Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013


MƯU TÍNH ĐƯA NHẤT LINH VÀO NHÀ THƯƠNG ĐIÊN 

Vũ Cầm

 

Bài “Chúc thư văn học của Nhất Linh: Một cái chết định sẵn” của Nguyễn Văn Lục đăng trên VietWeekly ra ngày 20 tháng 3, 2008 là một “công trình nghiên cứu” rất lạ, không ra văn học, cũng chẳng giống y học (mặc dù có trưng ra vài từ y học), với một cung cách trình bày ngoắt ngoéo nhiều hậu ý.

Xin nói thẳng ra nhận xét chung đầu tiên: đây là một bài làm ra vẻ nghiên cứu, nhưng mục đích chính là để bôi đen chân dung một bậc hào kiệt của Việt Nam, chỉ vì người ấy dùng cái chết của mình chống đối chế độ Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Và chống đối có kết quả: chỉ mấy tháng sau khi Nhất Linh tự tử, chế độ Diệm đã nhào đổ. Giai đoạn lịch sử ấy đã lùi xa cách đây 45 năm, bây giờ thì người ta có thể nhìn lại mọi sự một cách khách quan hơn, đánh giá lại nhiều sự việc. Chẳng hạn bản thân người viết những dòng này lúc đó là một học sinh Ðệ nhất Chu Văn An, đã cùng chúng bạn bãi khóa, biểu tình chống chính phủ để bênh vực Phật giáo với một lòng sục sôi căm ghét ông Diệm và gia đình ông; bây giờ lớn tuổi rồi, nhìn lại cá nhân ông Diệm thấy nhiều điểm đáng kính trọng, thấy thương ông. Nhưng đối với chế độ của ông thì nhận định của tôi vẫn không thay đổi, nghĩa là vẫn thấy nó tệ hại, không đoàn kết được (thực chất thì không bao giờ muốn đoàn kết) với các phần tử quốc gia uy tín khác chính kiến. Giết chóc, tù đày những thành phần quốc gia ưu tú là việc chế độ này đã làm, một cách liên tục trong chín năm cầm quyền. Nghĩ thật cám cảnh cho những chiến sĩ quốc gia chân chính trong truyền thống kẻ sĩ Việt Nam, phía bên kia thì bị phe cộng sản quốc tế giết hại, phía bên này thì bị chính quyền của một ông Tổng thống Thiên Chúa giáo trừ khử. Bi kịch này, mong có một dịp sẽ thảo luận kỹ hơn.



Hai anh em ông Nguyễn Văn Trung (trái) và Nguyễn Văn Lục,
người mưu tính đưa Nhất Linh vào nhà thương điên

Ông Nguyễn Văn Lục, dưới cái áo khoác “nghiên cứu”, cố gắng phục hồi chế độ Diệm, không bằng lời lẽ ca tụng chế độ ấy, mà theo cách bôi đen những ai chống đối nó. Những kẻ cùng chí hướng với ông đã lắm phen nhục mạ tướng Dương Văn Minh và các tướng lãnh chủ mưu cuộc đảo chánh; dựng nên một màn hỏa mù cho người ta thấy, bằng những chứng cớ hoàn toàn bịa đặt, rằng tất cả các nhà sư tranh đấu hồi 1963 toàn là cán bộ cộng sản; thậm chí đã phao cái bí mật động trời này: trong các chùa có một bài thuốc bắc, khi uống vào thì toàn bộ hệ thống thần kinh con người bị tê liệt, và Thích Quảng Ðức đã được cho uống thang thuốc ấy trước khi tự thiêu. Họ hy vọng hình ảnh đại hùng, đại lực, đại từ bi trong truyền thống Phật giáo bỗng dưng sẽ bị xóa đi, làm tầm thường hóa đi, với cái bài thuốc quái đản này, thì cũng không khác hình ảnh “nướng thịt” do bà Ngô Ðình Nhu sáng tác ra. Những gì thuần túy có gốc rễ sâu xa của tâm thức Việt Nam có vẻ bị khinh miệt quá đáng bởi những yếu tố ngoại nhập, có thể vì ý thức ngoại lai thì không thể nào cảm nhận thấm thía được những giá trị truyền thống nghìn đời của một dân tộc.

Luận đề chính của ông Nguyễn Văn Lục là chứng minh nhà văn Nhất Linh không phải đã tự tử để lên án chế độ Diệm, mà đó là một cái chết đã được định sẵn, đến đúng thời điểm, hội đủ duyên thì nó xảy ra, thế thôi. Nếu thành công trong biện luận này, thì sẽ có một hệ luận tự nhiên hiện ra: chế độ của cụ Diệm rất tốt, nhà văn, nhà cách mạng nổi tiếng vào bậc nhất của Việt Nam là Nhất Linh đâu có chống đối gì chế độ ấy, chẳng qua ổng bị bệnh tâm thần mà tự tử vậy thôi.

Ông Lục đã làm một cuộc mổ xẻ rất “khoa học,” bằng cách trích dẫn tất cả những đoạn nói về nỗi buồn khổ thầm kín của Nhất Linh để làm tiền đề cho sự chẩn đoán của ông. Ðọc chúc thư văn học Nhất Linh viết đêm giao thừa Quý Tỵ 1953, trong đó có đượm vẻ bùi ngùi vì nhớ đến sự nghiệp xưa và các văn hữu đã khuất, ông Lục phê ngay: “Không khí chúc thư cho ta có cảm tưởng như thể của một người sắp ra đi, muốn nhắn nhủ lại (…) Trong bản chúc thư (…) đã có điểm dự báo về cái chết không tránh khỏi của ông sau này (…) Dẫn dần tới cái chết như một thứ định mệnh an bài. Không xảy ra cách này thì cũng xảy ra cách khác.” Trời đất, chẩn bệnh kiểu này thì nhìn đâu mà chẳng thấy “cái chết không tránh khỏi”! Chỉ một nỗi buồn nhớ rất thông thường trong giây phút giao thừa là giây phút nhiều cảm xúc tụ về, thế mà nhà phân tâm này đã đoán người này trước sau gì cũng chết! Thật chẳng khác gì cách nói của thầy bói: “Số cô có mẹ có cha, mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông…, sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai…” Ðấy, mầm mống “ý định tự tử” của Nhất Linh đã manh nha một cách dứt khoát và rõ rệt như thế!

Rồi đến dẫn chứng lời kể của Nguyễn Tường Thiết rằng đã nghe Nhất Linh khóc trong đêm khuya, con mắt mọng nước của Nhất Linh theo trí nhớ của Nguyễn Thị Vinh v.v… đã giúp Nguyễn Văn Lục kết luận một cách chắc nịch rằng nhà văn đã bị bệnh tâm thần. Ðúng là Nhất Linh có nhiều nỗi buồn của riêng ông, mà với tâm hồn mẫn cảm của một nhà văn thì hẳn những nỗi buồn ấy càng lớn lao, nhưng gọi liền đó là bệnh tâm thần và kết luận “phải tự tử” thì ông thầy thuốc này chắc đã uống một thang thuốc… liều. Bởi vì Nhất Linh không phải là một người suốt đời buồn rũ rượi, không phải “thoạt đầu khi làm báo, ông lấy tên báo là Tiếng Cười, nhưng cả cuộc đời ông chỉ là những tiếng khóc” như Nguyễn Văn Lục đã chơi chữ để mô tả tính chất của ông. Hoàn toàn không phải như thế, Nhất Linh là một người rất hoạt động: khi làm báo, đã theo một phong cách vô cùng linh hoạt và hài hước, tờ Phong HóaNgày Nay có văn phong trong sáng vui vẻ, nhiều vui cười và tranh hí họa; thấy dân nghèo cuộc đời lầm than, ông tổ chức hoạt động xã hội, làm nhà ánh sáng cho dân; thấy nước nhà bị thực dân đô hộ, bèn đi hoạt động cách mạng để mưu tìm tự do cho dân tộc; ngay trong hoàn cảnh ẩn dật ông vẫn sống tích cực: vào rừng tìm lan, chơi nhạc, viết tiểu thuyết, xây dựng “ngôi nhà mơ ước”… Nhưng rồi ông đã hạ san, hoạt động văn hóa và chính trị trở lại, để đấu tranh với một chế độ quá nặng về gia đình và tôn giáo, không tạo được sự đoàn kết quốc gia. Một con người đầy ắp năng lực như thế mà dám bảo tâm thần suy nhược, lúc nào cũng chực tự tử! Ấy là vì ông Lục đã có chủ đích trước, kết luận đã có rồi, ông lặn lội đi tìm những chứng cứ để chứng minh cho cái định đề đã ra sẵn của mình, và dĩ nhiên ông sẽ lờ đi những yếu tố ngược lại, là sức sống tích cực trong con người Nhất Linh.

Ông viết: “Thất bại của ông thì nhiều, trải dài trong suốt cuộc đời làm chính trị khiến ông bị căn bệnh trầm uất triền miên. Depressive psychosis với ba giai đoạn phát triển tuần tự của bệnh từ Suicidal ideation, suicidal planning và cuối cùng suicidal attempt. Từ ý tưởng sang kế hoạch và sau cùng là thi hành.”
 
Tôi không tin ông Lục hiểu biết nhiều về bệnh lý học của bịnh tâm thần, ông chỉ lấy một ít kiến thức phổ thông qua sách vở, báo chí rồi đem “ứng dụng” vào một ca mà ông tự cho là mình hiểu rất rõ, rõ đến độ đã kết luận chắc nịch còn hơn thầy thuốc nữa!

Ông lại còn mang cuốn Bướm trắng ra để chứng minh cho lập luận của ông, chỉ vì trong đó nhân vật Trương trong một trạng thái tuyệt vọng đã nghĩ đến chuyện tự tử. Bướm trắng là một cuốn tiểu thuyết phân tích tâm lý hay nhất của Nhất Linh và cả của văn học Việt Nam, không làm gì có cái sắc thái u ám như ông Lục đã viết: “Ám ảnh về cái chết, về sự tự hủy như một cứu cánh đời sống, ám ảnh ông, bàng bạc trong các tác phẩm của ông, rõ rệt nhất là trong truyện Bướm trắng.” Phân tích nhiều trạng thái tâm lý khác nhau, trong đó có cả ý định tự tử của nhân vật vào một thời điểm không lối thoát, thì thiết tưởng nhà viết tiểu thuyết nào cũng có thể làm, ấy vậy mà ông Lục bám ngay vào chi tiết này, dùng nó làm công cụ để chứng minh cho luận đề “Nhất Linh muốn tự tử” của ông, tôi thấy ông Lục đã đi quá xa, trước sau ông bị một cái định kiến bám chặt vào đầu và chỉ chăm chăm đi tìm hai chữ “tự tử” trong bất cứ thứ gì Nhất Linh viết. Một người thưởng thức văn học bình thường thôi, chứ khoan nói là nghiên cứu văn học, không thể có một thái độ như vậy. Hơn nữa, nhận xét “ám ảnh về cái chết, về sự tự hủy như một cứu cánh đời sống, ám ảnh ông, bàng bạc trong các tác phẩm ông” có phải là điều có thật không? Nhưng ai đã đọc Nhất Linh, từ Ðoạn tuyệt, Lạnh lùng, Ðôi bạn, Nắng thu, Ði Tây, Hai buổi chiều vàng, Bướm trắng v.v… của giai đoạn Tự lực Văn đoàn, rồi Xóm Cầu Mới, Giòng sông Thanh Thủy của thập niên 1950, 60, có nhận ra điều mà ông Lục nói không? Với tư cách một độc giả bình thường, tôi phải khẳng định ngay rằng ông Lục đã nói ra những điều bịa đặt. Tác phẩm văn học của Nhất Linh, từ giai đoạn luận đề đả phá cái cũ, cổ xuý cái mới, cho đến giai đoạn đi sâu vào phân tích tâm lý, rồi mô tả cuộc sống phong phú muôn mặt chung quanh, đều trong sáng, tích cực, luôn cố gắng đạt đến chỗ cao hơn của nghệ thuật tiểu thuyết, chứ không hề bàng bạc về sự tự hủy, về cái chết (mặc dù tính cách này, giả dụ nếu có thật nơi một tiểu thuyết gia thì cũng không phải là một cái gì đáng chê trách, nếu ông hay bà ta viết hay).

Ông Lục đúng là đã “chẩn bệnh kiểu văn học”, trích đây một câu, kia một câu rồi ra… bệnh án. Theo lối này, nhiều lắm chỉ nên đặt ra như một giả thuyết khi trà dư tửu hậu, chứ viết ra những khẳng định về một nhân vật rất lớn của đất nước, giữa một giai đoạn lịch sử gay cấn như mùa hè năm 1963, thì tôi thấy thiếu đứng đắn.
 
Trên đây chỉ là nói qua cái ý đồ chính của ông Lục, khi đọc bài ông sẽ thấy rất nhiều chi tiết bộc lộ sự không đứng đắn khác của ông. Nói chung, mục đích của ông là cố ý “hạ” Nhất Linh, tạt một thùng hắc ín vào chân dung của nhà văn, nhưng đây đó vẫn điểm xuyết vài ngụy trang khen ngợi. Ðó là một cái mánh để tỏ ra mình “vô tư”, nhưng nếu đọc kỹ sẽ thấy tác giả rất thống nhất trong chủ ý của mình, “gài mìn bẫy” rất tinh vi khắp nơi.

