết thương tội lỗi mà mỗi người chúng ta mang trong tâm hồn được chữa lành.”
Bài nói chuyện của GH Phan-xi-cô được soạn cẩn thận với những trích dẫn và tham chiếu. Chỉ có một sốít hồng y hiện diện mỉm cười trong lúc Ngài nói. Khi chấm dứt, chỉ có một đợt vỗ tay nhẹ nhàng. Sau đó, Ngài bắt tay chào từng hồng y một, nhưng không khí Giáng Sinh không tưng bừng như mọi năm.

Nếu nói một cách công bằng, giáo triều đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Giống như hai người tiền nhiệm gốc Ba Lan và Đức, đương kim giáo hoàng gốc châu Mỹ Latinh phải làm việc với một giáo triều mà đa số là người Ý.

GH Phan-xi-côđang cùng với 9 hồng y đồng cảm đang lập các kế hoạch cải tổ toàn bộ cấu trúc quan liêu, sáp nhập nhiều cơ quan để có hiệu quả và đáp ứng với thời đại hơn.
Ngài đã từng nói rằng dù kế hoạch cải tổ cơ cấu đang diễn tiến tốt, nhưng khó nhất và tốn thời gian nhất là “cải tổ tinh thần” của những người can dự.
Lĩnh vực tài chính của Vatican cũng đang giữa chương trình đại tu bổ. Hồng y George Pell, người nắm tay hòm chìa khóa cho GH Phan-xi-cô đã ra những quy định về kế toán và ngân sách cho những tổ chức, cơ quan trước đây vốn độc lập, không quen với chuyện bị ai kiểm tra sổ sách.

15 CĂN BỆNH CỦA GIÁO TRIỀU ROMA
CẦN CHỮA TRỊ

(Posted by Antoni Phạm  on 12-24-2014)




VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22-12-2014 dành cho các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, ĐTC Phanxicô liệt kê 15 thứ bệnh cần bài trừ khỏi những người phục vụ tại giáo triều Roma.
Khoảng 60 Hồng Y và 50 GM cùng với nhiều giám chức, linh mục và giáo dân lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh đến chúc mừng ngài nhân dịp lễ Giáng Sinh và năm mới.
Mở đầu, ĐHY Angelo Sodano, 87 tuổi, niên trưởng Hồng Y đoàn, đại diện mọi người chúc mừng ĐTC và cho biết toàn thể các cộng tác viên thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh hứa hỗ trợ và cộng tác hoàn toàn với ĐTC trong việc phục vụ tình hiệp nhất của Giáo Hội và hòa bình giữa các dân tộc. ĐHY cũng nói rằng tại Vatican mọi người, trong các nhiệm vụ khác nhau, hiệp nhất và dấn thân phục vụ ĐTC và Giáo Hội.

Diễn từ của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, sau khi gửi lời chúc mừng và cám ơn sự cộng tác của mọi người trong giáo triều Roma, ĐTC nhấn mạnh sự kiện các cơ quan trung ương Tòa Thánh họp thành một cơ thể duy nhất, và cũng như mọi cơ thể, có thể có những bệnh tật cần được chữa lành. Trong ý hướng chuẩn bị tâm hồn, xưng tội, để đón mừng Chúa Giáng Sinh, ĐTC đã liệt kê một loạt những căn bệnh mà những vị làm việc trong giáo triều Roma có thể mắc phải và cần phải thanh tẩy. Ngài nói:
“Giáo triều được kêu gọi cải tiến, luôn cải tiến và tăng trưởng trong tình hiệp thông, thánh thiện và khôn ngoan để chu toàn sứ mạng. Nhưng giáo triều, cũng như mỗi thân thể con người, cũng có thể bị bệnh, hoạt động không tốt, bị yếu liệt. Và ở đây tôi muốn liệt kê vài căn bệnh có thể, những bệnh của giáo triều. Đó là những bệnh thường xảy ra trong đời sống của giáo triều chúng ta. Đó là những bệnh tật và cám dỗ làm suy yếu việc phục vụ của chúng ta đối với Chúa. Tôi nghĩ rằng “danh sách” các bệnh này sẽ giúp chúng ta, như các Đấng Tu Hành trong sa mạc vẫn thường làm danh sách mà chúng ta nói đến hôm nay: danh sách này giúp chúng ta chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa giải, là một bước tiến tốt cho tất cả chúng ta để chuẩn bị lễ Giáng Sinh.

1. Trước tiên là bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là không thể thiếu được, và lơ là những kiểm điểm cần thiết và thông thường. Một giáo triều không tự phê bình, không canh tân, không tìm cách cải tiến, thì đó là một cơ thể đau yếu. Một cuộc viếng thăm bình thường tại các nghĩa trang có thể giúp chúng ta nhìn thấy tên của bao nhiêu người, của vài người mà chúng ta nghĩ họ là bất tử, miễn nhiễm, và không thể thay thế được! Đó là bệnh của người giàu có trong Phúc Âm nghĩ rằng mình sống vĩnh viễn (Xc Lc 12,13-21) và cả những người trở thành chủ nhân ông, cảm thấy mình cao trọng hơn mọi người, chứ không phải là người phục vụ tất cả mọi người. Bệnh này thường xuất phát từ bệnh quyền bính, từ mặc cảm là những người ưu tuyển, từ thái độ tự yêu mình, say mê nhìn hình ảnh của mình mà không nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa in nơi khuôn mặt của những người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và túng thiếu nhất. Thuốc chữa bệnh dịch này là ơn thánh, ơn cảm thấy mình là người tội lỗi và thành tâm nói rằng: “Chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng. Chúng ta đã làm những gì chúng ta phải làm” (Lc 17,10).

2. Một bệnh khác là bệnh Marta, đến từ tên Marta, làm việc thái quá: tức là những người chìm đắm trong công việc, và lơ là với phần tốt hơn, là ngồi bên chân Chúa Giêsu (Xc Lc 10,38). Vì thế Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ của Ngài “hãy nghỉ ngơi một chút” (Xc Mc 6,31), vì lơ là việc nghỉ ngơi cần thiết sẽ đi tới tình trạng căng thẳng và giao động. Thời gian nghỉ ngơi, đối với những người đã chấm dứt sứ mạng của mình, là điều cần thiết, cần phải làm, và cần phải sống thanh thản: khi trải qua một chút thời gian với những người thân trong gia đình và tôn trọng các kỳ nghỉ như những lúc bồi dưỡng tính thần và thể lý; cần học điều mà sách Qohelet đã dạy: “Có thời gian cho mỗi điều” (3,1-15).

3. Cũng có thứ bệnh ”chai cứng” tâm trí và tinh thần: nghĩa là bệnh của những người có tâm hồn chai đá, “cứng cổ” (Cv 7,51-6); bệnh của những người đang đi trên đường, đánh mất sự thanh thản nội tâm, mất sức sinh động và táo bạo, và ẩn nấp sau các giấy tờ, trở thành “chiếc máy hồ sơ” chứ không còn là “những người của Thiên Chúa” nữa (Xc Dt 3,12). Họ có nguy cơ đánh mất sự nhạy cảm nhân bản cần thiết để khóc với những người khóc và vui với những người vui! Đó là bệnh của những người mất “tâm tình của Chúa Giêsu” (Xc Pl 2,5-11), vì con tim của họ, qua dòng thời gian, đã trở nên chai đá và không có khả năng yêu mến Chúa Cha và tha nhân vô điều kiện (Xc Mt 22,34-40). Thực vậy, là Kitô hữu có nghĩa là “có cùng những tâm tình như Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2,5), những tâm tình khiêm tốn, và hiến thân, không dính bén và quảng đại.

4. Bệnh kế hoạch hóa thái quá và duy hiệu năng. Khi tông đồ kế hoạch mọi sự một cách tỷ mỉ và tưởng rằng khi thực hiện việc kế hoạch hóa hoàn toàn thì mọi sự sẽ thực sự tiến triển, như thế họ trở thành một kế toán viên hay một nhà tư vấn kinh doanh. Chuẩn bị mọi sự là điều tốt và cần thiết, nhưng không bao giờ được rơi vào cám dỗ muốn đóng kín và lèo lái tự do của Chúa Thánh Linh, Đấng luôn luôn lớn hơn, quảng đại hơn mọi kế hoạch của con người (Xc Ga 3,8). Người ta lâm vào căn bệnh này vì “ở lại thoải mái trong các lập trường tĩnh và bất biến của mình thì vẫn là điều dễ dàng và ung dung hơn. Trong thực tế, Giáo Hội tỏ ra trung thành với Chúa Thánh Linh theo mức độ Giáo Hội không chủ trương điều hành và thuần hóa Thánh Linh. Thánh Linh là sự tươi mát, sáng tạo và mới mẻ!”

5. Bệnh phối hợp kém. Khi các chi thể mất sự hiệp thông với nhau thì thân thể đánh mất hoạt động hài hòa và chừng mực của mình, trở thành một ban nhạc chỉ tạo ra những tiếng ồn ào, vì các thành phần của ban không cộng tác với nhau, không sống tinh thần hiệp thông và đồng đội. Khi chân nói với tay: “Tôi không cần anh”, hoặc tay nói với đầu: ”Tôi điều khiển”, thì tạo nên sự khó chịu và gương mù.

6. Cũng có thứ bệnh ”suy thoái não bộ tinh thần”, hay là quên đi “lịch sử cứu độ”, lịch sử quan hệ bản thân với Chúa, quên đi mối tình đầu (Kh 2,4). Đó là sự suy thoái dần dần các khả năng tinh thần trong một khoảng thời gian dài ngắn hơn kém, tạo nên tình trạng tật nguyền trầm trọng cho con người, làm cho nó không còn khả năng thi hành một số hoạt động tự lập, sống trong tình trạng hoàn toàn tùy thuộc những quan niệm thường là tưởng tượng. Chúng ta thấy điều đó nơi những người không còn nhớ cuộc gặp gỡ của họ với Chúa, nơi những người hoàn toàn tùy thuộc hiện tại của họ, đam mê, tính thay đổi nhất thời, và những thứ kỳ quặc khác; ta thấy nơi những người kiến tạo quanh mình những bức tường và những tập quán, ngày càng trở thành nô lệ cho các thần tượng mà họ tay họ tạo nên.

7. Bệnh cạnh tranh và háo danh. Khi cái vẻ bề ngoài, những mầu áo và huy chương trở thành đối tượng ưu tiên của cuộc sống, quên đi lời thánh Phaolô: “Anh em đừng làm gì vì cạnh tranh hoặc háo danh, nhưng mỗi người với tất cả sự khiêm tốn, hãy coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm tư lợi, nhưng hãy tìm lợi ích của người khác nữa” (Pl 2,1-4). Đó là căn bệnh đưa chúng ta trở thành những con người giả dối và sống một thứ thần bí giả hiệu, một chủ thuyết yên tĩnh giả tạo, Chính thánh Phaolô đã định nghĩa họ là “những kẻ thù của Thập Giá Chúa Kitô” vì họ ”kiêu hãnh về những điều mà lẽ ra họ phải hổ thẹn và chỉ nghĩ đến những điều thuộc về trần thế này” (Pl 3,19)

8. Bệnh tâm thần phân liệt trong cuộc sống. Đó là bệnh của những người sống hai mặt, hậu quả của sự giả hình về sự tầm thường và dần dần trở nên trống rỗng về tinh thần mà các văn bằng tiến sĩ hoặc các bằng cấp khác không thể lấp đầy được. Một thứ bệnh thường xảy ra nơi những người bỏ việc mục vụ, và chỉ giới hạn vào những công việc bàn giấy, đánh mất sự tiếp xúc với thực tại, với những con người cụ thể. Như thế họ tạo cho mình một thế giới song song, trong đó họ gạt sang một bên tất cả những gì họ nghiêm khắc dạy người khác, và bắt đầu sống một cuộc sống kín đáo và thường là tháo thứ. Sự hoán cải là điều rất cần thiết và không thể thiếu được đối với thứ bệnh rất nặng này (Xc Lc 15,11-32).

9. Bệnh ‘ngồi lê đôi mách’, lẫm bẩm và nói hành. Tôi đã nói nhiều về bệnh này và không bao giờ cho đủ. Đó là một bệnh nặng, thường bắt đầu bằng những cuộc chuyện trò, và nó làm cho con người thành người gieo rắc cỏ lùng cỏ dại như Satan, và trong nhiều trường hợp họ trở thành người “điềm nhiên giết người”, giết hại danh thơm tiếng tốt của đồng nghiệp và anh em cùng dòng. Đó là bệnh của những người hèn nhát không có can đảm nói thẳng, mà chỉ nói sau lưng. Thánh Phaolô đã cảnh giác: “Anh em hãy làm mọi sự mà đừng lẩm bẩm, không do dự, để không có gì đáng trách và tinh tuyền” (Pl 2,14-18). Hỡi anh em, chứng ta hãy giữ mình khỏi những nạn khủng bố nói hành nói xấu!

10. Bệnh thần thánh hóa giới lãnh đạo. Đó là bệnh của những kẻ dua nịnh cấp trên, hy vọng được ân huệ của họ. Họ là nạn nhân của công danh sự nghiệp và của thái độ xu thời, tôn kính con người chứ không tôn kính Thiên Chúa (Xc Mt 23,8-12). Đó là những người khi phục vụ chỉ nghĩ đến điều mà họ phải đạt được chứ không tới điều mà họ phải làm. Những người bủn xỉn nhỏ nhặt, bất hạnh, và chỉ hành động vì ích kỷ (Xc Gl 5,16-25). Bệnh này có thể xảy ra cho cả các cấp trên khi họ chiêu dụ vài cộng tác viên để được sự tuân phục, trung thành và tùy thuộc về tâm lý, nhưng kết quả cuối cùng là một sự đồng lõa thực sự.

11. Bệnh dửng dưng đối với người khác. Khi mỗi người chỉ nghĩ đến mình và đánh mất sự thành thực và quan hệ nồng nhiệt với nhau. Khi người giỏi nhất không đặt kiến thức của mình để phục vụ đồng nghiệp yếu kém hơn. Khi người ta biết được điều gì và giữ riêng cho mình thay vì chia sẻ tích cực với những người khác, Khi vì ghen tương và tinh ranh, họ cảm thấy vui mừng khi thấy người khác ngã xuống, thay vì nâng người ấy dậy và khích lệ họ!

12. Bệnh có bộ mặt đưa đám. Tức là những người cộc cằn và hung tợn, cho rằng để tỏ ra là nghiêm minh, cần có bộ mặt âu sầu, nghiêm khắc và đối xử với những người khác, nhất là những người cấp dưới, một cách cứng nhắc, cứng cỏi và kiêu hãnh. Trong thực tế, sự nghiêm khắc đóng kịch và thái độ bi quan vô ích thường là triệu chứng của sự sợ hãi và bất an về mình. Tông đồ phải cố gắng là một người nhã nhặn, thanh thản, nhiệt thành và vui tươi, thông truyền niềm vui tại bất kỳ nơi nào. Một con tim đầy Thiên Chúa là một con tim hạnh phúc, chiếu tỏa và làm lan rộng niềm vui cho tất cả những người quanh mình, người ta nhận thấy ngay điều đó.. Chúng ta đừng đánh mất tinh thần vui tươi, tinh thần hài hước, thậm chí tự cười mình, làm cho chúng ta trở thành những người dễ mến, cả trong những hoàn cảnh khó khăn”. Một chút tinh thần hài hước thật là điều tốt cho chúng ta dường nào. Thật là điều tốt nếu chúng ta thường đọc kinh của Thánh Thomas More: tôi vẫn đọc kinh đó hằng ngày và điều này mang nhiều ích lợi cho tôi.

13. Bệnh tích trữ. Khi tông đồ tìm cách lấp đầy khoảng trống trong con tim của mình bằng cách tích trữ của cải vật chất, không phải vì cần thiết nhưng chỉ vì để cảm thấy an ninh. Trong thực tế không có gì vật chất có thể mang theo mình vì “khăn liệm không có túi” và mọi kho tàng vật chất của chúng ta, dù có thực đi nữa, không bao giờ có thể lấp đầy khoảng trống, trái lại càng làm cho nó khẩn trương và sâu đậm hơn. Chúa lập lại với những người ấy: “Ngươi bảo: nay tôi giầu có, đã đầy đủ của cải rồi, tôi chẳng cần gì nữa. Nhưng ngươi không biết mình là kẻ bất hạnh, khốn nạn, một kẻ nghèo, mù lòa và trần trụi.. Vậy ngươi hãy nhiệt thành và hoán cải” (Kh 3,17-19). Sự tích trữ của cải chỉ làm cho nặng nề và làm cho hành trình trở nên chậm hơn! Và tôi nghĩ đến một giai thoại: trước kia các tu sĩ dòng Tên Tây Ban Nha mô tả dòng như một đoàn “kỵ binh nhẹ nhàng của Giáo Hội”. Tôi nhớ cuộc dọn nhà của một tu sĩ dòng Tên trẻ, trong khi chất lên xa vận tải bao nhiêu đồ đạc: hành lý, sách vở, vật dụng, quà tặng, thì một tu sĩ dòng Tên cao niên quan sát và mỏỉm cười nói: đây có phải là kỵ binh nhẹ của Giáo Hội không?”. Những cuộc dọn nhà của chúng ta là một dấu hiệu về bệnh ấy.

14. Bệnh những nhóm khép kín, trong đó sự thuộc về một nhóm nhỏ trở nên mạnh hơn thuộc về cả thân mình và trong một số trường hợp, mạnh hơn thuộc về chính Chúa Kitô. Cả căn bệnh này cũng luôn bắt đầu bằng những ý hướng tốt là tiêu khiển với các bạn bè, nhưng với thời gian nó trở nên xấu, thành bệnh ung thư đe dọa sự hài hòa của thân thể và tạo nên bao nhiêu điều ác, gương mù, nhất cho cho những anh em bé nhỏ hơn của chúng ta. Sự tự hủy diệt, hay là ”những viên đạn của bạn đồng ngũ” chính là nguy hiểm tinh tế nhất. Đó là sự ác đánh từ bên trong, và như Chúa Kitô đã nói, “nước nào chia rẽ bên trong thì sẽ bị tàn lụi” (Lc 11,17).

15. Sau cùng là bệnh tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương. Khi tông đồ biến việc phục vụ của mình thành quyền lực, và biến quyền lực của mình thành hàng hóa để kiếm được những lợi lộc phàm tục và được nhiều quyền thế hơn. Đó là bệnh của những người tìm cách gia tăng vô độ quyền lực và để đạt được mục tiêu đó, họ vu khống, mạ lỵ và làm mất thanh danh của người khác, thậm chí trên cả các nhật báo và tạp chí, dĩ nhiên để biểu dương và chứng tỏ mình có khả năng hơn người khác. Cả thứ bệnh này cũng gây hại rất nhiều cho thân mình, vì nó làm cho con người đi tới độ biện minh việc sử dụng bất kỳ phương thế nào để đạt tới mục tiêu ấy, thường là nhân danh công lý và sự minh bạch. Và ở đây tôi nhớ đến một linh mục đã gọi các ký giả đến để kể cho họ – một điều mà LM này bịa đặt – về những chuyện riêng tư của những linh mục khác và của giáo dân. LM ấy chỉ muốn được xuất hiện trên những trang nhất của báo chí, và như thế cảm thấy mình quyền năng và chiến thắng, nhưng tạo ra bao nhiêu đau khổ cho những người khác và cho Giáo Hội! Thật là kẻ đáng thương!

ĐTC nhận xét rằng những căn bệnh và cám dỗ ấy cũng là nguy cơ của mỗi Kitô hữu, mỗi giáo xứ, cộng đoàn, dòng tu, các phong trào Giáo Hội, trên bình diện cá nhân và cộng đoàn.
Ngài mời gọi tất cả mọi người hãy sống theo chân lý trong sự thật, nhất là trong mùa Giáng Sinh này, hãy chuẩn bị xưng tội và xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, chữa lành mọi vết thương tội lỗi mà mỗi người chúng ta mang trong tâm hồn, và xin Mẹ nâng đỡ Giáo Hội và giáo triều để tất cả được lành mạnh, thánh thiện và thánh hóa, hầu tôn vinh Con của Mẹ và để cứu độ chúng ta và toàn thế giới.

Sau bài diễn văn, ĐTC đã đích thân đến bắt tay chúc mừng các Hồng Y đứng thành hình vòng cung ở sảnh đường Clemente trong dinh Tông Tòa, và tiếp đến, các GM cũng như các giám chức, các LM khác và các giáo dân ở vị trí lãnh đạo, đến trước ĐTC để chúc mừng và bắt tay ngài.

G. Trần Đức Anh OP/ Radio Vatican

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014


NHỜ TẾT MÀ TÔI NHỚ Ý NGHĨA GIÁNG SINH

Kim Megson
(Gửi cho BBC từ London)

Năm nay, mới vừa đến tháng 11 mà cơn sốt Giáng sinh đã làm nóng Anh quốc. Các cửa hàng trang hoàng lộng lẫy, chơi những ca khúc Giáng sinh quen thuộc.

Chỉ một hai tuần sau, các đoạn quảng cáo Giáng sinh lâm ly được các nhà bán lẻ tung ra, thúc ép người dân mua hàng đừng chậm trễ.

Kể từ dạo ấy, không khí Giáng sinh bao trùm khắp nơi, và cũng ngày càng trở nên nông cạn và sến ‘chảy nước’.

Với tôi, năm nay càng chứng tỏ rằng Giáng sinh đã trở nên quá thương mại. Chưa bao giờ lại có sức ép to lớn như vậy, buộc người ta bỏ những đồng tiền dành dụm cho những món quà thời trang đắt tiền.

Đỉnh điểm là ngày hội mua sắm kiểu Mỹ vào thứ Sáu (Black Friday) với vô số hàng giảm giá. Khách hàng hung hăng xông vào cửa hàng giành giật từ tivi cho đến giày dép. Trong tiếng nhạc Giáng sinh, người ta đánh nhau tại quầy, và có trường hợp, bảo vệ phải vào để vãn hồi trật tự.
Đa số người dân cảm thấy bực bội, giận dữ chứ chả thấy mình phải lịch sự với người khác. Ngày Black Friday đã trở thành đối nghịch với ý nghĩa của Giáng sinh.


Mua sắm hàng hóa giá rẽ (Sales) nhân lễ Noel

Đã sống qua nhiều Giáng sinh ở Việt Nam, tôi suýt quên mất chủ nghĩa thương mại đáng chán ở nhà.

Giáng sinh ở Việt Nam khác lắm, giống như ngày Tình nhân Valentine thứ hai. Đó là khi các cặp yêu nhau rủ đi chụp hình, ăn tối ở nhà hàng dễ thương, tặng nhau quà. Cũng có vài hình ảnh quen thuộc như ông già Noel, cây Noel, đèn trang trí, nhưng giống như ở Anh, người Việt cũng quên ý nghĩa của Giáng sinh rồi.

Kỳ lạ thay, tôi nghĩ người dân Anh có thể học hỏi về ý nghĩa của Giáng sinh bằng cách quan sát cách người Việt đón Tết.

Giống như Giáng sinh, Tết Việt Nam được đánh dấu bởi việc tặng quà, thăm nhà nhau, ăn uống với bạn bè, gia đình.

Nhưng khác với Giáng sinh, Tết ở Việt Nam vẫn hầu như chẳng thay đổi sau hàng trăm năm.
Tại Việt Nam, người ta đi những quãng đường xa, thậm chí từ nước ngoài về, để sum vầy đón Tết.

Bảo vệ truyền thống

Những truyền thống như dọn nhà cho sạch, thắp hương, cúng bái vẫn quan trọng. Thay vì mua quà đắt tiền, người ta lì xì để lấy hên. Nếu có tặng quà thì là tặng những món bạn cần như quần áo cho trẻ và người già chứ không phải là những món xài cho vui rồi bỏ. Dịp Tết là khi người ta làm từ thiện nhiều hơn. Bạn bè và hàng xómg cũng ăn mừng với nhau.


Cả gia đình cùng thăm Chùa cúng Phật vào dịp Tết

Những bạn Việt Nam từng mời tôi vui Tết tại nhà. Lòng tử tế của họ luôn khiến tôi ngạc nhiên.
Thưởng thức món ăn ngon, chúc nhau may mắn, trò chuyện ấm cúng – chúng nhắc tôi nhớ Giáng sinh nên là thế nào.

Tôi hy vọng khi Việt Nam giàu lên, các giá trị của Tết sẽ không bị hy sinh như Giáng sinh ở nhiều nơi.

Người ta vẫn bảo tôi là Tết chán lắm, cứ phải ở nhà, còn cửa hàng thì đóng cửa. Nhưng một lựa chọn ngược lại còn tệ hơn. Ở Anh, Ngày Giáng sinh (25/12) chưa qua thì cơn sốt mua sắm đã bắt đầu. Tiếng chuông ngân bị lấn át bởi tiếng của tiền.

Dù bạn sống ở đâu, cuộc sống hàng ngày đều có thể mệt mỏi và vất vả. Vì vậy, dành thời gian ăn mừng, thoải mái bên người thân luôn quan trọng.

Xin nhớ như vậy khi bạn mừng Giáng sinh hay Tết. Vì còn những điều quan trọng hơn là việc mua đầu DVD giảm giá.


   

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014


ĐỐI THOẠI, MỘT MẪU THỨC KHOAN DUNG TƯ TƯỞNG

Thích Thanh Thắng



Đối thoại là một trong những nguyên tắc khôn ngoan để duy trì hòa hợp và hòa bình. Trong đó, phản biện đóng vai trò quan trọng nhằm điều chỉnh và bổ túc nhận thức cho mỗi bên trong quá trình tham dự đối thoại. Truyền thống “vấn đáp” trong đạo Phật là biểu hiện sinh động của phương thức đối thoại trực tiếp. Đối thoại như vậy nhằm nâng cao nhận thức trước các vấn đề mà cuộc sống con người đặt ra. Ở đó, sự phản biện nhằm công bố những nhận thức đa chiều, tác động vào nhận thức đối tượng, tìm tiếng nói chung trong hoàn cảnh những bất đồng đang được nuỗi dưỡng để trở thành sự phản đối, phê phán, bài xích, thậm chí là bạo động.

Dân tộc Việt Nam từng tồn tại mô hình “Tam giáo đồng nguyên”. Đó là một di sản tinh thần có giá trị tư tưởng văn hóa đáng được trở thành giáo khoa trong mọi quá trình phát triển văn hóa giáo dục. Sự “cùng tồn tại” của Tam giáo nêu bật giá trị của tương quan và liên đới trách nhiệm. Không có một sự “đồng nguyên” nào cho thấy nó phải hoàn toàn vắng mặt sự phản biện hay phê phán. Vì chính phản biện là kênh giao tiếp duy nhất có thể tác động vào tư tưởng người khác, nhằm cân bằng nhận thức trước sự phong phú đa dạng của các luồng tư tưởng khác biệt trong xã hội. Thẳng thắn tỏ bày chính kiến luôn luôn có sự tác động hai chiều, do đó những luận điểm đưa ra cần phải có tính thuyết phục đối với những đòi hỏi của một mô hình xã hội đang thu hút nhiều nguồn lực, cũng như tập hợp những phản biện đa chiều.

Các tông phái của đạo Phật ở từng thời điểm, hoàn cảnh lịch sử cụ thể cũng đậm nhạt chỉ ra những cách thức đối thoại, thậm chí phê phán ở một mặt bằng nhận thức có độ chênh nhất định khi tiếp thu các giá trị nền tảng khác nhau để trải nghiệm giáo lý cũng như đề cao các giá trị văn hoá dân tộc. Và do đó, tuy cùng có một không gian chung là danh xưng đạo Phật, nhưng cách thức tiếp cận và thực nghiệm tâm linh lại có những khác biệt trong “sự” và “lý”. Nhưng đó là những khác biệt trong tương quan, liên đới. Loại trừ sự khác biệt không nằm trong nguyên tắc ứng xử của đối thoại. Và vì thế, nếu động cơ ban đầu là mục đích “loại trừ” thì không nên đặt ra các giá trị khác như công lý, hòa bình, lắng nghe… trên bàn đối thoại. 

Những cách nghĩ cho rằng đạo Phật là thế này hay thế khác theo một cách tiếp cận chủ quan nào đó đã khiến cho đạo Phật trở nên là một hình thức cố định. Chẳng hạn khi nhà nho nhìn nhận ở một góc độ nào đó nói rằng đạo Phật là dị đoan, thì chính cách nhìn ấy đã phản chiếu vào mọi nội dung Phật giáo, dẫn đến một lối mòn trong suy nghĩ khi cho rằng tất cả mọi thứ thuộc về đạo Phật đều là di đoan.

Điều này chúng ta có thể thấy rõ trong cách nhìn phiến diện và đầy thành kiến của sử nho Ngô Sĩ Liên, mặc dù ông khen ngợi rất nhiều các vị vua Phật tử là anh minh, nhân hiếu, trí dũng…, song cứ nhắc đến sự ủng hộ đạo Phật của họ là ông phán ngay rằng “chẳng đáng quý gì”, “lụy cho đức tốt”... Như vậy những giá trị tương quan đã bị tâm lý bài tha ngăn chặn, từ đó nảy sinh những định kiến rất khó bỏ. Đạo Phật trong nhận thức của mỗi người một khác, và đạo Phật trong nhận thức cá nhân ở những thời điểm khác nhau cũng có những biến chuyển. Đạo Phật có nhiều pháp môn, tông phái nhưng đạo Phật không phải là tổ chức chính trị, chính vì thế dù sống trong bất cứ môi trường nào đạo Phật cũng giữ được những giá trị tương quan của mình với thời thế.

Sự khó khăn trong hầu hết những đối thoại đều đến từ lực cản của nhận thức chủ quan, cảm tính và định kiến. Do đó đối thoại chỉ trở thành những ứng xử văn hóa có tầm khi nhận thức của những người tham gia đối thoại đều phải ở một mức độ bao quát và quan sát rộng. Đối thoại vừa phá vỡ và mừa mở ra nhận thức về một vấn đề. Nên có những lúc, sau đối thoại, người ta phải trải qua giai đoạn đấu tranh mâu thuẫn để điều chỉnh nhận thức. Lúc đó, trước những cú “sốc” nhất thời đòi hỏi người ta phải có sự dũng cảm để chuyển hóa những định kiến, do những tri giác chưa đầy đủ đã lập nên trong các giai đoạn nhận thức trước đó.

Những khác biệt trong nhận thức là thực tế khách quan của xã hội, song hầu hết mọi nhận thức đều được những chuẩn lợi ích hướng dẫn: lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, lợi ích tổ chức và lợi ích dân tộc. Những lợi ích nào ở tầm rộng lớn thì sẽ được ý thức của con người bảo lưu trong đời sống ứng xử xã hội và trở nên phổ biến. Lịch sử tư tuởng con người bị tổn thương bởi chính những tri giác sai lầm khi đóng khung định kiến trong ý thức loại trừ nhau hay độc tôn tư tưởng bằng nhiều hình thức. 

Tam giáo đồng nguyên” là một mô hình xã hội được cổ vũ và diễn đạt dưới nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Mô hình này tồn tại có những cơ sở lịch sử xã hội của bản thân nó. Từ trong lý thuyết, thực tiễn trải nghiệm, hầu hết các tư tưởng đều gặp nhau ở sự chia sẻ chung trong quá trình đem lại các giá trị và ích lợi trực tiếp cho con người. Có nghĩa rằng, con người (thiên hạ, lòng dân) thường được đặt làm trung tâm cho mọi lý giải, nhằm bù đắp những khoảng trống về đạo đức, văn hóa, lối sống. 

Không thể đổ hết lỗi lầm trong đối kháng tư tưởng cho những nhà cầm quyền dù lúc này hay lúc kia họ gia tăng khoảng cách qua thái độ lựa chọn và ủng hộ cho một đường lối tư tưởng, tôn giáo nào đó. Nhưng sẽ là sai lầm, nếu lựa chọn tôn giáo nào đó chỉ nhằm cái mục đích loại trừ tôn giáo kia. Bởi chính kiến của họ có thể hiện như thế nào thì trước nhất cũng phải tạo nên những giá trị và ích lợi thực sự trong quá trình tiến tới sự hòa hợp và quy tụ mọi sức mạnh lớn nhất về với sức mạnh cầm quyền trong ngoại giao, chính trị, quân sự, tôn giáo, văn hóa, kinh tế...

Sự thống nhất trong hài hòa ích lợi của các tư tưởng phải căn bản dựa trên lợi ích chung của cả dân tộc, ở đó những giá trị lịch sử về nòi giống, huyết thống luôn có những sự cố kết chặt chẽ, nhiều khi chi phối mạnh mẽ vào trong nhận thức, tư tưởng, dần hình thành chủ nghĩa yêu nước, thương dân. Mọi tư tưởng đều chỉ là ngoại diên của khái niệm đồng bào, lòng dân... Đây chính là lý do, mô hình “Tam giáo đồng nguyên” không bao giờ chỉ do một tư tưởng khởi xướng, độc thoại... Muốn có mô hình “Tam giáo đồng nguyên” thì phải có những con người “Tam giáo”. Vậy những yếu tố “đồng dị” nào để người ta có thể thống nhất được với nhau mà phân chia trách nhiệm vai trò trong xã hội?

Muốn có những con người tam giáo thì trước hết, nền giáo dục nước nhà phải là nền giáo dục “Tam giáo”. Cuộc thi Tam giáo lần đầu tiên được vua Lý Cao Tông tổ chức vào năm 1195, nhằm tuyển dụng những con người có ích cho đất nước. Năm 1247, Trần Thái Tông, vị vua mở đầu triều Trần cũng cho mở cuộc thi Tam giáo. Vua Trần Thái Tông phát biểu rất rõ: “Nào biết bồ đề, giác tính ai nấy viên thành; hay đâu trí tuệ, thiện căn người người đều đủ. Chẳng cứ đại ẩn, tiển ẩn; đâu nề tại gia, xuất gia. Chẳng nề tăng tục, chỉ cốt tỏ lòng; nào kể gái trai, cớ sao nệ tướng? Người chưa hiểu, chia bừa thành tam giáo, giác ngộ rồi cùng thấu một chữ tâm…” (Rộng khuyên mọi người mở lòng bồ đề). 
Vua Trần Thái Tông còn viết: “Lục tổ có nói: “Bậc thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau”. Như thế đủ biết Đại giáo của Đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời. Thế thì nay lẽ nào trẫm không coi trách nhiệm của tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của Đức Phật là giáo lý của mình ư!” (Tựa Thiền tông chỉ nam).

Các giá trị tư tưởng được giáo dục và ứng dụng phổ biến trong thời đại đó, không chỉ chứng tỏ ý thức trọng hiền tài trong thời Lý - Trần mà còn mở ra tự do đối thoại từ những tầng lớp sĩ phu ưu tú nhất của dân tộc. Thời Lý - Trần, Phật giáo làm quốc giáo, nhưng chúng ta may mắn khi có những vị vua Phật tử sáng suốt, biết đặt lợi ích của dân tộc và tính thiện của người dân lên trên hết. Chưa tìm thấy bất cứ một văn bản nào thời đại đó nói lên sự kỳ thị, bài xích các tư tưởng khác nơi các trí thức Phật giáo, vì vốn dĩ họ hiểu và dung hòa được mọi phương tiện trên con đường minh triết. 

Vào thời Trần, có hai nhà nho tiêu biểu là Trương Hán Siêu và Lê Bá Quát nói về Phật giáo ở những góc nhìn khác nhau.
Lê Bá Quát viết: “Thuyết họa phúc của nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững như thế? Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, thì dẫu đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoán ước để lấy quả báo ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin. Chỗ nào có người ở tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với dân cư, đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng. Ta thuở trẻ đọc sách, để tâm khảo xét xưa nay, cũng hiểu sơ sơ đạo của thánh nhân để giáo hoá dân chúng mà rốt cuộc vẫn chưa được một hương tin theo. Ta thường dạo xem sông núi, vết chân trên khắp nửa thiên hạ, đi tìm những “Học cung”, “Văn miếu” mà chưa hề thấy một ngôi nào! Đó là điều khiến ta vô cùng hổ thẹn với bọn tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta” (Văn bia chùa Thiệu Phúc)

Trương Hán Siêu viết: “Tượng giáo đặt ra là để đạo Phật dùng làm phương tiện tế độ chúng sinh; chính vì muốn khiến cho những kẻ ngu mà không giác ngộ, mê mà không tỉnh lấy đó làm nơi trở về với thiện nghiệp. Thế nhưng những kẻ giảo hoạt trong bọn sư sãi lại bỏ mất cái bản ý “khổ không” của đạo Phật mà chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự giát vàng nạm ngọc cho chỗ ở của chúng rực rỡ, tô điểm cho môn đồ của chúng lộng lẫy như voi rồng. Đương thời bọn có quyền thế, bọn ngoại đạo a dua lại đua đòi hùa theo…” (Văn bia chùa Khai Nghiêm)


Tượng thờ Trương Hán Siêu ở phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình
Khi Phật giáo đứng ở vai trò được nhà nước đề cao, thì điều căn bản nhất trong đối thoại của trí thức Phật giáo là lắng nghe những tiếng nói từ một góc tiếp cận khác. Và họ đã làm được điều đó để viết lên tinh thần đối thoại có một không hai trong lịch sử dân tộc. Chỉ có những con người đứng ở tầm cao của đối thoại mới có thể hóa giải những xung đột tư tưởng đang chứa nhóm và có thể bùng cháy bất cứ lúc nào khi có điều kiện. Đó chính là bản lĩnh văn hóa mang tầm vóc thời đại được thể hiện qua thực tiễn ứng xử chuẩn mực, đem lại lợi ích cho một nhà nước đang rất cần sự khẳng định về độc lập và tự chủ. Thực tế, trí thức Phật giáo lúc đó là những người có đủ thẩm quyền về học vấn, nhận thức chính trị xã hội để đối diện và phản ứng lại với mọi công kích nhằm làm giảm uy thế của họ.

Nhưng họ nhận thấy ở Trương Hán Siêu có một khí khái của người quân tử, khi ông không chống tư tưởng giáo lý của đạo Phật mà ông chống những người đang thực hành sai những giáo lý ấy. Điều này phù hợp với nhận thức của những trí thức Phật giáo có tâm huyết với tiền đồ của đạo pháp và dân tộc. Và trong lời lẽ phê phán của Trương Hán Siêu họ đã nhìn ra những vấn nạn của người tu hành khi dựa dẫm vào quyền lợi thế tục. Chính vì lẽ đó, họ đã trân trọng khắc những phát biểu của Trương Hán Siêu vào văn bia, dựng ngay trước cửa chùa như một bài cảnh tỉnh giới tu hành đã đi sai con đường của Phật tổ. 

Điều này cũng cho thấy, giáo lý của đạo Phật thực sự đã thấm nhuần trong xã hội, vì vậy họ không bao giờ đánh đồng hình thức vào nội dung để tìm đến những kết luận vội vã. Nhân cách của Trương Hán Siêu sẽ không được đề cao nếu ông đi theo vết xe đổ của Thái úy Đàm Dĩ Mông thời Lý khi công kích vào giáo lý Phật giáo. Nhưng ông đã trở thành người có bản lĩnh văn hóa khi đề cập đến những vấn đề nhức nhối trong đời sống sinh hoạt Phật giáo thời thịnh Trần. Chính vì chọn cách tiếp cận thực tiễn đó mà văn bia chùa Khai Nghiêm đã trở thành biểu tượng của đối thoại văn hóa được diễn ra một cách công khai, cởi mở trước một lực lượng trí thức Phật giáo hùng hậu trong xã hội. 

Lịch sử cũng hơn một lần chỉ ra những mánh khóe núp dưới hình thức “đối thoại”, “điều trần”, nhằm triệt tiêu tư tưởng, kết nên bè đảng, gây rối loạn cho xã hội. Đàm Dĩ Mông thời Lý viết “Phán tăng đồ” với mục đích loại trừ Phật giáo ra khỏi đời sống, nhưng dù có tận dụng mọi cách để trở thành “người hùng” thì Đàm Dĩ Mông cũng không làm giảm đi hình ảnh của một con người mọt nước hại dân, bất trung, bất nghĩa qua những ứng xử phơi bày nhiều toan tính bất ổn.

Nhưng Phật giáo đã không cần phải tìm mọi cách để ngăn cản những điều mà người khác nói ngược ý mình, nói bất lợi cho mình, làm giảm uy tín của tôn giáo mình như những phản ứng tự vệ thường tình. Đó là sức mạnh của sự khoan dung tư tưởng trong đối thoại, đồng thời thể hiện sự dũng cảm của người phê phán và người tiếp nhận sự phê phán. Chính vì bản lĩnh văn hóa mà Trương Hán Siêu và một số trí thức Phật giáo đương thời đã là những người mở đầu cho giai đoạn phản biện xã hội, đối thoại xã hội, và vận dụng đối thoại để sàng lọc các định kiến tư tưởng. Tinh thần trên là một trong những điều hấp dẫn không ít nho sĩ đến với những triết lý cao siêu của nhà Phật khi họ từ bỏ chốn quan trường lui về ở ẩn, dần hình thành trong xã hội cả một xu hướng “cư Nho mộ Thích”. Bản thân Trương Hán Siêu lúc về cuối đời cũng gần gũi với Phật giáo để tìm sự bình an trong tâm hồn. Ông viết: “Phù thế như kim biệt, Nhàn danh ngộ tạc phi” (Từ khi cách xa cõi đời trôi nổi, Được tiếng nhàn mới biết trước đây mình đã sai - Dục Thúy sơn).

Phát biểu quan trọng của Trần Thái Tông về đạo Phật và đạo Thánh hiền trên phương diện quốc gia: coi trách nhiệm của bậc tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của Đức Phật là giáo lý của mình, đã chủ trương tinh thần “Nho, Phật phân công”. Bởi ở những bối cảnh thực tiễn của lịch sử, các tư tưởng phải tự điều chỉnh để thích nghi và vận dụng có hiệu quả nhất những giá trị tư tưởng, văn hóa, tinh thần, tâm linh vào xã hội. Và thực tiễn lịch sử đã chỉ ra những mặt mạnh yếu khác nhau của từng tư tưởng. Điều này có tác dụng làm giảm đi nhiệt tình độc tôn tư tưởng và các tham vọng chính trị cực đoan khác.

Trong thời đại mà sự khẳng định độc lập chủ quyền và sự phục hưng dân tộc trở nên mạnh mẽ, những phát biểu thẳng thắn luôn được chấp nhận, đề cao, bởi ít nhiều bộ máy chính quyền đã ý thực rất rõ việc coi trọng trí thức, hiền tài. Bên cạnh đó, nhân cách “trung dung”, giáo lý “trung đạo”, đạo của người quân tử xuất xử, hành tàng… đã cân bằng các nguyện vọng, niềm tin, tri thức phát triển. Và chính mối ưu tư về xã tắc, cộng đồng, nhiệt huyết lập thân, lập danh đã thôi thúc những con người ở các khuynh hướng tư tưởng đối lập khác nhau dấn thân nhập thế, cũng như khẳng định mẫu hình nhân cách cao khiết.

Bản lĩnh văn hóa trong đối thoại được thẳng thắn bộc lộ thể hiện những dự cảm, trực cảm về nhiều những bất ổn và khiếm khuyết đang hiện diện trong đời sống xã hội. Đó là “mối tiên ưu” về một tương lai không xa của dân tộc. Giữ trong nhận thức “mối tiên ưu” ấy sẽ khiến họ nhanh chóng thoát ra khỏi những ích kỷ bản thân, nhìn ra những điều mà cả xã hội (trong cơn men say của vinh dự, tự hào nào đó) đã ngủ quên trước những thực tiễn nhức nhối đang cần chấn chỉnh.

Có thể, sự phát biểu nào đó làm cho thông tin ở những cấp quan trọng nhất bị chao đảo trong nhận thức. Nhưng giá trị phải được thực tiễn sàng lọc, nếu không bỏ đi một nhận thức lỗi thời thì không thể thêm vào một nhận thức phù hợp. “Bất phá bất lập, bất lập bất phá” là phép biện chứng tự nhiên được khéo léo vận dụng vào trong ứng xử Tam giáo. Tinh thần Phật giáo không cho phép xa rời sự dũng cảm trong nhận thức và ứng xử: Cái gì chưa tốt thì nên mạnh dạn chỉnh cho tốt; Cái gì đã xấu thì đừng tiếp tục cho xấu nữa… 

Cảnh báo xã hội chính là những nội dung mà Trương Hán Siêu đã đưa ra trong một phương tiện thông tin để đời là bia đá. Cảnh báo ấy không chỉ chuyển tải những nội hàm đối thoại mà cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị thời đại và thời sự, rằng thanh lọc định kiến và thanh trừng tư tưởng là hai vấn đề mà người trí thức phải vượt qua trước những động cơ được thôi thúc từ bên trong. Khi tư duy “giấy trắng mực đen” còn được xem như là xác suất của “chân lý”, thì những ứng xử văn hóa, đối thoại cũng gắn chặt với điều này và thường dẫn đến tình trạng ứng phó “xấu che, tốt khoe”. Vậy mà nghìn năm sau, dù thời thế có thịnh suy đắp đổi thì cũng không một người Phật tử Việt Nam nào, để bênh vực, biện hộ cho tôn giáo mình mà phá bỏ những điều Trương Hán Siêu đã viết. 

Họ cùng nhau nâng cấp cho trình độ đối thoại thời đại trong khát vọng hoàn thiện và đi tới. Những sai lầm của lịch sử có lẽ nào lại không xuất phát từ sự hà khắc, bất dung trong tư tưởng?
Muốn nâng tầm văn hóa nên đi sâu vào trong thực tại đa chiều của bối cảnh văn hóa. Và trí thức thời đại phải là những người có khả năng ra vào trong Tam giáo, đôi lúc họ cần can đảm từ bỏ những nhận thức cũ của mình để trở về với nguyên lý trung đạo hay đạo trung dung. Lịch sử không cần bào chữa cho thái độ nhiệt tình “ở ẩn” của những người từng gắn bó với xu hướng tư tưởng nào, vì từ nhiều phía nhận thức, họ đã có một kết luận riêng cho chính cuộc đời của họ: công thành thân thoái. Nguyễn Trãi nói “Ẩn chẳng rừng sâu là đại ẩn. Chùa nhà tu Phật mới chân tu”. Đó chính là bản lĩnh văn hóa khi dám nhìn thẳng vào những sai lầm của bản thân mình. 

Tâm linh, tư tưởng, chính trị, tri kiến độc lập, tự do, tự chủ đều ít nhiều gắn liền với những biểu hiện trữ tình của quê hương, sông núi. Quê hương là nguồn mạch để tìm về sự dung hòa văn hóa. Vì lẽ đó, mọi hận thù, mọi hờn trách, mọi thăng trầm trên con đường hoan lộ của thế giới vô thường, hư ảo, phù trầm… đến một lúc nào đó sẽ thôi thúc sự tiếp cận với nguồn tri thức ẩn dật để đẩy lên thành một lý thuyết tồn tại cao khiết. Ở đó, quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn trở thành nguồn cội của những ứng xử coi trọng về nhân nghĩa, tình cảm, tâm linh. Bước chân vào không gian ấy, ai có thể cao ngạo xướng lên những hư danh giả tạm của bản thân? Thực tiễn thăng trầm của lịch sử đó đã hóa giải tất cả mọi vẫy vùng tư tưởng, mọi nhiệt tình tranh nhân, tranh ngã đế một thời điểm nào đó, người trí thức dân tộc tiến tới nhận thức dung hợp giữa nội tâm và ngoại giới. 

Đó cũng là lúc người trí thức đối thoại nhiều nhất với bản thân mình. Không ít người đã từng xây những pháo đài to lớn về tư tưởng để thực hiện những cuộc “long trời lở đất” để rồi những sinh linh của dân tộc lại thất thểu dọc ngang trong trường dạ tối tăm. Nguyễn Trãi chỉ đến cuối đời mới có thể dũng cảm mà thốt lên: “Ta dư cửu bị nho quan ngộ” (Bấy lâu ta đã bị cái mũ nhà nho nó chụp làm cho sai lầm). Cái lý thuyết “nhân nghĩa” được ra rả đề cao từ bên kia biên giới như một gáo nước lạnh dội vào tận cùng tim óc của ông khi nghịch cảnh “nướng dân đen vùi con đỏ” không thể bào chữa vẫn còn in đậm trong ý thức lịch sử. 

Lịch sử là một diễn biến có ý thức, nhưng vì sốt sắng muốn vĩnh cửu những cái vốn dĩ là tương đối, con người đã từng hơn một lần không ngần ngại xóa sổ sự tương quan, liên đới chỉ vì thành kiến tư tưởng và độc quyền chân lý. Khoan dung tôn giáo, tư tưởng được tổ tiên ta gây dựng không đi ra ngoài ý nghĩa của ước vọng thái bình và xây dựng nền độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc.

■ Tài liệu tham khảo:
1. Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần tập II quyển thượng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989, tr. 748.
2. Đại Việt sử ký toàn thư tập 2 Bản in Nội các quan bản, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 237.

Thích Thanh Thắng 
(Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo)


Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014


CẢ ĐỜI TÔI TÌM CHÚA

Trần Tiên Long


Tôi vốn không thích viết về tôi, một cái tôi đáng ghét. Đã có nhiều độc giả từng đặt ra những câu hỏi, thắc mắc, đúng hơn là những ức đoán có mục đích dèm pha về đời sống cá nhân, gia đình, và nội tâm của con người tôi. Nhưng tôi vẫn giữ im lặng, chẳng cần phải thanh minh hay biện giải. Bởi lẽ, những dèm pha đó không liên quan đến những gì tôi đã viết. Nhưng nay nghĩ lại, có lẽ mình cũng nên chia sẻ với các độc giả về lý do tại sao tôi không còn tin về sự hiện hữu của một Thiên Chúa toàn năng.
Đã có nhiều tác giả ngoại quốc viết về đề tài này, bao gồm Bertrand Russell với bài Tại Sao Tôi Không Phải Là Người Ki-tô Giáo; [1] hoặc Robert Ingersoll, Tại Sao Tôi Là Người Không Tin. [2]  Do vậy, ở bài viết này, tôi sẽ không đề cập chi tiết về các luận chứng của họ để dành chỗ cho những điều riêng tư, những điều mà tôi đã từng trải nghiệm, kinh qua, để rồi mãi tới ngày hôm nay mới dám khẳng định công khai điều mình đang cảm nhận. Đây là kết quả của một cuộc tìm kiếm suốt cả đời người.
Sau đây, tôi sẽ lần lượt trình bày lý do tại sao tôi không còn tin có Chúa qua các tiểu mục sau:
·         Tất cả chỉ tại một chữ duyên
·         Thượng đế nào?
·         Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp
·         Những thắc mắc của một con người còn dám sử dụng lý trí
·         Kết luận

Tất cả chỉ tại một chữ duyên
Tôi đã dành trọn cả cuộc đời tôi để đi tìm bằng chứng và dấu vết về sự tồn tại của một thượng đế mà người Công Giáo gọi là Thiên Chúa. Mới chừng 11 tuổi đầu (hè 1965), tôi gia nhập Tiểu Chủng Viện Sao Biển thuộc giáo phận Nha Trang để học nghề làm linh mục, theo gót chân của anh tôi. Sau sáu năm, tôi dời bỏ đời sống tu trì, hăng say nhập vào cuộc đời khi gần 17 tuổi (cuối năm 1970). Mặc dù vậy, thắc mắc về sự tồn tại của Thiên Chúa luôn luôn cứ theo bám, luẩn quẩn trong tâm trí tôi. Đến khi đã trưởng thành, học xong bậc đại học, tôi vẫn còn hăng say tích cực hoạt động tông đồ ở một xứ đạo VN bên Hoa Kỳ. Tôi đã là thành viên của hội Cursillo, thư ký của nhóm Linh Thao, sáng lập viên tờ Đồng Hành, và là giảng viên Giáo Lý lớp 12 cho các em học sinh VN của cộng đoàn Các Thánh Tử Đạo VN, New Orleans, Louisiana. Ở tuổi gần 40, sau khi đã có gia đình và bốn thằng con trai, tôi còn là giáo viên dạy Việt Ngữ, ủy viên Công Giáo Tiến Hành, và thừa tác viên Thánh Thể cùng với các linh mục cho giáo dân rước mình thánh Chúa trong những ngày lễ cuối tuần ở cộng đoàn Chúa Cứu Thế, Long Beach, California.

