Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018



JOHN F. KENNEDY
VÀ CUỘC CHÍNH BIẾN 1-11-1963

Đỗ Kim Thêm

 
Tổng thống John Kennedy (bìa phải), Bộ trưởng Robert McNamara và Tướng Maxwell Taylor đang thảo luận về tình hình Việt Nam trong Phòng Bầu Dục tại Nhà Trắng (1963)

Tóm lược
Ngày 2 và 22 tháng 11 năm 2018 là kỷ niệm 55 năm ngày hai Tổng thống John F. Kennedy và Ngô Đình Diệm bị mưu sát vào năm 1963.
“Nếu hai Tổng thống Kennedy và Diệm còn sống, thì miền Nam còn”, khi về sau nhìn lại hai biến cố, người dân miền Nam có lập luận đơn giản với lòng thành kính ngưỡng mộ và nuối tiếc trước hai cái chết oan nghiệt do định mệnh an bài. Dĩ nhiên, đó là ước vọng không thành.
Khi các biến chuyển lịch sử lắng đọng, thì các các bí ẩn lần lượt hé lộ sự thật phủ phàng và đánh bại các ước vọng chân thành. Năm 1962 McNamara khai triển kế hoạch rút các cố vấn quân sự Mỹ khỏi Việt Nam, Kennedy đồng thuận kế hoạch này vì không còn tin khả năng lãnh đạo của Tổng thống Diệm như trước. Khi phát hiện mọi báo cáo về diễn tiến tình hình Việt Nam đều mâu thuẩn hoặc sai lạc, ông lo âu trước các chính sách độc tài, gia đình trị, tham nhũng và đàn áp tôn giáo. Kennedy cho là người Mỹ không thể chiến đấu thay cho người Việt khi phong trào chống Mỹ ngày càng lên cao.
Dù yểm trợ cho các tướng lãnh đảo chánh, Kennedy cho biết cái chết của Tổng thống Diệm và Bào Đệ là ngoài dự liệu của Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 12 tháng 11 năm 1963, Kennedy tái xác định mục tiêu "đưa người Mỹ ra khỏi nơi đó". Trước ngày công du tại Texas, Kennedy yêu cầu Mike Forrestal xem lại toàn bộ biện pháp để Mỹ có thể rút khỏi Việt Nam. Ông bị mưu sát vào lúc 12 giờ 30 ngày 22 tháng 11 năm 1963 tại Dallas và mọi kế hoạch không thành.

Dựa vào các tài liệu mới nhất của CIA, bài viết sau đây trình bày việc thất bại của Kennedy trong các đối sách tại Lào và Việt Nam, khủng hoảng Phật giáo, bất mãn của quân đội, diễn biến đảo chánh và cơ hội của Kennedy tái lập hoà bình cho Việt Nam.
Tác giả cám ơn Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã cung cấp nhiều tư liệu mới giải mật của CIA. Các trích dẫn, chú thích và thư tịch tham khảo sẽ bổ sung khi bài viết này in thành sách.

***
Biên cương mới
Khi nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ vào tháng Giêng năm 1961,  Kennedy đã đánh dấu một sự thay đổi thế hệ trong tầng lớp lãnh đạo tại Toà Bạch Ốc. Toả sáng bên cạnh một nhà lãnh đạo 41 tuổi với dáng dấp hào hoa là các cố vấn trẻ trung, năng động và lạc quan, họ được ca tụng là những người tài hoa và thông thái nhất (The Best and The Brightest).
Thành phần nội các mới gồm có Bào đệ Robert Kennedy, Cố vấn an ninh Mc Georg Bundy, Cựu Khoa Trưởng Đại học Harvard, Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara, Cựu Chủ tịch Công Ty Xe Ford, Kinh tế gia Walt W. Rostow, Arthur M. Schesinger Jr., Sử gia của Đại học Harvard và Theodore C. Sensore, Luật gia và người viết diễn văn cho tổng thống. Vì muốn tự đảm nhận chính sách đối ngoại, nên Kennedy chọn Dean Rush, một chính khách không đảng phái. Về cố vấn quân sự ông ủy nhiệm cho Maxwell D. Taylor, vị tướng đã từ chức Tham mưu trưởng Liên quân dưới thời Tổng thống Eisenhower.

Nội các Kennedy quyết tâm theo đuổi các chính sách mới, muốn cùng người dân đi về một biên cương mới (New Frontier) bằng cách tạo cho nước Mỹ thoát ra khỏi cảnh tê liệt chính trị và kinh tế: phá bỏ cấu trúc nội trị lổi thời, chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc, kết hợp các biện pháp tài trợ kinh tế theo chủ thuyết Keynes, soạn thảo chính sách mới về an ninh và canh tân kỷ thuật để chinh phục không gian vào cuối thập niên 1960.
Kennedy sẽ kế tục các chính sách đối ngoại của các bậc tiền nhiệm. Với chính sách be bờ ngăn chận, Tổng thống Harry S. Truman và Dwight D. Eisenhower tận tình bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ châu Âu khi Liên Xô đe doạ trầm trọng; Hoa Kỳ luôn chứng tỏ là có tinh thần trách nhiệm đối với châu Âu mà Tây Bá linh là một biểu tượng ràng buộc.
Nhưng là một thành viên trong Hội American Friends of Vietnam, Kennedy nghĩ đã đến lúc cần phải có một đối sách mới làm chuyển điểm cho vấn đề Việt Nam: việc giải quyết trở thành thước đo về khả năng hành động và mức độ khả tín về chính sách của Hoa Kỳ. Dù Việt Nam trở thành một chủ đề chính, nhưng vấn đề của Lào cần đem ra để thử nghiệm trước tiên.

Thất bại tại Lào
Xung đột của Lào được Hiệp định Geneva 1954 giải quyết khi các phe lâm chiến thành lập một chính phủ liên hiệp trong năm 1957. Washington muốn ngăn ngừa ảnh hưởng của Cộng sản Pathet Lao đang ngày càng lan rộng, nên tìm cách xây dựng một quân đội Lào hùng mạnh. Phumi Nosavan, một nhân vật quan trọng trong quân đội Lào đã đứng ra hợp tác. Dù có khuynh hướng thân Mỹ, nhưng ông là một tướng lãnh thiếu khả năng, tham nhũng và giàu có nhờ khai thác nhiều cơ sở trồng bạch phiến. Phumi hứa sẽ cải thiện nội tình của Lào, mà thực tế là giống như Việt Nam. Tổng thống Eisenhower đã tung ra trên 300 triệu Đô là viện trợ kinh tế và quân sự cho Lào mà không mang lại kết quả cụ thể nào.

Tháng 8 năm 1960 Hoàng thân Souvana Phuma lập một chính phủ trung lập để ngăn ngừa nội chiến. Pháp và Anh công nhận chính phủ Phuma. Trong khi Mỹ tỏ ra dẻ dặt trong vấn đề viện trơ, Phuma quay sang cầu viện Liên Xô và vì thế mà mất uy tín đối với Mỹ. Ngay trong ngày Kennedy nhậm chức, Tổng thống Eisenhower đã kêu gọi Kennedy phải ngăn chận sự chiến thắng của Cộng sàn Lào, nếu cần, cả bằng phương tiện quân sự. Kennedy cam kết tiếp tục thực hiện chính sách này.
Thừa lệnh Kennedy, Bộ Tham mưu Liên Quân, Joint Chief Staff (JSC) khai triển một kế hoạch can thiệp quân sự. Tháng 10 năm 1960 Đại uý Kong Le đảo chánh, tháng 3 năm 1961 tình hình an ninh Lào lọt ngoài vòng kiểm soát, chiến tranh không tránh khỏi bùng nổ, khi vũ khí của Liên Xô viện trợ ào ạt cho Pathet Lào và Đệ Thất Hạm đội của Mỹ đã đậu ngoài Biển Đông. Cùng lúc này, Ngoại trưởng Dean Rusk yêu cầu Thái Lan, Pakistan và Philippines, các thành viên trong khối SEATO, chuẩn bị gởi quân tham chiến; kế hoạch này được tất cả đồng thuận.
Tuy nhiên, nguy cơ an ninh của Vịnh Cu Ba lên cao độ. Lý do chính tháng 4 năm 1961, Kennedy chấp thuận đưa Lữ Đoàn 2506, du kích quân người Cuba do CIA huấn luyện, vào Vịnh Con Heo để lật đổ chế độ Fidel Castro, nhưng nhưng thất bại. Dù kế hoạch là do Eisenhower chuẩn bị từ lâu, nhưng Kennedy công khai chịu trách nhiệm về sự thất bại này. Ông bắt đầu nghi ngờ khả năng của JSC và CIA và quan tâm giải pháp đàm phán là ưu tiên hơn quân sự cho Lào.

Washington lo ngại nhiều hơn khi Nikita Chruschtschows, lãnh đạo Đảng và nhà nước Liên Xô, chính thức lên tiếng sẳn sàng viện trợ vũ khí cho các phong trào giải phóng dân tộc trong một bài diễn văn hùng hồn vào tháng 1 năm 1961. Ông muốn nhắm trực tiếp tới giới lãnh đạo Bắc Kinh và gián tiếp tới Washington. Tinh thần đối kháng về ý thức hệ trong nội bộ của hai Đảng Cộng sản anh em đã lên cực điểm, mà việc Thủ tướng Chu Ân Lai rời khỏi Đại hội Đảng Cộng Sản Liên Sô lần thứ XXII là một thí dụ.
Đến tháng 7 năm 1962, một hiệp ước đình chiến tại Lào thành hình, nhưng tỏ ra quá mong manh. Hiệp ước quy định chính phủ Suvana Phuma là chính danh và các các lực lượng quân sự không phải Lào phải ra khỏi lãnh thổ. Nhưng Bắc Việt và Mỹ không tôn trọng hiệp ước này. Bắc Việt đã sử dụng lãnh thổ Lào để đưa quân xâm nhập miền Nam và CIA có một chương trình chống du kích quân Cộng sản tại Lào. Trong suốt thập niên 1960, tất cả các xung đột ngấm ngầm hai phe bộc phát thành một cuộc chiến bí mật.
Theo quan điểm của Washington, Liên Xô ủng hộ Pathet Lào và Fidel Castro trong khi Mỹ tạo khủng hoảng tại Cu Ba và Berlin đều có quan hệ nhau và phương Tây đang lâm vào thế phòng thủ trên chính trường quốc tế. Kennedy đã phản ứng bằng một loạt các sáng kiến về ngoại giao và an ninh.

Sáng kiến về ngoại giao và an ninh
Về ngoại giao, ông quyết định gởi các Đoàn Chí nguyện Hoà bình (Peace Corps) nhằm mục đích thực hiện các chương trình viện trợ phát triển kinh tế của Hoa Kỳ và giới thiệu văn hoá phương Tây tới các nước Á, Phi và Mỹ La tinh. Lý tưởng này của Kennedy đã nung nấu cho giới trẻ Mỹ qua bài diển văn nhậm chức: ”Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn mà hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc.” Tinh thần dấn thân cao cả này thúc dục cho giới trẻ tham gia. Nhưng khi va chạm thực tế tại các quốc gia chậm tiến, họ trở về trong một tâm thức tỉnh ngộ trước thực trạng trên đất Mỹ và lên tiếng phê bình về các tình trạng nghèo đói, phân biệt chủng tộc và bất công kinh tế xã hội.

Về an ninh, theo Tướng Taylor, gia tăng kinh phí quốc phòng và thay đổi táo bạo chính sách an ninh không đem lại một giải pháp hữu hiệu. Mỹ cần đối ứng mềm dẻo (flexible response) để làm giảm bớt các nguy cơ chiến tranh thế giới: mở rộng các phạm vi hành động khác nhau và tuy theo tình hình xung đột địa phương Mỹ sẽ có những phản ứng phù hợp hơn. Mỹ không sử dụng các lực luợng vũ trang quy ước trong quy mô quốc tế, nhưng Mỹ lại không thể thay thế hay bổ sung cho việc giải quyết các khủng hoảng chính trị địa phương mà Kennedy đã áp dụng tại Berlin vào năm 1961 và Cu Ba vào năm 1962.
Thực ra, Mỹ và Nga cũng có một đối sách mềm dẻo như nhau, nhưng trong một ý nghiã nội dung khác hằn. Chruschtschow có nói đến mềm dẻo trong bài diễn văn tháng 1 năm 1961. Với những động lực ý thức hệ và mục tiêu chính trị khác nhau, nên cả hai có các sách lược ngoại giao và phương tiện khác nhau tại các nước chậm tiến.

Đối sách mới cho Việt Nam
Thất bại của Mỹ tại Cu Ba và Lào làm cho Kennedy thấy là vấn đề Việt Nam càng khó giải quyết hơn vì trung lập hoá theo mô hình của Lào và tiếp tục trang bị vũ khí bí mật như tại Cu Ba là không triển vọng. Các dân biểu đối lập thuộc Đảng Cộng hoà cáo buộc Kennedy đã bán quyền lợi của nước Mỹ cho ngoại bang. John Kenneth Galbraith, Đại Sứ Mỹ tại Ấn Độ, cũng lên tiếng phản bác.
Không quan tâm các chỉ trích này, nhưng dựa theo chính sách be bờ, lý thuyết Domino và mức độ khả tín, Kennedy kết hợp đối sách mới cho Việt Nam thành hai phạm vi hành động: viện trợ kinh tế và quân sự hoặc gởi quân tham chiến. Dù theo phương tiện nào Mỹ giúp cho Việt Nam, thì những suy nghĩ về mục tiêu là giống nhau: Mỹ đến như Mỹ muốn và Mỹ sẽ thắng cuộc.
Về mặt kinh tế, Kennedy thoả mản tối đa yêu cầu của Tổng thống Diệm là viện trợ kinh tế tăng lên đến bốn lần.
Về mặt quân sự, Kennedy theo chính sách Bồ câu hơn là Diều hâu, khi che giấu cuộc chiến bí mật tại Việt Nam nhằm ngăn cản bất ổn trong nội bộ Hoa Kỳ và duy trì các giới hạn trong cuộc chiến giữa hai phe Cộng sản và Thế giới Tự do.
Kennedy không cho đóng quân bộ binh Mỹ tại Việt Nam theo như lời yêu cầu của vị Tham mưu trưởng Liên quân. Ông giải thích cho Arthur Schlesinger là: “Binh sĩ Mỹ diễn hành, quân nhạc chào mừng và dân chúng reo hò, chỉ bốn ngày sau, mọi sự sẽ quên lãng. Việt Nam sẽ yêu cầu chúng ta tiếp tục gởi quân. Giống như chuyện uống một ngụm nước, sau khi uống, ta thấy ngay hậu quả là phải uống tiếp.
Kennedy quyết định đào tạo nhiều cố vấn quân sự. Họ hiện diện một cách biểu tượng, không được quyền tác chiến trừ phi bị tấn công, ngay cả khi sự có mặt như thế dẫn tới trường hợp tác chiến, cho dù là với tư cách cố vấn quân sự, chuyên gia, phi công hay là nhân viên căn cứ. Mỹ thay đổi cơ quan viện trợ thành United States Military Assistance Command, Vietnam (MACV). Số lượng các cố vấn tăng từ tháng 12 năm 1961 là 3200 đến cuối năm 1962 là 9000. Mỹ đãm nhiệm các biện pháp kiểm soát không lưu, không vận, trực thăng vận và trang bị vũ khí tối tân cho QLVNCH.
Ngoài ra, Kennedy gởi các Đội Biệt Kích Mũ xanh để huy động cho các sắc tộc thiểu số miền núi và tăng cường kiểm soát dọc theo biên giới Lào-Việt. Về sau, Kennedy cho các Đội Biệt Hải thâm nhập và phá hoại miền Bắc.

Về mặt chính trị, Kennedy cử Johnson tới Việt Nam để tham dự một buổi lể rầm rộ vào ngày 11 đến 13 tháng 5 năm 1961 và ca ngợi Tổng thống Diệm một Winston Churchill tại Đông Nam Á. Trong lần gặp gở này với Tổng thống Diệm, Johnson, theo lệnh của Kennedy, không đề cập đến việc gởi bộ binh tham chiến. Theo một tài liệu khác, Johnson có đề cập với Tổng Thống Diệm đế yêu cầu, nhưng bị cự tuyệt.
Tại Washington, giới hoạch định chính sách cũng chia thành hai khuynh hướng Bồ câu và Diều hâu. Các nhân vật thân cận của Kennedy là Taylor, Rostow, Galbraith và Harriman tin là hai luận điểm này sẽ đem lại giải pháp đúng đắn cho tình thế.
Là Diều hâu, Taylor và Rostow đề nghị nên gởi thoạt đầu 5000 binh sĩ đến miền Nam qua hình thức hoạt động trợ giúp thiên tai và thuần là lực lượng trừ bị. Cả hai khuyến cáo thay đổi  cơ cấu tổ chức viện trợ Mỹ và gia tăng các biện pháp viện trợ quân sự; quân số Mỹ phải tăng viện cho Bộ Quốc Phòng là 40.000 mới đủ để củng cố tinh thần binh sĩ của QLVNCH. Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng ý thức được là đối sách này sẽ gây khiêu khích cho Trung Quốc và Bắc Việt.

Trong khi đó, Dean Rush và Bộ Ngoại giao Mỹ trung dung hơn khi cho là viện trợ quân sự là tất yếu nhưng tránh việc đưa các binh sĩ tham chiến; các biện pháp cải thiện về tự do dân chủ cho miền Nam sẽ hữu hiệu hơn. Mike Mansfield và Theodore Sorensen cũng theo quan điểm là nên gây áp lực cho Tổng thống Diệm để cải cách chính trị.
Thuần túy là Bồ câu, Galbraith và Harriman đề xuất ngược lại: Mỹ phải trực tiếp đàm phán với Liên Xô về một Hiệp ước đình chiến và Liên Hiệp Quốc phải can thiệp trong việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử cho Việt Nam. Trong khi một giải pháp mới cho Việt Nam chưa thành hình, thì nội tình miền Nam bất ổn liên tục.

Nội tình bất ổn.
Ngày 26 tháng 4 năm 1960, Khối Tự do Tiến bộ (nhóm Caravelle), tập hợp 18 nhân sĩ trí thức ra tuyên ngôn tố cáo chính quyền độc tài, bất lực và đòi cải tổ chính sách. Sau đó, bất đồng chính kiến đưa đến việc bốn Bộ trưởng Lâm Lễ Trinh (Nội Vụ), Trần Trung Dung (Phụ tá Quốc Phòng), Trần Chánh Thành (Thông Tin) Nguyễn Văn Sĩ (Tư Pháp) từ chức.
Ngày 11 tháng 11 năm 1960, lực lượng Nhảy Dù (Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Hoàng Cơ Thụy, Phan Quang Đán) tấn công và bao vây Dinh Độc lập đòi thay đổi lãnh đạo, nhưng thất bại.
11-11-1960: Binh chủng Nhảy Dù do Đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu
và một số đảng phái chính trị làm đảo chánh để
... LẬT ĐỔ CHẾ ĐỘ GIA ĐÌNH TRỊ NGÔ ĐÌNH DIỆM“

Theo lệnh của Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam ra đời tại Tây Ninh, lên tiếng thách thức tính chính danh của chính phủ Ngô Đình Diệm, mà thực ra là làm con rối để Hà Nội xâm lăng miền Nam.
Các biện pháp viện trợ của Mỹ tỏ ra không hữu hiệu trong khi tình hình an ninh nông thôn suy sụp, có nhiều nơi Việt Cộng kiểm soát 80% lãnh thổ. Ngày 10 tháng 10 năm 1961, ông Diệm phải ban bố “tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ”. CIA cho biết là các hoạt động của MTGPMN đang gia tăng, mức độ tử vong hằng tháng cho binh sĩ miền Nam lên khoảng 200 và số người bị thương lên hàng ngàn.
Trước tình thế nguy ngập, Kennedy quyết định gởi Tướng Taylor và Walt Rostow đến Việt Nam vào tháng 10 năm 1961 để ước lượng tình hình. Cả hai kết luận là bi quan và khuyến cáo cần cải thiện. Lối trình bày tình hình bi quan và đề xuất biện pháp lạc quan được lập đi lập lại trong tất cả các phúc trình, dần dà thành một thông lệ làm việc báo cáo cho các cố vấn Mỹ.
Hai tháng sau, ngày 7 tháng 12 năm 1961, Tổng thống Diệm thú nhận là “Việt Nam Cộng Hòa đang phải đối đầu với một thảm hoạ lớn nhất trong lịch sử” và gởi thư cho Tổng thống Kennedy xin tăng thêm viện trợ quân sự.

Để đáp ứng tình thế, Kennedy đòi hỏi Tổng thống Diệm là Mỹ có quyền quyết định chung trong các vấn đề về quân sự và chính trị. Tổng thống Diệm phản đối kịch liệt vì lý do tinh thần độc lập dân tộc và quyền dân tộc tự quyết. Một thất bại khác của Kennedy là trường hợp công bố Bạch thư của Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 1961. Hoa Kỳ muốn xác quyết trước công luận là cuộc nổi dậy ở miền Nam không phải là một cuộc đấu tranh của người dân nội địa mà là do ngoại xâm có vũ trang. Tổng thống Diệm cho là chính phủ của Việt Nam Cộng Hòa không chịu trách nhiệm cho một cuộc đấu tranh đẩm máu. Thái độ này làm cho Kennedy có dị biệt về quan điểm hợp tác với Tổng thống Diệm. Một mặt, chiến tranh đang từng bước leo tháng, trong khi mặt khác, hợp tác Mỹ-Việt chỉ đạt được trong mức độ giới hạn. Tướng Taylor cho rằng chiến tranh Việt Nam đang dần dà trở thành một cuộc chiến tranh của Mỹ.
Ngày 27 tháng 2 năm 1962, hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom dinh Độc Lập để mưu sát gia đình họ Ngô: một cảnh báo an ninh đáng lo ngại cho chế độ.
Hai chiếc Khu trục cơ Skyraiders của Không Quân VNCH do hai phi công
Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử đột kích từ sông Sài Gòn, chuẩn bị
ném bom Dinh Độc Lập, nơi ngự trị của ông Diệm và gia đình ông bà Nhu.
Vụ nầy được cho là do Việt Nam Quốc Dân Đảng chủ xướng.

Bất ổn nội tình làm cho một nghịch lý thành hình: Tổng thống Diệm không thể áp dụng cùng lúc việc quân sự hoá và dân chủ hoá cho chế độ. Khi Tổng thống Diệm càng dập tắt các tiếng nói của các thành phần đối lập ở thành phố, ở nông thôn đường lối đấu tranh của MTGPMN càng thu hút hơn. Tình hình chuyễn biến khó khăn khi chiến lược chống du kích chiến thất bại.

Chiến lược chống du kích chiến thất bại
Một đối sách mềm dẻo của Mỹ trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam phải được hiểu là áp dụng chiến lược chống du kích chiến (Counterinsurgency). Khái niệm này là một sách lược chống Cộng đúng đắn cho Việt Nam, một  tổng hợp các biện pháp chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội trong một nhịp điệu hoà hợp: đầu tiên là đem lại an ninh nông thôn, kế tiếp là xây dựng một cơ cấu hành chính tạo được hiệu năng và thiện cảm trong dân chúng và sau cùng sẽ là cải thiện đời sống vật chất. Cả ba biện pháp tương tác nhau làm cho cơ sở Cộng Sản nằm vùng không còn cơ hội tiếp tục hoạt động mà kinh nghiệm tại Mã Lai và Philippines đã chứng minh thành công.
Về mặt lý thuyết, VNCH và MTGPMN có chung một sách lược để từng bước dành dân lấn đất tại nông thôn là cùng ăn, cùng ở và cùng làm. Sự khác biệt chủ yếu là nhu cầu ưu tiên theo lối Mỹ. Là siêu cường, Mỹ thừa khả năng, nhưng không đủ thiện chí và kiên nhẩn để theo đuổi một cuộc chiến tranh du kích dai dẳng trong một phạm vi nhỏ và không quy ước. Mỹ có hoả lực tấn công mãnh liệt, đó là một chiến thuật hữu hiệu nhất trong giai đoạn này.

Thoạt đầu, chính phủ Ngô Đình Diệm giải quyết được xung đột các giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo, nội loạn Bình Xuyên thành công, đó là thí dụ điển hình cho một chính quyền còn non trẻ nhưng đã có khả năng xây dựng đất nước. Lập Khu Dinh điền và Trù mật cho gần 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư là quốc sách có kết quả. Đến năm 1960, tình hình kinh tế phát triển, xuất khẩu nông sản, thặng dư ngân sách, xã hội dần đi vào ổn định, nhưng các biện pháp đàn áp tàn bạo các đoàn thể quốc gia có bất dồng chính kiến và triệu chứng gia đình trị bất đầu thể hiện.
Ngày 3 tháng 3 năm 1962, Tổng thống Diệm ký Sắc lệnh 11/TTP ban hành việc phát động Quốc sách Ấp Chiến Lược cho nông dân miền Nam. Đến tháng 10 năm 1963 đã có 11.847 Ấp Chiến Lược thành hình và quy tụ gần 8.900.000 nông dân về sinh sống.
Nhưng Quốc sách Ấp Chiến Lược không tồn tại trong lâu dài. Chính quyền địa phương buộc dân chúng sống trong khu vực kiểm soát với kẻm gai và chòi canh, phải từ bỏ ruộng đồng quen thuộc và xa cách mồ mả tổ tiên là trái với truyền thống, nên không có thiện cảm cho chính quyền.
Hơn nửa, Ấp Chiến Lược không đem lại an ninh tuyệt đối và lâu dài, mà còn tạo tâm lý là bị kiểm soát và không nâng cao mức sống. Chương trình viện trợ nông phẩm của Mỹ không tới tay cho nông dân thụ hưởng vì chính quyền địa phương tham nhũng. Nguồn cung cấp thực phẩm cứu trợ khổng lồ gồm lúa mì, bột mì, gạo, dầu ăn thông qua các Cơ quan Cứu trợ Thiên Chúa giáo đến cha xứ ở các tỉnh, được đưa ra bán ở thị trường chợ đen.

Nhưng trầm trọng nhất là các báo cáo sai lạc về triển vọng phát triển của các cấp địa phương. Các cuộc kinh lý của Tổng Thống Diệm tại các Khu Trù mật và Ấp Chiến Lược kiểu mẩu đưọc địa phương dàn đựng giả tạo, cố tình lừa dối ông Diệm và công luận nên gây tác hại cho việc phản tuyên truyền của Cộng Sản và trong công luận Mỹ.
Tại nhiều nơi, Cộng Sản không thể kiểm soát, nhưng còn duy trì các hoạt động phá hoại lẻ tẻ, nên các tác dụng vết dầu loang không phát huy. Thất bại này không phải là tại các vùng châu thổ sông Cửu Long đông dân, mà ngay trong vùng Cao nguyên thưa thớt, nơi CIA có nhiều ảnh hưởng. Thành công của mô hình chiến khu Hải Yến ở Bình Hưng, Cà Mau do cha Nguyễn Lạc Hoá lãnh đạo những người Hoa chống Cộng không thể áp dụng cho cả nước, mà chỉ là một ngoại lệ.
Thực ra, không phải chỉ có ông Ngô Đình Nhu, Cố vấn chính trị, là chịu trách nhiệm toàn bộ trong sự thất bại này mà Cơ quan Viện trợ Mỹ tại miền Nam và Bộ Tham mưu Liên Quân tại Washington có liên đới.

Đâu là nguyên nhân? Thay vì thuyết phục cho Tổng thống Diệm thấy là cần có một chiến lược dài hạn nhằm thu phục nhân tâm trong chiến tranh chống du kích, ông Nhu cho là chiến thuật ngắn hạn là ưu tiên và Cố vấn Roger Hilmans đề cao các biện pháp quân sự. Cơ quan MACV đồng thuận là các biện pháp đấu tranh chính trị và cải thiện kinh tế cần giới hạn trong giai đoạn này. Ý tưởng này được Tướng Paul D. Harkins chia sẻ khi huy động trực thăng vận để yểm trợ các lực lượng bộ binh tại nhiều khu vực. Đây là một thí dụ cho thấy là phương tiện dồi dào của Mỹ áp dụng cho khuôn khổ đấu tranh chống du kích chiến là không phù hợp, nhất là khi thiếu nhân tâm. Các cuộc hành quân bộ binh có trực thăng yểm trợ thành công vì đẩy lui du kích quân về các căn cứ địa, nhưng không thể hủy diệt toàn bộ Cộng quân vì có nông dân còn bao che hoặc do thiện tâm hoặc bị bắt buộc.
Để huỷ diệt các mật khu, cuối năm 1962, Mỹ bắt đầu sử dụng bom Napalm và vũ khí hoá học, nhưng tác hại là làm nông dân thất thu nông sản và hủy hoại môi sinh. Chương trình này được thực hiện trong một kế hoạch mang tên Ranch Hand kéo dài cho đến 8 năm sau. Chất độc Da Cam Agent Orange được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1963 và lần lượt các tác haị về gây ung thư và biến dạng, như được biết đến sau này.
Tăng cường hoạt động các cố vấn Mỹ không có nghĩa là khả năng chiến đấu của QLVNCH được đương nhiên nâng cao. Trận Ấp Bắc vào ngày 2 tháng 3 năm 1963 thất bại là bằng chứng. Các tài liệu giải mật về sau giải thích các diễn tiến trận đánh trái ngược nhau. Dù theo quan điểm nào của phe thua cuộc hay thắng cuộc, thì một luận điểm chính đều được công nhận là dù có nhiều ưu thế hoả lực hơn CSBV,  QLVNCH lệ thuộc vào các hoạt động yểm trợ trực thăng vận và phối hợp hành quân Việt-Mỹ không nhanh chóng dễ dàng.

Trong khi Tướng Harkins đề cao thành công trong trận Ấp Bắc, lạc quan về triễn vọng chiến thắng và không công bố hết các thiệt hại quân sự, David Halberstam, phóng viên chiến trường của New York Times và Neil Sheehan của cơ quan thông tấn UPI tường thuật bi quan về tinh thần chiến đấu của QLVNCH và vai trò yểm trợ của Mỹ. Trận Ấp Bắc là một trận tuyến khởi đầu giữa truyền thông phản chiến và chính quyền Mỹ, gây bất lợi cho Mỹ và VNCH trong việc phát huy chính nghiã.
Để xoa dịu tình hình, Tổng thống Kennedy gây áp lực cho New York Times thay đổi nhiệm sở của David Halbertstam, nhưng thất bại. Khi các thủ thuật của chính quyền bị phơi bày thì công luận Mỹ càng nghi ngờ hơn, trong khi Mike Mansfield lên tiếng phê bình một vấn đề nghiêm chỉnh qua Phúc trình “Chúng ta có thể thắng Cộng Sản với Diệm không?
Câu hỏi này khó trả lời khi báo giới Mỹ có mặt tại Sài Gòn không thể kiểm chứng các nguồn tin được cho là có thẩm quyền của các giới chức Mỹ. Ém nhẹm hay nhỏ giọt tin tức làm cho cả hai phiá càng ít thân thiện trong hợp tác. Một ký giả Mỹ đã tường thuật một trường hợp điển hinh: Hàng không mẩu hạm USS Core cập bến Cảng Sài Gòn, các kỷ giả Mỹ ngồi trên sân thượng của khách sạn Majestic ngay trung tâm thành phố và cách không xa bến cảng, có thể tận mắt chứng kiến các trực thăng lên xuống trên tàu. Khi báo giới yêu cầu xác nhận việc cập bến, các giới chức Mỹ công khai nói là không thể bình luận về sự việc này.
Tin tức trái ngược dẫn đến các bình luận tương phản. Trong khi Tướng Harkins lạc quan là Cộng quân sẽ bị dẹp tan vào cuối năm 1963 thì CIA bi quan hơn vì xung đột giữa Saì Gòn và Washington lên cao. Các cố vấn quân sự Mỹ cho là QLVNCH quá thụ động, Mỹ phải áp lực trực tiếp ông Diệm để giải quyết. Giới ngoại giao cho là cần dân chủ hoá chế độ, biện pháp cải thiện này tại hậu phương cũng quan trọng như chiến thắng nơi tiền tuyến. Ngược lại, ngay tử giữa năm 1962, McNamara khai triển kế hoạch rút khỏi Việt Nam theo một thời biểu nhất định.
Tin tức càng hỗn loạn thì áp lực của Mỹ càng nhiều. Khi không ai có thể kiểm chứng nguồn tin nào là khả tín và giải pháp nào là khả thi, thì Tổng  thống Diệm càng phản ứng gay gắt. Ông than phiền với vị Đại sứ Pháp tại Sài Gòn là không hề yêu cầu lính Mỹ đến Việt Nam. Mối quan hệ giữa hai chính phủ căng thẳng làm cho Washington mất thiện cảm. Trong khi đó  tình hình miền Nam nguy cơ đến nổi ngày 31 tháng 3 năm 1962 ông Diệm phải gởi thông điệp cho 92 quốc gia trên thế giới yêu cầu ủng hộ VNCH chống cuộc xâm lăng của Cộng Sản.

Ngay từ đầu năm 1963, Kennedy lâm vào một tình trạng tiến thoái lưởng nan. Một mặt, Kennedy bắt đầu nghi ngờ về hiệu năng hoạt động của các cố vấn Mỹ và QLVNCH, nhưng muốn tiếp tục cam kết bảo vệ Việt Nam. Mặt khác, ông muốn rút quân ra khỏi miền Nam, nhưng lại cho mở nhiều cuộc đột kích tấn công miền Bắc. Làm như vậy, ông muốn xoa dịu công luận, cứu vãn thanh thế ngoại giao của Mỹ và chờ kết quả tái tranh cử trong năm 1964 mới chung quyết cho vấn đề Việt Nam. Mọi suy đoán này được các tài liệu của CIA mới giải mật chứng minh ngược lại.
Ông bắt đầu lo âu trước các biểu hiện độc tài, gia đình trị, tham nhũng và đàn áp tôn giáo của Tổng thống Diệm. Khi được tin ông Nhu đơn phương tiếp xúc với đối phương, ông dọa sẽ cúp hết các kinh viện cho miền Nam, tỏ ra kiên quyết hơn trong chính sách khi cho là chính người Việt phải chiến đấu cho Việt Nam và Mỹ không thể thay thế. Ông nói với Robert Kennedy: “Người Việt ghét người Mỹ, họ muốn chúng ta rút quân ra khỏi nước, nhưng chúng ta lại không muốn Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản và nhờ làm như thế mà chúng ta thắng cử.”
Nhưng từ muà hè năm 1963, nội tình miền Nam khẩn trương hơn: các phong đấu tranh của Phật giáo và bất mãn của Quân đội tạo ra động loạn toàn xã hội
Bìa báo TỰ DO Xuân Canh Tý (1961), đăng hình một trái dưa hấu (tượng trưng
cho miền Nam) đang bị 5 con chuột đục khoét (ám chỉ 4 anh em họ Ngô và bà Nhu).
Vừa phát hành, báo bị tịch thu, tòa oạn bị đóng cửa, và nhóm Chủ biên (trí thức di cư 1954)
bị ruồng bố bắt giam. Đụng đến chế độ Gia Đình Trị là bị đàn áp liền.

Khủng hoảng Phật giáo
Phật tử thành phố Huế hân hoan đón mừng Phật đản Phật lịch 2527 năm 1963 và hy vọng cờ Phật giáo cũng được kéo lên để làm lể một cách trang trọng tương xứng. Trước đó, trong các lễ của Thiên Chúa giáo trong toàn quốc, cờ tôn giáo quốc kỳ được chính phủ khuyến khích sử dụng. Gần nhất là để kỷ niệm Lễ Ngân Khánh, 25 năm ngày ông Ngô Đình Thục thụ phong linh mục và nhậm chức Tổng Giám Mục Huế, cờ Toà thánh Vatican được kéo lên để chào mừng.
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, theo chỉ thị của Tổng thống Diệm, Quách Tòng Đức, Đổng lý văn phòng Phủ Tổng thống, đã gửi công điện số 5159 ngày 6 tháng 5 năm 1963 yêu cầu các địa phương không được treo cờ tôn giáo ngoài cơ sở. Căn bản pháp lý của việc cấm đoán là Dụ số 10 thời Bảo Đại, một Nghị định do Thủ tướng Trần Văn Hữu ký ban hành ngày 6 tháng 8 năm 1950 mà hầu như rất ít được chính quyền sử dụng.

Vì cho là chính quyền dành quá nhiều ưu đãi cho Công giáo, nên 3000 Phật tử Huế xuống đường chống đối. Ngày 8 tháng 5 năm 1963, trong bài thuyết pháp tại lễ Phật đản ở chùa Từ Đàm, Thượng tọa Thích Trí Quang chỉ trích chủ trương kỳ thị Phật giáo của chính quyền khi so sánh việc cờ Công giáo Vatican treo khắp đường phố vào các dịp lễ. Nhiều Phật tử yêu cầu chính quyền cho phát thanh lại bài thuyết pháp này, nhưng ông Ngô Ganh, Giám đốc Đài phát thanh Huế, không đồng ý vì nội dung còn được kiểm duyệt. Đang khi còn tranh cải trong cuộc biểu tình này, có 8 người chết và 15 người bị thương. Tổng thống Diệm giải thích cho việc tử thương là do Cộng quân chịu trách nhiệm vì trà trộn khích động, nhưng dân chúng tin chánh quyền là thủ phạm.

Theo điều tra sau này thì có ba vấn đề đuợc làm sáng tỏ. Một là, các nhân chứng cho biết là chính quyền không hề sử dụng xe thiết giáp để đàn áp như tường thuật, mà chỉ có xe tuần cảnh thường trực của cảnh sát địa phưong. Hai là, lúc đầu binh sĩ chính quy được lệnh đàn áp nhưng họ từ chối. Do đó, chính lực lượng Ðịa Phương Quân của Thiếu tá Ðặng Sỹ đã nổ súng. Là Phó tỉnh trưởng Nội an, nhưng ông Sỹ nhận khẩu lệnh trực tiếp từ Đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục. Bài thuyết pháp của Thượng toạ Thích Trí Quang không thể hiện tinh thần bất bạo động của Phật giáo, ngôn ngữ sử dụng là đấu tranh tuyên truyền của Cộng sản để đòi lật đổ chế độ, nên không được phép phát thanh.
Để phản ứng, giới lãnh đạo Phật giáo đã ra yêu sách có năm nội dung: Chính phủ thu hồi vinh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo, cho Phật giáo hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội Truyền Giáo Thiên Chúa, chấm dứt t́ình trạng bắt bớ và khủng bố Phật tử, Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo, bồi thưòng cho nạn nhân và áp dụng hình phạt cho phạm nhân.
Tổng thống Diệm đã nhận ra nguy cơ của vấn đề khi tầm vóc chống đối sẽ còn lan rộng và lâu dài, nhưng ông cố dùng biện pháp mạnh để dập tắt bằng cách bắt giam nhiều vị lãnh đạo Phật giáo và kiểm soát nhiều chùa tại Huế các thành phố khác.
Ngày 10 tháng 5 năm 1963, cuộc biểu tình chống chính phủ đã có trên 10.000 người tham gia. Ngày 30 tháng 5 năm 1963, cảnh sát và mật vụ vây chùa Xá Lợi tại Sài Gòn và các chùa Từ Đàm, Báo Quốc, Linh Quang tại Huế. Ngày 31 tháng 5 năm 1963 một số sinh viên Viện Đại Học Huế họp tại chùa Từ Đàm và kiến nghị chính phủ giải quyết năm nguyện vọng của Phật giáo. Ngày 31 tháng 5 năm 1963, tại Huế, một cuộc biểu tình và tuyệt thực lớn được tổ chức. Tại Chùa Ấn Quang và Chùa Xá Lợi, Sài Gòn, 800 người tuyệt thực. Ngày 3 tháng 6 năm 1963, cảnh sát và quân đội vũ trang chặn đường không cho đoàn biểu tình đến chùa Từ Đàm, đoàn đồng loạt ngồi xuống đường cầu nguyện thì bị cảnh sát dùng lựu đạn cay giải tán. Khi đoàn về tới Bến Ngự thì bị cảnh sát khác tấn công. Ngày 4 tháng 6 năm 1963 cảnh sát phong tỏa các chùa Từ Đàm, Báo Quốc và Linh Quang. Quần chúng kéo lên chùa nhưng bị ngăn lại. Đám đông đồng loạt ngồi xuống đường cầu nguyện. Cảnh sát dùng lựu đạn cay tấn công làm 142 người bị thương. Các chùa hoàn toàn bị cô lập và bị cắt điện nước. Chính quyền đưa tài liệu Cộng Sản vào các chùa rồi lục soát để vu cáo các Tăng Ni và Phật tử theo Cộng Sản. Tại các tỉnh, các chùa đều bị phong tỏa.

Tình hình ngày càng nghiêm trọng, nên Tổng thống Diệm đồng ý lập Ủy ban Liên Bộ để nghiên cứu nguyện vọng của Phật giáo. Nỗ lực đối thoại hai phía không có kết quả. Trong khi chính quyền vẫn duy trì quan điểm xiết chặt, vì thế Ủy Ban Liên Phái Phật giáo quyết định tiếp tục đấu tranh.
Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực hòa giải giữa Phật giáo và chính quyền, Tổng thống Diệm và Ḥoà Thượng Thích Tịnh Khiết ký kết Thông Cáo Chung ngày 16 tháng 6 năm 1963, nội dung quy định về treo cờ tôn giáo, sẽ tách các tôn giáo ra khỏi Dụ số 10 để chờ đạo luật về tôn giáo sẽ do Quốc hội thông qua, chính phủ hứa thả các Phật tử bị bắt, bỏ luật khắt khe về xây chùa Phật giáo cứu xét việc trừng phạt các viên chức có lỗi.
Nhưng thực tế trái ngược. Ngày 18 tháng 6 năm 1963, Tổng thống Diệm gửi mật lệnh cho chính quyền tạm thời nhượng bộ cho Phật giáo, chuẩn bị dư luận để phản công và thanh trừng những nhân viên ủng hộ Phật giáo.
Làn sóng chống đối lan rộng khi Thượng Toạ Thích Quảng Đức tự thiêu vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 tại ngả tư Lê văn Duyệt và Phan Đình Phùng Sài Gòn trước ống kính truyền hình của các ký giả ngoại quốc. Việc tự thiêu lan ra toàn quốc: Ngày 4 tháng 8 năm 1963, Đại đức Thích Nguyên Hương tại Phan Thiết, ngày 13 tháng 8, Đại đức Thích Thanh Tuệ tại Huế, ngày 15 tháng 8 năm 1963, Ni sư Thích Nữ Diệu Quang tại Ninh Hòa, ngày 16 tháng 8 năm 1963, Thượng tọa Thích Tiêu Diêu tại Huế, ngày 25 tháng 8 năm 1963, nữ sinh Quách Thị Trang tử thương trong cuộc biểu tình trước chợ Bến Thành, ngày 7 tháng 9 năm 1963, học sinh các trường Trung học Gia Long, Trưng Vương và Võ Trường Toản bãi khóa, ngày 10 tháng 9 năm 1963, Thiền sư Thiện Mỹ tự thiêu trước Nhà thờ Đức Bà, ngày 5 tháng 10 năm 1963, Đại đức Thích Quảng Hương trước chợ Bến Thành. Cái chết của chư Tăng Ni là ngọn lửa châm ngòi cho Phật giáo đấu tranh mạnh mẽ hơn.
Làn sóng chống đối lan rộng khi Thượng Toạ Thích Quảng Đức tự thiêu
vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 tại ngả tư Lê văn Duyệt và Phan Đình Phùng Sài Gòn
trước ống kính truyền hình của các ký giả ngoại quốc.
Bà Ngô Đình Nhu cho hành động tự  thiêu nầy chỉ là việc "nướng thịt sư."
[She referred to the suicides as “barbecues” and told reporters,
“Let them burn and we shall clap our hands.”]

Tình hình sôi động khi Bà Ngô Đinh Nhu tuyên bố khích động chống lại cuộc đấu tranh. Ngày 1 tháng 8 năm 1963, khi trả lời phỏng vấn của đài CBS, bà tố cáo các lãnh tụ Phật giáo đang mưu toan lật đổ chính phủ và tự thiêu chỉ là việc "nướng thịt sư." Ngày 3 tháng 8 năm 1963, bà lên án Phật giáo vời lời lẽ thiếu lễ độ làm cho mối quan hệ giữa chính phủ với Phật tử và người dân xấu đi.
Cao điểm của tình hình là việc chính phủ ra lệnh thiết quân luật và tổng tấn công vào các chùa trong đêm 20 rạng ngày 21 tháng 8 năm 1963, bắt giam 1.426 Tăng ni và Phật tử. Hai vị lãnh đạo là Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết và Thượng tọa Thích Tâm Châu bị bắt. Thượng tọa Thích Trí Quang cũng bị bắt, nhưng sau đó trốn được vào Tòa Đại sứ Mỹ.
Do đâu mà có lệnh thiết quân luật? Trước tin đồn sinh viên sẽ tổ chức tổng biểu tình, ngày 18 tháng 8 mười tướng lãnh cao cấp đã họp để đối phó và quyết định đầu tiên là quân đội sẽ yêu cầu ông Diệm tuyên bố thiết quân luật. Luật sẽ cho phép quân đội đưa các chư Tăng Ni từ ngoại ô đang cư trú trong các chùa nội thành Sài Gòn về chùa địa phương của họ, trước khi sẽ có biện pháp khác kế tiếp; ông Diệm không tham khảo ý kiến nội các và chấp thuận.
Ngoài mọi dự liệu của quân đội, ngay trước khi chiến dịch bắt đầu, ông Nhu ra lệnh cho cắt đường dây điện thoại ở Ṭoà Đại sứ Mỹ cũng như nhà của các viên chức Mỹ. Mấy ngày sau, họ mới có thể liên lạc được nhau và biết mọi diễn biến. Cuối cùng, Ṭoà Bạch Ốc phổ biến một bản tuyên bố lên án việc tấn công các chùa là vi phạm những cam kết theo đuổi chính sách ḥòa giải của chính phủ theo Thông Cáo Chung ngày 16 tháng 6 năm 1963.
Không những biến động Phật giáo mà bất mãn của Quân đội cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc đảo chính làm sụp đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà.

Bất mãn của quân đội
Nếu giới ngoại giao Hoa Kỳ hoàn toàn bất ngờ trước các diễn biến, thì Quân đội lâm vào tình trạng bất mãn. Họ bị dân chúng đổ tội tấn công các chùa, trong khi thực tế dù lệnh thiết quân luật là một trong các kế hoạch  của Quân đội mà không ai biết về việc ông Nhu trước đó đã ra lệnh cho Lực lượng Đặc biệt gài vũ khí, chất nổ vào các chùa để vu vạ và bất ngờ tấn công các chùa. Bất mãn lên cao khi đài VOA đưa tin tấn công là do quân đội, một bản tin do giới chức Mỹ đưa đi mà không kiểm chứng sự việc này là do Lực lượng Đặc biệt. Tối ngày 23 tháng 8 năm 1963, Trung tướng Trần Văn Đôn, Tham mưu Trưởng Quân đội, gặp Trung tá Lucien Conein, nhân viên CIA, để giải thích sự tình và yêu cầu Mỹ đính chánh.

Quân đội bất mãn việc tiếm quyền của ông bà Nhu đã có từ lâu, nhưng trầm trọng nhất phát sinh sau khi ông Nhu liên lạc với Hà Nội. Ngày 25 tháng 8 năm 1963, Tướng Nguyễn Khánh nói với một viên chức Mỹ rằng các tướng sẽ chống giải pháp trung lập hóa miền Nam. Đại sứ Nolting còn cho biết thêm là ông Nhu đã có nhiều cuộc gặp gở với Hà Nội trong mùa hè năm 1963 qua trung gian Mieczylaw Maneli, Đại diện Ba Lan ở Ủy Hội Kiểm Soát Quốc Tế ICC, Đại sứ Pháp Roger Lalouette, Đại sứ Ấn, Ramchundur Goburdhun, Đại sứ Ý Giovanni Orlandi và Khâm sứ Vatican  Đức Ông Salvatore d‘Asta. Nhưng vai trò chính là Pháp, vì Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle muốn trung lập hóa Việt Nam để Pháp trở lại: Đông dương trở thành viên ngọc trong hào quang vĩ đại của nước Pháp. Kennedy xem ông Nhu đơn phương thương thuyết với đối phương là phản bội lòng tin của Mỹ.
Thực ra, Tướng Tôn Thất Đính cho tin là ngay từ đầu năm 1963 ông Nhu đã gặp Tướng Văn Tiến Dũng tại Huế, ông Cao Xuân Vỹ xác nhận ông Nhu đã tiếp xúc với gặp Phạm Hùng và Trần Độ tại Bình Tuy. Dù giới lãnh đạo Bắc Việt chỉ trích ông Diệm, nhưng đã bày tỏ thiện chí hoà giải với miền Nam. Nhân dịp đầu xuân âm lịch 1963, họ đã gởi tặng ông Diệm một cành đảo được chưng tại Dinh Độc lập. Bắc Việt hy vọng sẽ hỗ trợ ông Diệm để yêu cầu người Mỹ ra đi. Trên căn bản này, miền Bắc sẽ trao đổi than và các vật liệu kỹ nghệ khác để đổi lấy gạo và lương thực khác với miền Nam. Đó là lý do vì sao Việt Cộng không tấn công quân sự vào cuối tháng 8 năm 1963. Ông Nhu cho các tướng lãnh biết thương thuyết với Hà Nội mà không sợ Mỹ cắt viện trợ, vì cuộc chiến sẽ kết thúc. Tin tình báo cho biết là ông Nhu hút nha phiến và mang bệnh ảo tưởng; ngôn ngữ ông dùng cho thấy bị bệnh tâm thần.
Chứng cớ ngày càng nhiều về sự bất mãn nghiêm trọng của Phật giáo và quân đội, đây là thời kỷ khủng hoảng nhất cho Tổng thống Diệm kể từ ngày chấp chánh. Nhưng ông Diệm quan tâm việc trước mắt duy nhất là quân đội sẽ đảo chính, tin đang loan truyền trong chính giới và quần chúng, trong khi tầm vóc khủng hoảng lan rộng đến phạm vi quốc tế Liên Hiệp Quốc vào cuộc điều tra.

Liên Hiệp Quốc vào cuộc
Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã đến Việt Nam từ ngày 24 tháng 10 năm 1963 đến ngày 3 tháng 11 năm 1963 để điều tra về các vi phạm tự do tôn giáo. Bản Phúc trình A/5630 bằng Anh ngữ dài 93 trang của phái đoàn trình lên kỳ họp thường niên lần thứ 18 của Đại Hội Đồng với tiêu đề chính là “Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam
Nội dung của bản Phúc trình gồm có các điểm: Điều 44 Dụ số 10 là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng tôn giáo, khi tách riêng Thiên Chúa giáo như một ngoại lệ. Việc bắt giam hàng loạt Tăng ni Phật tử không chứng cứ là có thật. Chính phủ thừa nhận khoảng 300 người còn bị giam. Lãnh đạo Phật giáo hoàn toàn hoạt động độc lập, không mang mục đích chính trị và bị Cộng sản kích động. Những cáo buộc cho Thượng tọa Thích Trí Quang đã sử dụng phong trào Phật giáo như một công cụ phục vụ mưu đồ chính trị là việc quy chụp. 
 
Trang Mục lục của Phúc trình số A/5630 của
Phái  đòan Liên Hiệp Quốc Điều tra Nam Việt Nam
(Report of the United Nations Fact-Finding Mission to South Viet-Nam).
Xem chi tiết nội dung Phúc trình nầy tại đây:

Tin đồn đảo chính
Do đâu mà có tin đồn đảo chính? Ngày 23 tháng 8 năm 1963, Tướng Lê văn Kim, Tham Mưu Phó của Tướng Đôn, cho Rufus Phillips, Giám đốc Ủy ban Hoa Kỳ về Bình định và Phát triển Nông thôn, biết là ấn tượng xấu mà dân chúng gán cho quân đội sẽ làm khó khăn hơn trong việc chống Cộng. Nguyên nhân mọi biến động là do việc tiếm quyền của ông bà Nhu. Loại trừ ông bà Nhu ra khỏi guống máy thì quân đội và dân chúng sẽ đoàn kết với chính quyền. Tướng Kim thăm dò phản ứng của Mỹ về việc đảo chính xảy ra: nếu Mỹ ủng hộ việc giữ lại ông Diệm và bỏ ảnh hưởng của gia đình họ Ngô và bè phái là tốt.
Theo CIA, trong giai đoạn này, có ít nhất mười nhóm âm mưu đảo chính của các tướng tá trẻ. Chính áp lực này làm cho tướng Trần Văn ĐônLê Văn Kim và Dương Văn Minh phải quyết định hành động để ngăn ngừa khủng hoảng trầm trọng hơn. Ý tưỏng này là khởỉ đầu cho Mỹ can thiệp chính thức vào việc đảo chính. Từ đó, Lucien Conein, đặc vụ của CIA, trở thành đầu mối liên lạc với tướng Đôn. Tuy nhiên, cho tới giữa tháng 9 năm 1963, chính phủ Mỹ khỏng chính thức lên tiếng ủng hộ hay chống đối với ý định đảo chính của các tướng lãnh.
Phật giáo làm gì? Bằng chứng cho thấy là tất cả các vị lãnh đạo Phật giáo không tham gia hay giữ một vai trò nào liên quan đến đảo chính. Đặc biệt nhất là Thượng tọa Thích Trí Quang, một biểu tương của phong trào, không tiếp xúc với ai bên ngoài Tòa Đại sứ Mỹ, nơi ông xin lánh nạn, trước và sau khi đảo chính.

Chống đảo chánh thật và chống Mỹ
Để đối phó, chính phủ ra lệnh thuyên chuyển các tướng lãnh trung thành nắm quyền tư lệnh các Vùng Chiến thuật. Tướng Tôn Thất Đính từ Vùng II chuyển về Vùng III, tướng Huỳnh Văn Cao về Vùng IV, tướng Nguyễn Khánh ra Vùng II, tướng Đỗ Cao Trí ra Vùng I. Hai lực lượng tin cậy là Lực lượng Đặc biệt do Đại tá Lê Quang Tung làm Tư lệnh và Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng Thống do Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi làm Tư lệnh, được lệnh sẵn sàng đối phó đảo chính.
Ông bà Nhu bày tỏ lòng căm thù Mỹ qua báo chí Việt và Mỹ. Trong bài viết cho báo Times số tháng 9, bà Nhu cho là báo chí Mỹ tường thuật sai lệch và chính giới Mỹ can thiệp thô bạo nên làm cho tình hình nghiêm trọng. Bà cáo buộc Đại Sứ Lodge đang muốn loại bỏ hoặc ám sát bà trong khi ông Diệm lệ thuộc vào bà để có sức chống Cộng và các kẻ thù khác.
Trên báo chí Việt ngữ, bà Nhu tố cáo CIA đang âm mưu đảo chánh. Có nhiều tin đồn cho là bà Nhu dự tính sẽ ám sát một số viên chức Mỹ. Denis Warner, một phóng viên người Úc cho tin là ông Trần Văn Khiêm, em trai bà Nhu, có cho xem một danh sách cố vấn quân sự Mỹ sẽ bị ám sát qua một đơn vị cảnh sát đặc biệt. Đại sứ Nolting nêu việc này với ông Diệm; ông Diệm phủ nhận và cho rằng ông Khiêm có thể có một số trách nhiệm an ninh đặc biệt.
Ông Nhu tương kế tựu kế khi soạn kế hoạch đảo chánh giả để tiêu diệt mưu toan của phe đảo chánh thật. Theo dự kiến, sau lễ Quốc khánh ngày 26 tháng 10 năm 1963, tướng Đính sẽ cùng đại tá Tung kết hợp thực hiện chiến dịch Bravo qua hai giai đoạn
Giai đoạn Bravo 1: Hai ông Diệm và Nhu sẽ ra Vũng Tàu lập một bộ chỉ huy có đầy đủ phương tiện liên lạc; đại tá Tung sẽ gởi một vài đơn vị ra khỏi Sài Gòn, nói là đi hành quân, để lừa người Mỹ các tướng đang mưu toan đảo chánh; trong khi các lực lượng trung thành sẽ bố trí quanh Sài Gòn. Các đơn vị cảnh sát tạo ra đảo chánh giả; một chính phủ cách mạng giả hiệu sẽ ra tuyên cáo về chương trình mới.
Giai đoạn Bravo 2: Các tướng Đính và Cao giả vờ như tái chiếm thành phố. Cuối cùng, hai ông Diệm và Nhu sẽ trở về từ Vũng Tàu. Nhưng đảo chánh giả đã không xảy ra, vì tướng Đính đã ngã sang phía Hội đồng Quân nhân Cách mạng vào những ngày cuối.

Mối quan hệ Việt-Mỹ trước ngày đảo chính
Henry Cabot Lodge đến Sài G̣òn lúc 9 giờ 30 tối ngày 22 tháng 8 năm 1963 trong bầu không khí căng thẳng và mù mịt thông tin. Roger Hilsman, Phụ tá Ngoại trưởng về Viễn Đông Sự vụ, Bộ Ngoại giao, muốn Lodge phúc trình nội tình của Việt Nam: Ai thực sự nắm quyền, Quân đội, ông Diệm hay ông bà Nhu và triển vọng của đảo chính.
24 giờ sau, Lodge trả lời là không có đảo chánh, nhưng có vẻ như quyền lực của ông bà Nhu không suy giảm, tình hình vẫn chưa rõ ràng là thế lực nào nắm quyền điều hành.
Sau đó, Lodge lần lượt cho biết thêm chi tiết: Ông Nhu còn chủ động nằm quyền và được ông Diệm tín nhiệm. Ông Nhu sai lầm là không báo tin cho các tướng lãnh khi tự ý sử dụng Lực lượng Đặc biệt tấn công các chùa. Các tướng Đôn, Đính và Tung không có bất mãn chế độ. Chống ông bà Nhu mà không có hậu thuẩn quân đội tại Sài Gòn là mạo hiểm. Nếu Đài VOA không cải chính tin như quân đội yêu cầu sẽ làm cho dân chúng càng tin rằng trách nhiệm bất ổn là do quân đội; chính quyền Mỹ không lên tiếng thì cũng có nghĩa là theo lập trường này.
Lodge đã lần lượt có nhiều văn thư thảo luận với các giới chức cao cấp khác trong chính quyền Mỹ về lập trường đảo chính. Chủ đề chính là vai trò của ông Nhu, loại bỏ ông Nhu và duy trì ông Diệm hay loại bỏ cả hai, ảnh hưởng của bất ổn chính trị đến công cuộc chống Cộng và vai trò của Hoa Kỳ trong thời kỳ chuyển tiếp.

Trong phúc trình cho Washington, Lodge kết luận là ông Nhu đã tự sắp xếp để giử chức chỉ huy khi lợi dụng thiết quân luật của Quân đội và sự chấp thuận của ông Diệm. Ông Nhu sử dụng lực lượng trung thành của mình để đàn áp Phật giáo và đánh lừa công luận. Mỹ không thể chấp nhận tình trạng này và phải tạo áp lực loại bỏ ông Nhu và thay đổi nhân sự có hiệu năng. Nếu thuyết phục ông Diệm không có kết quả thì Mỹ sẽ không còn giử ông Diệm nửa.
Điện văn 243 ngày 24 tháng 8 năm 1963 của Washington trả lời cho Lodge và thông báo kết quả của các biện pháp mới được đồng thuận: Mỹ không đồng ý việc chính quyền ông Diệm đàn áp Phật giáo và ông Diệm phải cải cách; Lodge có quyền tham khảo tại chổ về việc tìm bộ máy thay thế; tìm các tướng nào thích hợp để thông báo sự yểm trợ của Washington; tin tức về việc quân đội tấn công các chùa là sai lạc và đài VOA phải cải chính. Thoạt đầu, Tổng Thống lúc đó đang ở Hyannis Port và Rusk ở New York không tán thành nội dung Điện văn 243. Nhưng cuối cùng, Tổng thống Ngoại Trưởng thông qua. McNamara và McCone đều vắng mặt vì đang nghỉ phép, chỉ có Gilpatric thuộc Bộ Quốc Phòng và Tướng Taylor của JCS đồng ý. Sử gia Schlessinger cho là việc soạn thảo điện văn đồng thuận lập trường lật đổ trong hoàn cảnh vội vã vào cuối tuần nội dung cân nhắc chưa đúng mức.
Ngày 26 tháng 8 năm 1963 Lodge trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Diệm trong khi đài VOA đưa tin Mỹ có thể cắt giảm viện trợ nếu ông Diệm không làm sáng tỏ vụ tấn công các chùa và loại bỏ các viên chức chịu trách nhiệm. Sau đó, do áp lực của Lodge, đài VOA đính chánh việc Mỹ cắt viện trợ.
Tin tức và nhận định tình tình hoàn toàn trái ngược nhau. Đại sứ Lodge nói rằng có 10 âm mưu đảo chánh và Mỹ không có cách nào ngăn chận, nhưng chỉ nhóm các tướng lãnh là có kế hoạch khả thi. Ngày 14 tháng 9 năm 1963, Bộ Ngoại Giao Mỹ tin là chế độ nhà Ngô phải bị lật đổ, trong khi Bộ Quốc Phòng Mỹ và CIA không cùng quan điểm này
Ngày 16 tháng 9 năm 1963, Kennedy chỉ thị một pháí đoàn sang Việt Nam  để khảo sát tình hình trước khi có một đồi sách thích hợp. Ngày 23 tháng 9 năm 1963, McNamara, Tướng Taylor và một số viên chức cao cấp sang Việt Nam xem có thể giữ Tổng thống Diệm không. Ngày 2 tháng 10 năm 1963, phái đoàn báo cáo cho Kennedy rằng Mỹ phảỉ áp lực ông Diệm cải tổ triệt để và loại trừ ông bà Nhu.
Sau đó, Đại sứ Lodge xác nhận thêm là trực tiếp liên hệ với các tướng lãnh và cho biết là Mỹ sẳn sàng giử ông Diệm, còn việc giử ông Nhu là do các tướng quyết định. Ông Diệm không biết các cuộc gặp này.
Trong khi đó, Richardson của CIA báo cáo về Washington là ông Diệm sẽ không loại trừ ông Nhu và Mỹ cần tìm hiểu vấn đề quyết tâm và đoàn kết của các tướng lãnh. Mỹ cũng sẽ ngưng tiếp xúc với ông Diệm cho đến khi tình hình sáng tỏ hơn.
Vào ngày 30 tháng 10 năm 1963, trong một điện văn gửi cho Đại sứ Lodge,  Toà Bạch Ốc chỉ thị rằng “Chúng ta không thể chấp nhận kết luận rằng chúng ta không có sức mạnh để trì hoãn hay khuyến cáo hủy bỏ cuộc đảo chánh.”  Một điện văn kế tiếp ra lệnh Lodge vận động các tướng lãnh hủy bỏ cuộc đảo chánh, nếu Lodge không tin là cuộc đảo chánh sẽ thành công, yêu cầu Lodge “tuyệt đối không liên hệ gì tới đảo chánh và giữ thái độ trung lập“.
Trong thời điểm này, phản ứng của chính giới và công luận người Việt khá mạnh mẻ. Ông Trần văn Chương, Đại sứ Việt Nam tại LHQ, bà Thân thị Nam Trân, Quan sát viên tại LHQ, thân sinh bà Nhu, đồng loạt từ chức và lên tiếng phản đối. Giáo sư Vũ văn Mẩu, Bộ trưởng Ngoại giao, Khoa trưởng Đại học Luật khoa từ chức. Sinh viên đại học Y khoa và Dược khoa xuống đường ủng hộ. Biểu tình tiếp tục lan đến các trường trung học và chính phủ quyết định đóng cửa Đại học Sài gòn. 
Diễn biến đảo chánh
Ngày 2 tháng 10 năm 1963  tại Nha Trang, Tướng Đôn cho Conein biết là Quân đội quyết định đảo chính Tướng Minh sẽ gặp Conein để thảo luận chi tiết. Trong hai ngày 5 và 10 tháng 10 năm 1963, Tướng Minh gặp Conein ở trại Lê Văn Duyệt; hai người dùng tiếng Pháp. Tướng Minh cho biết là đối với anh em ông Diệm, Quân đội có ba chọn lựa: thứ nhất là ám sát vợ chồng ông Nhu và ông Cẩn; thứ hai bao vây Sài Gòn làm áp lực đòi ông Diệm cải tổ; và thứ ba là đánh tan Lực lượng Đặc biệt và Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng Thổng phủ rồi mới gặp ông Diệm để đưa yêu sách. Trong cả ba trường hợp, Quân đội đều duy trì ông Diệm làm nguyên thủ quốc gia, chỉ triệt tiêu quyền lực của gia đình ông Diệm. Tướng Minh không yêu cầu Mỹ yểm trợ mà chỉ yêu cầu không ngăn chận cho cuộc đảo chính diễn tiến và sau ngày cách mạng thành công, xin Mỹ tiếp tục chương trình viện trợ để miền Nam chống Cộng và xây dựng dân chủ.
Ngày 28 tháng 10 năm 1963 Tướng Đôn tiếp xúc chính thức đầu tiên với ông Lodge tại phi trường Tân Sơn Nhất trong buổi tiễn ông Diệm đi Đà Lạt, ông Lodge được ông Diệm mời tháp tùng trong chuyến kinh lý này. Đại sứ Lodge cho Tướng Đôn biết Mỹ ủng hộ cho Quân đội thay đổi chế độ và muốn biết thời điểm phát động. Nhưng Tướng Đôn từ chối và cho rằng thuộc về nội bộ của người Việt. Ngay tối hôm đó, Conein đến gặp tướng Đôn và muốn biết chi tiết để có những biện pháp an ninh cho các cơ sở và nhân viên, một lần nữa tướng Đôn từ chối và chỉ hứa cho biết trước 4 giờ khi khởi động. Thực tế cho thấy, Tướng Đôn chỉ báo tin cho phía Mỹ biết trước đó 4 phút.
Ngày 29 tháng 10 năm 1963 tướng Đính chuẩn bị cho cuộc đảo chính. Ông ra lệnh đưa Lực lượng Đặc biệt, đơn vị trung thành với chính phủ, đi ra vùng Hố Bò, Củ Chi xa Sài Gòn truy quét Cộng sản, để họ không thể ứng cứu.
Sáng ngày 31 tháng 10 năm 1963, Tướng Đính ra lệnh cấm trại toàn thể quân đoàn Vùng III Chiến thuật và cho một đơn vị tới Bắc Mỹ Thuận tịch thu hết tất cả tàu bè để cản đường của Quân đoàn IV về thủ đô.
Chiều 31 tháng 10 năm 1963, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5 cho các đơn vị án ngữ ở ngã ba xa lộ Biên Hòa và Quốc lộ 15 đi Vũng Tàu; các đơn vị của Đại tá Nguyễn Hữu Có án ngữ tại Phú Lâm, con đường từ Lục tỉnh về Sài gòn, các đơn vị của Thiếu tướng Mai Hữu Xuân án ngữ các con đường miền Tây; các đơn vị của Đại tá Vĩnh Lộc án ngữ các con đường khác. Do đó, các trục lộ chính tiến quân về thủ đô bị phong toả.
Trong cuộc họp buổi tối tại Bộ Tổng Tham Mưu để thành lập Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, Tướng Minh đề nghị tất cả tướng lãnh tham dự  đảo chính. Các Tướng Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Nguyễn Hữu Có, Đỗ Cao Trí, Nguyễn Khánh, Trần Ngọc Tám, Lê Nguyên Khang và nhiều tướng lãnh khác hưởng ứng, trừ 5 người phản đối đó là Đại tá Cao Văn Viên từ chối tham gia, nhưng sau đổi ý; 4 người khác phản đối gồm có Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, Thiếu tá Nguyễn Đức Xích, Đại tá Lê Quang Tung, Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền. Đến 10 giờ đêm, Tướng Minh ra lệnh cho tất cả các tướng tá có mặt xưng danh để được phát thanh trên đài Sài Gòn.
Cao điểm
Lúc 12 giờ 10 ngày 1 tháng 11 năm 1963, Tổng thống Diệm được tin đảo chính; ông và ông Nhu xuống hầm bí mật trong dinh Gia Long và liên lạc với các Tướng Khiêm và Đính yêu cầu ứng cứu.
Vào 1 giờ 30 chiều, Tướng Mai Hữu Xuân chặn được đơn vị của Lực lượng Đặc biệt đóng tại Tân Sơn Nhất, đồng thời các ngả đường tiến vào Sài Gòn. Trung tá Nguyễn Cao Kỳ nắm quyền Tư lệnh Không quân cho phi cơ lượn trên không phận Sài Gòn để uy hiếp các lực lượng chống đảo chính. Lữ đoàn Thủy quân lục chiến của Thiếu tá Nguyễn Bá Liên chiếm Tổng nha Cảnh sát. Sau khi đơn vị của Đại tá Phạm Ngọc Thảo chiếm được Đài Phát thanh Sài Gòn, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng lên đài tuyên bố lý do lật đổ chế độ, kêu gọi ông Diệm đầu hàng, hứa cho xuất ngoại và kêu gọi đồng bào hậu thuẫn cho cuộc đảo chính.
Khoảng nửa đêm, tất cả các quân đoàn trên toàn quốc đã nằm dưới sự kiểm soát của phe cách mạng, trừ dinh Gia Long còn nằm trong tay quân Phòng Vệ Phủ Tổng thống, đang tìm cách phản công để tái chiếm Đài Phát thanh, nhưng không thành công, rạng sáng ngày 2 tháng 11 buông súng đầu hàng.
Ông Diệm gọi điện thoại cho Tướng Đôn đề nghị đối thoại với các tướng lĩnh để "tìm ra con đường củng cố chế độ". Tướng Đôn trả lời là sẽ bàn với các tướng khác về đề nghị của Tổng thống, nhưng có lẽ đã quá trễ. Phe đảo chính hành động là để "đáp lại nguyện vọng của nhân dân, các tướng đã đề nghị cải cách nhiều lần nhưng không được đáp ứng.“
Lúc 4 giờ 30 chiều, ông Diệm gọi điện thoại cho đại sứ Mỹ Lodge để thăm dò thái độ của người Mỹ. Ông đề nghị sẽ thực hiện các yêu cầu của người Mỹ. Lodge khuyên ông Diệm từ chức và lưu vong như mong muốn của phe đảo chính. Ông Diệm cho rằng người Mỹ đã bật đèn xanh với âm mưu đảo chính của các tướng lĩnh.
Đến 6 giờ 30, ông Diệm gọi lại Tướng Đôn, nhưng Tướng Đôn báo là phe đảo chính đòi hỏi hai anh em ông Diệm phải rời khỏi nước. Ông Diệm đặt điều kiện là phải cho ông ra đi với các nghi thức danh dự nhưng bị từ chối.
8 giờ tối Tổng thống Diệm và ông Nhu cùng 2 sĩ quan tùy viên, Đại úy Đỗ Thọ và Đại úy Bằng, trốn về nhà Mã Tuyên, Tổng Bang trưởng của người Hoa ở Chợ Lớn.
Khoảng 10 giờ đêm, từ nhà Mã Tuyên, ông Diệm gọi điện thoại cho Tướng Minh và cho biết bằng lòng ra đi nhưng chỉ với nghi lễ quân cách. Ngược lại, Tướng Minh cho ông âm thầm ra đi và nặng nề lên án chế độ là độc tài, gia đình trị, tham nhũng, thối nát làm cho quê hương nguy biến, dân chúng điêu linh và quân đội bất mãn và thất trận.
Trong cuộc điện đàm lần cuối này, ông Diệm tức giận và khiển trách ông  Minh. Theo giải thích của Tướng Đỗ Mậu, cả hai không còn dùng ngôn ngữ  tương kính cho nhau, đó là lý do duy nhất mà Tướng Minh không còn khoan dung với ông Diệm nữa. Quyết định thay đổi này là không ai biết. trong khi trước đó, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đồng thuận cho việc giử ông Diệm và có thông báo cho phía Mỹ biết.
Sáng sớm ngày 2 tháng 11, từ nhà Mã Tuyên, hai ông sang dự thánh lễ tại nhà thờ Cha Tam. Tại đây, Tổng thống Diệm ra lệnh cho Đỗ Thọ gọi về Bộ Tổng tham mưu thông báo là đang ở Nhà thờ Cha Tam.
Khoảng 7 giờ sáng ngày 2 tháng 11, tướng Mai Hữu Xuân, Đại tá Dương Ngọc Lắm, Đại tá Nguyễn Văn Quan, Đại úy Nguyễn Văn Nhung và Đại úy Dương Hiếu Nghĩa và Đại úy Phan Hòa Hiệp tới nhà thờ cha Tam để đón hai ông. Họ đi với 3 chiếc xe Jeep, 2 chiếc Thiết giáp M113, 2 chiếc GMC chở đầy lính vũ trang. Đại tá Lắm tuyên bố áp giải hai ông lên xe thiết giáp M.113. Ông Nhu phản đối cung cách áp giải và đòi liên lạc với tướng  Đôn và Đính nhưng bị từ chối. Trên đường về Bộ Tổng tham mưu, Tổng thống Diệm và ông Nhu bị Đại úy Nguyễn Văn Nhung hạ sát theo lệnh của  Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. [Cho đến nay, chưa có tài liệu Việt Nam hay ngoại quốc khả tín nào xác định được một cá nhân nào, hay những nhân vật nào, hay toàn bộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đã ra lệnh nầy. Tất cả mọi thông tin hiện hữu đều chỉ là giả thiết hoặc đồn đoán – Xem thêm phần Kết Luận của bài viết nầy – Blog HBG]
Khoảng 10 giờ ngày 2 tháng 11, Đài phát thanh Sài Gòn loan một tin vắn tắt: "Anh em ông Diệm bị bắt tại Chợ Lớn và đã tự tử!". Thi hài anh em Tổng thống Diệm được âm thầm an táng trong vòng thành Bộ Tổng tham mưu, về sau cải táng ra Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi và hiện nay đưa về Bình Dương.
Ngày 3/11/1963, nhân dân thủ đô Sài Gòn tràn ra đường, vui mừng chăng biểu ngữ
"... NHIỆT LIỆT ỦNG HỘ CUỘC CÁCH MẠNG CỦA QUÂN ĐỘI“

Cơ hội cho Kennedy tái lập hoà bình?
Xúc động trước cái chết của Tổng thống Diệm và Bào Đệ, Kennedy cho biết việc mưu sát của phe đảo chính là biến cố thương đau ngoài dự liệu ngoại giao của Mỹ. Kenneny bị mưu sát vào lúc 12 giở 30 ngày 22 tháng 11 năm 1963 tại Dallas. Vấn đề cho các sử gia về sau nhìn lại là lúc còn sống, Kennedy có cơ hội để tái lập hoà bình cho Việt Nam không. Câu trả lời chung là có, nhưng Kennedy không nhận ra hoặc thiếu kiên quyết hành đông
Giới quân sự lập luận là MTGPMN còn trong thời kỳ phôi thai, muốn tiêu diệt VNCH phải đấu tranh toàn diện, cho dù Quốc sách Ấp Chiến Lược có nhiều sai lầm, gây bất mãn cho nông dân. Do đó, giải pháp Mỹ tiến hành chiến dịch Bình định Nông thôn và hành quân bộ binh ngay từ đầu, khi MTGPMN bắt đầu phát triển cơ sở, thay vì để cho Johnson thực hiện về sau. Kennedy không kết hợp các thành quả xây dựng này khi không nhận ra cơ hội đã đến. Gởi 16300 cố vấn quân sự sang Việt Nam vào tháng Mười Một năm 1963 (số thương vong là 78), dĩ nhiên là không đủ để đáp ứng cho tình hình. Trở ngại chính một phần là do phản ứng đầy tự ái dân tộc của Tổng Thống Diệm, một phần do thiếu kiên quyết của Kennedy gây áp lực triệt để cho Tổng thống Diệm thực thi. Tài liệu giải mật cho thấy, Kennedy không còn tin khả năng của ông Diệm và chỉ muốn rút quân sau khi thắng cử.
Giới ngoại giao nhận ra rằng tình hình quốc tế biến chuyển thuận lợi, ngay trong muà hè 1963 một giải pháp bằng hoà đàm cho Việt Nam là hiện thực.

Sau vụ suýt đụng độ tại Cu Ba vào tháng Mười năm 1962, mọi lo sợ về hai hệ thống bom nguyên tử có khả năng huỷ diệt của Mỹ và Liên Xô không còn đe doạ và đường giây điện thoại đỏ giữa Washington và Moscow đựợc thành lập. Vào tháng Sáu năm 1963, Mỹ ký với Liên Xô một thoả ước ngưng sử dụng và thử nghiệm vũ khí nguyên tử; vào tháng Tám, Mỹ ký với Anh một thoả hiêp tương tự. Hai thành quả ngoại giao này của Mỹ cho phép kết luận là đấu tranh trực diện giữa siêu cường quốc tế là đã tránh được và các xung đột vũ trang tại địa phương có thể giải quyết bằng hoà đàm.
Kennedy không nhận ra thuận lợi này mà luôn bị ám ảnh chiến tranh Việt Nam sẽ trầm trọng hơn khi Nga-Hoa hợp tác. Đây là một kịch bản đã luôn ám ảnh cho Kennedy, nhưng đã không bao giờ xảy ra. Một lý do khác là bang giao Pháp-Mỹ đang bắt đầu căng thẳng, chủ trương Trung lập hoá Đông Dương của De Gaulle không thu hút công luận Mỹ và Việt và nhất là tranh chấp trong khối NATO là nguyên nhân dẫn đến các xung đột khác về sau.
Nhưng theo MacNaughton và McNamara, Kennedy không thảo luận một chủ đề cơ bản: Sự cam kết của Hoa Kỳ tại miền Nam còn có ý nghiã gỉ? Vấn đề động lực thúc đẩy cho Mỹ gắn bó với Việt  Nam cần được làm sáng tỏ hơn. Việt Nam không là một thị trường thu hút về tiêu thụ hay cung cấp nguyên liệu mà là nơi Mỹ thể hiện lý tưởng về việc xây dựng quốc gia, thành trì chống Cộng và uy tín ngoại giao đối với thế giới.
Theo MacNaughton ước lượng: những nỗ lực của Mỹ gồm có 60% là cứu vớt uy tín của Mỹ trong lĩnh vực ngoại giao, 30% là ngăn chận sự xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc và CSBV tại miền Nam và 10% là lo nâng cao mức sống cho dân miền Nam.

Về sau, khi nhìn lại toàn bộ bối cảnh xung đột, McNamara cho rằng: "Chúng ta đã không nêu lên năm vấn đề quan trọng: Sụp đổ miền Nam có kéo theo sự sụp đổ của Đông Nam Á và đe doạ cho an ninh phương Tây không? Một loại chiến cuộc nào, quy ước hay du kích, sẽ thành hình tại miền Nam? Khi Quân đội Mỹ hợp tác với miền Nam, liệu chúng ta có thằng không? Chúng ta có biết trả lời các câu hỏi này trước khi quyết định gởi quân đến miền Nam không?”. Dĩ nhiên, Kennedy và các tổng thống kế nhiệm đã không nghiêm túc trả lời các câu hỏi này, kể cả McNamara.
Hơn ai hết, McNamara không am tường văn hoá Việt Nam và thể hiện tương kính khi đến Việt Nam; ông thản nhiên mặc quần ngắn mùa hè trong khi chính quyền tiếp đón theo lể nghi quân cách dành cho một quốc khách và mang quốc phục trang trọng. McNamara thể hiện tinh thần đạo đức giả khi trong nội tâm không tin Mỹ sẽ thắng cuộc, nhưng ngoài mặt ông đã đến từng các Sư đoàn và các tỉnh của VNCH tổ chức các buổi lể và hô hào chung là chúng ta sẽ chiến thắng. Thái độ này đã bị chỉ trích sau khi sách của ông ra đời.

Kết luận
Lịch sử thường được viết bởi phe thắng cuộc. Việt Nam cũng không thể thoát khỏi ngoại lệ này. Nhưng 55 năm trôi qua, với các tư liệu mới, ba sự thật của cuộc chính biến 1963 đã phơi bày. Do đó, đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn khác hơn với các tuyên truyền của phe thắng cuộc.
Một là, chế độ miền Nam làm tay sai cho đế quốc Mỹ, ông Diệm được Mỹ trọng dụng và cho phép Mỹ xâm lăng. Tài liệu của Hower Jone, Robert McNamara, John M. Newman, James K. Galbraith và CIA chứng minh ngược lại: Tổng thống Diệm không được Eisenhower và Kennedy tín nhiệm trong vai trò lãnh đạo đất nước; ông Diệm phản đối gay gắt việc Mỹ can thiệp, vì lý do tinh thần độc lập dân tộc và quyền dân tộc tự quyết. Ông bà Nhu chống Mỹ công khai. Ông Nhu đơn phương thương thuyết với miền Bắc gây hoang mang cho chính giới Mỹ và các tướng lãnh miền Nam. Miền Bắc quan tâm đến việc trao đổi hàng hoá của miền Nam hơn là tấn công quân sự.
Hai là, hai chính sách của Kennedy và Johnson liên tục trong quyết định leo thang chiến tranh. James Galbraith John M. Newman chứng minh ngược lại: Kennedy quyết định rút quân khỏi miền Nam. Sau cuộc đảo chính, Kennedy tái xác định mục tiêu "đưa người Mỹ ra khỏi nơi đó". Trước khi công du tại Texas, Kennedy yêu cầu Mike Forrestal xem lại toàn bộ biện pháp để Mỹ có thể rút khỏi Việt Nam. Do đó, Kennedy không có ý chí leo thang chiến tranh. Ông bị mưu sát và kế hoạch đều không thành.
Ba là, Mỹ chủ mưu đảo chính. Hồi ký của Tướng Đôn và Đỗ Mậu chứng minh ngược lại: chế độ của Tổng thống Diệm là độc tài, gia đình trị và tham nhũng, làm cho quê hương nguy biến, dân chúng điêu linh và quân đội bất mãn và thất trận. Đàn áp Phật giáo và bất mãn của Quân đội là hai nguyên nhân chính dẫn đến việc đảo chính, mục tiêu Quân đội là để "đáp lại nguyện vọng của nhân dân“. Tài liệu giả mật của CIA cho thấy là Mỹ yêu cầu Lodge “tuyệt đối không liên hệ gì tới đảo chánh và giữ thái độ trung lập.“
Như vậy, Quân đội quyết định hoàn toàn độc lập và ý kiến tương thuận của phía Mỹ chỉ hỗ trợ, Mỹ không chủ mưu đảo chính và quyết định sát hại hai ông Diệm và ông Nhu. Gần đây, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ lần lượt cho giải mật các tư liệu về cái chết của Kennedy, mà qua đó có thể hé lộ ít nhiều bí ẩn liên quan đến cái chết của Tổng thống Diệm. Dĩ nhiên, vấn đề còn cần thời gian để trả lời.

Dù vậy, hai bí ẩn chính vẫn còn tồn đọng là vai trò của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng và Thượng toạ Thích Trí Quang.
Một là Quân đội đồng thanh quyết định giử ông Diệm trong vai trò nguyên thủ quốc gia, chỉ loại trừ gia đình họ Ngô ra khỏi guồng máy chính quyền. Vào giờ chót, hai anh em ông bị hạ sát. Tại sao có thay đổi quyết định đột ngột? Ai quyết định và thủ tục đồng thuận? Tướng Minh hay Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng? Người trong cuộc phải có can đảm lên tiếng. Nhưng Tướng Minh không công khai trình bày và các tướng lãnh khác chỉ suy đoán các diễn biến. Do đó, cho dù Tướng Minh và các tướng lãnh khác trong Hội Đồng đã ra đi và Tướng Trần Thiện Khiêm còn im tiếng, động cơ thúc đẩy cho quyết định vội vàng này còn cần tìm hiểu,
Hai là vai trò của Thượng toạ Thích Trí Quang trong phong trào Phật giáo đấu tranh mà nhiều sách vở đã bàn đến: Cộng Sản hay CIA? Lật đổ chế độ hay bảo vệ đạo pháp? Thành công trong năm 1963, thất bại trong năm 1966 và thất sủng sau năm 1975? Là người trong cuộc, Thượng toạ phải lên tiếng biện minh cho hành động của mình. Trong sách Trí Quang tự truyện (2011), Thượng toạ không soi sáng các vấn đề mà độc giả quan tâm. “Tôi không biết gì, không có ý gì nên cuộc đời tôi không vẫn hoàn không“. Đó là kết luận né tránh của tác giả và gây hoàn toàn thất vọng cho độc giả.
Vấn đề không phải là Tướng Minh và Thượng toạ Thích Trí Quang có công hay tội với hậu thế, quyết định là sáng suốt hay sai lầm, nhưng tại sao cả hai có can đảm quyết định gây vang động trong lịch sử, mà lại thiếu can đảm trình bày động cơ cho hành động của mình, một ý thức trách nhiệm, đó là một bí ẩn còn lại cho những người thiết tha với sự thật của lịch sử.


***
Cùng một tác giả sách đã xuất bản tại Amazon: