Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019


CIA GIẢI MẬT HỒ SƠ VỀ CHÍNH BIẾN 1/11/1963
Ai Chỉ Thị, Ai Giết NĐ Diệm, NĐ Nhu?

Nguyên Giác sưu tầm

Một hồ sơ của Cục Trung Ương Tình Báo CIA mang mã số 80T01357A được giải mật và nhập vào Văn khố Quốc gia (NARA danh số 104-10214-10035) đã đưa ra một số chi tiết về những ngày sau khi chính phủ ông Ngô Đình Diệm tấn công các chùa VN, cho tới khi hoàn tất cuộc cách mạng của quân lực VNCH để lật đổ chế độ này. Hồ sơ nầy có tựa đề “DIEM REPORT (REPORT ON CIA AND U.S. GOVT INVOLVEMENT IN THE VIETNAMESE GENERALS’ COUP FO 1 NOVEMBER 1963” [Phúc trình về Diệm (Phúc trình về sự tham dự của CIA và Chính phủ Mỹ trong Cuộc Đảo chánh 1-11-1963].

Dưới đây là một số điểm đáng lưu ý trong hồ sơ này, ít thấy các tài liệu nghiên cứu của người Việt Nam nhắc đến:
● Hồ sơ mật CIA dài 48 trang, hoàn tất ngày 31/5/1967, đúc kết về cuộc đảo chánh 1/11/1963 tại Nam Việt Nam, đã được lưu trữ trên webpage của Văn Khố Quốc Gia (National Archives): https://www.archives.gov/files/research/jfk/releases/104-10214-10035.pdf
● Các tướng lãnh VNCH đã muốn đảo chánh từ nhiều năm trước 1963.
● Ban đầu, Mỹ chỉ muốn ông Diệm đưa ông Nhu ra khỏi trung tâm quyền lực lãnh đạo quốc gia, muốn ông Diệm trả tự do cho những người Phật tử phản kháng, muốn gỡ kiểm duyệt báo chí, muốn ban hành các quyền tự do căn bản đã bị thiết quân luật siết chặt. Mỹ nhận định cuộc chiến chống Cộng sẽ thảm bại vì chính phủ ông Diệm không còn uy tín trong lòng người dân VN.
● Thời gian quá ngắn để phái đoàn LHQ đi tìm sự thật về chế độ ông Diệm đàn áp Phật Giáo -- từ ngày 25/10 tới 31/10, chưa tới một tuần lễ, vì đảo chánh xảy ra ngày 1/11/1963. Phái đoàn bị chính phủ ông Diệm ngăn cản thăm Chùa Ấn Quang như lịch trình, phải dàn xếp sau đó mới được tới. LHQ không đưa ra kết luận vì chưa hoàn tất cuộc điều tra. (Xem chi tiết)
● CIA không liên hệ gì tới cuộc đảo chánh, bày tỏ thái độ không khuyến khích, không cản, chỉ quan sát.
● Tướng Dương Văn Minh và Tướng Trần Văn Đôn yêu cầu Mỹ đừng can thiệp vào nội bộ Việt Nam.
● Mỹ xin Tướng Đôn thông báo riêng cho Mỹ trong vòng 48 giờ trước đảo chánh, nhưng Tướng Đôn hứa sẽ chỉ thông báo 4 giờ trước. Cuối cùng, Tướng Đôn không thông báo trước. Khi đảo chánh nổ súng, mới thông báo.
● Các tướng không tin người Mỹ, sợ giờ chót Mỹ cứu chế độ ông Diệm, nên Tướng Đôn cho phụ tá tới đón quan chức CIA (Conein) vào bản doanh đảo chánh, sau đó Tướng Minh rút hết dây điện thoại trong bản doanh, chỉ liên lạc ra ngoài bằng radio của Tướng Minh. Cũng là hình thức giam lỏng, và xem Conein như con tin nếu Mỹ bênh ông Diệm.
● Quyết định giết hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu không phải quyết định riêng của cá nhân tướng lãnh nào. Hầu hết trong Hội Đồng Tướng Lãnh quyết định xử tử hai ông Diệm-Nhu.
● Đại Úy Nhung được trao nhiệm vụ xử tử hai ông Diệm và Nhu.
DIEM REPORT (REPORT ON CIA AND U.S. GOVT INVOLVEMENT IN THE VIETNAMESE GENERALS’ COUP FO 1 NOVEMBER 1963.
(Cục Trung Ương Tình Báo / CIA File Number 80T01357A, 05/31/1967)
Nha Văn Khố & Lưu Trữ / National Archives Records Administration
NARA Record Number 104-214-10035
.
(LƯỢC DỊCH HỒ SƠ CIA GIẢI MẬT, 104-10214-10035.PDF)
.
Tất cả các ngày dưới đây đều trong năm 1963.