Trong suốt gần một thập niên nhóm Tự lực Văn đoàn làm báo Phong Hóa rồi Ngày Nay, thỉnh thoảng có những bài phê bình, thường với phong cách chế giễu, trào lộng, đối với một vài tác phẩm đương thời, và xảy ra bút chiến, thế là ông Lục khẳng định ngay: “Chửi liên tiếp. Chửi tất cả. Kể cũng là lạ ở thời kỳ đó, người ta đã chửi nhau như thế.” Ðọc câu này, những người nhỏ tuổi chưa từng thấy báo Phong Hóa, Ngày Nay dám tưởng các báo này cũng giống như những “báo chợ”, “báo chửi” ở vùng Little Saigon ngày nay, vốn dùng chửi bới để… tiến thân và… làm giàu! Nghe ông Lục mô tả như thế, đám trẻ tuổi hẳn không ngờ Phong Hóa, Ngày Nay chính là những tờ báo quan trọng nhất trong thời kỳ trưởng thành của làng báo Việt Nam, cách đây bảy, tám mươi năm. Tôi đồ chừng ông Lục cũng chẳng đọc nhiều các tờ Phong Hóa, Ngày Nay (hoặc chẳng bao giờ đọc cả cũng nên!), chỉ xem những câu chuyện bút chiến trong các cuốn luận đề văn chương dành cho học sinh trung học thời trước 1975, rồi nói phịa ra thế thôi, chứ nếu có đọc thì chắc hẳn ông đã có một đánh giá khác (với điều kiện ông có khả năng để đánh giá).

Những chi tiết như những vệt sơn đen tình cờ kiểu đó còn nhiều, rải rác trong bài viết, cuối cùng sẽ cho một bức tranh rất nhiều vết nham nhở. Khi nói về tác phẩm Con trâu và tác giả Trần Tiêu, ông Lục đoán lý do Trần Tiêu không được Nhất Linh cho vào danh sách Tự lực Văn đoàn: “Có thể là vì lý do chính trị đã khiến Nhất Linh gạt tên Trần Tiêu ra khỏi Tự lực Văn đoàn? Nhưng phải giải thích làm sao trường hợp ba người ở lại hợp tác với cộng sản là Thế Lữ, Xuân Diệu và Tú Mỡ?” Thú thật đọc câu này tôi chưng hửng, vì phỏng đoán rồi kết nối việc nọ với việc kia một cách rất tầm phào. Tự lực Văn đoàn tự nó không phải là một đảng phái chính trị, thành viên của nó tùy khuynh hướng và hoàn cảnh về sau có người theo bên này, người theo bên kia, chuyện đó đâu có gì lạ, sao phải đặt một câu hỏi theo kiểu như vậy?

Mời bạn đọc xem tiếp đoạn này: “Nhất Linh đã tự tử. Sự lựa chọn đó phải chăng do những biến cố thời cuộc chính trị của những năm 1963 hay là một chọn lựa tiền định, tiềm ẩn? Thực tế ông đã để lại một thông điệp 72 chữ mà nhiều người có thể lặp lại một cách thuộc lòng như: Ðời tôi để lịch sử xử. Nhưng lịch sử là ai? Ai xử? Xử như thế nào? Ðã xử chưa?” Thật là những câu hỏi dồn dập, gắt gao, nhưng lại làm cho tôi chưng hửng một lần nữa. Có thể nào một người Việt Nam có học lại không hiểu câu “đời tôi để lịch sử xử”, nhất là người viết câu đó sắp bị chế độ đem ra tòa để xử. Làm gì hùng hổ dồn một lô một lốc các câu hỏi mới nghe tưởng như trí thức lắm, “truy tìm sự thật” lắm, nhưng ngẫm lại đó chỉ là những cái đao, những cái búa bằng giấy bồi vung lên chỉ cốt làm người ta hoa mắt. Thật ra, chỉ có mấy tháng sau ngày 7 tháng 7 năm 1963 ấy thì lịch sử đã lên tiếng rồi, vào ngày 1 tháng 11. Ai xử ai, xử như thế nào, đã lộ rõ. Bây giờ ông Nguyễn Văn Lục có muốn “xử” lại ông Nhất Linh bằng cách cố tình bóp méo động cơ cái chết của ông để biện minh rằng chế độ Diệm rất là tốt đẹp, thì cũng đã trễ rồi, trang lịch sử ấy theo tôi đã được khẳng định, đã xong. Nguyên khí của nước Việt Nam truyền thống đã ra tay điều chỉnh những lệch lạc của một thời, đặt để lại những giá trị sâu xa bền vững của dân tộc nghìn năm vào trong tâm khảm của người dân.

Việc tờ Văn Hóa Ngày Nay phải đình bản vì chính quyền làm khó dễ việc phát hành đã đưa đến cụt vốn, điều này những người trong cuộc đã nói đến nhiều rồi. Và sự việc cũng dễ hiểu, trong cái bối cảnh hồi đó. Thế mà ông Lục đã ghép việc này với việc khác, để tạo ra một nghi vấn. Hãy đọc: “… ông Nhất Linh có tâm sự và cho biết do những khó khăn về tài chánh nên phải đình bản tờ báo. Và nếu như thế thì cắt nghĩa làm sao sự chết yểu của Hiện Ðại, Thế Kỷ 20 cũng trong thời kỳ đó? Dù mọi người hiểu rằng Hiện Ðại, Thế Kỷ 20 đóng cửa vì hết tài trợ. Tóm lại, Văn Hoá Ngày Nay đình bản vì thiếu tài chánh…” Ðộc giả chắc nhận ra cái ẩn ý của Nguyễn Văn Lục trong đoạn văn vừa rồi? Chỉ viết khơi khơi thôi, chẳng kết luận gì, nhưng cố tình gợi ý rằng tờ Văn Hóa Ngày Nay đã nhận tiền tài trợ của một cơ quan ngoại quốc nào đấy, như các tờ Hiện Ðại, Thế Kỷ 20. Báo hết tiền phải đóng cửa là chuyện thường xảy ra trong làng báo, nhất là những tờ bị chính quyền ra tay trù dập như Văn Hoá Ngày Nay. Thế mà ông Lục ghép ngay với các vụ tài trợ khác chẳng có dây mơ rễ má gì. Nếu có bằng cớ thì trưng ra, còn không có thì thôi đừng nói tới, đàng này biết là sự việc chẳng phải như vậy mà cứ nối kết với một sự việc khác để “gợi ý” cho người khác hiểu như thế, đó là trò thiếu lương thiện.

Có một đoạn văn trong bài của ông Lục đã làm cho tôi thực sự ngạc nhiên, đó là đoạn ông đả kích người khác thương tiếc Nhất Linh. Ông đã trích một đoạn văn diễn tả cảm xúc của một người đối với cái chết của Nhất Linh: “Riêng tôi, trên đường đi, tôi cảm nhận hơn một lần, hình như khi đưa tiễn Nhất Linh tôi đang đưa tôi, đang đưa một chặng đường văn học của quãng đời thanh xuân của mình (…)” rồi đả phá nó một cách phũ phàng không ngờ: “… loại văn chương ai điếu, thứ văn chương mà hễ có nhân vật nổi danh nào nằm xuống là phải có sẵn một bài tụng niệm sáo ngữ, để nhập cái chết của ông vào cuộc tranh đấu của Phật giáo chống chính quyền Ngô Ðình Diệm. (…) Ðó chỉ là thứ kèn trống đám ma, nói thì nghe xôn xao rộn rã nhưng không biết mình nói gì, viết gì.” Tôi thật sự ngạc nhiên về sự phẫn nộ của ông Lục. Người thương tiếc người, thì hãy để người ta khóc, việc gì đến ông? Sao ông xúc phạm người khác quá quắt như vậy, ông nhân danh cái gì? Trong di chúc của mình, Nhất Linh nói rõ ông theo gương Thượng tọa Thích Quảng Ðức chọn cái chết để phản đối chính quyền Ngô Ðình Diệm, chỗ đứng của ông hết sức rõ ràng, đâu có cần ai phải “nhập cái chết của ông vào cuộc tranh đấu Phật giáo”! Nhất Linh và Phật giáo đứng chung một chiến tuyến, bảo vệ cho tự do và truyền thống của dân tộc. Trong đám tang của Nhất Linh, trước khi hạ huyệt, linh mục Thanh Lãng và nhà văn Nhật Tiến đã đọc lời ai điếu - một hành vi can đảm giữa vòng vây của mật vụ thời ấy, nhất là cho nhà văn Nhật Tiến - ông Lục có dám coi đó là thứ “kèn trống đám ma” không? Ông có quyền nghiên cứu để chứng minh ông Nhất Linh bị bệnh tâm thần, nhưng ông cần phải tỏ ra có giáo dục, tôn trọng tình cảm của người khác đối với nhân vật lừng lẫy này. Chưa biết công trình của mình có ra cái gì, đã vội vùi dập người khác bằng những lời lẽ vô lễ và khiếm nhã, một người có tư cách không thể làm như vậy.

Tôi sẽ không viết về những đoạn trong phần Phụ lục, rình mò chuyện riêng tư, cũng với ý đồ bêu xấu Nhất Linh và các đồng chí của ông thuộc Việt Nam Quốc dân Ðảng, vì bà Trương Kim Anh đã nói đến. Tôi chỉ xin quay lại một chút với chủ đề chính của tác giả Nguyễn Văn Lục trước khi dừng bút. Ấy là vấn đề bệnh tâm thần. Ðể vô hiệu hóa hành vi, ngôn ngữ của kẻ nào, điều dễ nhất là nói người đó điên. Khi thuyết phục được mọi người rằng một ai đó có bệnh tâm thần là đã có thể hư vô hóa người ta. Không một cái gì thuộc về người ấy còn có giá trị với đời sống bình thường của chúng ta nữa. Nguyễn Văn Lục đã khổ công tạo ra một Nhất Linh bị bệnh tâm thần để triệt hạ ông, và tưởng như thế là một phát minh mới mẻ lắm. Không, Đảng Cộng sản Nga đã chơi cái trò đó nhiều rồi. Những ai thuộc giới trí thức mà chống đối chế độ, thay vì bắt giam tra tấn đánh đập nhiều khi chỉ càng làm người ấy nổi bật lên vì sự can đảm, chỉ cần tống vào nhà thương điên là người ấy không còn tư cách làm người nữa trước mắt xã hội.

Nguyễn Văn Lục mưu đồ cho Nhất Linh vào nhà thương điên. Nhưng người điên, ở đây là ai?

© 2008 talawas
 

NIỀM TIN VÀ TÂM THẦN

Lý Nguyên Diệu

 
Ông Nguyễn Văn Lục là một “trí thức” Catô giáo, em của ông cựu giáo sư triết Nguyễn Văn Trung (trước 1975). Là một người Catô nhưng ông Lục lại nổi tiếng với những bài viết gọi là  “nghiên cứu” về lịch sử cận đại của phong trào Phật giáo Việt Nam, nhất là  khi “nghiên cứu” đó đạp được Phật giáo xuống bùn và bốc thơm chế độ Ngô Đình Diệm lên mây xanh. Ông đã từng bị gọi là “người không biết ngượng”, và bài viết mới nhất của ông về văn hào Nhất Linh chỉ xác tín thêm điều đó.

ViệtWeekly số ngày 20 tháng 3 năm 2008 đã có một bài báo làm cho tôi ngẩng mặt lên trời cười ba tiếng rối cúi mặt xuống đất khóc ba tiếng. Đó là bài Chúc thư văn học của Nhất Linh: Một cái chết định sẵn” của tác giả  Nguyễn Văn Lục.

Cám ơn ông Lục đã giúp cho tôi được một trận cười gần bể bụng trong cố gắng chứng minh văn hào Nhất Linh đã “định sẵn” chuyện tự tử từ 10 năm trước và quan trọng nhất là  (chuyện ông tự sát) không dính dáng gì đến chế độ Ngô Đình Diệm. Bài của ông Lục thuộc loại “phân-tích với tiền-kết-luận” (pre-conceived analysis) có khả năng rất lớn để đưa tác giả vào tình trạng ảo giác (delusional) bắt nguồn từ một  “niềm tin bệnh hoạn”  (psychotic belief). Nghĩa là trường hợp những đầu óc bị xáo trộn vì những niềm tin cực đoan (thường đến từ tín ngưỡng) tạo nên những suy tưởng không thực.

Hãy nhìn vào sự nghiệp văn chương và chính trị của Nhất Linh. Ai cũng thấy rõ, kể cả ông Lục, Nhất Linh văn chương thì đại thành công, không có gì mà lo âu, buồn bã đến tuyệt vọng, trong khi Nhất Linh chính trị mới nhiều thất bại có thể làm cho ông buồn phiền. Thực tế “bất khả tư nghì” này   cho thấy chuyện ông Lục sử dụng tư liệu vừa sai vừa lạc một cách nặng nề thành ra rất đáng nghi. Trong khi đi tìm lý do của quyết định tự tử rất chính trị của chính trị gia Nhất Linh sắp phải ra toà vì một vụ án chính trị đến từ một biến cố chính trị thì ông Lục mò mẫm, xục xạo trong một “chúc thư văn học” của Nhất Linh viết từ …10 năm về trước. Còn cái “chúc thư chính trị” mà ông Nhất Linh viết ngay trước khi tự tử (ngày  7/7/1963, ngày lễ Song Thất kỹ niệm 9 năm chấp chánh của Tổng thống Diệm) thì ông Lục chỉ dám trích lại 6 chữ: “Đời tôi để lịch sử xử”.

Hãy đọc lại chúc thư này của Nhất Linh xem nội dung như thế nào mà ông Lục đã phải tránh né  như vậy:

“Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất vào tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hũy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.”

Di chúc lịch sử của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906-1963)

Nếu ông Lục mở mắt ra thì  tôi xin phép chỉ cho ông thấy lý do của cái chết của Nhất Linh nằm trong câu ở ngay trước 5 chữ “Tôi chống đối sự đó”. Và câu nầy cũng cho thấy viễn kiến chính trị của nhà cách mạng Nhất Linh xa hơn rất nhiều người khi ông kết tội chính sách độc tài của chế độ Ngô Đình Diệm sẽ “làm cho nước mất vào tay Cộng Sản.” Vì vậy mà ông Lục vừa sai “chúc thư” vừa lạc đi 10 năm trời, đưa đến kết qủa là bài báo của ông không có một giá trị nào, từ cái tựa cho đến nội dung. Nhưng câu hỏi phải đặt ra là một người có đi học, có đọc sách như ông Lục mà sai lạc nặng nề như vậy là vì ngu dốt không biết hay vì thiếu lương thiện mà dấu chúc thư này để xài chúc thư khác như mấy anh chơi bài ba lá?

Theo “phương-pháp-luận-bài-ba-lá” của ông Nguyễn Văn Lục, tôi có thể “xạo” giỏi hơn ông Lục bằng cách phân tích sự đau khổ, lo âu của chính trị gia Ngô Đình Diệm khi phải từ chức Thượng Thư, khi bị Việt Minh bắt, khi nghe tin ông Ngô Đình Khôi bị giết, khi Dinh Độc Lập bị dội bom; rồi tôi sẽ “phân tích” lý do vì sao cuối bài diễn văn nào ông Diệm cũng “cầu xin ơn trên phù hộ”, và phỏng vấn bà cố vấn Ngô Đình Nhu về những xào xáo với ông cố trầu Ngô Đình Cẩn, … để đi đến “kết luận” là ông Diệm đã có qúa nhiều ưu tư chính trị mà trở thành bất bình thường nên cố ý tạo ra khủng hoảng Phật Giáo để “được” đảo chánh mà chết một cách chính trị đi cho khỏe. Ít nhất là phương pháp luận của tôi, gồm toàn yếu tố chính trị, cũng consistent hơn của ông Lục.

 Cười xong thì tôi lại muốn khóc vì phải chứng kiến cái tiến trình bi thảm của một đầu óc trí thức bị “niềm tin tôn giáo” làm cho trở thành hèn hạ và mang bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần vì “niềm tin bệnh hoạn“ (psychotic belief) khi ông Lục viết với giọng tuyệt đối của một lời cầu nguyện: “Nhất Linh nhất định không thể là một người tâm trí bình thường lúc cuối đời”, nghe như “Nhất định anh sẽ xuống địa ngục nếu anh không tin Chúa tạo ra vũ  trụ trong 7 ngày cách nay chỉ 6000 năm”! Bệnh tâm thần làm cho ngớ ngẩn như khi nói về Tự Lực Văn Đoàn, ông Lục viết: “Tự Lực xuất phát từ ý chí muốn tự lập về tài chánh.” Hoá ra theo ông Lục thì Nhất Linh lập ra một văn đoàn kiệt xuất như vậy là vì lý do … “tài chánh” nên đặt cái tên đó để lưu danh muôn thửơ. Và hèn hạ khi ông Lục dùng mục Phụ Lục để tìm cách bôi xấu, trong một cố gắng vá víu và tuyệt vọng, đời tư của Nhất Linh. Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả Vũ Cầm là sẽ không dài dòng về tư cách tiểu nhân này. Chỉ nghĩ đến lọai người chất chứa trong đầu óc những lọai tâm địa hèn hạ nầy, tôi đã thấy rùng mình muốn tránh xa.

Nhưng tôi đã lạc quan trở lại khi đọc được trong số báo ViệtWeekly tiếp theo (ngày 27/3/2008) bài “Mưu tính đưa Nhất Linh vào nhà thương điên” của tác giả Vũ Cầm và cũng được post trên Talawas (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12686&rb=0102 ). Lâu lắm tôi mới được đọc một bài viết đứng đắn và đầy tính thuyết phục về cả hai mặt nội dung và hình thức như vậy. Điều rất đáng mừng là ViệtWeekly có được sự hợp tác của những cây viết có giá trị như Vũ Cầm để phân giải những chủ  đề tế nhị trong lãnh vực lịch sử và tôn giáo.

Lời cuối cùng, tôi xin nhắc ông Nguyễn Văn Lục đừng đọc bài báo nầy mà xoa tay sung sướng vì nghĩ rằng đã tạo ra được một cuộc tranh luận về một đề tài không còn gì để tranh luận. Tôi viết bài nầy (cũng như bài của Vũ Cầm) là để lật tẩy cách chơi bài ba lá của ông Lục mà thôi. Những loại âm mưu xuyên tạc lịch sử này của những người cuồng tín muốn bênh vực chế độ Ngô Đình Diệm như Nguyễn Văn Lục là một điều đáng buồn cho đất nước vì ông ta (cũng như Cao Văn Luận, Nguyễn văn Chức, Tú Gàn Nguyễn Cần, …) là loại người có mắt để nhìn nhưng không thấy gì cả vì đã đeo một cặp kính dâm màu quạ đen rồi.

( Source: Tạp chí VietWeekly, Vol.VI, No.15, ngày 4/3 – 4/9/2008 )

 

 

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013


XUNG QUANH CÁI CHẾT 
CỦA NHÀ VĂN NHẤT LINH
 
Khúc Hà Linh


Nhà văn Nhất Linh, tên thật là Nguyễn Tường Tam, cử nhân khoa học Pháp, chủ súy nhóm văn chương Tự lực Văn đoàn những năm ba mươi, bốn mươi thế kỷ trước.

Nhất Linh còn là đại biểu Quốc hội khóa I, là Bộ trưởng ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến,... thế nhưng ông từ chức và lưu vong.

Nhắc tới Nhất Linh, nhà thơ Tú Mỡ nói rằng đó là người vừa đáng yêu vừa đáng tiếc. Ông viết “Điều đáng tiếc là sau kháng chiến, anh đã theo bè lũ Ngô Đình Diệm vào Nam để rồi bị bè lũ ấy chèn ép, cắt mất nguồn sống đến nỗi uất ức phải tự t”.

Vậy vì sao mà Nhất Linh tự quyên sinh?

Với tấm thẻ căn cước số F13108 do Phủ thủ hiến Bắc Việt cấp ngày 19/2/1951 tại Hà Nội, ghi rõ: “Nguyễn Tường Tam, nghề nghiệp văn sĩ, nơi sinh tổng Ngọc Trục, Cẩm Giàng, Hải Dương, con ông Nguyễn Tường Nhu và bà Lê Thị Sâm...”, khoảng mùa xuân năm 1951, nhà văn Nhất Linh từ Hà Nội vào Sài Gòn cư trú.

Ở đây ông cho in lại các tác phẩm cũ và viết tác phẩm mới. Thời gian này vợ con ông cũng đã di cư vào Nam. Bà Nhất Linh (tức Phạm Thị Nguyên) mua một căn gác trong chung cư số 39 đường chợ An Đông, Chợ Lớn để lấy chỗ ở và buôn bán.

Sang năm 1955, ông lên Đà Lạt, lấy thú vui là chơi hoa phong lan. Năm 1958 Nhất Linh về ở luôn Sài Gòn hoạt động văn hóa. Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của Văn Bút Việt Nam (về sau là cố vấn).

Bấy giờ chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức tìm diệt người kháng chiến cũ. Luật 10/59 ra đời đã giết hại bao nhiêu thường dân vô tội, với phương châm là thà giết nhầm còn hơn bỏ sót. Nhất Linh cùng các nhà hoạt động khác thành lập Mặt trận Quốc dân Đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông.



Biểu ngữ “Đả đảo Gia đình trị Ngô Đình Diệm”của đoàn biểu tình trên đường Thống Nhất (Sài Gòn) trong cuộc binh biến của binh chủng Nhảy Dù ngày 11-11-1960

Cuộc đảo chính tháng 11 năm 1960 thất bại, hầu hết những người liên can bị bắt. Chính quyền Diệm nhân cơ hội này cho bắt giam các nhân sĩ, lãnh tụ đảng phái, giáo phái khác... chỉ mình Nhất Linh được quản thúc tại gia hơn hai năm rưỡi. Ngày 5 tháng 7 – 1963 Tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn có trát đòi ông có mặt lúc 7giờ30 ngày 8/7/1963, tại Tòa thượng thẩm, số nhà 131 đường Công Lý Sài Gòn, và để nghe xét xử tội “xâm phạm an ninh Quốc gia”. Ngày 6/7/1963, người chiến binh Nguyễn Văn Nam đã tống đạt lệnh này tới tận tay ông.

Trong hồi ký “Nhất Linh – cha tôi” của Nguyễn Tường Thiết phát hành tại Sài Gòn năm 1964, những ngày cuối cùng của Nhất Linh được kể lại như sau:

“… Buổi sáng ngày 7/7/1963, Nhất Linh đi thật sớm. Ông mở ngăn kéo, lấy mấy tập sách, tập bản thảo những tác phẩm cuối cùng, gói vào một tờ nhật báo. Các con đoán có lẽ ông đi họp ở đâu vì cũng đúng vào Chủ nhật tuần trước, tức 30/6 ông đã tới dự phiên họp đặc biệt của nhóm Bút Việt.

Khoảng gần 10 giờ Nhất Linh về. Ông không thay quần áo ngay như mọi lần, cứ để nguyên quần áo tây ngồi xuống ghế xích đu, bên cạnh người con trai. Điếu thuốc lá rung rung ở trên đầu hai ngón tay, ông mở bia, rót vào cốc nhỏ ra dáng suy nghĩ. Một sấp ronéo để trước mặt ông.

Đó là bản cáo trạng khá dày, trong đó có những lời kết tội như “phản quốc”, “xâm phạm an ninh quốc gia”. Trong suốt hơn một giờ, Nhất Linh vẫn giữ im lặng, suy nghĩ. Khoảng 11 giờ, với vẻ thảnh thơi, ông thay quần áo ngủ,  rồi dặn người con trai Nguyễn Tường Thiết: “Chiều nay con lại luật sư Chính lấy hết các giấy bác sĩ về. Biết địa chỉ không?”.

Con trai nói: “Con đoán họ chẳng làm gì cậu đâu, nếu họ muốn bỏ tù thì họ đã bắt từ lâu rồi. Việc này họ đem ra xử cho có lẽ, rồi kết mình vô tội để hạ nhục chơi. Vả lại nếu có ra Côn Đảo thì cũng chả sao, chỉ làm giàu thêm cuộc đời tranh đấu của cậu. Cứ  coi như là một dịp đi nghỉ mát”.

Nhất Linh đáp lại: “Cậu chẳng sợ kết quả ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau. Có điều bực nhất là họ lấy tư cách gì mà lại đem xét xử những người quốc gia đối lập rồi gán cho họ tội phản quốc”.

Nhất Linh đã chủ ý cho độc dược vào rượu uống. Khi gia đình phát hiện ra thì đã muộn: Cuối phòng, vẫn trên cái ghế xích đu, ông gục đầu hơi ngoẹo về phía vai phải, một cánh tay buông lỏng thả xuống sàn nhà. Dáng điệu ấy thoạt trông thì khổ sở nhưng nhìn lên gương mặt thì tuyệt nhiên không một nét đau đớn. Ông như người ngủ gục.

Gương mặt êm ả, bình thản. Để ý lắm mới thấy một ít nước bọt rỉ ra ở khóe mép… Thân thể ông mềm, trong túi có một tờ giấy, đó là Di ngôn. Ông đã viết hai bản di chúc, một để trong túi áo ngực, một tờ dặn đưa cho bác sĩ Đặng Văn Sung, nhờ ông ấy chuyển ra ngoại quốc.

Nhất Linh đã ra đi ở tuổi 58 để lại di chúc: “Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặn, sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do. 7/7/1963 Nhất Linh Nguyễn Tường Tam”.



Di chúc viết ngày 7-7-1963 và Đám tang Nhất Linh tại Sài Gòn ngày 13-7-1963

Theo Thế Uyên trong bài “Người bác” (TLVĐ trong tiến trình văn học dân tộc – NXB VHTT, năm 2000), đám tang ông có nhiều cảnh sát chiến đấu và mật vụ đi lẫn trong những người đưa đám. Đoàn đưa tang đầu tiên là một vòng hoa lớn, sau là một người mang ảnh Nguyễn Thái Học, tiếp theo là tấm ảnh chụp lại hình Nhất Linh do Nguyễn Gia Trí vẽ.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương viếng Nhất Linh đôi câu đối:

Người quay tơ, đôi bạn, tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt
Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng, buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu.

Trừ bốn chữ “chứ sao, đâu chỉ” ra, còn là tên tác phẩm của ông.

Ngày 8/7/1963 phiên tòa bắt đầu xét xử. Trong số những can phạm, có người nào đó đã xé một chiếc áo đen làm thành từng mảnh chia cho mọi người, đeo cánh tay trái làm băng tang Nhất Linh, khiến cho chủ tọa phiên tòa ngỡ ngàng.

“Ủy viên chính phủ”, trung tá Lê Nguyên Phu tòa án quân sự đặc biệt (người ký trát đòi Nhất Linh ra tòa) nói: “Bọn Quốc dân đảng để tang Nguyễn Tường Tam”. Thực ra theo Trương Bảo Sơn, hôm đó gần ba chục chính trị phạm có mặt tại phiên tòa đều đeo băng tang, chỉ trừ Phan Quang Đán. Kết thúc phiên tòa, mỗi bị cáo bị kết án 5 năm tù đày ra Côn Đảo.

Thi hài Nhất Linh được an táng tại nghĩa trang Giác Minh, sau được hỏa thiêu di cốt, gửi bình tro tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu, quận 3, Sài Gòn.

Trước khi mất khoảng mấy giờ đồng hồ, Nhất Linh còn trò chuyện với con trai, khi người con gợi ý cha viết hồi ký, Nhất Linh đã bộc lộ: “Cậu cũng có ý định viết ba quyển. Cuộc đời làm báo của Nhất Linh, cuộc đời làm cách mạng của Nguyễn Tường Tam và quyển thứ ba cậu viết về hoa  phong lan”.

Ngoài di chúc gồm 71 từ nói rằng cuộc đời ông để lịch sử xử, ông còn dành cho người vợ một lời tuyệt mệnh, với 20 chử rất cô đọng: “Mình, Mối tình của đôi ta hàng bao năm đẹp đẽ lắm rồi, không… mong ước gì hơn nữa. Anh, Nhất Linh 7/7/1963”.

Ấy vậy mà đã 50 năm !

Khúc Hà Linh

 

 

 

 

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013


 

TƯỞNG NIỆM BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC
CÙNG TĂNG TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO VỊ PHÁP VONG THÂN

 
Nhà báo Vũ Ánh

 
(Tham luận trình bày tại “Lễ Tưởng Niệm 50 Năm Bồ Tát Quảng Đức Tự Thiêu” do
Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ tổ chức ngày 23-6-2013
tại Hội trường Jerome Center, Santa Ana, California)

 
Kính thưa Hòa Thượng Đại Diện các Chư tôn Giáo Phẩm,
Kính thưa các Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni
Kính thưa quí quan khách và các đạo hữu,

Trước hết tôi xin cám ơn Tiến sĩ Huỳnh Tấn Lê và Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã cho tôi một cơ hội thuận tiện để có đôi lời trình bày trước một cử tọa gồm những nhân sĩ trí thức Phật giáo đã từng có một quá khứ tu tập, nghiên cứu, đã từng có những nỗ lực phổ biến Phật học, đã từng trình bày những luận cứ uyên bác trong những tác phẩm, những bài lai cảo viết về Phật giáo cũng như về một biến chuyển cách đây nửa thế kỷ: ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức dùng ngọn lửa của trái tim mình, biến thân xác Ngài thành một ngọn đuốc để xua hết những bóng tối của cường quyền đang trùm phủ lên Phật giáo Việt Nam mùa Pháp nạn 1963.

Thưa quí vị, thưa các Đạo Hữu,

Trước khi đến diễn đàn này, tôi nhận được khá nhiều cú điện thoại và e-mail phần lớn của những người bạn hay những người quen biết tôi, trong đó họ đưa ra thắc mắc: “Này ông, tôi thấy cái đám đó có vài thằng Việt cộng đã từng tẩm xăng để thiêu sống ông Thích Quảng Đức, sao ông còn ngồi chung với họ”. Tôi mạn phép quí vị trích dẫn nguyên văn một trong những câu hỏi của họ. Tôi không giận, không tức tối không phải chỉ vì họ là bạn hay quen tôi mà vì dư luận này tôi nghe thấy từ Mùa Pháp Nạn 1963 lúc tôi đang còn là một sinh viên. Tôi chỉ nói với những người bạn này: “Tôi hiểu tại sao ông nói như thế, nhưng điều đáng làm nhất là ông cung cấp ngay cho tôi những bằng chứng ai là Việt cộng tẩm xăng đốt vị tu sĩ này. Tôi sẽ có mặt ở buổi tưởng niệm để chỉ đích danh những tên Việt cộng đó ngay trong hội trường. Ông bảo họ gởi ngay cho tôi, còn kịp mà”.

Nhưng cho tới lúc tôi đang thưa chuyện với quí vị đây thì lời nhục mạ của 50 năm trước vẫn còn tồn tại là những lời nhục mạ không có bất cứ một căn cứ nào cả. Họ mang theo những lời nhục mạ một cao tăng Phật giáo đã lấy thân xác mình làm ngọn đuốc soi đường cho một khối thiểu số người u mê, cực đoan, sống bám vào chủ nghĩa phân biệt tôn giáo vượt cả đại dương trong hoàn cảnh nước mất nhà tan để rồi tiếp tục nuôi dưỡng nó trong cộng đồng tị nạn đang cần có sự đoàn kết về mọi mặt để đòi hỏi nhân quyền cho người Việt Nam ở cố quốc, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng.  Đứng ở đây, trên diễn đàn này trong không khí thiêng liêng của ngày chúng ta, những người con Phật tổ chức Tưởng Niệm 50 Năm Trái Tim Bồ Tát Thích Quảng Đức và Tăng Tín đồ Phật giáo Vị Pháp Vong Thân, nhưng tôi không thưa chuyện cùng quí vị với tư cách của người Phật tử mà với tư cách của một nhà báo sau một thời gian dài lục lọi tìm kiếm các dữ kiện được xác nhận trong đống trên 4,000 trang tài liệu được Ngũ Giác Đài giải mật và những tài liệu rải rác khác trong các tác phẩm lịch sử chiến tranh Việt Nam của các sử gia Mỹ mà tôi may mắn mua được trong các tiệm sách cũ ở Hoa Kỳ.
 


Phật tử chúng ta gọi những biến động mang tính chất lịch sử của Phật giáo vào năm 1963 là mùa Pháp Nạn trong đó có thời điểm diễn ra cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức ở ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt ngày 11-6 cách đây đúng nửa thế kỷ. Dân chúng Việt Nam và người Phật tử nhìn biến cố này như một điểm mốc quan trọng làm rung rinh chế độ như thế nào thì đã có nhiều tác giả phân tích rất chi tiết, tôi xin không đề cập tới. Nhưng người Mỹ, gồm cả chính phủ lẫn dân chúng Hoa Kỳ, các viên chức Hoa Kỳ có trách nhiệm tại Việt Nam và Washington nhìn cuộc tự thiêu này như thế nào? Tôi nghĩ đó là một điều mới và tôi cần phải trình bày. Nhưng vì thời lượng giới hạn của bài thuyết trình, tôi chỉ xin trích một đoạn ngắn trong hàng chục đoạn văn nằm trong các phản phúc trình và lời khuyến cáo của ông Truehart, Đại Lý Đại sứ Mỹ tại Saigon gởi cho Washington ngay sau khi nội vụ xảy ra, xin trích:

Vào buổi trưa ngày này, tại một ngã tư (Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt), một tu sĩ Phật giáo là Hòa Thượng Thích Quảng Đức tẩm xăng và nổi lửa tự thiêu. Ngọn lửa bừng cháy và đã được một phóng viên ngoại quốc chụp hình và xuất hiện trên trang nhất của báo chí trên thế giới (Phóng viên chụp bức hình này là Malcom Browne của hãng thông tấn AP, ông cũng vừa qua đời cách đây một tuần, 2013-TG). Rúng động và căm phẫn  khắp nơi trên trái đất, nhưng bà Ngô Đình Nhu vẫn thách thức bằng cách gọi đây là một vụ nướng thịt”.

Vẫn theo các tài liệu được giải mật của Ngũ Giác Đài thì ngay ngày 12-6, Đại lý đại sứ Mỹ Truehart, người tạm thay thế Đại sứ Frederic Nolting mãn nhiệm trở về Hoa Kỳ trong khi chờ đợi bổ nhiệm Đại sứ Cabot Lodge, đã gặp Tổng Thống Diệm một lần nữa để phản đối ông ta đã không hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng với Phật giáo và nói vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã gây sốc cho toàn thế giới. Nếu ông Diệm không hành động thì bắt buộc chính phủ Mỹ phải cắt đứt liên lạc với ông ta. Dựa trên các bản phúc trình của những viên chức trong phái bộ Phái Bộ Ngoại Giao và Cơ quan MACV tại Saigon, các phân tích viên của chính phủ Hoa Kỳ cho rằng đây là một giọt nước đã làm tràn ly nước đã quá đầy.

Ngôn ngữ về đấu tranh bất bạo động cũng là thứ ngôn ngữ “tĩnh” phù hợp với giáo lý Phật giáo, nhưng đồng thời trong cái tĩnh ấy chứa đựng những cơn bão có sức tàn phá những bức tường bưng bít, che đậy và coi thường sự phẫn nộ của dân chúng của những nhà độc tài. Người Mỹ đã có những sai lầm khi dồn sự ủng hộ và hậu thuẫn của họ vào một ông quan muốn giữ thể diện cũng như dùng mọi cách không chính đáng chỉ để bảo vệ gia đình mình, đẩy quyền lợi quốc gia xuống hàng thứ yếu. Con bài chính trong sách lược “tiền đồn của thế giới tự do”, dưới con mắt của chính quyền Eisenhower và chính quyền Kennedy, Tổng Thống Ngô Đình Diệm được Hoa Kỳ coi là một người duy nhất có khả năng ngăn được Cộng sản. Nhưng thực tế con bài ấy đã phản lại những suy nghĩ của những chiến lược Hoa Kỳ trong một tổ chức liên bộ ngoại giao và quốc phòng đặc trách vấn đề Việt Nam với danh xưng Lực Lượng Đặc Nhiệm.

Lần mò vào trong nội dung của khoảng từ 200 đến 300 trang trong số 4,000 trang tài liệu được giải mật liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng Phật giáo, tôi đã có thể tìm được quan điểm của chính phủ Mỹ vào thời gian đó được tóm tắt bằng những dòng chữ như thế này, xin trích:

Biến cố tại thành phố Huế vào ngày 8 tháng 5 năm 1963 đã là chất kết tủa tạo ra điều mà chúng ta (tức là Mỹ) gọi là cuộc “Khủng hoảng Phật Giáo” và khởi đầu cho một chuỗi những biến cố tối thượng dẫn đến những nỗ lực lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm và cái chết của ba anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn. Vào thời điểm đó, không một người nào nhìn thấy trước được biến có vừa kể lại có thể tạo ra một phong trào chống đối trên toàn quốc có khả năng tập họp tất cả lực lượng đối kháng không-Cộng sản tại Miền Nam Việt Nam.

“Quan trọng hơn nữa, vào lúc đó không ai có thể đánh giá đúng mức sự khinh ghét của quần chúng ở Miền Nam Việt nam đối với chính quyền hoặc tình hình suy sụp về chính trị lan rộng trong chế độ, một chế độ không còn khả năng đối phó với những bất mãn của quần chúng. Nguồn gốc tôn giáo của những biến cố trong giai đoạn này có thể nhận ra được qua khối người Công giáo di cư từ Miền Bắc Việt Nam sau khi người Pháp bị đánh bại năm 1954.

“Ước lượng có khoảng độ 1 triệu người rời bỏ quê hương Miền Bắc của họ để tái định cư ở Miền Nam, ông Ngô Đình Diệm rõ ràng để được ủng hộ bởi tôn giáo cũng như sự đồng cảm mang tính nhân đạo và để tạo được sự hậu thuẫn chính trị qua những đồng đạo, ông cung cấp cho những người tị nạn Công giáo những đối xử đầy ưu quyền về tái phân phối đất đai, cứu trợ và giúp đỡ, cấp giấy phép thương mại, xuất nhập cảng,  cung cấp công việc  trong chính quyền và những trợ giúp hào phóng khác. Do ông Diệm cần phải dựa vào sự trung thành của họ nên ông ta đã đưa những người Công giáo vào nắm giữ hết các vị trí then chốt trong chính quyền của ông, cả trong lãnh vực dân sự lẫn quân sự. Giống như một định chế, nhà thờ Công giáo đã được hưởng một qui chế pháp lý đặc biệt.

“Tổng Giám Mục giáo hội Công giáo Ngô Đình Thục, người anh lớn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trở thành cố vấn của tổng thống. Nhưng từ lúc ông Diệm về nước cho tới năm 1962, chính quyền Diệm chưa có sự phân biệt đối xử gay gắt nào đối với Phật giáo. Tuy nhiên, trong số khoảng từ 3 đến 4 triệu tín đồ Phật giáo đang hành đạo và 80% dân số Miền Nam Việt Nam mang danh nghĩa là những người theo Phật giáo, những ưu đãi, sự độc đoán và phân biệt đã tạo nên một sự căm ghét âm ỉ trong khối quần chúng”. (hết trích)

Và đây là lăng kính mà các viên chức Hoa Kỳ có trọng trách thì hành chính sách của Hoa Kỳ đối với VNCH dùng để soi rọi vào cái ngòi nổ dẫn đến cuộc tranh đấu chống phân biệt đối xử với Phật giá, xin trích:

Vào Tháng 4 năm 1963 chính quyền của Tổng Thống Diệm ra lệnh cho các viên chức thành phố phải cưỡng chế một lệnh cấm đã có từ lâu nhưng mọi người đã tảng lờ, đó là lệnh cấm treo cờ tôn giáo tại nơi công cộng. Lệnh này được ban ra chỉ một ngày sau khi chính quyền chính thức khuyến khích dân chúng ăn mừng lần thứ 25 ngày Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục thuộc địa phận Huế được thụ phong và trong lễ mừng, cờ của Tòa Thánh Vatican được treo khắp nơi. Lệnh này cũng được đưa ra chỉ một ngày trước Lễ Phật Đản vào ngày 8 tháng 5, một lễ quan trọng của Phật giáo. Huế, cố đô của Việt Nam vốn là một trung tâm hoằng pháp và tu tập quan trọng của Phật giáo Việt Nam, trong khi các trường đại học ở Huế từ lâu đã trở thành nơi tập trung những sinh viên bất đồng chính kiến. Cho nên, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những tín đồ Phật giáo vẫn cứ treo cờ tôn giáo của họ bất chấp lệnh cấm và khi chính quyền địa phương xuất hiện để hạ cờ Phật giáo theo lệnh cấm thì hành động này đã trở thành một hành động khuyến khích các tín đồ Phật giáo ở Huế và vùng phụ cận tập trung rất đông vào ngày 8 tháng 5 để tham dự ngày Khánh Đản. Coi cuộc biểu tình như một thách thức đối với uy tín của gia đình ông Ngô Đình Diệm và chính quyền. Huế cũng còn được coi là một thái ấp chính trị của một người em khác của ông Diệm là ông Ngô Đình Cẩn, nên các viên chức địa phương phải cố gắng giải tán đám đông.

“Tuy nhiên, khi những cố gắng nói trên không mang lại kết quả, viên Phó Tỉnh Trưởng người Công giáo đã ra lệnh cho lính của ông nổ súng. Trong cảnh hỗn loạn xảy ra sau đó, 9 người đã bị giết, trong số này có cả trẻ em và 14 người khác bị thương. Những xe bọc thép được nói là đã cán lên người các nạn nhân. Chính quyền của Tổng Thống Diệm đã mau chóng đưa ra một câu chuyện hoàn toàn khác nói rằng Việt Cộng đã  ném một trái lựu đạn vào đám đông và rằng các nạn nhân đã bị dẫm lên người trong cơn hỗn loạn (chứ không phải xe bọc thép cán). Chính quyền của Tổng Thống Diệm vẫn cứng rắn không nhận trách nhiệm ngay cả khi những quan sát viên trung lập cung cấp những đoạn phim cho thấy quân đội của chính phủ bắn vào đám đông.

“Bản chất quan lại của ông Diệm không cho phép ông ta giải quyết vụ khủng hoảng này với thái độ mềm dẻo, phù hợp với hoàn cảnh. Ông không thể công khai thừa nhận trách nhiệm của một nguyên thủ trước một thảm kịch để tìm cách hòa giải với những tín đồ Phật giáo. Tổng Thống Diệm cũng từng được thuyết phục rằng một sự mất mặt trước công chúng như thế có thể phá hỏng sự cầm quyền của ông ta và rằng ông đã quên hẳn một thực tế  là không một người cầm quyền nào có thể phớt lờ lâu dài sự bất mãn của khối quần chúng lớn lao, bất kể đạo đức của ông như thế nào. Nhưng chính phủ vẫn bám vào những những sự việc như đã xảy ra (có nghĩa là cứ đổ cho Việt Cộng mà không cần  điều tra gì nữa cả).

Những ngày tiếp theo đó tại thành phố Huế hơn 10,000 người đã biểu tình phản đối vụ giết người này. Đây là một trong nhiều hoạt động biểu tình mà Phật giáo dùng để tạo áp lực với chính quyền của Tổng Thống Diệm trong 4 tháng kế tiếp. Những Phật tử mau chóng tự tổ chức và ngày 10 tháng 5, một bản tuyên bố của các tu sĩ Phật giáo được chuyển đến chính quyền đòi tự do treo cờ Phật giáo và công bằng pháp lý như các nhà thờ Công giáo, chấm dứt việc bắt bớ và tự do hành đạo, bồi thường cho những nạn nhân vụ nổ súng ngày 8 tháng 5 và trừng phạt những người đã gây ra vụ này. Tất cả 5 đòi hỏi này được chính thức  đưa cho Tổng Thống Diệm và ngày 15 tháng 5 và Phật giáo tổ chức cuộc họp báo đầu tiên sau một cuộc họp nội bộ. Những cuộc tuyệt thực trước nơi công cộng và các cuộc biểu tình tiếp tục suốt tháng 5 năm 1963, nhưng Tổng Thống Diệm vẫn chậm chạp trong việc xoa dịu những người bất mãn và giải quyết vấn đề.

“Vào ngày 30 tháng 5, khoảng 350 nhà sư Phật giáo biểu tình trước trụ sở Hạ Nghị Viện ở Saigon và tuyên bố tuyệt thực trong 48 giờ đồng hồ. Vào ngày 3 tháng 6, một cuộc biểu tình ở Huế đã bị đàn áp với hơi cay và một vài người bị phỏng khiến cho Phật giáo mau chóng đưa ra những lời cáo buộc  quân đội chính phủ đã sử dụng hơi cay để đàn áp biểu tình. Ngày 4 tháng 6, chính phủ loan báo thành lập một ủy ban liên bộ do Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ cầm đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng tôn giáo, nhưng hành động này của chính phủ có thể đã quá muộn. Một khối lớn thị dân đã đứng sau lưng Phật giáo và bắt đầu chống lại Tổng Thống Diệm. Vào ngày 8 tháng 6, bà Ngô Đình Nhu làm nghiêm trọng thêm tình hình vốn đã hết sức nghiêm trọng bằng một lời tuyên bố những phần tử Cộng sản đã thẩm nhập vào hàng ngũ Phật giáo…”.(Hết trích)

Tuy thế, qua sự trung gian và áp lực của Hoa Kỳ, ủy ban tranh đấu Phật giáo và chính quyền đã ký kết được một bản thông cáo chung để giải quyết toàn bộ vấn đề, nhưng hiệu quả của nó chẳng đi đến đâu. Vào đêm 21-8-1963, chỉ mấy ngày sau khi chính quyền của Tổng Thống Diệm hứa với Đại sứ Frederic Nolting đi nghỉ phép ở Hawaii rằng họ sẽ giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng Phật giáo để tìm lại sự ủng hộ của dân chúng, Cố vấn Ngô Đình Nhu đã ra lệnh cho lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia và Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung do Mỹ huấn luyện và tài trợ để thực hiện cuộc chiến bí mật vào cuộc tấn công các chùa Phật Giáo bắt giữ hàng ngàn tăng tín đồ Phật giáo. Và đây là hành động lộng quyền cuối cùng của cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu làm tai tiếng toàn thể quân đội VNCH và hành động cuối cùng này cũng đã dẫn đến một cuộc đảo chánh vào ngày 1-11-1963 kết thúc chế độ Ngô Đình Diệm. Trong những bản phúc trình trực tiếp với Tổng Thống Kennedy khi trở về Hoa Kỳ, Đại sứ Cabot Lodge đã mô tả “Mỹ muốn cứu vãn chế độ cho tới giờ phút chót, nhưng lỗi lầm của một người thay vai trò Tổng Tư Lệnh của cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu đã khiến cho tình thế tuyệt vọng không còn cứu vãn nổi nữa…”.

Tôi không đi sâu vào chi tiết của cuộc tranh đấu của Phật giáo chống sự kỳ thị tôn giáo của chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm dẫn đến cuộc đảo chánh lật đổ ông vào ngày 1-11-1963 vì tôi biết rằng thời giờ rất eo hẹp. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh ở đây rằng, những tài liệu này được giải mật sau 30 năm nằm im trong văn khố quốc gia Hoa Kỳ tự chúng không bao giờ có tác dụng gây chia rẽ giữa Phật giáo và Công giáo mà ngược lại chỉ có tác dụng đánh tan những ngộ nhận do một thiểu số những người trung thành với chế độ Ngô Đình Diệm loan truyền với ác ý, nào là hàng ngũ Phật giáo bị Cộng sản xâm nhập giựt giây, nào là người Mỹ làm lơ cho những tướng lãnh lật đổ và giết hai anh em ông Diệm Nhu chỉ vì ông Diệm không cho Mỹ đổ bộ binh vào Miền Nam Việt Nam, nào là Hòa Thượng Thích Quảng Đức bị Việt cộng tẩm xăng và đốt, nào nếu Tổng Thống Ngô Đình Diệm không bị giết thì Miền Nam Việt Nam không mất trong ngày 30-4-1975. Tôi lại nhắc lại một lần nữa, những người nào còn bày tỏ lòng trung thành với Tổng Thống Ngô Đình Diệm bằng cách sửa chữa lịch sử nếu có cơ hội đọc tài liệu “The Pentagon Papers” và những tài liệu khác đầy ắp trong các thư viện Hoa Kỳ thì sẽ thấy rằng những thông tin kiểu “nghe nói, người ta đồn” hay kiểu thông tin “trộn hư cấu với dữ kiện được xác nhận” chắc chắn sẽ bị phản bội.

Ở đất nước tự do này, người ta có quyền bày tỏ lòng trung thành, vinh danh, dựng tượng bất cứ nhân vật nào mà họ coi là lịch sử, không ai cấm cản, nhưng đừng có dùng những lời lẽ khiếm nhã để lăng nhục một tôn giáo hay tạo những ngộ nhận để vu cáo trong dư luận nhằm đánh bóng một một nhân vật mà thực tế đằng sau lớp sơn giả tạo không có một điều nào có thể hậu thuẫn việc làm của những nhân vật ấy.

Trong những năm tháng cuối của cuộc đời mình, khi gánh nặng áo cơm đã nhẹ, tôi đã dành nhiều thời giờ để truy cứu, tìm hiểu vào những tài liệu mà một số người vẫn còn tơ tưởng đến thời được chế độ sủng ái cách đây nửa thế kỷ sợ hãi, không dám mạnh dạn phủi lớp bụi thời gian đi để nhìn vào hay tìm sự thật. Họ quên mất một điều là chửi rủa, bịa chuyện, phê phán không có chứng cớ hậu thuẫn, vu cáo cho người ta là Cộng sản, là tay sai, là bị Cộng sản lợi dụng không thể át đi được tiếng nói vô địch của những dữ kiện lịch sử, những biến cố chính trị, quân sự hay kinh tế.

Tôi tin rằng chúng ta, tất cả quí vị đến dự Lễ Tưởng Niệm 50 Năm ngày Bồ Tát Quảng Đức và Tăng tín đồ Phật Giáo Vị Pháp Vong Thân đều là những người đã từng phải trải qua những thử thách đến từ Mùa Pháp Nạn 1963. Và với lòng rộng mở theo tinh thần hỷ xả của nhà Phật, chúng ta không bao giờ coi những “nạn” trong Mùa Phật Đản 50 năm trước đây là cái cớ để nuôi thù oán, nhưng chúng ta cương quyết không để cho bất cứ một người nào sửa chữa lịch sử một cách vu vơ. Tôi quan niệm đó là phương thức tốt nhất để hiển dương sự thật và góp phần bảo vệ Đạo pháp. Cuối cùng, tôi hy vọng được học hỏi thêm từ những nhân sĩ, trí thức Phật giáo và các Đạo Hữu cũng như sẽ cố gắng đóng góp cùng quí vị những gì mà tôi hiểu và biết về Mùa Pháp Nạn cách đây 50 năm. Hy vọng ánh hào quang của Phật giáo nói chung và Trái Tim Thích Quảng Đức sẽ hướng dẫn chúng ta.

Xin cám ơn tất cả quí vị đã kiên nhẫn lắng nghe lời trình bày của tôi./.

Vũ Ánh (nhà báo)

 

NHỮNG ĐIỀU NHỚ LẠI TỪ “PHẬT GIÁO 1963”
CỦA MỘT CHỨNG NHÂN

Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả

(Tham luận trình bày tại “Lễ Tưởng Niệm 50 Năm Bồ Tát Quảng Đức Tự Thiêu
do Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ tổ chức ngày 23-6-2013
tại Hội trường Jerome Center, Santa Ana, California)
 
 

Nam Mô Thanh Tịnh Pháp Thân TỲ LÔ GIÁ NA PHẬT
Nam Mô Viên Mãn Báo Thân LÔ XÁ NA PHẬT
Nam Mô Thiên Bá Ức Hóa Thân THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Nam Mô Vị Pháp Thiêu Thân THÍCH QUẢNG ĐỨC BỒ TÁT
Nam Mô Đại Hùng, Đại Lực CHƯ BỒ TÁT Vị Pháp Thiêu Thân

- Kính Bạch Chư Tôn Trưởng Lão Hòa Thượng Chứng Minh
- Kính Bạch Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni
- Kính Thưa Quý vị Quan Khách, Quý vị Thiện Tri Thức, Quý vị Truyền Thông Báo Chí, Quý vị  Đạo Hữu cùng toàn thể Pháp Hội hôm nay.

Trước hết, tôi xin cám ơn Ban Tổ Chức đã cho tôi cơ hội phát biểu hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Bồ Tát Thích Quảng Đức “Vị Pháp Thiêu Thân” vào ngày 11 tháng 6 năm 1963. Tôi xin nói lên những lời chân thật qua tâm sự chắt chiu ngày đó, đứng ở vị trí một quân nhân Phật tử nhìn biến cố “Phật Giáo - 63” trên lập trường Dân Tộc như một chứng nhân thời đại. Sở dĩ tôi dám nói thế là vì vào lúc đó, cá nhân tôi cùng một số bạn đồng ngũ là những người “vì lý tưởng Quốc Gia”, đem xương máu mình bảo vệ Quê Hương, đích thực là những người làm lịch sử, rồi đến sau tháng 4-1975 trở thành nạn nhân của lịch sử - tù đầy khốn khổ - và đến khi sang đây tỵ nạn thì là nhân chứng của thời đại.

I. VIẾT SỬ THI:
- Kính Bạch Chư Tôn Đức
- Kính Thưa toàn thể Quý vị,
            “Hôm nay tôi nói chuyện đời
            Chuyện về thế sự đầy vơi, vui buồn
                        Chuyện về lịch sử còn vương
            Chuyện Ngài Quảng Đức yêu thương Đạo, Đời
                        Chuyện về ngọn đuốc sáng ngời
            “Trái tim Bất Diệt” ngàn đời còn đây
                        Xa quê tình gửi gió mây
            Về hồn sông núi tràn đầy lòng tôi.”
Nói về một biến cố lịch sử có liên quan đến Đạo Pháp và Dân Tộc không chỉ là đơn thuần kỷ niệm mà là “Ôn cố nhi tri tân” tức là “nhắc lại chuyện cũ để thấy việc mới”, là làm sống lại cái cũ để tiếp nối cái mới lúc này. Cho nên:
            “Lên đây để nói tình thương
            Lên đây ôn lại gió sương cuộc đời
                        Lên đây tiếp đuốc rạng ngời
            Lên đây nói thật tình người với nhau
                        Nói mà lòng vẫn quặn đau
            Nói về thấy cảnh trước sau bất hòa
                        Nói mà lệ vẫn tuôn ra
            Năm mươi năm sử Việt ta nhạt nhòa
                        Thời gian nửa thế kỷ qua
            Hôm nay nhìn lại thấy ta đã già
                        Quê người sống tạm là nhà
            Nghĩ về chuyện cũ chan hòa tình ta
                        Đuốc Thiêng Quảng Đức sáng lòa
            Trái tim bất hoại thành hoa tặng đời.”
Hoa mà Bồ Tát Quảng Đức tặng đời lúc đó là “Hoa Sen trong biển lửa” là hiện tượng xảy ra do Phật Giáo bị nhà cầm quyền đối xử bất công, lấy uy quyền mà áp chế. Từ tình cảm đó mà có việc “Tự Thiêu” và có chuyện hôm nay nói lại.
Để diễn tả sự kiện đặc biệt này, ngay vào dịp sự việc xảy ra, Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương đã làm bài thơ “Lửa Từ Bi” với nhập đề ba câu đầu tiên thế này:
“Lửa! Lửa cháy ngất Tòa Sen!
            Tám chín phương nhục thể trần tâm
            hiện thành Thơ, quỳ cả xuống”
            Những lời này đã khiến tôi nghĩ tới “Ngọn Lửa và Trái Tim Bồ Tát” đã viết thành “Bài thơ Lịch Sử Việt” gọi là “Sử Thi” giống như ở Hy Lạp Thi Hào Homère vào 800 năm trước Công Nguyên cũng đã viết “Sử Thi” vào thời đó của nước ông để lại cho đời.
Bài “Lửa Từ Bi” còn có đoạn sau đây:
“Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc!
            Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi
            Chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác
            Trong vô hình sáng chói nét TỪ BI
            Rồi đây, rồi mai sau còn chi?
            Ngọc đá cũng thành tro
            Lụa tre dần mục nát
            Với Thời Gian lê vết máu qua đi,
            Còn mãi chứ! Còn TRÁI TIM BỒ TÁT
            Gội hào quang xuống tận ngục A Tỳ”
Và như vậy, sự việc này, biến cố đó đã tác động vào lòng người Việt và trở thành dấu ấn lịch sử dân tộc mãi mãi về sau.

II. NHỮNG DIỄN BIẾN TỪ 1957 ĐẾN 1963:
Khi muốn viết bài này, muốn nói lên lời chân thật và hòa ái, tôi đã ngồi một mình lắng đọng tâm tư, suy niệm về quá khứ, tô đậm lại hình ảnh đã mờ đi trong ký ức, làm sống lại những gì đang chết và đã trôi xa. Đối với tôi chế độ cầm quyền lúc đó đã giải quyết các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội và tôn giáo, v.v… trong vị trí chủ quan của người chấp chánh, vì mục đích và hướng đi của họ. Sự nhận định của người “nhìn lại” là không để dĩ vãng thành một ám ảnh vô bổ và phải thật sự khách quan trước các vấn đề đánh giá vì thế giới vẫn đang chuyển hóa và lịch sử vẫn còn đây, dù có những điều chưa bạch hóa.
Đến đây thì tôi thấy được vị trí lúc này của mình trong cuộc khảo sát và đánh giá là một chứng nhân trong vai trò của người “Công dân yêu nước” nhìn về các mặt chính trị, văn hóa, xã hội và tôn giáo chứ không còn chỉ là Phật Tử bênh vực Đạo của mình bị đàn áp. Tôi thấy rằng vấn đề Phật Giáo lúc đó chỉ là giọt nước tràn ly và Bồ Tát Thích Quảng Đức đã hóa thân thành “Đuốc Soi Đường” cho một giai đoạn lịch sử Việt Nam mới.
Thật vậy, nếu nhìn qua những biến cố lịch sử chống lại chế độ Tổng Thống Ngô Đình Diệm lúc đó kể theo thứ tự thì diễn biến như sau:
1.- Vụ ám sát hụt Tổng Thống Diệm ở Ban Mê Thuột vào tháng 2-1957 tại Hội Chợ Xuân Tây Nguyên bởi một tín đồ Đạo Cao Đài tên là Hà Minh Trí nói là để trả thù cho Tướng Trình Minh Thế và chống lại vụ đàn áp Cao Đài khiến Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc phải lưu vong sang Cam Bốt.
2.- Vụ chống chính quyền của Đại Việt Quốc Dân Đảng vào tháng 5-1957 trong việc thành lập “Chiến Khu Ba Lòng” tại Quảng Trị, sau bị chính quyền đánh phá và tiêu diệt.
3.- Những nhân sĩ Độc Lập Miền Nam được gọi là Nhóm Caravelle tháng 4 năm 1960 ra tuyên ngôn chống chính quyền đòi thay đổi cứu vãn tình thế, bảo vệ chế độ Quốc Gia. Kết quả 18 nhân sĩ này đều bị bắt trong đó có 10 vị đã từng cộng tác với chính phủ Ngô Đình Diệm. Một điều quan trọng cũng cần lưu ý là cũng trong năm này Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập do chế độ CS Miền Bắc giật dây.
4.- Ngày 11 tháng 11-1960 lực lượng Nhảy Dù làm đảo chánh không thành, đằng sau là các đảng phái Quốc Gia trong Liên Minh Dân Chủ Mặt Trận Quốc Gia Đoàn Kết. Mục đích đòi hỏi “cải tổ toàn diện cơ cấu lãnh đạo quốc gia để xây dựng lại chính nghĩa dân tộc và nâng cao hiệu năng chiến đấu của Quân Dân Miền Nam”.
5.- Tháng 2-1962 hai phi cơ Skyrider A-1 oanh kích và ném bom Dinh Độc Lập. Hai phi công là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc, ông Quốc bị bắn nhảy dù ra bị bắt còn ông Cử thì sang tị nạn ở Cam Bốt. Biến cố này do Đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng đứng đằng sau.
Năm vụ vừa kể là biến cố chính trị quan trọng, vụ Hòa Thượng Thích Quảng Đức Tự Thiêu là thứ sáu mang danh Tôn Giáo. Về mặt Tôn Giáo trong suốt chín năm cầm quyền có hàng triệu người bị bắt đổi đạo từ nơi các Ấp Chiến Lược đến các làng quê hẻo lánh, còn tại các tỉnh thành thì các công chức, quân nhân được kêu gọi theo Công Giáo sẽ được thăng quan, tiến chức và họ đã tự nguyện làm vì danh lợi cá nhân.
Sở dĩ tôi nói dài dòng như vậy là vì muốn vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình, để những ai từ trước tới giờ ít quan tâm đến chuyện đất nước và không sống trong thời đại Đệ Nhất Cộng Hòa hiểu rõ. Chúng tôi chỉ trình bày ở đây những dữ kiện lịch sử đã xảy ra thời đó một cách trung thực, để tùy sự nhận định của người nghe hay đọc. Giờ đây xin đi vào thời gian trọng điểm 1963.

III. BIẾN CỐ PHẬT GIÁO 1963 VÀ NHỮNG HỆ LỤY:
Tôi còn nhớ vào năm 1963 về mặt quân sự và chính trị tại Miền Nam VN đều lên cao độ, lúc đó tôi đang ở Tiểu Đoàn Súng Cối 106 ly đóng tại Thủ Thừa, Long An, vào tháng 2 Dương lịch đã yểm trợ trận đánh Ấp Bắc là trận nổi tiếng lớn trong chiến sử VNCH. Thế rồi đến tháng 5 thì biến cố Phật Giáo xảy ra.
1. Nguyên Nhân:
Khởi phát từ Huế, khi chính phủ ra lệnh cấm treo cờ Phật Giáo tại các cổng chào ngoài đường phố mà chỉ được treo trong phạm vi tự viện bên cạnh quốc kỳ và nhỏ hơn, lệnh từ Phủ Tổng Thống ký ngày 6-5-1963 theo Công Điện số 5159. Đối với Phật tử Huế thì đây là một lệnh mới, vì năm trước các cổng đón mừng Phật Đản ngoài đường phố có treo cờ Phật Giáo không bị cấm. Đến ngày 7-5-1963 thì cảnh sát đã đến một số nơi bắt hạ bỏ cờ Phật Giáo xuống vì trái quy định, kể cả tại tư gia, đó là trước Phật Đản một ngày. Thế là các Tu sĩ và Phật tử Huế đều phản kháng, họ đã lập phái đoàn lên gặp Tỉnh Trưởng và Đại Biểu Chính Phủ để yêu cầu bãi bỏ lệnh đó.
Trước khi có lệnh từ Phủ Tổng Thống, người ra lệnh trực tiếp cho Đại Biểu Chính Phủ và Tỉnh Trưởng Thừa Thiên lại là Ngài Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, vì trên đường từ La Vang về Huế đã thấy khắp nơi ở dọc đường các cổng đón mừng Phật Đản của Phật tử Quảng Trị và Huế trang hoàng rất đẹp đã được dựng lên với đầy cờ Phật Giáo năm mầu.
Đúng ngày Phật Đản là 8-5-1963 không khí đấu tranh về vụ treo cờ rất ồn ào, nhất là tại Chùa Từ Đàm, trong đám rước có vài ngàn Phật tử, các biểu ngữ phản đối được trưng ra. Vì không muốn nổ lớn, Ban Tổ Chức đã tự động thu hồi các biểu ngữ có tính cách quá khích rồi mới cho diễn hành.
Chuyện tranh đấu đến đó tuy chưa yên nhưng cũng tạm lắng xuống, các Phật tử ra về mà lòng ấm ức.
2. Cao Điểm:
Đúng tối ngày rằm theo thông lệ Phật tử đến chung quanh Đài Phát Thanh Huế để nghe phát lại buổi lễ Phật Đản tại Chùa Từ Đàm và nghe Thượng Tọa Trí Quang thuyết pháp. Thính giả mỗi lúc càng đông, ước khoảng 10,000 người, nhưng Đài chưa phát sóng. Khoảng 10 giờ 00 tối thì Thầy Trí Quang và ông Tỉnh Trưởng đến. Họ vào trong rồi mà Đài cũng chưa phát thanh, dân chúng la ó. 10 giờ 35 TT Trí Quang nói chờ 35 phút vì phải nghe lại băng. Dân chúng la ó, đập cửa, bỗng có hai tiếng nổ lớn và tiếng súng nhỏ, tiếng thiết giáp đi vào giải tán đám đông. Khi đó mọi người tán loạn và kết quả là 8 chết và 14 bị thương. Một số đồng bào tại chỗ cho biết sự tàn sát này do phía lực lượng chống biểu tình gây ra, đúng 12 giờ 00 đêm trật tự mới vãn hồi
Từ đó, cuộc đấu tranh của Phật Giáo bắt đầu. Từ Huế tràn vào Sài Gòn và lan đi nhiều tỉnh thuộc Miền Nam. Chính quyền thông báo là Việt Cộng đã gây ra cuộc thảm sát ở Đài Phát Thanh. Một nhân chứng ngoại quốc là Bác Sĩ Erich Wulf dạy tại trường Đại Học Y Khoa nói rằng, ông thấy tại nhà xác 7 xác kẻ bị văng óc vỡ đầu, kẻ bị tan xác không nhận ra. Có 3 xác bể đầu do súng lớn từ thiết giáp bắn v.v… Ông này sau đó bị chính phủ trục xuất vì việc mô tả này. Ông có mặt tại chỗ vì đi xem cùng một sinh viên Y khoa người Việt tên Tôn Thất Kỳ và khi vụ nổ xảy ra thì đến bệnh viện để giúp cứu thương.
Về phía Phật Giáo thì ngay ngày hôm sau 9-5-1963 đã ra Tâm Thư, 10-5 ra Tuyên Ngôn xin chính phủ thực thi 5 điểm: 1/ Thu hồi lệnh cấm treo cờ Phật Giáo. 2/ Cho Phật Giáo được hưởng quy chế giống Công Giáo trong Dụ số 10. 3/ Xin chấm dứt bắt bớ Tăng Ni và tín đồ Phật Giáo. 4/ Xin cho Phật Giáo được tự do hành đạo và truyền đạo. 5/ Xin bồi thường xứng đáng cho những người vô tội bị chết oan.
Bản Phụ Đính giải thích quan điểm của Phật Giáo như sau: 1/ Phật Giáo không chủ trương lật đổ chính phủ. 2/ Phật Giáo không xem ai là kẻ thù, không chống Công Giáo mà chỉ tranh đấu cho sự bình đẳng tôn giáo. 3/ Đây là cuộc tranh đấu bất bạo động. 4/ Mục đích là bình đẳng tôn giáo và công bằng xã hội. 5/ Phật Giáo Việt Nam không chấp nhận cho bất cứ ai lợi dụng cuộc tranh đấu này kể cả Cộng Sản và những kẻ mưu toan địa vị.
- Ngày 25-5-1963: Cuộc đấu tranh ngày một lan rộng và được mọi tầng lớp đồng bào ủng hộ, về phía Phật Giáo có Ủy Ban Liên Phái và phía chính phủ có Ủy Ban Liên Bộ đứng ra giải quyết những mâu thuẫn.
- Ngày 31-5-1963: Các sinh viên Huế và Sài Gòn nhập cuộc đấu tranh.
- Ngày 1-6-1963: 300 Tăng Ni Huế và 800 Tăng Ni ở Sài Gòn tuyệt thực 24 giờ.
- Ngày 3-6-1963: Chính phủ ra lệnh cấm biểu tình và bao vây cô lập các chùa tranh đấu cả Huế lẫn Sài Gòn.
- Ngày 4-6-1963: Chính phủ ra lệnh cấm trại 100% những tổ chức cảnh sát và quân đội chống biểu tình. Tình hình rất căng thẳng tại hai đô thị lớn và một số thành phố nhỏ.
3. Tự Thiêu:
Năm ngày sau khi chính phủ ban hành lệnh chống biểu tình và bao vây các chùa tranh đấu thì một sự kiện lớn xảy ra là vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức vào ngày 11-6-1963.
Cuộc hy sinh của Hòa Thượng Quảng Đức đã được Ngài tự ý phát tâm dâng hiến từ trước. Ngài đã bày tỏ ý định trong một buổi họp kín ở Chùa Xá Lợi, sau đó có làm đơn xin với Tổng Hội và đã bị bác, nhưng sau cùng vì sự đàn áp của chính quyền quá mạnh nên vẫn được thực thi.
Để tránh sự để ý của chính quyền, Ban Tổ Chức đã biến cuộc biểu tình của Tăng Ni thành cuộc tự thiêu và phải thông báo đi đường Trần Quốc Toản, để đánh lạc hướng cảnh sát, sau đó mới chuyển về đường Lê Văn Duyệt để Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu. Địa điểm là ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, thời gian vào khoảng 10 giờ sáng, kéo dài khoảng gần nửa tiếng, sau đó đem thi hài Ngài về lại Chùa Xá Lợi. Chúng tôi thấy không cần nói rõ thêm chi tiết ở đây vì các sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam đã mô tả rõ. Trong bài này chúng tôi chỉ kể lại những điều mà các chứng nhân thuật lại ngay khi đó, những gì diễn biến sau đó và ảnh hưởng cùng biểu tượng của sự hy sinh đã đưa đến hậu quả gì? Xa hơn nữa là sau đó để dấu ấn gì và ngày nay nhắc lại câu chuyện này, chúng ta còn lại gì, nghĩ gì và học được gì?

Kính thưa toàn thể Quý vị,
Quá Khứ - Hiện Tại và Vị Lai, qua hệ quả của một sự hy hiến vô tiền khoáng hậu của “Đuốc Thiêng Quảng Đức” ra sao sẽ nói tiếp sau này.
Trước hết chúng tôi xin nói về thái độ của Ngài Quảng Đức khi sắp tự thiêu đã để lại Lời Nguyện như thế này:
“Đệ tử hôm nay tự đốt mình
            Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
            Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác
            Tro trắng phẳng san hố bất bình
            Thân cháy nát tan ra tro trắng
            Thức thần nương về giúp sinh linh
            Hỡi ai mộng ảo đang còn mộng
            Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình”
                        8 tháng 4 nhuần Quý Mão 1963
Và trong lá thư để lại đã nhắc chính quyền như sau: “Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.”
Đọc qua những phần lưu bút kể trên của Ngài đã thể hiện đúng tinh thần của một người con Phật, Từ Bi Hỷ Xả, tâm luôn rộng mở bao la. Ngoài ra lại còn tỏ ra là một công dân yêu nước có trách nhiệm, muốn thức tỉnh cấp lãnh đạo đất nước. Sự hy hiến của Ngài đã xác nhận tinh thần nhập thế của Đạo Phật. Sau cùng là đã gửi một thông điệp làm thức tỉnh lương tri thế giới cùng cả hai bên lâm chiến rằng bạo lực nào cũng sẽ không tồn tại chỉ có niềm tin, sự thật và tình thương là làm sống mãi cuộc đời. Cũng vì vậy mà Ngài để lại “Trái Tim Bồ Tát” là tình thương bất hoại, còn hoài…
Sau sự hy hiến của Bồ Tát Quảng Đức 6 giờ thì hai bên Ủy Ban Liên Phái và Ủy Ban Liên Bộ đi đến một thỏa hiệp hòa hoãn để làm dịu tình hình.
4. Những Lời Nhận Xét Về Vụ Tự Thiêu
Nhìn từ những nhân chứng ngoại quốc có mặt trong vai trò ký giả và lời phát biểu từ bên ngoài của các giới chức cầm quyền của các nước bạn để thấy thế giới lúc đó xúc động ra sao?
1. Ông Malcolm Browne thuật lại: “Khi đoàn Tăng Ni đi đến ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt thì chiếc xe đi đầu dừng lại mở nắp xe như để sửa máy rồi một vị cao tăng bước ra khỏi xe, sau này tôi mới biết đó là Thích Quảng Đức, và thêm hai vị sư trẻ tuổi khác dìu ông ấy ra giữa vòng tròn, đặt một cái gối lên đường trải nhựa. Quả là ký ức kinh hoàng! Một người quay lại xe và lấy ra một can nhựa polyethylene đầy mầu hồng, sau này tôi mới biết là có pha thêm xăng máy bay phản lực để cháy lâu hơn, rồi người này đổ xăng từ trên đầu xuống và lùi lại mấy bước.

Ngay lúc đó, vị hòa thượng rút ra một hộp diêm, quẹt lửa rồi thả rơi vào lòng, ngọn lửa phựt lên trùm kín cả thân người. Mặt ông ấy nhăn nhúm lại, nhìn nét mặt ấy thì biết ông ấy đang đau đớn lắm, nhưng không kêu lên tiếng nào. Tôi nghĩ ông tự thiêu khoảng 10 phút hoặc hơn một chút, nhưng cảm thấy như kéo dài đến vô tận vậy! Cả giao lộ nồng lên mùi thịt cháy trong tiếng kêu gào than khóc của Tăng Ni. Xe cứu hỏa tới, định len vào nhưng các Tăng Ni đã nằm dài ra trước bánh xe để cản đường nên xe không tiến lên được, nếu không muốn cán qua người cản. Sự việc này đã xảy ra khi tôi đang chụp ảnh…” Bức ảnh tự thiêu của Hòa Thượng Quảng Đức đã được M. Browne gửi về trụ sở AP ở Phi Luật Tân và lập tức được phổ biến toàn thế giới.
2. Tổng Thống Kennedy khi nhìn thấy bức ảnh đã nói: “No news picture in history has generated so much emotion around the world as that one” (Không có bức ảnh thời sự nào trong lịch sử tạo nhiều cảm xúc như bức ảnh đó).
3. Ông John Mecklin, nhân viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã phát biểu như sau: “Đây là một biến cố gây chấn động tai hại không lường được trong cuộc khủng hoảng Phật Giáo, nó đã trở thành một vấn đề quốc gia quan trọng nhất phải đối diện tại Việt Nam.”
4. Sử gia Seth Jacobs nói: “Cuộc tự thiêu của HT Thích Quảng Đức đã đốt thành tro kinh nghiệm của người Mỹ về nhà Ngô và không có sự viện trợ nào có thể giúp cho ông Diệm lấy lại uy tín vì bức ảnh của M. Browne đã khắc sâu vào tiềm thức của quần chúng thế giới

IV. ỨNG XỬ CỦA CHÍNH QUYỀN:
Những nhà quan sát và bình luận thế giới, khi vụ tự thiêu của HT Quảng Đức xảy ra thì đều thấy rõ nguy cơ và ảnh hưởng cho chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa.
Ông William Colby lúc đó đã được thuyên chuyển từ Việt Nam sang coi Tình Báo CIA của Á Châu, đã có ý kiến: “Tổng Thống Diệm đã giải quyết cuộc khủng hoảng Phật Giáo vô cùng vụng về, chính vì vậy đã cho nó cơ hội để bùng nổ. Nhưng, tất cả coi như đã xong, họ đã không còn có thể làm gì được nữa, sau khi vị sư này tự thiêu!”
Về tình hình tại Huế, Sài Gòn và các nơi lúc đó, Phật Giáo bị theo dõi, bắt bớ và tiếp tục đàn áp. Tuy đã có Thông Cáo Chung được công bố để làm dịu tình hình nhưng chính quyền vẫn không muốn thật lòng giải quyết, mà chỉ là kế hoãn binh. Chứng cớ không thể chối cãi được là Mật Điện số 1383/VP/TT ngày 18-6-1963 do ông Đổng Lý Văn Phòng Quách Tòng Đức ký gửi cho các giới chức chính phủ cả dân sự lẫn quân sự và ngành Công An - Cảnh Sát như sau: “Để tạm thời làm êm dịu tình hình và khí thế đấu tranh quá quyết liệt của bọn Tăng Ni và Phật Giáo phản động. Tổng Thống và ông Cố Vấn ra lệnh tạm thời nhún nhường họ – Các nơi hãy theo đúng chủ trương trên và đợi lệnh – Một kế hoạch đối phó thích nghi sẽ gửi đến sau – Ngay từ giờ này chuẩn bị cho giai đoạn tấn công mới. Hãy theo dõi điều tra thanh trừng những phần tử Phật Giáo bất mãn và trình thượng cấp kể cả sĩ quan và công chức cao cấp.”
Đây là sự thật về việc chính quyền không thực tâm giải quyết vấn đề và nói lên sự độc tài và kỳ thị tôn giáo nặng nề.
KẾ HOẠCH ĐỐI PHÓ THÍCH NGHI là tối 20-8 rạng ngày 21-8 lực lượng quân đội và cảnh sát đã đột nhập tất cả các chùa trong toàn quốc bắt hết các tăng ni đấu tranh (xin xem ở trang sau).
Đúng vào lúc tình hình căng thẳng thì chính quyền đã gửi Bà Ngô Đình Nhu đi sang Mỹ để giải độc. Vào một dịp thuyết trình về biến cố Phật Giáo Việt Nam cho người Mỹ ngay tại Los Angeles này bà đã gọi vụ tự thiêu là “nướng thịt” (barbecue). Bà đã nói như sau: “Let them burn and we shall clap our hands.” (Hãy để cho họ tự đốt và chúng ta sẽ vỗ tay), rồi bà nói thêm rằng bà sẽ “cung cấp thêm dầu và diêm cho các nhà sư Phật Giáo vì sự nướng này không đủ nóng vì dùng dầu nhập cảng.” Sử gia Howard Jones nói rằng chính những lời nói này đã khai tử chế độ Diệm.
Do chủ trương của chính phủ là không thỏa hiệp và sẽ đàn áp, nên tình hình về mặt thực tế là tu sĩ cùng tín đồ Phật Giáo vẫn bị bắt và theo dõi nên càng ngày càng nặng nề hơn.
Tiếp sau vụ tự thiêu của HT Quảng Đức đến ngày 7-7-63 có vụ tự tử của nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam rồi liên tiếp còn thêm 6 vụ tự thiêu nữa, đó là:
1. Ngày 4-8-1963 Đại Đức Thích Nguyên Hương tự thiêu lúc 12 giờ 00 trưa trước Tòa Tỉnh Phan Thiết.
2. Ngày 13-8-1963 Đại Đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu lúc 2 giờ 00 đêm tại Chùa Phước Duyên, Hương Trà, Thừa Thiên.
3. Ngày 15-8-1963 Sư Cô Diệu Quang tự thiêu lúc 8 giờ 30 sáng tại Ninh Hòa.
4. Ngày 16-8-1963 Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu tự thiêu lúc 4 giờ 00 sáng tại Chùa Từ Đàm, Huế.
5. Ngày 5-10-1963 Đại Đức Thích Quảng Hương tự thiêu lúc 12 giờ 25 tại bùng binh Chợ Bến Thành, Sài Gòn.
6. Ngày 27-10-1963 Đại Đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu lúc 10 giờ 00 tại Nhà Thờ Đức Bà, Sài Gòn.
Đại Đức Thích Thiện Mỹ là người hy hiến cuối cùng trong chiến dịch chống lại chính quyền Tổng Thống Diệm.
 
NGÀY ĐẶC BIỆT TẤN CÔNG các chùa: Đêm 20-8 rạng ngày 21-8-63, chính quyền mở chiến dịch “Nước Lũ” ở khắp các tỉnh bắt giữ toàn bộ các Tăng Ni tranh đấu trong toàn quốc vì bảo vệ Đạo Pháp.
Sau đợt đàn áp này thì phong trào chống đối của Phật Giáo bị tê liệt vì các Tu Sĩ lãnh đạo phần lớn đều bị bắt giam, chỉ trừ những người trốn thoát không bị bắt. (Quý vị tăng ni chỉ được thả sau ngày lật đổ Ông Diệm). Tuy nhiên phong trào sau lại phục hồi, chứng cớ là ở Sài Gòn vào tháng 10 vẫn có 2 vụ tự thiêu của ĐĐ Quảng Hương và Thiện Mỹ như vừa kể ở trên.
Liệt nữ Quách Thị Trang bị súng của lực lượng chống biểu tình bắn chết tại bùng binh Chợ Bến Thành trong cuộc biểu tình ngày 25-8-63 (năm ngày sau Chiến Dịch Nước Lũ tấn công các chùa của chính quyền).
 
V. NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ SAU:
“Tạm ngừng tường thuật ở nơi đây
            Để lắng nghe đời luận gió mây
            Chờ tâm thanh tịnh và trí sáng
            Sẽ lại trở về tình đong đầy”
Kính thưa toàn thể Quý vị,
Âm vang của câu chuyện “tự thiêu” đã được thuật lại bởi Mục Sư Harrington vào một buổi giảng tại New York ngày 30 tháng 6-1963, như sau:
“Cách đây hơn hai tuần, vào ngày 11 tháng 6, vị sư Thích Quảng Đức đã ngồi theo theo kiểu tọa thiền trên đường nhựa nóng. Trong tay Người cầm xâu chuỗi và bắt đầu niệm Phật, còn áo cà sa thì đã tẩm đầy xăng. Các Tăng Ni lùi lại kính cẩn và kinh sợ, còn khách bộ hành thì đoán rằng sắp có việc gì đặc biệt diễn ra nên dừng lại chờ đợi.
Với vẻ yên tĩnh và bình thản trên khuôn mặt, Ngài niệm lớn “Nam Mô A Di Đà Phật”, rồi bật diêm châm lửa, ngọn lửa bốc lên phủ khắp toàn thân. Ngài ngồi thẳng, không rên la lay động trong 10 phút chìm trong khối lửa, khi lửa tàn, nằm xuống bất động…
Người ta có thể tự hỏi sự khủng khiếp và niềm phẫn hận nào đã có thể khiến cho một người của “Tình Thương” “Hòa Bình”, quyết chí tự thiêu?
Nếu sự tuyệt vọng hoàn toàn và chán đời cực độ đã đưa con người trên đời này đến chỗ tự tử thì một lý tưởng cao cả nhất và lòng yêu đời nồng nàn nhất một đôi khi cũng đã sản xuất những NGƯỜI TỬ ĐẠO quả cảm nhất trong lịch sử…
Hòa Thượng Quảng Đức hy sinh đời mình bằng cách tự thiêu để thức tỉnh lương tâm của Tổng Thống Diệm và lưu ý toàn thế giới!”
Tờ báo Le Journal de Genève thì nói rằng: “Người ta có thể tuyên truyền rằng đó chỉ là cuộc nổi loạn của phe đa số khắc khổ kiếm chuyện với chính phủ chỉ là một thiểu số bó kết chặt chẽ với nhau, mà bộ tịch lại vênh váo và cứng nhắc. Nhưng dù sao việc hy sinh của Ngài Thích Quảng Đức cũng cho thấy Phật Giáo Việt Nam đang phải bảo vệ nếp sống và tư tưởng của họ.”
Đó là dư luận bên ngoài còn trong nước thì vô số kể, không thể nào dẫn chứng hết được. Riêng đối với tôi, một người quan sát, một chứng nhân thời đại thì xin nêu ra 7 điểm sau đây do Ngọn Lửa Thiêng Quảng Đức sinh ra:
1. Tạo ra một siêu nhân, một vị Bồ Tát Việt Nam trong thời đại thế giới ở thời kỳ “Chiến Tranh Lạnh”.
2. Sản xuất ra “một Trái Tim Bất Diệt” biểu tượng của xá lợi Đại Bi.
3. Hành động đánh thức Lương Tri Nhân Loại.
4. Nói lên Phật Giáo tranh đấu cho Bình Đẳng và Hòa Bình, cùng đồng hành với Dân Tộc.
5. Thắp sáng ngàn vạn trái tim kẻ khác.
6. Soi rọi con đường điêu linh của dân tộc kêu gọi đoàn kết và thương yêu.
7. Đưa đến một ngả rẽ về chính trị của Mỹ.
Đây chỉ là những nhận xét cá nhân, nếu quý vị thức giả thấy có điều gì sai sót thì xin chỉ dạy, tôi xin vô cùng cảm tạ.
Về nhận xét của các vị thức giả Việt Nam thời đó thì tóm gọn 4 điều đánh giá chính quyền Đệ Nhất VNCH như sau:
- Thứ nhất: Kể từ ngày cầm quyền đã có những hành động tiêu diệt các đảng phái và đối lập với chủ trương độc tài chính trị và độc tôn Thiên Chúa Giáo La Mã.
- Thứ hai: Lập Đảng Cần Lao Nhân Vị và các tổ chức ngoại vi như: Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới v.v… để làm công cụ chính trị, hậu thuẫn cho chính quyền cai trị Miền Nam.
- Thứ ba: Điều hành đất nước theo tinh thần quan liêu, gia đình trị, và muốn Ki Tô hóa đất nước.
- Thứ tư: Không tạo được sức mạnh đoàn kết quốc gia để chống Cộng hiệu quả.
Cực chẳng đã chúng tôi mới ghi lại những điều này vì biết rằng nói ra có thể đụng chạm một số người còn thương quý nhà Ngô bởi ơn nghĩa hay cùng quan điểm hoặc cùng tôn giáo. Nhưng vì những thế hệ đi sau, chúng ta phải nói ra sự thật vì lịch sử vẫn là lịch sử. Nhìn lại lịch sử là coi những diễn biến trung thực của dân tộc và đất nước một cách khách quan, không thiên vị, không ai có quyền bóp méo, xuyên tạc lịch sử. Và nhất là không một người nào hoặc đoàn thể hay đảng phái hoặc tôn giáo nào có thể dựa vào lịch sử để nhận công hay chạy tội cho phe phái mình. Lịch sử bao giờ cũng công chính!
Nhân nói đến chuyện âm mưu xuyên tạc lịch sử, chúng tôi xin cảnh báo quý vị thường dùng Internet là trong hai năm gần đây, ngay việc Tự Thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức cũng đã bị xuyên tạc bằng hai DVD tung lên You Tube:
- Một vào ngày 3-5-2010 nói về Vụ Mất Miền Nam Sài Gòn 1975 có đề cập đến vụ tự thiêu 1963 của HT Quảng Đức. Họ nói rằng tên sư giả là Việt Cộng nằm vùng Nguyễn Công Hoan lúc đó do âm mưu của CIA đã tiêm thuốc an thần quá độ để Ngài thành cái xác không hồn, rồi đem ra thiêu, đó là bịa đặt. Tên này theo tìm hiểu của chúng tôi thì tên thật là Huỳnh Văn Thạnh, sinh năm 1944 (như vậy năm 1963 mới 19 tuổi), sau này là dân biểu của Việt Cộng vùng Khánh Hòa. Người đổ xăng lên Ngài Quảng Đức chính là Đại Đức Chân Ngữ nay đã 80 tuổi sống ở San Jose California.
 
- Vụ thứ hai xuyên tạc là video mang tên “A Shot in “Mondo Cane”” phát lên You Tube ngày 24-7-2011 nói là của hai người Ý quay được dài 7 phút 8 giây. Trong video này họ trộn lẫn đóng giả và một vài cảnh thật lấy từ ảnh chụp. Cái sai của nó là đóng cảnh đồng bào chung quanh, rồi có cảnh sát cản không cho đến gần. Đây là màn đóng ở Cam Bốt vì có cả người mặc xa-rông và chùa theo kiến trúc Thái-Cam Bốt.
Tôi nêu ra ở đây để chúng ta cẩn thận, vì đây là tập đoàn những người buôn thù hận và cực đoan tôn giáo làm ra, họ có mục đích riêng của họ ngoài việc xuyên tạc và bôi nhọ Phật Giáo.
“Họ là những chuyên gia bán buôn thù hận
            Lấy việc đời đem bôi bẩn bùn nhơ
            Xin Ơn Trên hãy thứ tha cho họ
            Vì họ làm trong u muội, mê mờ”

Tượng "bà Nhu" bị sinh viên học sinh đạp đầu
VI. KẾT LUẬN:
Về cuộc cờ Việt Nam từ 1954 đến 1975, cả Miền Bắc lẫn Miền Nam đều bị động giữa hai thế lực lớn là Tư Bản và Cộng Sản. Họ đã lấy đất Việt Nam là chiến trường và dùng xương máu Việt để tranh chấp. Những người bận rộn không nhìn thấy việc này. Người Việt vì những khó khăn trong cuộc sống nên quên cả thương nhau và đoàn kết. Vấn đề Phật Giáo bị lôi cuốn vào sự tranh chấp với chính quyền Ngô Đình Diệm cũng là bị đặt trong bàn cờ lớn.
Đứng ở vai trò của một chứng nhân thời đại, thuộc thế hệ lớn lên trong nạn nước, đã đi suốt chiều dài lịch sử của chiến tranh tan nát và mất mát trên quê hương mình. Từ Bắc vào Nam rồi trải qua một giai đoạn đầy bi kịch của lịch sử, đất nước chia đôi, quê hương tan nát. Tôi đã trưởng thành trong khói lửa, cứ tưởng mình cầm súng giữ quê hương. Nhưng, đến khi cuộc cờ tàn thì bị tù đầy rồi lưu vong tỵ nạn. Nhìn thấy quê hương cho đến giờ vẫn chưa theo kịp trào lưu thế giới, thật buồn thương khôn xiết. Vì cuộc đời là bi hài kịch nên thắng thua chỉ là giai đoạn, chỉ là mộng tưởng mà thôi! Nếu nhìn sâu trên bàn cờ thế giới thì thân phận nhược tiểu vẫn là thua thiệt. Và kẻ thắng có thể là thua và người thua chưa chắc là thua thật. Nếu nhìn sâu từ 30-4-75, Miền Bắc thắng Miền Nam về quân sự, nhưng về mặt thực tiễn và tâm lý họ đã thua hoàn toàn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và nhân phẩm nên đã sinh ra một Dương Thu Hương và nhiều cán bộ tỉnh ngộ xét lại như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, v.v..
Tôi xin kết luận bằng ba đoạn thơ thế này:
Một là NHỚ XƯA
“Hôm nay nhắc lại chuyện ngày qua
            Tôi vẫn buồn thương việc nước nhà
            Vẫn thấy quê hương tan nát quá!
            Khóc cười cuộc mộng… vẫn đi xa…
Hai là VẪN
Tôi vẫn yêu đời thương quê hương
            Vẫn cười nhân thế, ngắm vô thường
            Vẫn mong Đạo Pháp trường tồn mãi
            Buông bỏ mộng đời chẳng vấn vương!
Ba là CÁM ƠN
Cám ơn Quý vị lắng nghe tôi
            Phải-Trái, Đúng-Sai cũng thế thôi
            Lịch sử muôn đời là bài học
            Học thành giọt nước… cuốn sông trôi!
Và cuối cùng là bài thơ XIN CHÀO để kính chào Chư Tôn Đức cùng toàn thể Pháp Hội, xin hẹn một lần sau sẽ trình bày những vấn đề khác của một chứng nhân:
XIN CHÀO
Ta vẫn còn đây, vẫn sống đây
            Vẫn cười, vẫn hát với trời mây
            Vẫn chào cuộc sống đang trôi chảy
            Vẫn thấy hoa cười, vẫn vỗ tay
            Ta thấy kiếp người một phút giây
                        Tại sao không biết sống ngay đây
                        Mặc trời mưa nắng hay giông bão
                        Ta vẫn cùng đi tay nắm tay
Hôm nay hội ngộ ở nơi đây
            Ôn lại chuyện xưa thương xót đầy
            Cùng nhau, buông hết mà vui sống
            Ta cũng mừng ta biết phủi tay
            Lịch sử ngàn đời cất cánh bay
                        Đời thực ngay đây chính phút này
                        Quá khứ vị lai đều ảo ảnh
                        Sống Đạo nơi đời vui lắm thay!.
           
Xin Cảm Tạ Chư Tôn Đức và Cám Ơn Quý Vị Thính Giả.
Kính Chào Pháp Hội hôm nay.

California ngày 23-6-2013
Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả