Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017


LÀM BÁO TỰ DO, ĐI TÙ THỜI CỘNG HÒA
Trích từ Hồi ký “Một Hạt Đời

Mặc Thu Lưu Đức Sinh
(1920-2002)

Lời Giới Thiệu - Tạp chí Việt Báo số Xuân Đinh Dậu (2017, Westminster, California) có đăng bài “Làm báo Tự Do, Đi Tù Thời Cộng Hòa” mà chúng tôi xin hân hạnh đăng lại để giới thiệu với quý bạn đọc dưới đây. Bài nầy vốn được trích từ Hồi ký “Một Hạt Đời” của nhà văn Mặc Thu Lưu Đức Sinh, kể lại chuyện ông (và một số văn hữu chủ trương báo Tự Do) bị đi tù dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Qua đó, chúng ta cũng biết được một khía cạnh về mặt trái của sinh hoạt báo chí dưới thời gọi là “Nhân vị” đó. Độc giả nào muốn biết rõ hơn về toàn cảnh hoạt động báo chí dưới thời ông Diệm, xin đọc bài Báo Chí Thời Ngô Đình Diệm (trích từ “Bốn Mươi Năm Nói Láo”, Sống Mới, Sài Gòn, 1969) của nhà báo kỳ cựu Vũ Bằng, và bài  Tình trạng báo chí thời Ngô Đình Diệm có thể tóm tắt qua Lời Hiệu triệu của ba nhà báo tên tuổi là Từ Chung (báo Chính Luận), Hiếu Chân (tên thật llà Nguyễn Hoạt làm báo Tự Do) và Chu Tử (tên thật là Chu Văn Bình làm báo Sống), đăng trên báo Ngôn Luận mấy ngày sau khi chế độ Diệm sụp đổ.

Mặc Thu Lưu Đức Sinh là một khuôn mặt đặc biệt của miền Nam trước 1975. Ông sinh hoạt trong nhiều lãnh vực văn học nghệ thuật khác nhau: nhà văn, nhà báo, nhà làm phim, nhà quản lý cơ sở ấn loát …và rất quảng giao nên biết sâu và biết rộng về xã hội miền Nam.
Trong tác phẩm biên khảo “Nhà Văn Tiền Chiến, Lược sử Văn nghệ Việt Nam, 1930-1945” của nhà nghiên cứu và phê bình văn học Thế Phong, ta tìm được khá đầy đủ thông tin về nhân thân và sự nghiệp trước tác của nhà văn Mặc Thu. Đặc biệt, tác giả Thế Phong còn cho ta biết thêm rằng ông Mặc Thu đã từng lấy bút danh là Chu Bằng Lĩnh khi viết tác phẩm “Đảng Cần Lao”, một bút ký với nhiều chi tiết về công cụ chính trị và an ninh của hai anh em ông Diệm và Nhu dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa.
Chương Hai, Tiết 2, Tiểu mục b. của tác phẩm biên khảo “Nhà Văn Tiền Chiến” nói trên đã giới thiệu nhà văn Mặc Thu như sau:
“1. MẶC THU (1920-2002) - Tên thật Lưu Đức Sinh. Sinh năm 1920 ở Bắc Việt. Còn ký bút danh Chu Bằng Lĩnh mang tựa đề Đảng Cần Lao (Sài Gòn, 19??). Khởi sử viết văn từ ngày đầu kháng chiến. Cộng tác với các báo Đây Sài Gòn xuất bản ở Hà Nội trước 1954. Là một người chủ trương nhật báo Tự Do (Sài Gòn sau 1954), chức vụ cuối cùng là Chủ nhiệm tuần báo Văn Nghệ Tự Do (Sài Gòn). Tác phẩm: Thằng Bé Thợ Rèn (Hà Nội, 1953), Bão Biển (1951), Đêm Trừ Tịch (Sài Gòn 1955), Người Chép Sử (1956), ...”
 
Riêng tác phẩm “Đảng Cần Lao” thì cũng đã trải qua nhiều “biến động” khác thường. Theo trí nhớ của một vài người sống ở Sài Gòn sau năm 1963 thì tác phẩm được ông Mặc Thu hoàn thành vào khoảng cuối năm 1964 sau gần một năm thu thập tài liệu và phỏng vấn các nhân chứng. Tác phẩm đã được chờ đón với rất nhiều hào hứng vì những thông tin phong phú và khả tín và cũng vì uy tín của tác giả. Nhưng khi sắp xuất bản thì có người đến liên lạc với tác giả Mặc Thu để muốn mua lại tác quyền và toàn bộ số lượng ấn phẩm dự trù sẽ phát hành. Giới báo chí Sài Gòn lúc đó đồn đoán rằng ông Trương Vĩnh Lễ (cựu Chủ tịch Quốc Hội khoá đầu tiên thời ông Diệm), nhưng cũng có người nói là một vị Linh mục, chính là nhân vật bí mật tìm mua “Đảng Cần Lao” để tiêu hủy.
Không biết cuộc “thương thảo” đó kết quả như thế nào nhưng một số “bản thảo” của “Đảng Cần Lao” vẫn được luân lưu trong giới báo chí và đảng phái chính trị tại miền Nam Việt Nam. Sau 1975, ông Chu Văn Trình, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng trong Nhóm Nghiên cứu Văn-Sử-Địa tại bang Florida, cho biết đã mang theo được một “phiên bản Ronéo” của “Đảng Cần Lao” trong lúc vượt biên. Sau đó, ông đã cho phóng ảnh tác phẩm nầy thành nhiều bản để phổ biến hạn chế trong một số văn hữu quan tâm đến lịch sử đảng chính trị nầy trong quá trình sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.
Mãi đến cuối thập niên 1980’s, tác phẩm “Đảng Cần Lao” mới được Nhà xuất bản Mẹ Việt Nam (San Diego, California) in ấn đàng hoàng và công khai phát hành ra quần chúng. Từ đó, độc giả mới đọc được trong các sách nghiên cứu cũng như bài viết tại hải ngoại, những tham chiếu trích dẫn từ cuốn “Đảng Cần Lao” với nhiều thông tin quý giá nầy.   – Sưu tầm của  Kevin Trần
Bìa trước và bìa sau của tác phẩm ĐẢNG CẦN LAO, Lê Trọng Văn giới thiệu,
do nhà xuất bản Mẹ Việt Nam (San Diego, California)
in ấn và phát hành cuối thập niên 1980s – Photo: Internet

*      *
*
LÀM BÁO TỰ DO, ĐI TÙ THỜI CỘNG HÒA
Mặc Thu Lưu Đức Sinh
[Nguồn: Việt Báo, số Xuân Đinh Dậu, 1/2017]

Từ trái, Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Mặc Thu Lưu Đức Sinh, Trần Dạ Từ, Phạm Duy
tại nhà Vương Anh-Mặc Lan khi Ông Bà Mặc Thu vừa từ Saigon tới Hoa Kỳ tháng 7, 1996.

Sinh tại Phúc Yên miền Bắc năm 1920, Mặc Thu Lưu Đức Sinh là nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn, nhà báo tài ba, đã dự phần định hình nhiều sinh hoạt văn học, báo chí, từ chiến khu miền Bắc chống Pháp tới miền Nam chống Cộng, 1954-1975.

Ngay năm đầu di cư, Ông là một trong 5 người chủ trương nhật báo Tự Do ấn hành tại Sàigòn, gồm Tam Lang, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Như Phong, Mặc Thu. Trong khi Như Phong lãnh phần tổng thư ký tòa soạn, Mặc Thu Lưu Đức Sinh là quản ly,ù chủ nhiệm tuần báo Văn Nghệ Tự Do, và đứng tên chủ nhân mọi cơ sở liên hệ do ông tổ chức và trực tiếp điều hành, gồm nhà in, nhà xuất bản, nhà nhập cảng giấy, nhà phát hành... Trên đà phát triển, năm 1956, Quản nhiệm Mặc Thu ký với Cathay Film hợp đồng sản xuất phim ảnh giữa Hồng Kông- Saigon. Mọi việc đang tiến triển tốt đẹp thì “vụ án báo Tự Do bùng nổ” sau đó, là tờ báo đổi chủ.

Sang thời Đệ Nhị Cộng Hòa, Mặc Thu Lưu Đức Sinh là người cùng sáng lập cơ sở Thách Đố, do Đặng Văn Bé chủ nhiệm, gồm nhật báo, tuần báo và nhà in Web Print tối tân thành công tại Sàigòn. Sau Tháng Tư 1975, máy in tối tân của Thách Đố bị chở về miền Bắc và Mặc Thu đi tù cùng các văn nghệ sĩ miền Nam.
Một Hạt Đời (Thủ bút / Thay Tựa)
Ông bà Mặc Thu định cư tại California từ tháng Bẩy 1996. Hồi ký “Một Hạt Đời” viết trong vườn nhà vùng Little Saigon, là tác phẩm sau cùng của ông. Báo xuân Việt Báo 1997, 1998 từng được vinh dự giới thiệu một số chương trích từ hồi ký Mặc Thu. Sau đây là phần hồi ký đặc biệt về “Vụ Án Báo Tự Do năm 1956”.

Di cảo quí của nhà văn được bảo quản nhờ tấm lòng của ông bạn họ Trần. Một số hình ảnh kèm theo những trang hồi ký này được trích từ bài viết của Giáo sư Trần Huy Bích về “Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến”. Việt Báo trân trọng cám ơn Ông bạn họ Trần và Giáo sư Bích.

***

Ở Hongkong, nắm được tờ hợp đồng ký với Cathay, tôi sửa soạn về nước để chuẩn bị đón tiếp phái đoàn chuyên môn quay phim và nhóm tài tử Hongkong qua Việt Nam, thực hiện cuốn phim thứ nhất "Bát cơm, bát máu". Giữa không khí phấn khởi như thế, một buổi nọ tôi được ông Bùi Công Văn mời tới gặp tại Toà Lãnh Sự có việc khẩn cấp. Tôi hấp tấp tới ngay Toà Lãnh Sự Việt Nam. Ông Lãnh Sự đưa tôi xem bức điện tín của Bác sĩ Bùi Kiến Tín đại ý bảo ông Bùi Công Văn khuyên tôi nên ở lại Hongkong ít lâu, vì trở về lúc này có thể bị bắt. Bức điện cũng cho biết có vụ lộn xộn ở nhà báo Tự Do. 

Mặc dầu có lời khuyên ân cần của ông Văn và Bác sĩ Tín, tôi vẫn quyết định phải trở về vì tất cả đời sống của bao nhiêu nhân viên đều ở trong tay tôi, và tôi cũng tin dẫu có việc gì xảy ra, tôi cũng có thể thu xếp nổi.

Tôi tin rằng lòng tôi trong sáng, tôi không làm gì nên tội mà phải trốn tránh. Thật chủ quan! Đấy cũng là chỗ yếu thiếu bản lãnh của tôi. Và với tư tưởng ngây thơ, ấu trĩ như thế, tôi đã trở về.

Tới nhà, tôi được rõ ngay mọi chuyện xảy ra khi tôi vắng mặt. Nguyên do: Trong thời gian tôi đi Hongkong, nhật báo Tự Do đã mở một loạt bài tấn công (đả kích) ông Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành về tội: "làm hư hỏng tinh thần dân chủ của chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà, đẩy chế độ Ngô Đình Diệm tới chỗ độc tài, phản dân chủ…", và kêu gọi TT Ngô Đình Diệm loại Trần Chánh Thành ra khỏi chính phủ… Những bài báo đầy "chất nổ" này đều được chạy tới 6 hoặc 8 cột trên trang nhất nhật báo Tự Do.

Vào lúc này, Luật sư Trần Chánh Thành đương được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm rất mực tín nhiệm, và ông Thành lại đương giữ chức Bộ Trưởng Thông Tin thì, quả thật toà soạn nhật báo Tự Do đã chơi một trò quá nguy hiểm. Nguy hiểm tới độ "tự đút đầu vào máy chém của ông Đội Phước". 

Khi đọc lướt qua một số tờ Tự Do xuất bản trong những ngày tôi vắng mặt, tôi hiểu ngay vì sao lại xảy ra chuyện "Tình nguyện tự sát" đó, và cũng biết ngay rằng tình thế của cơ sở Tự Do đã tới chỗ "vô phương cứu vãn". Tờ Nhật báo Tự Do, tờ Tuần báo Văn Nghệ Tự Do, cơ sở phát hành Vô Tư đều đã bị Bộ Thông Tin rút giấy phép.

Đó là ngày thứ nhất tôi về nước. Ngày thứ hai, tôi được giấy mời của Đại Úy Minh, Trưởng phòng Tư Pháp Hình Sự Sở Công An Nam Việt, ở đường Catinat, cạnh Bưu Điện Sài Gòn (Sở Mật Thám cũ của Pháp). Hai Chề, tài xế của nhà phát hành Vô Tư lái xe traction đưa tôi tới Sở Công An vào lúc 9 giờ sáng.

Đại Úy Minh tiếp tôi một cách lịch sự. Ông Đại Úy này tỏ vẻ buồn rầu, phàn nàn về những bài báo đả kích quá mạnh với ông bộ trưởng đương nhiệm là ông Trần Chánh Thành. Ông Thành vào lúc này lại đương có thế mạnh, gần như một phó Thủ Tướng trong nội các Ngô Đình Diệm.

Đại Úy Minh cũng tỏ vẻ không vui gì phải thi hành nhiệm vụ "làm việc" với chúng tôi về việc này. Ông gọi thuộc hạ lấy "bia" liên tiếp mời tôi uống, hết chai này tới chai khác. Có lẽ ông đã phải gạt bỏ hết mọi công việc thường lệ của ông để tiếp chuyện tôi suốt mấy tiếng đồng hồ buổi sáng hôm đó.

Khi chiếc đồng hồ trên tường đã điểm 13 giờ và cũng đã thấy anh Hai Chề thập thò trước cửa phòng, có ý nhắc tôi "đã trễ", tôi dợm đứng dậy, ngỏ ý muốn cáo từ ra về. Lúc ấy tôi mới để ý thấy Đại Úy Minh có vẻ lúng túng, như muốn nói ra điều gì mà khó nói. Sau cùng, ông cũng phải nói, Đại Úy: rất tiếc phải theo lệnh trên, tạm giữ tôi ở lại trại giam ngay trong Sở Công An, và quay bảo anh Hai Chề: cứ trở về, thu xếp mang vào cho tôi quần áo ngủ, khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng, thuốc hút,v..v…

Hai Chề xanh mặt, lúng túng chào tôi rồi quay ra. Bấy giờ, tôi mới biết: tình trạng tôi đã ngã ngũ, đúng như Bác sĩ Bùi Kiến Tín đã dự liệu.

Đại Úy đích thân đưa tôi xuống trại giam. Tôi thấy một nhà giam có khung sắt, có lưới sắt cao sát mái nhà, có khoá lớn trên một cánh cửa nhỏ. Bên trong lố nhố đầy những người tù. Người Công an phụ trách nhà giam toan mở khoá, nhưng Đại Úy Minh gạt đi, bảo đi lấy một cái chiếu nhỏ, trải ra phía bên ngoài, dưới đất, ngay sát khung sắt, cho tôi được đặc cách nằm bên ngoài cái lồng sắt nhốt người đó.

Khi Đại Úy Minh chào tôi, quay đi, tôi mới để ý tới đám tù nhân nhốt trong lồng. Kìa, một người vẻ mặt trí thức với đôi kiếng gọng đen nặng nề giữa mặt, miệng đang nhếch cười, cái cười méo xệch thảm não, nhìn tôi đăm đăm. Hai tay người đó nắm vào khung sắt, chân leo lên một thanh sắt, giống như một con dã nhân trong sở thú. 

Tôi bàng hoàng kêu lên: "Anh Bình! Làm sao cũng vào đây? Vào tù bao giờ?"

Thì ra người đó là Chu Văn Bình, một bạn rất thân của tôi. Lúc này Bình vẫn chưa có tên "Chu Tử". Tôi có nghe nói anh đã lên Tây Ninh, hợp tác với giáo phái Cao Đài của Đức Hội Pháp Phạm Công Tắc, được phong Đại Tá (cùng một lượt với Hồn Hán Sơn, cũng Đại Tá). Bình được phân công làm Hiệu trưởng trường Trung học Lê Văn Trung ngay tại Tây Ninh. Tôi đang mừng cho anh đã tìm được chỗ yên thân.

Anh nói ngắn gọn cho tôi biết anh bị kết tội: "tổ chức ăn cắp và tàng trữ 500 xe Lambretta" mà anh chưa hề biết mặt mũi cái xe Lambretta nó ra thế nào.

Kẻ ở bên trong lồng sắt, kẻ ở bên ngoài, chúng tôi thò tay, nắm lấy tay nhau, cùng xiết chặt một cảm thông, vừa cay đắng, vừa chua chát.

Bình vẫn cười, như anh vẫn cười xưa nay, an ủi tôi:
 
- Thôi! Hãy cứ biết thế! Mặc nó đến đâu hay đấy! 

Cái vẻ của người trí thức, từng nhiều gian truân lên voi, xuống chó ấy, vẫn là cái vẻ của một con người coi thường sự đời, bất cần đời, không vui, không buồn, không hốt hoảng, sợ hãi trước bất cứ chuyện gì. Tôi nhìn theo Bình. Anh quay lưng chậm rãi đi vào một góc phòng giam, nằm xuống một chiếc chiếu rách, nơi mà dăm người đã cùng nhích ra, nhường chỗ cho anh nằm. Tôi thấy anh cũng chẳng cám ơn họ, cũng chẳng cười xã giao với họ, lại thản nhiên rờ rờ mấy ngón tay lên nhổ râu cằm.

Tôi thì buồn tê tái ruột gan, tự biết không có được bản lĩnh như anh.

Tới khoảng 4 giờ chiều, cửa phòng giam lại mở.

Hai người cảnh sát mặc sắc phục có phù hiệu, đưa hai người tù mới vào.

Đó là Nguyễn Hoạt và Phạm Tăng.

Hai anh cũng được nằm ngoài lồng sắt như tôi. Thấy tôi đã ở đó, Tăng và Hoạt có vẻ yên lòng hơn.

Tới bữa ăn, bữa sáng cũng như bữa trưa, bữa chiều, Đại Úy Minh thường xuyên cho mời Tăng, Hoạt và tôi, lên phòng làm việc của ông và gọi mua thức ăn cho chúng tôi được ăn ngay tại đấy. Bữa nào cũng có bia uống. Tuy là tội nhân nhưng chúng tôi được Đại Úy Minh tiếp đãi thật chu đáo. 

Đây cũng là một ân tình mà tôi chưa hề có dịp đền đáp. Tôi cũng thường tự hỏi: mình đã làm được gì tốt như những người đó đã làm tốt cho mình, trong những cơn hoạn nạn?

Sau đó hai ngày, chúng tôi nhận được xe của cảnh sát đưa ra Toà Án Sài Gòn. Tôi được đưa vào phòng ông Chánh Án Nguyễn Huy Đẩu. 

Sau một buổi làm việc: thẩm vấn về những chi tiết của vụ án "nhật báo Tự Do đả kích ông Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành", lúc đứng dậy tiễn tôi ra khỏi phòng, ông Nguyễn Huy Đẩu đã nói với tôi một cách trân trọng, đại ý: "Tôi vì nhiệm vụ phải phụ trách vụ án này, sẽ phải thi hành một án quyết có vẻ nặng nề đối với những nhà báo như các ông. Nhưng riêng cá nhân tôi, tôi rất cảm phục và đồng tình với những bài báo đòi xây dựng một nền dân chủ chân chính cho chế độ của các ông. Xin các ông thông cảm điều đó cho tôi!"

Tôi vừa sững sờ, vừa cảm động về những lời đầy chân tình, thẳng thắn của một ông chánh án, người phải ngồi ở vị trí kết tội chúng tôi. Tuy chỉ nói có bấy nhiêu lời, nhưng ông chánh án Nguyễn Huy Đẩu cũng đã bộc lộ được cái "dũng" của một kẻ sĩ thời đại. Điều mà ít người làm được. Không ai bắt ông phải nói ra những lời như thế, những lời mà, nếu tiết lộ, có thể làm ông bay chức chánh án như chơi. Mãi về sau, tôi vẫn giữ được hình ảnh tốt đẹp đó của ông chánh án Nguyễn Huy Đẩu.
Hai nhà văn Hiếu Chân, Mặc Thu và họa sĩ Phạm Tăng bị đưa từ khám Catinat
ra Viện Giảo hình để đo mặt, lấy dấu tay trước khi bị tống giam
(hình do nhà báo Như Phong chụp, họa sĩ Phạm Tăng cung cấp).
Tiếp theo là những ngày ba chúng tôi (Tăng, Hoạt và tôi) phải ra trước các phiên xử của Tòa Án Sài Gòn, nghĩa là phải đứng trước "vành móng ngựa" với đầy đủ nghi thức của những phiên toà quan trọng về hình sự, đúng hơn về chánh trị. 

Vụ bắt giam "ba nhà báo" đã gây ra một không khí sôi nổi trong giới truyền thông quốc tế. Các đài phát thành và báo chí ngoại quốc đã liên tiếp loan tin về vụ này vì là vụ đàn áp báo chí đầu tiên của chế độ Ngô Đình Diệm. Chính vì thế mà ông Trần Chánh Thành đã phải dàn xếp để có những phiên tòa chánh thức xử tội "ba nhà báo phản loạn" đó.
Nhà báo Như Phong.

Ở vòng ngoài, các anh như: Như Phong Lê Văn Tiến, Thực Đức Trần Văn Mai, Nguyễn Đình Vân (Mai Đen) đã nhờ Luật sư Vũ Văn Huyền biện hộ cho chúng tôi trước toà, và luật sư Nguyễn Văn Chí lo cho chúng tôi về mọi giấy tờ thủ tục, đồng thời lo bảo vệ cho giấy phép xuất bản nhật báo Tự Do không để cho người khác được mạo nhận để tái bản, lúc này đã có tin: ông Bộ Trưởng Trần Chánh Thành đương chuẩn bị cho người đứng tên chủ nhiệm Nhật báo Tự Do là ông Tam Lang Vũ Đình Chí được phép tái bản nhật báo này, với một cơ sở vật chất khác do ông Thành thu xếp. (Ông Thành lúc hồi cư về Hà Nội (trước 1954) đã coi ông Tam Lang như người chú ruột và đã được ông Tam Lang cấp dưỡng. Ông Thành là cháu ông Trần Nguyên Anh, ông T.N. Anh là bạn thân của ông Tam Lang). Nhờ có bản hợp đồng ký kết giữa những người trong Ban Chủ Trương công nhận: giấy phép xuất bản Nhật báo Tự Do là sở hữu chung của những người trong Ban Chủ Trương, chỉ ủy nhiệm ông Tam Lang Vũ Đình Chí đứng tên, nên luật sư Chí đã ngăn cản được về mặt pháp lý, không để cho ông Tam Lang được trí bản Nhật báo này. 

Trở lại chuyện những phiên toà xử vụ án "ba chúng tôi".

Những phiên toà này là những phiên toà có một không khí nhộn nhịp khác thường. Phòng xử án luôn đầy ắp những phóng viên ngoại quốc với những rừng máy ảnh, máy quay phim. Lính quân cảnh, mật vụ, cảnh sát mặc sắc phục, đứng vòng trong, vòng ngoài, canh gác nghiêm mật.

Sau những lời buộc tội gay gắt của Ủy Viên Công Tố, buộc chúng tôi những tội: "phản nghịch quốc gia, tuyên truyền có lợi cho Cộng Sản…", luật sư Vũ Văn Huyền đã trổ tài hùng biện, cãi cho chúng tôi với lý luận cứng rắn, đầy tính thuyết phục.

Nhiều khi Luật sư Vũ Văn Huyền đã "hài hước hoá" những lời buộc tội của Ủy Viên Công Tố, khiến dân chúng tham dự phiên toà đầu ắp cả phòng xử, phải cười ồ nhất loạt. Lại phải bao nhiêu tiếng búa gỗ của ông Chánh Án gõ liên hồi xuống mặt bàn vô tội, mới chấm dứt được những trận cười thoả mãn của khán thính giả trong phòng xử?

Vở hài kịch cứ luôn luôn bị gián đoạn như thế!

Luật sư Vũ Văn Huyền đã biện hộ cho chúng tôi với tài năng của một "nghệ sĩ biện thuyết" chứ không chỉ là một Luật sư. Tôi còn nhớ một trong nhiều đoạn lý luận của Luật sư Huyền, đại ý như sau: "Nếu quí toà bảo những nhà báo di cư như các ông Mặc Thu, Nguyễn Hoạt, Phạm Tăng đang ngồi đây, những cây bút chủ chốt của nhật báo Tự Do, tờ báo tích cực chống Cộng Sản như thế là những người "tuyên truyền cho Cộng Sản" thì thử hỏi những người trong chúng ta ở đây ai dám tự nhận là người tích cực chống Cộng hơn các ông này nữa?"

Nhưng dù có nói hay, nói hợp tình, hợp lý, hợp luật như luật sư Huyền trước phiên xử đi nữa, thì án quyết cũng không hề được thay đổi. Án quyết đã được định trước cả rồi.

Sau phiên toà, ba chúng tôi được xe bít bùng, có quân cảnh đi kèm, đưa về Khám Chí Hoà mà không trở lại Sở Công An Nam Việt nữa. Do thế, chúng tôi cũng không có cả một dịp chào từ biệt và cám ơn Đại Úy Minh. Chắc ông ta cũng chẳng trách gì chúng tôi ở điểm khiếm khuyết này. Tội của ba chúng tôi được định là: "phá rối trị an, tuyên truyền có lợi cho Cộng Sản."

Gặp Sơn Vương, “Chúa đảo Côn Lôn”

Nguyễn Hoạt, Phạm Tăng và tôi vừa bước vào Khám Chí Hoà, đã thấy ngay gần cửa ra vào, tầng dưới đất, một người mặc quần áo bà ba lụa trắng, ngồi trên một ghế mây có bành để tay, gương mặt gầy gò, hơi dài, đầu tóc chải bóng láng. Chung quanh người này, một vài tù nhân có vẻ xun xoe hầu hạ. Tôi nghĩ hẳn đây là một ông trùm! Trên tay ông ta còn đeo mấy chiếc nhẫn kim cương lóng lánh, và cổ tay để lộ ra một chiếc đồng hồ vàng sang trọng. Thấy ba chúng tôi bước vào, ông ta lớn tiếng hỏi:

- Đây là mấy tay nhà báo Tự Do phải không?

Mấy tù nhân đàn em của ông ta đồng thanh đáp "dạ". Câu hỏi của "ông trùm" này, đầy vẻ đe dọa. Ông ta không có vẻ gì là người tù.

Chúng tôi bị đẩy vào một căn buồng ở cuối hành lang có cửa sắt kín mít, bên ngoài một bóng đèn ánh sáng vàng mờ.

Căn buồng tối om mặc dù đang giữa ban ngày. Trong buồng có nhiều người nằm ngồi la liệt, chật ních.

Thì ra đây là một phòng tạm giam. Tất cả những người tù mới vào khám Chí Hòa đều được đưa vào đây, nằm tạm một ngày, có khi đôi ba ngày, chờ đợi Ban Giám Đốc Khám quyết định sẽ đưa lên giam tại phòng giam nào, trên tầng lầu hay tầng dưới.

Giám đốc Khám Chí Hòa lúc ấy là Đại Tá Phạm Văn Tất. Những người tù cũ xê xích nhường một chỗ đủ cho ba chúng tôi nằm. Định thần nhìn lại, tôi thấy trong buồng đủ mọi hạng người, già có, trẻ có, đặc biệt toàn nam, không có nữ. Người mặc sơ mi, quần tây, lại có nhiều người mặc bà ba đen, cổ vắt khăn quàng rằn ri, kiểu người đồng quê miệt Hậu Giang, Tây Ninh gì đó. Làm quen với mấy người nằm cạnh, hỏi chuyện mới hay trong buồng có nhiều tín đồ Hòa Hảo, tín đồ Cao Đài bị bắt vì tội "làm loạn, chống chánh phủ…". Tôi thấy phần đông họ đều có vẻ chất phát của người đồng ruộng. Ăn gì họ cũng muốn chia cho chúng tôi cùng ăn. Nhưng, chúng tôi ăn gì được, bụng còn đương hoang mang, lo lắng cho những đoạn đường sắp tới.

Tôi còn đang nghĩ ngợi về người mặc quần áo lụa, đã hỏi "những tay nhà báo Tự Do" một cách thiếu thiện cảm, có vẻ gì như đe dọa, là ai đây, thì có tiếng mở cánh cửa sắt, rồi một người tù gầy ốm, mắt sâu, má gồ đã lách vào, ngồi xụp xuống bên cạnh tôi, rỉ tai:

- Tôi là Đào Kim Long đây! Tôi là cộng tác viên của các anh Hoàng Nguyên, Mai Đen bị bắt về vụ "ăn chặn tiền trợ cấp của đồng bào Bắc Việt di cư vào Nam" cùng chung vụ với các anh Đàm Quang Thiện, Tẩy Xin…Người mặc áo lụa hỏi tới các anh hồi nãy ở hành lang là Nguyễn Phú Đốc, Giám Đốc Sở Di Cư cũng bị bắt về vụ ấy. Đốc đã bị các anh lôi lên trang nhất báo Tự Do, đề nghị một bản án tử hình đối với hắn, nên hắn căm thù các anh lắm đấy! Vào đây, nhờ có nhiều tiền hắn đã mua chuộc được tất cả, từ giám thị trở xuống các cai tù. Hiện thời, các anh đang đứng trước một mối hiểm nguy rất lớn đấy! Đốc đã dùng tiền vận động đưa các anh lên một phòng mà trong đó, hắn đã bố trí các đàn em rất hung tợn của hắn. Theo hắn dự liệu, các anh sẽ bị trùm mền đánh hội đồng cho tới mang thương tật, hoặc cho tới chết, cũng sẽ chẳng có gì quan trọng. Tôi đương phải tính kế để cứu các anh đây! Tôi cũng đã có phương cách của tôi rồi. Các anh cứ nằm yên chờ tôi! Đây là mấy mẩu bánh mì thịt và vài bao thuốc hút, các anh dùng đỡ! Đừng lo lắng, đã có tôi ở gần! Thôi tôi phải đi đây!

Nói rồi Đào Kim Long lại lách ra khỏi cửa phòng tạm giam nhanh như con chuột lắt!

Tôi, Hoạt và Tăng chụm đầu thì thào bàn với nhau về chuyện Long vừa tiết lộ. Tôi nằm suy nghĩ vẩn vơ, không khỏi lo lắng: không biết Đào Kim Long có đủ tài giúp chúng tôi thoát hiểm phen này không? Tôi chưa hề quen biết, cũng chưa gặp Long ngoài đời lần nào. Nhưng tôi cũng yên lòng phần nào vì thấy Long ra, vào phòng tạm giam một cách dễ dàng như vậy, hẳn anh ta cũng phải có thế lực chi đây trong cái khám này.

Để quên chuyện lo lắng, tôi bắt đầu quan sát những người tù chung phòng. Họ đã xán lại gần chúng tôi hỏi chuyện, chuyện riêng của chúng tôi, chuyện ngoài đời. Tới lúc đó tôi mới được biết thêm: tù trong phòng này, phần đông là người miền Nam, nhiều thành phần tội phạm khác nhau, đa số là tội chính trị: Hòa Hảo có, Cao Đài có, Bình Xuyên có, Việt Nam Quốc Dân Đảng có, Đại Việt có, Duy Dân có, Việt Minh Kháng Chiến cũng có. Họ nằm lẫn lộn với nhau, không phân biệt tội trạng, không phân biệt giáo phái, đảng phái, người nọ nằm sát người kia, có khi chân gác lên nhau, tay ôm ngang lưng nhau mà trò chuyện. Qua những câu chuyện nhỏ của họ, tôi thấy dường như họ có một nỗi cảm thông cùng chung một tội, tội phản động đối với chánh quyền đương trị. Họ cùng chung một nỗi căm giận. Căm giận chính quyền Ngô Đình Diệm. Họ cho rằng ông Diệm đã phản bội lại họ.

Họ sẵn sàng chia nhau mẩu bánh tét, mẩu cơm vắt, từng chiếc bánh ít, bánh bao, hay nhúm thuốc rê Gò Vấp, Gò Đen để cùng phì phèo hút làm ngập ngụa cả căn phòng chật hẹp, thiếu không khí.

Hôm nay, họ có vẻ thương xót nhau thật sự, cảm thông nhau thật sự, nhưng ngày mai, ngày mốt hay một ngày nào đó, được trở về trận tuyến của họ, rất có thể họ lại sẵn sàng đâm chém nhau, bắn vào nhau chỉ vì khác nhau chánh kiến, khác nhau mục đích tranh đấu. Thật đau thương cho một dân tộc đương đứng giữa một thời thế đầy sương mù lịch sử.

Vào bữa ăn trưa và chiều, người cai tù xách vào phòng một thùng sắt đầy cơm, bên trên bỏ một mớ cá khô mặn, rồi đi ra, xách thêm vào một thùng nước trà pha loãng.

Những người tù ồn ào bu quanh thùng cơm, xúc cơm ra chia nhau, mạnh ai nấy xúc. Bọn ba chúng tôi đương còn chán ngán, chẳng buồn đứng dậy, chỉ dựa lưng vào tường, ngồi nhìn.

Mấy người tù già, râu tóc rậm rạp, dáng nông dân chất phác của đồng ruộng miền Nam. Cứ theo cái "búi tó củ hành" lủng lẳng sau gáy họ, tôi đoán họ là tín đồ Hòa Hảo hoặc Cao Đài chi đó, bữa nào cũng xúc cơm và mẩu cá ra ba cái tô đem đến cho chúng tôi. Mấy người tốt bụng này luôn khuyến khích, an ủi chúng tôi.

- Ăn đi mấy anh! Phải ăn để sống, còn về với vợ con chứ!

Họ ăn ngon lành. Còn chúng tôi không sao nuốt nổi vì chưa quen. Vả lại, cơm thì chỗ nát, chỗ khê, chỗ sượng. Cá thì hôi, thủm, có miếng còn dính theo cả mấy con dòi ngọ nguậy, trắng hếu.

Còn may, mỗi bữa, Đào Kim Long đều tìm cách đưa vào được cho chúng tôi ba ổ bánh mì thịt thật lớn và vài gói thuốc vừa Bastos vừa Cotab.

Chúng tôi sống qua hai đêm, hai ngày trong phòng giam này. Sáng ngày thứ ba, Long vào, hớn hở cho chúng tôi biết: hai ngày qua Long phải gồng mình đấu tranh với bọn Phú Đốc. Sở dĩ bọn Phú Đốc chưa đưa được bọn chúng tôi lên căn phòng giam mà chúng đã chọn lựa vì Long đã vứt một con dao ra trước mặt bọn chúng, nói: "Đứa nào đụng vào ba anh ấy là đụng vào tao. Con dao này sẽ chơi hết mình với bọn chúng mày!"

Long dám nói mạnh, làm mạnh như thế với bọn Phú Đốc vì anh đã cầu cứu được với Sơn Vương và được Sơn Vương ủng hộ phía sau lưng. Sơn Vương Trương Văn Thoại, lúc đó là Tổng Đại Diện tù nhân Khám Chí Hòa, đại diện cho cả tù quân nhân lẫn tù dân sự. Sơn Vương rất được Đại Tá Tất trọng nể. Đó là một tướng cướp của miền Nam từ thời Pháp thuộc, một lục lâm thảo khấu rất có nghĩa khí, nổi tiếng khắp Sài Gòn và Lục Tỉnh Nam Kỳ. Sơn Vương bị Pháp kết án tử hình và đày ra Côn Đảo. Khi Pháp thất trận, mất chánh quyền về tay quân đội Nhật và Nhật cũng chưa kịp đưa quân ra Côn Đảo lập lại trật tự tại nhà tù vĩ đại này, Sơn Vương đã từng hạ nhóm anh chị cỡ lớn của đảo là Nguyễn Thành Út và tự xưng là Chúa Đảo Côn Lôn, tự cầm quyền cai trị Đảo, vùng vẫy một phương hải tần, một thời lừng lẫy.

Sau này, vào thời Chí Sĩ Ngô Đình Diệm về nước cầm quyền, Đại Tá Phạm Văn Tất nhận nhiệm vụ Giám Đốc Khám Chí Hoà, nhận thấy đám tù nhân Chí Hoà rất khó cai trị, mới đem Sơn Vương từ Côn Đảo về, cho làm Tổng Đại Diện tù nhân toàn khám.

Đào Kim Long đã trình bày cặn kẽ với Sơn Vương về trường hợp ba nhà báo Tự Do bị nhóm Nguyễn Phú Đốc mưu hại như thế nào, Sơn Vương liền khẳng khái nhận lời giúp, chỉ với một lời ngắn gọn "Được để đó cho tui."

Ngay sau đó, mặc sa rông với sơ mi, đi gặp Đại Tá Tất, xin cho ba chúng tôi lên giúp việc tại văn phòng Tổng Đại Diện Tù Nhân. Được Đại Tá Tất đồng ý, Sơn Vương liền đích thân xuống phòng tạm giam, đem ba chúng tôi lên phòng làm việc của ông ta ở trên tầng lầu nhà giam.

Đó là một căn phòng rộng rãi, mát mẻ, có quạt máy chạy suốt đêm ngày. Khi chúng tôi bước vào căn phòng này, đã thấy có vài ba tù nhân làm việc tại đó. Trước mặt mỗi người có một cái bàn thấp, nhỏ, tựa như một cái án thư. Sau mỗi án thư, có một chiếu nhỏ, trải lên trên nền đá hoa. Lúc chúng tôi bước vào, bọn họ đang làm việc. Người hí hoáy biên chép. Người đánh máy lạch cạch. Người đi rót nước pha trà vào các bình trà. Thật không có gì là phòng của người tù.

Tôi bắt đầu quan sát Sơn Vương, người đã khét tiếng "tướng cướp nghĩa hiệp" chuyên đánh cướp nhà giàu, các đồn điền cao su của người Pháp, lấy tiền chia cho người nghèo, theo kiểu "thế thiên hành đạo" của nhóm hào kiệt Lương Sơn Bạc đời Tống ngày xưa.

Ông ta cao, gầy, nhưng bắp thịt sắn chắc, mái tóc hói pha màu muối tiêu rũ xuống sau gáy, vẻ mặt thanh tú, trắng trẻo, mũi cao, trên sống mũi ngự một đôi kính cận gọng đen nặng nề, dáng vẻ như một học giả, văn gia người Pháp thuộc thế kỷ 18, 19 gì đó, chớ không có vẻ gì là một tướng cướp lừng danh cả.

Sơn Vương luôn ở trần, phần dưới thân thể luôn quấn một khăn sà rông sặc sỡ màu đỏ pha tím, hoặc màu lam pha đen, vàng. Thấy tôi nhìn với vẻ quan sát hơi kỹ, Sơn Vương nhìn lại tôi, cười. Một nụ cười đầy thiện cảm, rất tươi và cởi mở:
“Manchette” báo Tự Do, 1954-56 do Thi sĩ Đinh Hùng trình bày.

- Đây là phòng làm việc của chúng ta! Từ nay ba anh sống ở đây, ăn, ở ở đây với chúng tôi, và làm việc cũng ở đây! Qua bên phòng Giám đốc, tôi thấy các anh đã có số tù. Có số tù rồi thì ngày sống ở đây cũng còn dài. Dù có can thiệp mạnh, cũng phải ở đây hàng năm, hai năm là ít. Các anh nên chuẩn bị tư tưởng để mà yên trí, đừng nôn nóng mà hại sức. Văn phòng này tạm được gọi là "Văn Phòng Đại Diện Tù Nhân Khám Chí Hoà" đại diện cho cả tù nhà binh, tù chánh trị, lẫn tù hình sự. Về phân công nhiệm vụ, tạm thời tôi phân công thế này: Anh Mặc Thu làm bí thư cho tôi. Anh Nguyễn Hoạt làm trưởng ban văn hoá, lo việc mở các lớp học dạy chữ cho các anh em tù ít học. Anh Phạm Tăng làm trưởng ban Văn Nghệ, lo tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ cho tù nhân của khám trong các dịp lễ. Nói vắn tắt về nhiệm vụ thế thôi! Có gì ta lại sẽ sửa đổi sau! Các anh đồng ý như thế chứ?

Tất nhiên cả ba chúng tôi cùng gật đầu ưng thuận.

Lát sau đã thấy có mấy người tù bưng vào ba cái án thư nhỏ, ba cái chiếu cho ba chúng tôi ngồi làm việc.

Tôi thở phào, lòng nhẹ nhõm. Thế là thoát khỏi cơn nguy hiểm, thoát khỏi âm mưu ám hại của bọn người xấu, đồng thời tôi lại buồn tê tái về nỗi sẽ còn bị giam lâu ở đây, như lời Sơn Vương vừa nói.
 
Đã có án quyết, đã mang số tù, còn mong gì về sớm! Thế là bao nhiêu tâm huyết một sớm trôi ra sông, ra biển. Dẫu vậy, lòng tôi cũng không quên mối ân nghĩa của Đào Kim Long, người anh em chưa từng quen tôi, biết mặt, đã hết lòng lo việc an nguy cho ba đứa chúng tôi. Sau này, khi ra khỏi Khám Chí Hòa, tôi mới được anh em cho biết: Đào Kim Long là một "xếp" của nhiều tuyến tình báo nằm bí mật trong Hà Nội thuộc Việt Minh tiếp quản. Vợ chồng tôi sau này cũng trở nên bạn thân của vợ chồng Đào Kim Long, thường lui tới thăm nhau, cho tới khi Long qua đời trong một ngõ hẽm đường Tôn Thất Thiệp, Sài Gòn, trong cảnh túng thiếu nghèo khổ. Vợ chồng tôi cũng đã được đưa tiễn linh cửu Đào Kim Long trong con hẻm này, vào gần cuối năm 1975.

Từ hôm đó, ba chúng tôi được sống yên ổn với Sơn Vương trong căn phòng rộng lớn, mát mẻ ấy với tất cả tiện nghi gần đầy đủ như đời sống ngoài vòng lao lý. 

Mỗi bửa cơm, do một ban hỏa thực chừng ba, bốn tù nhân thân tín của Sơn Vương lo, có đủ thức ăn: canh nóng, xào nấu đồ tươi, bắp cải, súp-lơ, rau cải xanh, đậu Hòa Lan, đậu đũa, cà chua, đậu phụ, và đặc biệt, luôn có món thịt kho, hột vịt nước dừa, cá kho tộ, canh chua cá lóc, dưa giá v…v…
Sơn Vương có cả một kho chứa đựng lương thực cao cấp, đủ các loại đồ hộp nhãn hiệu Pháp, Ý, lạp sưởng Tân Phước Điền hàng vài chục ký, bánh mì khô, gạo nếp, đậu xanh, đường cát, đường thẻ, cũng như các loại trái cây, mùa nào thức nấy, cam, soài, sầu riêng,…thôi không còng thiếu một thứ gì. Đặc biệt trong kho còn chứa cả một lượng trái dừa khô đầy ắp. Người trong tù ở Khám Chí Hòa thời này được cho phép nấu hâm lại các đồ ăn do gia đình gửi vào cho khỏi thiu thối, nhưng không được phép tích trữ củi, than, mà phải nấu bằng vỏ trái dừa khô. Cho nên, mỗi kỳ thăm nuôi, gia đình nào cũng phải lo gởi vào cho thân nhn ngồi tù một số dừa khô, đủ để nấu trong thời gia đợi kỳ thăm nuôi tới.

Theo một thông lệ, không biết có từ bao giờ, mỗi kỳ thăm nuôi, những tù nhân thuộc loại khác giả, đều sắp ra một số thức ăn ngon lành để đem biếu "ông Tổng Đại Diện". Số quà biếu nộp này đôi khi có cả gà, vịt, chim bồ câu còn sống. Một khoang buồng nhỏ, có cửa đóng kín, dùng làm kho thực phẩm của ông Tổng, luôn đầy ắp, ăn không xuể. Giữa những b?a ăn chính của chúng tôi, thường xuyên có những b?a ăn phụ đệm vào giữa, như ăn chè đường đậu xanh, ăn cháo gà, cháo chim bồ câu và cà phê.

Sơn Vương đã phải bảo chúng tôi nói với người nhà khỏi phải gởi đồ thăm nuôi vào nữa. Tóm lại, đời sống của Sơn Vương ở Khám Chí Hòa thời ấy, giống như đời sống của một phú ông Trưởng giả, mà chúng tôi được may mắn sống ghé vào đó như những tân khách của Mạnh Thường Quân đời Chiến quốc vậy.
Nhật báo Dân Chủ ngày 2-7-1956 loan tin về vụ án báo chí.

Hãy nói qua về công việc thường nhật của "ông Tổng" lạ lùng này. Sáng nào cũng như sáng nấy, từ 5 giờ sáng, Sơn Vương cũng thức dậy, làm vệ sinh cá nhân xong, cởi trần, chỉ m?c một sa rông quấn quanh bụng, bắt đầu đi qua từ từ các dãy hành lang, trước từng phòng giam một. Qua mỗi cửa phòng, Sơn Vương lại giơ hai tay lên cao, vỗ vỗ ba cái. Thế là trong phòng, cũng như các phòng giam kế cận, những người tù đã nhao nhao đánh thức nhau dậy:

- Dậy! Dậy mau! Ông đã đến! Ông đã tới!

Nghe nói "Ông đã tới!" mọi người đều bật ngay dậy, không ai dám chần chừ. Rồi họ vội vàng thu xếp chăn mền lại gọn gàng, gấp lại vuông vắn để ở đầu mỗi chỗ nằm, sát tường.

Chỉ cần thấy một việc này, cũng đủ thấy uy quyền của Sơn Vương đối với những người tù, kể cả các tù nhân vào loại anh chị, đại ca, tiểu ca, như thế nào. Việc này, chắc chắn các tay giám thị của Đại Tá Phạm Văn Tất đã không làm nổi.

Một lần trong văn phòng của Sơn Vương, tôi đã được chứng kiến một vụ: hai tay anh chị, vóc dáng rềnh ràng như hai con gấu, nước da xám đen, không rõ là người Miên hay Việt, ngực xâm trổ đầy hình ó bay, rắn, rết, mặt mày dữ tợn gớm ghiếc, can tội đã đánh lộn với nhau ở trong phòng. 
Đứng trước Sơn Vương, cả hai tay anh chị dữ tợn là thế, mà không chịu nổi ánh mắt sáng quắc, nghiêm nghị của Sơn Vương, đều phải cuối đầu, sợ sệt.

Sơn Vương gằn giọng:

- Nói! Tại sao dám đánh nhau trong phòng, làm mất trật tự? Nói!

Một trong hai tên anh chị, cố gắng phân trần, giọng run run:

- Thưa ông Tổng, tại tui…tại tui…bị sống quá căng thẳng…nên nổi điên bất ngờ…

Thế là một loạt cái tát cực mạnh phóng từ tay Sơn Vương vả vào hai bên má của cả hai tên anh chị này:

- Điên hử! Điên hử! Thử điên lên nữa cho tao coi!

Cả hai tội phạm này vẫn phải đứng nghiêm, hai tay buông thõng xuống hai bên đùi mà không dám có một cử chỉ nào che đỡ. 

Cả hai bộ mặt đen đúa, sẹo chằng chịt, trong phút chốc đã trở nên đỏ nhừ.

Tôi sững sờ đứng nhìn cảnh đó, vì từ ngày vào khám tới lúc đó, tôi chỉ thấy một Sơn Vương có phong thái hiền từ như một học giả, văn nhân, chứ không thể ngờ ông ta lại dữ dằn đến thế!

Lần đó, tôi mới thấy cái oai của người đã được giới giang hồ miền Nam mệnh danh "Chúa Đảo Côn Lôn". Tuy nhiên, chỉ ngày sau đó, khi hai tội phạm đáng tội nghiệp đã được dẫn đi rồi, Sơn Vương lại trở nên hiền lành ngay tức khắc, lại điền đạm như một học giả, lại ngồi ung dung trước cái máy chữ cũ kỹ hiệu Remington, gõ lạch gạch bằng hai ngón tay chỏ "cò mổ" như trước đó đã không có chuyện gì xảy ra.

Tôi ngồi làm việc ngay cạnh đấy, nhận xét: Sơn Vương đánh máy, tuy chậm nhưng rất cẩn thận. Mỗi lần lắp giấy vào máy để đánh trang tiếp, ông ta đều lấy tờ đã đánh máy, đặt lên đo cái mác (marge) đánh dấu bút chì, rồi mới tiếp tục đánh tờ mới. Đánh gần xong một trang, chỉ cần phát hiện có một dòng, hay một vài chữ đánh sai, là ông ta rút phắt tờ giấy ra, vò nát vứt vào xọt rác bên cạnh, chứ không chịu tẩy xóa.

Tôi lấy làm lạ, một con người "dọc, ngang trời đất", vào sinh, ra tử nhiều phen, bất kể mạng sống như Sơn Vương, sao lại có được một cái tánh cẩn thận chi ly như một viên thư ký "mọt giấy" đến thế.

Lần đó, Sơn Vương đương lo đánh máy danh sách những quân nhân loại tù nhà binh, thuộc phe tướng Nguyễn Văn Hinh, đương bị cầm tù, đầy trong Khám Chí Hòa, để xin thủ tướng Ngô Đình Diệm ân xá cho họ. Sơn Vương nhiệt tình làm công việc này, với tư cách "Tổng Đại Diện Tù Nhân" và với tất cả tấm lòng của một người dân yêu nước.

Tôi kính trọng Sơn Vương khởi từ suy nghĩ đó.

Điều làm tôi khác lạ nữa là: chữ viết của Sơn Vương rất đẹp. Đẹp nắn nót theo kiểu cổ của thời Pháp vào thế kỷ 18, 19 gì đó, khi người ta còn viết bút chấm mực đen, cán bút và ngòi bút còn làm bằng lông chim vót nhọn kia.

Nhiều khi tôi đã ngủ một giấc khá đẫy, khoảng hai, ba giờ khuya chợt thức dậy, thấy gần đó, Sơn Vương với ngọn đèn đêm cực nhỏ, đủ rọi chút ánh sáng vào tờ giấy trên máy đánh chữ, hai tay mổ cò lạch cạch. Tiếng máy cành cạch cố gõ nhẹ, trong đêm vắng, gợi lên một nỗi gì thật cô đơn, thật kiên nhẫn, như muốn nói lên nỗi chịu đựng đến buồn nản của một kiếp người tù. Trong tình huống như thế, tôi khó có thể ngủ tiếp.

Một lần, tôi bảo Sơn Vương: nếu là việc cần, để tôi đánh máy tiếp cho. Ông không chịu, nói:

- Không được đâu! Anh đánh máy sẽ không được vừa ý tôi, vì tôi khó tánh lắm! Vả, tôi đã quen ít ngủ đêm! (Cười) Anh quên tôi là dân sống về đêm sao? (Ý ông muốn nói là tướng cướp chỉ quen sống về đêm.)

Những đêm không ngủ được, tôi thường làm thơ để giải buồn. Thấy tôi nhiều lần ngồi dậy ghi chép, Sơn Vương đòi xem. Và điều bất ngờ, ông họa lại, từng vần, từng ý, tuy ít chất tài hoa, nhưng vần điệu khá chỉnh, và bộc lộ được nỗi niềm cảm khái của ông trước tình hình rối reng của đất nước. 

Tôi có nói cho Sơn Vương nghe sự ngạc nhiên của tôi về việc ông biết làm thơ, lại là thơ đường luật, một thế thơ khó làm. Ông ta cười, cho tôi biết thuở còn trai trẻ chưa bước vào giới giang hồ để trở thành tướng cướp như Đơn Hùng Tín, ông đã viết tiểu thuyết võ hiệp, xuất bản đã khá nhiều, và ký tên Sơn Vương dưới mỗi tác phẩm.

Ông ta có vẻ thông cảm tâm sự của tôi qua những bài thơ tôi làm, nên có lần ông ta đề nghị cùng tôi "kết nghĩa huynh đệ" vì: "Tôi thấy tôi rất hợp với anh, nếu anh đồng ý, tôi sẽ soạn một cái lễ đơn giản để hợp thức…"

Với Sơn Vương, con người tôi đã ngưỡng mộ qua nhiều giai thoại, lại là một ân nhân cứu mạng cho ba anh em chúng tôi, làm sao tôi có thể chối từ. Thế là, vào một đêm, nửa khuya về sa ùng, khi mọi người còn đương say giấc nồng, Sơn Vương khẽ lay tôi dậy, ra dấu cho tôi đi ra ngoài hành làng. Ra ngoài, tôi thấy một bàn thờ nhỏ, nhang, nến nghi ngút, có đĩa hoa quả, có nậm rượu, hai cái ché, có bình hoa…

Sơn Vương ngoắc tay gọi tôi tới trước bàn thờ, đứng ngang với ông, rồi ông chắp tay vái mấy vái hướng lên phía bầu trời đêm, miệng lẩm nhẩm khấn khía. Tôi chỉ nghe kịp tên tôi và tên ông, số tuổi của hai người, còn những gì nữa tôi không nghe rõ. Kế, ông quay sang tôi nói:

- Như vậy anh kém tôi một con giáp. Từ nay, tôi là "anh" còn anh là "em". Tôi gọi là "cậu" được không?

Tôi, phút ấy, tự nhiên xúc động mạnh, gật đầu. Anh bảo tôi vái mấy vái trước bàn thờ, rồi chúng tôi cũng vái nhau ba vái. Nghi lễ "kết nghĩa" này, quả thực trong đời tôi chưa từng thấy. Sau đó, anh cầm nậm rượu rót đầy hai chén, đưa một chén cho tôi, một chén anh cầm tay, bảo tôi: "Hãy uống cạn!"
 
Chúng tôi cùng một hơi cạn chén, giữa ngọn gió đêm hây hẩy lạnh, trong một hành lang vắng bóng người, trên tầng lầu Khám Chí Hòa. Sơn Vương nắm hai cánh tay tôi siết mạnh. Tôi cũng siết mạnh hai bàn tay anh, cảm thấy một hơi ấm khác lạ toát ra. Nghi lễ kết nghĩa này, tôi nghĩ có lẽ là nghi lễ kết nghĩa đã thường xảy ra giữa những tay anh chị trong giới giang hồ miền Nam thuở ấy như các tay: Bảy Viễn, Mười Trí, Ba Cụt Lê Quang Minh, Năm Lửa Trần Văn Soái.v…v…

Từ đấy, Sơn Vương thay đổi cách xưng hô với tôi, gọi tôi là "cậu", thay vì tiếng "anh" như trước. Còn tôi, tôi gọi anh là "anh" thay vì tiếng "ông" thường hay dùng. Mọi người chung quanh, kể cả Nguyễn Hoạt và Phạm Tăng, lẫn những thuộc hạ của Sơn Vương, không một ai hay biết mối quan hệ mới giữa Sơn Vương và tôi.

Là bí thư của Tổng Đại Diện Tù Nhân, tôi thường ngồi ở cái kỷ của Sơn Vương đặt ở giữa phòng, thay Sơn Vương giải quyết những việc lặt vặt giữa các phòng của các tù nhân. Bên cạnh, hai dãy tả, hữu có ban văn thư đánh máy lách cách, hoặc hí hoáy biên chép. Trong khi đó, mấy người tù trong ban hỏa thực lăng xăng ra vào cái kho gần đó, lấy thức ăn đi nấu nướng.

Lúc này, Họa sĩ Phạm Tăng, không rõ vì sao, nhờ ai can thiệp, đã được trả tự do ra về trước. Chỉ còn lại Nguyễn Hoạt và tôi. Phạm Tăng ngoài công việc của báo Tự Do, còn làm họa sĩ cho USOM của Mỹ. Trụ sở USOM nơi Tăng làm việc hàng ngày, ở trên tầng lầu rạp chiếu bóng Olympic, đường Hồng Thập Tự (Chasseloup Laubat cũ). Tôi cũng thường tới gặp Tăng và ăn sáng với anh ở quán cà phê nhỏ bên dưới. Trở lại chuyện Khám Chí Hoà. 
Một bữa, người ta dẫn vào phòng Sơn Vương một tù nhân mới để trình diện ông Tổng Đại Diện như thường lệ. Lúc ấy, Sơn Vương đương đi gặp lại Đại Tá Tất, có việc gì đó. Tôi ngồi ở chỗ Sơn Vương ngồi, vì anh vẫn dặn dò: Khi nào anh đi vắng thì tôi phải ngồi ngay đó đặng thay anh giải quyết mọi công việc.

Thơ, Thủ bút Mặc Thu. Tác giả ghi chú: Ao Châu: thuộc Ấn Thượng, Phú Thọ.
Tác giả lúc ấy làm Thư Ký Tòa Soạn của tờ báo Lúa Vàng, cùng với Trần Quốc Chính,
Lưu Quang Thuận, họa sĩ Mạnh Quỳnh v.v.. Tờ báo (kháng chiến) này in tại
Việt Nam Quốc Gia Ấn Thư Cuộc do ông Lưu Quang Hòa
(Thân phụ của Lưu Quang Thuận) làm Giám Đốc. (1950)

Người tù mới mặc bộ bà ba đen vải xuyến bạc màu, chân đất, dáng vẻ nông dân cục mịch miền Hậu Giang. Anh ta hẳn được nghe ai nói về "Sơn Vương" nay bị dẫn đến trước bàn có tôi đương ngồi làm việc, thấy tôi râu ria xồm xoàm, rập rạp (vì tôi lười cạo) tưởng tôi là Sơn Vương, anh ta run rẩy đến độ nói không được.

Tôi bất giác bật cười, thương hại, dịu dàng trấn an anh ta:

- Đừng quá sợ như thế! Tôi không phải là Sơn Vương, mà chỉ là thư ký của ông ta thôi! Mà dù có Sơn Vương ở đây thì ông cũng rất hiền từ, biết thương người, chớ đâu có phải là quỉ dữ mà anh phải sợ đến thế, Đừng nghe người ta nói nhảm, chỉ để hù dọa nhau đó thôi. Rồi lát nữa, gặp ông Sơn Vương, anh xem có phải tôi nói đúng không?

Anh ta hoàn hồn ngay tức khắc, rón rén ngồi xuống bên cạnh cái kỷ của tôi, nhìn tôi với vẻ muốn nhờ cậy tôi che chở…

Chỉ lát sau, Sơn Vương về phòng. Quả nhiên, anh đã tiếp người tù mới một cách hiền hoà, thăm hỏi quê quán, gia cảnh, tội tình mắc phải, với những lời an ủi, khuyến khích đầy tình người… khiến người tù nọ, vẻ mặt trở nên tỉnh táo, trước khi ra khỏi phòng, kính cẩn cúi chào Sơn Vương xong, cũng đã cúi chào tôi như thể muốn cám ơn về những gì tôi đã nói với anh ta lúc nãy.

Thấy những cách cư xử của Sơn Vương với những người tù, cả cũ lẫn mới, tôi càng kính phục anh thêm. Tôi mừng thầm đã được kết nghĩa với một con người như thế! Không uổng!

...Tôi bắt đầu thấy quí những phút được sống gần Sơn Vương, được học hỏi những cách cư xử của Sơn Vương, cách cư xử giữa người và người. Sống gần Sơn Vương, mọi người thấy được sự bình yên tâm hồn. Quả thật, Sơn Vương đã tiêu biểu được cho lòng nhân ái của người dân miền Nam nước Việt.

Ở bên ngoài, Như Phong đã tìm cách gửi tin vào luôn luôn cho chúng tôi. Qua đó, Hoạt và tôi cũng được biết báo chí nhiều tiểu bang Mỹ đã có bài và tin về vụ "hai nhà báo Tự Do đã bị bắt giam" và họ cũng đã lên tiếng phản đối chánh quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu đi vào con đường độc tài, phản dân chủ.

Chúng tôi thấy được một chút an ủi. Chúng tôi cũng biết Bác sĩ Trần Kim Tuyến. Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Chánh Trị đương vận động với ông Ngô Đình Nhu để thả chúng tôi ra. Chúng tôi nôn nóng, muốn được sớm trở về để tiếp tục những công việc còn dang dở. Nhưng, những anh em trong khám không tin điều ấy, thương xót mà an ủi chúng tôi.

- Đã vào tới đây, và đã có thẻ bài tù giam, thì ít nhất hai năm sau mới có thể ra khỏi khám! Đừng nôn nả, vô ích!

Những lời khuyên ấy đã sớm dập tắt nguồn hy vọng của chúng tôi. Tôi tự nhủ: thôi đành! Mặc kệ sự đời! Đến đâu hay đó!

Vào một ngày, sau 45 ngày bị giam, lúc 1 giờ trưa, giữa lúc Hoạt và tôi đương say sưa giấc trưa, bỗng Sơn Vương lay gọi:

- Dậy! Dậy mau! Các anh được trả tự do!

Chúng tôi dụi mắt bật dậy, còn đương bàng hoàng, đã thấy ngoài cửa phòng, một người mặc sắc phục cảnh sát, tay cầm giấy, nói là "có lệnh thả hai nhà báo".

Hoạt và tôi vội vàng gói mấy cái quần áo lại nhét vào túi xách , cắp bên tay. Sơn Vương cởi trần, mặc sa rông quấn bụng, theo tiễn. Chúng tôi đi ngang qua các phòng giam. Trong các lồng sắt, có biết bao nhiêu cánh tay thò ra ngoài vẫy vẫy, với những tiếng chen nhau ồn ào: "Các nhà báo về nhé! Nhớ viết can thiệp cho chúng tôi về với nhé!" 

Xúc động biết bao. Nhưng biết nói gì đây, đành chỉ gật gật, giơ tay chào lại. Tới cổng khám, Sơn Vương dừng lại nắm tay tôi, lưu luyến."

- Thôi cậu về! Đừng quên nhau nhé! Cho tôi gởi lời thăm mợ và các cháu! 

Chỉ hôm đó tôi mới thấy mặt Sơn Vương buồn.

Chúng tôi được đưa lên một xe nhỏ, loại Traction đen với người Cảnh Sát. Tôi được anh ta cho biết: đây là chiếc xe của Sở Chánh Trị. Tôi bèn hiểu: việc được thả về đây là do Bác sĩ Trần Kim Tuyến sốt sắng can thiệp.

Những ngày về sau, tôi và vợ tôi có vài lần mang đồ ăn vào tù thăm nuôi Sơn Vương, nhưng không được phép gặp. Cho tới một lần, người ta cho tôi biết: Sơn Vương không còn ở đây nữa, đã được đưa ra lại Côn Đảo rồi. 

Mặc Thu Lưu Đức Sinh
(Trích “Một Hạt Đời”, hồi ký)


Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017


MẤY ĐIỀU NỰC CƯỜI VỀ CÁCH NHÌN LỊCH SỬ
CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC

Phùng Học Vinh


LTS: Phùng Học Vinh, sinh năm 1979, người Dương Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông được đánh giá là tác giả ưu tú của Trung Quốc, tốt nghiệp Học viện Luật trường Đại học ngoại ngữ ngoại thương Quảng Đông; hiện sinh sống tại Hồng Kông.
Ngày 9/4/2015, Phùng Học Vinh đăng tải một bài luận tựa đề "Mấy điều nực cười về cách nhìn lịch sử của người Trung Quốc". Bài viết thách thức lịch sử quan thông thường của đại bộ phận quần chúng và xã hội Trung Quốc nói chung, gây ra các cuộc tranh cãi quyết liệt trên mạng xã hội nước này.
Một số tác phẩm của ông xuất bản tại Trung Quốc đại lục được hoan nghênh như "Lịch sử thực ra rất kinh người", "Từ Cộng hòa đến nội chiến: Chứng kiến 17 năm Bắc Dương"...
Dưới đây, chúng tôi xin gửi tới độc giả bài viết "gây bão" trên.

Bởi [tôi] là người viết sử, thường đàm luận lịch sử với bạn hữu nên đương nhiên không tránh khỏi những lúc cãi nhau"đỏ mặt tía tai". Ban đầu cho là việc tiếp nhận thông tin lịch sử của các bạn có vấn đề, nhưng lâu dần tôi nhận thấy vấn đề không chỉ nằm ở tiếp thu thông tin, mà do bản thân phương thức tư duy có vấn đề.
Tối nay nhàn rỗi viết mấy lời bàn về việc này. Cái gọi là bằng hữu dám nói thẳng, không có gì biết mà không nói ra. Hy vọng giúp quốc dân (ở đây chỉ người dân Trung Quốc - ND) mở mang đầu óc, thông minh hơn và đừng tự dối mình, dối người nữa.

■ Điều nực cười thứ nhất: “Tôi có thể chống đế quốc, nhưng anh không được độc lập”
Trung Quốc có rất nhiều người được gọi là nhà văn hóa, người yêu thích lịch sử. Mỗi khi bàn đến giai đoạn lịch sử mà Mông Cổ giành độc lập thì thường "tư tưởng lớn gặp nhau" mà phát biểu hai quan điểm thế này:
1. Chính phủ Quốc dân (chính phủ Trung Hoa Dân Quốc - ND) bất lực, để mất Ngoại Mông Cổ.
2. Nước Trung Quốc mới (CHND Trung Hoa - ND) vì sao lại đi ủng hộ Ngoại Mông Cổ độc lập.
Những người được gọi là "nhà văn hóa" này, khi họ nói những điều như vậy, rõ ràng là có một giả thiết tiền đề: Mông Cổ từ thời cổ đến nay thuộc về Trung Quốc, sự độc lập của nhân dân Mông Cổ là bất hợp pháp.

Vậy sự thực như thế nào?
Sự thực là, Ngoại Mông dưới triều Minh và cả thời kỳ trước đó đều không phải địa bàn của người Trung Quốc. Ngoại Mông quy thuận đế quốc Đại Thanh do e sợ sức mạnh của Thanh.
Khi hoàng đế nhà Thanh thông qua "Chiếu thư Thanh đế thoái vị" năm 1912 và đem Ngoại Mông "chuyển nhượng" cho Trung Hoa Dân Quốc, thì sự kiện này cũng không được sự đồng thuận của người dân Ngoại Mông. Nhân dân Ngoại Mông hiển nhiên có quyền không chấp nhận. Nói cách khác, người dân Ngoại Mông có quyền độc lập. Lập luận này rất thuyết phục.
Trong dòng người tản cư về hướng Bắc Kạn, Thái Nguyên sau khi bị
quân Trung Quốc tấn công bất ngờ, có hai chị em cõng nhau chạy nạn.
Dù đói và mệt, hai em cũng không dám nghỉ ngơi. Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường
Một chủ đề chính trong lịch sử Trung Quốc cận đại là: Chống đế quốc cứu nước, độc lập tự chủ. Người Trung Quốc phải phản đối thực dân, phải đấu tranh giành độc lập. Có đúng hay không? Rất đúng.
Nhưng hễ bàn đến nhân dân Ngoại Mông muốn giành độc lập thì những thanh niên "ái quốc" của chúng ta lập tức trở mặt. Tại sao trở mặt? Bời vì những người trẻ "yêu nước" này cho rằng: Chỉ có người Trung Quốc chúng ta mới có thể độc lập. Người Ngoại Mông các anh cũng muốn độc lập? Nằm mơ đi.
Tôi có thể chống đế quốc, anh thì không thể độc lập. Quan có thể phóng hỏa, dân thì thắp đèn cũng không được. Đây chính là luận điệu của một số người "ái quốc" yêu lịch sử.

Người Ngoại Mông từ trước là người Ngoại Mông, sau này thì là người Thanh, nhưng họ chưa bao giờ là người Trung Quốc. Họ cũng có quyền chọn lựa không làm người Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc có quyền đấu tranh giành độc lập, nhân dân Ngoại Mông cũng có quyền đấu tranh giành độc lập. Mọi người cùng là người, người người bình đẳng.
"Tôi có thể chống đế quốc, anh không được độc lập" là một kiểu tiêu chuẩn "kép", là logic cường đạo. Cần phải tỉnh táo nhìn nhận vấn đề này, bằng không người Trung Quốc hễ không cẩn trọng sẽ rơi vào tình thế giống như chủ nghĩa đế quốc mà mình vẫn phê phán.
Một số nhà văn hóa "ái quốc" nếu có thời gian thì nên soi lại mình, nhìn xem người ở trong gương có giống phát xít Nhật năm xưa hay không? Cả hai [nhóm] đều theo chủ nghĩa bành trướng, nhưng kẻ chạy 50 bước cười người chạy 100 bước. Có vậy mà thôi.

■ Điều nực cười thứ hai: “Tôi có thể đánh ra, nhưng anh không được tấn công vào”
Nghiên cứu Chiến tranh nha phiến (1840-1843 và 1856-1860, ND) khó tránh bàn đến một vấn đề: Các biện pháp cấm thuốc phiện của Lâm Tắc Từ (quan triều Thanh, được vua Đạo Quang giao chức Khâm sai đại thần kiêm Tiết độ thủy sư tỉnh Quảng Đông năm 1838, phụ trách chống thuốc phiện - ND) có chỗ nào bất hợp lý?

Nhưng khi bàn đến đây, thường một số người "ái quốc" yêu lịch sử sẽ nhảy dựng lên mà phản đối rằng: "Điều này có gì phải bàn? Người Anh đem quân đánh vào biên giới nước ta là họ sai. Dù với bất cứ lý do nào cũng không được tấn công vào. Một khi đánh vào nghĩa là họ trở thành kẻ xâm lược."
Mỗi khi luận điệu như sau xuất hiện thì một số người không đủ kiến thức sẽ bị chèn ép đến "phát khùng": Nước A không được đưa quân đánh nước B, nếu không thì nước A chính là kẻ xâm lược.

Nhưng khi phản bác lại họ rằng "Nếu căn cứ lập luận của anh thì năm 1979 Trung Quốc đưa quân sang đánh Việt Nam. Như thế Trung Quốc có phải là kẻ xâm lược hay không?", thì đối phương sẽ đổ mồ hôi, không biết đối đáp thế nào, tay chân quýnh quáng, ngượng ngùng trăm bề.
Hình ảnh thị xã Cao Bằng tan hoang sau khi bị quân Trung Quốc bắn phá.
Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường
Nếu theo lý luận của nhóm "yêu nước" này, bất kể vì lý do gì nước A cũng không được điều binh tới nước B, nếu không sẽ trở thành kẻ xâm lược, thì rõ ràng trong lịch sử Trung Quốc từng đóng vai "kẻ xâm lược" tới n lần.

Năm 1918, chính phủ Bắc Dương (chính phủ trung ương của Trung Hoa Dân Quốc giai đoạn đầu, mà phái Bắc Dương Mãn Thanh do Viên Thế Khải đứng đầu chiếm vai trò chủ đạo trong cục diện chính trị - ND) điều quân sang Nga, tấn công vào lãnh thổ Nga, vậy có phải là xâm lược không?
Năm 1950, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vượt sông Áp Lục (trong cuộc chiến mà Bắc Kinh gọi là "kháng Mỹ viện Triều": hỗ trợ Triều Tiên chống Mỹ - ND), khiến dân tộc của người ta bị phân tách thì gọi là gì?
Năm 1979, trong [cái mà Trung Quốc gọi là] tự vệ phản kích, quân đội đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam thì gọi là gì?
Cầu sông Bằng (Cao Bằng) bị quân Trung Quốc đánh sập trên đường rút quân
(giai đoạn 17/2/1979 - 18/3/1979). Nhà cửa, bệnh viện, trường học, cầu cống
bị phá hủy, người dân bị giết hại. Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường
Đừng quên rằng trong cả hai lần điều binh "xuất ngoại" 1950, 1979, dư luận quốc tế ngập tràn lời chỉ trích. Nếu không tin? Cứ tìm tư liệu xem.

Mọi người có biết không? Trung Quốc-Hàn Quốc xây dựng quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Trong cuộc họp báo ở Seoul, Đại sứ Trung Quốc nhiệm kỳ đầu tiên đã vấp phải câu hỏi khó từ phóng viên Hàn khi bị yêu cầu xin lỗi về "hành vi xâm lược" năm 1950. Vậy thử hỏi trong mắt người Hàn Quốc, hành động của Trung Quốc năm 1950 mang tính chất gì?
Năm 1979 khi quân ta tấn công sang lãnh thổ Việt Nam, thì trong con mắt người dân Việt Nam, chúng ta chính là "kẻ xâm lược". Vào năm ấy, người Trung Quốc chúng ta là "giặc phương Bắc". Chúng ta bị người Việt Nam xem như quân xâm lược. Vì chúng ta đã tấn công vào lãnh thổ của họ.
Hình ảnh thanh niên Việt Nam hừng hực khí thế ra trận, bảo vệ
biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh: NAG Thomas Billhardt
Trong lịch sử cận đại, Trung Quốc đúng là chủ yếu đóng vai trò người bị hại. Nhưng ở một số thời khắc của lịch sử, chúng ta cũng đóng vai kẻ xâm hại. Chỉ có điều anh không hiểu, không thừa nhận, không dám đối diện mà thôi.

Khi đàm đạo về lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể chỉ trích đế quốc xâm lược, nhưng luận điểm "nước A đưa quân sang nước B thì là kẻ xâm lược" không thành lập. Bởi vì chúng ta cũng từng đưa quân sang quốc gia khác đánh người ta. Tảng đá này nếu không cẩn thận thì sẽ tự đập vào chân mình (ý nói lập luận không thận trọng sẽ bị "gậy ông đập lưng ông" - ND).
Không phải tôi muốn nói mọi người đừng lên tiếng, mà tôi khuyên hãy nói một cách thông minh. Trên thế giới này thực ra không có ai trong sạch hoàn toàn, không bao giờ được nhận định người khác là lang sói, còn chỉ có bản thân là thiên thần.

■ Điều nực cười thứ ba: “Của anh cũng là của tôi, và tự cổ chí kim vẫn là của tôi”
Một số nhà văn hóa "yêu nước" của Trung Quốc mỗi khi bàn về vấn đề lãnh thổ thì thường dùng một câu nói là "thuộc về Trung Quốc tự cổ đến nay". Thế nào gọi là "tự cổ"? Phải "cổ" đến mức nào mới xem là "cổ"?
Còn khái niệm "Trung Quốc" xuất hiện từ khi nào? Hàm nghĩa của "Trung Quốc" là động hay tĩnh"? Thực ra ở đây còn rất nhiều chuyện phải bàn.

Tôi lấy ví dụ về đảo Đài Loan. Các thanh niên "ái quốc" của chúng ta thích nói nhất là "Đài Loan từ cổ đến nay thuộc về Trung Quốc".
Vấn đề ở chỗ đây là một câu nói dối. Đảo Đài Loan vốn không phải thuộc Trung Quốc từ thời cổ. Có thông tin vào thời kỳ Tam Quốc, quân đội của Tôn Quyền từng tới Đài Loan, nhưng điều này cũng không chứng minh được Đài Loan thuộc về Trung Quốc. Marco Polo còn từng tới Trung Quốc, như vậy cũng chứng tỏ Trung Quốc thuộc về Italia hay sao?
Ngoài ra, thời kỳ triều Minh có lập ra Ti tuần kiểm Bành Hồ nhưng phạm vi chỉ bao phủ quần đảo Bành Hồ, chứ chưa thể bao phủ chính đảo Đài Loan. Người Trung Quốc thi hành biện pháp thống trị hiệu quả trên đảo Đài Loan trên thực tế phải từ thời vua Khang Hy triều Thanh. Trước Khang Hy, người Trung Quốc chưa hề cai trị Đài Loan.
Vậy câu chuyện là thế nào?

Thì ra, đảo Đài Loan trong lịch sử vốn dĩ thuộc địa bàn của dân bản địa. Trên đảo này từng tồn tại các quốc gia kiểu bộ lạc như "Vương quốc Đại Đỗ". Sau này thực dân Hà Lan tới đây và lập chính phủ thực dân. Sau đó nữa thì Trịnh Thành Công (nhà quân sự nổi tiếng cuối triều Minh đầu triều Thanh, sử Trung Quốc ghi nhận là "danh tướng kháng Thanh, anh hùng dân tộc" - ND) chiến thắng người Hà Lan giành lại Đài Loan. Tiếp sau này mới là nhà Thanh đánh bại vương triều họ Trịnh, chính thức thu nạp đảo Đài Loan vào bản đồ Trung Quốc.
Nói cách khác, đảo Đài Loan hoàn toàn không phải là "thuộc về Trung Quốc từ thời cổ" mà do người Trung Quốc chủ động đánh chiếm lấy, thậm chí nói khó nghe một chút là cướp lấy.

Nếu cứ nhất định nói Đài Loan tự cổ thuộc về ai, vậy thì đầu tiên nó phải thuộc về người bản địa trên đảo, sau đó đến người Hà Lan, cuối cùng mới đến người Trung Quốc.
Lịch sử đảo Đài Loan thực ra là một ví dụ rất hay. Nó làm rõ một sự thật lịch sử chính xác nhưng cũng tàn khốc: Trên thế giới này, không có bất kỳ địa bàn nào là thuộc về một quốc gia nào từ thời cổ. Địa bàn của người Trung Quốc cũng như các dân tộc khác trên thế giới đều giống nhau, phải do họ tự chiếm về.

Trong lịch sử, người Trung Quốc vì muốn bành trướng địa bàn của mình đã không ngừng phát động chiến tranh, không ngừng làm diệt vong nước khác, ví dụ như Đại Lý (tỉnh Vân Nam), Nam Việt (địa phận Quảng Đông, Quảng Tây... do Triệu Đà lập nên - ND), Hãn quốc Zunghar (vùng Tây Nam Trung Quốc ngày nay), Trung Sơn (tình Hà Bắc, Trung Quốc), Ba Quốc (tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam)...
Danh sách các quốc gia bị Trung Quốc xóa sổ vẫn còn rất dài. Người Trung Quốc, trong công cuộc bành trướng không ngừng bằng vũ lực, từng bước làm lớn mạnh không gian sinh tồn của mình.

Do đó, các nhà văn hóa "yêu nước" của chúng ta xin đừng cho rằng người khác đều là lang sói, còn chỉ có ta là thiên thần. Tất cả mọi quốc gia và dân tộc trên thế giới này, về bản chất đều ích kỷ. Người Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Lời nói tuy trần trụi nhưng rất thực tế.
Không có cái gì gọi là "từ thời cổ đến nay". Địa bàn sinh tồn của loài người trong lịch sử luôn ở trạng thái biến động. Hôm nay của anh, ngày mai là của tôi. Diễn biến lịch sử của bất kỳ vùng địa bàn nào đều có dấu vết để tìm lại.
"Từ cổ đến nay" không phải là chân lý gì, mà chỉ là chốn tị nạn của những kẻ lưu manh. Chỉ thế mà thôi.

■ Điều nực cười thứ tư: “Tôi có thể bắt nạt anh, nhưng anh không được bắt nạt tôi”
Giáo dục lịch sử cận đại của Trung Quốc tuân theo việc nhồi nhét cho con trẻ quan niệm như thế này: Trong lịch sử cận đại, Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, đồng thời là một nước bị hiếp đáp.
Vũ khí của quân Trung Quốc, gồm súng chống tăng, đạn B41,
súng trung liên, đại liên bị bộ đội Việt Nam thu giữ vào tháng 2/1979.
Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường
Hôm nay, xin cho phép tôi nói một câu thật lòng: Sự thật là bắt đầu từ cuối triều Thanh, Trung Quốc đã bước lên con đường chủ nghĩa đế quốc. Sở dĩ bước không thành chỉ do vấn đề nội loạn, do không nỗ lực. Tôi lấy ví dụ:

Ví dụ thứ nhất: Năm 1882, nhận thấy người Nhật hiện diện ngày càng nhiều ở thuộc quốc Triều Tiên (Joseon - ND) của mình, đế quốc Đại Thanh cảm thấy địa vị vượt trội ở Triều Tiên bị đe dọa bởi đế quốc Nhật Bản nên đã gia tăng kiểm soát đối với Triều Tiên.
Nhà Thanh yêu cầu Triều Tiên ký kết điều ước bất bình đẳng "Chương trình mậu dịch thủy lục giữa thương dân Trung-Triều", trong đó quy định người Trung Quốc ở Triều Tiên được hưởng trị ngoại pháp quyền (quyền được miễn trừ trách nhiệm trước cơ quan tư pháp bản địa, thường là kết quả đàm phán ngoại giao - ND).
Ngay sau đó Thanh triều lại đòi Triều Tiên thành lập một loạt tô giới của nước Thanh tại Incheon, Busan, Wonsan... Đồng thời, đế quốc Thanh tăng quân đồn trú ở Triều Tiên.
Trị ngoại pháp quyền, tô giới, quân đội đồn trú... là những hành vi điển hình của "chủ nghĩa đế quốc". Đừng nói với tôi rằng hành động của Đại Thanh có khác biệt gì về bản chất so với chủ nghĩa đế quốc ở Anh, Nhật Bản.
Ví dụ thứ hai: Năm 1911, tại Mexico bùng phát sự kiện bài xích người Hoa. Triều đình Thanh lập tức ra lệnh tàu tuần dương Hai Chi của Hải quân tới Mexico bảo vệ kiều dân Thanh. Chính phủ Mexico đã chọn thỏa hiệp trước sự uy hiếp từ súng pháo của đế quốc Thanh, sau đó nhận lỗi và bồi thường cho Bắc Kinh.
Vậy, việc lập tức điều quân đội đe dọa nước khác khi kiều dân của mình bị "bắt nạt" trên nước họ là hành động gì? Đây là hành vi điển hình của chủ nghĩa đế quốc. Xin đừng nói với tôi rằng hành động của Đại Thanh có khác biệt gì về bản chất so với chủ nghĩa đế quốc ở Anh, Nhật Bản.

Ví dụ thứ ba: Cách mạng tháng Mười bùng nổ ở Nga năm 1917, nước Nga Xô Viết thành lập. Các cường quốc theo chủ nghĩa đế quốc ở phương Tây quyết định động binh can thiệp.
Năm 1918, chính phủ Bắc Dương của Trung Hoa Dân Quốc điều binh tham gia chiến dịch tấn công Nga của các đế quốc, can thiệp quân sự vào nước Nga Xô Viết. Sự kiện này được lịch sử gọi là "vụ can thiệp Siberia". Mọi người không hề nhìn nhầm, Trung Quốc từng đưa quân vượt qua biên giới Nga, can thiệp vũ trang vào nội chính của Nga. Đó chính là sự thật lịch sử được ghi chép giấy trắng mực đen, chỉ là nó đã bị lãng quên.
Đưa quân sang nước khác, can thiệp hoạt động nội bộ của họ chính là hành vi điển hình của chủ nghĩa đế quốc. Xin đừng nói với tôi là không phải.

Còn có một sự kiện lịch sử mà ai ai cũng biết: Hải chiến Giáp Ngọ (1894). Khác với nhận thức của chúng ta, trận Giáp Ngọ thực tế không phải một cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, mà là xung đột bùng phát giữa đế quốc Đại Thanh và đế quốc Nhật Bản do tranh chấp quyền kiểm soát ở Triều Tiên.
Chí ít trong mắt người dân Triều Tiên, hải chiến Giáp Ngọ chỉ là một cuộc chiến "chó cắn chó" giữa đế quốc chủ nghĩa Thanh và Nhật Bản. Nhật kiểm soát Triều Tiên là sai, nhưng Thanh kiểm soát Triều Tiên có đúng hay không? Đổi góc độ tư duy sẽ thấy ngay.


Anh Nông Văn Ất ở xã Hưng Đạo (Cao Bằng) bật khóc khi trả lời
phỏng vấn báo chí nước ngoài về cái chết của vợ con.
Năm 1979, chị Nguyễn Thị Hải, vợ anh đang mang bầu 6 tháng cùng bốn đứa con,
lớn nhất 10 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi đều bị lính Trung Quốc giết chết
rồi ném xuống giếng. Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường
Nói thêm một sự thực ít người biết: Khi chiến tranh Giáp Ngọ bùng nổ, mọi người có biết dư luận quốc tế nghiêng về bên nào không? Đáp án sẽ khiến anh phải tròn mắt: Dư luận quốc tế thời điểm ấy ngả theo Nhật Bản. Đa số người phương Tây nhận định đế quốc Thanh vô lý. Thật bất ngờ phải không?
Những ví dụ như trên còn có thể nêu ra rất nhiều. Từ các ví dụ này chúng ta thấy được trong trào lưu chủ nghĩa đế quốc thời kỳ đó, chính phủ Trung Quốc giai đoạn cuối Thanh đầu Dân Quốc đã gia nhập hàng ngũ đế quốc, đồng thời bước lên con đường chủ nghĩa đế quốc.
Những hành động ức hiếp người mà đế quốc thực hiện ở Trung Quốc thì chính phủ Thanh hay chính phủ Bắc Dương đều đã bắt đầu làm, thậm chí còn hành động "ra trò".
Lịch sử nói cho chúng ta biết: Người Trung Quốc "không ăn chay". Đừng bao giờ cho rằng người Trung Quốc đều là "dì Tường Lâm" đầy bạc nhược (nhân vật trong tiểu thuyết "Chúc phúc" của Lỗ Tấn - ND). Người Trung Quốc không phải là không muốn đi con đường đế quốc chủ nghĩa, chỉ là nội loạn nên bất thành mà thôi.
Trong lịch sử, dù là ngay thời cận đại, việc người Trung Quốc ức hiếp người khác là một sự thật lịch sử. Không phải là không có, mà chỉ là anh không biết thôi.

■ Điều nực cười thứ năm: “Tôi luôn luôn đúng, nhưng không biết vì sao”
Tôi từng bàn luận với một tài xế taxi ở Thâm Quyến về vấn đề đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku - ND). Tài xế nói với tôi rằng Điếu Ngư là của Trung Quốc, phải giết sạch đám "tiểu Nhật Bản".
Tôi nửa đùa nửa thật hỏi lại: Vì sao đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc? Anh lái xe bị tôi hỏi vậy thì sững lại một chút, rồi đáp: Đương nhiên là của Trung Quốc, còn phải hỏi sao?
Tôi tiếp tục truy vấn: Đúng là tôi không biết, xin được chỉ giáo. Tài xế im lặng rất lâu mới bật ra một câu: Tôi cũng không biết là tại sao, tóm lại [Điếu Ngư/Senkaku] là của chúng ta.
Câu chuyện này đã nhiều năm. Mỗi lần nhớ lại anh taxi Thâm Quyến nọ là tôi lại thấy buồn cười. Anh ta hoàn toàn không phải trường hợp cá biệt.

Nhớ lại những thanh niên "yêu nước" đập phá xe (sự kiện tháng 9/2012, sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - ND) năm nào, nếu hỏi họ "vì sao đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc", tôi tin 99% người được hỏi không đáp được. Cứ đập xe đã rồi tính, đừng hỏi tôi tại sao.
Anh tin rằng tiền trong ví anh là của anh. Tại sao vậy? Bởi vì anh vừa được phát lương. Anh tin rằng căn nhà của anh thuộc về anh bởi vì anh bỏ tiền ra mua nó. Anh tin rằng vợ anh là của anh, bởi vì anh và cô ấy có giấy đăng ký kết hôn.
Khi anh tin rằng bất kỳ một sự vật nào thuộc về mình, anh tất nhiên sẽ nói ra được lý do. Nếu như anh không nêu được lý do, chứng minh anh cũng không dám chắc vật đó thuộc về anh. Mà nếu anh không biết một sự vật vì sao lại thuộc về mình, nhưng trong ngôn hành lại khăng khăng tuyên bố nó thuộc về anh, thì chứng minh tư duy của anh có vấn đề. Đây là bệnh, cần phải chữa trị.
Một trăm năm trước phụ nữ còn bó chân. Người ngoài hỏi vì sao bó chân thì cô cũng không biết, bởi vì mọi người đều nói bó chân là đúng, cho nên cô cảm thấy nó đúng. Khoảng bảy, tám chục năm trước, người dân Nhật Bản xếp hàng tiễn con em rời quê hương đi chinh phục Trung Quốc. Nếu anh hỏi bọn họ vì sao thì họ cũng không biết. Họ chỉ biết rằng "chiến đấu vì quốc gia là đúng". Những hiện tượng này cũng là bệnh, cần được chữa trị.

Những người lý trí một chút nên biết rằng: Nếu anh không hiểu được vì sao đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc thì anh nên im lặng. Còn nếu quả thực anh lo lắng vì nước vì dân, vậy anh nên thu thập ngay các tài liệu lịch sử về đảo Điếu Ngư để hiểu rõ ràng quan điểm và chứng cứ của cả hai bên. Sau khi xác tín "đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc" rồi, thì lúc đó anh mới đi khắp nơi tuyên bố "đảo Điếu Ngư của Trung Quốc" được.
Vấn đề là khi anh không hiểu về lịch sử của đảo Điếu Ngư mà khăng khăng nói "đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc", nhưng khi người khác hỏi lý do anh lại không trả lời được, thì lúc đó trong mắt người ta anh đã thoái hóa thành một con khỉ rồi.
Một người "đủ tư cách", đầu tiên phải là người thành thực, chính trực. Đối với bất kỳ việc gì, anh biết nghĩa là biết, không biết nghĩa là không biết. Một đồ vật gì, thuộc về anh tức là thuộc về anh, không thuộc về anh tức là không thuộc về anh.
Khi anh không dám chắc một thứ gì có thuộc về mình hay không thì đáp án phù hợp nhất là: Tôi không biết.
Còn nếu anh đã không biết nhưng lại nói chắc như đinh đóng cột rằng món đồ thuộc về mình, thì lúc này xét về phương diện tinh thần, anh đã bị xếp vào hàng trộm cướp.

Phùng Học Vinh
Ngun: Internet/2-2017