ngày 8/5/1963:
Biểu tình bùng nổ ở Huế.

ngày 14/8/1963:
Thư nội bộ tình báo (OCI No. 2339/63): Có tin đồn sẽ có đảo chánh, nhưng chúng tôi (CIA) không có chứng cớ cụ thể gì về nhóm nào đang mưu tính gì.
ngày 21/8/1963:
Quân đội và cảnh sát tấn công nhiều chùa khắp VN. Ông Diệm ra lệnh thiết quân luật.
cùng ngày 21/8/1963:
Có tin về âm mưu đảo chánh. Conein (viên chức CIA tại Sài Gòn) gặp Tướng Trần Văn Đôn. Tướng Đôn đề nghị chính phủ Mỹ hỗ trợ cho một cuộc đảo chánh.
ngày 24/8/1963:
Điện tín Bộ Ngoại Giao Mỹ gửi về tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn (Deptel 243): Bộ Ngoại Giao thông báo cho Đại sứ rằng chính phủ Mỹ không chấp nhận tình hình quyền lực nằm trong tay ông Nhu. Nếu ông Diệm không muốn gạt bỏ ông Nhu, ông Diệm có thể phải ra đi. Đại sứ Mỹ được ủy quyền để:
(1) Thông báo chính phủ ông Diệm là phải ngưng đàn áp Phật Tử;
(2) Nói với các tướng lãnh liên hệ rằng chính phủ Mỹ sẽ không ủng hộ chế độ Diệm nếu có Nhu trong đó, và Mỹ sẽ ủng hộ trực tiếp chính phủ chuyển tiếp;
(3) và phải có tuyên bố tại Sài Gòn về việc gỡ bỏ tiếng xấu cho quân đội khi tấn công các chùa VN.
ngày 25/8/1963
Điện văn từ Sài Gòn (SAIG 0291):
Tướng Khánh muốn gặp Spera (viên chức CIA tại Sài Gòn) tức khắc. Trong buổi gặp, Tướng Khánh muốn bảo đảm Mỹ ủng hộ cuộc đảo chánh quân sự.
ngày 26/8/1963
(1) Điện tín CIA từ Sài Gòn (SAIG 0304): Sẽ không có viên chức Mỹ lộ diện trong đảo chánh. Conein sẽ gặp Tướng Khiêm, Spera sẽ gặp Tướng Khánh. Thông điệp chuyển cho các tướng: Mỹ không giúp gì hết cho ban đầu; thất bại hay thành công là chuyện các tướng.
(2) Điện tín từ Sài Gòn (SAIG 0330): Tướng Khánh nói chưa sẵn sàng; Tướng Khiêm nói sẽ bàn với Tướng Minh.
ngày 28/8/1963
(1) Điện văn từ Sài Gòn (SAIG 0363): Richardson (Trưởng Phòng CIA Sài Gòn) viết là tình hình hết cách trở lui, ông tin là các tướng sẽ đảo chánh và có cơ hội thành công.
(2) Tổng Thống Mỹ triệu tập buổi họp, trong đó một số viên chức Bộ Ngoại Giao nói rằng Mỹ không thể chiến thắng CS nếu còn hai ông Diệm-Nhu, nhưng Đại sứ Mỹ Nolting bênh ông Diẹm, nói ông Diệm là người duy nhất giữ cuộc chiến chống Cộng không trở ngại. Harriman (Thứ Trưởng Ngoại Giao) không đồng ý với Nolting.
ngày 29/8/1963:
Báo cáo từ CIA. Trưởng Phòng CIA Richardson chỉ thị Spera và Conein khi gặp Tướng Minh và Tướng Khiêm (trong ngày) là giữ lập trường không khuyến khích, cũng không lộ ý ngăn cản cuộc đảo chánh.
ngày 31/8/1963:
Có buổi họp do Phó TT Mỹ triệu tập với các viên chức về VN. Môt thư nội bộ CIA tóm lược rằng Mỹ không hài lòng chuyện ông Diệm-Nhu tấn công các chùa trên nhiều thành phố VN, cùng nhận định rằng chính phủ Diệm-Nhu không còn uy tín trong lòng dân VN để lãnh đạo và như thế cuộc chiến chống Cộng sẽ thất bại.
Bộ Ngoại Giao đề nghị Mỹ hỗ trợ cuộc đảo chánh của các tướng lãnh VNCH đang bất bình vì ông Diệm đàn áp Phật Giáo, cùng lúc Bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ tìm nỗ lực thuyết phục ông Diệm hòa giải với Phật Giáo, trong khi vẫn giữ liên lạc với các tướng lãnh đê hỗ trợ nếu chỉ còn giải pháp duy nhất là lật đổ ông Diệm.
ngày 31/8/1963:
Điện văn CIA từ Sài Gòn (SAIG 0499): Cuộc đảo chánh hủy bỏ, vì các tướng cảm thấy không đủ quân lực kéo về cho cuộc đảo chánh.