Tôi cũng đã từng trải nghiệm những giây phút sảng khoái, xúc động khi cầu nguyện với Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria, tưởng như được Chúa và Mẹ yêu thương cách riêng đến nỗi nhiều khi rơi rớt đôi dòng lệ. Nhưng tôi cũng đã có những giây phút yếu đuối, ngã lòng, nghi ngờ, tự hỏi không biết có Chúa thực, hay tất cả đơn thuần chỉ là một thứ cảm xúc tự nhiên do trí óc tưởng tượng của con người. Và tôi cũng đã cầu xin Chúa cho tôi một dấu chỉ, một tín hiệu để tôi biết Ngài đang hiện diện. Nhưng tất cả chỉ là sự im lặng tuyệt đối, trống vắng, từ tháng này qua tháng khác, từ năm kia sang năm nọ, suốt cả cuộc đời này.

Nếu cuộc đời cứ trôi nổi mãi như vậy thì tôi đã không phải là tôi như ngày hôm nay, nghĩa là tôi vẫn cứ vô tư, thoải mái tin và làm những gì đã được nhồi sọ ngay từ khi mới chào đời. Cái cơ duyên bất ngờ đã đến khi tôi có dịp đọc cuốn Hành Hương Đất Phật của tác giả Phan Thiết, tức cựu Thẩm Phán Nguyễn Kim Khánh. Đây là một cuốn sách viết về Phật Giáo bởi một tín đồ Thiên Chúa Giáo, có mục đích xuyên tạc và dèm pha Phật Giáo. Nhưng chính cuốn sách đó là cuốn tôi đã đọc say mê lần đầu tiên trong đời về Phật ở cái tuổi ngoài 40. Bởi lẽ, là một người Công Giáo theo đạo dòng, được rửa tội từ khi mới vài tuần tuổi, tôi luôn luôn xem Bụt và tất cả các thần linh của các tôn giáo khác là ma quỷ, mê tín dị đoan. Tôi cầu nguyện đêm ngày, xin Chúa giữ gìn, tránh xa mọi dịp cám dỗ để khỏi bị sa ngã. Khi mới qua Hoa Kỳ, có lần hai ông mục sư Mỹ gõ cửa nhà tôi để dụ đạo. Tôi đã mời họ vào để nghe họ giảng đạo và xin một ít sách báo để tìm hiểu thêm về Tin Lành, nhưng đã bị cha mẹ tôi la rầy, không muốn tôi tiếp xúc với họ nữa. Và tôi đã vâng lời cha mẹ tôi một cách miễn cưỡng.

Nhưng ngày nay, vì công ăn việc làm, tôi phải sống lẻ loi nơi một thành phố xa lạ, hoàn toàn tách biệt khỏi cha mẹ, anh em, họ hàng, bà con lối xóm, và các bạn bè đồng đạo. Bằng tư duy và nhận thức độc lập, chính bài Vô Tự Chân Kinh đã giúp tôi quyết định tự tìm hiểu thêm về các tôn giáo khác khi đã ở cái tuổi quá nửa đời người. Lời kệ của Đức Thích Tôn được ghi lại trong kinh Tăng Nhất Tập chứa đựng một chân lý mà cho đến nay không một ai có thể phản bác ở bất cứ điểm nào:
“Đừng tin điều gì do kinh sách.
Đừng tin điều gì do tập quán lưu truyền.
Đừng tin điều gì vì được người ta nhắc đi nhắc lại.
Đừng tin điều gì do bút tích của thánh nhân.
Đừng tin điều gì do người ta tưởng tượng ra rồi gán cho thần phật nói.
Đừng tin điều gì vì uy tín của thày dạy.
Nhưng hãy tin vào điều các con đã từng trải, đã kinh qua và suy xét cho là đúng, có lợi cho các con và kẻ khác.
Lòng tin ấy sẽ thăng hoa đời con, và các con hãy lấy đó làm tiêu chuẩn.”
  [3]



Tôi tự hỏi, nếu ý tưởng của bài kinh kệ đó đích thực là chân lý thì tại sao ở ngoài cái tuổi tri thiên mệnh này tôi vẫn không thể tự tạo cho mình một hướng đi? Cứ nhắm mắt tin và làm theo những gì được dạy dỗ chỉ vì đức vâng lời thì rõ ràng đó là một thái độ hành xử vong thân, vong bản vì đối nghịch với bản chất đích thực của con người vốn có lý trí và ý chí tự do. Tôi phải là tôi, chứ không cần phải là một người nào khác mà tôi muốn bắt chước. Tôi muốn mình là một con người có đầy đủ nhân vị, không phải một con chiên, càng không phải một ông thánh. Và nếu có muốn bắt chước thì cũng phải từ một quyết định tự do cá nhân, chẳng phải quyết định áp đặt của bất cứ ai. Tôi sống cuộc đời của tôi với tinh thần trách nhiệm, an nhiên tự tại, không phải cuộc đời của thiên hạ.
Chỉ một câu kinh Phật đã làm thay đổi toàn vẹn cách lối tư duy và nhận thức của một tín đồ Công Giáo đạo dòng. Thay vì cứ “nhắm mắt tin” vì đó là lời Chúa thì bây giờ tôi chỉ“tin vào điều đã từng trải, đã kinh qua và suy xét cho là đúng, có lợi cho mình và cho kẻ khác”. Tất cả hoàn toàn đều do một chữ duyên.

Thượng đế nào?
Có một lỗi lầm rất căn bản mà chúng ta thường vấp phạm là không xác định được thượng đế nào khi bàn về thượng đế, bởi vì có đủ thứ hầm bà lằng thượng đế. Từ khi có con người, mỗi bộ lạc, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có những ông thượng đế khác nhau. Tôn giáo nào cũng khẳng định chỉ có thượng đế mình đang tôn thờ là chân thật nhất. Ngoài ra, tất cả các thượng đế khác hay thần linh của các tôn giáo khác đều là ma quỷ, mê tín dị đoan, sản phẩm của tưởng tượng.Mỗi tôn giáo đều có những niềm tin đặc thù, nhiều khi còn mâu thuẫn, đối nghịch với nhau, không thể tất cả cùng đúng. Vẽ người mới khó, chứ vẽ ma quỷ thì dễ vẽ vô cùng!
Vậy thượng đế mà tôi đã bỏ cả cuộc đời để tìm kiếm là ông thượng đế nào? Có phải Ngài là một hữu thể sáng tạo, luôn luôn quan tâm và lo lắng cho đời sống của con người trần gian như Thiên Chúa của Độc Thần Giáo; hay đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của con người đã một thời được dân gian thờ cúng như các thần linh trong Phiếm Thần; hay Ngài chỉ là cái nguyên nhân đầu tiên khởi động vũ trụ, rồi sau đó hoàn toàn lãnh đạm, không còn màng đến nó nữa, như một số khoa học gia một thời tin theo Tự Nhiên Thần Giáo, trước khi có sự khẳng định của nhà vật lý thắng giải Nobel, Stephen Hawking, về việc vũ trụ có thể tự sinh do chính các định luật của thiên nhiên?

Bởi vì tôi đã từng là một người Công Giáo nên chỉ muốn bàn về một thượng đế hữu ngã, có nhân tính (personal God) của Độc Thần Giáo, một thượng đế có đầy đủ hỉ nộ ái ố, đối nghịch với thượng đế vô ngã (impersonal god) được hiểu bàng bạc và mơ hồ trong Tự Nhiên Thần Giáo, Ấn Độ Giáo, và ngay cả trong Phật Giáo. Người Thiên Chúa Giáo gọi thượng đế là Thiên Chúa, và chỉ có một Chúa duy nhất, chủ ý bao gồm tất cả các thượng đế hay thần linh của các tôn giáo khác, kể cả ông trời trong dân gian VN còn được gọi là Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, Giê-su của Thiên Chúa Giáo là Thiên Chúa, nhưng Gia-vê của Do Thái Giáo và Allah của Hồi Giáo cũng vẫn là Thiên Chúa, mặc dù người Do Thái Giáo và Hồi Giáo không phải là người Thiên Chúa Giáo vì họ không tin Giê-su.

Như vậy, đối với người Thiên Chúa Giáo, nhân vật Giê-su, một người đàn ông sinh ra ở Do Thái cách nay hơn 2.000 năm, chính là Đức Ki-tô, cũng là Thiên Chúa, cũng là thượng đế, cũng là đấng sáng tạo trời đất và muôn loài, có những thuộc tính toàn năng, toàn hảo, toàn trí, toàn thiện, ở khắp mọi nơi, thường hay chăm lo và can thiệp tới những công việc của loài người qua các phép lạ như đã có bàn đầy dẫy trong hai cuốn kinh Cựu Ước và Tân Ước.

Người Công Giáo tin vào Thiên Chúa quan phòng bằng câu răn dạy rằng “một sợi tóc trên đầu rụng xuống không ngoài thánh ý của Thiên Chúa”. Khi tôi khôn lớn hơn và có thể suy nghĩ độc lập thì mới nhận ra tất cả chỉ là “thánh ý” của Vatican, một quốc gia ngoại tộc, có cơ cấu và tổ chức độc tài toàn trị nhất trong thế giới, và là thành viên của Liên Hiệp Quốc như bao các quốc gia độc lập khác.

Khi đọc các luận chứng mà các nhà biện giải cho Thiên Chúa Giáo đã trưng ra, tất cả đều không thuyết phục đối với những người có đầu óc tìm hiểu theo phương pháp của khoa học. Các triết gia và khoa học gia đã trưng ra cho chúng ta thấy những ngụy biện nội tại, nằm ngay trong các luận chứng. Và đó chính là lý do tại sao Công Giáo muốn người tín hữu phải có niềm tin, được thăng hoa thành một đức hạnh lớn nhất trong mọi đức hạnh: ĐỨC TIN. Đó là một cái bẩy xập mà những người tín hữu đã tự nguyện nhắm mắt ngay từ khi mới chào đời thì không dễ gì còn có thể nhìn thấy.

Không có khoa học nào khuyến khích chúng ta tin những điều đối nghịch với lý lẽ, với những quan sát thông thường, và với các bằng chứng hiển nhiên trước mắt. Tính nghi ngờ, sự suy xét chín chắn, tìm hiểu có phê phán là phẩm hạnh cần thiết, được đòi hỏi trong tất cả các bộ môn khoa học, đối nghịch với đức tin của Công Giáo. Nếu không phải để cổ vũ cho những điều vô lý thì chẳng cần bịa ra đức tin. [4] Chỉ với mục đích bảo vệ và phát triển đạo Công Giáo, con người đã bị nhồi sọ bằng việc tự lừa dối chính mình, cứ nhắm mắt trước tất cả mọi bằng chứng hiển nhiên, đối nghịch, và chỉ tin vào một thẩm quyền của Hội “Thánh” hơn là khả năng phán đoán của chính họ, tất cả nằm ở lời Chúa dạy: “Phúc cho những ai không thấy mà tin!”

Thực ra, sự hiện hữu của Thiên Chúa chỉ là một giả định hoang tưởng mà chưa ai có thể chứng minh, một giả định có từ thời tiền sử, đối nghịch với các khám phá của khoa học.
Ngay ý niệm thượng đế đơn thuần như là nguyên nhân đầu tiên để khởi động vụ nỗ lớn (big bang) cũng đã bị khoa học loại bỏ; bởi vì vũ trụ này thì vô tận, đã có từ vô thủy vô chung, nghĩa là không có khởi đầu và chấm dứt nên không cần phải có nguyên nhân đầu tiên. Mang thượng đế để gán cho một nguyên nhân đầu tiên làm tác động vụ nỗ lớn đã trở nên dư thừa, không còn cần thiết nữa. Chỉ cần đơn giản đặt một câu hỏi “vậy ai sinh ra thượng đế” thì cũng đủ đánh đổ mọi luận chứng biện minh cho sự tồn tại của một thượng đế như là nguyên nhân đầu tiên.
Nhưng thượng đế của Thiên Chúa Giáo lại còn là một sinh vật rất yêu thương và chăm lo cho phúc lợi của con người. Nếu chúng ta dùng lý luận thuần lý của Parmenides, một triết gia cổ Hy lạp, thì cũng đủ đánh đổ sự tồn tại của Thiên Chúa, một thượng đế hữu ngã có đầy đủ nhân tính; bởi vì không thể có sự hiện hữu của bất cứ thứ gì có những thuộc tính mâu thuẫn loại trừ nhau. Bởi vậy, khi nhìn thấy thế giới này tràn đầy mọi sự dữ, và sự dữ vẫn cứ xảy đến cho đủ mọi hạng người, kể cả những người đã bỏ cả cuộc đời để theo Chúa, Epicurus lý luận như sau từ mấy ngàn năm trước:

·         -  Có phải Thiên Chúa rất muốn ngăn ngừa sự dữ nhưng lại không thể? Vậy Thiên Chúa đâu phải là toàn năng.
·         -  Có phải Thiên Chúa có thể ngăn ngừa sự dữ nhưng lại không muốn? Vậy Thiên Chúa đâu có nhân từ và thương yêu con người.
·        -  Có phải Thiên Chúa có thể và rất muốn ngăn ngừa sự dữ? Vậy tại sao lại có sự dữ đầy dẫy ở trong thế gian này?
·         -  Phải chăng Thiên Chúa không thể và cũng không muốn ngăn ngừa sự dữ? Thế thì tại sao cần phải tôn thờ Thiên Chúa?

Trong bài Không Thể Có Thượng Đế, tác giả Richard Dawkins cũng lập luận như sau:
“Có một sự thôi thúc để lập luận rằng mặc dù không cần thượng đế để giải thích sự tiến hóa của một trật tự phức tạp một khi vũ trụ đã khởi động với những định luật vật lý căn bản của nó, chúng ta vẫn cần đến một thượng đế để giải thích nguồn gốc của mọi sự vật. Ý tưởng này không có dành cho thượng đế làm nhiều điều: chỉ việc tạo ra vụ nổ lớn rồi ngồi đó và chờ đợi mọi sự sẽ xảy ra. Nhà vật lý và hóa học Peter Atkins, trong cuốn sách viết rất tuyệt của ông, Sự Sáng Tạo, quy định một thượng đế lười biếng đã làm việc ít nhất có thể để khởi sự đủ mọi thứ. Atkins giải thích từng bước của lịch sử vũ trụ tiếp nối nhau bằng định luật vật lý đơn giản. Như vậy, ông đã xén dần số lượng việc làm mà một thượng đế lười biếng cần làm và cuối cùng kết luận rằng, thực vậy, thượng đế chẳng cần để làm bất cứ một điều gì.” [5]

Bởi vì Thiên Chúa Giáo và các tôn giáo thuộc nhóm Độc Thần Giáo đều đã được xây dựng trên nền tảng của một giả định hoang tưởng nên những cố gắng chứng minh của họ đã hoàn toàn thất bại đối với dòng tiến hóa tư tưởng của nhân loại. Bởi đó, họ mới phải viện dẫn đến đức tin như một cái bẩy xập để nô lệ hóa tâm linh con người. Và cái bẩy xập này hiện đang được họ bảo vệ rất chặt chẽ, có hệ thống. Ai dám đụng chạm, phỉ báng niềm tin của họ thì chỉ có tội chết. Những bạo động của họ được tôn giáo phong thánh. Cây gậy và củ cà rốt - hình phạt hỏa ngục hay phần thưởng thiên đàng -  luôn luôn là nỗi ám ảnh và động cơ khích lệ cho những điều gian ác, nhân danh việc bảo vệ tôn giáo. Chỉ cần gọi tên đúng hoặc sai cái ông thượng đế tưởng tượng kia là Ki-tô, hay Allah, hay Gia-vê, hay Giê-su, cũng đủ đưa đến kết quả hoặc thiên đường hay địa ngục, làm phân chia ranh giới giữa con người, làm động cơ cho những đối xử tàn ác, không khoan nhượng với những kẻ không cùng niềm tin như họ, những kẻ mà họ vẫn hằng ngày khinh thường gọi là quân man di, mọi rợ, dị giáo, vô đạo, kẻ thù, sa-tan, hoặc quân vô thần.

Trong tất cả mọi lĩnh vực, ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề là chuyện bình thường hằng ngày ở huyện. Nhưng riêng ở trong lĩnh vực tôn giáo, chỉ cần khác nhau một niềm tin thì cũng đủ có thể biến bạn thành thù. Và tôi cũng đã từng trải nghiệm những người bạn một thời rất thân thương hiện đang xem tôi như một kẻ tử thù. Tất cả chỉ tại vì chúng tôi không còn có cùng một niềm tin tôn giáo.

Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp
Tôi là một kỹ sư cơ khí, chuyên về ngành kỹ nghệ không gian, hiện đang còn làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ. Một trong các công việc chính yếu nhất của tôi là làm những cuộc điều tra để xác định nguyên nhân một bộ phận của máy bay bị hư hại trước thời hạn để từ đó đưa ra những đề nghị: hoặc có nên tiếp tục sửa chữa bộ phận theo cách thức đang có sẳn, hoặc công ty đang cung cấp có nên thay đổi thiết kế của bộ phận, hoặc có nên thay thế toàn bộ phận đó bằng một bộ phận khác của một công ty khác, hoặc có nên làm một thiết kế hoàn toàn mới khác. Tôi đã từng viết cả trăm bản tường trình đúc kết các cuộc điều tra (final engineering investigation report). Dĩ nhiên, một bản tường trình đúc kết như vậy luôn luôn là kết quả cộng tác của nhiều chuyên viên khác trong các ngành chuyên biệt, và còn từ cả nhiều công ty có liên hệ. Và tôi cũng đã từng đọc hằng trăm bản tường trình đúc kết khác của các đồng nghiệp. Có những cuộc điều tra rất đơn giản, chỉ liên quan đến một bộ phận không quan trọng, cho dù hư cũng chẳng gây hệ quả gì nghiêm trọng khi máy bay đang bay. Nhưng cũng đã có nhiều cuộc điều tra liên quan đến các bộ phận tối quan trọng (critical safety item), làm rớt máy bay, gây tử vong cho nhiều người, ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Khi làm công việc khoa học kỹ thuật này từ mấy chục năm nay, tôi đã nhận ra một điều rất đáng để suy nghĩ, là chưa bao giờ tôi thấy một kỹ sư đồng nghiệp nào đã khẳng định, hoặc cho dù chỉ suy đoán, rằng nguyên nhân chính yếu (root cause) làm rớt máy bay có nguồn gốc siêu tự nhiên. Nếu có một vị kỹ sư nào viết như vậy thì rõ ràng đó là một sự điên khùng có một không hai, một trò hề ngoài sức tưởng tượng.

Trong tất cả các phương trình khoa học, tuyệt đối không có yếu tố siêu nhiên để giải thích các hiện tượng. Tất cả mọi sự xảy ra trong vũ trụ này đều có nguyên nhân tự nhiên. Bởi thế, Einstein, một nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại, đã phát biểu rằng:
“Nếu bạn làm cùng một việc và theo cùng một cách thức thì bạn sẽ luôn luôn có kết quả như nhau. Nếu bạn có kết quả khác, có nghĩa là bạn đã làm việc khác hoặc theo cách thức khác.”

Thí dụ về chiếc máy bay dân sự Boeing 777-200ER của hãng hàng không Mã Lai, chuyến bay MH370, đã mất tích vào ngày 8 tháng 3 năm 2014 mà cho đến nay vẫn chưa tìm thấy dấu vết. Nếu chúng ta đem vào bất cứ một hữu thể thiêng liêng nào để giải thích một biến cố mà hiện nay khoa học chưa giải thích được, như là ý Chúa nhiệm mầu để giết chết tất cả 239 hành khách, thì rất ư là khôi hài, tàn nhẫn, độc ác, vô tâm, vô cảm, vô đạo, chắc chắn chẳng một ai tin. Có phải vì đó là ý Chúa thì chúng ta nên ngừng ngay mọi cố gắng tìm kiếm? Và những thiên tai, thảm họa không phải do con người như các trận động đất, núi lửa, sóng thần, mưa bão, lụt lội, và các bệnh dịch Si-đa, Ebola… thì sao? Có phải đó cũng là ý Chúa? Nếu “mọi sự đều do thánh ý Chúa, kể cả một sợi tóc trên đầu rụng xuống”, nghĩa là Thiên Chúa toàn năng có ý định muốn các biến cố đó phải xảy ra, thì chúng ta, những loài thụ tạo, làm sao có thể cưỡng chống? Và những cố gắng của con người để giải cứu các nạn nhân có phải rõ rệt là đang chống lại ý muốn nhiệm mầu của Thiên Chúa toàn năng?

Chúng ta vẫn thường được dạy “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người thế gian” (Cv 5, 29) cho dù cả cuộc đời chúng ta chưa từng nghe Chúa nói, ngoài những lời nói của Vatican tự phong cho mình quyền đại diện Thiên Chúa để có thể cầm buộc dưới đất cũng như trên trời. Những lời tuyên bố, răn dạy như “chiên ta thì phải nghe tiếng ta”, “bỏ Ngài thì con theo với ai?”, hoặc “thà mất nước chẳng thà mất Chúa”… thì cũng chỉ để “vâng lời trong tuân phục”một thế lực tôn giáo hoàn vũ đã từng phải xưng thú bảy núi tội lỗi đối với đồng loại. Khi bảo rằng "của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” thì có khác gì đem cả linh hồn và trí khôn giao nạp cho quốc gia ngoại tộc Vatican?

Những thắc mắc của một con người còn dám sử dụng lý trí
Tôi đã cố gắng dành trọn cả cuộc đời này để đi tìm bằng chứng và dấu vết của Thiên Chúa, nhưng kết quả chỉ là một con số không to tướng, ngoài sự trống vắng, im lặng tuyệt đối. Từ đó, chỉ cần động não một chút, những câu hỏi và thắc mắc sau đây tự động tuôn ra trong đầu óc, nên xin được trình bày ở đây theo cách thức nghiêm túc của học thuật trí thức:


1.     Tại sao Thiên Chúa cứ phải che giấu thân phận mình? Chẳng phải chính Thiên Chúa đã xuống thế làm người để tỏ mình bằng xương bằng thịt cho thiên hạ thấy hay sao? Rồi có vô số phép lạ Chúa làm để tỏ mình đã được ghi chép trong các kinh sách Công Giáo. Không lẽ đó chẳng phải là ý Chúa muốn mọi người nhận biết Chúa là đấng thực hữu?
2.     Nếu Chúa đã từng tỏ mình ở trong quá khứ thì tại sao không còn tỏ mình ở trong hiện tại, cái thời hậu hiện đại mà khoa học có thể nghiên cứu, điều tra tường tận để vạch trần được mọi sự gian dối?
3.     Nhưng Thiên Chúa thì toàn năng, ở khắp mọi nơi, có thể làm được hết mọi sự, vậy tại sao ý muốn tỏ mình của một đấng Toàn Năng lại không thể thực hiện, cũng chẳng hiệu quả hơn gì ý muốn của các phàm nhân có rất nhiều giới hạn?
4.     Còn nếu Thiên Chúa đã thay đổi ý định, không muốn con người nhận biết Ngài nên không còn tỏ mình nữa, thì tại sao Giáo Hội Công Giáo cứ làm trái ý của Thiên Chúa trong suốt hơn 2.000 năm qua bằng cách phí công sức và tiền của để rao giảng về Thiên Chúa, núp dưới mỹ từ là “đem tin mừng cứu rỗi muôn dân”?
5.     Tại sao một đấng toàn năng, toàn trí như Thiên Chúa lại cần phải thay đổi ý định? Các phép lạ trong Công Giáo đang chứng minh bất khả phủ bác rằng Thiên Chúa đã phải thay đổi ý định nhiều lần chỉ vì lời van xin hay hối lộ của con người hèn mọn. Điều này thì hoàn toàn đối nghịch với tính toàn năng và toàn trí của Thiên Chúa.
6.     Tất cả những điều vô lý đó không phải đã chứng minh rõ ràng Giáo Hội Công Giáo đã và đang làm công việc buôn thần bán thánh, những thứ giả mạo, không có thực, từ hơn 2.000 năm nay sao?

Tôi đã được dạy rằng Thiên Chúa thì phải như thế này, phải như thế nọ; nhưng khi đã khôn lớn, những điều đó tự động trở nên hiển nhiên phi lý, ngớ ngẫn, hoàn toàn không còn thuyết phục. Những gì các ông thần học chí chóe bàn về Thiên Chúa thì cũng giống y chang như những gì thiên hạ vẽ hưu vẽ vượn trong các chuyện tiểu thuyết hư cấu hay thần thoại hoang đường. Khi còn là một đứa con nít, tôi tin hoàn toàn những chuyện nhảm nhí đó, không bao giờ có một chút thắc mắc. Bây giờ đã trưởng thành với đầy đủ trí khôn rồi, tôi không còn tin chúng nữa.
Như vậy, có sự khác biệt gì giữa một đức tin tôn giáo và niềm tin mê tín dị đoan, ngoài việc đức tin tôn giáo thì được cổ vũ, hỗ trợ, tuyên truyền, nhồi sọ, và rao bán bởi một tổ chức tôn giáo có thế lực nhất hoàn vũ; trong khi niềm tin bị cho là mê tín thì không, ai tin cũng được, không tin cũng chẳng sao? Vậy đức tin trong bản chất đích thực thì hoàn toàn đồng nghĩa với các niềm tin mê tín dị đoan khác trong dân gian.

Kết luận
Kết quả tìm kiếm suốt cả cuộc đời tôi về sự tồn tại của Thiên Chúa là một sự im lặng tuyệt đối, trống không. Đó chẳng phải là một điều lạ lùng gì! Những thắc mắc ở trên đã minh xác rằng Thiên Chúa chỉ là sản phẩm tưởng tượng của con người, cũng giống như các nhân vật trong các chuyện tiểu thuyết hay thần thoại hoang đường, không hơn không kém. Sự việc Chúa phải im lặng, che giấu thân phận, là chuyện đương nhiên, tất yếu, không thể khác được. Có sinh vật tưởng tượng nào mà chẳng phải tuyệt đối giữ im lặng?
Do đó, tôi có thể bảo đảm rằng nếu chúng ta tôn thờ và cầu nguyện với bất cứ một sinh vật tưởng tượng nào bằng một đức tin không lay chuyển như chúng ta đang tôn thờ và cầu nguyện nơi Thiên Chúa thì chúng ta cũng sẽ nhận được những điều từ họ như những điều chúng ta nhận được từ Thiên Chúa.

Những luận chứng của các nhà biện giải cho Thiên Chúa Giáo cố gắng chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa đều hoàn toàn có thể áp dụng để chứng minh cho sự hiện hữu của bất cứ một sinh vật tưởng tượng nào. Mặc dù vậy, trên đời này chẳng có ai đã trưởng thành còn tin vào sự hiện hữu của các sinh vật tưởng tượng trong tiểu thuyết thần thoại hoang đường, nhưng lại có vô số người tin có Thiên Chúa. Vậy đó chính là kết quả của một nền giáo dục và tuyên truyền nhồi sọ, không phải một tặng phẩm hay hồng ân do Chúa ban.

Các phép lạ, những biến cố vi phạm các định luật của khoa học, thì ở trong tôn giáo hay thần thoại nào cũng có. Đức tin trong thực chất không thể đi đôi với khoa học. Thiên Chúa cũng giống như đôi nạng gỗ. Nếu ai phải cần cặp nạng đó để có thể đi đứng vững vàng thì xin cứ việc tự do, thoải mái sử dụng, nhưng đừng bao giờ mong muốn người khác cũng phải đi bằng đôi nạng gỗ như mình. Đối với những người còn dám sử dụng lý trí, họ vẫn cứ đi đứng thoải mái, vững vàng bằng chính đôi chân của họ mà chẳng cần cặp nạng gỗ. Và tôi tin chắc rằng chúng ta cũng có thể đi đứng như họ, nếu muốn.

Con người chúng ta đích thực là những con ếch ngồi dưới đáy giếng hoặc những thằng mù sờ chân voi nhưng lại thích bàn chuyện trên trời. Có một điều lạ lùng, vô lý và rất khôi hài là khi các nhà khoa học bàn chuyện trên trời thì chúng ta gọi họ là những thằng mù hay con ếch; nhưng khi những con ếch hay thằng mù ngồi ở đáy giếng tận bên Vatican bàn chuyện trên trời thì chúng ta lại gọi “đó là lời Chúa”.

Đứng trước những sự kiện bất khả phủ bác, các nhà biện giải cho Thiên Chúa Giáo không thể phản biện được bất cứ điều gì, ngoài việc tiếp tục dèm pha, tấn công tư cách cá nhân của các tác giả. Họ thường kết án thiên hạ cái tội đánh phá tôn giáo. Nhưng thưa bạn, việc bảo vệ và phục vụ chân lý, hay bảo vệ và phục vụ tôn giáo, việc nào thì quan trọng, nên làm hơn? Hỏi tức là đã trả lời, bởi vì “chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta”. Tôn giáo chỉ là một trong muôn vàn con đường dẫn ta đến các chân lý, không phải tự nó đang là chân lý. Nó chỉ là phương tiện, không phải cùng đích của cuộc đời chúng ta mong tìm kiếm. Chắc chắn không có tôn giáo nào cao trọng hơn sự thật, kể cả Công Giáo.

Riêng cá nhân tôi còn bị kết án thêm cái tội ăn cháo đá bát. Vậy tôi xin trích dẫn quan điểm của tác giả Robert Ingersollđể trả lời cho lời cáo buộc này. Ông được người đời tôn vinh là Người Không Tin Vĩ Đại (The Great Agnostic) vì đã khước từ những niềm tin của gia đình và tổ tiên sau khi ông đã trưởng thành. Trong bài Tại Sao Tôi Là Người Không Tin, ông biện giải như sau:

“Nếu chúng ta phải theo tôn giáo của cha mẹ chúng ta thì cha mẹ chúng ta cũng phải theo tôn giáo của họ. Như vậy thì đã không thể có sự tiến bộ trong lĩnh vực tư tưởng. Tôn giáo đầu tiên có lẽ đã là tôn giáo cuối cùng, và người con có lẽ đã chết trong sự ngu dốt như người mẹ. Sự tiến bộ có lẽ đã không có, và sự thông minh của nhân loại có lẽ đã bị hy sinh ở tại những ngôi mộ của các tổ tiên.” [2]

Vậy thưa bạn, cái tội đánh phá tôn giáo, hay cái tội đánh phá chân lý để làm cản trở sự tiến bộ tri thức của con người, tội nào là tội nặng hơn cả? Nếu tôi viết sai, xin bạn hãy chỉ ra cái sai nằm ở chỗ nào; còn nếu tôi viết đúng, tại sao lại kết án tôi?

Trần Tiên Long
Mùa lễ nghỉ Noel 2014
____________________
Ghi chú:
[1] Tại Sao Tôi Không Phải Là Người Thiên Chúa Giáo / Why I am not a Christian by Bertrand Russell. Nguồn:http://www.users.drew.edu/~jlenz/whynot.html
[2] Tại Sao Tôi Là Người Không Tin / Why am I an agnostic by Robert Ingersoll. Trần Tiên Long chuyển ngữ. Nguồn:
Phần I: http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5213
Phần II: http://sachhiem.net/TTL/TranTL15a.php
[3] Hành Hương Đất Phật, Phan Thiết, Chương 1, Vô Tự Chân Kinh, trang 31, Southern Stars Publisher, Australia
[4] Miên Man Chuyện Đức Tin / Trần Tiên Long. Nguồn:http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5924
[5] Không Thể Có Thượng Đế / The Improbability of God by Richard Dawkins. Trần Tiên Long chuyển ngữ. Nguồn: http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5013