TẠI SAO NHIỀU NGƯỜI TIN LÀNH VIỆT NAM
CÓ SUY NGHĨ VÀ LỜI XÚC PHẠM CÁC TÔN GIÁO KHÁC?
Lê Anh Dũng
● Tại sao nhiều người
Tin Lành Việt Nam có suy nghĩ và lời xúc phạm các tôn giáo khác?
● Tại sao những cố
gắng truyền giảng của Tin Lành Việt Nam có hiệu quả rất thấp so với công sức bỏ
ra?
Kính gửi quí mục sư, quí tín hữu và
những người quan tâm tới Tin Lành Việt Nam,
1/ Vì sao có thư ngỏ này:
Khi xin việc ở Loyola Marymount University, là
một Catholic Universtity, vào website của trường này tôi đọc được một core
value của trường như sau:
“Faith and Reason.
We affirm our commitment to the faith that does justice, which is rooted in our
Jesuit and Marymount traditions. Further, we both inherit and contribute
to the ever-developing Catholic intellectual tradition which views the pursuit
of truth as an inherent good, emphasizes both the harmony and creative
tension between Faith and Reason, and embraces
ecumenical and Interfaith Dialogue“,
Điều này làm tôi suy nghĩ, cọng với những suy
tư, trăn trở từ rất lâu, dẫn tới việc viết thư ngỏ này để nêu lên những góp
ý trong tinh thần đóng góp, xây dựng.
Ở đây tôi xin nhấn mạnh là không có ý nói về
sự tranh chấp giữa Công Giáo và Tin Lành; hay Ky-tô giáo nói chung (Chính
Thống, TL, CG, Anh Giáo …) với những tôn giáo khác. Tôi chỉ chú trọng tới cách
mà người Ky-tô hữu không phân biệt CG, TL cần lưu ý nếu muốn rao giảng lời Chúa
một cách hiệu qủa trong thế kỷ 21, khi mà hạn chế không gian bị xoá nhoà, và sự
hiểu biết của con người đã mở ra những cách nhìn thế giới, vũ trụ và vạn vật
xung quanh rất khác xưa. Thí dụ, ngày nay chỉ cần vài giờ để băng qua quãng
đường mà dân Do Thái cần 40 năm để vượt qua.
Ở đây tôi cần nói ra thật rõ những xúc phạm,
những tổn thương mà người Tin Lành VN đã, và đang tiếp tục gây ra với những
người khác niềm tin với mình trầm trọng như thế nào, dưới mắt một người quan
sát không có tôn giáo, nhưng có quan hệ gia đình mật thiết với những người Tin
Lành. Tôi nói với tư cách 1 người “giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha”,
không nhân danh một người Công Giáo, hay Phật Giáo chống lại Tin Lành. Nói
ra không phải để chỉ trích, lên án; nhưng để cởi mở những khúc mắc, để đóng góp
vào sự thông cảm giữa người với người, tôn giáo với tôn giáo.
Trong tôn chỉ của trường Loyola
Marymount University, họ nhìn rõ vấn đề xung khắc về Faith and Reason,
và vấn đề Interfaith Dialogue, đối thoại giữa những niềm tin
khác nhau.
Faith mà không reason từ bất cứ tôn giáo nào
cũng dễ dẫn tới cuồng tín, là mảnh đất mầu mỡ cho ngu tối, tội
ác phát triển.
Nếu không đặt ra vấn đề Interfaith
Dialogue, khi nói chuyện với người khác niềm tin với định kiến xấu
trong lòng là họ thờ những sự tăm tối, ma quỉ; khi không sẵn sàng lắng nghe,
tìm hiểu cái khác mình; khi chỉ thụ động thu nhận, rồi phát ra những điều mà
cha ông truyền lại theo 1 chiều duy nhất, thì nguời TLVN sẽ thường trực
có ác cảm, nhận định tiêu cực, nông cạn về những người khác mình
(như “người ngoại là người giả dối”, hay “người ngoại không có
standard đúng sai”… ). Điều này gây sứt mẻ, đổ vỡ trong quan hệ giữa người
với người, và là nguyên nhân cho bao nhiêu hậu qủa tệ hại, những chiến
tranh tôn giáo tàn bạo, đẫm máu chúng ta vẫn thấy trong suốt lịch sử nhân loại.
Ngay vào hôm nay, thế kỷ 21, hàng ngày tin tức
thời sự vẫn loan tin về những bạo động, đổ máu liên quan tới tôn giáo; và nhiều
người trong chúng ta vẫn bình thản coi như đây là chuyện của người khác, không
xét lại phần mình.
2/ “Interfaith dialogue”? hay “Interfaith despise”? hay “Interfaith
hate” ? Tôi nhiều lần nghe con
cái của các vị mục sư, hay những tín hữu TL bình thường nói những lời có tính
cách mạt sát, miệt thị đạo khác, kể cả với đạo Công Giáo là đạo có mẫu số chung
với Tin Lành là thờ Thiên Chúa 3 ngôi. Đây là một điều thường gặp ở nhiều
người Tin Lành VN dù là từ nơi chốn khác nhau, vì vậy ắt hẳn nó phải có 1 cội
nguồn chung. Tin Lành VN mới có trên 100 năm, tìm lý do nguồn cội
là chuyện có thể làm được.
Để về nguồn, tôi tìm đọc đặc
biệt những cuốn hồi ký của những mục sư tiên phong có những địa vị quan trọng
trong quá trình phát triển từ đầu của HTTLVN như Irving R. Stebbins (cha),
Thomas H. Stebbins (con), Lê Văn Thái… và may mắn được đọc cuốn Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam
(1911-1965) – từ đây sẽ viết tắt là LSHTTLVN – của mục sư
Lê Hoàng Phu, vốn giữ những nhiệm vụ lãnh đạo cao cấp nhất, quan trọng nhất về
mặt tổ chức cũng như huấn luyện của Hội Thánh TLVN. Ms Phu đã cung cấp
những thông tin giá trị, khả tín trong cuốn sách LSHTTLVN, vốn là Luận án
Tiến Sĩ của ông vào năm 1972 tại New York University, Hoa Kỳ.
Theo cuốn LSHTTLVN nêu trên thì bản điều lệ
đầu tiên viết vào năm 1928 cho HTTLVN đã được diễn tả như
1 áp đặt có tính cách độc đoán, chuyên quyền, được làm một cách không đàng hoàng, khuynh đảo, trong sự
vội vã của một nhóm rất nhỏ, chỉ gồm 5 mục sư Mỹ, các mục sư VN hoàn
toàn bị gạt ra ngoài việc lập bản điều lệ căn bản cho HTTLVN. Đây là cách làm việc mang đậm tính thực dân
tôn giáo, qua mặt và coi thường trình độ người bản địa, có ảnh huởng
quyết định và lâu dài tới nay. Xin được dẫn khá dài, và ghi đậm những câu nôỉ
bật.
“Điều lệ của hội thánh năm
1928.
Trong số những Điều lệ đề nghị
đã từng được đệ trình, thảo luận, chấp nhận bởi các Hội đồng TLH của
HTTLVN trong 60 năm lịch sử, thì bản Điều lệ của năm 1928 là dài
nhất, vơí những điều khoản tỉ mỉ từng chi tiết cho hầu hết mỗi vấn
đề có thể xảy ra trong HTTL ở đâu.
Dầu Hội đồng TLH năm 1927 đã
chỉ định một ban các mục sư Việt Nam để làm việc chặt chẽ với uỷ ban giáo sĩ, nhưng
khi làm việc, thì chỉ họp lại một
lần rất ngắn với thành
phần sau mà thôi:
Đó là J.D. Olsen, E. F. Irwin, Wm. C. Cadman, J. I. Jeffrey, I. R.
Stebbins” (tr
149-150 LSHTTLVN).
“một Điều lệ chi
tiết phải được lãnh đạo Việt Nam dùng “như họ sử dụng Kinh thánh” và
họ sẽ “coi mọi sự trong đó như những luật lệ vững bền, cứng rắn”
”(tr 150 LSHTTLVN).
Và
“Để tiếp xúc với vấn đề nhạy
cảm đã từng đối đầu với Hội thánh đấng Christ tại Đông Á – đối với cả
người Công giáo lẫn Tin Lành – liên hệ đến sự thờ cúng tổ
tiên, bản Điều lệ ghi rõ rằng: Một thuộc viên HTTLVN phải: “dẹp bỏ mọi hình
tượng và thờ cúng tổ tiên” và “thôi không hành nghề bất xứng đối với Tin
Lành như “bán rượu, thuốc hút, hay những điều thuộc về sự thờ hình
tượng (sự thờ cúng tổ tiên được các giáo sĩ coi là một hình thức khác
của sự thờ hình tượng), ví như nhang đèn, tiền mã.” Trong một sự
trưng dẫn kỳ lạ, ủy ban Điều lệ rõ ràng chịu ảnh
hưởng của mấy giáo sĩ Mỹ có ý thức về chế độ nô lệ, cố thêm “tình
trạng nô lệ” vào danh sách nghề nghiệp không xứng đáng với Tin Lành.Sự trưng
dẫn này ít có ý nghĩa trong xã hội Việt Nam, nơi mà chế độ nô lệ thực
tiễn không có” (tr 152 LSHTTLVN)
Từ sự dốt nát (ignorance) về văn hoá, lịch sử,
tôn giáo ở VN của những giáo sĩ tiên phong Mỹ vào đầu thế kỷ 20; cùng sự
tự tôn “Là người Mỹ, chúng tôi có mặc cảm tự tôn rất cao” (tr 47, HVC
của mục sư I. R. Stebbins, xem chú thích cuối bài), tinh thần bất dung; cách
làm việc không đàng hoàng, cả vú lấp miệng em các mục sư VN của 5 mục sư
Mỹ, người VN đã không có một cơ hội cất lên tiếng nói về văn hóa VN, về phong
tục thờ cúng tổ tiên, nên tinh thần và lời nói miệt thị văn hoá VN để lại
dấu ấn không hề phai cho người TLVN.
Trong hoàn cảnh thiếu thông tin của năm 1928,
những dàn xếp khuynh đảo hậu trường đã không được quần chúng VN biết đến, nên
bản Điều lệ năm 1928 do 5 giáo sĩ Mỹ viết cho người Việt dùng, nhưng hoàn toàn
không cho người Việt đóng góp ý kiến, đã được quần chúng TLVN chấp nhận. Rồi từ
thế hệ này qua thế hệ khác, quyện vào những bản điều lệ viết sau đó, dần
trở thành điều đương nhiên, thành định luật, rồi là truyền thống không thắc
mắc, không tranh cãi cho các thế hệ kế tiếp; nhất là khi niềm tin chứ không
phải là óc phán đoán là nét chủ đạo của tổ chức. Ở đây ta nhớ tới “Stockholm syndrome”
( http://en.wikipedia.org/wiki/Stockholm_syndrome
), nhằm giải thích cơ chế những người bị áp chế, để tồn tại thích nghi, phải tự
thuyết phục cho hoàn cảnh phải chịu, quay ra yêu mến, biện minh cho kẻ áp chế
mình. Lý lẽ của kẻ áp chế trở thành lý lẽ của kẻ bị áp chế, hơn thế còn được
những kẻ bị áp chế phát triển hùng hồn, sốt sắng, chủ động và sáng tạo hơn
chính tác giả nguyên thủy của nó.
Tinh thần cực đoan của 5 giáo sĩ Mỹ,
được định chế hóa một cách vững chắc trong bản Điều lệ năm 1928, có giá trị nền
tảng quan trọng, chi phối mọi sinh hoạt của HTTLVN như bản Hiến Pháp của một
quốc gia, đã được truyền qua các mục sư VN tiền bối vào thời
Pháp thuộc, là những người ít học, thiếu hiêủ biết, gia cảnh thường là khó khăn
(khi truyền đạo vào một đất nước, thường có 2 hướng tiếp cận: một là từ thượng
tầng đi xuống; hai là từ những người khó khăn, cùng khổ, yếu kém, hay có vấn
nạn cùng cực, có nhu cầu cần được an ủi, cần giúp đỡ đi lên; hoàn cảnh khó khăn
thường đi đôi với sự thiếu hiểu biết, do đó dễ nghe, dễ tin hơn là thành phần
trung lưu có hiểu biết hơn). Nói ít học, thiếu hiểu biết không phải là lời xúc
phạm, vì trong hoàn cảnh thiếu hiểu biết chung của đất nước VN do thực
dân Pháp áp dụng chính sách ngu dân, nói chung ai cũng ít học (cần
nhắc là khi Pháp rời VN vào năm 1954, ai có bằng tú tài đã là thuộc vào hàng
ngũ “trí thức, có học”) .Và cứ thế cái tinh thần bất dung, kỳ thị
cứ truyền xuống cho các thế hệ mục sư VN được đào tạo bởi các trường
Kinh Thánh (Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Thánh Kinh học đường
đoản kỳ) do Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary
Alliance – CMA, hay C&MA) xây dựng, tổ chức, để huấn luyện các
mục sư VN và các thành phần nòng cốt. CMA chính là tổ chức của mục sư Irving.
R. Stebbins, (1 trong 5 mục sư Mỹ viết bản Điều lệ cho HTTLVN năm 1928),
và Thomas H. Stebbins (sinh tại Huế, có tên Việt Nam là Tôn Thất Bình, từng giữ
chức Hội trưởng CMA trước năm 1975, hiện nay 2013 vẫn tích cực giúp các Hội
thánh TL tại VN cũng như ở hải ngoại phát triển).
Logo
của Liên minh CMA (Christian and
Missionary Alliance) - Photo: Internet
Tinh thần hẹp hòi, kỳ thị, nghi ngờ, qui chụp
của CMA thuở ban đầu mà một trong những lãnh đạo của nó là Ms I.R. Stebbins tỏ
ra không chỉ đối với Thiên Chúa Giáo La Mã, với các tôn giáo khác, mà còn
đối với các hệ phái, tổ chức khác trong Tin Lành. CMA muốn có sự độc
quyền lên HTTLVN, không ai được xen vào, dù họ cũng là Tin Lành:
Một mục sư khoảng 80 tuổi, mục sư Phan Công
Văn, được đào tạo ở trường Kinh Thánh Đà Nẵng nói “tôi hoàn toàn không
biết về các hệ phái khác, họ không được nhắc đến”.
Trong hồi ký 41 Năm hầu việc Chúa với
Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (sẽ viết tắt là HVC), mục
sư I.R. Stebbins viết:
“Vài năm qua, Hội Đồng
Giáo Hội Thế giới cố len chân vào Hội Thánh Việt Nam. Họ gửi
một phái đoàn từ Thụy Sĩ đến thăm và an ủi Hội Thánh Tin Lành Việt Nam trong
cơn khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng… …. Đương nhiên, các nhà lãnh đạo hội
thánh cảm kích về sự giúp đỡ này và đồng ý cho ông thăm viếng bất kỳ hội thánh
nào tùy ý. Ông thuyết phục Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam rằng các hội
thánh nhận tặng phẩm không phải chịu bất cứ điều kiện gì với Hội Đồng Thế giới
cả. Hội Truyền Giáo không hài lòng với cách làm việc lén lút của Hội
Đồng Thế giới. Lúc đó không có chuyện gì xảy ra, nhưng không
có mối thiện cảm giữa ông và Hội Truyền giáo. (tr 277-278 HVC).
Chú thích: Hội Truyền Giáo (CMA) và Hội Thánh
Việt Nam là 2 thực thể riêng biệt.
“một kế hoạch được thông qua
nhằm xây dựng một ngôi trường mới Nha Trang, xa hơn về phía nam, gần vị trí
trung tâm của Miền Trung và Miền Nam. Mục tiêu thực sự của quyết định này
là giúp tránh xa bất cứ mối quan hệ nào với một tổ chức chỉ mang lại sự
lộn xộn” (tr 280 HVC)
“Bạn có thể thấy đó là
một cố gắng nguy hiểm của ma quỉ nhằm luồn lách và làm cho hội
thánh bắt đầu nghi ngờ lời Đức Chúa Trời” (tr 280 HVC)
3/ Nguyên do từ đâu mà người Tin Lành Việt Nam
hay miệt thị những tôn giáo khác?
Lịch sử sang trang, trình độ của miền Nam Việt
Nam (dưới vĩ tuyến 17) thay đổi ngoạn mục trong khoảng 1954-1975, hội
thánh TLVN cũng có những tiến bộ nhất định, nhưng những tiến bộ này rất hạn
chế, thụt lùi hẳn so với bước tiến của dân tộc.
3a/ Thử tìm hiểu quan hệ giữa tinh
thần đố kị, bất dung, những ngôn từ miệt thị, lăng mạ, xúc phạm thô bạo những
tôn giáo khác của Mục sư Irving R. Stebbins , là 1 trong 5 tác giả của
bản Điều lệ 1928, và ảnh hưởng của nó lên HTTLVN hiện nay:
Trong cùng 1 câu viết của hồi ký HVC, ông
Stebbins đã xếp Hội Thánh La Mã chung với quỉ Satan “chúng tôi đã quen
với sự chống đối của Giáo Hội Thiên Chúa La Mã và quyền lực Satan” (tr
187, HVC), “Chúng tôi đang ở trong lãnh thổ của kẻ thù cùng với tiếng chuông
liên hồi của một nhà thờ Thiên Chúa Giaó La Mã ở xa” (tr 47, HVC)”. Tinh
thần thù nghịch Công Giáo La Mã này bao phủ khắp cuốn HVC. Cùng thờ
Thiên Chúa 3 ngôi mà ông Steven còn xếp cộng đồng Công Giáo La
Mã chung với quỉ Satan, với kẻ thù. Cùng là Tin Lành với nhau mà ông
I. R. Stebbins đố kị Hội Đồng Giáo Hội Thế giới như “một
cố gắng nguy hiểm của ma quỉ nhằm luồn lách và làm cho hội
thánh bắt đầu nghi ngờ lời Đức Chúa Trời” thì làm
sao ông có thể có lời tử tế, đẹp đẽ hơn với các tôn giáo khác được?
Do đó rất dễ hiểu tại sao ông viết
“Phúc Âm rất khác biệt với các tôn giáo của người ngoại. Những tôn giáo đó
thường kèm theo sự mê tín, thờ thần tượng, hồn ma, đốt nhang trên bàn thờ, thờ
ma quỉ, tất cả dựa trên nỗi sợ hãi bị các vật mà họ thờ làm hại”
(tr 47, HVC). Thật là ghê tởm cho một sự bóp méo hồ đồ, dốt nát, gom tất
cả các thứ vào làm một như vậy. Chả lẽ người VN thờ cúng cha, mẹ, tổ
tiên, ông bà là vì sợ cha, mẹ, tổ tiên, ông bà mình làm hại? Tổ tiên,
ông bà, cha mẹ nào có thể làm hại con, cháu? Làm sao một người có trí óc
lành mạnh, bình thường có thể có lý luận, phát biểu được như vậy? Tác
động, dấu ấn của ông I. R. Stebbins, 1 trong 5 đồng tác giả (và là người nổi bật
nhất) của văn kiện căn bản của HTTLVN là bản Điều lệ đầu tiên vào năm 1928 sẽ
ra sao khi ông có tư duy, lý luận bất bình thường như vậy? Tín hữu TLVN ngày
nay nghĩ gì về cách lý luận này của ông I.R. Stebbins, hay là nếp tư duy này đã
thành quen thuộc, không còn gây suy nghĩ?
Đọc thật kỹ cuốn HVC của ông I.R. Stebbins,
tôi thấy ông có cách nhìn: Vị trí của ông là vị trí của lẽ thật, của Đức
Chúa Trời; còn những gì khác ông là của ma quỉ, ngay cả Hội Đồng Giáo Hội Thế
giới (Tin Lành) cũng được xem là “một cố gắng nguy hiểm của ma quỉ nhằm
luồn lách và làm cho hội thánh bắt đầu nghi ngờ lời Đức Chúa Trời”.
Photo
& Caption: Wikipedia
Quí mục sư như Irving R. Stebbins dạy các mục
sư VN tiền bối, các quí vị này lại dậy lại các thế hệ sau, từ ấu thơ, nhồi đi,
nhồi lại qua 2, 3 đời, nên từ đó thành nếp đố kị, ngăn cách, kỳ thị với những
gì khác HTTLVN; có những lời xúc phạm, mạt sát như người khác thờ
ma quỉ, thờ sự tối tăm… Đây là những cách đánh giá, phát biểu mà người văn
minh, có văn hoá ngày nay không dùng. Nhưng lại được xử dụng rất tự nhiên,
thường xuyên khi làm chứng ở nhà thờ, hay trong chốn riêng tư, khi quí
tín hữu Tin Lành VN đã nhập tâm, quen thuộc, không còn thấy kỳ dị và kỳ cục
nữa. Quí vị mục sư có giảng thì cũng chỉ trong chiều hướng gia cố cách nhìn
này, chưa bao giờ tôi được nghe khác.
3b/ Đọc lịch sử hiến pháp Mỹ, chúng ta thấy
đây là 1 tác phẩm có sự tham dự, đóng góp, bàn thảo của nhiều người qua bao thế
hệ, không phải là tác phẩm áp đặt của 1 nhóm người cho cộng đồng, trong 1 thời
gian ngắn. Thế nhưng bản điều lệ đầu tiên của HT Tin Lành VN, có
giá trị nền tảng như một “hiến pháp”, lẫn những qui định cụ
thể “tỉ mỉ từng chi tiết” có tính “hành
pháp” cho Hội thánh TLVN lại là tác phẩm hòan
toàn của chỉ có 5 mục sư Mỹ, “chỉ họp lại một lần
rất ngắn”, và chứa những điêù “kỳ lạ” như Ms Lê
Hoàng Phu đã nêu ra, với những hàm ý có thể hiểu là bất bình “sự thờ
cúng tổ tiên được các giáo sĩ coi là một hình thức khác của sự
thờ hình tượng”. Mục sư Phu không thể phát biểu rõ hơn, vì ông đã du
học với sự bảo trợ của CMA, khi ông lại là một trong những nhân vật quan trọng
nhất của CMA. Dấu ấn từ bản Điều lệ đầu
tiên với những cấm đoán phong tục VN như thờ cúng tổ tiên, không ăn đồ cúng…
vẫn chi phối hoàn toàn cách sinh hoạt của HTTLVN hiện nay.
Hiện nay những phương tiện truyền thông đã nối
kết con người từ khắp đia cầu gần nhau hơn, tức thì – “in real time”. Con người
từ từ gần nhau hơn, thấy rõ những dị biệt của nhau rõ hơn. Do kiến thức,
tri thức phát triển, càng ngày càng có nhiều người cảm thấy nhu cầu bức thiết
phải biết nhìn xuyên qua các dị biệt văn hóa, phải biết chấp nhận sự khác biệt
về nhận thức không thể nào cào bằng của nhau, để có thể chung sống hòa bình với
nhau. Đức Giáo Hoàng La Mã vừa thoái vị, vốn có tiếng bảo thủ, đã tuyên bố
trong hội nghị liên tôn giáo ở Đức quốc “Chúng ta không chỉ sống bên
cạnh nhau, nhưng chúng ta sống với nhau”; thế nhưng suy nghĩ, lời rao
giảng của Tin Lành VN vẫn là cách phân biệt, chia rẽ; kiểu ta hoàn
toàn đúng, ai khác ta là sai, là đi với ma quỉ, tối tăm.
4/Faith and Reason? hay Faith and No Reason?
Tôi nghe nhiều mục sư VN khác nhau giảng, từ
mục sư quản nhiệm tới những mục sư khách mời, nhiều lần tôi bị choáng váng
(shocked). Nhiều mục sư tương đối trẻ, từ 35 tới 40, ngoài bằng cấp thần
học (cao học, tiến sĩ), các mục sư này cũng có bằng cấp chuyên môn trình độ rất
cao về kỹ thuật, hay quản trị hành chánh. Hấp thụ căn bản TL từ gia đình từ ấu
thơ, theo học Trường Kinh Thánh tại VN, nhưng quí vị này đã du học thêm tại
Anh, Mỹ, Canada về thần học, và đạt những học vị rất cao. Phần lớn các mục sư
xuất thân từ những gia đình nhiều đời mục sư, sui gia các phía cũng là mục sư.
Nhiều chuyện làm tôi sửng sốt vaì thí dụ đưa
ra là những thí dụ chỉ những người thuộc thời đồ đá, đồ đồng, hay thời trung cổ
mới có thể chấp nhận mà không thấy kỳ cục, tức giận; vì nó phạm vào lương thức,
và kiến thức phổ quát của một người trung bình trong thế kỷ 21:
● Để giảng bài học “Tận dụng thời cơ”, một mục sư lấy thí dụ anh chàng chăn bò, do biết
tận dụng thời cơ, nên đã dùng 1 cái đót bò có trong tay giết được 600 quân thù.
Ông còn khai triển logic toán học một cách kỳ cục như sau: 1 người giết được
600 người, thì 500 người biết tận dụng thời cơ như vậy sẽ giết được bao
nhiêu người? Cái thí dụ kỳ cục, cái logic toán-thần học này được khai triển
suốt bài giảng gần 30 phút. Chuyện “tận dụng thời cơ” bị chìm nghỉm, chết ngộp
trong những lời lập đi, lập lại về giết người; tinh thần Bác ái của chúa Jesus
hoàn toàn biến mất trong suốt bài giảng. Mục sư này là một trong những con
người dễ thương, khả ái nhất mà tôi hân hạnh được biết. Tôi rất thương yêu,
kính trọng ông bà. Ông vốn là 1 kỹ sư, tốt nghiệp thần học tại VN, và cao
học thần học tại Mỹ.
● Để giảng bài học “Tinh thần đắc thắng”, một mục sư khách (tiến sĩ thần học tại Mỹ, và
1 bằng cấp về quản trị hành chánh cao tương đương) kể chuyện người Do Thái cử
thám tử đi rình rập do thám mảnh đất màu mỡ “đầy sữa và mật”, tìm cách
chiếm nó từ tay kẻ thù. Mục sư đã dùng chữ “kẻ thù” rất sáng
tạo, trái với tinh thần công bình, bác ái của Chúa Jesus. Vì những “kẻ thù” này
không hề làm gì sai trái, họ chỉ có may mắn sống trên mảnh đất màu mỡ, thiên
nhiên ưu đãi, và do lao động tốt, họ gặt được thành quả tốt. Mục sư này đã gọi
là những người này “kẻ thù” chỉ bởi vì họ lỡ sống trên mảnh đất mà người Do
Thái thèm muốn, vì mảnh Đất Hứa này là Chúa trời hứa cho người Do Thái. Ở đây,
người nghe thấy chuyện tham lam của người khác, mưu đoạt chiếm của cải, đất đai
người khác làm ăn lương thiện, và nhân danh lời hứa của Đức Chúa trời. Chuyện
tham lam bất lương này che lấp mất “tinh thần đắc thắng” mà diễn giả cố nêu ra.
Đi xa hơn mục sư tiền bối I.R. Stebbins, từ bài giảng xuất hiện một định
nghĩa mới của “kẻ thù” : “dù chúng mày không làm gì chúng tao cả,
nhưng chúng mày là kẻ thù của chúng tao, chỉ vì chúng mày có
cái mà chúng tao muốn”. Thử có ai tới nhòm ngó nhà cửa, đất đai của chúng
ta, của mục sư diễn giả, vì họ được đấng Tối Cao của họ hứa với họ đất đai, nhà
cửa này; thì chúng ta và mục sư diễn giả có thấy bình thường không? Có chấp
nhận không? Hay là chúng ta lẫn mục sư diễn giả đều phải “quyết phen
này sống thác mà thôi”?
● Chuyện đấng Jehova giết chết một anh
chàng dù có thiện ý chạy tới đỡ hòm bia với lòng thành, để nó khỏi đổ xuống,
nhưng anh này vẫn bị đấng Jehova vật chết; bởi vì Jehova chỉ dành quyền
này cho người Lê Vi, không dân nào khác được làm. Chuyện nhảm nhí, vì Thiên
Chúa là của mọi người, trong mọi thưở, không của riêng người Lê Vi. Trong
những xã hội thần quyền, ở khắp nơi trên thế giới, giai cấp tư tế luôn có
quyền và lợi hơn người, vì vậy người Lê Vi đặt ra chuyện đấng Jehova
qui định chỉ có người Lê Vi mới được quyền đụng tới hòm bia cùng làm những nghi
thức tư tế, rằng đấng Jehova giết người nào xâm phạm qui định này, cho dù từ
thiện ý, và điều này được chép trong
Thánh Kinh; Chuyện này xây dựng nỗi sợ hãi nhằm bảo vệ quyền lợi người Lê Vi có
được từ việc độc quyền chăm lo việc tế tự, thờ phụng đấng Jehova. Ở đây, người
nghe lại thấy cái trò nhân danh thượng đế dành tư lợi cho một nhóm người, đã
được áp dụng mòn nhẵn khắp thế giới, từ Đông sang Tây, ở nhiều thời đại.
● Chuyện Chúa phá việc xây tháp Baben để
cản việc con người kiêu ngạo muốn xây tháp lên trời. Trời ở đâu? chắc chắn là
phải cao hơn 10 km. Thế nhưng con người chỉ cần lên tới quá 9 km là đã hết có
dưỡng khí để thở, đã xanh lè hết nhúc nhích, cho nên Chúa khỏi cần phá mất
công. Ở đây, tôi thấy mục sư chỉ giảng cho bằng được, không để ý tới
những logic, kiến thức tối thiểu, và suy nghĩ của 1 người sống vào thế kỷ 21
khi phải nghe lối nhận thức thế giới, lý luận ngây ngô của những người sống từ
vài ngàn năm trước thể hiện qua câu chuyện, nhưng nay được mục sư giảng
với nghĩa đen, cho những người đang sống vào thế kỷ 21.
● Khi nghe một mục sư khách khác, hơi
trọng tuổi giảng, tôi rất thích vì những lời có tình, có lý, cách diễn đạt giản
dị, duyên dáng, đẹp đẽ nên đã vỗ tay. Lúc chót, ông giảng 1 câu làm tôi lưu ý
và suy nghĩ, chỉ có cửa của Chúa Jesus là cửa thật, còn các cửa khác
đều là phường trộm cướp. Nếu giảng sát theo văn bản Kinh Thánh thì
chắc không sai, Ms diễn giả không thể và không dám đặt ra điều này, nhưng ngày
nay mà áp dụng nó trong nhận thức, hành động thì thành giáo điều,
integrist, fundamentalist (ý nghĩa của 2 chữ này rất rộng, xin độc giả
dùng Google tìm hiểu, vì không có tiếng Việt tương đương). Nó là
một sự thiếu ý thức và hiểu biết về thế giới hiện đại. Nó giải thích tại sao
người Tin Lành VN thường có những phát biểu mang tính mạt sát người khác
niềm tin của mình, vì lẽ đơn giản là khi “tất cả cửa khác đều là
phường trộm cướp“thì làm sao các cửa khác khá, tốt? làm
sao tôn trọng được? Nhận định này nếu phát biểu vào thời Trung Cổ thì
có lẽ thích hợp hơn là vào thế kỷ 21.
Những chuyện như vậy có thể được nghe, chấp
nhận, tin bởi những người thô sơ, hay từ những người được nhồi sọ, lập đi lập
lại từ bé thơ, chỉ nhấn mạnh về Faith, và chỉ Faith mà thôi, nên óc phán
đoán bị bào mòn; nhưng không thể nào có thể nuốt trôi, tiêu hóa được bởi 1
người đi tìm, có chút tư duy độc lập, và chịu khó động não, dù người đó cố gắng
mềm lòng cách mấy đi nữa.
Trên đây chỉ là vài thí dụ chấm phá về một giáo
dục thần học Faith and No Reason, mà những người xây
dựng tiên phong đã hướng tới việc củng cố niềm tin bằng mọi giá, đóng kín. Di
chứng hiện nay là việc không kêu gọi sự mở mang suy nghĩ, trí tuệ, bất chấp tới
những đổi thay chóng mặt của thế giới và con người, bất chấp tới những nhận
thức, quan niệm đúng sai mở rộng mà thế kỷ 21 đang mang tới cho con người;
không hề quan tâm tới Interfaith Dialogue.
Những thí dụ nêu trên còn cho thấy thành phần
mục sư mới, hậu duệ của những mục sư tiền bối, dù trẻ hơn, dù có giao tiếp với
thế giới nhiều, dù có học vấn, kiến thức chuyên môn hay thần học vượt trội hơn
hẳn so với cha ông, nhưng có lẽ vì quán tính do giáo dục gia đình, do guồng máy
tổ chức, vẫn chưa ý thức được rằng cách họ giảng, những thí dụ họ nêu ra là “Faith
with no Reason at all”, và đi ngược lại quan niệm công bằng, lẫn cách nhìn
đã trở nên bao dung hơn với những cái khác biệt, với quan niệm đúng sai của
người khác; mà nhân loại hiện nay càng ngày càng chia xẻ.
5/ Có ai chống Tin Lành Việt Nam không? Nếu
có, tại sao chống, và chống là chống cái gì?
5a/ Khi tôi hay những người trẻ lớn lên ở đây có dị ứng với những
lời mạt sát, và đặt vấn đề; thì không phải là chúng tôi khó chịu, chống
Tin Lành VN mà là chống ngôn từ negative, chống cách suy
nghĩ negative về người khác (xin coi thêm chú thích cuối bài tại sao
tôi dùng tiếng Anh “negative” thay vì viết “tiêu cực”) mà từ khi còn rất nhỏ ở
trường, cho tới chỗ làm việc khi trưởng thành, chúng tôi luôn được dạy là nên
tránh. Điều này làm ngay cả vợ tôi cũng hiểu lầm là tôi chống Tin Lành!
Muôn vạn lần không, tôi chỉ chống cái
tư tưởng bất dung với những cái khác ta, cái lối mạt sát, nhìn xấu về người
khác cho dù nó tới từ bất cứ tôn giáo, hay đảng
phái chính trị nào: Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, Công
Giáo, Tin Lành…, hay Xã Hội, Dân Chủ, Cộng Hoà …
Đại gia đình tôi và đại gia đình vợ tôi có
tổng cộng 11 mục sư thuộc 3 thế hệ. Từ năm 13 tuổi, học trung học, rồi vào đại
học, ra đời làm việc, tôi đã sống ở trọ trong trong nhiều gia đình Công Giáo
VN, sau đó là chung đụng, làm việc với Ấn Độ giáo, Hồi Giáo, Công giáo, Tin
Lành … là người VN hay ngoại quốc ở Âu châu, Arab, Mỹ; nhưng
chưa bao giờ tôi sống trong không khí bất dung, thù nghịch, kỳ thị, miệt thị
những tôn giáo khác như tôi đang thấy trong môi trường Tin Lành VN, chưa bao
giờ.. Mục sư quản nhiệm của tôi hỏi hội thánh “sao chúng ta không mạnh dạn
nói với người khác, là chúng ta là người Tin Lành”, chứng tỏ Ms biết là
nhiều tín đồ ngần ngại về chuyện này.
Có 2 câu trả lời:
– Ác cảm với tôn giáo khác làm ta xây 1 cái
tường vô thức ngăn cách nghi ngại.
– Chúng ta biết mình không ưa
người, coi thường người khác, vì giáo điều của chúng ta mạt sát những điều
người khác tôn kính; thì làm sao mình có thể tự nhiên, thoải mái nói
chuyện với người ta, xưng mình là ai (do đó đã dấu đi như mục sư quản
nhiệm tôi nhận thấy, và nêu ra).
Trong 1 thế giới đa nguyên, thông tin bùng
nổ, nếu không thấy được những hố sâu ngăn cách do chính người Tin Lành VN
tự đào ra với người ngoại, thì những cố gắng truyền đạo TL như tôi chứng
kiến từ bao năm nay sẽ vấp phải khó khăn to lớn, hay chỉ là những quằn quại vô
vọng. Vì nó đi ngược lại cách nhận thức và cách sống càng ngày càng phổ
cập của một xã hội văn minh, đó là: ý thức và thường xuyên giáo dục ở
trường học, ở chỗ làm về việc tránh nói, tránh có nhận định không tốt, kỳ thị
với những điều khác với bảng giá trị của mình, và tôn trọng cái
khác nhau của tha nhân. Ở Mỹ trẻ con được dạy từ bé tí xíu, như ở lớp 2
của con tôi, ngay cửa ra vào có bảng “think
positive, talk positive”, không ai muốn nghe những lời mạt sát những cái
khác mình xuống, để tôn mình lên. Và cái lối giáo dục bằng đe
doạ giờ chả doạ đuợc người lớn có hiểu biết nào (nhưng vô cùng
hiệu quả khi bị nhồi sọ từ bé xíu, để tạo ra những con người có
cái nhìn rất méo mó, tiêu cực về những người khác mình), Con gái của bạn tôi,
năm nay khoảng 13 tuổi, không đi nhà thờ Tin Lành VN nũa vì nó không chịu
đựng được cái lối dạy threatening (chữ này là nguyên văn của
con gái bạn tôi) của VN.
Các mục sư VN ở Mỹ, dù còn trẻ, có lẽ vẫn sống
ít nhiều ở ngoài giòng chính (main stream), không đi làm trong công, tư sở như
những người bình thường, nên không ý thức được lối giảng của mình có khi rất
lạc điệu, nhiều khi rất quái gỡ trong xã hội đa nguyên, đa văn hóa hiện
đại. Hữu xạ tự nhiên hương, không cần phải dìm người khác để mình nổi
lên. Tìm cách hiểu những quan điểm khác là chìa khoá để xây dựng
hoà bình.
5b/ Cuồng tín là gì? nguyên nhân của cuồng
tín: Một cô lên làm chứng ở
nhà thờ, kể về các bà con đạo Phật của cô mà cô gọi là “đạo Phật cuồng
tín”. Nghe xong tôi nhờ 1 anh trong nhà thờ định nghĩa “cuồng tín”, anh trả lời
“Cuồng tín = Niềm tin + Sự dốt nát”.
Điều làm tôi lưu ý ở đa số những người Tin
Lành tôi biết, tôi không thấy họ đọc bất cứ một cuốn sách nào về lịch sử, nhân
chủng, văn hoá, tôn giáo nào khác. Nhiều người có bằng cấp
chuyên môn rất cao, nhưng không có thao thức tìm hiểu, kiến thức tổng quát của
họ nói chung rất kém. Đây là điều tôi thấy từ 10 năm nay,
rất thường. Không tìm đọc và không cần đọc, không cần
biết. Chỉ lập đi, lập lại, yên tâm với những gì mục sư và cha mẹ mình truyền
cho mình, và mài cho bén hơn.
Sự liệt kháng trí thức (intellectual AIDS),
giáo dục nhồi sọ nhằm tạo phản xạ Pavlov, không chịu tìm hiểu ngọn nguồn, không
tìm hiểu vì không được giáo dục, khuyến khích tìm hiêủ, chỉ nghe và nói
một chiều. “Nhân bất học, bất tri lý”, Chúa nói “dân ta
chết vì thiếu hiểu biết“, đã đưa ra tới kết quả là những nhận xét cay
nghiệt, miệt thị, thiếu hiểu biết về các tôn giáo khác như: đạo khác không có 1
standard đúng sai như đạo Tin Lành, nên người ngoại không biết đúng
sai, người ngoại giả dối … Nói vậy thì khi tổ tiên của những người TL
này không là TL, không có standard đúng sai như Tin Lành, nên đều là những
người không biết đúng sai, là giả dối, là quân lưu manh, trộm cướp hết cả hay
sao?!
Trong thời Pháp thuộc, Phật Giáo (1 tôn giáo
lớn ở VN, và đã có những đóng góp nòng cốt, căn bản vào lịch sử dân tộc Việt
trong 2 triều Lý, Trần, là những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử VN)
phải chịu chung với số phận lịch sử của cả khối Á Châu cùng đất nước Việt Nam,
bị thua cuộc trước sự hùng mạnh của Tây Phương. Đất nước VN bị đô hộ, suy vong,
văn hoá dân tộc quặt quẹo, tàn lụi. Chịu chung số phận của đất nước, Phật Giáo
VN đã ở trong 1 thời kỳ đau yếu, tàn tạ, sa vào những mê tín, kém cỏi
mà hậu quả vẫn tồn tại tới hôm nay. Việc không thấy được điều
này trong bức tranh lịch sử toàn dịên + tinh thần kỳ thị tôn giáo được gia cố
từ đời này qua đời khác của những thế hệ Tin Lành tiên phong, còn mang nguyên
vẹn DNA của những giáo sĩ Mỹ, đã làm nhiều tín đồ Tin Lành VN phát biểu
những lời xúc phạm, mạt sát Phật Giáo, những phong tục thờ cúng tổ tiên của dân
tộc, như “thờ ma quỉ, thờ những sự tối tăm v.v…”
Có thể cho là mê tín về hình thức tụng kinh
bằng tiếng Phạn với phiên âm Hán Việt vô nghĩa “bà ha, bà ha, yết đế, tai gia mà ha…”, nhiều tượng màu mè (dù
vẫn có giá trị nghệ thuật bình dân), nhang đèn nhức đầu, mà nhiều nguời theo
Phật Giáo làm tại các chùa. Nhưng những cái đó chỉ là một phần rất nhỏ của Phật
Giáo. Nếu đi vào giáo lý của Phật Giáo thì là cả 1 hệ thống lý luận chặt chẽ,
có lớp lang như logic toán học, rất sát với những nguyên tắc, cách suy nghĩ
khoa học hiện đại. Khoa vật lý lượng tử (quantum mechanics) là khoa vật lý tiên
tiến nhất hiện nay (sau khi vật lý cổ điển Newton đã đạt toàn bích, không thể
đi xa hơn) vẫn liên tục có những phát hiện tương hợp, kiểm chứng được
bằng thí nghiệm, lẫn lý thuyết về những nguyên tắc mà những tư tưởng gia Phật
Giáo chỉ bằng quán tưởng lẫn trực giác đã phát hiện từ trên 2 ngàn năm trước,
như: tính tương đối (relativity), tính bất định và vô thường
(Indeterminism) “sắc bất thị không, không
bất thị sắc” của mọi hiện tượng vật thể; tính liên lập, trùng trùng duyên
khởi (interdependence)… Danh sách này còn rất dài, xin độc giả tự tìm tòi thêm.
Nhiều người TLVN nhận định về PG, vô tình hay
cố ý, bỏ qua phần lý luận (là mặt mạnh nhất của PG so với các tôn giáo lớn
khác), cùng tinh thần hiền hòa lẫn những kỹ thuật nhằm hướng thiện, tu sửa
chính mình … của Phật Giáo vì họ không biết, và không cần biết. Họ chỉ tập trung
vào cái thô sơ nhất đã được cha, ông, mục sư của họ… dạy dỗ là cần chống thờ
thần tượng, chống thắp nhang, chống thờ tất cả các thần ngoại – vì tất cả đều
bị coi là tà thần – vào chung một thúng với việc chống ăn đồ cúng, chống thờ
cúng tổ tiên vì là thờ ma quỉ. Họ được dạy thành phản xạ là phải tránh
xa, bài xích, không cần tìm hiểu những gì họ được nhồi sọ một chiều, không
ngừng nghỉ là xấu. Cả một hệ thống suy nghĩ, lập
luận giàu có, của PG với những đóng góp to lớn vào kho tàng tri thức của nhân
loại, lẫn một triết thuyết, một lối sống, một cách thực hành mà từ trên 2500
năm,có kết quả kiểm chứng được trong lịch sử thế giới từ trên 2500 năm nay,
là chưa bao giờ gây ra 1 cuộc đổ máu đáng gọi là thánh chiến (dù có những ngoại lệ rất, rất nhỏ chỉ
mang tầm vóc bạo động như đã xảy ra ở Nhật bản vào tiền bán thế kỷ 20 bởi phong
trào dân tộc cực đoan mang màu sắc Phật Giáo trộn với Thần Đạo Nhật Bản, và
những bạo động gần đây ở Miến Điện). Phật Gíao, cả một tôn giáo với đủ các mặt
tín ngưỡng, tâm linh, tư tưởng … to như một con voi, được nhìn nhỏ lại bằng
đuôi một con chuột dơ dáy, xấu xí, qua lăng kính đố kị tôn giáo của Tin Lành
Việt Nam!
Từ 1928 tới 2013 đã là 85 năm. Thế giới
đã biến chuyển theo đồ thị exponential về mọi mặt. Thế nhưng ngôn từ của TLVN
với người khác vẫn là ngôn từ của trên nửa thế kỷ trước, của nước VN thời Pháp
thuộc, nhiều tư duy, thế giới quan vẫn là thế giới quan thời thượng cổ, Cựu
Ước, tiền Chúa giáng sinh rất thù nghịch với dân ngoại, thần ngoại (tác giả của
chuyện Chúa Trời phá tháp Baben không có ý niệm gì về bầu khí quyển mỏng manh
bao quanh trái đất, và mục sư diễn giả, một kỹ sư của thế kỷ 21 cũng quên bẵng
điều sơ đẳng này. Faith and no Reason!)
Cần biết là khi mình nhìn mọi chuyện dưới nhãn
quan tiêu cực, lẩm cẩm, nhỏ mọn, thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết, đầy qui chụp
ma quỉ, thì mình sẽ hành xử không đúng, không tốt, dù mình tin
mình là tốt, là đúng, vì cái nhìn này nó tréo cẳng ngỗng với những giá trị phổ
quát của thời đại mới; thì mình sẽ lấy bụng ta, suy bụng người, rằng
người khác cũng tiêu cực, nhỏ mọn như trí óc hạn hẹp của ta. Khi đeo kính đen
thì mọi vật sẽ đen đi.
6/ Hương sắc khác nhau của những tôn giáo khác
nhau:
“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh
em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống
anh em” đây là một tuyên ngôn vô
cùng mạnh mẽ. Từ 13 tuổi tới nay tôi luôn học được những giá trị của Thiên
Chúa như nhẫn nhịn, tha thứ, thương yêu tha nhân… vốn được thường xuyên nhắc
nhở, và tỏ ra trong cuộc sống của vô số Ky Tô Hữu tôi quen biết. Tôi thấy rất
rõ những ấm áp, tình bác ái giữa người mà Ky-tô giáo mang lại cho nhân loại,
những đóng góp tích cực của văn minh Thiên Chúa Giáo (nói chung tất cả các
nhánh từ khi chúa Jesus giáng sinh) vào cuộc sống của nhân loại, không có chúng
thì thế giới này sẽ hoang vắng, nghèo nàn biết chừng nào; nhưng cũng ghê sợ
trước những chiến tranh tôn giáo. Gần như không có cuộc thánh chiến nào lại
thiếu mặt những người tuyên xưng đức tin nơi chúa Ki-tô. Xung đột đẫm máu giữa
Thiên Chúa Giáo với Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo với Tin Lành, và ngược lại
Tin Lành với TCG.
Tôi cũng học được những điêù hay, đẹp, cao
thượng của Phật Giáo như “hỉ, xả” để không ghim chặt trong lòng những
điêù mà mình cho là người khác làm sai trái với mình. Từ chữ “từ, bi” của đạo
Phật, không những chỉ đối với con người, tôi ý thức quí trọng sự sống của muôn
loài, muôn vật dù là con dế, con sâu, cái kiến … để tránh giết hại chúng không
cần thiết. Cái nhìn “từ, bi, hỉ xả” tạo cho tôi một phản xạ, 100 lần như 1,
không bao giờ thù hận, ghét bỏ ai; vợ tôi, một tín đồ Tin Lành, con của 1 vị
mục sư làm chứng cho điều này nơi tôi. Làm lỗi, tôi cắn rứt lương tâm chắc
không thua con cái Chúa đâu.
Tôi yêu thích sự nhẹ nhàng vô vi của Lão tử,
Trang tử.
Hiện nay, tôi là người không tôn giáo, nhưng
có nhu cầu tâm linh rất lớn, có lòng hướng thiện luôn tìm hiểu, mở lòng.
Tôi đã yêu mến Thiên Chúa khi được diễm phúc ở gần những người yêu mến Chúa một
cách nhẹ nhàng, không giáo điều, không cực đoan, hiểu biết, biết nghe, hiểu
người khác. Hơn ngàn lời nói, phong cách này êm dịu cải hoá, làm lòng người
nghe mềm mại. Nhưng lòng tôi chĩu nặng, hay nhiều lần sự phẫn hận nổi lên
trong lòng khi phải nghe những lời miệt thị của những người chỉ biết có
Faith mà không biết Reason, chỉ biết có My Faith mà hoàn toàn không biết về
Other’s Faith. Là người hướng tới sự công chính, tôi không chịu và không
chấp nhận những chỉ trích miệt thị thiếu hiểu biết dù là từ Phật Giáo
hướng tới Công Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo; hay ngược lại từ Tin Lành, Công
Giáo tới Hồi Giáo, Phật Giáo.
7/ Lịch sử Việt Nam trong vài thế kỷ qua, và
những bài học cần học hỏi từ những vấp ngã đã xảy ra của người khác.
Đã có khoảng 100.000 người Công Giáo VN đã tử
vì đạo vì trong những thế kỷ trước. Khi đọc tới con số này, chúng ta, mọi
người Việt Nam, không phân biệt chính kiến, tôn giáo cần tưởng niệm và khóc
thương cho những người đã mất mạng. Chúng ta cần quán niệm, suy tưởng thật sâu,
với cái nhìn không thành kiến, tình thương và trí tuệ, rút bài học, để
những sự kiện đáng ân hận vô cùng như vậy không bao giờ xảy ra nữa ở Việt Nam.
Khi đọc phần phụ lục Phép giảng 8 ngày của
Alexandre de Rhodes (người được hiểu lầm là cha đẻ của chữ quốc ngữ) của bài Chữ
Quốc Ngữ, tiếng Việt Nam, và Tu sĩ Alexandre de Rhodes, tôi hiểu
rõ hơn nguyên do của những bách hại tôn giáo này (xemhttp://www.diendantheky.net/2013/02/mai-kim-ngoc-chu-quoc-ngu-tieng-viet.html. Chú thích: Mai Kim Ngọc là bút hiệu
của bác sĩ Vũ Đình Minh là pulmonary professor tại UCI; là university professor
về y khoa ở Mỹ nên ông có cách nghiên cứu rất cẩn thận). Alexandre de Rhodes đã
chỉ rõ và chửi thậm tệ không sót một tên: Phật, Lão, Khổng lẫn
phong tục thờ cúng tổ tiên của người VN. Với Phật giáo “Vậy thì ta làm cho
Thích Ca, là thằng hay dối người ta”, với đạo Lão “Giáo này thì thờ
ma quỷ mà làm những phép giả”, với Khổng tử “ông Khổng chẳng có làm sự
ấy, vì vậy chẳng phải hiền, chẳng phải thánh, thật là độc dữ”, với phong
tục, lễ giáo VN thì “Những điều lầm lỗi trong việc thờ cúng cha mẹ”.
Trong bối cảnh lịch sử vài trăm năm trước, kiến thức của người VN và
của cả loài người nói chung về thế giới còn rất giới hạn, thì chuyện phản ứng
tàn bạo với những mạt sát, tấn công trực diện vào cả Phật, Khổng, Lão, việc thờ
cúng tổ tiên, vốn là nền tảng tư tưởng, văn hóa đã xây dựng nên dung mạo, đất
nước của người VN là chuyện tất yếu, không thể nào tránh khỏi.
“Phép
giảng Tám ngày” có nội dung phỉ bang và chống phá
các đạo Phật, Khổng, Lão của Linh mục
Alexandre de Rhodes
vẫn được người Công giáo xử dụng tại miền Nam
Việt Nam trước 1975.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”. Hiện nay, người ta xa lánh,
hay không mặn nồng với Tin Lành VN không phải vì không biết giá trị của một số
điều cao quí được rao giảng bởi người TL, mà vì biết và chán ngán với những
đánh giá cực đoan, tiêu cực, thiếu hiểu biết, bất dung tôn giáo, những Interfaith
Despise, những bài giảng Faith and No Reason. Từ
năm này qua năm nọ, làm sao mà người ngoại không biết rằng người TLVN đánh giá,
nhận định về mình như thế nào, về những tôn giáo khác như thế nào? Biết
rồi làm sao không chia xẻ, không kể cho nhau nghe?
Suốt những năm 1950, những người Công giáo
nghiên cứu về thần học và Kinh Thánh bắt
đầu quay khỏi chủ nghĩa tân kinh viện (neo-scholasticism) và kiểu giải
thích Kinh Thánh theo nghĩa đen. Sau vài năm hội họp, làm việc chung từ đề xuất
của Giáo hoàng Gioan XXIII, 17 giáo phái Chính Thống giáo và Tin Lành
cũng đã gửi quan sát viên theo lời mời của Công Giáo La mã, kết quả là Cộng
đồng Vatican II (từ năm 1962 tới 1965) đã ban hành 16 văn kiện chiến lược,
phản ảnh những nhận thức mới của Công Giáo La mã, dưới đây là vài
nét chấm phá:
● Về kích thước tư duy mới của con người “Vì
dân Chúa đã và đang lớn mạnh, thoát ra khỏi cái mà ta gọi là “Não
trạng duy giáo lý” ”.
● Nhìn nhận tính chất đặc thù của những
nền văn hóa bản địa, những hình thức phong tục địa phương, và cái nhìn mới giữa
Công Giáo về các tôn giáo khác:
“phẩm giá căn bản của loài
người đòi hỏi sự tự do không bị ép buộc về vấn đề tôn giáo. Mọi người
phải được tự do thờ phượng theo lương tâm của mình”.
“Giáo Hội Công Giáo không
hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với
lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và
lối sống,những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác
nhau với chủ trương mà Giáo Hội duy trì,nhưng cũng thường đem lại
ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy
nhiên Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa
Kitô, Ðấng là “đường, sự thật và sự sống” ………. Vì thế, Giáo Hội khuyến
khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích
thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ
thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách
thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấymà vẫn là chứng tá
của đức tin và đời sống Kitô giáo”.
● Về chính bản thân Giáo hội La Mã “không
còn dám tự hào chắc chắn là mình đắc thủ toàn vẹn chân lý, nhưng khiêm nhường
thú nhận trước Thiên Chúa và các thành viên của mình rằng Giáo hội chỉ là một
đoàn người lữ hành, đang trên đường tiến đến sự viên mãn của chân lý”.
● Về cách trình bày giáo lý trong thời đại
mới“Bản chất của các giáo lý xưa trong kho tàng đức tin là một
chuyện, và cách thức trình bày giáo lý ấy lại là chuyện
khác”
(Chú thích: tất cả những trích
dẫn ở trên tới từ 2 links dưới đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_%C4%91%E1%BB%93ng_Vatican%C3%B4_II , và http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vatican2/vatican2.htm)
Việc tuân thủ một cách sơ cứng Mười Điều Răn
của thời Cựu Ước đã gây ra những đổ vỡ, tàn hại tới vô số sinh linh, gây hiềm
khích giữa con người từ đời này sang đời khác, không chỉ ở VN mà còn ở nơi chốn
khác.
Hiện nay HTTLVN vẫn hiên ngang đi vào vết xe
cũ của Công Giáo VN từ 300 năm trước, thì cũng nên rút kinh nghiệm lịch sử rằng
đã có 100.000 người Công Giáo VN tử đạo trong các thế kỷ trước, để suy nghĩ về
tình cảm, phản ứng của “dân ngoại”, là đối tượng chinh phục của HTTLVN, khi
những người ngoại này tiếp tục được nghe những mạt sát tương tự như thuở trước.
Mọi hành trình đều có điểm khởi hành, lúc dừng lại, suy nghĩ, định hướng, trước
khi tới đích. Ít có ai đi một lèo, không cần ngó trái, phải, trên dưới mà tới
đích ngay chóc. Phải khôn ngoan khi dùng một bản đồ vẽ từ vài ngàn năm trước,
với những dặn dò cặn kẽ của thời xa xưa cho những người thiên cổ, để di chuyển
ngày hôm nay.
Lịch sử nhân loại cho thấy sự khôn ngoan có
được từ nhiều cách: một vài khuôn mặt kiệt xuất, hay một số tổ chức, cộng đồng
biết rút bài học từ những vấn đề lớn, hay đặt vấn đề để nhiều người tham gia
vào quá trình suy nghĩ tìm giải pháp và định hướng cho tương lai…
8/ Qúi mục sư, xin họp lại với nhau, nhìn lại
cách mình được giảng dạy, giáo dục từ thơ ấu; cách mình giảng dạy hiện nay, và
tác động của nó lên tín đồ.
Tôi đi nhà thờ TL rất đều đặn từ 5, 6 năm nay
(rất sốt sắng, trừ chuyện rất bất khả kháng, luôn là người chủ động đi nhà thờ,
không cần vợ nhắc). Nhiều chuyện tôi muốn tin nhưng không tin nổi như đã
kể trên, nhưng tôi vẫn sốt sắng đi vì tôi muốn hiểu và thông cảm vợ tôi, vì
muốn biết con trai nhỏ của tôi học gì ở trường Chúa nhật tại nhà thờ Tin Lành
Việt Nam. Chuyện gì hay thì mình học hỏi, áp dụng vào cuộc sống; chuyện gì mình
thấy kì lạ, không đúng thì để đó, hay tìm hiểu, hay góp ý.
Có nhiều người nói với tôi “anh đi tới nhà
thờ là vì Chúa, là để tương giao với Chúa, chứ ngó làm gì những chuyện bất toàn
của người này, người kia, để mà phán đoán này nọ”. Đúng vậy, tôi
tương giao với Chúa theo cách của tôi, không theo cách “Faith and No Reason,
with absence of Interfaith Dialogue”. Nhưng tôi cũng là người của thế kỷ 21,
xã hội và thời đại tôi đang sống dạy tôi phải thường trực suy nghĩ,
bày tỏ cởi mở những suy nghĩ của mình, không cố thủ sau những thành quách
tư tưởng để sự không hiểu nhau giữa con người càng ngày càng trầm trọng. Và đây
không phải là bất toàn của một ông, bà A, B, C nào đó, nhưng của một tổ chức
lớn, một nếp suy nghĩ hằn sâu trong một cộng đồng; dù muốn hay không cũng
có ảnh hưởng rất lớn lên môi trường chung quanh, chưa kể tác động của nó lên
cuộc đời của những thành viên của tổ chức.
Thí dụ về tác động tiêu cực
của cái nhìn khép kín, tiêu cực lên chính thành viên, và tác động của nó
lên chung quanh:
1/ Nhiều gia đình Tin Lành
cương quyết không gả con cho dân ngoại. Cấm đoán này không sai, vì khi giáo điều, integrist, fundamentalist,
nhất quyết không thỏa hiệp, không dung hòa với người phối ngẫu là dân ngoại,
thì sự xung đột, va chạm không thể tránh khỏi, hôn nhân sẽ là điều bất hạnh,
chi bằng ngăn chặn từ đầu. Do cộng đồng Tin Lành vẫn là một thiểu số rất nhỏ ở
VN, hệ quả là nhiều thanh niên, thiếu nữ Tin Lành phải ở vậy vì không tìm được
người ưng ý cùng đức tin trong 1 cộng đồng nhỏ bé. Nhưng nhu cầu tâm, sinh lý,
yêu thương vốn là những nhu cầu căn bản, tự nhiên của muôn loài thì không thể
nào dập tắt. Hậu quả là những cuộc sống cô đơn, sầu khổ lúc về chiều, khi sức
khỏe suy xụp, sẽ cần người thân để nương tựa, đặc biệt nơi phụ nữ; hay
những khủng hoảng tâm lý, hay những nổi loạn với gia đình để tìm hạnh phúc cho
mình, nhưng rồi vẫn không ra khỏi những giá trị đúng sai, nề nếp học được từ
thơ ấu, chính mình sẽ là một cái khuôn mới giống như cũ; hay những cuộc hôn
nhân muộn màng cố gạt bèo để bắt tép. Vấn
đề chính không phải là cấm đoán hay ngăn cản là sai; mà con đường đưa tới sự
phải ngăn cản, cấm đoán, là sự giáo điều, integrist, fundamentalist, đã gây cản
trở bế tắc cho nhu cầu tự nhiên, căn bản là thương yêu, truyền giống có đúng
hay không?
2/ Phạm trù đúng của Tin Lành
VN theo định nghĩa của các giáo sĩ Mỹ tiên phong có phần chung nhỏ với người VN
ngoại đạo. Thí dụ khi người ngoại làm 1 điều bình thường, được coi là mỹ tục
của văn hóa dân tộc như thờ cúng tổ tiên thì lại rơi vào phạm trù sai của người
Tin Lành, coi là thờ ma quỉ, là nguyên tắc bất khả nhượng, là điều đáng kinh
sợ, ghê tởm.. Tôi nghe nói “Những linh hồn tội nhân đang chờ ngày phán
xét được giữ ở một nơi, làm sao mà ăn, uống được mà cúng bái”. Những linh hồn
này hiện đang ở đâu, ăn uống được hay không, thật ra không
quan trọng, hoàn toàn không quan trọng! Ngày sinh nhật trong tình thương yêu có ăn uống, thì ăn uống
trong ngày giỗ nhớ thương cũng là chuyện tự nhiên, bình thường, vì ăn uống là
sinh hoạt tự nhiên nhất của con người. Rồi chả lẽ chúng ta ăn uống, rồi bày
hình cha mẹ, ông bà ra để ngó chúng ta ăn, mà không mời lấy được một tiếng? Chả
lẽ ngày xưa cha mẹ đút cho con nhỏ bé bỏng từng thìa, vừa đút vừa thổi cho
nguội để con ăn, khi con lớn thêm chút lại tiếp tục nhường nhịn từng miếng ngon
cho con; mà bây giờ con không ăn được đồ ăn mình bày ra mời cha mẹ?! Chỉ những
người điên hoặc ngu hết thuốc chữa mới nghĩ là cha mẹ, ông bà mình có quyền
phép như Thượng Đế nên phải cúng bái. Có những giáo điều từ thời Cựu Ước
là không thờ thần ngoại, ăn đồ tế các thần ngoại, rồi những điều cấm kỵ như
trên được các giáo sĩ Mỹ đầu thế kỷ 20 bưng nguyên si, rồi mở rộng hơn để đặt
vào Điều Lệ HTTLVN: Việc tổ tiên, cha mẹ là những con người bình thường được
thờ phượng theo truyền thống dân tộc, vì con cháu tôn kính, thương yêu, biết
ơn; đã bị những điều lệ này vơ đũa cả nắm, bóp méo và đồng hóa với thần
ngoại, ma quỉ rồi cấm tiệt (lý luận kiểu con bò có sừng, do đó tất cả các con
có sừng đều là bò). Sự cấm đoán này được củng cố bằng tinh thần giáo điều, xơ
cứng; và là những nguyên lý giả vì nó hoàn toàn không là cốt tủy của cuộc sống
con người, vì có nó cũng được, mà không có nó cũng không sao. Con người hiện nay nhìn mọi sự nhẹ
nhàng đi nhiều rồi.
3/Mẹ tôi năm nay 78 tuổi, sức
khỏe rất yếu sau khi bị té ngã nứt xương sống, lưng đi còng, siêu vẹo hẳn lại.
Như nhiều người già khác, bà đau tim, đau thận, tiểu đường, đủ thứ bịnh… Từ khi
bố tôi mất mấy năm nay, bà ở một mình trơ trọi, tinh thần suy xụp nên lại càng
đau yếu hơn. Nhiều lần xuống thăm bà thì bà đang ở bịnh viện. Vợ tôi có nhã ý
mời bà về ở chung, nhưng bà không về. Bà nói với tôi “từ ngày bố mất thì
cúng bố mỗi bữa cơm là niềm an ủi, nâng đỡ mẹ (đây là một tâm lý trị liệu rất tốt), dù vợ con có lòng tốt, nhưng mẹ
không muốn chuyện cúng bố, cúng ông bà khi ở chung làm vợ con phiền lòng, dù
không nói ra, vì mẹ biết là người Tin Lành được dạy cái gì về chuyện thờ cúng”(ngoài
phần bên vợ, trong đại gia đình tôi có 4 mục sư). Tôi đã thấy những phản
ứng dữ dội, nghe những lời nói tổn thương trước đó từ người Tin Lành. Nên dù
thương mẹ, và mỗi lần chào từ giã tôi đều nghĩ đây có thể là lần cuối, nhưng
tôi đồng ý với mẹ tôi, để tránh ép lòng vợ tôi, dù có lòng tốt, nhưng ép chỗ
này sẽ xì chỗ khác, cả vợ lẫn mẹ sẽ khổ. Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây
là chuyện nhỏ của gia đình tôi có thể là chuyện của bất cứ gia đình nào có
người phối ngẫu hay một vài thành viên là Tin Lành, trong khi các đa số thành
viên khác không là Tin Lành. Sẽ có những ông cụ, bà cụ đau yếu, cả đời thương yêu, hy sinh cho
con, nhưng chấp nhận chết trong cô đơn, sầu khổ để tránh những sự bất hòa không
đáng có. Sẽ có những đứa con bất lực, ân hận vì không thể tìm được giải pháp
nào khác.
Suy nghĩ về những gì đã qua, nhận thấy những
yếu kém, bất toàn của bất kỳ định chế nào rồi đề nghị cải cách là con đường
xoắn ốc nhân loại dùng để đi lên. Từ những tha hóa của Giáo Hội La Mã (chỉ cần
mở bất kỳ cuốn sách sử Tây Phương đại cương có uy tín nào, ta cũng có đủ thông
tin, sự kiện) mà nhu cầu cải cách phát sinh, và Tin Lành đã ra đời. Nhiều người
Công Giáo lúc đó đã chạm phải giới hạn gãy, không thể nào không thay da, đổi
thịt, và họ trở thành Tin Lành. Cuộc “cách mạng” Tin Lành đã xảy ra đúng
với qui luật tự nhiên: vạn vật luôn biến chuyển để tái lập trạng thái cân bằng,
dù tạm, hầu đối phó với những hoàn cảnh mới, thách thức mới.
Khi thế giới bây giờ chỉ là một cái xóm nhỏ
trong vũ trụ bao la, khi hôm nay con người thường trực nhìn lại vũ trụ, thường
trực nhìn lại những định kiến của mình; thì cũng giống như Công Giáo La Mã,
Phật Giáo, Hồi Giáo … Tin Lành, đặc biệt là HTTLVN, không thể nào là
một biệt lệ khác biệt với tất cả những cái khác trong lịch sử nhân
loại. TLVN cũng phải đối diện những thách thức mà thời đại
đưa tới cho mọi tôn giáo là Faith and Reason, Interfaith
Dialogue, cũng phải xem xét lại những định kiến, nếp sinh hoạt của mình, nếu
không muốn tiếp tục phát triển quặt quẹo, sản xuất ra những con người có tư
duy, cách sống chi phối bởi một số điều luật sơ cứng của hàng ngàn năm trước,
hay đi tới sự dần dần tiêu vong.
Cái nhìn thiếu hài hòa giữa Faith and
Reason, và vắng bóng hoàn toàn Interfaith
Dialogue dẫn tới sự khó sống, khó hội nhập, khi óc phán đoán bị đui mù
hay nghèo nàn đi, khi không thể nào hiểu những quan điểm người khác chỉ vì
khăng khăng, do bị nhồi sọ “the
only right way is our way”. Chính vì tinh thần “the only right way is
our way” nên TL và CG mới xung đột dữ dội, đẫm máu từ đời này sang đời nọ; chứ
không phải là do những người tham dự xung đột không biết lời Chúa, không làm
theo lời Chúa. Sống chung, làm việc chung với những người có cách nhìn
“the only right way is our way” là một cuộc chiến, hay bất hòa liên tục, không
bao giờ ngơi nghỉ dù là trong gia đình, hay bất cứ cộng đồng, tổ chức
xã hội nào, vì cái đúng hay những điều rất bình thường, giản dị của
mình có thể nằm trong phạm trù sai rất chật chội, khe khắt của người theo chủ
nghĩa “the only right way is our way”.
Hiện nay bắt đầu có một số mục sư VN có học vị
cao học, tiến sĩ thần học, tốt nghiệp tại Mỹ, Canada. Đây là điều đáng mừng,
nhưng cần lưu ý một số điểm:
● Học vị mang tới một số kiến thức và phương
pháp làm việc có bài bản, những cách khác nhau để tiếp cận vấn đề; chỉ là điểm
khởi đầu cho việc nghiên cứu, cho sự nghiệp, không phải là điểm kết thúc. Sau
khi có kiến thức, phương pháp, việc biết nhìn thấy những vấn đề thiết yếu của
VN, của tôn giáo mình, tôn giáo người, của con người nói chung lại là một
chuyện khác. Nhìn thấy được và làm cái gì lại là một chuyện khác nữa.
● Hãy “Vinh danh Thiên Chúa trên trời”
bằng cách mang lại “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Mọi cung cách thờ
phượng Thiên Chúa, những biện giải, giảng kinh dù mang bất kỳ nhãn hiệu nào:
truyền thống, bảo thủ, hay hiện đại, cấp tiến… nhưng nếu không mang tới “Bình
an dưới thế cho người thiện tâm” đều vô nghĩa, cần xét lại.
● Một số người TL rất nhỏ biết nhìn xuyên
qua những cấm đoán của TL, biết tôn trọng những giá trị văn hóa, truyền thống
dân tộc, và những tôn giáo khác; nhưng với tính chất cố hữu của người VN, lựa
thái độ “dĩ hòa vi quí”, thụ động, ngại không phát biểu về lập trường của mình,
giới hạn trong việc tìm giải pháp cá nhân, thay vì phát biểu với cộng đồng dù
mình có điều không đồng ý với cộng đồng. Đây là điều không tốt, “cái sảy nẩy
cái ung” nếu không cất tiếng nói.
Người TLVN đang đứng trước những bế tắc, khó
khăn; có thể đối phó bằng giải pháp “đà điêủ chui đầu xuống cát”, hay coi như
không có “chó sủa mặc chó, đoàn lữ hành cứ đi”, dù đã được báo động
khẩn thiết; hay nhìn ra xem những tôn giáo khác đang làm cái gì, lắng nghe
nhịp thở của thời đại ra sao, hầu có thể ý thức và tìm cách giải quyết 2 vấn
đề “Faith and Reason, and embraces
ecumenical and Interfaith Dialogue“.
Đã đến lúc người Tin Lành Việt Nam suy nghĩ và
làm việc trên những chủ đề như Faith and Reason và “Interfaith
Dialogue“.
9/
Bài này được viết với thiện chí xây dựng, tinh thần tích cực, nhưng tôi đã rất
e ngại, do dự khi viết bài này. Mặt khác, tôi nghĩ rằng việc thành thật trao đổi với nhau là
biểu hiện của sự kính trọng. “Biết người, biết ta”, chắc là quí mục
sư, quí tín hữu TL cũng muốn biết người khác nghĩ thế nào, để việc truyền giảng
lời Chúa có hiệu quả hơn. Dù viết sau một thời gian suy nghĩ, trăn trở, nghiên
cứu khá lâu, nhưng do trình độ rất hạn hẹp, nhận thức chủ quan nên chắc chắn
bài viết có những sai lầm, thiếu sót, có thể gây ra tổn thương, xúc phạm; đây
là việc ngoài ý muốn, xin quí vị tha lỗi. Chữ dùng có chỗ mạnh, gay gắt vì dùng
chữ khác thì không thể nêu lên cái tác động nhân quả và cường độ của nguyên do.
Kính xin độc giả đóng góp ý kiến, chỉ bảo, tôi cúi mình chân thành lắng nghe.
Tôi cũng hoan nghênh việc độc giả gửi bài này cho những người quan tâm tới vấn
đề.
Trân trọng
Lê Anh Dũng
(langnghetheky21@yahoo.com)
Xin lưu ý:
Để tránh tạo hiểu lầm ngoài ý muốn tác giả,
xin quí vị muốn góp phần phổ biến thư mở (open letter) này vui lòng giữ
nguyên văn, không sửa chữa, biên tập lại những chữ tôi dùng, dù có
thiện chí làm cho nó tốt hơn. Xin cảm tạ.
Tác giả có thể sửa chữa thư ngỏ này khi có
những đóng góp của độc giả, hay có điều cần thay đổi, bổ túc v.v… Để theo
dõi sự thay đổi của nguyên bản, mỗi lần thay đổi tác giả sẽ đánh số version,
thí dụ: bản này là Open_letter_to_VNpastors_and_friends_V2.doc vì đã có sửa
chữa. Khi lưu hành xin giữ nguyên số version để dễ qui chiếu.
Chú thích:
1/ Hiện nay ở trong nước cũng như ngoài nước
đã có thêm những hội thánh Tin Lành VN thuộc vào những hệ phái khác với những
Hội Thánh phát xuất từ Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (CMA). Những hội thánh
mới này có thể có tín lý, cách sống đạo khác với CMA. Qua nghiên cứu,
cũng như giao tiếp trực tiếp với tín hữu TLVN, tôi nhận thấy có lẽ do CMA là tổ
chức Tin Lành lâu đời nhất ở VN, có guồng máy tổ chức và đào tạo qui mô nhất
VN, do đó có ảnh hưởng rộng, sâu nhất VN, và tuyệt đại đa số mục sư VN có
gốc rễ từ những tiền bối tới từ CMA, nên tinh thần của đại đa số tín hữu TLVN
vẫn có nét chủ đạo tới từ CMA.
2/ Trong bài tôi phải dùng một số chữ bằng
tiếng Anh như “negative, positive …” thay vì dùng tiếng Việt. Không phải do
tiếng Việt thiếu chữ tương đương, hay tôi sính tiếng nước ngoài; nhưng có những
chữ phải dùng tiếng Anh mới lột hết ý nghĩa và nêu lên tác động của nó, vì con
người lẫn văn hóa, nền giáo dục VN không có những trải nghiệm tương đương.
Những chữ như “negative, positive” là những
chữ mà em bé 6, 7 tuổi ở Mỹ đã được học hỏi và nhắc nhở ở trường, trong khi đó
ở VN quan niệm “tiêu cực, tích cực” được học ở hoàn cảnh, văn hóa khác, gây một
cảm nhận khác.
Phân biệt “tiêu cực” và “negative” để chứng
minh là lối nói “negative” sẽ gây dị ứng mạnh hơn với những người VN có quá
trình sinh sống, hội nhập xã hội Tây Phương lâu hơn.
3/ Trong phần 4/Faith
and Reason? hay Faith and No Reason? không mục sư nào được nêu tên cụ thể. Lý do là nêu lên
sự kiện có thật để dẫn chứng cho biện luận, nhưng hoàn toàn không nhằm chỉ
trích bất cứ cá nhân nào, do đó không nêu tên.
4/ Lịch sử Hội Thánh
Tin Lành VN (1911-1965), viết tắt là LSHTTLVN, tác giả Mục sư Tiến Sĩ
Lê Hoàng Phu, Nhà xuất bản tôn
giáo, 2010, 53 Tràng Thi Hà Nội.
41 năm hầu việc Chúa với HTTL Việt Nam, viết tắt là HVC, tác giả Irving R. Stebbins
& Thomas H. Stebbins, published by Spiritual Light Magazine, Akron, Ohio,
Copyright 2004 Spiritual Light Magazine.
[Photo
và Caption là của Kevin Trần]