QUÊ HƯƠNG NGÀY TRỞ LẠI
Thụy Khuê
(Những đoạn nhấn mạnh là của hoangnamgiao)
VIII. Huế
[Minh Mạng ● Tự Đức ● Nguyễn Trường Tộ ● Trương
Vĩnh Ký ● Các giáo sĩ Pháp]
Huế vô cùng quyến rũ về nhiều mặt, bởi vì
Huế là kinh đô cuối cùng của thời đại tự chủ. Huế còn giữ được phong độ, qua
nếp sống, kiến trúc, văn hoá và ẩm thực. Huế không bị ngộp thở vì nhà cao tầng.
Huế vẫn lác đác những nhà cổ trên đường phố ngoại ô, như lời chào của quá khứ
đón ta về Huế. Đi sâu vào thành nội, ta gặp muôn vàn quyến rũ khác, như thể tất
cả vàng son và uy quyền của một thời còn đọng lại trong không gian, trong cỏ
cây, trong sự đài các của cô gái Huế, của các món ăn Huế, trong cách trang trí
Huế, từ vườn rau, cây kiểng, cái gì cũng nhuốm chất hoàng gia, sang trọng, lịch
lãm.
Về cái chết của vua Minh Mạng, tác
giả Đạo Giáo ở nước Nam (La Cochinchine Religieuse) cuốn sách
nổi tiếng nhất của Pháp về thời kỳ truyền giáo, linh mục Louvet viết:
"Vài tuần sau đó,
kẻ tàn sát cũng lên hầu toà án Thượng Đế: Ngày 20 tháng Giêng năm 1841, Minh
Mạng bị ngã ngựa, chết bất thình lình và đạo Thiên chúa mà y quyết tâm tận diệt
vẫn sống, sống mạnh mẽ hơn, qua 10 năm chiến đấu, tự hào với hàng ngàn linh mục
và hàng trăm người tử tội. Vì tự mình làm kẻ tàn sát đạo, tên bạo chúa đã bị
thần dân của y kinh tởm và có biệt hiệu là bạo chúa
Néron Việt Nam. Thay vì lùi, đạo Chúa đã tăng trưởng trong cuộc tranh đấu
bền bỉ và đã chiến thắng vinh quang. Kẻ nào không tin hãy nhìn thống kê sau
đây: Năm 1830, có một Khâm sứ Giáo Hoàng [Pháp] tám giáo
sĩ [Pháp] hai mươi linh mục bản xứ và sáu mươi ngàn giáo dân.
Năm 1841, một Khâm sứ Giáo Hoàng, bẩy giáo sĩ, ba mươi linh mục bản xứ và bẩy
mươi lăm ngàn giáo dân" (Louis-Eugène Louvet, Đạo Giáo ở
nước Nam (La Cochinchine Religieuse),1885, tập II, t. 115).
Không chỉ mình vua Minh Mạng có biệt hiệu
Néron Việt Nam, cả chúa Nguyễn Phước Tần thời trước cũng "được" các
giáo sĩ gọi như thế.
Khi xe leo lên đèo Hải Vân để về Huế, trời
mưa tầm tã, tôi đã nhìn thấy vua Minh Mạng sừng sững đứng trên đỉnh núi, ở nóc
đồn rêu phong, lệnh cho quân sĩ giữ vững Hải Vân Quan, chặn không cho liên quân
Pháp-Y Pha Nho tiến lên chiếm Huế.
Minh Mạng (1820-1841) là vị vua lớn của
triều Nguyễn, đã nhìn thấy hiểm hoạ ngoại xâm bắt nguồn từ các giáo sĩ
người Pháp: đặc biệt từ khi Alexandre
de Rhodes vận động Giáo Hoàng cho giáo sĩ Pháp độc quyền cai quản địa phận Việt
Nam, các giáo sĩ Pháp luôn luôn tìm cách dẫn đường cho thực dân Pháp.
Vì thế, vua Minh Mạng cấm đạo, nên ông đã
được các giáo sĩ "đặc biệt quan tâm".
Nhưng linh mục Louvet chưa phải là người
đầu tiên nguyền rủa Minh Mạng.
Người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã
buộc tội và mạ lỵ Minh Mạng nặng nề, vô cố nhất là học giả Trương Vĩnh Ký trong cuốn Giáo trình Lịch sử An Nam(Cours
d' Histoire Annamite) (Saigon Imprimerie du Gouvernement, 1875, bản điện
tử). Đến năm 1897, ông lại "xác định" thêm rằng Olivier de Puymanel
và Le Brun, hai người lính Pháp vô học đã "xây" thành Gia Định bằng
câu: "Vua dạy [bảo] ông Olivier, ông Le Brun coi
xây thành Gia Định", mà không đưa ra bằng chứng nào.
Khi viết sử về giai đoạn Pháp thuộc, Trương Vĩnh Ký có giọng điệu thực dân hơn
cả thực dân, ông dùng chữ "trừng trị" để chỉ việc Pháp đánh nước
ta, ông hồ hỡi khi Pháp thắng trận. Những đoạn mạt sát Minh Mạng, đôi chỗ trở
thành "phản quốc", ông không
ngừng buộc tội vua, bằng những sự kiện hoàn toàn bịa đặt:
1- Minh Mạng giết Nguyễn Văn Thiềng
[Thành] vì Thiềng đã khuyên Gia Long nên để dòng chính (tức là con trai Hoàng
tử Cảnh) kế vị, nên sau này Thiềng bị Minh Mạng thù.
[Thực ra Nguyễn Văn Thành có con trai làm
thơ "phản kháng", đại ý: ta bỏ triều này dựng triều khác hay hơn, mới
đầu vua Gia Long biết nhưng lờ đi; ba năm sau, bị một số quần thần ghét, tố
cáo, thêm thắt, vua Gia Long không bênh còn luận tội, nên ông đã tự tử chết năm
1817, dưới thời Gia Long].
2- Ngôi báu mà Minh Mạng thừa hưởng của
cha là nhờ công ơn của một số "sĩ quan" Pháp, có người đã hy sinh đến
tính mệnh [Ai?]. Vậy mà sau này Minh Mạng cùng bọn quần thần bội bạc đã đối xử
tồi tệ với các "sĩ quan" đã giúp Gia Long dựng nước, cố tình kéo Gia
Long ra khỏi ảnh hưởng Pháp. Vì thế, trong suốt thời kỳ đối đầu giữa chế độ
Cộng hoà và chế đô Đệ nhất đế chính [ở Pháp] không có mối liên lạc nào giữa
Annam và Pháp, đó là lỗi Minh Mạng.
[Hai người theo Gia Long từ đầu và còn ở
lại trong triểu đến cuối là Vannier và Chaigneau, Minh Mạng không đuổi ai cả,
còn ban chức tước, phẩm vật trước khi họ về Pháp].
3- Sau khi lên ngôi, trong thời gian đầu,
Minh Mạng dùng các giáo sĩ vào việc dịch sách, xong, thả họ sang Ai Lao (Lào)
cho chết vì bệnh sốt rét rừng, để âm thầm thanh toán tất cả những người ngoại
quốc này, nhưng các giáo sĩ đã can trì tranh đấu.
[Không hề thấy tên một giáo sĩ Pháp nào bị
chết như vậy].
Trương Vĩnh Ký viết nguyên văn:
- "Minh Mạng, dùng
dụ để thoả mãn mức độ nóng nẩy kinh hồn và đầy hận thù, đạt tới sự độc ác vì mê
đắm hay vì lòng ghen tuông mù quáng. Tham vọng thống trị của ông ta vô độ:
chính trị của ông ta lạnh lùng, bất chính, tàn nhẫn" (trích
dịch bản điện tử).
4- "Minh Mạng lên ngôi, bằng
cách tiếm vị của cháu, [con trai hoàng tử Cảnh], sợ một ngày
nào đó nó có thể tranh ngôi của mình (...) Nghe đồn ông
ta tư thông với vợ goá của Hoàng Tử Cảnh đến khi bà này có thai, bèn kết án
loạn luân rồi sai giết cả mẹ lẫn hai con của hoàng tử Cảnh để phi tang. (trích
dịch bản điện tử)
[Hoàng tử Cảnh mất năm 1801, 22 tuổi, vì
bệnh đậu mùa, có hai con trai là Mỹ Đường và Mỹ Thùy. Năm 1824, Tống Thị Quyên,
vợ goá hoàng tử Cảnh tư thông với Mỹ Đường, bị Lê Văn Duyệt biết, tâu vua. Tống
Thị phải tội: [Lê Văn Duyệt] dìm nước cho chết. Mỹ Đường tội nặng bị giáng
xuống hàng thứ nhân, mất năm 1848, đời Tự Đức. Mỹ Thùy bị bệnh chết
năm 1826, không có con. Các con của Mỹ Đường được giữ Tôn Thất, Lệ Chung trông
nom việc thờ phụng dòng Hoàng Tử Cảnh. Những việc này ghi rõ trong Thực Lục và
Liệt Truyện].
Trương Vĩnh Ký viết tiếp:
"Sau tội ác mà vô
liêm sỉ và đạo đức giả đen tối nhất pha trộn với sự hiểm ác sâu sắc nhất cùng
nhau cạnh tranh như thế, ta còn ngạc nhiện làm gì trước thái độ của ông
ta đối với các sĩ quan Pháp và các giáo sĩ? Không, dĩ nhiên là không.
Minh Mạng, bẩm sinh tàn
ác, lạnh lùng, đen tối, gian trá, từ nay có thể làm tất cả mà chắc chắn là
không bao giờ thấy quá đáng." (trích dịch bản điện tử)
Ở đầu sách, Trương Vĩnh Ký viết một đoạn
song ngữ Pháp-Việt, xin trích câu tiếng Việt:
"Ở các trò trai, ta
xin kiếng sách này cho các trò, vì làm nó ra là làm cho các trò coi. Dùng tiếng
Pha-Lang-Sa là tiếng đã rộng mà lại hay mà chép truyện đất nước ta ra cho anh
em coi cho quen thuộc tiếng ấy... [Ta tặng sách này cho nam học sinh.
Khi viết ta muốn anh em đọc quen với tiếng Pháp là thứ tiếng giầu mà hay, qua
chuyện lịch sử nước ta...]
Lối viết sử của học giả Trương Vĩnh Ký cho
học trò học về vua Minh Mạng là như thế. Trương
Vĩnh Ký còn xác nhận rằng nước ta "có tội" trước nên Pháp mới
"trừng trị". Như lời nhiều sử gia thuộc điạ, cuốn lịch sử đầu
tiên họ được đọc về Việt Nam là cuốn lịch sử của Trương Vĩnh Ký, cho nên ông
chính là kẻ dẫn đường.
Mười năm sau, Louvet, 1885, cùng luận điệu
này, đi sâu và đi xa hơn, trở thành cuốn sách tiêu biểu, sau đó các sử gia thi nhau chép lại.
Nguồn cội sự bài trừ Minh Mạng từ đâu ra?
Hẳn là từ việc Minh Mạng cấm đạo và Trương Vĩnh Ký được các giáo sĩ nuôi dạy ở
chủng viện Pinang từ nhỏ. Nhưng việc cấm đạo ở nước ta, không đơn giản, có một
quá trình dài từ thời các chúa Nguyễn, lúc gắt gao, lúc nương tay, tuỳ theo
tình trạng nội trị và ngoại giao, có khi
bởi chính các giáo sĩ đã dìu dắt giáo dân chống lại triều đình.
Sau khi lên ngôi, Gia Long giữ khoảng cách
với đạo Gia Tô, ông không thích người dân mê muội vì đạo. Năm 1804, Gia Long ra
chỉ dụ đầu tiên gồm bốn điểm chính: 1- Cấm xây thêm chùa. 2- Sửa sang chùa
chiền phải xin phép. 3- Cấm xây thêm đền thờ thánh, thần. 4- Đạo của người Bồ Đào
Nha (tức đạo Gia-Tô) là một lý thuyết ngoại lai, đã lỡ truyền vào và dân ta
nhiều người theo, nay cũng cấm không cho xây thêm nhà thờ, và nếu muốn sửa nhà
thờ cũng phải xin phép.
Vì chỉ dụ này, mà Louvet đã viết lời xúc
phạm Gia Long, cho rằng Gia Long đã "vô ơn bội ước" với Bá Đa Lộc và
nước Pháp là "cha đẻ ra vương quốc của ông".
Khi Minh Mạng lên ngôi, những năm đầu chưa
có quyết định về đạo Gia-Tô, nhưng vua cũng không muốn đạo này bành trướng, nên
không cho phép giáo sĩ vào thêm; tuy vậy
giáo sĩ vẫn vào lậu. Tháng 5/1821, Chaigneau từ Pháp về, cho 4 giáo sĩ:
Olivier, Gélan, Taberd, Gagelin trốn vào. Minh Mạng được thông báo, biết nhưng
lờ đi, không hỏi tội.
Để giới hạn việc giảng đạo, vua ra lệnh
cho các giáo sĩ phải về kinh dịch sách.
Năm 1825, hai giáo sĩ Jaccard và Régereau
lại vào lậu. Jaccard trốn ra Bắc. Tháng 1/1825 Régereau đi tầu Thétis vào Đà
Nẵng, bị tố cáo, bị truy nã, trốn vào Nam, nhưng cũng phải đi Singapore, hai
năm sau mới vào lại miền Bắc.
Vụ Régereau khiến vua Minh Mạng nổi giận.
Ta nên biết: vua Minh Mạng nghiêm ngặt và
kỷ luật hơn vua Gia Long nhiều. Quần thần rất sợ, đến nỗi Chaigneau khi ở Pháp
về với chức Lãnh sự, lãnh lương của chính phủ Pháp mà nín thinh, không dám tâu.
Vua hỏi: "Ngươi lại muốn về [trở về nước VN] sao? Đáp: "Thần
chịu ơn dầy của nước, không biết lấy gì báo đáp. Nay tuổi già, xin làm tôi trọn
đời". (TL, II, t. 131). Diard, nhà vạn vật học đi cùng Chaigneau,
viết thư về Pháp tố cáo sự khúm múm của Chaigneau trước vua Minh Mạng, nên
không làm được nhiệm vụ một Lãnh sự. Chaigneau bị chính phủ Pháp viết thư khiển
trách nặng nề nhiều lần. Đó là lý do chính khiến Chaigneau phải trở về Pháp chứ
không phải Minh Mạng đuổi.
Tháng 2/1825, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho
trấn thủ các hải cảng phải tuyệt đối khám xét, không để cho một giáo sĩ nào lọt
vào. Tuy vậy từ 1825 đến 1830 vẫn có 6 giáo sĩ vào lọt: Noblet, Bringole,
Cuenot, Marchand, Mialon và Viale. Năm 1827, Giám mục Taberd trở thành Khâm sai
Giáo Hoàng thay thế Giám mục Labartette qua đời năm 1822.
Tháng 4/1833, Lê Duy Lương, nhân danh con
cháu nhà Lê, khởi loạn ở Bắc, có giáo sĩ
trợ giúp với chủ trương lật đổ triều Nguyễn mở triều đại nhà Lê mới, theo đạo
Gia Tô.
Tháng 5/1833, Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn
Duyệt, khởi loạn trong Nam, cũng với sự
hỗ trợ của nhóm giáo sĩ, trong đó có Marchand và Taberd, muốn lật đổ triều
Nguyễn, lập một "nước" ở Gia Định, theo đạo Gia Tô. Giáo sĩ
Marchand tức Cố Du ở chung với loạn quân.
Vì thế, vua Minh Mạng mới ra chỉ
dụ cấm đạo đầu tiên, năm 1833, 13 năm sau khi vua lên ngôi, lời lẽ đại
ý: Vì dân chúng nghe lời dụ dỗ, theo thứ đạo ngoại lai, khinh thường đức Phật,
không thờ cúng tổ tiên; nay ta quyết định: Dân ngu thì phải giáo dục cho chúng
hiểu. Từ quan trở xuống, ai biết sợ uy quyền [triều đình] thì nên bỏ đạo. [Thày
tu] bước qua thánh giá sẽ tha. Nhà thờ sẽ bị huỷ. Người nào bất tuân vẫn tiếp
tục truyền đạo [chỉ các thầy tu người Việt] sẽ bị nghiêm trị [xử tử].
Minh Mạng cực nghiêm, ra dụ là áp dụng chứ
không đùa như Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan đã bao dung Alexandre de Rhodes, để
ông ta vác đầu lâu André Lý đi hơn ba năm về Roma xin giáo hoàng trừng trị nước
Nam (Xem bài Alexandre de Rhodes).
Trong chỉ dụ trên đây, Minh Mạng không nói
gì đến giáo sĩ Pháp, tuy vậy, trên thực tế, giáo sĩ Pháp rất sợ, họ chạy sang
Lào, Xiêm, để tránh bị bắt về Kinh dịch sách hoặc bị quản thúc tại giáo phận
của mình.
Giáo sĩ Gagelin bị bắt vì tội đã trốn khỏi địa hạt bị quản thúc, đi
khắp nơi giảng đạo (Louvet nói rằng ông ra đầu thú, việc này khó tin, bởi
nếu ra đầu thú thì không thể bị xử tử, vì các ông Jaccard và Odorico cũng bị
bắt, chỉ bị đuổi sang Xiêm, nhưng rồi ít lâu sau, tình hình dễ thở hơn, họ lại
tìm cách trở về VN). Gagelin bị xử giảo (thắt cổ) ngày 17/10/1833. Giám mục
Taberd, Khâm Sai Giáo hoàng, sợ quá, chạy sang Xiêm.
Người thứ hai là Cố Du tức cha Marchand, bị bắt trong sào huyệt cuối cùng của loạn
quân Lê Văn Khôi, bị xử lăng trì (chặt chân tay cho chết dần) ngày
30/11/1835 cùng với 5 người khác. Tội lăng trì đã bỏ, nhưng vua Minh Mạng hoặc
vì tức giận (đánh ba năm mới dẹp xong loạn Khôi) hoặc vì muốn làm gương, nên đã
áp dụng hình thức nặng nề nhất của án tử hình.
Tuy vậy đạo Gia-Tô vẫn tiếp tục bành
trướng. 1836, bẩy giáo sĩ: Candalh, Jeanne, Lefèbvre, Viale, Miche, Duclos,
Chamaison vào lậu, lập hai trường dạy đạo, một ở Bắc, một ở Nam, hoạt động công khai như không có dụ cấm đạo.
Năm 1838, tình hình nước Tầu đã găng lắm,
lo ngại quân Tây phương sẽ lấn đến VN, vua Minh Mạng áp dụng chính sách cấm đạo
triệt để hơn nữa: có hai giáo sĩ bị tử hình là Linh mục Jaccard ở Cam Lộ ngày
21/9/1838 và Giám mục Borie bị chém đầu tại Đồng Hới ngày 24/11/1838.
Đó là những lý do tại sao dưới triều Minh
Mạng có tới bốn giáo sĩ người Pháp bị tử hình.
Đến đời vua Thiệu Trị (1840-1847) giáo sĩ
bị bắt vẫn kết án tử hình, nhưng vua Thiệu Trị không xử tử ai cả, đợi có tầu
ngoại quốc đến, gửi đi, hoặc sai quan dẫn độ sang Singapore. Nhưng chính sách
khoan hồng và mở cửa của vua Thiệu Trị không làm cho người Pháp thực dân như đô
đốc Cécille, Tổng tư lệnh hải quân Pháp ở Thái Bình Dương hiểu, y vẫn tiếp tục ngoan cố, vẫn tìm cớ
"giải thoát" giáo sĩ để đánh nước ta.
Biến cố vịnh Đà Nẵng 1847 đã chứng tỏ điều
đó. Việc này đã chấm dứt tất cả những mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. (Xem
kỳ trước)
Mười năm sau, 1857, liên quân Pháp Tây Ban
Nha tấn công Đà Nẵng, lần này là vì sự
vận động của Giám Mục Pellerin với Napoléon III và Giáo Hoàng Pie IX.
Do đó có thể nói, chính sách xâm lược nước ta, là sự kết hợp giữa chính quyền thực dân và
giáo hội La Mã, bắt đầu từ thời Alexandre de Rhodes.
Lên ngôi, Minh Mạng cải tổ toàn diện nền
giáo dục, sửa sang việc hành chính, nội trị và binh bị, lo bảo vệ đất nước, đề
phòng ngoại xâm. Riêng việc thi cử: Thời Gia Long, 6 năm mới có kỳ thi, Minh
Mạng đổi lại 3 năm một lần, đặt thi tiến sĩ, mở thêm các trường thi trên khắp
đất nước. Số người đỗ đạt ra làm quan tăng lên gấp bội. Ông sửa sang hành chính,
đặt ra tỉnh, huyện.
Minh Mạng còn là nhà kiến trúc, xây 23
thành trì: Hưng Hoá (1821); Sơn Tây (1822); Quảng Bình, Ninh Bình (1823); Bắc
Ninh, Cao Bằng, Định Tường (1824); Quảng Yên (1827); Nghệ An (1831); Hưng Yên
(1832); Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Nam (1833); A Giang (Châu Đốc), Hà Tiên, Lạng
Sơn (1834); Hà Nội (1835); Gia Định (Sàigòn, 1836), Phú Yên, Bình Thuận, Quảng
Trị (1837), Biên Hoà (1838). Thiệu Trị xây thêm thành Tuyên Quang (1844).
Nếu Minh Mạng không chết vì ngã ngựa, chưa chắc quân Tây Dương đã dám dụng đến
nước ta. Bởi tất cả những thành trì kiên cố này đã ngăn chặn quân Pháp, gây
khó khăn, nên họ không thể nhanh chóng mà chiếm được. Phải mất 20 năm.
Nhưng những điều mà học sinh được học về
Minh Mạng, đã bị lọc qua lăng kính sử
gia thuộc điạ, kể cả những người như Trần Trọng Kim và Phan Khoang cũng đều
nhất loạt cho rằng: vì Minh Mạng giết đạo và bế quan
toả cảng nên nước ta mới lạc hậu và sau này bị Pháp xâm chiếm, là hoàn toàn sai.
Trái với Gia Long, chủ trương bế quan toả
cảng thực sự, vì ông sợ Anh, Pháp xâm chiếm, Minh Mạng không hề bế quan
toả cảng. Ông gửi nhiều phái bộ đi
nước ngoài với mục đích: đo lường sự đe dọa của Tây phương, học hỏi các
tiến bộ khoa học và khảo sát tổ chức thương nghiệp của họ để có thể giao tiếp.
Từ năm 1825 (một năm sau khi Anh làm chủ
bán đảo này) vua Minh Mạng đã sai phái đoàn sang Singapore để thương lượng độc
quyền buôn bán, được người Tây phương ghi nhận:
"Sự buôn bán lớn
giữa Singapour và xứ Đàng Trong Việt Nam là do những thần dân người Hoa của nhà
vua Việt Nam tiến hành. Tuy nhiên, năm 1825, vua đã gửi hai đội vũ trang và một
đoàn quan lại tới Singapour để mua hàng len và hàng thủy tinh. Sau này mới phát
hiện là những viên quan này cũng tới để về tường trình [với
vua] những điều kiện và quan điểm của những thuộc địa châu Âu ở Eo
Malacca. (...) Cuộc viếng thăm của những chuyến thuyền buôn đã kéo theo độc
quyền nhà vua về buôn bán với Singapour". (Wong Lin Ken, 1960, t.
155-56, theo chú thích số 14 của Phan Huy Lê, t. 129, Hải Trình Chí Lược).
Ngoài việc gửi sứ sang Tầu dò xét nhà
Thanh, năm 1830, Minh Mạng còn gửi Lý Văn Phức (người Tầu) đi Bengale, xem tình
hình người Anh ở Ấn Độ, Khi về ông viết ba tác phẩm Tây hành kiến văn
kỷ lược, Tây hành thi lược, Tây hành thi kỷ (đều chưa
dịch). Năm 1831, vua lại gửi Phan Thanh Giản và Hà Tôn Quyền đi Batavia
(Jakarta), dò xét người Anh ở Tân Gia Ba (Singapore) và người Hòa Lan ở
Indonesia. Năm 1832-1833, vua gửi phái đoàn Phan Huy Chú đi Singapore và
Batavia, trở về ông viết Hải Trình Chí Lược (Phan Huy Lê, Tạ
Trọng Hiệp, Claudine Salmon dịch). Qua tác phẩm này, ta thấy rõ nhiệm vụ học
hỏi những cơ sở của Tây Phương và dò thám những ý đồ và mục tiêu của họ.
Tháng 11/1839, Minh Mạng cho chế tạo một
thuyền lớn chạy bằng máy hơi nước, tốn 11.000 quan tiền, các quan có ý tiếc,
vua bảo: ta muốn thợ của ta học hỏi những kỹ thuật mới về máy móc tân tiến, tốn
bao nhiêu cũng phải trả.
Riêng trong tháng 11/1839 [là năm bùng nổ
chiến tranh nha phiến bên Tầu], Minh Mạng gửi một lúc nhiều phái đoàn ra nước
ngoài: Đào Trí Phú, Trần Tú Dĩnh đi Batavia (Jakarta) Cao Hữu Tán đi Tambelan
(đảo Indonésia), Nguyễn Đức Long, Lê Bá Tú, Phan Tĩnh đi Tiểu Tây (Ấn Độ), Trần
Đại Bản, Nguyễn Du, Lê Văn Thu, Đỗ Mậu Thưởng đi Singapore, và lần đầu tiên,
vua sai Trần Viết Xương và Tôn Thất Thường sang Pháp và Anh với hai thông ngôn
(Thực Lục V, t. 588).
Linh mục Delvaux, tác giả bài Sứ
thần Minh Mạng gửi sang Louis-Philippe1839-1841 (L'Ambassade Minh Mạng à
Louis-Philippe 1839 à 1841 (BAVH, 1928, quyển 4, t. 257-264), sau khi
kê khai những "tội" mà Louvet và Trương Vĩnh Ký đổ cho Minh Mạng, ông
nghiên cứu khá rõ về chuyến đi của phái đoàn VN do Minh Mạng phái sang Pháp năm
1839.
Năm 1839, chiến tranh nha phiến bùng nổ ở
Tầu, đã khiến Minh Mạng quyết định, Delvaux viết: "Việc nước Anh
đem súng đạn xâm phạm nước Tầu vì quyền lợi thương mại, giáng xuống như một sự
đe doạ, như tiếng còi báo động đến từ người Âu".
Thấy Anh thành công một lần nữa nhờ bạo
lực, chính phủ Pháp muốn bắt chước và cho sự hiện diện của hải quân Pháp ở Á
Đông là cần thiết, bèn gửi nhiều tầu chiến đến biển Đông. Minh Mạng, lo ngại,
nghi ngờ ý đồ của Anh, Pháp; ông muốn biết rõ tại sao tầu chiến Pháp lại thường
xuyên ghé vịnh Đà Nẵng, bèn lấy cớ muốn tìm hiểu văn minh tập quán của người
Tây phương, cuối năm 1839, ông gửi một
phái đoàn sang Pháp, Anh để thăm dò sự thực.
Trong thư ngày 25/4/1840, linh mục
Régereau, nguyên trợ tá Giám mục Taberd, giáo sư chủng đạo Pinang, viết:
"Ngày 28/2/1840, một chiến thuyền của vua nước Nam đến
Pinang... Chiến thuyền này đến Calcutta để kiểm lại vỏ và thân tầu, trình báo
tất cả việc quân Anh ráo riết sửa soạn chiến tranh [16 chiến hạm Anh sẽ tấn công Quảng Đông tháng
6/1840]. Một chiến thuyền khác của nhà vua đi Batavia để xem quân Hòa
Lan động tĩnh thế nào, bởi Minh Mạng không ngủ yên. Một chiến thuyền thứ ba gửi
đi Luân Đôn và nước Pháp. Nhà vua rộng rãi bỏ ra 20.000 quan tiền để chi phí
chuyến đi này. Chắc chắn các sứ giả [VN] sẽ chẳng nói với
chính phủ Pháp việc họ đối xử [tồi tệ] với người Pháp như thế
nào trong xứ họ, v.v... Mà có nói, cũng chỉ nói láo, chứ gì." (Delvaux,
bài đã dẫn).
Phái đoàn 4 người: 2 sứ giả: Tôn Thất Thường 40 tuổi và Trần Viết
Xương, 45 tuổi, và hai thông ngôn 20 và 22 tuổi, thuộc gia đình Võ Dõng, một
người nói tiếng Pháp, một tiếng Anh. Đi từ Singapore đến Locmariaquer (Bretagne)
ngày 2/11/1840. Tờ Armoricain ở Brest, số ra ngày 25/11/1840, dành nhiều cột
cho phái đoàn, mô tả hình dáng, y phục, phỏng vấn, đưa tin, trong đó có những
dòng:"Đội hàng hải thương thuyền của nhà vua thường xuyên giao thiệp
với Batavia, Pháp ít có gì để trao đổi thương mại với Việt Nam... Những giáo
sĩ, sau thời gian bị đán áp, đã được đón nhận ở Việt Nam, ngay cả ở trong
triều..." Điểm này cho thấy vua Minh Mạng đã thay đổi
chính sách với giáo sĩ và đã chuẩn bị việc giao thương với Anh, Pháp khi gửi phái
đoàn sang Pháp.
Đến Paris, phái đoàn được báo chí đón tiếp nồng hậu, được mời đi
xem Opéra, ngồi ghế thượng hạng của các chính trị gia hàng đầu. Ngày 5/1/1841,
phái đoàn dự cuộc họp của Thượng nghị viện, hội đàm với Thống chế Soult, Thủ
tướng và ông Cunin-Gridaine, Bộ trưởng Thương mại.
Tờ Moniteur Universel ra ngày 5/1/1841 kể: "Hôm tiếp
kiến ông Bộ trưởng Thương mại, họ mặc đại triều. Mỗi khi thấy điều gì lạ, họ
đều thản nhiên rút bút, mực, giấy, gài ở đai lưng ra ghi chép, dù ở ngoài
đường, chẳng phiền hà bận tâm gì cả". Ngày 6/1/1841, tờ báo
viết: "Phái đoàn đến Thượng nghị viện ngày 5/1. Tất cả mọi người
đều nhìn, họ tỏ ra thản nhiên không hề nao núng trước những con mắt hiếu
kỳ."
Nhưng từ ngày 6/1/1841 trở đi, dường như có lệnh của chính phủ
Pháp, không báo chí nào đưa tin gì nữa; ngược
lại báo chí công giáo tố cáo mạnh mẽ việc "giết đạo" ở Việt Nam.
Giám đốc Hội Thừa sai Ngoại quốc viết thư cho vua Louis-Philippe và cho Đức
Giáo Hoàng "báo cáo" sự có mặt các sứ giả của Minh Mạng ở Paris, Giáo hoàng lập tức viết thư cho
Louis-Philippe yêu cầu dùng thẩm quyền của nhà vua để đòi ngừng việc đán áp
đạo. Nhiều giám mục viết thư cho
Thống Chế Soult, Thủ tướng và các Bộ trưởng, được họ hứa sẽ can thiệp.
Giám mục Chalons-sur Marne, rồi giám mục Mans viết thư cho Martin
du Nord, Bộ trưởng Tư pháp kiêm Tôn giáo của Pháp, với những lời lẽ cực kỳ mạnh
mẽ: "Minh Mạng là bạo chúa điên cuồng nhất, vượt qua tất cả những
bạo chúa từng được nói đến trong lịch sử" (Nguyên văn: Minh
Mạng, le plus furieux tyran qui surpasse tous ceux dont on a parlé dans
l'histoire). (Thư của Prilly, Giám mục Chalons sur Marne gửi Bộ trưởng
Tư pháp kiêm Tôn giáo ngày 24/1/1841).
Martin du Nord chuyển thư của hai vị giám mục đến Guizot, Bộ
trưởng Ngoại giao, là người thật sự làm chủ nước Pháp từ 1840 đến 1848. Không
biết Guizot trả lời thế nào. Dường như Guizot cũng không lợi
dụng dịp này để đòi triều đình Huế ngừng đàn áp đạo thiên chúa. Chỉ có vua
Louis-Philippe không tiếp phái đoàn, lấy cớ sứ bộ không xin bệ kiến theo đúng
nghi thức truyền thống, việc đó chắc để trả lời vua Minh Mạng đã không tiếp các
phái đoàn Pháp trước đây. Sau đó phái đoàn sang Anh, rồi trở lại Bordeaux lên
tầu về Huế, đến nơi thì vua Minh Mạng đã qua đời, vua mất vì ngã ngựa ngày
20/1/1841, ở tuổi 50. Đại Nam Thực Lục không nói rõ lý do, có lẽ là một truyền
thống, nhưng những vị thừa sai biết rõ, thông tin của họ chắc là đúng.
Một số thừa sai cũng sắp lên tầu ở Bordeaux, kể lại: "Tại
Pouliac chúng tôi gặp những người trong phái đoàn Minh Mạng sửa soạn về nước,
họ rất hài lòng về sự tiếp đón của chúng ta. Chúng tôi dẫn anh trẻ tuổi nhất về
phòng trò chuyện. Hỏi anh ta về gia đình, về đất nước, về sự tàn sát đạo ở xứ
anh. Anh ta trả lời tất cả với sự lanh trí hiếm có và sự ngây thơ thật thà đáng
trọng. Anh ta bảo cha mẹ anh theo đạo; rằng từ nhỏ anh đã quen với các quan đại
thần; anh ta đợi đến tuổi 25 (hiện mới 19), sẽ đổi địa vị, và theo đạo của cha
mẹ... anh vô cùng mừng rỡ nhận những hình ảnh [đạo chúa] mà
chúng tôi gửi tặng cha mẹ anh." (Annales de la Propagation de la
Foi, XIV, 1842, t. 150-151)
Đăng lại những dòng này, Delvaux phê bình: "Người trẻ
tuổi này, con của giáo dân, có thể theo đạo (có thể bỏ đạo). Minh Mạng gửi sang
Pháp để tỏ thái độ chiết trung của mình, khôn khéo tính trước ảnh hưởng của anh
ta tới những người Pháp, cùng đạo".
Một trong hai vị sứ giả [Tôn Thất Thường hay Trần Viết Xương] sau
khi về nước kể rằng: Một vị quan võ hàng đầu trong chính phủ Pháp đã nói với
ông: "Tất cả thầy tu đến
nước ông toàn bọn khốn nạn vô gia cư vô nghề nghiệp. Nếu vua nước ông thích
chặt đầu ai cứ việc, chúng tôi cũng chẳng tiếc gì" [Tous
ces prêtes qui vont chez vous ne sont que des misérables sans feu ni lieu. S'il
plait à votre Roi de leur trancher la tête, nous ne le regrettons pas]. Những
lời này, qua việc dịch lại của cha Miche, đến tai Thống chế Soult, dĩ nhiên ông
cải chính, coi như là điều "không thể có", "không
thể tưởng tượng được".
Có lẽ lời ông đại tướng Pháp không hoàn toàn dưới dạng "phũ
phàng" thế này, nhưng chắc ý không sai: quân đội Pháp chẳng màng gì đến
việc can thiệp để "cứu đạo", ta đã thấy thái độ của trung tá Lapierre
(xem bài trước) có để ý gì đến việc "cứu" giám mục Lefèbvre đâu, chỉ
muốn đánh chiếm thuộc địa cho Pháp mà thôi.
Sự tiếp đón phái đoàn Việt Nam của chính phủ Pháp chứng tỏ uy tín
của nước Nam ở Âu châu, mặc dù giới thừa
sai tìm đủ mọi cách bôi nhọ vua Minh Mạng, nhưng hầu như họ đã không đạt
được kết quả.
Người ta cũng trách vua Tự Đức đủ điều, nhất là không chịu canh tân
đất nước, giết đạo, triều đình hủ lậu, khiến người Pháp có cớ để đánh.
Xin thử nhìn lại: Tự Đức lên ngôi, sau vụ Pháp lén tiêu diệt 5
chiến hạm của ta, để lại thư giọng hách dịch, côn đồ, khiến vua Thiệu Trị tức
mà chết. Làm sao Tự Đức có thể tin
được quân Pháp? Năm 1857, liên quân Pháp-Y Pha Nho tấn công Đà Nẵng, do giám mục Pellerin dẫn đầu. Làm sao vua Tự Đức có thể tin được
giáo sĩ để mở cửa cho họ tự do vào giảng đạo?
Rồi vua Tự Đức phải đánh nhau với Pháp trong gần 20 năm. Thì giờ đâu "canh tân đất nước"?
Thử hỏi Việt Nam trong hai mươi năm chiến tranh (1954-1975) hai
miền Nam Bắc có "canh tân" được gì không?
Hồi trẻ, tôi được học về Nguyễn
Trường Tộ, tôn sùng ông một cách quá đáng, học rằng: ông đã đưa ra hơn 50
bản điều trần mà vua Tự Đức và triều đình ngu muội không nghe.
Nay già rồi, tôi đọc lại những bản điều trần của ông, không thấy điều gì đáng phục cả:
Về chuyện cải cách kỹ thuật và khoa học, vua Minh Mạng đã sai thám
tử có hạng đi trinh thám kỹ nghệ tân tiến, về báo cho ông rồi.
Minh Mạng đã cho thợ làm chiếc tầu đầu tiên chạy hơi nước và Tự
Đúc đã có sáu chiếc. Ngoài việc gửi sứ giả đi các nuớc lân cận để học kỹ thuật
của Anh, Pháp, Hoà Lan... Minh Mạng còn bắt con trai của Chaigneau, là Đức, khi
anh ta từ Pháp theo cha về VN, phải kể hết cho ông nghe bên Pháp đang có những
phát minh gì? Vậy người Việt thời đó không nhà quê, ngố rừng như người ta
tưởng.
Nguyễn Trường Tộ cũng không phải là người đầu tiên sang Pháp, ông
đi theo Giám mục Gauthier, từ năm 1859 đến 1861, để làm gỉ? Tôi không tin mấy
ông Giám mục chuyên làm mật thám cho Tây. Khi về nước, ông làm thông ngôn cho
Pháp. Những bản điều trần của ông, lập
luận thiên Pháp rõ rệt, đệ lên vua sau khi nước ta đã mất ba tỉnh miền Đông
Nam Kỳ, mà ông vẫn chưa tỉnh ngộ, ông vẫn tin tưởng vào "lòng tốt"
của người Pháp, tin rằng chỉ biếu họ vài miếng đất và để họ tự do giảng đạo là
xong. Ông khuyên vua nên "hợp
tác" với Pháp, dùng giáo sĩ trong việc nội trị. Ông
có ngây thơ quá không?
Nếu nghe ông thì bằng dâng nước cho quân đội và giáo sĩ Pháp là xong
ư?
Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức
Ngày nay, về thăm lăng mộ các vua là niềm đau thương và hân hạnh
của người Việt. Vì đó là lịch sử còn mới. Tính tình các vua lộ rõ trong lăng
tẩm.
Tự Đức lên ngôi 18 tuổi, khi cha chết bất ngờ vì tình hình đất
nước. Lăng Tự Đức rất thơ mộng, đầy vẻ thư sinh, nho nhã, nhẹ nhàng, tượng trưng một tâm hồn cao thượng.
Người thanh niên ấy yêu nghệ thuật, chỉ muốn cho dân một cuộc sống thanh bình,
có thì giờ chăm sóc từng cành cây ngọn cỏ. Tự Đức là nhà thơ, trong một thế giới
khói lửa, giặc đánh phá trong Nam ngoài Bắc, vua tôi quyết tâm giữ nước, nhưng
lực bất tòng tâm, tướng tài, can đảm, đều chết cả. Vậy mà người thư sinh đó cũng giữ được nưóc hơn ba mươi năm.
Lăng Minh Mạng
Lăng Minh Mạng
Cửa mộ Minh Mạng
Lăng Minh Mạng, không bề thế, nhưng khiêm cung, cao nhã, khắc kỷ,
để lộ oai quyền và tinh thần bất khuất,
với cái oai kín đáo của một vị thâm nho có
tài cai trị và giữ nước. Ta có thể tưởng tượng dưới thời Minh Mạng không có
tham nhũng vì cái gì vua mua, cũng bắt ghi vào sổ cả. Luật pháp nghiêm minh.
Vua coi xét tất cả mọi việc, cô đơn, quyết định tất cả mọi việc, xây dựng một
mình, một nước giầu mạnh, hoàn toàn chuyên chế, không có quân xâm lăng, không ai dám xâm lăng.
Lăng Gia Long
Mộ Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu
Mộ Gia Long xa nhất, ở trên vùng núi đồi thơ mộng. Lăng vị vua
sáng lập lại nhà Nguyễn đơn giản như một "nhà nghèo ", bởi vua khi
còn sống cũng rất giản dị, thủa ở Gia Định, ông xắn quần, đắp lũy cùng với thợ,
ông tự lái thuyền đi thăm xưởng đóng tầu và ăn trưa với thợ. Gia Long yên nghỉ
tại đây với hai người vợ quý.
Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, là chính hậu, người Thanh Hóa, con gái
quan Thái Bảo Tống Phước Khuông, mẹ họ Lê, lấy Nguyễn Ánh năm 1778, hơn Ánh 2
tuồi. Hậu sinh hai trai, trưởng là Chiêu, chết sớm, thứ là Cảnh.
Thừa Thiên cũng bình dân như chồng. Liệt truyện ghi: "Mỗi
khi vua đi đánh giặc, Hậu thường đi theo", "khuyên thăm chính
sự", "tự dệt vải cho quân lính". Trước kia trong lúc phiêu dạt,
phụng dưỡng Hoàng Thái Hậu, nếm trải mọi mùi gian nan hiểm trở, thường thân
hành dệt cửi, chính tay may lấy áo trận, để cấp cho quân sĩ. Một hôm thuyền đi
gặp giặc, vua đốc quân cố thúc đánh, hậu cũng cầm dùi đánh trống, quân lính
tranh nhau phấn khởi thành ra đánh được.". Thừa Thiên Cao Hoàng
Hậu mất ngày 22/2/1814 (3/2 năm Ất Mùi).
Năm hoàng tử Đởm mới lên ba, vua sai Thừa Thiên nuôi, Hậu đòi phải
có giấy tờ đâu ra đấy, vua sai Lê Văn Duyệt viết "khế khoán". Từ đó
Hậu là mẹ chính thức của Minh Mạng.
Khi Hậu mất, Gia Long bắt hoàng tử Đởm vào tế mẹ, quần thần có
người đề nghị hoàng tôn Đán, vua bảo: nó là con hoàng hậu có giấy ký nhận đây
này.
Qua sự kiện này ta đoán Gia Long đã quyết định cho hoàng tử Đởm
lên làm vua từ khi mới ba tuổi. Ngoài ra còn thêm những sự kiện khác: Gia Long
rất do dự, mãi sau này mới phong chức thái tử cho Cảnh, có lẽ ông sợ Cảnh chịu ảnh hưởng Bá Đa Lộc sẽ thiên
Pháp. Đởm có thầy học là Đặng Đức Siêu, "Khổng Minh" của Gia Long
và vua còn cho con tập đi "hành quân" lúc mới 9 tuổi: năm 1801, theo
cha từ Gia Định tiến quân đánh trận Thị Nại 1801, trận Phú Xuân 1801, trận Trấn
Ninh 1802 và đánh ra Thăng Long, thống nhất đất nước.
Tất cả đều được chuẩn bị kỹ càng cho một vị vua lớn.
Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu được chôn cạnh chồng là trường hợp hy
hữu.
Khu mộ Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu
Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, con gái Thọ Quốc Công Trần Hưng Đạt, mẹ
ruột Minh Mạng, người Huế chính hiệu. 14 tuổi được tuyển vào cung, nhưng bà
"giữ gìn" không có con, sợ phải đem con chạy loạn, bận lòng chúa
thượng. Đợi đến năm Tân Hợi (1791), sau khi đắp xong thành Gia Định (1790), Hậu
24 tuổi, mới sinh Minh Mạng.
Bà đã nhường con cho Thừa Thiên nuôi, theo ý Gia Long, để con mình
sẽ nối nghiệp cha.
Thuận Thiên mất năm 1846, được chôn ở cơ ngơi bên cạnh mộ Gia Long
và Thừa Thiên, cảnh đẹp và thơ mộng vô cùng.
Paris tháng 6/2019
Thụy Khuê