Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014


TRẦN MỘNG TÚ, THI SĨ VIỆT NAM ĐẦU TIÊN
VÀO SÁCH GIÁO KHOA TRUNG HỌC MỸ

Cao La


Nếu quý vị mở cuốn sách giáo khoa dậy văn chương “Glencoe Literature” do nhà xuất bản McGraw Hill ấn hành, quý vị sẽ thấy một bài thơ của một thi sĩ Việt Nam dịch sang tiếng Anh đi song song với bài diễn văn nổi tiếng của Tổng thống Abraham Lincoln trong thời Nội chiến Mỹ, tại bãi chiến trường Gettysburg. Đó là bài thơ của Trần Mộng Tú, The Gift in Wartime, nhan đề tiếng Việt là “Quà Tặng Trong Chiến Tranh.”


Hai tác phẩm trên được đem ra để dậy học sinh môn văn chương Hoa Kỳ. Trong phần thứ ba của cuốn sách giáo khoa, viết về văn chương thời kỳ nội chiến Nam Bắc ở Mỹ và sau cuộc nội chiến, các nhà soạn sách giáo khoa của công ty Glencoe - McGraw Hill, rất thông dụng trong các trường trung học ở Mỹ đã có sáng kiến đem bài thơ Trần Mộng Tú, qua bản dịch Anh ngữ cho học sinh nghiên cứu song song với bài diễn văn trầm hùng của Abraham Lincoln, so sánh cách dùng chữ, cách chọn hình ảnh, những ý tưởng trong mỗi bài của hai tác giả. Đây là một kinh nghiệm văn chương quý báu mà các học sinh Mỹ được hưởng khi tiếp xúc với một thi sĩ ngoại quốc để thấy hậu quả của chiến tranh trên tâm hồn một phụ nữ Việt Nam cũng mang những tính chất nhân bản và sâu sắc không khác gì vị tổng thống mà tất cả mọi người Mỹ đều quen thuộc. Có lẽ sau này học sinh Việt Nam khi học về văn chương thời nội chiến Nam Bắc ở thế kỷ 20 cũng sẽ có cơ hội nghiên cứu bài thơ của Trần Mộng Tú.

Trần Mộng Tú đã cộng tác với Nhật báo Người Việt từ lâu, nhưng chỉ tham gia trực tiếp và liên lạc thường xuyên với tòa soạn khi chấp nhận làm chủ bút Phụ Nữ Gia Đình Người Việt, xuất bản như một tuần báo từ cuối năm 2002. Vì thiết tha bảo vệ phẩm chất của tờ báo, Trần Mộng Tú đã đề nghị mỗi tháng chỉ nên làm một số, do đó Phụ Nữ Gia Đình Người Việt đã trở thành một nguyệt san. Bản chất là một nhà thơ chứ không phải nhà báo, nhưng Trần Mộng Tú đã thích ứng nhanh chóng với nhiệm vụ chủ bút tờ Phụ Nữ Gia Đình trong lúc cư ngụ tại Seattle, tiểu bang Washington vùng Tây Bắc Hoa kỳ, mà tòa soạn đặt tại Westminster, miền Nam California. Trong bài Sớ Táo Bà, đăng trong Phụ Nữ Gia Đình Người Việt số Tết Giáp Thân, Trần Mộng Tú đã đùa cợt với tình trạng phải bay đi, bay về giữa hai tiểu bang Washington và California trong công việc làm báo.

Bài Sớ Táo Bà này cho thấy một khuôn mặt mới của Trần Mộng Tú, như một nhà thơ trào lộng, nhìn thế sự với đôi mắt hài hước! Nhưng bản chất của Trần Mộng Tú là một nhà thơ trữ tình. Bài thơ “Quà Tặng Trong Chiến Tranh” là một thí dụ tiêu biểu. Trước biến cố tháng Tư năm 1975, Trần Mộng Tú đã làm thơ trong khi còn đi học cũng như khi bắt đầu làm việc cho Assciated Press, một hãng thông tấn ngoại quốc ở Việt Nam. Sau khi sang Mỹ tị nạn, độc gỉa đã đọc thơ và văn Trần Mộng Tú trên các tạp chí văn chương của người Việt ở nước ngoài như Văn, Hợp Lưu, Văn Học, Thế kỷ 21, v.v. Các tác phẩm của Trần Mộng Tú thường được chép lại và đăng trên báo chí tiếng Việt ở khắp thế giới. Năm 1990 nhà xuất bản Người Việt đã ấn hành tuyển tập thơ đầu tiên của thi sĩ tựa là “Thơ Trần Mộng Tú.” Bốn năm sau, tạp chí Thế Kỷ 21 in tập truyện ngắn và tùy bút, nhan đề “Câu Truyện Của Lá Phong.” Hai năm sau, tạp chí Thế Kỷ 21, cũng là một ấn phẩm do công ty Người Việt sáng lập năm 1989 và tiếp tục nuôi dưỡng đến ngày nay, đã in tuyển tập thơ thứ nhì với tựa đề “Để Em Làm Gió.” Năm 1999 nhà xuất bản Văn Nghệ đã in tập truyện ngắn khác, “Cô Rơm, và Những Truyện Ngắn.” 

Bài thơ “Quà Tặng Trong Chiến Tranh” được viết ở Việt Nam, khi thi sĩ còn rất trẻ, từ những xúc động trước cái chết của một chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, người yêu đầu của cô, sau đó đã được đăng trên các tạp chí khắp nơi ở hải ngoại. 

Lần đầu tiên hai bài thơ về chiến tranh của Trần Mộng Tú xuất hiện trong thế giới văn chương quốc tế vào năm 1990, đăng trong “Vision of War, Dream of Peace,” (Viễn ảnh chiến tranh: Giấc mơ Hòa bình.) Đó là “The Gift in Wartime”(Quà Tặng Trong Chiến Tranh) và “ Dream of Peace” (Giấc Mơ Hòa Bình) cả hai được dịch sang Anh Ngữ do Vann Phan, một ký giả cũng cộng tác với Nhật báo Người Việt.

“Vision of War, Dream of Peace” là một tuyển tập Thơ của các Nữ Quân nhân và Y Tá phục vụ trong quân đội Mỹ vào thời kỳ chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam. Cuốn sách ra mắt tại Washington DC vào ngày Cựu Chiến Binh, Veteran’s 11 tháng 11 năm1990 

Bản dịch bài thơ The Gift in Wartime được in vào American Literature textbook do nhà xuất bản sách giáo khoa lớn nhất ở Mỹ, Glencoe/Mc.Graw-Hill phát hành năm 1999, trong các chương về văn học Mỹ trong thời Nội Chiến Nam Bắc Mỹ. Thơ Trần Mộng Tú được giới thiệu cho các học sinh so sánh với bài diễn văn nổi tiếng The Gettysburg Address của Tổng Thống Abraham Lincoln.

Bài diễn văn do Tổng thống Lincoln đọc ngày 19 tháng 11 năm 1863 trong dịp khánh thành một nghĩa trang cho các tử sĩ tại chiến trường Gettysburg , tiểu bang Pennsylvania. Trước ông, một chính trị gia và nhà hùng biện nổi tiếng đã nói suốt 2 giờ; đến lượt Lincoln ông chỉ nói trong vòng 2 phút. Sau buổi lễ, các nhà báo tường thuật không ai nhắc đến những lời Lincoln nói, nhưng dần dần dân tộc Mỹ đã nhận ra đó là một tác phẩm văn chương bất hủ, xuất phát từ tấm lòng của một nhà lãnh đạo vốn rất ghét chiến tranh nhưng phải dẫn đầu nước Mỹ trong một cuộc chiến bất đắc dĩ và đã thành công trong việc bảo vệ một quốc gia thống nhất với những lý tưởng tự do, bình đẳng. Câu nói được cả thế giới ngày nay nhắc lại nhiều lần kết thúc bài diễn văn ca ngợi các chiến sĩ đã hy sinh để một “chính phủ của dân, do dân, và vì dân sẽ không bị hủy diệt trên trái đất.”

