Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

NHẬN ĐỊNH VỀ ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM

Trích đoạn từ Chương 10, tác phẩm “Việt Nam 1945-1995
của Giáo sư Lê Xuân Khoa

Lê Xuân Khoa là một nhà giáo. Ông bắt đầu nghề dạy học ở Hà Nội năm 1950. Từ năm 1953, ông dạy tại trường trung học Petrus Ký, Sài Gòn. Sau khi học về Triết học tại Ðại học Sorbonne, ông giảng dạy Triết học Upanishad tại Ðại học Văn Khoa Sài Gòn và Văn Minh Việt Nam tại Ðại Học Ðà Lạt, Minh Ðức và Vạn Hạnh. Ở Hoa Kỳ, ông cũng từng là giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học về Nghiên cứu Quốc tế (SAIS) thuộc Ðại học Johns Hopkins ở Washington, D.C. Sau đó, ông được nhận làm học giả ngoại trú của Học viện về Chính Sách Quốc tế (FPI) cũng thuộc Ðại học Johns Hopkins.
[Xin xem toàn bộ Tiểu sữ của Tác giả tại https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Xu%C3%A2n_Khoa].


■ Trang 234:
So với chế độ cộng sản miền Bắc, chế độ dân chủ ở miền Nam có triển vọng trở thành tương tự như tình trạng giữa Tây Đức và Đông Đức hay Nam Hàn và Bắc Hàn. Tuy nhiên, do quan niệm trị nước lỗi thời đưa đến độc tài gia đình trị, Tổng thống Diệm đã làm mất sự ủng hộ của nhân dân trong nước và chống lại các khuyến cáo của Hoa Kỳ một cách thiếu khôn ngoan đến độ bị đảo chánh và hãm hại.

■ Trang 236:
… tinh thần vì gia đình của ông như được chứng tỏ trong thời gian làm Tổng thống VNCH quả thật là một nhược điểm lớn khiến cho ông trở thành một nhà độc tài gia đình trị.

■ Trang 239:
Tuy nhiên, ban tổ chức trưng cầu dân ý đã sắp đặt cho việc thắng cử của Ngô Đình Diệm quá bảo đảm đến độ ông được tới 98.2 phần trăm phiếu trong khi Bảo Đại chỉ được 1.1%. Bằng chứng gian lận lộ liễu nhất là ở nhiều nơi số phiếu ủng hộ ông Diệm nhiều hơn số cử tri. Chẳng hạn riêng vùng Sàigòn-Chợ Lớn có 450,000 cử tri ghi danh mà số phiếu bầu lên tới 605,025.
Ngày 26 tháng Mười, Thủ tướng Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống đầu tiên của miền Nam, quốc hiệu là Việt Nam Cộng Hòa! Mặc dù nổi tiếng là người có lý tưởng, liêm khiết và can đảm, Ngô Đình Diệm đã phạm nhiều sai lầm chính trị trong hơn tám năm cầm quyền ở miền Nam Việt Nam. Ông có một quan niệm trị nước theo truyền thống Nho giáo trong cương vị của một tín đồ Ki-tô giáo kiên quyết thi hành sứ mệnh mà ông tin tưởng được Thiên chúa trao cho.

■ Trang 240:
… khi Ngô Đình Diệm đã làm chủ được tình hình chính trị và quân sự ở miền Nam thì ông lại bắt đầu thiết lập một chế độ độc tài gia đình trị. Có thể nói rằng quan niệm trị nước của ông Diệm căn bản là quan niệm “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân) của đạo Khổng mà ông đã thực hiện từ thời ra làm quan gần ba mươi năm về trước. …. Thêm vào đó, với tư cách một tín đồ Công giáo nhiệt thành, ông tin tưởng đã được Thiên Chúa trao cho sứ mệnh thiêng liêng khi ông trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà và ông càng kiên quyết thực hiện sứ mệnh thiêng liêng ấy. Trên nền tảng tinh thần đó, ông không chấp nhận những quan điểm khác biệt và không tha thứ ai làm trái ý ông. Ngày 15.1.1956, ông giải tán Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng để loại trừ những người có công với ông trong việc lật đổ Bảo Đại nhưng cũng là những lãnh tụ chính trị độc lập như Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn và Nhị Lang...
... Ngoài ra, cần phải nhắc đến sắc lệnh số 10/62 hạn chế tự do cá nhân do Tổng Thống ban hành ngày 16.5, qui định mọi cuộc hội họp hay tụ họp dù là xum họp gia đình cũng phải có giấy phép của Sở Cảnh sát địa phương.

■ Trang 241:
Về mặt an ninh, từ tháng Giêng 1956 đã có sắc lệnh số 6/56 của Tổng Thống cho phép các cơ quan an ninh bắt giữ bất cứ người nào có hành động phương hại đến an ninh quốc gia, tháng Năm 1959 lại có đạo Luật số 10/59 thiết lập Toà Án Quân Sự Lưu Động để gia tăng hiệu lực ngăn chặn những hoạt động khủng bố của cộng sản. Tháng Năm 1962, Tổng thống lại ra sắc lệnh số 11/62 thiết lập Toà Án Quân Sự Mặt Trận tại ba Vùng Chiến thuật với thẩm quyền kết án chung thân mà người bị kết tội không được phép kháng cáo. Các bản án tử hình đều được trình lên Tổng Thống xem xét và quyết định. Tất cả những văn kiện pháp lý này đều có lý do chung là ngăn ngừa và trừng trị những hành động phá hoại của cộng sản, nhưng thực tế cũng nhắm cả vào những thành phần đối lập không cộng sản. Đó là một sai lầm chính trị quan trọng của Ngô Đình Diệm không những làm suy yếu hàng ngũ quốc gia mà còn khiến cho nhiều người yêu nước ở miền Nam đồng ý hợp tác với cộng sản. Thật khác hẳn chủ trương liên hiệp với những lãnh tụ quốc gia, dù chỉ là sách lược tạm thời, của Hồ Chí Minh sau Cách mạng tháng Tám 1945 để xây dựng và củng cỗ lực lượng kháng chiến chống Pháp. Sách lược đó cũng đã được sử dụng thành công chống lại Ngô Đình Diệm mà kết quả là sự ra đời của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.
Trong những năm đầu của chính quyền Ngô Đình Diệm, chiến dịch tố cộng và diệt cộng đã truy lùng và trừng phạt không những các cán bộ cộng sản nằm vùng mà còn cả những người đã đi theo Việt Minh chống Pháp mặc dù họ không phải là đảng viên cộng sản. Những người này đã không chọn di cư ra Bắc sau khi hiệp định Genève chia đất nước làm đôi nhưng, ngoại trừ một số rất ít, đều không ủng hộ chính phủ Diệm. Cuối năm 1958 có tin là 1,000 người đã bị giết ở trại tập trung Phú Lợi khiến Hà Nội tổ chức biểu tình phản đối và đòi Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (UHQT) điều tra. Thân nhân của nhiều cán bộ ra Bắc tập kết cũng bị bắt giữ, tra khảo và làm tiền bởi các viên chức địa phương.
… Đối với các đảng phái quốc gia có khả năng trở thành đối thủ trong cuộc tranh giành quyền lực thì những cuộc thanh trừng đã được chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện từ đầu năm 1955, trước khi dẹp yên loạn quân Bình Xuyên và những nhóm tôn giáo đối lập. Ở miền Trung, vào tháng Ba, Ngô Đình Cẩn đã dẹp xong các mật khu của Đại Việt tại Ba Lòng (Quảng Trị) và Phú Yên. “Kế tiếp, bắt đầu tiêu diệt các hệ Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kontum và nhiều tỉnh khác. Tại Quảng Nam, trên 20 người bị bắt giữ, kể cả Trịnh Thể, Nguyễn Tiến Long, Trần Bích Kiện, Hồ Văn Anh, Phan Thiệp (Quận trưởng Tam Kỳ) cùng nhiều giáo viên trường Khải Định Huế.”
Khi thành lập chính phủ cũng như trong những lần cải tổ nội các, Ngô Đình Diệm đều không muốn có sự tham gia của Phan Huy Quát, một lãnh tụ Đại Việt cũng được Hoa Kỳ tin cậy.
Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến tháng Ba 1956, ứng cử viên đối lập Phan Quang Đán đắc cử nhưng không được công nhận vì “gian lận”, và bị thua phiếu ứng cử viên chính phủ trong lần bầu lại. Năm 1959, ông Đán ra tranh cử lần nữa và trúng cử với đa số phiếu nhưng vẫn bị loại vì “vi phạm luật bầu cử”. Một ứng cử viên đối lập khác là Nguyễn Trân cùng đắc cử với ông Đán ở Sài-gòn cũng bị loại với cùng một lý do.

■ Trang 242:
Ngày 15.3.1958, Nghiêm Xuân  Thiện, cựu Tổng trấn Bắc phần, trong một lá thư ngỏ “Gửi Dân biểu của tôi” đăng trên tuần báo Thời Luận do ông làm Chủ nhiệm, nhận xét rằng:
Dưới thời chính phủ phong kiến thực dân Nguyễn Văn Tầm, “trong những cuộc bầu cử hội đồng tỉnh và hội đồng xã, dân chúng bị dọa nạt và ép buộc phải đi bầu, nhưng còn khá hơn những cuộc bầu cử của quí vị, vì không có ai dùng xe cam- nhông chở lính vào Sài-gòn để “giúp việc bỏ phiếu”… Quí vị lấy làm hãnh diện đã tạo lập cho Việt Nam một chính thể mà quí vị nghĩ là tương tự như nước Mỹ. Nếu có tương tự thì cũng như một toà nhà chọc trời và một ngôi nhà mái tôn giống nhau ở chỗ cùng là những nơi có người ở.
Ở Hoa Kỳ, Quốc Hội đích thực là một nghị trường và các dân biểu là những nhà làm luật tức là những người tự do và có công tâm không sợ hãi chính phủ, biết rõ nhiệm vụ của họ và dám đem ra thực hiện. Ở đây, dân biểu là những viên chức chính trị làm luật như một xướng ngôn viên trên đài phát thanh, lớn giọng đọc những bản văn đã được soạn sẵn từ trước.”
Ngay sau đó, báo Thời Luận bị đóng cửa và chủ nhiệm Nghiêm Xuân Thiện bị đưa ra tòa về tội phỉ báng chính quyền và bị xử mười tháng tù giam.
Ngày 26 tháng Tư, 1960, mười tám nhân vật danh tiếng họp báo tại khách sạn Caravelle công bố lá thư chung gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm kêu gọi “khẩn cấp thay đổi chính sách, ban hành các quyền tự do dân chủ để có thể cứu vãn tình thế và đưa đất nước ra khỏi cơn nguy biến.” Lá thư nhấn mạnh đến những vụ bắt bớ, giam cầm và xử án phi pháp, nạn lũng đoạn hàng ngũ công chức và quân đội của các tổ chức chính trị của chính quyền đưa đến những vụ thăng thưởng hay trừng phạt bất công, các tệ nạn độc quyền kinh tế và tham nhũng làm cho dân chúng mất niềm tin và dễ bị cộng sản lôi cuốn. Lá thư chung này, được dư luận đặt tên là “Bản Tuyên cáo Caravelle,”đã không được ông Diệm quan tâm đến.
Bộ Ngoại giao Mỹ, qua Đại sứ Elbridge Durbrow, tìm mọi thuyết phục ông Diệm cải thiện các điều kiện chính trị và bộ hành chánh nhưng không có kết quả. Ngay cả cố vấn cải cách điền địa và phát triển nông thôn Wolf Ladejinsky rất có thiện cảm với Diệm cũng trở nên lạnh nhạt và xa lánh ông. Chỉ còn một người vẫn còn nhiệt tình ủng hộ ông Diệm là Edward G. Lansdale không được Bộ Ngoại giao cho trở lại Việt Nam.

■ Trang 244-245:
Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield, người đã thuyết phục Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles ủng hộ Ngô Đình Diệm trước áp lực của Pháp và các lực nổi loạn trong những năm 1954-1955, cũng trở nên thất vọng với Diệm mấy năm sau đó. Đại sứ Durbrow kể lại rằng, trong dịp trở về Washington điều trần trước Thượng Viện năm 1960, ông có gặp riêng Mansfield và được vị Thượng Nghị sĩ này nói chuyện về “những chính sách thiếu dân chủ, tình trạng tham nhũng và những nhược điểm khác của chính phủ Diệm.” Theo Durbrow, khi đó Mansfield đã “hoàn toàn lạnh nhạt với Diệm.” Đáng chú ý nhất là, sau chuyến đi Việt Nam tháng Mười Hai 1962, Mansfield đã viết một bản phúc trình cho Tổng Thống Kennedy về những sai lầm của ông Diệm và đề nghị Hoa Kỳ nên rút ra khỏi Việt Nam trước khi bị sa lầy trong “một cuộc nội chiến tuyệt vọng” của miền Nam chống cộng sản miền Bắc. Ông  cũng đích thân gặp Kennedy để nói rõ quan điểm của mình. Sau cuộc tiếp kiến này, Kennedy nói với phụ tá Kenny O’ Donnell, “Tôi tức giận Mike vì ông ta đã bất đồng ý với chính sách của chúng ta, nhưng tôi cũng tự giận mình vì tôi đã thấy chính mình đồng ý với Mike.” Trong lần gặp gỡ thứ nhì với Mansfield, Kennedy cho hay ông đồng ý sẽ rút hết cố vấn quân sự ra khỏi Việt Nam, nhưng không thể làm chuyện này cho tới năm 1965, sau khi đã tái đắc cử. Sau đó, Kennedy tâm sự với Charles Bartlett, phái viên thân cận ở Bạch Cung của tờ Chattanooga Times: “Chúng ta không cầu mong ở lại Việt Nam. Những người ở đó ghét chúng ta. Có thể họ sẽ tống cổ chúng ta ra khỏi nơi đó bất cứ lúc nào. Nhưng tôi không thể bỏ một miền đất như vậy cho cộng sản để rồi vẫn được dân chúng bầu lại tôi.”
... Ngoài chính sách độc tài gia đình trị, chính phủ Diệm còn phạm nhiều sai lầm trong việc hoạch dịnh và thi hành các chương trình tranh thủ nhân dân chống cộng.

■ Trang 246:
Chỉ hai năm sau chương trình này bị dẹp bỏ khi mới thành lập được 20 khu trù mật trên tổng số 80 theo kế hoạch dự trù.
Các quan sát viên ngoại quốc đều cho rằng chương trình khu trù mật thất bại vì kéo dân ra khỏi nơi sinh sống lâu đời của họ để tập trung họ vào một khu xa lạ khiến họ phải làm lại cuộc sống từ đầu. Điều này chỉ đúng một phần vì làng mạc ở miền Nam không khép kín và tổ chức chặt chẽ với những truyền thống lâu đời như ở miền Bắc. Đã đành người dân nông thôn ở đâu cũng không muốn rời bỏ nơi quen thuộc nhưng họ cũng sẵn sàng thích ứng nếu cuộc sống mới thực sự đem lại cho họ sự yên ổn và hạnh phúc. Lý do chính vẫn là tệ nạn quan liêu, tham nhũng của các viên chức cầm quyền địa phương khiến họ thường bị sách nhiễu và đời sống vẫn bị khó khăn, thiếu thốn, Họ bị cắt xén các vật liệu được chính phủ cung cấp hoặc phải trả tiền túi ra mua, Họ ít khi ra khỏi khu trù mật vì lý do an ninh hay vì bị chính những người có nhiệm vụ bảo vệ họ hạch hỏi, gây khó dễ để làm tiền khi biết họ ra ngoài để buôn bán làm ăn. Nhiều tỉnh trưởng muốn lập công với Tổng thống đã bắt dân làm việc quá sức để phá kỷ lục mau chóng lập khu trù mật hoặc kịp trình diễn một bề ngoài sung túc của khu trù mật khi Tổng thống tới kinh lý, tháng Ba năm 1962, khu trù mật được thay thế bằng chương trình “Ấp Chiến lược.” Chương trình này, do Sir Robert Thompson quan niệm, đã được thực hiện thành công trong chiến dịch tiễu trừ cộng sản ở Mã-Lai trong thập niên 1950 nhưng trong những điều kiện khác với Việt Nam.

■ Trang 247:
Ấp chiến lược được đưa lên thành quốc sách có tầm quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, mọi tính toán lý thuyết tốt đẹp này lại thất bại một lần nữa khi thực hiện. Do chỉ tiêu phải hoàn tất 7,200 ấp chiến lược trong năm đầu tiên trên tổng số dự định là 14,000, nhiều ấp chiến lược đã được thành lập một cách vội vàng, cẩu thả và dân chúng bị áp lực làm việc quá sức, chịu sự kiểm soát gắt gao và phải đóng góp nhiều thì giờ vào công tác phòng vệ. Việc xây dựng ấp chiến lược quá nhiều và quá nhanh cũng làm suy giảm khả năng của quân đội trong việc bảo vệ dân chúng ở những vùng do chính phủ kiểm soát. Lợi dụng những nhược điểm này, bộ đội cộng sản gia tăng tấn công các ấp chiến lược yếu và cắt đứt các đường tiếp viện của quân đội. Hệ thống ấp chiến lược tan rã dần.
Năm 1963 các biến chuyển bất lợi cho chính quyền Ngô Đình Diệm liên tiếp xảy ra đưa đến cái chết thê thảm của các ông Diệm, Nhu, Cẩn và sự sụp đổ của đệ Nhất Cộng Hoà. Ngày 2 tháng Giêng, quân đội VNCH mở cuộc tân công vào Ấp Bắc, một địa điểm do cộng sản kiểm soát thuộc quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, cách tây- nam Sài gòn khoảng 40 dặm. Mặc dù đông gấp bốn lần quân địch và có sự yểm trợ của xe thiết giáp và máy bay trực thăng, ba tiểu đoàn bộ binh của VNCH đã bị quân cộng sản phục kích gây thiệt hại nặng nề. Họ chỉ rút lui khi quân quốc gia được một tiểu đoàn dù đến tiếp cứu. Ngày 25.2, phúc trình Mansfield khuyến cáo Hoa Kỳ nên rút khỏi Việt Nam được công bố khiến cho quan hệ Việt- Mỹ trở nên căng thẳng. Tinh thần chống Mỹ của gia đình Tổng thống Diệm lên đến cao độ. John Mecklin, cố vấn toà Đại sứ, báo cáo về bộ Ngoại giao Mỹ rằng “sự cay đắng bị đè nén này có thể gây hậu quả tai hại cho quan hệ của chúng ta với chính phủ Việt Nam hơn là một sự phản đối công khai.” Vào cuối tháng Ba, ông Nhu có một “buổi thảo luận đặc biệt của Quân ủy Cần Lao” với Trung tướng Tôn Thất Đính, Tổng tư lệnh Quân đoàn III và Thủ đô Sàigòn và Đại tá Lê Quang Tung, Chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc biệt, để ra chỉ thị về các biện pháp ngăn chặn đảo chánh do Mỹ sắp đặt.
Từ tháng Tư trở đi, một chuỗi biến cố giữa chính quyền và Phật giáo dẫn đến cuộc đảo chính 1 tháng Mười Một. Nguyên nhân đầu tiên là lệnh cấm treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên chùa chiền trong ngày lễ Phật Đản. Thông thường cờ của tôn giáo nào cũng chỉ treo ở những nơi thờ tự của tôn giáo ấy, nếu đôi khi có ngoại lệ thì chẳng có gì đáng để cho chính quyền phải ngăn cấm. Tuy nhiên, riêng năm 1963 thì xảy ra chuyện đáng tiếc về vụ treo cờ Công giáo và cờ Phật giáo ở thành phố Huế. Đầu tháng Tư, nhân dịp lễ Ngân Khánh kỷ niệm 25 năm Tổng Giám mục Ngô Đình Thục được thụ phong giám mục, cờ Vatican được treo nhiều nơi ngoài nhà thờ ở Huế và những vùng phụ cận. Đầu tháng Năm, để chuẩn bị tổ chức lễ Phật Đản, các Phật tử treo cờ Phật giáo tại tư gia nhiều hơn cờ Công giáo trong dịp chúc mừng Tổng Giám mục Ngô Đình Thục.

■ Trang 248:
Do sự can thiệp của Tổng Giám mục Thục, ngày 6.5 Phủ Tổng thống ra lệnh không cho treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên các chùa. Ngày 8.5, Thượng Tọa Trí Quang thuyết pháp tại chùa Từ Đàm, phản đối lệnh cấm và tố cáo chính quyền đàn áp Phật giáo. Sau đó, khoảng ba ngàn Phật tử xuống đường biểu tình phàn đối chính phủ. Phó Tỉnh trưởng Đặng Sỹ cho lệnh cảnh sát và quân đội giải tán đám biểu tình khiến cho 8 người chết và 15 bị thương.
Các cuộc biểu tình của tăng ni và Phật tử lan ra một số tỉnh miền Trung và đặc biệt ở Sài-gòn trong khi những cuộc điều đình giữa chính quyền và các nhà lãnh đạo Phật giáo chưa đạt được kết quả. Ngày 11.6, Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài-gòn. Tấm hình của vị tu sĩ ngùn ngụt lửa do Malcom Browne, phái viên AP, chụp được bỗng nhiên làm sôi nổi dư luận thế giới về cuộc tranh đấu của Phật Giáo Việt Nam. Tổng thống Diệm lúc đầu muốn giải quyết vấn đề Phật giáo một cách ổn thỏa, nhưng ông trở nên bất lực trước những lời tuyên bố của bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân) có tính cách nhục mạ đối với các nhà lãnh đạo Phật giáo, đồng thời kịch liệt chỉ trích Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ Việt Nam.
Ngày 7.7, nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, một lãnh tụ của VNQDĐ và Đại Việt Dân Chính uống thuốc độc tự tử để phản đối chính quyền đưa ông ra Tòa Án Mặt Trận xét xử cùng với những người liên quan đến vụ đảo chính hụt gần ba năm trước (11.11.1960.) Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị phủ Tổng Thống —cơ quan mật vụ được CIA yểm trợ để kiểm soát các phần tử chống đối chính phủ— là người đầu tiên trong chính quyền âm mưu đảo chính nhằm loại bỏ hai vợ chồng ông Ngô Đình Nhu trước nguy cơ sụp đổ của VNCH. Cùng chủ mưu trong vụ này là Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Tổng Thanh tra chương trình Ấp chiến lược. Âm mưu của Tuyến-Thảo được sự ủng hộ của một số sĩ quan trẻ, một số nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Được tin này, Lucien E. Conein, nhân viên CIA đang làm cố vấn cho Bộ Nội Vụ, báo tin cho người bạn thân là Trung tướng Trần văn Đôn khi đó cũng đang bàn tính chuyện đảo chính với các tướng Lê Văn Kim, Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm. Tướng Khiêm gặp Đại tá Thảo và chặn được kế hoạch đảo chính sớm này.
Sau đó, Trần Kim Tuyến bị Ngô Đình Nhu nghi ngờ và đẩy đi làm Tổng Lãnh sự bên Ai Cập.
Đêm 21.8, Ngô Đình Nhu điều động Lực Lượng Đặc Biệt tấn công chùa Xá Lợi, bắt giữ hàng trăm tăng ni, trong đó có hai nhà lãnh đạo giáo hội Phật giáo là Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và Thượng tọa Thích Tâm Châu. Đồng thời, tại Huế và nhiều nơi khác cũng xảy ra những vụ tấn công chùa chiền và bắt bớ tăng ni, Phật tử. Sau vụ này, Đại sứ Cabot Lodge được Tổng thống Kennedy chấp thuận quyết định “không ngăn cản” cuộc đảo chánh nếu Tổng thống Diệm không chịu thay đổi đường lối lãnh đạo và loại bỏ vai trò của vợ chồng ông Nhu.
Khi biết là quan hệ với Washington có thể phải đoạn tuyệt, hai ông Nhu và Diệm tỏ ra muốn thương thuyết với Hà Nội. Ý định này có thể đã nảy sinh từ cuối tháng Năm khi Hồ Chí Minh tuyên bố trong một buổi phỏng vấn với nhà báo Úc Wilfred Burchett rằng chính phủ Ngô Đình Diệm và MTGPMN có thể thương thuyết ngưng bắn và thành lập một chính phủ liên hiệp. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi được Mieczyslaw Maneli, Trưởng đoàn Ba-Lan trong UHQT, thăm dò khả năng hiệp thương với miền Nam, còn cho biết rõ rệt hơn: “Vấn đề chính là Mỹ phải ra đi. Trên cơ sở chính trị này, chúng tôi có thể thương thuyết về mọi chuyện. Tất cả mọi chuyện.” Một vài cuộc tiếp xúc bí mật giữa ông Nhu và đại diện của Hà Nội được diễn ra như Ellen J. Hammer đã thuật lại, và cả Đại sứ Pháp Roger Lalouette lẫn Trưởng đoàn Ba-Lan Mieczyslaw Maneli cũng đều biết. Tuy nhiên, những cuộc tiếp xúc này rõ rệt chỉ có tính cách thăm dò. Ngày 2.9, qua sự thu xếp của Đại sứ Ý d’Orlandi và Chủ tịch UHKSQT Goburdhun, Ngô Đình Nhu tiếp Maneli tại Dinh Gia Long để được biết tin tức chuyến đi Hà Nội của ông ta hồi tháng Bảy.

■ Trang 249:
Theo Maneli, khi được hỏi về khả năng trao đổi kinh tế và văn  hoá giữa Nam và Bắc như một bước đầu để tiến đến thoả hiệp về chính trị, Phạm Văn Đồng không những chỉ nhấn mạnh rằng trở ngại chính không phải là Diệm mà là sự hiện diện của Mỹ, ông còn gợi ý về bước đầu của hiệp thương là mở đường bưu điện và đổi gạo ở miền Nam lấy than đá ở miền Bắc…
Sai lầm chính của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong vụ Phật giáo là chỉ nghe lời những người trong gia đình và che chở họ ngay cả khi ông biết những người đó làm sai, như trường hợp Tổng Giám mục Thục và bà Nhu. Công bằng mà nói, ông Diệm là người Công giáo đang ở vị thế cầm quyền tất không khỏi có những hành vi đối xử có lợi cho Công giáo, nhưng điều đó không có nghĩa là các ông Diệm, Nhu và Cẩn có chủ trương kỳ thị và đàn áp Phật giáo. Quyết định sai lầm của ông Diệm khi chiều ý TGM Thục về vụ treo cờ lúc đầu là do tình cảm gia đình, khi bị phản đối thì lại phản ứng vì tự ái, thay vì thỏa mãn những thỉnh nguyện bình thường của Phật giáo, ông lại áp dụng luật lệ không công bằng khiến phát sinh một phong trào tranh đấu mang tính chất chính trị bị cộng sản lợi dụng. Đến lúc đó thì ông Nhu nhúng tay vào và chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ là do những quyết định chính trị sai lầm của ông Nhu. Vì tin tưởng mạnh mẽ ở khả năng và thiện chí của mình và vì tình gắn bó chặt chẽ với gia đình, Tổng thống Diệm đã chống lại mọi khuyến cáo hay áp lực tách ông ra khỏi những người thân, nhất là Ngô Đình Nhu là người mà ông tin tưởng có thể giúp ông giải quyết được mọi chuyện khó khăn. Giả thử cuộc đảo chánh thành công trong việc loại bỏ hai vợ chồng ông Nhu và ông Cẩn bằng cách giam giữ, giết chết hoặc lưu đày họ ra ngoại quốc, Tổng thống Diệm chắc chắn sẽ có những phản ứng tiêu cực và không khi nào chịu hợp tác với (và bị hạn chế bởi) những người đã phá hủy hệ thống quyền lực và triết lý cai trị của ông.
Chóp bu của chế độ Gia Đình Trị:
Việt Nam có bốn gian hùng
Diệm ngu, Nhu ác, Cẫn khùng, Thục điên
(Phong dao miền Trung những năm đầu 1960’s)
■ Trang 250:
Ngô Đình Cẩn có thể đã gây nhiều kẻ thù không những chỉ về phía đảng viên cộng sản mà cả trong hàng ngũ các đảng phái quốc gia, nhất là VNQDĐ và nhóm Đại Việt Cách Mạng mà ông đã triệt hạ ở miền Trung. Nhưng riêng về vụ Phật giáo thì ông lại là một nạn nhân của chính gia đình ông. Ngay từ đầu, ông Cẩn đã bất đồng ý kiến với TGM Ngô Đình Thục về vụ cấm treo cờ Phật giáo. Ông vốn có quan hệ tốt với chùa Từ Đàm và thường giúp đỡ cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Khi có những người Công giáo đến gặp ông phàn nàn về việc ông tài trợ cho Phật giáo, ông bực mình gắt, “Đã đến lúc họ cần được giúp đỡ. Dưới thời Pháp người Công giáo đã được đủ mọi thứ. Nay đến lượt tín đồ đạo Phật.” Nhưng từ khi TGM Thục được Vatican bổ nhiệm về Huế năm 1961 thì vai trò của ông Cẩn bắt đầu bị lấn át và mất dần thế lực. Đầu năm 1963, Ngô Đình Nhu phái người thân tín ra nhắn với ông Cẩn là ông nên sang Nhật nghỉ một thời gian nhưng ông không chịu. Khi Phủ Tổng thống ra thông tư về vụ cấm treo cờ, ông Cẩn ra chỉ thị cho Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng không thi hành và đã cử phái đoàn chính phủ tham dự lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm.
Việc hạ sát các ông Diệm, Nhu, Cẩn là những quyết định chính trị mà cả Hoa Kỳ và những người làm đảo chánh đều có trách nhiệm nhưng sau này lại đổ lẫn cho nhau. Nhóm tướng lãnh có thể lo ngại rằng nếu các ông Nhu, Diệm không bị giết, sau này các ông ấy sẽ có thể trở lại cầm quyền và trả thù. Nhưng ai cũng thấy rõ là vào thời điểm của cuộc đảo chánh 1963, chính phủ Ngô Đình Diệm đã hoàn toàn bị thất thế cả về đối nội lẫn đối ngoại. Đại đa số các giới quân sự, chính trị và dân chúng trong nước đều chống đối. Dư luận thế giới đều bất mãn và Hoa Kỳ đã quyết định chấm dứt hợp tác với Ngô Đình Diệm. Khi Tổng thống Diệm bị lâm nguy, không thấy có một hành động can thiệp nào của các lực lượng “Thanh niên Cộng hòa” hay “Phụ nữ Liên đới” mà ông bà Nhu vẫn tự hào là những lực lượng nòng cốt với hàng triệu thành viên. Nhiều người từng ủng hộ Ngô Đình Diệm đã thấy sự sai lầm của ông và đã trở nên thờ ơ hay chống đối. Như vậy, trong trường hợp hai ông Nhu, Diệm không bị giết và chỉ bị lưu đày ra ngoại quốc, các ông cũng không còn cơ hội nào để có thể trở lại lãnh đạo cuộc chiến đấu chống cộng sản. Cho dù hai ông có tìm cách liên kết với cộng sản để tính chuyện trung lập hóa miền Nam và chấm dứt vai trò của Mỹ ở Việt Nam, các ông cũng không còn có những điều kiện để nói chuyện được với họ, nhất là khi tình hình chính trị và quân sự đã trở nên thuận lợi cho họ.
Lê Xuân Khoa

● Nhấn mạnh là của người sưu tầm bài viết nầy. Có 27 footnotes trong bài (từ số 33 đến số 60), xin xem nội dung những footnotes nầy trong nguyên bản.