ngày 2/9/1963:
(1) Điện văn CIA từ Sài Gòn (SAIG 0523): Richardson cho biết ông Diệm-Nhu biết rằng Hoa Kỳ khuyến khích các tướng làm cuộc đảo chánh.
(2) Báo Times of Vietnam (báo của hai vợ chồng ông Nhu) viết rằng CIA đang âm mưu và tài trợ một cuộc đảo chánh, đồng thời lên án Mỹ đang giúp ẩn náu một nhà sự (Thầy Trí Quang). Nội dung bài báo của ông Nhu lập tức được các báo lớn ở Hoa Kỳ dùng làm tin.
ngày 8/9/1963:
(1) Các báo Mỹ đăng tin rằng Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Tung (chủ lực tấn công các chùa VN ngày 21/8/1963) đang được CIA trả lương 3 triệu USD/năm và trong ngày 3/9/1963 (sau trận tấn công chùa) trả lương 250 ngàn USD.
(2) David Bell (Giám đốc cơ quan viện trợ USAID) trả lời phỏng vấn trên truyền hình rằng Quốc hội Mỹ có thể sẽ cắt giảm viện trợ nếu ông Diệm không đổi chính sách (để ngưng tấn công PG).
GHI CHÚ: Chính phủ Mỹ ngày 8/10/1963 nói rằng viện trợ đó (cho LLĐB) thực ra đã cắt giảm vài tháng rồi, nhưng việc lộ ra áp lực cắt giảm viện trợ là để các tướng VN tin rằng Mỹ thực sự có áp lực ông Diệm thay đổi. Điện văn (SAIG 0406) cũng ghi lời Tướng Minh nói với Spera và Conein khi 2 viên chức CIA này gặp Tướng Minh và Tướng Khiêm ngày 29/81963 rằng Mỹ cần chứng tỏ có lập trường khác bằng cách cắt giảm viện trợ để áp lực ông Nhu. Thực tế, Mỹ cắt viện trợ vài tháng, nhưng chính phủ ông Diệm-Nhu không đổi lập trường.
ngày 11/9/1963:
(1) Điện văn Đại sứ Lodge từ Sài Gòn (No. 478): Tình hình tệ hại nhanh chóng, tới lúc Mỹ cần cấm vận để làm chế độ ông Diệm sụp đổ để có chế độ khác lên.
(2) Tổng Thống Mỹ họp về VN. Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara nói Lodge có ít tiếp cận với Diệm và chưa bước ra khỏi Sài Gòn. McCone (Giám đốc Tình báo Trung ương DCI) nói là Mỹ cần nói nghiêm túc với ông Diệm, và Lodge nên đi một vòng miền quê VN xem cuộc chiến chống Cộng tới đâu để xem ảnh hưởng ngưng viện trợ. McCone cũng đề nghị Mỹ thuyết phục ông Nhu ra đi.

ngày 5/10/1963:
Điện văn CIA từ Sài Gòn (SAIG 1445): Gặp Conein, Tướng Minh nói ông không mong đợi Mỹ hỗ trợ cuộc đảo chánh, nhưng yêu cầu chính phủ Mỹ đừng cản trở kế hoạch đảo chánh của ông. Tướng Minh đưa ra ba viễn ảnh có thể có cho kế hoạch thay đổi chính phủ:
(a) ám sát hai ông Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn, giữ ông Ngô Đình Diệm trong ghế Tổng Thống;
(b) dùng nhiều đơn vị quân đội bao vây Sài Gòn; và
(c) chạm súng giữa quân đảo chánh và quân trung thành ông Diệm ở Sài Gòn.
cùng ngày 5/10/1963:
Điện văn Tổng Thống Mỹ gửi tới Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, viết rằng Mỹ không đưa  ra khuyến khích nào cho đảo chánh, nhưng yêu cầu giữ liên lạc với những người có thể sẽ là lãnh đạo tương lai nếu đảo chánh thành công.
ngày 8/10/1963 (DỊCH TOÀN VĂN):
Hội Đồng Khoáng Đại Liên Hiệp Quốc đồng ý gửi một phái đoàn tới khảo sát sự kiện ở Nam VN, điều tra về cáo buộc chính phủ đàn áp các Phật tử.
(Bình luận: Phái đoàn tìm hiểu sự kiện rời New York ngày 21/10/1963 và tới Sài Gòn ngày 24/10/1963. Phái đoàn gặp ông Nhu, rồi thăm Chùa Xá Lợi, nơi được xem là trung tâm Phật Giáo phản kháng, nhưng chỉ thấy trong chùa có 2 nhà sư và các cảnh sát chìm VN. Phái đoàn tính thăm Chùa Ấn Quang như kế hoạch, nhưng bị chính phủ Diệm ngăn cấm. Nhưng phái đoàn cũng dàn xếp được để tới Chùa Ấn Quang ngày 27/10/1963, và phỏng vấn Thầy Thích Tịnh Khiết trước mặt nhiều cảnh sát chìm. Cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963 của các tướng lãnh đã gián đoạn công việc của phái đoàn, và phái đoàn rời Nam VN ngày 3/10/1963.
(Đại Hội Đồng LHQ ngày 13/12/1963, không bỏ phiếu, đã chấp thuận ngưng điều tra việc đàn áp Phật tử tại Nam VN. Chủ Tịch Đại Hội Đồng là Rodriguez nói rằng chuyện chính phủ Diệm đàn áp Phật tử không còn là đề tài bởi vì chính phủ Diệm đã bị lật đổ.)
(Phái đoàn tìm sự kiện đưa ra bản phúc trình ngày 11/12/1963. Phúc trình không đưa ra kết luận, chỉ ghi các lời phỏng vấn đã thu góp được trong chuyến đi.)
ngày 10/10/1963:
Tóm lược chỉ thị (DIR 74228) của Đại sứ Mỹ với các nhân viên CIA: đừng khởi ý tìm gặp Tướng Minh và Tướng Đôn, nhưng nếu các tướng nói là muốn gặp, thì nhân viên CIA phải thỉnh ý Đại sứ.
ngày 23/10/1963:
Tướng Đôn đòi gặp Conein. Trong buổi gặp, Tướng Đôn nói các tướng quyết định sẽ đảo chánh trong vòng một tuần lễ sau ngày 26/10/1963. Tướng Đôn hứa sẽ cho Conein biết kế hoạch chính trị hậu-đảo chánh, chỉ để Đại sứ Mỹ xem thôi.
ngày 24/10/1963:
Conein hai lần gặp Tướng Đôn hôm 24/10/1963. Đôn nói đảo chánh sẽ xảy ra không trễ hơn ngày 2/11/1963. Tướng Đôn nói Hội Đồng Tướng Lãnh từ chối đưa kế hoạch chính trị hậu-đảo chánh cho Mỹ xem, nhưng đồng ý cho Tướng Đôn nói sơ lược với Conein.
ngày 25/10/1963:
Tổng Thống Mỹ họp. McCone (Giám đốc Tình báo Trung ương DCI) nói với Tổng Thống rằng:
(1) Đôn có thể bị Nhu dàn dựng;
(2) CIA không kiểm soát được, và do vậy rất ít trách nhiệm đối với tình hình [đảo chánh hay không];
(3) Đôn có thể đang tổ chức âm mưu đảo chánh, và có thể sẽ thành công;
(4) Chúng ta [tình báo Mỹ] đang đối phó tình hình tế nhị trong một cách thiếu chuyên nghiệp;
(5) Đảo chánh thành công sẽ dẫn tới phức tạp vì các tướng sẽ có dàn lãnh đạo [chính trị] yếu;
(6) Sau đảo chánh này có thể dẫn tới đảo chánh khác, và chính trị hỗn loạn sẽ làm thất bại cuộc chiến chống Cộng;
(7) Các nhân vật dân sự có năng lực điều hành chính phủ Nam VN có thể sẽ không được đưa vào chính phủ và để kiểm soát hiệu quả;
(8) Không thể thảo luận vấn đề chính trị quan trọng với ông Diệm được, vì chính sách ông này là "lạnh nhạt, không sai";
(9) Mỹ hoặc là phải làm việc với Diệm-Nhu, hoặc là phải có những bước mạnh hơn để lật đổ họ, và cũng không thể biết chính phủ kế tiếp có khá hơn hay không.
  ngày 28/10/1963:
Tướng Đôn hỏi Đại sứ Mỹ là Conein có nói gì không. Đại sứ Mỹ nói có. Đôn nói rằng Mỹ chớ có can thiệp, mà cũng chớ có thúc đẩy đảo chánh. Đại sứ đồng ý.
cùng ngày 28/10/1963:
Tướng Đôn gặp Conein, yêu cầu Conein ở nhà từ ngày 30/10/1963 cho tới khi có thông báo mới. Conein xin được thông báo trước 48 giờ về cuộc đảo chánh. Tướng Đôn nói có thể sẽ chỉ thông báo trước 4 tiếng đồng hồ.
ngày 30/10/1963:
Điện văn CIA gửi từ Sài Gòn (SAIG 2063): Đại sứ Lodge nói, "...đừng nghĩ rằng chúng ta có thể trì hoãn hay thuyết phục bỏ đảo chánh. Tướng Đôn nói rõ nhiều lần rằng đây là chuyện riêng của người Việt Nam với nhau... Tôi tin rằng chúng ta nên tiếp tục không dính vào chuyện này, nhưng cứ tiếp tục quan sát và hỏi thêm thông tin... Nếu chúng ta nghĩ rằng đảo chánh sẽ thất bại, chúng ta dĩ nhiên sẽ làm mọi cách có thể để ngăn cản đảo chánh."

ngày 1/11/1963:
Đảo chánh khởi sự lúc 13:15 giờ, giờ Sài Gòn, lúc đó là 00:15 giờ, giờ Washington, ngày 1/11/1963.
Lúc 13:15 giờ, một phụ tá Tướng Đôn tới nhà Conein, nói đảo chánh đang tiến hành, nói Tướng Đôn muốn gặp Conein ở bản doanh Tổng Tham Mưu Liên Quân (JGS).
[Xóa trắng gần 1 trang]
Conein tới JGS và ở đây tới khi đảo chánh hoàn tất. Trước khi rời nhà, Conein dùng radio thông báo về cấp trên.
ngày 2/11/1963:
Lúc 10:30 giờ ngày 2/11/1963 (giờ Sài Gòn), Đài Phát Thanh Sài Gòn loan tin cả hai ông Diệm và Nhu đều uống thuốc độc tự sát.
Sau đó trong ngày, Tướng Minh nói rằng cả hai ông Diệm-Nhu đã thoát khỏi Dinh Gia Long vào lúc vừa sau 7:00 giờ sáng ngày 2/11/1963 qua đường hầm mà các tướng không biết. Hai ông vào một nhà thờ Công Giáo ở Chơ Lớn, và uống thuốc độc nơi đây. Người ta khám phá ra hai ông lúc 10:300 giờ.
Mỹ không tin chuyện 2 ông Diệm-Nhu tự sát, nhưng không có nguồn tin khả tín về hai cái chết này.
Theo một bản phúc trình của Conein, ông Diệm điện thoại cho Tướng Đôn lúc 06:50 giờ sáng ngày 2/11/1963, xin đầu hàng vô điều kiện.
Tướng Minh tức khắc ra lệnh gỡ hết dây điện thoại trong phòng JGS, và chỉ liên lạc với bên ngoài qua radio của Tướng Minh.
ngày 16/11/1963:
Một sĩ quan (không được kể tên trong các báo cáo) hoạt động bên ngoài của JGS đưa cho một viên chức CIA xem hai tấm hình xác của ông Diệm và Nhu, nói rằng ông chụp hình này theo yêu cầu của Tướng Kim. Hai tấm hình cho thấy xác đầy máu.
.
Lời kể của sĩ quan này như sau:
- Sĩ quan này nói là có mặt trong khi Ủy Ban Quân Lực Cách Mạng họp về giải quyết 2 anh em ông Diệm-Nhu, đi theo đơn vị bắt giữ 2 ông Diệm-Nhu, và chứng kiến sự kiện ngay sau khi 2 ông bị giết -- nhưng không ngồi trong xe thiết giáp M-113.
- Theo sĩ quan này, cuộc thảo luận dài trong đêm 1 rạng sáng 2/11/1963 về cách giải quyết hai ông Diệm-Nhu, hầu hết các tướng đồng ý xử tử 2 ông. Quyết định kết cuộc: giết 2 ông Diệm-Nhu. Buổi họp chọn Đại Úy Nhung làm người xử tử.
- Vào sáng ngày 2/11/1963, Ủy ban Quân Lực Cách Mạng nhận được cú điện thoại từ một người điềm chỉ cho biết nơi ông Diệm-Nhu trốn. Một đơn vi quân nhân tới bắt hai người. [Tin này mâu thuẫn với báo cáo của Conein là dây điện thoại đã bị gỡ ra hết.] Một chút sau 10:00 giờ sáng, Diệm và Nhu vào xe thiết giáp với Đại Úy Nhung.
- Khi xe này tới bản doanh JGS, hai ông Diêm và Nhu đã chết. Nhu bị bắn 5 phát đạn, bị đâm 21 nhát lưỡi lê súng carbine. Diệm bị bắn hai phát vào ngực. Nhung nhảy ra khỏi xe thiết giáp với lưỡi lê trên tay, đưa cho những người chung quanh xem. Hai cánh tay Nhung đầy máu. [Trong hình, có vẻ như Diệm và Nhu bị trói tay ra sau lưng.]
(Hết lời kể)
.
TÓM TẮT:
(a) CIA không ủng hộ giải pháp lật đổ ông Diệm, nhưng trung thành làm theo chỉ thị cấp trên.
(b) Các viên chức CIA -- Conein và Spera -- liên lạc với các tướng (chỉ huy đảo chánh) nhưng chỉ khi được chấp thuận và theo chỉ thị.
(c) Viên chức CIA -- Conein -- hiện diện tại Bộ Tư Lệnh Đảo Chánh trong suốt cuộc giao chiến.
(d) [Câu (d) bị xóa trắng, chưa giải mật].
(e) CIA không liên hệ gì tới các vụ ám sát, và không hề biết trước các chuyện này.

(HẾT HỒ SƠ GIẢI MẬT 104-10214-10035.PDF)
Hồ sơ này được lưu ở địa chỉ: https://www.archives.gov/files/research/jfk/releases/104-10214-10035.pdf
.

Trang Mục Lục, Hồ sơ CIA số 80T01357A, ngày 31/5/1967


CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM
TỪ GÓC NHÌN CỦA MỘT TRÍ THỨC MIỀN NAM

[Trích từ Thân Phận Trí Thức của Vũ Tài Lục]

Bìa Thân Phận Trí Thức (Việt Chiến, Sài Gòn, 1969)

LGT – Nếu học giả Đoàn Thêm, người được may mắn nằm ở trung tâm quyền lực chính trị dưới nhiều chế độ, đã cần mẫn và chi li ghi lại những biến cố tại Việt Nam qua hai tác phẩm “Hai Mươi Năm Qua - Việc Từng Ngày (1945-1964)” và “Những Ngày Chưa Quên (1954-1963)” mà nhờ đó, ta mới có được một kho tài liệu vô giá về giai đoạn lịch sử nhiều biến động, thì nhà nghiên cứu Vũ Tài Lục, cũng là một “người chép sử” (History Recorder) khác, nhưng với phong thái của một người “ngoài cuộc” để mô tả và phân tích các lực vận động lịch sử xã hội nào đã tác động vào vận mệnh nước ta trong những thập niên 1960’s và 70’s. Ông là một loại “Sĩ phu Bắc hà” di cư vào Nam trong thập niên 1950’s. Là người quen biết rộng và sâu với Who’s Who của miền Nam, bạn thân với nhiều giới trong và ngoài chính quyền nhưng chưa bao giờ tham chính để giữ cho tư duy và ngòi bút của mình được ngay thẳng.
Ngoài Thân Phận Trí Thức, ông còn xuất bản Quốc Tế Chính Trị, Thủ Đoạn Chính Trị, Những Quy Luật Chính Trị Trong Sử Việt, Những Khuôn Mặt Tài Phiệt, Nói Chuyện Tam Quốc, …và một số sách nghiên cứu Tử vi, Tướng mệnh Đông phương.
Trích đoạn dưới đây là góc nhìn của ông về chế độ Ngô Đình Diệm. Phần nhấn mạnh là của HNG



… Ông Ngô Đình Diệm với sự ủng hộ đặc biệt của Hoa Kỳ được đưa về chấp chánh toàn miền Nam kể từ vĩ tuyến 17 trở vào. Năm đầu ông phải đương đầu với vấn đề xã hội. Nhờ miền Nam sung túc phì nhiêu, nhờ viện trợ Mỹ đầy đủ, vấn đề xã hội miền Nam không những ổn định dễ dàng mà còn chuyển thành công cuộc thống nhất văn hóa lớn lao chưa từng có trong lịch sử. Sang năm thứ hai ông phải đương đầu với vần đề chính trị. Pháp thỏa thuận với Mỹ lặng lẽ rút lui nhưng còn những thế lực chính trị của Pháp ở lại. Nhờ chính phủ Ngô Đình Diệm là chính phủ đầu tiên mang nhiều sắc thái độc lập nhất kể từ lúc người Pháp đặt chân lên đây cho nên toàn dân nhiệt liệt ủng hộ. Quan trọng hơn hết là quân đội cũng ủng hộ để tiêu diệt các thế lực chính trị của Pháp qua trung gian (par personne interposé). Và từ đó quân đội lớn lên trong chiến tranh Việt-Pháp bây giờ thực sự trở thành một quân đội của quốc gia độc lập. Nhờ lực lượng quân đội ông Ngô Đình Diệm đã giải quyết vấn đề quét sạch các thế lực chính trị đối nghịch dễ dàng.
Chính phủ Diệm sau khi đã củng cố vững mạnh phải gánh vác hai sứ mạng trọng đại:
-        Thứ nhất là đấu tranh quốc tế, chặn đứng ngọn sóng lan tràn của thế lực đỏ cho thế giới tư sản tự do.
-        Thứ hai là đấu tranh xây dựng một quốc gia chống Cộng sản.

Ông Ngô Đình Diệm có thành công không?
Mấy năm đầu sứ mạng ngăn chặn ngọn sóng đỏ có thành công. Ký giả thân cộng Burchett cũng thú nhận điều này. Nhưng thành công xét kỹ ra là nhờ thế cục nhiều hơn là giỏi giang.
Đến sứ mạng xây dựng một quốc gia để tạo ra hình thế Quốc Cộng thì ông Diệm lại thất bại ngay từ đầu. Ông Ngô Đình Nhu, người trí thức của chính quyền Diệm, trước khi về chấp chánh ông rất thận trọng bằng việc mang chủ nghĩa nhân vị về nước làm căn bản đấu tranh tư tưởng chống lại chủ nghĩa Mác xít. Nhưng ông đã lầm và chủ nghĩa nhân vị có gốc gác thần học không thể được người trí thức Việt, vốn cho tôn giáo là mê tín, chấp nhận. Chủ nghĩa nhân vị cũng không thể đi vào tâm hồn người công giáo chất phác vốn tin Chúa và phép lạ một cách tuyệt đối vì nó tự do quá. Thế là chủ nghĩa nhân vị bị bỏ sang một bên. Nghiên cứu nhân vị chủ nghĩa là công việc làm cho có lệ, chẳng một ai tin tưởng vào nó.


Ông Ngô Đình Diệm, một vị quan tu xuất làm Tổng thống
Ông Ngô Đình Nhu, một chiến lược gia cuồng vĩ làm Cố vấn

Nhờ được thế tốt, mọi việc trôi chảy dễ dàng. Uy tín ông Diệm bành trướng quá mau chóng. Qua tâm trạng say với quyền bính, qua sự phỉnh nịnh của quyền uy, các nhà lãnh đạo cho vứt xó mọi lý tưởng để thiết lập chế độ… chế độ Diệm và gia đình. Một trận tuyến quốc gia dân tộc đâu có bằng một trận tuyến anh minh Ngô Đình Diệm.
Những năm tháng thắng lợi to tát làm cho ông Nhu tưởng ông có một tài năng chính trị vô biên, ông không bao giờ nghĩ rằng ở Austerlitz, Napoléon là một thiên tài nhưng ở Moscou, Napoléon là một tên imbécile [ngu xuẫn – HNG].
Phần ông Diệm, ông là người của tín ngưỡng. Ông tin Chúa nhưng lỗi lầm của ông là ông cũng tin Chúa tin ông ta. Ông ưa học thuyết Khổng Tử nhưng lỗi lầm của ông là ông ưa học thuyết này vì nó nói rằng địa vị ông bây giờ đứng ở đầu tam cương ngũ thường.
Bởi vậy thay vì gây dựng hình thế Quốc-Cộng, hai ông Nhu, Diệm đã gây dựng hình thế Diệm-Cộng. Thêm vào đấy, hai ông Ngô Đình Thục và ông Ngô Đình Cẩn gây dựng hình thể Công giáo-Cộng sản.

Dưới chế độ Diệm, phần tử trí thức đi theo đều bị biến thành bọn thư lại, thấp hơn nữa là gia nhân của một triều đại.
Do ảnh hưởng quốc tế thay đổi, một bộ phận lớn trí thức được đào tạo vào hoạt động thông ngôn. Vì hết chiến tranh, vì những cuộc di động của một số lớn người nên phong trào đi học dâng lên như nấm mà vẫn không đủ cung cho số cầu. Nhưng bởi không có một chính sách văn hóa đúng đắn, không có một chính sách giáo dục hẳn hoi, chỉ biết vá chắp nay đổi mai thay, bởi chế độ Diệm đã đem thần tài vào học cung cho nên giáo dục rơi vào tình trạng hỗn tạp quái đản. Trên mặt văn học, chế độ phong kiến của gia đình Diệm không thể đi đôi với một nền văn học dua nịnh tâng bốc khiến cho hàng ngũ trí thức chia hẳn.
Phần tử trí thức phản kháng thì hoàn toàn tiêu cực, chui rúc vào tư tưởng tự do bằng một số từ ngữ tối nghĩa. Ở đó chủ nghĩa hiện sinh đã du nhập. Một số khác thì viết báo chửi tục để xả hơi, hoặc nói bóng gió chửi xiên xéo cho hả giận.

Năm khúc quanh
Ảnh hưởng chính trị Mỹ với Việt Nam có năm khúc quanh (virage)
1) Ngày 27-6-1950, Tổng Thống Truman tuyên bố gởi một phái bộ quân sự tới Đông Dương để cộng tác chặt chẽ với quân viễn chinh Pháp.
2) Pháp thua trận Điện Biên Phủ đặt thành vấn đề Mỹ phải thay Pháp trong chiến tranh Đông Dương? Tổng Thống Eisenhower áp dụng chính sách triết-trung giữa hai chủ trương: can thiệp quân sự và khoanh tay bỏ mặc. Người đại diện thi hành chính sách này là ông Ngô Đình Diệm.
3) Năm 1961 tại Washington xôn xao về tin chế độ Diệm hấp hối. Vấn đề đặt ra cho chính quyền Kennedy là làm thế nào tránh cho Việt Nam một sự sụp đổ? Có hai nhóm đưa ra giải pháp:
a/- Nhóm Harriman, Galbraith và H. White chủ trương chính trị, đòi thay chính phủ Saigon, không ủng hộ chính thể Diệm, tách chính trị Saigon ra khỏi lệ thuộc quân sự.
b/- Nhóm Maxwell Taylor và W. Rostow chủ trương quân sự, đề nghị gửi những bộ đội chiến thuật (groupement tactique) của Mỹ qua Việt Nam, ít thôi nhưng có sức quật (force de frappe) rất mạnh. Dean Rusk ủng hộ nhóm Taylor.
Cuối cùng nhóm Taylor và Rostow được Tổng Thống Kennedy nghe theo. Chấp nhận giải pháp quân sự có nghĩa là tăng cường luôn cả sự ủng hộ chính phủ Diệm. Ông đại sứ Nolting và tướng Harkins thi hành.
4) Năm 1963 nhiều quan sát viên Mỹ phàn nàn Hoa Kỳ không hề ủng hộ một chính phủ Việt Nam mà ủng hộ một gia đình phong kiến kỳ cục. Các chính khách Hoa Kỳ đã bắt đầu nhìn các ông Diệm, Nhu, Thục, Cẩn và bà Nhu bằng nhãn quan tâm lý bệnh học. Họ gọi những người ấy là bọn mất hết lý trí (déraison absolue) và chính phủ Diệm là chính phủ của những người điên (un government de fous).
Chiến tranh và chính trị phong kiến của Diệm đã làm cho chế độ suy yếu. Chế độ Diệm càng suy yếu thì bang giao giữa chế độ này với Hoa Kỳ càng tàn hoại. Hoa Kỳ muốn thay Diệm mà Diệm cứ cố nắm chặt chính quyền. Hoa Kỳ sửa soạn và rình rập một sai lầm là quật đổ người mà Hoa Kỳ đã tố cáo là điên. Tháng 5-1963, do kỳ thị tôn giáo của chế độ Diệm- Thục đã đến độ không thể chịu đựng hơn nữa, Phật giáo biểu tình phản đối giám mục Thục cấm treo cờ Phật giáo ngày Phật đản. Chính phủ huy động lực lượng cảnh sát đàn áp, bắn vào đám quần chúng Phật giáo. Phong trào lan rộng ra toàn quốc. Ông Thích Quảng Đức tự thiêu vang dội đấu tranh ra khắp thế giới. Tình hình nặng nề kéo non 6 tháng. Tháng 11 quân đội hưởng ứng phong trào đấu tranh Phật giáo, nổi dậy đảo chính. Chế độ Diệm sụp đổ.
5) Ngày 28-7-1965 Tổng Thống Johnson loan báo với dân chúng Mỹ và thế giới ông đã quyết định gửi một số quân quan trọng sang dự chiến ở Việt Nam. Quyết định này nằm trong quyết định tham dự không hạn chế. (engagement illimité).
…. 
Vũ Tài Lục
[Thân Phận Trí Thức, Nhà xuất bản Việt Chiến, Sài Gòn, 1969]