Cuốn sách giáo khoa tiếp theo đã giới thiệu thi sĩ Trần Mộng Tú, sinh ở tỉnh Hà Đông,Việt Nam, người phụ nữ có kinh nghiệm chính mình sống với những hậu quả của cuộc chiến tranh trong đó hai triệu người Việt Nam thiệt mạng cũng như 57,000 người Mỹ. Sau khi đọc bài thơ Trần Mộng Tú, học sinh được hướng dẫn với những câu hỏi để khám phá những cảm xúc mà tác giả gợi cho người đọc cũng như tìm hiểu nội dung bài thơ. Cuốn sách giáo khoa cũng gợi ý cho học sinh tìm hiểu về kỹ thuật, học sinh tự hỏi tại sao thi sĩ đã dùng các điệp ngữ và nhắc lại các hình ảnh để gây ấn tượng nợi người đọc. Sau đó, các học sinh được mời so sánh hai áng văn chương cùng viết trong thời nội chiến ở hai quốc gia, hai thế kỷ khác nhau. Abraham Lincoln đọc bài diễn văn của ông trước một đám đông, và ông nhắm vào công chúng. Còn Trần Mộng Tú viết một mình, cho mình. Nhưng học sinh có thể tìm thấy những mục đích và cảm xúc giống nhau trong hai tác phẩm ngắn này. Học sinh cũng được dịp tìm hiểu khai phá sự khác biệt giữa hai nền văn hóa của hai tác giả, và thử hỏi một người Mỹ thời nay nếu viết về chiến tranh thì sẽ viết giống tác phẩm nào.

Để quý vị thông cảm với tác giả Trần Mộng Tú, chúng tôi xin đăng lại nguyên văn 2 bài thơ của thi sĩ bằng tiếng Việt dưới đây. Bài Quà Tặng Trong Chiến Tranh ( Trong American Literature textbook) và bài Giấc Mơ Hòa Bình ( Trong Vision of War, Dream of Peace)

Nhà thơ Trần Mộng Tú, circa 2000


        Quà Tặng Trong Chiến Tranh

Em tặng anh hoa hồng
Chôn trong lòng huyệt mới
Em tặng anh áo cưới
Phủ trên nấm mồ xanh

Anh tặng em bội tinh
Kèm với ngôi sao bạc
Chiếc hoa mai mầu vàng
Chưa đeo còn sáng bóng

Em tặng anh tuổi ngọc
Của những ngày yêu nhau
Đã chết ngay từ lúc
Em nhận được tin sầu

Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương

Em tặng anh mây vương
Mắt em ngày tháng hạ
Em tặng anh đông giá
Giữa tuổi xuân cuộc đời

Anh tặng môi không cười
Anh tặng tay không nắm
Anh tặng mắt không nhìn
Một hình hài bất động

Anh muôn vàn tạ lỗi
Xin hẹn em kiếp sau
Mảnh đạn này em giữ
Làm di vật tìm nhau.


Tháng 7/ 1969



                    Giấc Mơ Hòa Bình

Em nghe nói hòa bình
Trên những tờ nhật báo
Em nghe nói hòa bình
Trên miệng người lãnh đạo

Em để lòng khờ khạo
Ôm giấc mơ hòa bình
Mong chiến tranh chấm dứt
Anh giã từ đao binh

Tin về từ trận tuyến
Anh chết giữa chiến trường
Ôi giấc mơ khờ khạo
Chỉ còn là đau thương

Từ khi em ra đời
Từ khi có trí khôn
Em thấy toàn chém giết
Em thấy toàn máu xương

Từ khi em biết nghe
Từ khi em biết nói
Toàn những lời giả dối
Toàn những lời hứa suông

Từ khi em biết yêu
Từ khi em biết nhớ
Anh đã dặn đợi chờ
Rồi anh không về nữa

Ôi giấc mơ khờ khạo
Ôi giấc mơ hòa bình
Xây giữa lòng tham bạo
Chết trước khi thành hình

Ôi lòng non bé nhỏ
Như giấy trắng thơm tho
Vết mực đen loang lổ
Làm hoen ố hồn thơ

Em đã biết giận thù
Biết cuộc đời dối trá
Trang nhất nói hòa bình
Trang tư toàn cáo-phó

Em không còn bồng bột
Tin những lời đầu môi
Em bắt đầu tỉnh ngộ
Thì đã mất anh rồi

Ôi giấc mơ hòa bình
Anh trả bằng sự sống
Em trả bằng tủi hờn
Bằng một đời đơn độc

Tháng 7/1969




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét