HAI NGÀY SÔI ĐỘNG CUỐI THÁNG 9 NĂM 1963:
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH CỦA “MR. SMITH” VÀ “MR. R”
(Tài liệu Giải mật của CIA, Bộ Ngoại giao và Pentagon Papers)
Người dịch: Tâm Diệu, Trí Tánh, Nguyên Giác
Office of the Historian (Văn phòng Sử gia) là một cơ quan thuộc
Bộ Ngoại giao Hoa kỳ, “theo luật định, chịu trách nhiệm về việc soạn thảo và
phát hành tài liệu lịch sử chính thức của chánh sách ngoại giao Mỹ” trong Tổng
tập FRUS (Foreign Relations of the United States), đã được
giải mật.
[The Office of the Historian is responsible, under law, for
the preparation and publication of the
official documentary history of U.S. foreign policy in the "Foreign
Relations of the United States" series].
Lời Giới Thiệu
- Ngày 5 tháng 7 năm 1967, Quốc hội Mỹ khóa thứ 89 ban hành đạo luật “Freedom
of Information Act (FOIA)” cho phép các tài liệu của chính phủ Mỹ có thể được
giải mật (declassification) nếu vượt quá thời hạn 50 năm ban hành. Mục đích của đạo
luật nầy là “… thúc đẩy trách nhiệm giải
trình và tính minh bạch của chính phủ bằng cách cung cấp một khung pháp lý cho
các cá nhân có nhu cầu truy cập các tài liệu của chính phủ” (“The FOI Act promotes government
accountability and transparency by providing a legal framework for individuals
to request access to government documents”).
Những tài liệu liên quan đến “Biến
cố 1963” tại miền Nam Việt Nam, kéo dài từ lễ Phật Đản đến Chính biến
1-11-1963, thì nay đã đáp ứng điều kiện khung “thời gian 50 năm” nầy của đạo luật FOIA. Khối tài liệu đồ sộ nầy của
chính quyền Kennedy (tại Washington cũng như tại Sài Gòn) được giới nghiên cứu
đặc biệt quan tâm kể từ giữa thập niên 2010’s, khi có một số sử gia Mỹ bắt đầu
tìm cách nghiên cứu và đánh giá lại toàn bộ chiến tranh Việt Nam.
Hy
vọng các thông tin được giải mật nầy, ít nhất là từ phía Mỹ, sẽ giúp các nhà viết
sử có thêm tài liệu tham chiếu để thẩm định lại một cách chính xác và đúng đắn
hơn về một giai đoạn bi hùng của lịch sử nước ta.
Vào
cuối tháng 9 năm 1963, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Việt Nam để tìm hiểu (fact
finding mission) của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và Tướng Chỉ huy trưởng
Liên quân Maxwell Taylor, có hai nhân vật được nhắc đến tên trong các văn kiện
trao đổi giữa các giới chức lãnh đạo của Mỹ tại Sài Gòn và Washington. Họ được đặt
bí danh là “Mr Smith” cho một nhà nghiên cứu người Mỹ và “Mr.
R” cho một viên chức cao cấp người Việt thân tín bậc nhất của ông Diệm.
Cho
đến nay, nhân thân của “Mr. Smith” vẫn chưa được tiết lộ, chỉ biết “lúc đó ở Sài Gòn, là một nhà nghiên cứu và
là nhà văn về Việt Nam, trước đó là người ủng hộ Diệm nồng nhiệt cho tới lúc đó”.
Còn “Mr. R”, thì bây giờ chúng ta biết rõ chính là ông Nguyễn Đình Thuần , Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống, kiêm Bộ trưởng
Phụ tá Quốc phòng, tạm giữ chức Bộ trưởng Đặc nhiệm Phối hợp An ninh”. Bộ
trưởng Thuần chính là người mà từ hai năm trước đó, đã theo lệnh TT Diệm, yêu cầu
chính phủ Mỹ “Gửi quân Mỹ tác chiến hoặc
quân Mỹ “cố vấn tác chiến” cho quân VNCH.”
(Theo “The Pentagon Papers”, Ed. Bantam Books Inc., 1971, trang 40, trích từ Điện
văn của Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gửi bộ Ngoại Giao ngày 13 tháng 10, 1961)
Hai
nhân vật nầy, trong những văn kiện trao đổi giữa Washington và Sài Gòn trong
hai ngày 26 và 27/9/1963 đã được đề cập đến như là đã cung cấp các thông tin được cập nhật,
cũng như những phân tích và bình luận tình hình tại Nam Việt Nam. Đáng lưu ý là,
những ý kiến của hai “Mr” nầy đã được đánh giá cao và góp phần định hình quyết sách
của Mỹ trong thời gian sôi động đó, cũng như đã cảnh báo khá đúng phản ứng của
hai ông Diệm Nhu sau nầy.
(Hình ảnh lấy từ Internet - Phần nhấn mạnh /
in đậm là của blog Nam Giao - 1/2021)
------------------------------------------------------------------------------------------------
■ Ngày 26/9/1963. Từ CIA Sài Gòn gửi về trung ương Hoa Kỳ.
Sau đây là tóm tắt nội dung cuộc nói
chuyện dài nửa giờ với Tướng Khiêm vào sáng ngày 26/9/1963 do Khiêm mời tới.
Khiêm giải thích rằng Khiêm yêu cầu nói chuyện theo lệnh Tướng Dương Văn Minh,
muốn tiếp tục liên lạc thế này. Khiêm nói về nội dung cuộc nói chuyện giữa
Khiêm với Minh, chỉ với Minh thôi, và xin đừng để lộ ra. Tướng Khiêm nói Việt
Cộng mới đây cho thấy sức mạnh ở chiến trường, nơi thiệt hại của quân đội VNCH
lần đầu tiên nặng nề như của VC. Khiêm thêm rằng xuyên qua các chiến dịch mới
đây chỉ huy do Đại Tá Phước của ARVN J-2 (Tình Báo Quân Đội, VNCH) cho thấy
nhiều chứng cớ rằng VC đã rất mạnh, đã có kế hoạch kỹ lưỡng và có nguồn lực tại
chỗ để nỗ lực tấn công Sài Gòn nếu có bất kỳ hỗn loạn nào xảy ra. Khiêm nói có
biết phía "dân sự" cũng đang âm mưu đảo chánh, nhưng phía "dân
sự" không biết gì về tình hình sức mạnh của Việt Cộng. Do vậy, nên các
tướng (tức là, Minh, Khiêm và Khánh) quyết định hủy bỏ kế hoạch đảo chánh trong
khi chờ chính phủ Diệm cải tổ theo yêu cầu của các tướng lãnh.
(Lời
Người Dịch: Trong tuần lễ thứ nhì của tháng 9/1963, các tướng lo ngại Nhu sẽ thương thuyết với Hà Nội và sẽ từ từ nhuộm đỏ
Miền Nam, nên đã đề nghị với TT Diệm cải tổ chính phủ, để quân nhân nắm
chức Bộ Trưởng các Bộ Quốc Phòng, Bộ Nội Vụ, Bộ Tâm Lý Chiến và Bộ Giáo Dục. TT
Diệm nói sẽ trả lời sau. Các tướng đề nghị với TT Diệm rằng, Bộ Quốc Phòng giao
cho hoặc Tướng Minh, Đôn hoặc Khánh. Các tướng tiên đoán TT Diệm sẽ chọn Tướng
Đôn nắm Bộ Trưởng Quốc Phòng. Đề nghị Tướng Tôn Thất Đính nắm Bộ Nội Vụ, và tin
là TT Diệm sẽ đồng ý. Bộ Tâm Lý Chiến đề nghị hoặc Tướng Trần Tử Oai hay Lê Văn
Kim. Bộ Giáo Dục, hoặc tướng Trần Văn Minh hoặc Phạm Xuân Chiểu.)
Tướng Khiêm tin rằng TT Diệm sẽ đồng
ý. Khiêm dự trù rằng ngày 4/10/9163 sẽ là hạn chót của các tướng để TT Diệm
chấp nhận thay đổi chính phủ, nếu không thì các tướng sẽ có kế hoạch khác. Các
tướng tin rằng TT Diệm sẽ chấp thuận nội các chiến tranh đó, vì quân VC đã cho
thấy họ có sức mạnh nguy hiểm là từ kết
quả chính phủ Diệm-Nhu trong quá khứ đã có những sai lầm chính sách cho tới
giờ này. Các tướng tin rằng nếu các bộ quan trọng thay đổi (tốt nhất là, Tướng Dương
Văn Minh nắm Bộ Quốc Phòng, Tướng Trần Văn Đôn nắm Bộ Nội Vụ) thì đường dây chỉ
huy các mặt trận, và xuống tới các tỉnh, huyện sẽ hiệu quả chống lại hiểm họa
từ trong (nội bộ chính phủ Diệm-Nhu) cho tới ngoài là Bắc VN.
Diệm đã có một bước như các tướng
muốn là mới vài ngày trước đã ký lệnh đưa Đại Tá Tung và Bộ Tư Lệnh Lực Lượng
Đặc Biệt của Tung nằm trực tiếp dưới quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH.
Chưa rõ lệnh này hiệu quả ra sao. Diệm cũng có hành động khác làm hài lòng các
tướng là đưa Bác sĩ Trần Kim Tuyến (chỉ
huy mật vụ, an ninh) ra ngoài VN. Tướng Khiêm xem Tuyến là một trong những
người của Nhu chịu trách nhiệm nhiều nhất về tính kém hiệu quả của các cơ quan
dân sự trong cuộc chiến chống VC. Khiêm nói, nếu tân chính phủ cải tổ như ý các
tướng, ảnh hưởng của Cố vấn Nhu đối với hướng đi của VN sẽ thành tối thiểu.
(Nhận định từ CIA Sài Gòn: Chúng tôi không chia sẻ niềm tin của Khiêm rằng Diệm
sẽ chấp thuận đề nghị trao các Bộ đó cho các tướng nắm giữ.)
Bộ Trưởng Quốc Phòng
Robert McNamara trong chuyến
Tham quan Tìm hiểu
(Fact Finding Mission trip) vào tháng 9 năm 1963.
■ Ngày 26/9/1963. Bản báo cáo của Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara.
Viết từ Sài Gòn.
Nội dung: McNamara phỏng vấn Giáo sư
Smith. Ghi chú cho biết, theo William P. Bundy, người tháp tùng McNamara tới
Việt Nam, GS Smith là tên giả. Smith lúc đó ở Sài Gòn, là một nhà
nghiên cứu và là nhà văn về Việt Nam, trước đó là người ủng hộ Diệm nồng nhiệt
cho tới lúc đó. Bundy về sau nhớ lại rằng ý kiến của Smith ảnh hưởng mạnh vào
McNamara. Sau đây là tóm lược bài phỏng vấn.
Smith, một giáo sư tại đại học hàng
đầu American University, nói tiếng Việt lưu loát, học giả về Đông Phương, quen
biết rộng với các lãnh đạo ở cả Nam và Bắc VN, công việc hàng ngày tiếp cận các
bản chép lại các bài phát thanh của Bắc Việt và các lá thư cá nhân và các tài
liệu khác được đưa lậu ra khỏi Bắc VN. Smith vừa hoàn tất chuyến thăm Nam VN,
các lần viếng thăm trước đó là năm 1960 và 1953. Trong chuyến đi này, Smith
không đi nhiều ra ngoài Sài Gòn. Smith nói với McNamara như sau.
Khi tới thăm Nam VN, Smith nghĩ rằng
sẽ nguy hiểm nếu cuộc chiến chống Cộng không có TT Diệm. Sau nhiều tuần lễ ở
đây, ông đổi ý kiến. Diệm già kinh khủng kề từ 1960, bây giờ trí não trì trệ. Nhu
là người, với lưng đã bị đẩy vào tường; bản thân Nhu đã rơi vào tình trạng kinh
hoàng và đã tới một giai đoạn phản ứng tuyệt vọng; và rồi, ngay cả với các
thành phần không liên hệ tới chính trị tại Sài Gòn cũng lo sợ bị Nhu bắt giam.. Diệm sẽ không tồn tại quá 24 giờ nếu không
có Nhu, người tiếp nhận các khoản tiền hối lộ và quấy động quyền lực để
sống còn. Nhu sẽ không tồn tại quá 24 giờ nếu không có vẻ ngoài uy tín của
Diệm. Họ cần nhau. Không thể làm cho chế độ cởi mở. Diệm không có khả năng thay
đổi. Do vậy, Mỹ phải chọn giữa việc chiến thắng cùng với chế độ này, hay là ủng
hộ sự thay đổi để có chế độ khác.
Trong nhiều năm, công chúng chỉ
trích chế độ, nhưng là chỗ rieng tư. Bây giờ là chỉ
trích công khai, từ người dân ngoài đường phố, và chỉ trích cũng công khai từ
quân nhân và cảnh sát. Chế độ đàn áp
Phật Tử đã gây bất mãn cho mọi thành phần người Việt. Họ kinh hoàng khi cảnh sát tấn công các chùa. Cả người Thiên Chúa Giáo
cũng bất mãn như Phật Tử. Không có chuyện xô xát Phật Tử với giáo dân Thiên
Chúa Giáo. Trong quá khứ chưa từng có giáo hội chính thức nào của Phật Giáo,
thế rồi đột nhiên họ phải tổ chức lại, vv. Từ lâu đã có sự chống đối chế độ một
cách tiêu cực khắp VN, nhưng đã hiển lộ ra quanh người Phật Tử sau khi xảy ra
sự kiện Huế. Bây giờ, không chỉ là phong trào tôn giáo, mà còn là chính trị.
Điểm đầu tiên để nghiên cứu kỹ lưỡng
là: Chúng ta có thể chiến thắng với chế độ Diệm không? GS Smith tin là không
thể chiến thắng. Như vậy, là phải thay thế. Bất kỳ vận động nào tách rời chế độ
đều rất rủi ro. Sinh viên và Phật Tử
không thể lật đổ chính phủ. Chỉ có đảo chánh quân sự hay một cú ám sát mới
hiệu quả, và một trong 2 viễn ảnh đó thế nào cũng sẽ xảy ra. Trong các viễn ảnh
đó, Hoa Kỳ có 50% cơ may sẽ có được điều tốt đẹp hơn. Thompson tuần trước nói
rằng chương trình Ấp Chiến Lược tiến triển khả quan; đài phát thanh Bắc Việt
chỉ trích nặng nề nhất là chương trình đó. Qua các nguồn tin độc lập, Smith xác
nhận rằng Nhu nói với phóng viên Alsop (của báo Washington Post) và rồi Alsop viết lên báo, và rằng Bắc Việt đã nói
chuyện với Nhu xuyên qua người Pháp, như Nhu đã nói. Một Đại tá quân đội, bạn
chung của Nhu và của GS Smith, nói rằng mới vài ngày trước, Nhu hỏi rằng quân
đội VNCH sẽ phản ứng ra sao đối với việc thương thuyết hai miền. Đại Tá nói với Nhu rằng ông sẽ không sống
sót quá 24 giờ sau khi khởi động thương thuyết như thế. Nếu CS chiếm trọn
Miền Nam VN, sẽ không có lãnh tụ chính trị nào tại Châu Á còn tin vào thế giới
Phương Tây nữa. Thực sự, mất lòng tin sẽ không riêng ở các lãnh đạo Châu Á.
Chính phủ Mỹ không thể làm gì khác hơn là hoặc công khai ủng hộ Diệm, hoặc im
lặng. Nếu Mỹ im lặng, sẽ có một cuộc đảo chánh có lẽ xảy ra trong vòng 4 tuần
lễ nữa. Đó sẽ là ván cờ bạc để xem ai sẽ nắm quyền sau chế độ quân sự lâm thời.
Các giáo sư tại Đại Học Sài Gòn nói rằng đời sống y hệt như
địa ngục. Nếu đại học mở cửa lại, sinh viên
sẽ lại xuống đường và Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa sẽ cùng với sinh viên biểu
tình. Nhu đan bắt giam nhiều người thêm, và căng thẳng không ngừng. Do vậy,
tinh thần chiến binh cũng xuống. Gỡ bỏ thiết quân luật và giới nghiêm nhưng
tăng tốc bắt giam. Thế là nhà tù đầy
thêm. Nếu Mỹ âm mưu đảo chánh, thì lại thất bại, vì chính phủ mới sẽ bị tai
tiếng là búp-bê của Mỹ. VC chưa lợi dụng được bất ổn chính trị, và Bắc
Việt đang thiếu lương thực thê thảm. Theo ý tôi (GS Smith), nếu chính phủ Mỹ
không nói gì để ủng hộ chính phủ Diệm, sự bùng nổ sẽ xảy ra trong vòng 2 hay 3,
hay 4 tuần lễ tới.
.
■ Ngày 27/9/1963. Bầu cử Quốc Hội VNCH trên toàn lãnh thổ Nam VN, với tiên
đoán được là tỷ lệ đi bầu sẽ đông và đa số ứng cử viên là người của chính phủ
Diệm. Bản ghi chú của Bộ Ngoại Giao Mỹ ghi rằng một ứng cử viên nổi tiếng với
các quan điểm độc lập, Nguyễn Trân, bị chính phủ cho là bất hợp lệ. Không có nhà hoạt động đối lập nào được
tranh cử. Có một số nghi ngờ rằng chính quyền gian lận bằng cách cấp cho
các cá nhân tin cậy mỗi người nhiều hơn một phiếu bầu, và cũng gian lận bằng
cách đếm sai, trong khi chính phủ có một danh sách các ứng cử viên được ưa
thích sẵn và đã giúp cho các ứng cử viên này.
Các ứng cử viên thắng phiếu sẽ vào
123 ghế, trong đó có 60 ghế đương nhiệm (có 25 người đương nhiệm thất cử). Theo
báo cáo của CAS, 96 ứng cử viên được chính phủ Diệm hỗ trợ đã thắng cử. Trong
đó bao gồm 55 thành viên Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (NRM) và 19 phụ nữ, tất
cả đều có lẽ là thành viên Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới (WSM). Mặt khác, dựa vào
báo cáo CAS, có 15 trường hợp được chính phủ VN hỗ trợ nhưng thất cử (chính phủ
VN giữ trung lập trong phần còn lại cùa các ứng cử viên). Chưa rõ tất cả nhóm
15 người thất cử này sẽ chấp nhận thua hay không, vì có tin vài người nộp đơn
khiếu nại. Khuôn mặt mới có 2 đại biểu người gốc Hoa, và là lần đầu tiên người
Hoa ở Chợ Lớn gia nhập chính trị VN. Vắng mặt trong Quốc Hội mới sẽ là các
khuôn mặt tương đối độc lập, những người có khuynh hướng gần với nghiệp đoàn
lao động, như Phạm Văn Tùng và Trần Sanh Bửu. Điều chú ý là, 2 người này thua
phiếu 2 ứng cử viên gốc Hoa kia. Trong tình hình Quốc Hội cũ vốn đã bất lực,
các nhân sự mới không có vẻ gì sẽ là vai trò sáng tạo. Các viên chức ngoại giao
Hoa Kỳ không sẵn sàng chấp nhận con số do chính phủ VN đưa ra là 92.82% dân số
đi bầu là khả tín, nhưng xác nhận rằng người dân đông đảo đi bầu, một phần vì
áp lực từ các viên chức địa phương, một phần vì không khí lễ hội trong ngày bầu
cử.
Biết rằng Bộ Trưởng McNamara và
Tướng Taylor sẽ đề nghị dùng chương trình viện trợ để áp lực TT Diệm, cho nên
cả Đại sứ Lodge và Brent (Giám Đốc USOM) đều chống lại phương pháp đó. Lodge
gửi điện văn lúc giữa trưa, nói rằng nếu Mỹ cắt giảm viện trợ sẽ làm đời sống
người dân khổ hơn, và sẽ bất lợi cho cuộc chiến chống Cộng.
.
■ Ngày 27/9/1963. 6 p.m. Gửi từ Tòa Đại sứ về BNG. Ký tên Lodge. Hãy chuyển
tới USIA cho Murrow.
Tôi đề nghị nghiên cứu tức khắc về
khả năng làm một loạt chương trình trên đài VOA, sẽ nói bằng tiếng Việt trên
làn sóng phủ khắp Nam VN đều đặn, trình bày các lý tưởng Hoa Kỳ như tự do phát
biểu, tự do báo chí, quyền được ra tòa nếu bị bắt, phẩm chất cá nhân phải được
tôn trọng, quyền tìm hạnh phúc, mọi người đều bình đẳng, chính quyền là đầy tớ
của dân, vân vân. Hiện nay tất cả các nguyên tắc đều bị vi phạm tàn bạo ở VN.
Thực sự, tôi vừa nhận được bản báo cáo khả tin về chuyện cảnh sát nửa
đêm gõ cửa nhà dân và bắt đi các phụ nữ trong một gia đình về nhà giam để thẩm
vấn (Xem khung chữ đính kèm).
Mục đích chiến dịch thông tin này để
dân VN ý thức về quyền của họ, tới mức gây lo ngại cho Diệm-Nhu và sẽ giúp Mỹ
có sức ép. Tôi tin rằng sức mạnh của lý tưởng chúng ta sẽ mạnh hơn là tiền hay
là thế lực của chúng ta. Tôi có ý nghĩ trên vì tin rằng đài VOA có đông thính
giả tại VN. Mecklin cũng nghĩ thế.
.
■ Từ Sài Gòn. Không ghi ngày.
Bản báo cáo của Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara. Về buổi nói chuyện ngày
27/9/1963 với Richardson (Trưởng Phòng CIA Sài Gòn). Buổi nói chuyện
dài 2 giờ đồng hồ. Sau đây là nhận xét của Richardson.
Khủng hoảng Phật Giáo chỉ là cao điểm của những bất mãn đã
ẩn tàng từ lâu. Tương lai bất định, khó đoán. Tình
hình bắt giam hàng loạt sinh viên là rất tệ hại. Các vụ bắt giam này có cả các
con của các sĩ quan và các công chức cao cấp. Các vụ bắt trong đêm chỉ làm
người dân căm ghét thêm. R (bí danh của Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần) nói
với Diệm rằng cứ mỗi viên chức trong nội các là đều có một khủng hoảng cá nhân.
Điều R muốn nói chính là bầu không khí của những nỗi nghi ngờ. Họ kính trọng
Diệm, nhưng không chịu nổi gia đình nhà
Ngô. R đặc biệt lo sợ hành động của các cấp cao nhất trong quân đội. Hai
lần trong vài ngày qua, R từ chối đề nghị rằng R sẽ lên nắm chức Tổng Thư Ký
Hội Đồng Chính Phủ (Secretary General of the Council); Diệm nói như thế là đưa
R vào chức Thủ Tướng, nhưng R nói R không thể chấp nhận chức vụ đó trong chính
phủ này. R được báo cáo là R đang bị
theo dõi, gia đình nhà Ngô nhìn R như một người Mỹ. R nói R không thấy có
ai có đủ đạo đức cá nhân để thay thế Diệm, nhưng hướng đi mà Diệm và nhà Ngô đang dẫn đi sẽ đưa tới thảm họa. Diệm
là người yêu nước nhưng gắn bó với gia tộc nhà Ngô. Quan hệ giữa các cố vấn
quân sự Hoa Kỳ và người tương nhiệm (VN) là tốt, nhưng nếu bầu không khí nghi
ngờ không hết, các cấp thấp phía người Việt sẽ rút ra khỏi quan hệ này -- R nói
có thấy tiến trình xấu này. Richardson nói, "Tôi yêu cầu Bộ Trưởng hãy rất cứng rắn; đây là con đường duy nhất. Đừng
cắt đứt viện trợ; chỉ treo viện trợ thôi." Diệm lo lắng về chuyện chậm
trễ viện trợ thương mại. R nói, có 4 tướng xin được giữ chức trong nội các
chính phủ. Họ rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Đình Thuần (thứ hai từ trái, ngồi bên
mặt PTT Nguyễn Ngọc Thơ) trong một cuộc họp báo của Ủy ban Liên Bộ năm 1963. Vì
ông Ngô Đình Diệm là Tổng thống nhưng kiêm nhiệm luôn chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc
Phòng nên ông Thuần chỉ giữ chức “Bộ trưởng Phụ tá Quốc Phòng” kiêm nhiệm “Bộ
trưởng Phủ Tổng thống”). - Hình của Lo Vinh, sưu tầm của southeastasiacollector.
Để cứu VN, chúng ta phải áp lực Diệm
để buộc ngưng các biện pháp đàn áp dân
và phải buộc Nhu ra đi. Nếu không, đảo chánh sẽ xảy ra và sẽ là thảm họa. Nhu là kẻ chủ mưu, chỉ huy trận tấn công
các chùa. Đừng tin những gì nhìn thấy, vì người dân đang nổi giận. Chuỵện
các sinh viên thì cực kỳ kinh hoàng. Trong thâm tâm, nhiều sĩ quan đã bất mãn lớn với chính phủ. Tư Lệnh Hải Quân, người
đã cứu sinh mạng Diệm trong năm 1960, bây giờ không thuyết phục nổi chính thân
phụ của mình về cái gì là tốt đẹp của chính phủ. Dân chúng ghét bà Nhu và cậu
em (Trần Văn Khiêm). Nếu Nhu tìm cách nối ngôi Diệm, sẽ có chiến tranh liền.
Không chỉ có chuyện bắt người ban đêm, cũng có chuyện Mật Vụ bắt cóc người. Có
bao nhiêu người bị bắt, bao nhiêu được thả ra? Tôi không biết. Tổng Thư Ký tờ Trudo (Tự Do?), tờ báo bị nghi là ủng hộ người Mỹ, bây giờ đã bị bắt giam.
Nhiều thành viên nội các chính phủ
đã chán rồi, muốn từ chức, nhưng nếu từ chức là sẽ có chuyện bất tường. Có 36
mật vụ trong nhà Mẫu [Ngoại trưởng] khi Mẫu tìm cách rời VN. R nói với Diệm:
Tổng Thống không thể sống sót nếu không có viện trợ Mỹ. Đồng tiền sẽ sụt gíá,
lúc đó đồng tiền đã sụt giá rồi. Khiêm,
em trai bà Nhu và là chỉ huy cảnh sát bí mật, là một người điên khủng và bị
ám ảnh tình dục. R nằm trong danh sách
ám sát của Khiêm. Bộ Trưởng Kinh Tế, một tín đồ Thiên Chúa Giáo thuần
thành, nói với R rằng ông không thể ngủ đêm qua khi nghĩ về các lời tuyên bố
chống Mỹ của Nhu; ông tin rằng tuyên bố như thế thì phe hưởng lợi nhiều nhất là người Cộng sản và ông kết luận rằng hẳn là
có một người Cộng sản phía sau Nhu. Bản báo cáo này có chữ ký được đánh máy
của Bộ Trưởng Robert S. McNamara.
TDTTNG/202101