Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

HÒA THƯỢNG “BIẾT MÌNH BIẾT NGƯỜI

Lý Nguyên Diệu

Cùng nhau nhìn lại những năm tháng đã qua một cách hoà đồng trong tỉnh táo là điều khó khăn, vì mỗi chúng ta nhìn thời cuộc từ vị thế khác nhau, qua tâm tư và não trạng khác nhau, như chuyện Rashômon. Nhưng nếu cố gắng tỉnh táo như một người không bị ảnh hưởng tôn giáo thì sẽ nhận ra Hoà thượng Thích Trí Quang (TTQ) thuộc loại người áp dụng đúng binh pháp “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi” (biết mình biết người, trăm trận không nguy) của Ngô Tôn Tử. Điều thú vị ở đây là nói về một nhà sư mà lại nhắc đến tác giả “Nghệ thuật Chiến tranh”, nhưng thầy TTQ thì cũng chỉ là một con người tứ đại với đầu-mình-tay-chân như bao nhiêu con người khác. Sinh ra là phải tranh đấu. Tranh đấu để sống còn, tranh đấu để đạt sở nguyện. Ngay cả khi chưa sinh ra đã phải tranh đấu với hàng triệu con tinh trùng khác để trở thành nhà lực sĩ bơi lội đầu tiên tiến đến thụ tinh cho trứng rồi trở thành phôi thai. Ai cũng tranh đấu như vậy. Kể từ đức Đạt Lai Lạt Ma ở bên ni đến đức Giáo hoàng ở bên tê cũng chỉ là những con người với đầu-mình-tay-chân để tranh đấu.
Đó là điểm “bất khả tư nghì” đầu tiên làm tiền đề để chúng ta có thể tỉnh táo bàn tiếp.

Vậy thầy TTQ đã vào đời tranh đấu thì cũng là chuyện không nên ngạc nhiên. Như lịch sử Việt Nam thế kỷ 13 có vua Trần Nhân Tông pháp danh Trúc Lâm Đại Sĩ, hai lần đánh bại quân xâm lược Mông Cổ. Như lịch sử Hàn Quốc thế kỷ 17 có Hoà thượng Samyeong pháp danh Yujeong của triều đại Joseon, đã chỉ huy một đội quân tăng sĩ để chống quân xâm lược Nhật. Như lịch sử Việt Nam thế kỷ 19 có Linh mục Trần Lục, tên thánh là Phêrô, đã cung cấp cho quân Pháp 150 tay súng Công giáo để đánh chiếm thành lũy Ninh Bình, và đã huy động 5,000 giáo dân Việt Nam giúp Tây tiêu diệt chiến khu Ba Đình của anh hùng Đinh Công Tráng. Sau đó Linh mục Trần Lục được chính quyền thực dân Pháp tặng thưởng hai Bắc Đẩu Bội Tinh. Hành động nhập thế của người xưa là như thế dù phong cách xuất xữ có khác nhau …
 Qua thế kỷ 20, điểm nổi bật của thầy TTQ là sự áp dụng đúng nguyên tắc “biết mình biết người” đã làm cho thầy trở thành một nhân vật của thời cuộc. Và ai cũng biết những nhân vật của thời cuộc Việt Nam thường nhận lãnh một núi cao đầy khen ngợi trôi nổi bềnh bồng trên một biển rộng tràn ngập chê bai. Điều này đã xảy đến cho Hoàng đế Bảo Đại, cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, và cho cả một Hoà thượng có pháp danh Thích Trí Quang, từ khi sống đến khi chết.
Những khen chê đó, thầy TTQ, đã nhận như huy chương nào cũng có hai mặt. Hai mặt như trường hợp một Phật tử ở Huế là Tiến sĩ Thái Kim Lan, đã từng là một trong những sinh viên kịch liệt biểu tình chống chính sách kỳ thị Phật giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng trong bài viết về thầy TTQ, bà cũng tặng chế độ cụ Ngô “một điểm son” dân chủ đã cho phép sinh viên, học sinh sử dụng quyền biểu tình. Vì vậy, ta nên “để cho lịch sử xử” đời của thầy TTQ cho đầy đủ hai mặt như nhà văn hoá Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã dõng dạc di huấn.   
Vâng theo di huấn đó, bài viết này chỉ dám là một cố gắng để tìm hiểu một trong nhiều bí ẩn về thầy TTQ mà những bài khen chê đều cùng đề cập đến nhưng hình như chưa có một trả lời thỏa đáng. Bí ẩn đó là câu hỏi: Vì sao thầy im lặng từ năm 1975? Trong khi ngay cả một thiền sư như thầy Thích Tuệ Sỹ cũng đã phải ra tòa năm 1988 vì không giữ im lặng.

Đi tìm câu trả lời này là đi trở lại mùa Hè sôi động và bi tráng vào mùa Hạ năm 1963, sau khi thầy TTQ  đã học Phật 27 năm và trở thành một cao tăng tại Huế.
Từ một cái nhìn ngoài ước lệ, Thầy TTQ có thể ví như một cao thủ của môn phái Hiệp Khí Đạo (Aikido) - Về tinh thần và nguyên lý của Aikido mang đậm chất Thiền – Zen, cùng với tư tưởng của giáo phái Omoto – Đại  Bản  giáo của giáo chủ Onisaburo Deguchi,  trong khi giáo phái này khởi nguyên từ Shinto và Phật giáo.” (Trích theo Aikido Tâm Bảo trên Internet) - Theo ý của giáo sư Đặng Thông Phong (Aikido Huyền đai Đệ thất đẳng), kỹ thuật của Hiệp Khí Đạo có thể tóm tắt là không làm gì cho đến khi bị tấn công thì dùng chính lực tấn công đó để khống chế đối thủ. Nghĩa là khi nào ở tư thế nạn nhân đang bị áp bức, thì chỉ khi đó, Phật giáo Việt Nam sẽ phát huy được tối đa nội lực và công năng để hóa giải (và nhiều lúc hòa giải với) địch thủ của mình.
Trong khi Tổng thống Ngô Đình Diệm của năm 1963 đúng là một cao thủ Nhu Đạo (Judo). Ông đã đẩy triết lý cơ bản “lấy nhu thắng cương” thành ra chiến thuật toàn diện “lấy NHU thắng tất cả” (định mệnh đã đặt người em tên là  NHU làm cố vấn cho Ngô Tổng thống!). Tuy vậy, trong thực tế, Tổng thống và ông cố vấn lại áp dụng ngược chiều, lấy cương thắng nhu qua hai chiêu võ rất cường bạo (có phải đây là một nhầm lẫn tuyệt mệnh nên hai chiêu này chỉ được tung ra trong bóng đêm?). Một là đêm 8 tháng 5 năm 1963, chính quyền  lấy xe tăng và tung chất nỗ dẹp biểu tình trước đài phát thanh Huế. Và hai là sau đó hơn ba tháng, đêm 20 tháng 8 năm 1963, chính quyền phát động chiến dịch “Nước Lũ”, dùng Lực lượng Đặc biệt và Cảnh sát Dã chiến tấn công các chùa và bắt nhốt các sư sãi trên toàn miền Nam đúng như kỹ thuật của môn phái Nhu Đạo đòi hỏi phải vói tay ra nắm áo hay nắm tay của đối thủ rồi mới dùng thế để “quật ngã, đè, siết cổ và khoá tay, chân” làm cho đối thủ mất thăng bằng và ngã xuống đất chịu thua. Hai đêm đó là hai lần Phật giáo bị nắm áo, nắm tay nhưng thầy TTQ đã BIẾT Hiệp Khí Đạo của thầy có thể thắng Nhu Đạo của Tổng thống Diệm nên đã tận dụng quyền lực (đúng hơn là quân lực) của đối thủ để đạt được mục đích làm cho Tổng thống Diệm phải ngã xuống đất chịu thua - thua một đối thủ dù bị giam lỏng trong cơ quan USOM của Mỹ từ tháng 8 đến ngày 1 tháng 11, 1963 nhưng vẫn đã có thể vận dụng tối ưu bí thế “cách không điểm huyệt” bằng bài quyền “biểu tình & bãi khoá” của trí thức, sinh viên, học sinh và tạo thêm chính nghĩa cho nội lực thâm hậu của quân lực Việt Nam Cộng Hoà được hiển lộ và phát huy.


Hình bìa tạp chí TIME số ra ngày 22/4/1966
với tiêu đề “The Buddhist Bid for Power

Qua năm 1966, đáng lẽ lui về chùa để san dịch kinh sách thì thầy TTQ vẫn đứng giữa chốn gió tanh mưa máu cầm tờ báo Time có bìa là chân dung của thầy với tiểu tựa “The Buddhist Bid for Power” (“Nhà Sư Tìm Quyền Lực”) để phải trực diện với hai đối thủ mới là Thiếu tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ và Chuẩn tướng Cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan. Đây là hai đệ tử đai nâu của môn phái Thái Cực Đạo (Taekwondo). Kỹ thuật Thái Cực Đạo bao gồm cả Cước pháp (Tae) và Thủ pháp (Kwon) chủ động trên phi cước (bay lên không rồi đá) nên khi đã ra đòn thì luật trọng lực không kiểm soát được hậu quả. Do tính chất “không nương tay” này mà Thiếu tướng Kỳ đã vô hiệu hóa được chiêu thức “đem bàn thờ Phật xuống đường” làm cho thầy TTQ BIẾT phải chịu thua và trở về chùa thực tập diện bích.

Đến năm 1975, khi gặp người Cộng Sản phóng tay lập trại cải tạo, biến chùa thành kho chứa gạo hợp tác xã,... thì Thầy không cần phải trực tiếp “ra chiêu” với đối thủ cũng thừa thông minh “BIẾT mình, BIẾT người” để không mất thì giờ “động thủ” một cách vô ích với những cao thủ Thái Cực Đạo đai đen cửu đẳng đến từ Hà Nội với mức độ “không nương tay” độc hại ngàn vạn lần hơn Thiếu tướng Kỳ.
Nhìn lại thời điểm đó sau 45 năm từ cao độ của máy bay drone, ta có thể có một cái nhìn đại cương về phản ứng của người dân miền Nam vào tháng 4/1975: Có phản ứng và không có phản ứng trước tình thế mới (Không kể một nhóm thứ ba đã không thể lấy quyết định vì bị lừa đi “học tập” trong những trại tập trung để chế độ mới “cải tạo”).
Trong nhóm quyết định phải phản ứng “chống đối” có nhân vật nổi tiếng nhất là Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh đã lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam năm 1980 để về Việt Nam dùng phương tiện quân sự chống nhà nước Cộng Sản. Còn trong nhóm phản ứng “không chống đối” ta thấy có Giáo sư Vũ Quốc Thúc - Khoa trưởng Đại học Luật Khoa, Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình (được nhà nước truy tặng Huân chương Đại Đoàn Kết Dân Tộc năm 2007 và nay có tên đường ở Sài Gòn), … Riêng Thầy TTQ, người đã từng làm rung rinh nước Mỹ (L’homme qui fait trembler l’América – L’Express, 1966), thì không có phản ứng gì cả, dù chống đối hay không chống đối ... Thầy trở thành một biến thể phá cách của Hoà thượng Nói Không Được (Bất Khả Thuyết) của nhà văn truyện chưởng Kim Dung!

Chỉ có Trời Phật mới biết được chính xác lý do không phản ứng của nhà sư này. Còn lại lô nhô loài người chỉ đoán mò. Đoán mò dựa trên lý luận để đặt giả thuyết. Giả thuyết càng chính xác thì càng phải dựa trên lý luận có giá trị. Và lý luận càng có giá trị nếu càng dựa trên nhiều bằng cớ có thể phối kiểm được. Bằng cớ như trong bài “Con Người Thật Của Thượng Toạ Thích Trí Quang” của tác giả Đào Văn Bình trình bày bốn tài liệu (kể cả tài liệu của CIA) để chứng minh thầy TTQ không phải là Cọng Sản:
Nhưng chính CIA cũng đã không biết nhà báo Phạm Xuân Ẩn là cán bộ Cọng Sản thì hầu như mọi chuyện đều có thể coi như là đoán mò.
Đoán mò của bài này đến từ lý luận chỉ dựa trên hai bằng cớ đơn giản, dễ phối kiểm: Hiệp Khí Đạo của thầy TTQ đã thắng được Nhu Đạo đai đen năm 1963 nhưng thua Thái Cực Đạo đai nâu năm 1966 thì năm 1975 gặp Thái Cực Đạo đai đen cửu đẳng, thầy nên lâm trận hay rút về tịnh cốc? Câu hỏi này làm tôi liên tưởng đến một tuyên bố nổi tiếng của một người đồng hương nổi tiếng của thầy là tướng Võ Nguyên Giáp sau trận Điện Biên Phủ năm 1954: “Chắc thắng mới đánh”. Nhưng ai biết được khi nào thì chắc thắng?
Vì vậy, vẫn chỉ là đoán mò vì chính thầy TTQ đã viết trên trang cuối của “Trí Quang Tự Truyện”: “Rốt cuộc, tôi không biết gì, không có ý định gì cả, nên cuộc đời tôi ‘không vẫn hoàn không’, không có gì đáng nhớ, đáng nói…” mà tôi nghĩ thầy đã học được từ thâm ý của một nhà đại hiền triết Đông phương: “Trong 49 năm ta chưa hề nói một câu, một chữ, một lời nào”, và một triết gia Tây phương: “Tôi chỉ biết là tôi không biết gì cả”.
 
Nói tóm lại, trên đây là một cố gắng đoán mò để tỉnh táo đứng ngoài tôn giáo mà tìm hiểu sau 45 năm sự im lặng của một nhà tu hành tuy rất thông minh nhưng, cũng như hơn 90 triệu người Việt hiện nay ở trong và ngoài nước vẫn chưa đủ trí tuệ, dù đã có một nhân hòa “chắc thắng”, để tìm ra một địa lợi “chắc thắng”, một chiến thuật “chắc thắng” cho cuộc tranh đấu vì sự tồn vong của tổ quốc. Ngay thời điểm những giòng cuối cùng này được viết xuống, câu hỏi “Làm Gì?” của V.I Lenin đặt ra đầu thế kỷ 20 ở Nga vẫn bỏng cháy như câu hỏi đầu thế kỷ 21 của một nhà thơ nữ ở Huế:
“... Làm sao?                           
Làm Sao                                  
Chúng con có thể cùng nhau     
cúi đầu trước Mẹ                     
hoá giải thù xưa nói lời tạ tội    
...                                             ...
Dẫu biết rằng không thể đợi chờ thêm          
Không thể đợi chờ thêm ...                 
Nhưng ...                                 
Làm sao?                                           
Phải làm sao?                                    
Thưa Mẹ Việt Nam?”
                           
Nhân dịp L100 ngày (19/2/2020) của Hoà thượng Thích Trí Quang
Lý Nguyên Diệu